Sắc xuân Trạm Tấu

NGUYỄN PHƯƠNG THUỲ

 

Con đường bê tông vươn lên đỉnh núi như một dải lụa khổng lồ đưa chúng tôi lên đỉnh núi Phình Hồ huyện Trạm Tấu. Nơi đây cúc họa mi bung nở như triệu vì tinh tú quanh khu du lịch Lau Camping Phình Hồ. Mây lãng đãng trôi bồng bềnh như chốn bồng lai tiên cảnh khiến các du khách check in không biết mỏi. Lau camping như một viên ngọc xinh đẹp giữa đất trời Tây Bắc với rừng xanh mây trắng và trăm loại hoa đua nhau khoe sắc. Sức bật của du lịch miền núi đã tạo đà khởi sắc cho kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây

Con đường lên thôn Phình Hồ vì thế mà ngày càng thênh thang hơn, những cây chè Shan tuyết cổ thụ bên đường khoe vẻ rắn rỏi, thân hình khẳng khiu với những hình vằn vèo trắng phủ rêu phong in vệt thời gian hàng trăm năm, những cô gái tuổi đôi mươi tíu tít câu chuyện, trèo vắt vẻo trên lưng cây chè hái những búp non mỡ màng cho khách thưởng thức. Chẳng phải tự nhiên mà chè Shan Phình Hồ những năm gần đây tiếng vang lẫy lừng gần như chè Suối Giàng, bởi địa hình đồi núi khí hậu lạnh, các tư thương cũng tận dụng ưu thế của thiên nhiên hướng dẫn người dân thu hái chè và sao chè thủ công để giữ nguyên hương vị vốn có, mùi thơm nhẹ nhàng, nước chè vàng nhẹ sóng sánh, mới nhấp có vị chát nhưng nuốt qua cuống họng thì vị ngọt cứ đọng lại mãi nơi đầu lưỡi, làm người thưởng chè cứ mãi như luyến tiếc một mối tình đẹp mà dang dở.

Trên cung đường lên với đồi chè cổ thụ, Bí thư Đảng ủy xã Phình Hồ- Đỗ Chí Công khoát tay chỉ cho tôi khu vực thôn Phình Hồ tầm khoảng hơn 200 ha chè Shan, với trên 300.000 cây chè hàng trăm năm tuổi mang về cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đã nhiều năm gắn bó với sự phát triển của huyện Trạm Tấu, Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Chí Công cũng khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu của cây chè Shan đối với sự phát triển chung của xã Phình Hồ, không chỉ là loại cây trồng mang giá trị kinh tế cao mà ở đó còn hy vọng là loại cây chỉ dẫn địa lý để du khách trong và ngoài nước đều biết đến Phình Hồ, có như vậy mới đem về thu nhập bền vững cho người dân.

Già làng Giàng Dua Ký đã sống ở mảnh đất này gần một thế kỷ, chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của quê hương, ông nghẹn ngào xúc động: “Không thể tin nổi xã Phình Hồ có một ngày đàng hoàng tươi đẹp như hôm nay, đường bê tông vươn lên đỉnh núi về từng ngõ nhỏ, người dân làm giàu từ nông sản của quê hương, thanh niên với sự nhạy bén làm kinh tế làm chủ cơ ngơi cả trăm triệu đồng, và chè Shan trở thành cây trồng đặc sản giúp bà con xóa đói giảm nghèo, đồng bào lương giáo đoàn kết phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đẹp quê hương, đồng lòng làm du lịch, tôi có về với tổ tiên cũng đã thấy yên lòng.”

Trước xu thế phát triển thần tốc ấy đã có 1 HTX chè Phình Hồ là nơi kết nối cho người dân địa phương với doanh nghiệp để đưa chè Phình Hồ vươn xa. Anh Sùng Sấu Chư ở thôn Tà Chử là một trong những hộ liên kết với HTX cho biết: "Gia đình tôi có gần 2 ha trồng chè Shan. Trước khi có HTX Trà Shan tuyết Phình Hồ, chúng tôi chủ yếu bán cho thương lái với giá từ 8.000 đến 16.000 đồng/kg. Nhưng nay, liên kết với HTX, được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ cây chè, thời điểm, cách thức thu hái đúng chuẩn 1 tôm, 2 lá nên giá bán tăng lên 25.000- 30.000 đồng/kg. Một năm thu hái 4 vụ, thu về 100 triệu đồng. đời sống đã đổi thay”. 

         Hiện nay HTX còn xây dựng được một công xưởng với nhiều máy móc hiện đại, khu vực phun sương với kế hoạch trong năm 2024 sẽ đẩy mạnh sản xuất lên 15 tấn chè thành phẩm và cam kết thu mua giá chè đầu vào tăng 5% so với năm 2023; số lượng thành viên HTX tăng từ 15 lên 45 hộ thành viên. Sự có mặt của HTX chè Shan tuyết Phình Hồ đã mở lối thoát nghèo cho người dân địa phương và đưa thương hiệu chè Shan Phình Hồ vươn tầm ra quốc tế

Trong xuân sớm, chè Shan xanh mơn man trên các triền đi ở Phình Hồ bật lên sức sống tươi mới, ánh mặt trời ló rạng xua tan màn sương mù dày đặc để đỉnh núi Phình Hồ hiện ra rõ ràng như một bức tranh sơn thủy với trời xanh mây trắng nắng vàng, chị em phụ nữ lục tục xuống chợ theo chồng để mua sắm những mặt hàng tết, những sợi vải lanh còn mới được kết lại thành cuộn bỏ trong gùi của các các chị để bất cứ khi nào cũng có thể dùng bàn tay khéo léo của mình thêu dệt lên những hoa văn đặc sắc tạo thành những chiếc váy truyền thống súng sính, làm chị em xinh đẹp hơn trong những ngày lễ tết. Chị Giàng Thị Cha nhà ở thôn Chí Lư năm nay có con gái lớn đi lấy chồng nên xuân này nhà chị rộn ràng tiếng nhạc lời ca, chị em trong dòng họ tranh thủ may váy làm quà, vì với phụ nữ Mông thì chiếc váy chiếc khăn cuốn chân là tượng trưng cho sự chăm chỉ khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ, nên họ cũng muốn dành chọn tâm tư cho con gái sắp đi lấy chồng xa. Chị Giàng Thị Cha phấn khởi chia sẻ: “Một năm mặc dù thiên tai khắc nghiệt nhưng nhà chị không bị ảnh hưởng nhiều, chị vẫn túc tắc bên lò sao chè thủ công kiếm thu nhập bền vững cho gia đình, thóc lúa đầy bồ đủ ăn đến vụ xuân. Tết đến xuân về nhà lại có thêm người mới nên cả nhà vui lắm”.

Người ta vẫn gọi mùa xuân là mùa của vu quy hạnh phúc, mùa của tình yêu đôi lứa, nên cây cối đơm chồi nảy lộc, hoa xuân khoe sắc, lòng người cũng hân hoan, hoa mơ hoa mận nở trắng các triền đồi quanh bản làng Phình Hồ, dưới những nếp nhà khói bếp bung tỏa bảng lảng bay hòa quyện vào nhau, một cảm giác bình yên khó tả. Có lẽ vì sự mộc mạc yên bình ấy, mà Phình Hồ hôm nay mỗi năm đón vài chục nghìn du khách đến thăm, lượng khách quốc tế ngày càng đông. Trước xu thế phát triển ấy thế hệ trẻ ở Phình Hồ đã mạnh dạn áp dụng công nghệ số trở thành những nhà sáng tạo trên Tiktok, youtube, facebook quảng cáo vẻ đẹp đất và người Phình Hồ. Trong số đó có chàng trai trẻ Sùng A Tủa với nick name “cán bộ xã” Sùng A Tủa với phong cách mộc mạc gần gũi, bộ quần áo truyền thống đã ghi lại những hình ảnh chân thật nhất về văn hóa đời sống lao động sản xuất đến những món ăn đậm chất núi rừng của đồng bào Phình Hồ thu hút 20.000 lượt người theo dõi

Du lịch phát triển, đồng bào Mông Phình Hồ theo đó có nhiều dịch vụ đem về thu nhập cao. Anh Sùng A Nu- phụ trách quản lý khu du lịch Lau Camping Phình Hồ chia sẻ: “Chúng tôi đã liên kết hơn 10 hộ ở thôn Chí Lư để thu mua rau sạch, gà, lợn bản phục vụ nhà hàng và hơn 70 lao động. Đồng thời, vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, tạo sản phẩm thổ cẩm, hình thành đội văn nghệ phục vụ du khách; huy động thanh niên thành lập câu lạc bộ xe ôm với hơn 50 người để chở khách tham quan, trải nghiệm”

Một Lau Camping xinh đẹp giữa mây núi đại ngàn, một rừng chè Shan tuyết đã làm bừng lên sức sống mới ở Phình Hồ. Vẫn cung đường xưa của miền quê một thời gian khó nay thênh thang rộng mở, Phình Hồ mang trên mình một tấm áo mới ấm no hạnh phúc hơn.

Chia tay Phình Hồ lúc mặt trời treo trên đỉnh núi, vẫn cung đường đã từng làm nên huyền thoại của tuổi trẻ tỉnh nhà, chúng tôi ngược núi lên với Tà Xi Láng, một xã vùng cao mà du khách đặt cái tên khá mỹ miều “đường Tà trong mây”. Đúng như tên gọi của nó, trên cung đường về Tà Xi Láng mây trắng bồng bềnh trôi, cuốn quanh từng khoảnh đồi ngọn núi giống như thiếu nữ tuổi xuân thì quàng trên mình một chiếc khăn bông trắng để làm duyên, nắng xuân trải dài trên triền đồi ven suối xua tan màn sương mù dày đặc, Tà Xi Láng dần hiện ra với vẻ đẹp mượt mà bình yên của hoa mơ hoa mận nở trắng rừng, của sắc đào phai ngọt ngào bung tỏa trong xuân sớm. Trụ sở xã khang trang với lá cờ Tổ quốc tung bay giữa đại ngàn xanh thẳm dấy lên trong lòng dân niềm tin tình yêu với Đảng và lòng tự hào dân tộc, dải đất hình chữ S thiêng liêng vẫn đẹp mê đắm như thế. Có lẽ trụ sở UBND xã như được chọn ở vị trí đắc địa nhất ấy mà bất kể ai đi qua cũng ngước lên nhìn để thấy dưới ánh sáng của Đảng, dưới bóng cờ Tổ quốc lòng dân thêm kiên định, mảnh đất một thời ngợp trong khói thuốc phiện nay bừng tỉnh sau cơn say, vén mây để thấy mặt trời, người dân định canh định cư ổn định sản xuất, để mỗi một mùa xuân mới lại thêm một niềm vui mới

Bí thư Đảng ủy xã Trần Bình Trọng không giấu nổi niềm vui trước sự đổi thay của xã nhà. Khi lên với Tà Xi Láng trong vai trò cán bộ huyện được điều động, trong lòng anh không khỏi hoang mang lo lắng bởi Tà Xi Láng là xã xa xôi nhất của huyện với trên 90% dân số là đồng bào Mông sinh sống, đời sống kinh tế còn vô vàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, trách nhiệm của đảng viên, Bí thư Đảng bộ xã Trần Bình Trọng tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong xã để thực hiện công tác tuyên truyền vận động đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, anh cũng tâm niệm: “Con đường nhanh nhất để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là con đường đến với lòng dân.” Nghĩ là làm, những tháng đầu tiên về nhận nhiệm vụ anh dường như gác lại cuộc sống riêng, dành nhiều thời gian để tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào Tà Xi Láng cũng như những thế mạnh của mảnh đất này.

Trong bối cảnh tiềm năng du lịch của cả huyện đang được quan tâm, với nhiều chính sách để khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân, biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành con đường mở lối thoát nghèo bền vững. Bí thư Trần Bình Trọng đã vận động những thanh niên có ý chí thoát nghèo mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội làm kinh tế trên thế mạnh địa phương. Anh cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng và người thân mở Homestay với cái tên bí ẩn “Cốc Tà”. Với cách trang trí đậm nét hoang sơ huyền bí đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, đồ uống phong phú, Cốc Tà trở thành điểm đến lý tưởng cho các bạn trẻ ham mê du lịch phượt.

 Trở thành một trong những người tiên phong mở đường cho du lịch Tà Xi Láng, Bí thư Trần Bình Trọng được người dân ái mộ bởi tâm sức của anh cho cái tên Cốc Tà, đường Tà trong mây, Tà Xi Láng được trở thành cái tên tìm kiếm nhiều trên Google. Homestay "Cốc Tà" của anh trở thành điểm đến lý tưởng của các bạn trẻ trên cả nước. Trung bình mỗi năm Tà Xi Láng đón trên 20.000 lượt khách đến thăm quan và trải nghiệm.

Phát triển du lịch vui một thì niềm vui trong xuân sớm với ngô lúa đầy bồ còn nhân đôi đối với người dân Tà Xi Láng. Được biết đến với vùng chuyên canh ngô Làng Mảnh, cán bộ đảng viên xã Tà Xi Láng đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong nhiệm vụ làm giàu ngay tại quê hương. Hiện nay có những đảng viên trẻ trở thành triệu phú của quê hương như Sùng A Chinh, Hờ A Của, Hờ A Vư, Vàng A Làng

Bí thư Trần Bình Trọng trải lòng: “Đất đai bao lâu nay vẫn vậy, quan trọng nhất là khiến người dân thay đổi tư duy, nếp nghĩ, mạnh dạn thay đổi cách làm để phát triển kinh tế. Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa để cùng người dân nơi đây xây dựng 1 xã Tà Xi Láng giàu mạnh hơn.” Năm 2024, xã Tà Xi Láng xây dựng 31 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng Đảng. Sau một năm nỗ lực đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, sự đồng thuận của đồng bào trong xã, Tà Xi Láng đã hoàn thành 31 chỉ tiêu KH (Kế hoạch) đề ra, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tôi mang theo niềm vui của một Phình Hồ xanh mơn man chè Shan tuyết, một Cốc Tà mộng mơ như trong phim cổ trang mà đậm nét truyền thống văn hóa Mông trở về phố huyện trên cung đường rợp lau trắng tinh khôi. Niềm vui của những miền quê núi ấm no như hơi ấm của những bếp lửa hồng trong những ngày lạnh giá. Trạm Tấu là vậy, các địa phương trong cả huyện đều nỗ lực vươn mình bằng sức mạnh nội sinh, truyền thống cần cù và sự vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng cũng như tranh thủ tốt các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Một năm 2024 mặc dù chịu nhiều thiệt hại do thiên tai cùng những khó khăn trong toàn tỉnh, xong nhờ những nỗ lực trong chỉ đạo điều hành, Trạm Tấu hoàn thành 37/38 chỉ tiêu KH, trong đó có 21 chỉ tiêu vượt KH đề ra. Tổng sản lượng lương thực có hạt vượt lên 23.520 tấn/22.610 tấn KH tỉnh giao. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa 102,75% KH, tỷ lệ thôn bản tổ dân phố văn hóa đạt 108,10% KH tạo đà cho phong trào xây dựng làng bản văn hóa đáp ứng các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới

Đồi thông Eo gió trong chiều xuân rì rào những câu chuyện của đất của người, mỗi cánh rừng ghi dấu với cả một đời trồng cây của những công nhân lâm trường khi xưa nay mái đầu đều đã bạc. Mỗi một mùa xuân với họ là một mùa kỷ niệm, kỷ niệm của những người trồng cây gây rừng góp nên một Trạm Tấu xanh rừng xanh nương rẫy như hôm nay. Niềm vui đó nhân lên gấp bội khi những bầu giống 50 năm trước ươm trồng nay trở thành những đồi thông bạt ngàn được mệnh danh như một Đà Lạt thứ hai ở Tây Bắc, thu hút khách thập phương. Họ cũng âm thầm bảo vệ từng gốc cây, con đường nhỏ bằng các việc làm nhỏ bé nhưng giản dị như thu gom lại rác thải của khách du lịch vào mỗi buổi chiều chủ nhật. Những con người “Vua không biết mặt, chúa chẳng biết tên” nhưng lại lặng lẽ đóng góp công sức không nhỏ cho vùng cao phát triển.

Qua đồi thông Eo gió chính là 1 chuỗi các Homestay, khu nghỉ dưỡng đẹp như một thế giới cổ tích trong xuân sớm. Homestay, Đồi chè, Xòe Homestay, Mộc Homestay, với cách thiết kế hiện đại gắn với bản sắc dân tộc Thái, những cung bậc cầu thang như cung bậc tình yêu giữa núi rừng sáng lung linh đèn điện khiến du khách lưu luyến chẳng muốn rời. Suối khoáng nóng mộng mơ, hoa tam giác mạch, hoa tớ dày nở ngập lối nhỏ, trải dọc đường vào bản… Trạm Tấu vào xuân từ chiếc gùi đựng đầy gạo nếp nương đến cuộn vải lanh thơm mùi sáp ong, từ chiếc váy súng sính của các bà các chị, nụ cười trẻ thơ cơm no áo ấm đến mái trường rộn rã tiếng nhạc lời ca. Từ vọng gác của các chú bộ đội còn rải sắc  hoa anh đào đến bước chân vững vàng của những chú công an bảo vệ bình yên cho bản làng đón tết. Niềm vui của những người nghèo được làm nhà mới, của những cụ già nhận quà mừng thọ… Vâng, mùa xuân vùng cao đã đến rồi, bình yên và ấm áp tình người.

 

P.T

Các tin khác:

1-5 of 348<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter