Phúc phần

Truyện ngắn của HOÀNG KIM YẾN

 

Chị buộc chiếc tã chéo của con lên đầu hệt như những lần chị chuẩn bị ra nắng làm việc. Nhưng lần này chị không đi ra hướng vườn mà lén lút sải chân chạy ra phía cổng. Đến dãy nhà tập thể của công nhân, chị ngó trước, nhìn sau rồi chui tọt vào nhà hàng xóm thì thầm như kẻ buôn bạc giả “Bà cho tôi vay hai bát gạo. Mẹ con đứa em dì nó về chơi, chẳng nhẽ lại độn sắn”. Nói đoạn chị cởi chiếc tã chéo buộc trên đầu, khum khum đôi bàn tay gày, đen sạm, đón lấy 2 bát gạo bà hàng xóm cho vay, gói thành một bọc. Bà hàng xóm thắc mắc “Rá đâu mà bà phải đùm thế này”. Chị thì thầm “Tôi giấu nó. Chứ nó biết tôi đi vay để đãi nó thế này đời nào nó dám ăn”. Bà hàng xóm xua tay “Ui giời, nhà bà là cái chỗ chung chuyển, đứa em nào về quê chả qua nhà bà ngủ tạm qua đêm. Tháng có khi 5- 6 lần đón khách. Bà gồng mãi được không”. Chị lặng thinh. Chị nguyện làm cả cho chúng nó, vay mượn rồi sau chị sẽ trả, chứ chúng nó đã khổ quá rồi, về với chị lại khổ thế, chị không nỡ. Chị nhớ cái lần bố cầm tay chị nói những lời cuối cùng “Con là chị cả. Mẹ tai biến không còn khôn như trước. Tất cả nhờ con”. Tám đứa em đều được chị lần lượt đón sang thành phố ở cùng vợ chồng chị. Rau cháo đùm rúm lấy nhau rồi chị cũng nuôi đủ 8 đứa ăn học đàng hoàng, cạy cục xin việc cho 7 đứa được thoát ly. Chỉ còn duy nhất một đứa em cậu đang ở cùng mẹ, tiếp tục cày cấy trên thửa ruộng của bố mẹ để lại. Được cái chồng chị là người tốt, cũng chắt chiu chăm lo cho mấy đứa em của vợ. Nhà chị 3 cái con còn đang phải sống lay lắt trong thời bao cấp, gạo rắc vào đám sắn ruôi như muối rắc vào bát canh nữa là đèo bòng. Chị nhớ lần chồng chị cặm cụi sửa cái đõ khoái bỏ đi thành một cái hòm gỗ xinh xắn cho đứa em gái út đựng quần áo lên trường vùng cao dạy học. Chị nhớ những lần không kể nắng kể mưa, mỗi cuối tuần chồng chị lại đạp xe 30 cây lên trường đón em ba về, sáng thứ hai lại tất tả đèo em trở lại trường. Gọi là về với mẹ hai ngày nghỉ cuối tuần nhưng hầu như nó ở nhà chị để được chị dúi cho bọc gạo, xẻ cho tí nước mắm tem phiếu, hay vài muôi mỡ lợn đông đặc trắng ngà. Chúng nó đều biết chẳng trông chờ được gì ở anh trai và chị dâu bởi nhiều lần về với mẹ, là y như rằng chị dâu khóa hòm gạo mang theo chìa khóa đi làm ruộng. Không gạo chẳng nhẽ bỏ tay vào nấu. Chị hiểu cái đói làm cho con người tệ đi, chúng nó có những 5 đứa con nheo nhóc, thêm mẹ chồng ngẩn ngơ. Tất cả trông vào vài sào ruộng đói là cầm chắc. Nhưng chúng bỏ đói em, bỏ đói mẹ như vậy là không phải rồi. Chị lựa lời khuyên bảo, em dâu không dám cãi chị, nhưng hễ các em về, nó lại chửi bâng quơ “Về lắm lấy máu l** mà đổ vào mồm”. Tủi hận chị nuốt vào trong, dặn mình cố gắng gom góp bù trừ cho các em, khỏi làm phiền đến em cậu.

Những ngày nghỉ, vợ chồng chị lại đạp xe ngược về quê, leo lên tận những quả đồi xa tút hút, kiếm mảnh đất khai hoang trồng sắn. Thế là có thứ độn với cơm. Quanh nhà cứ thấy hở mảnh đất nào chị lại dọn đi trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà. Chồng chị đào thêm cái ao thả cá. Thế là có thức ăn mặn. Nhưng gánh gồng theo các em, nhà chị chẳng có cơ hội được ăn ngon, có khi quả trứng đánh với nhiều bột sắn, rán lên cả nhà cũng xong bữa. Chị cười động viên chồng “Vất vì chúng thế này sau nó sẽ bù trừ cho anh chị”. Chồng chị cười xòa “Trách nhiệm của anh chị. Ai trông đợi thế”, rồi anh đưa chị chiếc áo đại cán đã rách toạc bả vai, dặn “Em gạn mảnh lưng áo, 2 vạt và 2 tay áo chắc đủ khâu cái áo khoác cho con cún”. Chị ngẩn người, những mảnh vải phin hằng năm anh chị được cấp tem phiếu cứ dành dụm để may áo mới cho các em khi nhập trường, khi nhận công tác mới. Chả đến lượt con gái chị. Chị ôm chiếc áo vào lòng, nghĩ đến nụ cười của con gái khi được nhận từ tay chị cái áo khoác đã ngả màu, đẫm mùi mồ hôi của bố mà hai hàng nước mắt cứ rủ nhau chạy dài xuống má.

Chị đón mẹ về ở hẳn với mình để lại có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Chứ để bà ở với em cậu nhiều hôm đứt bữa. Vợ nó ngày càng tệ, những hôm chồng đi vắng nó lẳng lặng mang chìa khóa hòm gạo cùng đám con về mẹ đẻ chơi. Mẹ chị vốn ngơ ngẩn lại chơ vơ một mình, bóc củ sắn sượng câng vợ chồng nó dành cho lợn luộc ăn qua loa, củi lửa có ngày chết cháy. Mẹ ở với vợ chồng chị, nhà chị nghiễm nhiên trở thành nhà mẹ. Những cuộc trở về thăm mẹ của các em nghiễm nhiêm diễn ra ở nhà chị. Chi phí đương nhiên càng phải vo véo cho tròn. Nhưng chị vui vì không phải nhiều đêm thức trắng lo cho mẹ. Không còn nhìn thấy dày đặc những vết tím bầm, tròn xoe hệt như véo nơi đùi non, hay trên bả vai của mẹ. Không phải thỉnh thoảng đón mẹ vào viện bó bột tay, chân vì bế cháu quá sức, nó xô cho ngã. Đấy là chị nghe em mợ nói thế chứ người làng thường ghé vào tai chị dè chừng “Trẻ con nó bé thế, xô ngã làm sao. Nó thâm độc vì biết người tai biến ngã một lần rồi, ngã lần hai là đi nhanh lắm”. Khổ nỗi mẹ chị chả đủ minh mẫn để kể tội em dâu. Chị chả đủ chứng cứ để tìm lời dạy bảo nó.

Đứa thứ hai nhà chị chưa đủ tuổi đi mẫu giáo, chị đón đứa em cô mới lên bảy về nuôi ăn học rồi nhờ cô phụ giúp mẹ trông con. Hằng ngày, vào mỗi sáng lúc em cô bận đi học, chị dặn mẹ chỉ ngồi chơi với cháu trên chiếc giường đã được chồng chị đóng thành bốn xung quanh hệt như chiếc cũi, phòng khi bà lơ đễnh cháu không bị rơi khỏi giường. Cả chiếc quạt điện chị cũng để phía giường bên kia, phòng khi bà sơ xảy gạt đổ, cháy nhà là cầm chắc. Buổi chiều thì chị yên tâm hơn vì có em cô ở nhà trông giúp. Vậy mà mấy ngày nay cả em cô lẫn con chị đều đổ bệnh sốt li bì phải nhập viện. Bác sĩ gọi chị và chồng lên phòng trực, phân vân “Cả hai bệnh nhân nhà chị đều bị phổi nặng. Mà bệnh viện giờ chỉ còn một liều dãn phế quản duy nhất. Chị muốn tiêm cho ai?”. Chị thất thần “Nếu không tiêm thì sao?”. “Không tiêm, bệnh nhân sẽ không thở nổi. Mà chị biết đấy, thiếu ăn, thiếu nước còn chờ được, chứ thiếu ô xi thì chỉ tính bằng giây.”. Chị chết điếng. Tiêm cho con chị, phải tiêm cho con chị. Thằng bé là máu mủ của chị, là báu vật của chị. Chị không thể đặt nó vào lựa chọn nguy hiểm này. Nhưng còn em cô, nó cũng là máu mủ của chồng chị, báu vật của mẹ chồng chị. Chắc chắn mẹ chồng chị cũng không muốn xa nó. Chị phải làm sao. Chị ngước nhìn chồng cầu cứu. Nhưng anh còn khó xử hơn cả chị. “Nào anh chị quyết nhanh, không hỏng cả hai bây giờ”. Chị run run “Bác sĩ tiêm cho bệnh nhân 7 tuổi ạ”. Chị khóc nấc, ngã khụy ngay cửa phòng trực. Mấy đứa em khóc như ri, chúng trách chị ác với chính con mình. Nhưng chị biết quyết định này còn là trách nhiệm khi chị nhận em cô từ bố mẹ chồng về nhà nuôi nấng, nhờ vả. Chị phải có trách nhiệm chăm nuôi em cô đến nơi đến chốn. Mấy anh chị chồng biết chuyện nhìn chị rưng rưng. Chị khều chồng cho chị về ôm con lần cuối.

Mẹ chị bệnh trở nặng, bác sĩ nói chẳng còn được mấy lúc. Chị đau đớn. Chị biết rồi sẽ đến ngày chị phải tiễn mẹ sang một thế giới khác. Nhưng chị không tưởng tượng nổi cái giờ khắc ấy lại khiến chị đau đớn đến nhường này. Chị dồn hết số tiền ít ỏi mua thuốc những mong kéo dài thêm chút thời gian để chị còn được ở bên mẹ. Được nắm đôi tay gầy, được vuốt lên mái tóc chơ lơ vài sợi, được gọi tiếng mẹ thân thương như ngày còn thơ bé, được thấy cái dáng tất tả của mẹ mỗi khi chạy đi lấy cho con món ăn mà con thích. Vợ chồng em cậu đến, nó sụt sịt khóc bên giường mẹ, nắm tay chân mẹ vuốt vuốt ỏn xót “Khổ, mẹ gầy quá rồi. Không được chăm bẵm đây mà. Hu hu. Anh chị bận đi làm nhà nước thời gian đâu mà chăm. Con biết, con thông cảm. Giờ mẹ về với vợ chồng con. Con sẽ chăm chu đáo. Mẹ nhé, hu hu”. Hàng xóm đứng quanh sụt sịt khóc thương cho mẹ, cảm động trước tấm lòng của con dâu. Chị nước mắt ngắn dài yên lặng. Tiếng em cậu chị chen vào “Chúng em sẽ đón mẹ về chăm những ngày cuối đời”. Chị chết điếng, mẹ yếu thế di chuyển sao nổi. Để yên may chăng mẹ còn ở với chị được vài ngày. Chị gạt nước mắt “Thôi. Giờ mẹ cũng không còn được bao lâu nữa. Đi lại xa xôi khéo mất giữa đường. Tội ra. Chị đã lo đủ hậu sự rồi, các em cứ để đây. Yên tâm là chị sẽ làm ma chu đáo”. Em cậu gắt lớn “Mẹ phải mất ở nhà em, chị hiểu chưa? Đám của mẹ phải được diễn ra ở nhà con trưởng, chị hiểu chưa. Chị muốn em mang tiếng con trai trưởng không lo được cho mẹ hả. Muốn em mất mặt với làng với xóm ý gì” Em dâu chạy đến giật tay chồng, xoa dịu “Em biết chị xót mẹ, nhưng thôi lệ làng nó thế. Mất mặt anh nhà em cũng chả đẹp mặt gì cả họ nhà mình”. Chị khóc dòng, cầm bàn tay gày guộc của mẹ mà cổ họng nghẹn ứ. Em dâu đến bên, ôm lấy vai chị cảm thông “Mẹ thì đã thế rồi, người sống thì vẫn phải sống, vẫn phải giữ sĩ diện, vẫn phải gìn giữ gia phong chị ạ. Thôi chị để chúng em thuê xe đưa mẹ về, tiện thể chuyển luôn những đồ chị đã mua lo hậu sự cho mẹ, cho tiện chuyến, đỡ chi phí. Chị nhé”. Chị nhìn em dâu, nét vui tràn trên khuôn mặt. Phải rồi, phen này nó tiếp tục tính chuyện kinh doanh trên chính nỗi đau của chị đây. Nó nghĩ tiền phúng viếng sẽ được món hời nên mới vui nhường ấy.

Mẹ về với em cậu, chị lại phải nghỉ phép về chăm lo cho mẹ. Về với mẹ, chị mang theo gạo và thức ăn ngầm bảo với em dâu, chị không ăn không của nó. Thế mà hễ chị bận ra ngoài mua bán nó lại để mẹ một mình, còn buông màn hệt như người đã mất nằm chờ khâm niệm. Chị biết, nó đang rất sốt ruột, vì một tuần rồi chẳng thấy mẹ đi. Ba ngày mẹ, khách vừa về khỏi cổng em mợ đã gọi các anh chị em họp gia đình. Nó đọc oang oang bảng danh sách chi tiêu, từ lọ muối, cả các khoản chị đã lo hậu sự trước đó. Tổng chi chia đều cho chín anh chị em. Nó bảo “Con nào cũng là con. Ai cũng có một phần trách nhiệm”. Em dì chị tham gia “Chị cả không phải nộp thêm. Tổng chia tám. Vì chị ấy lo trước đủ rồi”. “Ai khiến chị lo. Ai nhờ chị ấy mua. Việc của chị ấy hử. Tôi mà không dùng cho, để đấy có mà ám cả nhà”- Em mợ dấm dẳng. Chị gạt đi. Chị không muốn mẹ vừa mất mà anh em cãi nhau vì tiền bạc. Vả lại tiền của chị cho em mình chẳng mất đi đâu. Ngày bé chị nuôi nó suốt chứ chừng ấy thấm gì.

Tròn một năm ngày mẹ mất, vợ chồng em cậu dẫn thằng con cả sang. Nó bảo “Chồng em nhường cho các chị ăn học, ở nhà lo cho bố mẹ. Giờ không được đi công tác như các chị, chẳng có lương, thiệt thòi. Cả nhà trông vào vài ba sào ruộng, không đủ sức lo cho cháu ăn học. Chúng em trăm sự nhờ chị”. Chị lặng im, nghĩ về những việc trước đây em mợ làm, toan từ chối. Nhưng rồi nhìn sang đứa cháu gầy nhẳng, ngơ ngác chị lại thương. Nó không hề có tội. Nó là máu mủ của chị. Chị gật đầu. Vậy là cháu đích tôn nhà chị lại chuyển đến ở với vợ chồng chị để học cấp ba, học chuyên nghiệp, rồi lo cưới vợ luôn cho nó. Chị vui vẻ chăm lo cho nó như con bởi lời bố vẫn còn mới nguyên trong lòng chị.

Vợ chồng dì út đổ vỡ, nó lại bìu ríu nhau về dạy học ở trường làng quê chị. Hai mẹ con nheo nhóc ở trong gian nhà tập thể mái lá phên nứa cũ nát đến gần như hoai mục, giường ngủ đặt chỗ nào cũng ướt, chị thương. Đã thế đồng lương giáo viên chẳng thể đủ gạo cho hai mẹ con nó ăn qua ngày. Đất đai trồng cấy thêm thì không có, mỗi lúc hết giờ dạy nó lại phải đi làm thợ thổ thuê theo tiếng để mỗi tối được người ta trả công bằng một bơ gạo rúm trong cái ruột tượng làm từ ống tay áo rách của con. Nhìn nó nâng niu nắm gạo, tất tả chạy về những mong nấu cho con bát cháo trắng tinh mà chị đau thắt ruột. Chị kéo hai mẹ con nó về ở với mình, nhường chiếc xe đạp duy nhất của hai vợ chồng chị cho nó đi dạy, cạy cục xin cho thằng cu được vào nhà trẻ của xí nghiệp chị để khỏi thấy cảnh nó lê la bên đống đất mẹ làm, có khi khóc sùi bong bóng mũi mà mẹ cũng chẳng dám bế lên dỗ. Kiếp làm thuê nó thế. Chị bảo, nhà chị đang đào ao, đằng nào chẳng phải thuê thợ thổ. Dì ở đây làm cho chị, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Chị nói thế để em dì đỡ ngại chứ cái ao bé con, anh chị tranh thủ ngày nghỉ làm mấy bữa là xong. Nhiều đêm nó ngồi ôm chị khóc, nó cứ thấy dằn vặt vì đến khi trưởng thành rồi mà vẫn để chị phải vất vả lo toan. Với nó chị như một người mẹ, ơn này nó sẽ đem theo đến cuối đời, chờ cơ hội báo đáp. Chị cười, vỗ vỗ vào tay nó xuê xoa “Có thế mới là tình ruột thịt.”

Chị cùng mấy em dì gom góp mua cho dì út mảnh đất khá rộng ngay cạnh trường nó dạy học. Chồng chị cùng mấy em rể kiếm gỗ, nứa, cọ trên rừng dựng cho nó một căn nhà tranh đủ vững trãi che mưa che nắng. Có vườn trồng cấy, chăn nuôi nó dần khá lên. Lại còn nghe phong thanh nó bỗng dưng được lộc trời cho làm thầy xem bói. Chị bán tín bán nghi. Con bé tính bốc đồng, nghe nó nói phải trừ đến 50 phần trăm thêm thắt. Ấy thế mà tiếng tăm của nó ngày càng nổi. Nó trở lên giàu có. Thằng con trai bỏ học đại học về làm thầy cùng mẹ vì ham món hời trước mắt. Chị nửa mừng nửa lo.

Em út giơ lá bài át bích trước mặt họ hàng nhà chồng chị, tuyên bố khu mộ của dòng họ đang rất động. Không làm lễ sẽ có một người phải chết. Người này họ hàng rất gần thôi. Để đọc rõ là của chi, nhánh nào phải lên điện nhập đồng mới thấy. Chị đưa mắt nhìn em út lắc đầu ý bảo nên dừng lại. Nó nói đúng không sao chứ phán sai chị là người khó ăn khó nói. Nhưng nó không nghe chị. Mấy anh chị bên chồng lộ nét mặt lo lắng. Tại điện thờ, nó gườm gườm lướt qua từng mặt bốn người chị dâu bên chồng rồi dừng lại ở chị dâu trưởng, gật gù vẻ đắc ý “Chồng ngươi cẩn thận đấy. Chỉ cần đứt đánh phựt một cái là đi thôi. Mạch máu não ý”. Mặt chị dâu trưởng tái dần “Lễ giải thế nào?” “30 triệu, chủ điện sẽ lo hết”- Thằng cháu chị ngồi bên chen vào. Chị giật mình. Khiếp quá, là cả gia tài nhà chị. Em út chị nhướn đôi mắt lờ đờ nhìn chị dâu trưởng gật gù “Cả mạng người cơ mà, đâu phải ít”. Trên đường về, chị lựa lời “Việc này là quan trọng, các chị nên đi soi ở những thầy khác rồi hãy quyết định ạ”. Một tuần, 1 tháng rồi 3 tháng trôi qua, chẳng thấy các chị dâu chị hồi âm, em út chị tỏ ra sốt ruột, rồi bực tức. Chị lặng im, chẳng biết nói thế nào bởi phía nào cũng là ruột thịt. Tuần sau chị bị tai nạn chí chết, phải ba lần phẫu thuật mới cứu được cái chân. Ngày chị mổ cũng là ngày thằng cháu con dì út bị cắt hai gân chân vào viện. Nó sẽ phải đi tập tễnh đến hết đời. Trong lúc lờ mờ tỉnh thuốc mê, dì út ngồi bên chị khóc dòng. Nó ân hận vì đã cùng con mang thanh sắt dài chọc xuyên vào một ngôi mộ bên nhà chồng chị những mong sẽ có bất trắc xảy ra để chứng tỏ lời nó phán không hề sai. Nhưng nó đâu nghĩ rằng chính chị nó đã là một phần của gia đình chồng, oan sai hay phúc phần của dòng họ đều có chị nó nằm trong đó. Dì ba nghe được, đuổi dì út ra khỏi phòng, nó nắm lấy tay chị khóc nấc “Chị hiền quá. Chị hiền quá thế này thì chỉ bị bắt nạt thôi. Đến cả con út chị đã từng nuôi như con cũng bắt nạt chị”. Chị siết chặt tay em ba. Trí nhớ đưa chị về cái ngày con trai chị nguy kịch cùng với em cô. Anh trai chồng chị đã cả đêm đạp xe những 20 cây số mang thuốc từ bệnh viện nơi anh làm để cứu con chị vào phút chót. Chị nhớ đôi gân chân cháu chị bị người ta cắt đứt vì đã làm càn để chứng tỏ khả năng bói toán. Nhớ đến chái nhà sập sệ vợ chồng cậu mợ bị con trai đuổi ra đấy ở riêng với cơm niêu nước lọ để thấy rằng mình không phải ác. Phúc phần đời sau được hưởng là phúc phần của đời trước gom nên.

 

H.K.Y

 

 

 

Các tin khác:

16-20 of 283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter