Nhà không nóc

Truyện ngắn của DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Vy tự hứa với mình, đây là chuyến đi cuối cùng. Khi chân vừa đặt lên một hòn đá sau nhiều lần dấp dứ xem nó còn công kênh nữa không, tay với tìm tay trong cái nhìn không còn đủ sức tin tưởng.

“Sẽ chẳng bao giờ có lần cuối cùng”. Không chỉ vì đọc được suy nghĩ mà cái cách nói kéo điệu rè rè ấy làm Vy phát bực. “Vẫn còn sức mà trêu đấy”. May mà Định làm cho người cô cảm thấy được nhẹ bẫng đi dù chỉ là một vài giây ngắn ngủi.

Mắt chạm vào đầu gối mình, vật vã lần tìm những khoảng trống bé nhỏ giữa giăng mắc cây bụi đan vào nhau. Thỉnh thoảng chạm tay vào mớ lá khô mềm nhũn, ướt nhoẹt. Cô đã đi đến giới hạn của sự vụn vỡ.

- Gặp được còn là cái duyên. Có thể bà ấy đang đi hái thuốc.

“Biết rõ hành tung như thế sao không chắc chắn lúc nào bà ta ở nhà để tôi còn đi”. Đã suýt bật ra những lời đó thành tiếng nhưng cổ họng khô rát, nghẹn cứng.


 

“Anh biết một bà xem bói rất cao tay chắc sẽ cho em một vài chỉ dẫn cần thiết. Anh không thể đi cùng em được nhưng anh đã nhờ Định, em có thể hoàn toàn yên tâm về cậu ấy, là thổ địa, cũng đã từng dẫn đường cho một vài người anh quen”. Minh nói thế trong sự an ủi khi những cuộc nói chuyện giữa anh và cô thường xuyên bị ngắt quãng bởi các những câu hỏi chen ngang của mẹ.

Đã nhiều năm nay, cửa nhà Vy không đóng, mẹ cố tình để cơm và thức ăn trên bàn và cẩn thận đậy lồng bàn lên đó. Mẹ chắc chắn là thằng Đan đã về nhà. Nếu có gì chắc chắn nhất đối với bà lão ngoài 70 lúc này chỉ có thể là tiếng thằng con trai rời nhà đi đã 10 năm nay. “Đấy mày nghe gì không? Tiếng bước chân, tiếng nhẹ, chậm hơn hôm qua, khổ thân, hay là nó ốm. Tôi nghe đoạn độc thoại rào rạt lẫn vào tiếng gió vỗ vào liếp cửa, vào một đêm thảng thốt tỉnh dậy quàng tay qua thấy không còn mẹ bên cạnh. Căn nhà gỗ hướng Đông Nam lồng lộng gió được Minh nhiều lần ngõ ý xin mẹ xây lại, có lẽ anh nghĩ đó là lý do khiến tôi chưa thể yên tâm bước về nhà anh.

Tranh thủ vào những ngày xe trống chiều về Minh thường chở khi ít sắt, tôn, sỏi, lấp đầy những khoảng trống xung quanh nhà. Mẹ ngơ ngác lặp đi lặp lại câu hỏi: “Chúng mày cứ chồng sắt cao và nhọn lên như thế, thằng Đan làm sao mà vào nhà được”. Những luống rau đang hái dở nát nhoét, vàng nẫu. Bóng mẹ lẫn vào trong đám cỏ cây giữa vườn rau héo úa.

Nhiều người không hiểu vì sao đám cưới của chúng tôi lại luôn bị trì hoãn. Kể cả là các chị trong trường. “Mày nhìn lại xem, có ai tuổi này còn cô đơn lẻ bóng không. Mà không có ai đã đành. Hay còn chê gì thằng Minh. Làm người phải biết điểm dừng. Đừng đứng núi này trông núi nọ”. Mẹ cô thỉnh thoảng vẫn nhắc “Sao không thấy nhà bên kia sang chơi. Hay họ sang lúc mẹ vắng nhà. Có việc gì cứ gọi to cho mẹ, mẹ chỉ quanh quẩn trong mảnh vườn này thôi”. Rồi những câu nói “Nhà gái người ta không vội, mình vội làm gì. Thằng Minh nhà mình lấy đâu chẳng được vợ. Nó mà chịu khối đứa xin chết” cứ rào rạt đi qua lòng Vy. Số ít trong khối đứa mà chị Minh nói Vy cũng biết.

Mẹ Vy cứ ốm, như thể bà phải sống trong sự trăm năm trường cửu đó. Nhiều đêm, ghé đầu bên mẹ, chạm tay vào khúc xương mòn vẹt, lộc cộc sau tấm áo mỏng, Vi nghe cả tiếng xạc xào, rơi rụng hắt trong hơi thở nhẹ bẫng. Trong ú ớ cơn mơ, mẹ run lên bần bật vì sợ, những tiếng Vy lắp ghép lại được là: “Đan, cẩn thận, đá, chạy mau”. Nhiều lần ngồi thở dài bên bậc cửa, mẹ tự nói một mình “Thằng Đan, nó còn sống. Sao không ở nhà với mẹ hả con”.

Có khi đã định lấy chồng, nhưng nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ lại ốm. Cứ nghĩ đến chuyện thủ tục, lễ nghi, chuyện mẹ phải đi lại cười nói theo người ta chỉ bảo là Vy thấy rối bời. Đầu cứ ong ong tựa như lúc 37 đứa trẻ đồng thanh khóc ngằn ngặt trong buổi đầu đến trường và cô giáo trẻ cũng ngày đầu lên lớp. Vy không biết phải bắt đầu từ đâu. Lúc có nhiều bạn bè đồng nghiệp hơn lại rơi vào dịch dã. Đến người đau ốm còn chẳng đi được bệnh viện, đến cái chết còn phải giằng co ... nói gì đến cưới xin. Với Vy, thêm một lý do để trì hoãn. Như bây giờ, mọi thứ đã đi qua, tuổi xuân nhạt dần, cô vẫn cảm thấy chơi vơi.

“Hình như em không yêu anh?”. Minh nhiều lần lặp lại câu hỏi ấy, từ lúc trong đầu Vy chưa xuất hiện điều đó, chưa biết yêu là gì, cho đến tận bây giờ. Nhiều lúc cô nghi ngờ về bản thân “Mình đang muốn điều gì”. Vy có chờ những câu nói của bố Minh: “Sức khỏe bà có tiến triển không? Cứ như thế này thì ai phục vụ cho được, ai còn có phận người nấy. Người đày còn biết tránh, trời đày thì…” không còn là sợi dây quấn chặt lấy cổ Vy, ong ong trong đầu Vy nữa hay không?

Những buổi chiều, thường là lúc gió từ ngoài sông thổi dạt cánh mối rơi lấm tấm trên nền đất, kẹt lại trên rãnh nhăn khô khốc trên khuôn mặt chính là lúc mẹ tỉnh táo nhất. Mẹ thường nhìn lên những cột kèo ngang dọc đan nhau đỡ vào mái ngói in nhiều vết rạn và thở dài “Có lẽ, mình mẹ không còn chống đỡ nổi”.  Mẹ thường giục Vy đi tìm kiếm thằng Đan. “Con người chứ phải cây cỏ đâu mà mất hút được”. Mà một mình mẹ không thể mất hút đến 2 người. Vy cũng thường nghe người ta nói, luôn có đủ hạnh phúc và đau khổ để chia đều cho mọi người ở trên tất cả thế gian.

Người thứ nhất là bố. Họ chỉ gắn bó qua mai mối nhưng chưa từng nghĩ không ăn đời ở kiếp với nhau. Còn bé, Vy không hiểu được thủy tề, thần sông, thành hoàng làng gì đó. Nhưng Vy tin bố là con của ông Thủy Tề nào đó như mọi người vẫn nói là thật, vì bố Vy ngoi từ dưới sông lên, cắm trụ ở làng này, chưa ai nhìn thấy, kể về ông bà nội. Dù là mùa lũ, nước ngập cả mặt người bố vẫn biết tránh ngềnh đá, vẫn đoán định được đường đi của cá. Nhà Vy có thể có thể thiếu gạo, muối nhưng những con cá dù đã không còn tươi sau phiên chợ đến trưa ngặt nghẽo của mẹ, cũng quá mong muốn của thời đó, nhà Vy có đầy. Vy biết làm cá kho, cá luộc, cá nướng, cá khô từ bé. Đến cả bây giờ, nếu ai đó nhìn lâu hơn một chút, cô sẽ bất giác ngửi khắp cơ thể mình. Cô luôn cho rằng cơ thể mình ướp mùi cá, phía sau của mình cũng có một chiếc đuôi lúc vẫy bên này lúc vẫy bên kia. Rất nhiều lúc Vy cứ thế mà về nhà chứ không đi bằng chân?

Có phải, Vy thắc mắc quá nhiều lần chuyện đó, đến mức bố, mẹ Vy không giải thích được; có phải vì chợ không quá ế ẩm; có phải vì thằng Đan tím tái khi mắc xương cá ở cổ trong lúc ăn vụng ở nhà nên bố đã tìm cách đi buôn đồ rừng, để rồi mất hút. Mẹ bỏ cả chợ, bỏ bao mối quen để đi tìm. Sau mỗi lần trở về, da mẹ xạm đen, chân tay lại thêm nhiều vết sứt xước, mắt vẫn còn lấm lét vì quen với những ánh mắt dò xét, nghi hoặc. “Người đã muốn đi, mình làm sao giữ”. Vy nghe ở đâu đó, về cong cớn nói với mẹ. Ấy vậy mà, chỉ cần nghe người ta chỉ ở đâu mẹ đi tìm ở đó. Mấy xâu tiền đúc vào ruột tượng mẹ dắt trên chái nhà, cũng có chân theo mẹ mà đi. “Con không cha, nhà không nóc, chúng mày, sẽ lớn lên nhưng thế nào?”.

Lần cuối cùng mẹ khăn gói lên đường, “chắc chắn không thể nào nhầm được”, người kể với mẹ cam đoan như thế và trực tiếp đưa mẹ đi. Khi đến trước ngôi nhà gỗ thấp tè, kẽo kẹt tiếng mọt, nhìn người đàn bà bụng phưỡn lên sau làn áo, phe phẩy quạt, mẹ đã quay về, cũng chẳng biết bố có thật sự trong đó không.

            Vào một ngày không ngờ nhất, bố đã trở về. Đổ gục trước cửa nhà. Như dáng người ta quỳ xuống xin lỗi rồi không đứng dậy nữa. Trong đám tang hình như Vy không khóc, chỉ có mẹ nước mắt chảy dài, vừa khóc vừa kể lể về một cuộc đời bi cực, sao đến nông nổi ấy. “Cứ để cho mẹ khóc, khóc cho vơi bớt uất hận, khóc để tiễn biệt, khóc để từ nay không còn nỗi bi thương”. Ông trưởng thôn đáng kính chủ trì cho buổi tang lễ đơn sơ hôm đó nói vào tai Vy, khi mắt vẫn quan sát và cắt cử, phân phó mọi người vào công việc. Nhưng nỗi đau đời bà không ngắn như đoạn khóc bi thương kia, bởi sau khi công việc xong đã không ai thấy thằng Đan nữa.

Thực ra, Đan không có nhiều ký ức về bố. Ông đi khi cậu còn nhỏ, chưa kịp dạy con trai bơi lặn để tồn tại trên vùng sông hồ này, cũng chẳng dạy cho cậu cách phân biệt cây nào là thuốc, cây nào rau, cây nào gỗ quý. Vì thế nên không bao giờ mẹ tin Đan đi tìm người đàn bà hại đời bố, như lời người ta nói. Bà chỉ nghĩ là hay nó buồn quá bỏ đi đâu đó rồi lạc. Chỉ cần qua cây cầu nhỏ, phía bên kia là một thế giới hoàn toàn khác, không có những đụn khói bay lên cuối chiều, những cái cây giống giống nhau, trơn nhẵn không đẽo đục khắc dấu, những con đường chạy dài như sợi chỉ không vướng núi cũng chẳng gặp đồi, mà thằng bé mới bảy tuổi nói không rõ tiếng phổ thông làm sao có thể về nhà. Thằng bé không về, ánh mắt, nụ cười, cõi lòng bà cũng rơi rớt lại trên từng ngả đường ngoài phố chợ. Vy nhiều lần gào lên “Nó không về mẹ sẽ sống cả đời vậy sao, thế con là gì với mẹ?”. Sau cùng, lâu dần lời cô chỉ còn lại là “Mẹ ơi, giờ con phải làm sao?” nhưng ánh mắt mẹ vẫn thường hướng đi đâu đó. Minh từng nhìn rất lâu vào khung cửa sổ, nơi có mảng màu thẫm lại, se sắt khi sang nhà Vy chơi.

Vy yên trí rằng, giờ này, Minh đang có mặt ở nhà cô. Sẽ mang cho mẹ cô chiếc bánh tẻ còn nóng hổi. Sự quan tâm của Minh luôn giản dị đến mức Vy không tìm được lý do để mà từ chối. Anh có một chiếc xe để chuyên chở đủ thứ. Để có tiền, để có cả những hiểu biết nhặt nhạnh được từ khắp các cung đường xóm ngõ, đủ để thông cảm cho nhiều câu chuyện trên thế gian, để có thể mang đến cho chuyện nhà cô một cách tiếp cận khác không như mọi người nghĩ. Đủ để bao bọc, dịu dàng với cô. Vy nghĩ thế trong bao nhiêu năm đi lại với Minh như một lẽ đương nhiên.

Định không như Minh, lời anh ta buông ra như những bước chân đặt lên con đường mòn trước mặt, từng chữ một nặng chắc mà chẳng kiêng dè “Cô còn trẻ thế sao có thể tin vào những thứ trò bùa ngải? Sao không thử đăng tin lên báo, tivi? Vy thở dài, cô phải dành sức lực để nhấc thân mình lê lết về phía trước. “Chân bọn trẻ con như nai, con hoẵng trong rừng, dây nào mà buộc được. Đến một lúc nào đó khắc tự quay về”. Vy không biết Minh kiếm đâu ra kẻ dẫn đường ngớ ngẩn này, anh ta đã không muốn sao lại vẫn đưa cô đi. Khá gan lì, ương bướng nhưng niềm tin trong cô đang rời đi từng chút một.

Mây trũng xuống làm căn nhà nhỏ đen trũi hòa vào một khối với màu xanh đen của rừng rậm. Định soi bằng chiếc đèn pin của điện thoại để tìm những thứ cơ bản nhất. “Có lẽ hôm nay ta phải ở lại đây. Bà già không có nhà”. Khá thành thạo Định tìm được cả mì tôm, lương khô, một vài thức quà mà người đi trước đến tạ lễ. Nhưng chỉ có một chiếc giường nhỏ.

            Mưa miền núi, đến gần như bất chợt. Vy cảm giác như cả dòng lũ đang cuồn cuộn, dưới ngay gầm giường, nước ào ạt dâng lên sắp cuốn luôn cả cô trong dòng nước ngầu đục và rác rưởi. Là cô cứ tưởng tượng thế chứ Định vẫn ngồi ngay dưới sàn nhà, cô nghe rõ hơi thở anh trong cả tiếng mưa xé vào lá.

- Có thể sáng chúng ta phải quay ra, nếu không không kịp mất.

- Anh đừng làm tôi sợ.

- Mưa sẽ kéo dài, vì vậy, bà cụ cũng không thể về được. Chờ cũng vô ích. Cô nhìn thấy nước đỏ ngầu kia không? Đất đang nhão ra, có thể sụt lún trôi tuột đi bất cứ lúc nào- Anh ta cứ lải nhải.

- Vy tìm đủ mọi lý do củng cố cho ý nghĩ không thích anh ta. Anh ta không nhiệt tình, chưa bao giờ nói được một lời động viên, khích lệ. Anh ta không đủ năng lực. Phải dự tính được khả năng di chuyển của mọi người, căn giờ giấc để dự báo, đề phòng mọi khả năng có thể xảy ra, ít nhất là khi mưa lớn không thể nói một câu “quay về” rất vô trách nhiệm như bây giờ.

- Không ra khỏi đây nhanh có trời mới cứu được. Không, trời cũng không thể cứu, chỉ có nó.

- Nó là ai, không thể tìm được nữa à?

Định im lặng hồi lâu. Anh ta không có vẻ là người nhiều chuyện nhưng họ buộc phải nói chuyện cho đêm nhanh về sáng.

- Vùng này trước kia là con đường buôn lậu, cô biết không?

Ngoài mấy đứa trẻ, ngoài cái xóm ven ảm đạm nơi cô sống, Vy gần như xa lạ với mọi thứ khác. Định có lẽ hiểu điều đó ngay khi câu hỏi của anh ta vừa rơi ra. Vy thậm chí còn có cảm giác khí lạnh của đêm mưa rừng đã đóng băng cô lại.

- Chúng tôi có một nhóm chuyên mang đồ thuê. Ý là chúng tôi nhận đồ từ đầu mối quen, quấn đồ đạc quanh người, di chuyển qua khu rừng này đến người nhận bên kia, lấy tiền công cả hai đầu theo giá trị của hàng hóa. Là cửu vạn nhưng lại không chỉ yêu cầu sức khỏe mà còn nhanh nhẹn, thạo mọi ngõ ngách đường rừng bởi vì công an và bộ đội tuần tra phát giác nhanh lắm. Mùa mưa, thời tiết nguy hiểm là khi dễ hoạt động nhất. Phải dạn dĩ, bơi giỏi, hiểu lòng sông suối mới có thể lăn theo đó mà kiếm tiền. Có những gia đình họ sống dựa vào nghề này. Đứa bé 4,5 tuổi đã theo bố mẹ, kể cả các bà 50, 60 tuổi cũng vẫn leo đồi, lội suối. Đôi khi, họ còn lấy được lòng thương hại khi gặp truy đuổi. Mưu sinh mà, chẳng có nghề nào là dễ dàng cả. Nhưng có liều lĩnh đến mấy thì cũng chẳng có ai dám dành với nó khi đi qua đoạn suối này mùa lũ. Nó như hòn đá cuội đã lăn hết hồ này sang suối khác. Các bà mế hay bảo cái vía nó nằm dưới suối. Hay nó là con hà bá thật.

Đang trôi trong suy tính cho ngày mai, Vy giật nảy mình. Lâu lắm rồi cô mới nghe đến cụm từ quen thuộc mà xa lạ đến vậy.

- Cậu ấy bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu, trông cậu ấy như thế nào?

Chưa bao giờ Định nhìn thấy Vy như bây giờ, trong đêm tối, đôi mắt như ngọn lửa, không thấy ấm, chỉ thấy cháy rụi lòng anh ta. Không hiểu lắm, anh ta trả lời và kể như một kẻ bị thôi miên.

- Nó thua tôi vài tuổi. Mọi người cũng chỉ đoán thôi chứ ai có thời gian để hỏi han nhau đâu. Mà hỏi chắc gì người ta nói thật. Dân tứ xứ mà.

Dù Định đã nhấn mạnh ở từ “tứ xứ”, nhưng cô vẫn gặng hỏi:

- Anh cũng không đoán được cậu ấy ở đâu à? Anh cố nhớ xem cậu ấy có đặc trưng gì trong ăn uống, lối sống không?

            - Hình như nó không thích ăn cá vì sợ hóc xương. Kể cũng lạ, người gắn với sông với nước lại sợ cá. Một lần say rượu sau cuộc vật vã với cơn lũ, nó bảo khi nào kiếm đủ tiền sẽ xây một căn nhà to nhất xóm, một căn nhà có những cây cột vân gỗ, nhưng sẽ xây mái bằng, nhà không cần nóc.

- Phải có cách nào đó để ông chủ liên lạc khi cần chứ?

- Tôi chưa từng làm ông chủ. Với lại, chúng tôi luôn có mặt ở đây khi cần.

Nếu nó không trôi theo một cơn lũ cuốn, có lẽ giờ này, nơi đây vẫn là một trọng điểm vận chuyển hàng lậu qua biên giới.

---

Định nói rằng, khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt của Vy đã làm ướt chiếc áo đẹp đẽ duy nhất Định có. Nếu anh ta không bế cô về giường thì hôm nay cô chẳng đủ sức mà đi đoạn đường xuống núi.

Không biết sau một đêm có thể biến một con người này thành người khác được không nhưng Định đã hoàn toàn biến đổi, gần như là trách nhiệm, nhưng cũng gần như là sự đồng cảm.

Khi Định đưa Vy đến trước cửa nhà, mẹ Vy vụt lao ra ôm lấy Định, có giọt nước rê qua những vết nhăn: “Thằng Đan đây rồi, khúc ruột của mẹ, ở lại đừng đi nữa con ơi”. Định cúi xuống, để những ngón tay nhăn nheo đi khắp mặt mũi, đầu tóc.

Xóm ven của Vy nhộn nhịp hơn ngày thường, người ta thu gom, cất dọn đồ đạc, người ta chằng chéo lại nhà cửa. Minh mang thêm thực phẩm đến phòng ngày mưa lũ. Nhưng, mây đang tan ra, con giông lốc chỉ còn cơn gió nhẹ bay là là qua nóc nhà mẹ con Vy.

D.T.P

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter