Nữ “thủ lĩnh” Đoàn trên bản Mông Lao Chải

                                                      Ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

Đã sang tháng Giêng năm Quý Mão, tôi trăn trở tìm đề tài để viết một bài khai bút đầu năm. Nhớ tới câu nói của Bác: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân/ Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ/ Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vậy thì phải viết về mùa xuân và tuổi trẻ để khai bút là đúng nhất rồi. Vì yêu thích vùng cao, vùng cao luôn đem lại cho tôi những cảm hứng mới mẻ và hấp dẫn. Cuối năm 2022, tôi đã lặn lội lên Trạm Tấu, viết bài tất niên chia tay năm Hổ, thì đầu năm 2023, lại đi phượt lên Mù Cang Chải một chuyến viết bài khai bút, khai xuân chào đón năm Mèo chứ.

Ngay sáng hôm sau, tôi bắt xe khách ngược Mù Cang Chải. Có ra khỏi thành phố nhà cao tầng san sát, xe pháo đủ loại nườm nượp chật đường, ồn ã, hối hả mới thấy hết cảnh sắc, hương vị tự nhiên của mùa xuân thiên nhiên thật tuyệt vời. Mọi thứ ở thành phố dẫu có trang hoàng lộng lẫy đến đâu cũng không thể nào đem lại cảm giác lâng lâng như những cái tự nhiên của mùa xuân đem lại. Dọc đường đi, nắng xuân vàng tươi, trải dài lên những đồi chè xanh mướt đang chồi búp nõn, thi thoảng lại bắt gặp những cây đào trước hiên những ngôi nhà bên đường bung nở những nụ hoa cuối mùa, những đàn trâu, bò đủng đỉnh gặm cỏ trên nương, những tốp trẻ con đi học về ríu rít như đàn chim non, những cái rạp cưới bắc trên sân, hay ngay trên bãi đất, tấp nập người… Chỉ thế thôi, những hình ảnh dân giã, tự nhiên, thô mộc nhưng lại làm cho tâm hồn tôi thư thái, thoải mái, dễ chịu và đầy hào hứng, quên cả mệt nhọc đường dài.

Tới Mù Cang Chải tôi lên ngay Ban Tuyên giáo Huyện ủy nhờ các anh giới thiệu cho một đối tượng để viết. Biết được ý tưởng của tôi, anh Đồng Gia Nghĩa, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, hồ hởi bảo:

- Vậy thì anh lên Lao Chải, viết về Đoàn xã Lao Chải và Lý Thị Thiêm, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện Đoàn Mù Cang Chải, Bí thư Đoàn- Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Lao Chải. Điển hình, tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đấy.

Nghe Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy nói vậy, tôi đã thầm reo lên trong lòng. Thấy anh Nghĩa rút điện thoại định gọi cho Thiêm, tôi vội ngăn lại, bảo tôi có số máy của Thiêm rồi, để tôi tự gọi. Anh Nghĩa định cho người đưa tôi lên Lao Chải, tôi cũng nói ngay:

- Anh cứ cho tôi mượn cái xe máy, tôi tự đi. Tôi không còn lạ gì Lao Chải và cũng đã biết, đã gặp Lý Thị Thiêm rồi.

Anh Nghĩa đành cười trừ:

- Vậy không dám cản anh. Văn nghệ sĩ các anh là thích đi tự do, thích tự mình khám phá, tìm hiểu theo cách của mình. Nhưng tối nay phải về uống rượu đầu năm với em đấy.

Tôi gật đầu, bắt tay anh Nghĩa, rồi hào hứng lên đường ngay. Đúng là tôi đã gặp và quen biết Lý Thị Thiêm. Hồi ấy là năm 2018, Thiêm dẫn tôi và mấy cán bộ Tỉnh đoàn vào thăm bãi đá cổ Lao Chải ở bản Tàng Ghênh. Gửi xe ô tô ở Trường Tiểu học Lao Chải, chị cán bộ Tỉnh đoàn gọi diện cho Thiêm nhờ tìm hộ 3 tay lái xe máy đưa chúng tôi vào bãi đá cổ. Chừng 15 phút sau Thiêm tới cùng 2 cô gái. Nghe nói đường vào bãi đá cổ rất khó đi, mà toàn các cô gái lái xe thế này, tôi không khỏi ái ngại nhưng không dám nói ra, đành tặc lưỡi lên xe. Tôi được phân công ngồi xe Thiêm. Con đường từ Trưởng Tiểu học Lao Chải vào đến bãi đá cổ chỉ vài cây số nhưng quả là thật cheo leo, hiểm trở, lại trơn trượt. Chiếc xe máy chẳng khác nào con ngựa bất kham. Người lái như là làm xiếc. Không thạo đường, không vững tay là đổ xe ngay. Ngồi sau Thiêm nhiều lúc tôi phải thót tim, vậy mà Thiêm vẫn coi như không. Không thể ngờ một cô gái xinh xắn, nhỏ nhắn, trắng trẻo là vậy, lại là một tay lái lụa vừa điêu luyện, vừa can đảm đến thế. Đến bãi đá cổ tôi nói vui với Thiêm:

- Cháu đi thi xe máy địa hình được đấy.

Thiêm cười bảo:

- Lao Chải cháu 14 thôn bản, diện tích rộng đến gần 158km2, đường đến bản nào cũng khó đi, không đi được xe máy thế này thì không tới hết các bản được ạ. Con gái Lao Chải chúng cháu, đứa nào cũng đi được xe máy như thế này cả.

- Vậy nhà cháu ở bản nào?

- Nhà cháu ở bản Dào Xa ạ.

Tôi nói vui:

- Con gái Mông Dào Xa vừa đi xe máy giỏi, vừa xinh đẹp. Cháu mặc bộ trang phục Mông này đẹp lắm Thiêm ạ.

Thiêm mỉm cười bảo:

- Dạ cháu không phải là người Mông chú ạ, cháu là người Dao. Quê cháu bên Làng Giàng, Văn Bàn, Lào Cai. Cháu làm dâu người Mông Lao Chải thôi.

Tôi thực sự sửng sốt, liền hỏi:

- Ôi, vậy à? Cơ duyên nào mà lại khiến cháu từ Văn Bàn sang làm dâu người Mông Mù Cang Chải vậy? Chắc phải có lý do thật đặc biệt.

Thiêm mỉm cười:

- Dạ, cũng không có gì đặc biệt lắm chú ạ. Cháu học hết lớp 9 thì nghỉ học, đi làm công nhân may ở Văn Lâm, Hưng Yên. Cháu gặp anh Giàng A Sình, chồng cháu bây giờ đang học tại Trường Cao Đẳng Phát thanh- Truyền hình. Khi đó gia đình chồng cháu nghèo lắm, anh Sình phải vừa học, vừa đi tìm việc làm thêm kiếm tiền ăn học. Cháu rất ngưỡng mộ nghị lực của anh ấy, rồi tình yêu đến. Năm 2010 thì chúng cháu tổ chức đám cưới. Cưới xong, cháu bỏ nghề may về Mù Cang Chải làm ruộng.

Nhìn ánh mắt và khuôn mặt Thiêm đầy xúc động khi nói về tình yêu của mình, khiến tôi càng ngưỡng mộ tình cảm, nghị lực của cô gái Dao. Tôi bắt tay Thiêm, giọng cũng không kém phần xúc động:

- Chúc mừng các cháu! Cháu là người Dao Văn Bàn, dám sang làm dâu người Mông Mù Cang Chải, quả là chú rất phục. Cháu không chỉ vượt qua không gian xa xôi để đến với Sình, mà còn vượt qua nhiều thứ rào cản khác. Tình yêu của các cháu khiến chú nghĩ, khi người ta yêu nhau thì không chỉ là mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mà không khó khăn, không cản trở, không thử thách nào không thể vượt qua. Nhưng không phải ai cũng làm được như cháu đâu. Cho chú hỏi thật, khi các cháu quyết định cưới nhau, gia đình hai bên có ủng hộ không?

Thiêm cúi đầu, khẽ nói:

- Dạ, có ạ. Cả hai bên gia đình đều phản đối. Bố mẹ cháu thì lo con gái lấy chồng xa lại khác dân tộc, sợ con gái mình rồi sẽ khổ. Còn bên nhà chồng thì bố mẹ chồng không đồng ý vì sợ con dâu không biết nói tiếng Mông, không biết  biết xe lanh, làm nương, làm ruộng.

- Vậy các cháu thuyết phục thế nào để hai bên bố mẹ đồng ý cho cưới?

- Dạ, chỉ bằng tình yêu của chúng cháu thôi. Chắc hai bên bố mẹ nghĩ có ngăn cản cũng không được nên đồng ý. Đó là lúc đầu thôi. Khi cháu về làm dâu rồi, bố mẹ chồng thương cháu lắm, còn cho cháu đi học tiếp trung học phổ thông, rồi học cả Đại học Nông Lâm Thái Nguyên nữa. Cháu vừa nuôi con vừa đi học đấy chú ạ. Bây giờ thì bố mẹ vợ rất quý con rể, còn bố mẹ chồng cũng yêu thương con dâu như con đẻ.

Nghe Thiêm kể, tôi càng ngạc nhiên, càng thán phục; phụ nữ dân tộc, đã lấy chồng rồi vẫn đi học hết phổ thông, rồi đại học. Điều ấy, ngay cả phụ nữ Kinh cũng chưa chắc đã làm được. Sau cuộc gặp gỡ ấy, tôi đã định viết một truyện ngắn về thiên tình sử của đôi vợ chồng Mông- Dao này nhưng rồi công việc cứ chồng chéo nên chưa viết được. May quá, lần này lại được gặp Thiêm, viết về Thiêm.

Khi tôi lên tới bản Dào Xa, Lao Chải thì Thiêm cũng vừa từ bản Tàng Ghênh về đến nhà. Thiêm cũng nhận ra tôi ngay:

- Chú lên sao không báo trước cho cháu?

Tôi bảo Thiêm:

- Chú vừa lên tới Mù Cang Chải trưa nay thôi. Được Ban Tuyên giáo Huyện ủy giới thiệu cháu là chú lên đây ngay. Giờ chú cháu tranh thủ trò chuyện nhé. Trò chuyện thoải mái thôi, chứ không phải là phỏng vấn, hay trình bày báo cáo đâu.

Quả là sau một buổi chiều trò chuyện với Thiêm tôi càng vỡ ra nhiều điều, càng hiểu, nghị lực cùng những sự táo bạo của Thiêm không chỉ có trong tình yêu mà còn cả trong vai trò là một thủ lĩnh đoàn. Làm thủ lĩnh của một Hội Thanh niên có tới 3.170 hội viên, Đoàn Thanh niên có tới 19 chi đoàn với 382 đoàn viên, trong đó có 14 chi đoàn thôn bản, 5 chi đoàn trường học; 80 đảng viên còn tuổi Đoàn vẫn tham gia sinh hoạt Đoàn nếu không có năng lực, không có uy tín không năng động, sáng tạo thì không thể làm nổi.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của thanh niên Lao Chải. Tôi đặt câu hỏi với Thiêm:

- Theo cháu, bằng cách nào để việc học tập và làm theo Bác thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến, hiệu quả rõ rệt trong thanh niên, nhất là thanh niên vùng cao, chứ không chỉ là học tập theo kiểu hô khẩu hiệu.

Suy nghĩ giây lát, rồi Thiêm chia sẻ:

- Dạ! Cũng do đặc thù của vùng cao, nhận thức của đoàn viên, thanh niên còn hạn chế nên Đoàn xã luôn gắn việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua, các chương trình hành động của thanh niên. Nhằm tạo ra “môi trường” cho thanh niên vùng cao học tập và làm theo tấm gương của Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần phát triển kinh tế- chính trị, văn hóa- xã hội, an ninh-  quốc phòng của địa phương. Từ đó, còn làm cho thanh niên nhận thức, học tập và làm theo Bác không phải là bắt chước Bác mà qua những công việc, nhiệm vụ của mình được hoàn thành tốt, có hiệu quả.

- Bí thư có thể kể những việc làm cụ thể trong 5 năm qua được không?- Tôi lại hỏi, Bí thư Thiêm cho biết ngay:

- Dạ, hàng năm, thanh niên Lao Chải đều đăng ký các công trình, phần việc học tập và làm theo Bác. Có thể kể đến công trình đào, kéo 1,5 km ống dẫn nước tại Trường Mầm Non Lao Chải trị giá trên 20.000.000 đồng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của cô giáo và học sinh, góp phần cho phát triển giáo dục tại địa phương; công trình tu sửa 6 km kênh mương thủy lợi tại các bản khu II trị giá trên 30.000.000 đồng, góp phần cho phát triển sản xuất nông nghiệp; công trình mở 4,5 km đường từ bản Tà Ghênh đến bản Trống Khua, kết nối các điểm của “Bãi Đá cổ” phục vụ công tác phát triển du lịch trên địa bàn. Ngoài ra, thanh niên Lao Chải còn tham gia cùng các lực lượng khác trong xã, bê tông hóa 27 km đường liên bản tại xã Lao Chải, trong đó thanh niên đóng góp 3.882 ngày công; trồng hơn 1.500 cây xanh trên địa bàn; làm 4 cống và 1 cầu dân sinh tại bản Trống Khua và bản Xéo Dì Hồ B, trị giá trên 90.000.000 đồng góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới của xã. Chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2021)chào mừng Đại hội đoàn các cấp, thanh niên Lao Chải cùng thanh niên toàn huyện, khai hoang 22 ha ruộng bậc thang trên địa bàn các xã Lao Chải, Nậm Có, La Pán Tẩn. Riêng thanh niên Lao Chải còn tham gia khắc phục hậu quả bão lũ tại xã Lao Chải thực hiện nhiều công trình, phần việc với tổng giá trị trên 500 triệu đồng.- Dừng một lát, rót nước mời tôi rồi Bí thư Xã Đoàn Lý Thị Thiêm lại chia sẻ tiếp-  Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn được Đoàn xã tổ chức qua thực hiện các phong trào, chương trình hành động của thanh niên gắn với thực tế địa phương. Ví dụ, thực hiện phong trào “Tuổi trẻ xung kích xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”, Đoàn xã vận động thanh thiếu niên Lao Chải nói không với tảo hôn, với kết hôn cận huyết thống, với ma túy và tệ nạn xã hội. Thanh niên làm nòng cốt cho các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, như tổ chức thi đẩy gậy, bắn nỏ; múa khèn Mông. Thực hiện phong trào “Tuổi trẻ xung kích tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”, hàng năm vào dịp đầu xuân, Đoàn xã tổ chức cho thanh niên tham gia Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; hàng tháng tổ chức cho thanh niên thực hiện “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày cuối tuần cùng dân” làm vệ sinh nhà ở, đường xá trong bản, đường liên bản, đào các hố rác chứa rác thải sinh hoạt. Thực hiện phong trào “Thắp sáng đường quê sáng, xanh, sạch, đẹp”, Đoàn xã cũng tổ chức cho thanh niên 50 đợt ra quân vệ sinh môi trường, với trên 1000 thanh niên tham gia, thu gom, xử lý trên 2 tấn rác thải các loại. Ngoài ra Đoàn xã còn phối hợp lực lượng kiểm lâm tuần tra, nắm bắt tình hình những khu vực thường xuyên xảy ra cháy rừng, để phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng nên trong nhiều năm qua không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn Lao Chải. Thực hiện Phong trào Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, Đoàn xã tổ chức cho các Chi đoàn thăm hỏi, tặng quà, hoặc giúp ngày công các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Thực hiện Chương trình “Nâng cánh ước mơ”,  Đoàn xã phối hợp với các nhà trường, tích cực vận động trẻ em đến lớp đúng độ tuổi; tổ chức sinh hoạt hè, tạo sân chơi lành mạnh cho các em, đưa điệu múa khèn Mông vào thể dục giữa giờ trong các trường học, vừa rèn luyện sức khỏe cho học sinh vừa góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Thực hiện phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” Đoàn xã tổ chức cho thanh niên đăng ký phấn đấu trở thành công dân tốt, sống trung thực, trách nhiệm và nghị lực; tích cực tham gia xây dựng Đoàn, Hội; xung kích, tình nguyện, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sẵn sàng cống hiến cho quê hương, đất nước; tích cực tham gia huấn luyện dân quân tự vệ, xung kích giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, sẵn sàng lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Việc giáo dục chính trị- tư tưởng cho đoàn viên cũng được Đoàn xã tập trung giáo dục đoàn viên, thanh niên luôn tin tưởng, trung thành với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách,  pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm phản động, sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để góp phần xây dựng Đảng, Đoàn xã rất tích cực trong công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Trong 5 năm qua đã giới thiệu 70 đoàn viên ưu tú cho Đảng, 57 đoàn viên đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Để giúp thanh niên có kiến thức về pháp luật, có ý thức tôn trọng pháp luật, không bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, Đoàn xã phối hợp với các ngành đoàn thể truyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh niên, như phổ biến về quyền con người, quyền công dân, những hành vi nào bị nghiêm cấm, hậu quả khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện chương trình “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Đoàn xã vận động đoàn viên thanh niên nêu cao ý chí, tinh thần tự lực, tự cường phấn đấu thoát nghèo, đẩy mạnh nâng cao đời sống, từng bước vươn lên làm giầu góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Để tạo điều kiện cho đoàn viên phát triển kinh tế, Đoàn xã đã nhận ủy thác với Ngân hành Chính sách xã hội huyện, tư vấn hỗ trợ thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, định hướng và nhân rộng các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ.

Nghe Bí thư Đoàn Thiêm trao đổi về những việc làm cụ thể của đoàn viên, thanh niên Lao Chải học tập và làm theo tư tưởng phong cách Hồ Chí Minh tôi càng nhận ra, chỉ khi nào gắn học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, thì học tập và làm theo Bác mới có kết quả thực chất, mới và hiệu quả thiết thực. Có lẽ Bác cũng mong muốn như vậy. Học Bác, làm theo Bác là phải góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; ai cũng có cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành như sinh thời Bác đã từng tâm niệm.

Khác với khi nói về thực hiện các công trình, phần việc, phong trào, chương trình hành động của đoàn viên, thanh niên Lao Chải, Bí thư Đoàn xã Lý Thị Thiêm lại rất khiêm tốn nói về các danh hiệu thi đua, khen thưởng của Đoàn xã và đặc biệt là của cá nhân mình. Tôi phải động viên, Thiêm mới cho xem cuốn sổ tay ghi các thành tích đã đạt trong 5 năm qua. Thật là một bảng thành tích đáng nể. Từ năm 2016 đến nay, Đoàn xã Lao Chải đã được nhận 5 Bằng khen, gồm: Bằng khen của Huyện đoàn Mù Cang Chải, vì “Đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thi công công trình mở 2km đường giao thông nông thôn từ bản La Phu Khơ xã Kim Nọi đi xã Lao Chải”. Bằng khen của Tỉnh đoàn Yên Bái, vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2017”. Bằng khen của UBND huyên Mù Cang Chải, vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét ngày 03/8/2017 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải”. Bằng khen của Huyện đoàn Mù Cang Chải, vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2018”. Bằng khen của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Yên Bái, vì “Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2014 -2019. Ngoài ra còn nhiều Giấy khen của Huyện Đoàn Mù Cang Chải và UBND xã Lao Chải về công tác khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn xã Lao Chải; về quá trình ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 năm 2018 tại xã Nậm Có, về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Thiêm cũng cho biết, trong 19 Chi đoàn xủa Đoàn xã, các Chi đoàn Hú Trù Lình, Hồng Nhì Pá, Cồ Dề Sang A, Trống Khua, Xéo Dì Hồ, Dào Cu Nha và Chi đoàn Trường Trung học cơ sở, Trường Mầm non là những chi đoàn tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho thành tích chung của Đoàn xã.

Tôi nghĩ, Đoàn xã Lao Chải có được những kết quả, thành tích trên, không thể không kể đến vai trò “Thủ lĩnh” của Bí thư Đoàn xã Lý Thị Thiêm. Đọc bảng thành tích của Thiêm trong 5 năm qua tôi càng ngưỡng mộ cô gái Dao nhỏ nhắn, xinh xắn. 5 năm qua Thiem cũng đã  được tặng 5 Bằng khen, gồm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, vì “Đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua dân vận khéo giai đoạn 2015- 2020”. Bằng khen  của UBND tỉnh Yên Bái, vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào an ninh- quốc phòng”. Bằng khen của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Yên Bái”, vì “Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2014- 2019”. Bằng khen của Tỉnh đoàn Yên Bái, vì là “Bí thư đoàn cơ sở tiêu biểu năm 2020, 2021”. Bằng khen của Tỉnh Đoàn Yên Bái, vì  Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi”. Ngoài ra còn có 7 Giấy khen của UBND huyện, Huyện Đoàn Mù Cang Chải, Đảng ủy, UBND xã Lao Chải. Quả là bảng thành tích của Thiêm, không chỉ đáng nể mà còn minh chứng cho vai trò “thủ lĩnh” với hoạt động của đoàn viên, thanh niên Lao Chải. Không biết cô gái này đã sắp xếp việc nhà ra sao để có thể làm được nhiều việc như vậy? Tôi liền lái câu chuyện về việc gia đình:

- Cháu sang ở tại Mù Cang Chải từ năm nào? Năm nào thì cháu tham gia công tác Đoàn?

- Dạ, 2010, tổ chức đám cưới xong, cháu sang Mù Cang Chải luôn. Năm 2011 được xã giao làm việc ở Đài Truyền thanh xã. Chồng cháu động viên cháu đi học tiếp trung học phổ thông. Được bố mẹ chồng đồng ý, cháu vừa làm việc ở Đài Truyền thanh xã, vừa đi học, vừa phấn đấu vào Đảng. Năm 2012, cháu được kết nạp vào Đàng, cũng năm ấy cháu còn được làm mẹ.

Tôi nói vui:

- Vậy là cùng một lúc cháu làm được mấy việc lớn. Còn khi nào thì cháu chuyển sang công tác Đoàn?

- Dạ học hết trung học phổ thông, cháu còn học tiếp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên hệ tại chức chú ạ. Đến năm 2017 thì mới được giao làm Bí thư Xã Đoàn.

Nghe Thiêm kể, tôi gật gù thán phục, rồi hỏi:

- Còn chồng cháu chắc làm việc ở Đài Phát thanh- Truyền hình huyện chứ? Có giúp gì cho công tác của cháu không?

Thiêm khẽ trả lời:

- Dạ, tốt nghiệp xong, chồng cháu về làm việc ở Đài Phát thanh- Truyền hình Mù Cang Chải được 9 năm, nhưng do không có biên chế nên cơ quan cho nghỉ việc. Giờ chồng cháu về nhà phát triển kinh tế gia đình thôi ạ. Chồng cháu cũng là đảng viên tham gia các hoạt động ở bản.

Tôi hiểu, đây cũng là một khó khăn cho Thiêm, vì xã hội ta hiện nay, nhất là vùng đồng bào dân tộc, chồng ở nhà lo việc gia đình để vợ công tác vẫn bị xem là trái khoáy, nên hỏi Thiêm:

- Vậy cháu sẽ xử lý thế nào giữa vai trò của một thủ lĩnh Đoàn với vai trò của người phụ nữ trong gia đình, nhất là gia đình ở nông thôn, nhiều việc không tên lắm.

Thiêm nhìn thẳng vào tôi, ánh mắt đầy tự tin, bảo: 

- Dạ, cháu phải cố thôi ạ. Được cái, chồng cháu cáng đáng mọi việc nhà, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cháu yên tâm công tác. Song không vì thế mà cháu ỷ lại. Cháu luôn tranh thủ mọi thời gian có được để phụ giúp cho anh ấy. Cũng như trước đây cháu vừa làm việc, vừa đi học, vừa vào Đảng, vừa sinh con. Vợ chồng cháu đang rất hạnh phúc. Con trai lớn của cháu đã học lớp 7, đứa thứ hai cũng học tiểu học, các cháu rất chăm ngoan, học giỏi. Cháu cảm thấy rất may mắn được làm vợ anh Sình, làm dâu người Mông.

Tôi lại hỏi Thiêm:

- Khi các cháu làm đám cưới thì theo phong tục của dân tộc nào?

Thiêm lại cười, khuôn mặt thật hồn nhiên:

- Dạ cả hai chú ạ. Ở nhà gái thì theo phong tục người Dao, còn về nhà trai thì theo phong tục người Mông. Tục ngữ dân tộc cháu có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, ở đâu thì phải theo đấy chứ ạ.

Tôi gật đầu bảo:

- Cháu quả là rất giỏi. Lúc mới gặp, chú cứ nghĩ cháu là người Mông đấy. Cháu không nói thì chú không thể biết cháu là người Dao đâu.

Thiêm cười thật tươi rồi bảo:

- Dạ, nhiều người cũng nghĩ như chú. Vì cháu mặc váy áo Mông, đội khăn Mông, nói tiếng Mông, cả suy nghĩ cũng theo cách của người Mông rồi. Có người bảo cháu Mông hóa 100%. Có thế cháu mới làm Bí thư Đoàn cho thanh niên người Mông được chứ ạ. Nhưng khi về nhà bố mẹ đẻ thì cháu lại là cô gái Dao.

Tôi chỉ còn biết gật đầu thán phục. Vì càng trò chuyện càng phát hiện ra nhiều điều bất ngờ ở Thiêm: Là người Dao, lấy chồng người Mông. Tình yêu ban đầu chỉ vì thán phục nghị lực, ý chí của chồng dù nhà chồng rất nghèo. Lấy chồng rồi vẫn đi học trung học phổ thông rồi học cả đại học. Cùng một lúc làm cả 4 việc lớn; 5 năm làm công tác đoàn xã đã gặp hái được khá nhiều thành công. Những việc ấy không phải ai cũng làm được như Thiêm. Tôi bắt tay Thiêm thật chặt rồi bảo:

- Cho chú hỏi thêm một điều, với tư cách là Bí thư Đoàn xã, cháu mong muốn hoặc đề xuất điều gì về công tác Đoàn ở nông thôn miền núi?

Suy nghĩ giây lát rồi Thiêm chia sẻ với tôi:

- Dạ, đoàn viên của cháu đều là thanh niên nông thôn miền núi, dân tộc, điều kiện lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế rất khó khăn. Từ khó khăn về kinh tế dẫn đến nhiều thứ khó khăn khác làm cho thanh niên dân tộc, miền núi nhiều mặc cảm, khó có thể thoát được cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói. Để thanh niên miền núi thoát nghèo, vươn lên làm giàu, cháu mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn, tạo cơ chế, chính sách phù hợp cho thanh niên miền núi, dân tộc lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương của mình. Như vậy, bản thân thanh niên miền núi sẽ vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu bằng sức lực của mình đồng thời góp phần làm cho miền núi phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội. Cháu nghĩ thế này không biết có đúng không? Theo cháu, phải coi thanh niên miền núi, dân tộc không chỉ là lực lượng xung kích trong xây dựng đời sống văn hóa mới mà còn là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế thì miền núi mới thoát nghèo được chú ạ. Còn về bản thân, cháu chỉ mong muốn một điều, khi cán bộ đoàn hết tuổi đoàn thì được chuyển sang vị trí công tác phù hợp. Có như vậy, cán bộ đoàn nông thôn, miền núi không phải băn khoăn lo lắng khi hết tuổi đoàn mình sẽ làm gì để sống. Từ đó toàn tâm, toàn ý cho công tác đoàn ở cơ sở.

Trời đã tắt nắng, Giàng A Sình đi nương cũng đã về đến nhà. Vợ chồng Thiêm mời tôi ở lại ăn cơm cùng gia đình nhưng tôi khất vì đã chót hẹn với anh Đồng Gia Nghĩa. Trên đường từ Lao Chải trở về phố huyện, nghĩ tới Thiêm, tôi càng thấy cảm phục và ngưỡng mộ cô gái Dao nhỏ nhắn nhưng ý chí, nghị lực và khát vọng cống hiến thì không hề nhỏ bé. Thiêm thật xứng đáng là một thủ lĩnh đoàn. Có được những thủ lĩnh như Thiêm, tôi tin, phong trào Đoàn sẽ ngày càng phát triển, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng sẽ thực sự đi vào cuộc sống của tuổi trẻ.

Tôi cũng rất vui, không chỉ vui vì đã có nội dung để viết bài khai bút đầu năm mà còn vui vì nhận thấy cuộc sống có rất nhiều điều bình dị mà rất đáng trân trọng, đáng viết nếu ta chịu khó tìm hiểu. Mỗi lần lên với Mù Cang Chải, nơi được xem là xa xôi, khó khăn nhất tỉnh này, tôi càng cảm nhận thấy một nét đẹp nào đó, lại thấy lòng mình lâng lâng với mùa xuân rẻo cao.

                                         

                                                               N.H.L

 

 

Các tin khác:

31-35 of 326<  ...  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter