Người thức dậy kho báu của dân tộc Thái

Ký của Nguyễn Hiền Lương

Nghe tôi gọi điện hẹn thăm, ông- Nghệ nhân dân gian ưu tú Lò Văn Biến, cười giòn rồi bảo: Thế thì quý hóa quá. Nhà mình ở đầu bản Cang Nà- tiếng Thái có nghĩa là bản giữa đồng, dễ tìm thôi. Đúng vậy, tìm nhà ông không khó, hỏi thăm ai cũng biết cả. Bản Cang Nà, là một bản Thái cổ, như một bán đảo giữa biển lúa Mường Lò, vựa lúa lớn thứ nhì của Tây Bắc. Ngoài kia là dòng Thia thơ mộng, gắn liền với quá trình sinh tồn của người Thái Mường Lò, đã đi vào biết bao truyện cổ dân gian, luật tục dân tộc Thái. Có người còn nói với tôi, con gái Mường Lò xinh đẹp, duyên dáng là vì tắm tiên ở suối Thia từ tấm bé.

Nghe tiếng tôi gọi, ông Biến xuống tận chân cầu thang tay bắt, mặt mừng dắt tôi lên sàn. Tôi hiểu đó là một cách đón khách quí của người Thái. Trò chuyện, thăm hỏi xong, tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu về văn hóa Thái. Ông Biến mở tủ bê ra một ôm sách, bảo: Đấy, nó nằm ở đây hết. - Rồi ông cầm từng cuốn lên, giọng hồ hởi: Đây là “Quăm tô Mường” tức là "Chuyện kể bản mường"; đây là “Táy Pú sấc” tức là "Bước đường chinh chiến của người Thái"; đây là “Sóng trụ xôn xao” nghĩa là "Tiễn dặn người yêu"; còn đây là "Cầm Hánh tạp sấc klơng" nghĩa là "Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng", còn nhiều cuốn nữa. Lịch sử, luật tục, phong tục, lời thơ, câu chuyện, câu đố, điệu khắp của dân tộc Thái được ghi lại tất cả ở đây. Cả một kho báu đấy. Quý lắm nhưng đều được ghi bằng chữ Thái cổ, phải đọc được mới biết, mới hiểu không đọc được thì của quý cũng như của bỏ đi.

Nhấp một ngụm nước nhỏ, rồi ông Biến bồi hồi kể: 15 tuổi đã đỗ Sơ học yếu lược, có thể ra làm Tạo theo truyền thống của dòng họ được rồi. Người Thái Tây Bắc có câu: "Họ Cầm làm quan, họ Lò làm tạo" nhưng mình lại lao vào học chữ Thái cổ, cốt để đọc được các cuốn sách này. Khi biết đọc rồi thì càng đọc càng thấy hay, càng thấm thía, mình đã nghĩ đến việc truyền dạy chữ Thái để mọi người đều đọc được. Nhưng rồi, chưa kịp làm thì Pháp tái chiếm Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ta vừa phải đánh giặc ngoại xâm, lại vừa phải đánh giặc dốt, giặc đói. Ông được chính quyền cách mạng phân công dạy bình dân học vụ, xóa mù chữ cho đồng bào mình. Cái duyên làm thầy cũng bắt đầu từ đó. Hết đợt bình dân học vụ, ông Biến được cấp trên cử đi học Trường Sư phạm Khu tự trị Thái- Mèo. Ra trường, được phân công dạy học ở Sông Mã, Sơn La, rồi chuyển về Than Uyên. Sau này, do hoàn cảnh gia đình khó khăn ông mới xin về Mường Lò.  

Đang bồi hồi kể lại những năm tháng tuổi trẻ của mình, đột nhiên ông Biến bảo: Không phải dân tộc nào cũng có chữ viết riêng đâu, thầy giáo ạ. Nhưng người Thái thì có chữ viết sớm lắm. Từ thế kỷ IX đã có chữ của mình rồi nên ghi lại được nhiều thứ. Văn hóa Thái nằm ở đấy cả. Giờ thấy người Thái mù chữ Thái, không đọc được những cuốn sách của tổ tiên để lại, buồn lắm. Nhưng nỗi buồn không làm ông thất vọng. Khát vọng truyền dạy chữ của tổ tiên cho lớp trẻ lúc nào cũng nung nấu trong ông. Vốn có kinh nghiệm sư phạm, ông mày mò tự biên soạn tài liệu dạy học chữ Thái. Chờ đợi mãi, đến năm 2006, tài liệu dạy chữ Thái cổ của ông mới được Hội đồng chuyên môn tỉnh Yên Bái thẩm duyệt, cho phép giảng dạy. Năm 2007, với sự giúp đỡ của chính quyền thị xã Nghĩa Lộ, lớp học chữ Thái cổ đầu tiên có 46 học viên là người dân tộc Thái và một số dân tộc khác trên địa bàn huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ yêu mến văn hóa Thái đăng ký học. Ông là người trực tiếp truyền dạy. Cứ thế, mỗi năm ông mở một vài lớp. Đến nay, đã có 7 khóa học với tổng số 20 lớp. Hơn 600 cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức, nhân dân trên địa bàn Nghĩa Lộ, Văn Chấn đã đọc thông, viết thạo chữ Thái cổ. Không chỉ dạy chữ Thái cổ cho người lớn, ông còn xin lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ dạy thí điểm chữ Thái cổ cho học sinh trong nhà trường. Năm học 2010- 2011, 6 lớp với 123 học sinh  Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, nội dung học chữ Thái cổ vào chương trình đào tạo. Được học cái chữ của tổ tiên, các cháu hào hứng lắm. Đưa cho tôi xem một chữ Thái cổ phóng to, ông Biến tươi cười bảo: Tôi đang thử nghiệm viết chữ Thái cổ theo kiểu thư pháp. Đây là chữ "An", thầy giáo thấy có được không? Không biết chữ Thái cổ nên tôi không dám nhận xét nhiều nhưng quả là nét chữ ông rất đẹp, rất bay. Song điều quan trọng hơn, nó là hương thơm, quả ngọt của cả một quá trình lao động say mê, tâm huyết của ông. Không chỉ bản thân ông say mê, tâm huyết mà ông còn truyền cảm hứng về chữ Thái tới lớp lớp người học. Hỏi những người đã từng học chữ Thái do ông Biến dạy, ai cũng bảo: Học không khó, chỉ 3 tháng là có thể đọc, ghép vần, hiểu nghĩa. Một năm có thể đọc thông viết thạo, dịch được sách, nhưng phải có sự say mê, tâm huyết. Thầy Biến chính là người đã truyền say mê, tâm huyết cho chúng tôi. Thầy bảo: Học chữ Thái cổ không đơn thuần là học viết, học nói, mà là học những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã có từ bao đời của dân tộc Thái. Vì vậy chúng tôi ai cũng hào hứng học lắm.

- Còn với xòe và khắp Thái những giá trị nghệ thuật dân gian Thái thì sao ạ?- Tôi chuyển hướng câu chuyện. Ông Biến lại hào hứng kể: 15 tuổi, ông đã thổi khèn Thái nổi tiếng khắp Mường Lò, là thành viên trẻ nhất trong đội khèn của xứ Mường và đã biết xòe các điệu xòe cổ của người Thái. Khi Nghĩa Lộ được giải phóng, ông xin thành lập Đội Văn nghệ Mường Lò. Lúc đầu đội chỉ có 12 người, tiết mục chỉ có khèn và khắp nhưng hoạt động rất sôi nổi. Đến khi ông đi học sư phạm rồi đi dạy học ở Sơn La, thì phong trào văn nghệ Mường Lò cũng lắng dần xuống. Khi trở về địa phương, được cử làm Trưởng Ban Văn hóa- Giáo dục xã Nghĩa Lợi, ông xin khôi phục ngay Đội Văn nghệ xã. Phong trào văn nghệ bắt đầu từ Nghĩa Lợi lan rộng ra các xã khác trong huyện nhưng vẫn chủ yếu là khèn và khắp. Làm sao khôi phục được các điệu xòe cổ vẫn luôn canh cánh trong ông. Năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái lập, thấy đây là cơ hội tốt, ông đề nghị lãnh đạo thị xã cho khôi phục lại 6 điệu xòe cổ. Được lãnh đạo đồng ý, ông thành lập ngay đội xòe rồi dạy xòe ngay tại sân nhà mình.- Ngừng một lát, rồi ông bảo: Khi truyền dạy các điệu xòe cổ, tôi không chỉ dạy động tác mà còn giảng giải về ý nghĩa của xòe nói chung, ý nghĩa của từng điệu xòe, ý nghĩa của từng động tác xòe. Ví dụ như điệu “Khắm khen”- nắm tay cùng xòe, điệu "Phá xí"- xòe bổ bốn, điệu "Đổi hôn"- xòe tiến lùi, điệu “Nhôm khăn”- xòe tung khăn, đều có ý nghĩa thể hiện sự gắn kết cộng đồng, khi có niềm vui thì nắm tay cùng nhau chia vui, khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau vượt qua. Dù trời đất có thay đổi, cuộc sống có khó khăn thì tình người vẫn luôn sắt son bền chặt bên nhau. Hay điệu  “Ỏm lọm tốp mư”- xòe vòng tròn vỗ tay, vừa thể hiện sự hân hoan lại vừa thể hiện sự bịn rịn không muốn rời nhau. Còn khi có khách đến nhà thì xòe “Khắm khăn mơi lẩu”- tức là nâng khăn mời rượu, thể hiện sự hiếu khách của người Thái. Có thế bà con mới hiểu xòe mới mang các giá trị văn hóa nhân văn chứ. Bà con hiểu được ý nghĩa của xòe thì hăng hái luyện tập lắm, chẳng khác nào như cá gặp nước vậy. Năm 2013, Nghĩa Lộ tổ chức màn đại xòe với 2013 người tham gia. Năm 2015, lại tổ chức màn đại xòe, nhưng màn đại xòe 2019, mới là kỷ lục, có tới 5000 người cùng xòe. Khó có hoạt động nghệ thuật quần chúng nào lại có sức hút lớn đến như vậy. Thú thực khi bắt đầu xin truyền dạy xòe cổ, tôi không nghĩ lại có ngày nhiều người tham gia như thế...- Đang vui, bỗng nét mặt ông Biến thoáng buồn, trầm ngâm hồi lâu rồi ông mới bảo: Vậy mà không phải ai, kể cả người Thái cũng đã hiểu đúng về xòe đâu. Hội thảo quốc tế: "Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại" tại Hà Nội vừa rồi, có ý kiến cho rằng xòe mừng nhà mới chỉ là để thử độ vững chắc của ngôi nhà và để xua đuổi tà ma. Hiểu như thế là nông cạn lắm. Xòe đâu chỉ là nhảy múa bằng động tác chân tay hay là sự mê tín. Họ quên mất ý nghĩa văn hóa, tinh thần của xòe. Người Thái đã có câu nói cửa miệng về xòe rất hay: "Không xòe không tốt lúa/ Không xòe thóc cạn bồ/ Không xòe hoa sẽ héo/ Không xòe trai gái không thành đôi"... Ngừng một lát rồi ông Biến lại hào hứng kể: Năm 2002, tôi lại xin thị xã cho khôi phục sàn diễn Hạn khuống, một hình thức biểu diễn khắp độc đáo của người Thái. Trai, gái chưa vợ chưa chồng mời nhau lên Hạn khuống, vừa xe sợi, dệt vải, vừa khắp, thổi pí, thổi khèn để tìm hiểu nhau. Từ sàn Hạn khuống mà nhiều đôi nam nữ nên vợ, nên chồng. Nay thì xuân nào các xã ở Nghĩa Lộ cũng làm Hạn khuống. Nhưng Hạn khuống của Nghĩa An, do Nghệ nhân Điêu Thị Siêng tổ chức vẫn hay nhất. Chị ấy vừa sưu tầm vừa biểu diễn rất hay nhiều điệu khắp cổ.

Nghe tôi bảo muốn nghe một điệu khèn bè, ông Biến với tay lên vách gỗ lấy khèn xuống thổi điệu khèn cho xòe “Ỏm lọm tốp mư”. Quả là chỉ nghe âm thanh thôi tôi đã thấy sự rộn ràng của điệu xòe vòng tròn, vỗ tay đầy hào hứng này. Đợi ông thổi hết điệu, tôi hỏi, khèn Thái khác gì với khèn Mông không ạ?- Ông Biến bảo: Trước hết là khác về số ống. Khèn Mông có 6 ống, còn khèn Thái có tới 14 ống, nên âm điệu của khèn Thái rất phong phú, đa dạng. Vì thế khèn Thái không chỉ đệm cho khắp, cho xòe mà còn có thể chơi được cả các bản nhạc hiện đại. Khi tôi mở lớp dạy thổi khèn, thanh niên Nghĩa Lộ học đông lắm. Giờ họ thổi khèn đệm cho cả các bài hát mới. Năm 2017, chúng tôi làm chiếc khèn bè có chiều ngang 5m, chiều cao 2m, do 5 người cùng trình diễn để tham gia Lễ hội du lịch về cội nguồn đấy.

Tôi xin phép ông, mở một cuốn sách ra xem. Vừa đặt tay vào cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ, đã có từ gần chục thế kỷ, trong tôi có một cảm giác thật khác lạ. Phải chăng, tôi đã chạm vào mạnh ngầm sức sống của cả một dân tộc đang từ sâu thẳm của lịch sử chảy về. Ông Biến bảo: Những cuốn sách này quý lắm, không phải chỉ cho người Thái đâu. Nhờ có sách mà tôi đã giúp cho rất nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong nước và cả nước ngoài làm luận án, luận văn, khóa luận. Ở tỉnh mình có chị Hoàng Vân Mai làm luận văn Thạc sĩ về địa danh Mường Lò, chị Lê Thị Nga nghiên cứu về 6 điệu xòe cổ, chị Đỗ Thị Hồng Hạnh tìm hiểu về các lễ hội dân gian dân tộc Thái đen. Người nước ngoài thì có Tiến sĩ Ha-ki-ga Na-ma-sao người Nhật cũng lên đây học, đọc sách chữ Thái của tôi để nghiên cứu về các dòng họ dân tộc Thái. Ông ấy đã xuất bản cuốn sách "Dòng họ Cầm, dân tộc Thái Việt Nam". Ông nói với sinh viên của mình, muốn học chữ Thái thì sang Nghĩa Lộ, Việt Nam mà học. Vừa rồi ông đã dẫn 20 sinh viên Nhật đến Nghĩa Lộ học chữ Thái. Rồi Thạc sĩ Ô-ka-đa Ma-sa-si cũng là người Nhật, Tiến sĩ  Rắc-đơ-mon, người Pháp, Tiến sĩ Bla li de, người Đức... cũng đều chọn Nghĩa Lộ để học và đọc sách chữ Thái cổ để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân tộc Thái...

Gập cuốn sách lại, ông Biến bảo: Nhờ đọc những cuốn sách này ông còn được mời tham gia Hội đồng bảo vệ tri thức bản địa các dân tộc thiểu số Việt Nam; được tham gia nhiều Hội nghị quốc gia và quốc tế như Hội nghị nhân dân các nước Asian, Hội nghị các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Khi người Thái ở Thái Lan làm Lễ khánh thành Nhà cộng đồng dân tộc Thái, ông được mời sang dự. Vừa thấy ông, ai cũng reo lên: Thảu Biến quá! Thảu Biến quá! (cụ Biến đấy! cụ Biến đấy!). Nghe ông Biến nói, tôi chợt nghĩ, sự am hiểu về dân tộc Thái của ông không chỉ ở tầm quốc gia, mà đã vươn tới tầm quốc tế. Tôi mới hiểu vì sao người con trai họ Lò này đã không theo con đường quan chức mà suốt đời gắn bó sâu nặng với văn hóa, văn học, văn nghệ dân gian Thái, lấy đó làm niềm vui, làm lẽ sống của đời mình. Nghe ông hoan hỉ khoe, đền thờ Cầm Hánh, người con ưu tú của dân tộc Thái với tổng kinh phí xây dựng trên 8 tỷ đồng sắp hoàn thành, tôi cũng thấy vui lây. Rồi ông vào buồng bê ra bầu rượu, rót ra 2 ly, bảo tôi: Rượu bổ, Bí thư Vĩnh tặng đấy, chỉ đãi khách văn quí thôi. Mời chú!  - Tôi nâng chén rượu trên hai tay, khẽ chạm chén với ông, rồi vừa nhấm nháp hương vị thơm ngậy, cay nồng của rượu ngâm cao, vừa say sưa ngắm nét mặt đôn hậu, tươi tắn, mái tóc bạc trắng như cước của ông Biến. Cứ thế chúng tôi bên nhau suốt cả buổi chiều mà vẫn chưa muốn rời nhau. Càng trò chuyện với ông tôi càng hiểu ông không chỉ là Nghệ nhân dân gian ưu tú, là thầy giáo dạy chữ, dạy hát, dạy múa, dạy khèn mà còn là một nhà Thái học. Một nhà Thái học đặc biệt bởi ông không chỉ nghiên cứu, am hiểu mà còn là người thực hành, truyền dạy, truyền cảm hứng để từ đó thức dậy những giá trị văn hóa cho cả cộng đồng. Nhờ có ông, mà các thế hệ trẻ dân tộc Thái Nghĩa Lộ, Văn Chấn tìm về được với cội nguồn, biết trân quý những giá trị văn hóa độc đáo, và khai thác những tinh hoa văn hóa ấy làm phong phú đời sống tâm hồn của con người trong xã hội hiện đại.

Lúc chia tay, ông tiễn tôi ra tận đầu ngõ, nắm chặt tay tôi, ân cần chúc sức khỏe, may mắn và dặn tháng sau vào, ông sẽ dẫn đi chơi Hạn khuống. Tôi không đi theo con đường xi măng mà men theo bờ ruộng cắt ngang qua cánh đồng Mường Lò về bên phố. Đi giữa cánh đồng mênh mông, tôi chợt thấy có một hương vị gì rất quyễn rũ. Dừng hẳn lại, nhắm mắt, tĩnh tâm để cảm nhận. Chợt, tôi tự reo lên trong lòng: Hương lúa non! Đúng là hương lúa non. Lại một mùa lúa nữa về với Mường Lò. Không biết đã bao nhiêu mùa lúa rồi, từ ngày Tạo Xuông, Tạo Ngần dẫn người Thái đen từ Mường Ôm, Mường Ai, xuôi sông Hồng rồi ngược suối Thia vào khai phá vùng đất này lập nên Mường Lò, tạo nên không chỉ là một miền quê trù phú, gạo trắng, nước trong mà còn sản sinh ra những giá trị văn hóa vô cùng quý báu. Những giá trị văn hóa ấy đã góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đã và đang vượt khỏi giới hạn quốc gia, dân tộc, vươn tới tầm quốc tế, nhân loại. Một trong những người đem lại những giá trị ấy cho văn hóa Thái, chính là ông- Lò Văn Biến, một con người bé nhỏ, giản dị nhưng lại làm được một công việc cực kỳ to lớn.

                                                            

                                                                 N.H.L

 

Các tin khác:

51-55 of 283<  ...  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter