Tết với “Thần rừng”

Ký của Hoàng Xuân Lý 

     Sau bữa cơm trưa dã chiến bằng bánh mỳ mua ở quán dọc đường, tôi liền thuê một chiếc xe máy “cà tàng”, (loại xe lốp bọc xích đồng bào chuyên vận chuyển nông sản từ đồi xuống nhà và ngược lại) rồi nhanh chóng rời cầu Khe Mòn “phóng” một mạch lên xóm “Ba tỉnh”. Dọc con đường về bản, nắng Xuân mềm như nhung đang tưng bừng lan tỏa. Đây đó, lác đác tiếng lợn kêu, tiếng ơi ới mời rượu. Trên những đám ruộng bậc thang khô nứt, lũ trai làng, gái bản đang háo hức rượt đu, đấm bóng báo hiệu mùa hội về. Bên mỗi sân nhà, những chòm hoa mẫu đơn rừng bừng sáng và lũ chim khuyên lích rích chuyền cành. Xóm Dao “Ba tỉnh” đãi người khách lạ bằng hết thảy mến thương, thân thiện như thế đó.

     Vừa tới đầu xóm đã thấy tám chín người cả già lẫn trẻ, họ cầm những chùm hoa mạ trái mùa to khủng nghênh đón. Thứ hoa độc nhất vô nhị mà đồng bào thượng ưa thích, nở bung ra từ một loài cây thân gỗ cao to mọc men suối nước xanh biếc. Nếu tôi không ngoa thì loài hoa này chỉ còn sót lại ở một vài bản xa vắng. Táp xe vào rệ đường, tôi khum người chắp hai tay trước ngực:

     - Con kính cả bản năm mới mạnh khỏe, an khang thịnh vượng ạ!

     Cụ già người Mông đứng đầu nhất, nom oai vệ như vị trưởng làng. Tay trái cầm gậy hèo uốn cong, tay phải nâng chiếc mũ phớt đen ra khỏi đầu, lên tiếng trước:

     - Mày là cán bộ Hoàng ở phố vào?- Dừng giây lát, già hướng cây gậy về phía chiếc xe tôi vừa đi- Mày dùng cả con “cà cộ” này?

     Tôi xoa hai bàn tay vào nhau cho đỡ cóng:

     - Dạ!

     Già làng người Dao đứng hàng nhì ôm bó hoa mạ to đặt vào tay tôi:

     - Thôi nào. Cán bộ về bản phải mời vào nhà trước đã.

     Sau vài câu chào hỏi xã giao, thì chiếc đồng hồ quả lắc cổ treo cột nhà gõ 12 tiếng. Già Thêm hối:

     - Ta lên đường luôn kẻo tối. Đoàn “lữ hành” (tôi gọi thế cho oách) gồm 9 người. Bản Mông Mỹ Á 3: 1 già, 2 trẻ trong đó nam 1, nữ 1; bản Bau: 1 nam, 1 nữ; xóm “Ba tỉnh” số lượng người y trang Mỹ Á. Hẳn các làng đã định biên số lượng rồi. Chỉ có tôi là khách đặc biệt thôi. Vượt thác Dê Rừng là tới rừng Quốc phòng, rồi từ từ băng qua cánh rừng phòng hộ. Với tư cách là “chủ nhà” nên già làng bản Dao Lý Kim Thêm đã chuẩn bị trước và phân phát cho mỗi người một cây gậy dài 1,5m, dặn khi đi thì vạt mạnh hai bên để rắn độc nghe động mà lủi sâu, gặp đoạn dốc thì làm gậy chống lấy sức, con gái leo không nổi cứ việc nắm đầu gậy để con trai kéo đi. Leo khoảng 300m, tôi bắt gặp một tấm bảng ghi dòng chữ : “Hang Don cách 100m” cùng mũi tên chỉ thẳng vào lối mòn vắt ngang vách đá. Tôi tò mò muốn thực mục thì già Thêm bảo:

     - Mai kia xuống núi hẵng xem. Giờ ta đi thôi. Còn hơn 2 ngàn mét đường cheo leo nữa đang chờ phía trước.

     Rồi ông giục lũ thanh niên dấn bước, bởi nếu leo núi lúc chập choạng tối rất nguy hiểm, vì đó là thời điểm rắn độc bò ra khỏi hang săn mồi. Nhìn lũ thanh niên hăm hở trong bộ chàm tím, tôi cũng vui lây. Hỏi ra mới biết họ là “cây văn nghệ” bản. Đã mười mấy năm nay, đêm cuối năm nào những người gác rừng “ba tỉnh” cũng tổ chức gặp mặt. Nhưng năm nay họ tổ chức đặc cách ngay trên núi “Ba tỉnh” để giao lưu mừng Đảng, mừng Xuân. Thảo nào, tôi nom thấy cả khèn bè, sáo trúc, tiêu trong lu cở.

     Lầm lũi bám chân già Dinh qua nhiều mô đá nhấp nhô. Cụ đi nhanh quá. Đôi giày leo núi vẫn khoác vai. Đôi bàn chân trần to bành với các ngón xoãi ra giẫm lên cỏ gai, đá sỏi chẳng hề gì. Tôi hỏi:

     - Sao ông không đi giày?

     Nhấc một chân khỏi mặt đất, già Dinh đổi cách sưng hô:

     - Mày coi, chân bố bự như vồ, giày dép nào cho vừa.

     Tôi chẳng nói ra, nhưng bụng bảo lần sau lên sẽ thửa cho cụ một đôi giày vừa ý và dấn bước. Mười đầu ngón chân bấu chặt trong đôi ủng leo núi để qua những ghềnh bạnh rễ cây chắn ngang đường. Cứ mỗi chặng nghỉ lại thấy vương vãi vài mảng da của những con rắn hổ chúa lột vào giai đoạn tăng trưởng. Khi cổ họng khát khô, khi cái chân không chịu bước và tiếng hú ngắt quãng của lũ cú đất khiến cảm giác rờn rợn xâm chiếm, thì đúng lúc cô gái Mông xách ống nước om lá cam kìa mời uống. Cô giống như nàng tiên hiện ra đúng lúc. Đôi mắt bồ câu một mí kia lúng liếng, nàng cất giọng nồng nàn: “Đây đỉnh núi lưng đèo người Mèo ta hát…”. Phía trên, tiếng sáo trúc của chàng trai Mông cũng dập dìu nâng bước.

     Bài hát vừa dứt thì ông mặt trời cũng từ từ trôi xuống chân núi, cùng lúc chúng tôi đặt chân lên thớt đá cuối cùng của đỉnh núi Cẩm Cò. Đó là một quần thể gồm nhiều ngọn núi nhấp nhô: núi đứng, núi ngồi tầng tầng lớp lớp và “tòa lâu đài” bằng khối đá xanh lung linh ánh điện mà tôi được nghe đồn đại áng trên ngọn núi cao nhất. Trước thềm, có phiến đá bằng phẳng, rộng cả chục mét vuông. Chính giữa phiến đá mọc lên một cây cột bê tông to cỡ ống nhựa 110 chọc thẳng lên trời, đầu trên nối với lá cờ đỏ sao vàng hồn Tổ quốc ngạo nghễ tung bay giữa ngút ngàn cây xanh và sương chiều. Trong “phút giây thiêng” ngày cuối năm, tôi và mọi người cùng ngả mũ để cảm tạ công lao của cha ông, những người đi trước. Dù ở miền ngược hay miền xuôi, vượt trùng khơi ra hải đảo…đâu đâu cũng in dấu chân người Việt. Tạ cờ xong, già Thêm đến bên cây cột ấn vào chiếc nút màu xanh, bất chợt một mái vòm nở bung ra chùm kín phiến đá. Trời đất! Đó là một chiếc dù rằn ri lớn bự. Già Thêm bảo rằng, chỉ khi có khách quý dù mới mở. Rồi ông khái quát câu chuyện truyền miệng về nguồn cội cây cột cờ: “Theo lịch sử ngành địa chất cũng như sự phân chia mốc giới các châu, lộ. Thời Pháp thuộc, ông cha ta lấy hang động này làm gianh giới ba tỉnh: Yên Bái – Phú Thọ - Sơn La. Hòa bình lập lại Đảng, Chính phủ giao cho ngành địa chất dựng cột cờ làm mốc giới đồng thời là tín hiệu cho các đoàn thám hiểm từ trên không. Mái nhà dù, đoàn địa chất căng lên để nghỉ chân lưu trú. Khi đoàn rút thì chiếc dù cũng bị “lâm tặc” “công” nốt. Chiếc dù mới thay thế, của đoàn địa chất Tây Bắc do anh Phan Nam trao tặng tháng 8/2014. Tuy vá đôi chỗ, nhưng vẫn dùng tốt chú à”. Thảo nào, dưới chân cột cờ Cẩm Cò là bức phù diêu khắc trên đá biểu tượng chiêng, trống, tù và… và mấy dòng chữ cổ.

     Câu chuyện truyền đời về cái hang cua bên kia “tòa lâu đài”, nơi còn lưu giữ dấu ấn rồng ở, thương dân mấy Mường thiếu nước cấy cày, đã để lại viên ngọc quý. Viên ngọc ấy biến thành hồ nước ngầm trong xanh chảy về ba phía:- Phía Bắc cấp nước cho cánh đồng Mường Bau, Mường Cơi, Mường Tấc bên Phù Yên- Sơn La. Phía Nam tưới cho cánh đồng Mường Ó rộng lớn rồi xuôi Dốc Vèo, sang Thạch Kiệt- Tân Sơn- Phú Thọ. Phía Đông cấp nước cho cánh đồng Liên Thành, Lũng Hán xuôi Khe Tho xuống Mũi Kim, Bình Thuận huyện Văn Chấn. Từ đây dòng nước gặp thác Dùng xuôi Ngòi Lao ra Hiền Lương nhập vào sông Hồng quanh năm không bao giờ cạn. Bên cạnh hồ, những bãi cam kìa (loại thảo dược uống thay chè dễ tiêu hóa và chữa bệnh sốt rét rừng, ngoài ra cam kìa còn là gia vị chính trong món nặm bịa của đồng bào trong vùng) ngời ngời sức sống mọc lên từ núi đá có dòng nước mát sâm sấp tràn qua. Nếu đến đây vào mùa mưa rừng, gặp lúc nắng lên thì những tia, những áng xanh, đỏ bảy sắc lồng trong hơi nước diệu kỳ. Còn bây giờ, tôi khẽ rùng mình bởi một cơn gió núi đem theo hơi ẩm của rừng ùa về. Già Thêm chun cổ:

     - Lạnh rồi? Vào bếp hơ ấm đã- Và ông mừng ra mặt- Chưa Tết nào “lâu đài” được đón nhiều khách đông vui như Tết này.

     “Tòa lâu đài” thực ra là một hang đá lộ thiên ba ngách: hang chính có 3 chiếu sập bằng gỗ lũa ken làm giường ngủ và bộ bàn ghế đá đặt chính giữa; Ngách trái dùng làm bếp đun nấu. Trên giánh, tôi thấy vài kẹp chuột núi xiên, ếch đát nướng giắt mái vòm sấy khói. Món ngon người gác rừng tích cóp dần chờ Tết đến xuân về. Bên bếp lửa hồng, lũ thanh niên đang lúi húi sắp cỗ; ngách phải là cửa đón gió, vừa là lối thoát hiểm. Cửa này thông với cây sâng già ba chạc. Trên chạc có “tổ chim” lớn. Già Thêm đứng sát bên tôi thì thầm, nâng tầm bí mật:

     - “Trạm thông tin” đấy chú ạ. Ở đây muốn gọi điện về nhà phải leo thêm ba chục lẻ bậc thang dây mới tới “tổ chim”. Trên đó sóng tốt đáo để- Thấy tôi vuốt tóc gáy, già Thêm xác nhận- Sao? Không tin à? Nhớ ai thì leo lên đó thử coi.

     Rồi tôi dấm dí là tối nay được ngủ cùng ông trên “tổ”. Đưa tôi đi thăm “thủy điện” chạy bằng sức nước. Đây không phải lần đầu tôi thấy loại máy phát mi ni này. Bởi trước năm 1998 nhà tôi đã dùng. Nhưng ở đây nước lớn, độ chênh cao, điện cực khỏe, phát ra từ chiếc máy đứng 3kw do ba Trạm Kiểm lâm: Thu Cúc (Tân Sơn), Mường Cơi (Phù Yên) và Cầu Gỗ (Văn Chấn) tặng. Điện sáng 24/24 giờ, cắm được cả nồi cơm, chảo lẩu. Nhưng ở rừng sẵn củi, các già đỏ lửa quen rồi. Tôi trộm nghĩ: “Giữa chốn “tiên cảnh” mà có một cơ ngơi khang trang thế này thì ở cả đời cũng được”.

     Bỗng tiếng gà tao tác, tiếng đập cánh phanh phách. Lũ gà rừng bay loạn về phía “lâu đài”. Già Thêm buột miệng:

     - Ngài về!

     Tôi nhíu mày ngơ ngác. Ông giải thích: “Ngài” chỉ vị rồng vàng đã nhả viên ngọc quý biến thành hồ nước. Mỗi năm Ngài về thăm “nhà” một lần. Lần nào xuống, gà cũng táo tác. Ngài về vào chiều 30 Tết như năm nay là mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Năm nào Ngài về vào buổi sáng là nước lớn; buổi trưa là khô khan, hạn hán. Ở đâu không biết, chứ ở mấy Mường quanh đây dù mưa lớn hay hạn khô cỡ mấy thì mùa màng vẫn tươi tốt.

     Rồi ông móc trong túi da cáo đeo bên hông chiếc tù và nhỏ bằng sừng trâu núi, vật bất li thân của người coi rừng. Ngửa mặt lên trời, già Thêm rúc 5 tiếng liền. Âm thanh “tu tu…” trong vách đá chưa đứt, đã nghe tiếng tù và “hú hòa, hú hòa…” ngắt quãng 3 tiếng một, từ phía bên kia núi đáp lại. Nghe song già Thêm buông thõng:

     - “Động” rừng! Mau chân lên chú mày.

     Bước cao, bước thấp tôi rượt theo ông. Miệng há hốc “Sống ở rừng rối rắm thật”. Lòng vòng qua mấy hườm đá hình mái hiên thì thấy một ông già mũi hếch. Người cao, đậm. Râu quai nón mọc tùm hum, coi tướng tá như “người rừng”. Ông bận bộ đồ dân tộc Thái cũ mèn. Lên núi một mình mà gặp ổng chắc “tè” ra quần. Nhìn ông quen quen, hình như tôi đã gặp ở đâu đó. Mà không, chỉ thấy hình thôi. Hình trên Tạp chí Văn nghệ, lão Kiểm lâm nhân dân có biệt danh “người ăn dầm, nằm dề”, nay mới gặp mặt. Đích thị già Ờn rồi. Ông mới lên chức: già làng hồi đầu năm. Vai lão khoác con vật gì đó khá nặng, chân nhẹn như dê núi, miệng toang toác:    

    - Ôi, xót quá, xót quá! Hai vị ù lại đây đỡ một tay. Rồi ông liến thắng:- Con trăn gió lại về. Nó cuộn con sơn dương non chết nghẹt. Mình ném vòng dây sắn rừng, hắn “chết queo”. Gỡ mãi mới lấy được con thịt. Giờ chắc hắn lỉnh mất trơn. Mỗi lần nó xuống là đàn sơn dương nhà ta hao một mạng.

     Tôi và già Thêm lễ mễ khênh đỡ con dê rừng, còn già Ờn, ông quơ theo một mớ cam kìa, vừa đi ông vừa nói:

     - Thảo dược này vần nặm pịa là hảo hạng- Vỗ nhẹ bờ vai tôi ông tiếp:- Cán bộ thưởng thức món này chưa?

     - Dạ rồi- Tôi đáp.

     - Tao nghe tên mày lâu lắm. Tay thợ “săn” đồng rừng là chú mày phỏng?

    Tôi chỉ biết gật. Và ngậm miệng “Hi hí… chuột chí gặp nhau”. Té ra già cũng dễ gần đó chớ. Mới một câu xã giao thôi mà “người rừng” đã thành người nhà. Thì ra núi “Ba tỉnh” không có sóng điện thoại thật, nên người coi rừng liên lạc với nhau bằng tù và. Và không phút giây nào vắng mặt người canh gác.

     Già Ờn thật vui tính, từ lúc gặp nhau ông “bắn” liên thanh như thể cho hả những ngày “nằm rề” một mình trên đỉnh núi đá tai mèo.

     - Đúng hẹn quá! Đúng hẹn quá!- Lão “sả” thêm băng nữa:- Biết chú lên ăn Tết, anh “đòi bằng được” con sơn dương tơ để đãi khách quý.

     Đặt con thịt xuống thềm đá, đúng chỗ đàn gà rừng bới nhặt hạt nứa khuy. Gà rừng ở đây cũng được các già thuần hóa, thân thiện như gà nhà. Hẳn nào có động là chúng bay về nhờ người trợ giúp.

     Phía nhà dù, tiếng nhạc đã réo rắt mời gọi. Đêm giao lưu văn nghệ trên núi “Ba tỉnh” sắp tới gần. Cũng rượu cần đóng chum bịt nắp như dưới Mường Cơi, Mường Ó… Cũng đống lửa ấm, nhưng được thế bằng lò than kẹn đỏ hồng để trong khúc đuôi xác máy bay Mỹ rơi năm xưa. Và một chiếc bàn bằng nứa dại đan lóng đôi thay thảm, trên mặt trải lá chuối rừng đặt cỗ. Ba tỉnh đủ 9 người và tôi là tròn chục, cùng ngồi quây bên lò than trong đêm 30 giữa núi rừng lạnh giá. Chưa bao giờ tôi được nghe bài hát “Trái đất này là của chúng mình…” xúc động đến vậy. Và lần đầu tiên tôi được cảm nhận ca khúc ấy bằng ba thứ tiếng: Thái- Mông- Dao, do hợp ca nam, nữ ba đội văn nghệ: xóm “Ba tỉnh”, Mỹ Á và Mường Cơi thể hiện. Dù không sành tiếng Thái, tiếng Dao, tiếng Mông nhưng tôi cũng đọc được tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương da diết. Sạch như ống tre, ống trúc, trong lành như nước suối ngọn nguồn.

     Rượu cần đêm cuối năm mỗi người vài nhấp môi. Không nghiêng ngả vì rượu mà nghiêng ngả vì điệu luân vũ của núi rừng Tây Bắc mịt mù mây trắng. Những vòng tay, bước chân nhún nhảy, những chiếc váy hoa văn, quần chẹt dịu dàng bên cột than hồng hừng hực. Cũng là lúc tôi say sưa ghi vào tâm khảm tấm gương sáng trong của 3 vị già làng giữ rừng “Ba tỉnh”. Đấy là cách gọi của tôi. Thực chất đây là: Khu dự trữ sinh quyển cộng đồng Cẩm Cò. Các ông được người dân bản địa gọi trìu mến là “Thần rừng”. Tuy quê quán mỗi người một tỉnh, phong tục tập quán mỗi dân tộc một khác nhưng hết thảy họ đều có điểm chung là yêu rừng vô hạn. Sống cuộc sống bình dị với thiên nhiên, với gió núi và mưa rừng không dứt.

     Người mà tôi có ấn tượng lúc gặp dưới xóm là già làng bản Mông Giàng A Dinh, thôn Mỹ Á, xã Thu Cúc- Tân Sơn- Phú Thọ. Tuổi 71 mà xem như mới sáu chục, nom oai vệ như quan Thống lý thời thuộc Pháp. Ông sinh ra và lớn lên ở Suối Bu- Văn Chấn. Học hết lớp 3, ông theo cha mẹ di cư xuống Mỹ Á mở đất. Với làn da ngăm ngăm chắc khỏe, đôi lông mày lưỡi mác rậm rì và chất giọng ồm ồm. Già hăng hái nhận xét về mình: “Gần một phần ba đời à! Mình “tham gia” phá rừng, đốt nương lấn rẫy mở ruộng nuôi con. Biết là tội lớn đấy, nhưng vì mưu sinh. Vì cuộc sống du cư của dân tộc mình mà... Cho đến một ngày, cầm khẩu súng kíp tự chế vào rừng “thử”. Chao ôi! Con vượn mẹ xấu số là nạn nhân. Chỉ khi con vượn chết mình mới “thủng”. Ôi! Nói ra đau lòng quá, nhưng mình cứ nói, cứ kể để bàn dân thiên hạ lấy làm bài học”. Đôi mắt xếch him him, môi ngậm cần rượu ngọt mà miệng ông đắng ngắt. Già Dinh kể rằng:

     Một con vượn đen bạc má mang thai, cho đến một ngày kia, đứa con ra đời. Vượn mẹ bồng con rời hang đi kiếm ăn. Nó tung mình diễn đu, tới ngọn cây đò to, ngắt một quả dúi vào tay con. Đúng lúc có một con gì đó giống loài vượn nhưng cao lớn hơn, hắn đi bằng hai chân dưới đất, hai tay cầm một cành cây đen ngòm. Vượn mẹ ngạc nhiên tới mức ngơ ngác nhìn. Bỗng “Đoành!”, cành cây lóe sáng, một ngọn khói bay lên trời thành vành chữ o. Vượn mẹ bị gãy lòi xương cẳng tay, hệt cành cây bẻ đôi. Máu chảy loang bộ lông màu đen, dểu thành giọt xuống mặt đất thành đỏ. Cánh tay còn lại kia vẫn bám chắc cành cây.

     “Khốn nạn quá”!- Già Dinh đột ngột than- Con vượn mẹ ở trên núi như “gái cấm cung” đâu biết con vật đó chính là lão Dinh tham lam của thế giới loài người và sự hiểm nguy từ thế giới ấy đối với muôn loài động thực vật. Nó cũng không giận giữ và nghĩ ngay tới đứa con trên lưng. Mặt vượn mẹ răn rúm như mảnh lưới rách, miệng không ngớt “lục khục” nhắc đứa con trên lưng bám chặt eo mẹ. Rồi mẹ nó xoay người thả cánh tay còn lại ôm đứa con vào lòng nhưng không kịp. “Đoành!” Mình đòm phát nữa để chứng tỏ tài thiện xạ. Con vượn mẹ đứt thìa lìa cánh tay còn lại. Hình như nó nhận ra con vật cao lớn dưới đất không cùng đồng loại, liền cúi gập, mắt hướng xuống “cành cây” lạ van lơn. Một chân ôm ghì đứa con vào bụng, một chân nhảy tềnh tễnh trên cành đò. Để chứng minh khẩu súng tốt, mình bồi phát nữa...

     “Huỵch!” nghe như bao xi măng rơi từ tầng ba. Mình nhảy xù, thu “chiến lợi phẩm”. Con vượn mẹ xấu số rơi trúng bìa đá nằm thoi thóp. Đôi mắt tròn hoe rỉ nước. Con vượn con sống sót miệng vẫn ti bầu vú nóng, tay nắm chặt trái đò, nó đâu biết chuyện gì đã xảy ra. Chú biết không? Kẻ “thắng trận” khựng đứng ôm ngực!! Để chuộc lỗi, mình thay mẹ nó nuôi cô “công chúa” nhỏ đến tuổi trưởng thành mới thả “nàng” về với đồng loại. Thời gian đầu “nàng” nhớ nhà mỗi tháng về thăm vài bốn lần. Sau có kẻ rình mò, mình khuyên nàng đừng xuống bản nữa. Ít bữa bố sẽ lên núi ở cùng.

     Trước khi xung vào đội gác rừng, mình ôm quách khẩu súng kíp xuống trụ sở Ủy ban, giao nộp cho Công an xã. Dân bản thấy thế, nhiều người xuýt xoa tiếc của: “Lão Dinh già mà dồ!” Mình chỉ cười, rồi không ngớt tuyên truyền tác hại khi dùng súng săn bắt. Ban đầu thật khó, nhưng “mưa dầm thấm lâu” vào tới quả tim, lá gan thì đồng bào mới thông. Chỉ khi ấy, các nhà mới phục và làm theo. Năm ấy, cả bản được UBND huyện Thanh Sơn khen ngợi, kèm theo cái phong bì bốn triệu đồng để dân bản ăn cơm Đại đoàn kết.

     Đã mấy lần tôi toan hỏi: Sau nữa ông còn gặp lại nàng chứ? Đoán tỏng ý tôi, già Ờn cười khì. Lão đỡ lời già Dinh:

     - Có chớ. Giờ nàng là chủ soái, sáng nào chẳng dẫn đàn về “lâu đài” hót ca inh ỏi tới 8 giờ mới rủ nhau đi ăn sáng. Những buổi như thế, trời nắng ráo cả ngày. Bữa nào nàng không về là y chang mưa to, gió rít. Tỉ dụ như chiều nay, lũ vượn la lối rối mù là “động” rừng. Biết điềm chẳng lành, mình lần theo “đòi” được con thịt về.    

     Già Dinh thả tiếng thở dài thượt:

     - Khi biết lỗi thì đã mấp mé tuổi ngũ tuần con à- Nói rồi, ông vít cần rượu rít một hơi phồng đôi má. “Ực!” Già đứng lên thả sấp rượu xuống bụng rồi nắm chặt đôi bàn tay- Chưa muộn, phải không con?- Ta nghĩ thế và nghe lời Đảng không phá rừng đốt rẫy, săn bắt trái phép nữa. Giờ già rồi. Nhưng còn dẻo dai đáo để. Mình chuộc lỗi bằng hai mươi mấy năm trông coi rừng sinh quyển Cẩm Cò. Và không ngừng tuyên truyền vận động đồng bào cùng chung tay bảo vệ rừng- Ông dừng lời, thọc mạnh cây gậy hèo xuống lòng đất như cắm đinh. Tôi nhìn ông chăm chắm: “Dân Việt Nam có khác, ai ai cũng học tập và làm theo gương Bác Hồ”.

     Người thứ hai mà tôi nói đến là già làng Lý Kim Thêm, 73 tuổi, dân Dao Nga Hoàng chính cống. Ông theo cha về thôn Liên Thành năm 12 tuổi. 19 tuổi nhập ngũ, đã từng là bộ đội mở đường Trường Sơn. Giải phóng miền Nam ông ra quân và đưa vợ con lên xóm “Ba tỉnh” lập trại giữ rừng. Trong các cuộc họp ở thôn, ở xã, ông luôn là người quyết liệt lên tiếng bảo vệ rừng, nói không với chặt phá rừng làm nương rẫy, dù mang lại cơm no chút xíu nhưng hại họa cho muôn loài. Trong hội thảo dự án 327/CP về chăm nuôi rừng phòng hộ và tái lập Khu sinh quyển dự phòng cộng đồng Cẩm Cò liên tỉnh: Yên Bái- Phú Thọ- Sơn La tại Nhà vòm huyện Văn Chấn, nay là UBND thị xã Nghĩa Lộ, người lính Trường Sơn năm xưa vinh dự là một trong hai đại biểu của xã Minh An. Khi ông đang phản biện, micrô đột ngột tắt ngấm, chưa rõ nguyên nhân. Mặc, giọng sang sảng của ông vẫn choang choảng, khiến hội trường im ngắt ai nấy dỏng tai mà nghe. Giọng nói ấm nồng cất lên từ một trái tim yêu rừng mãnh liệt.

     Khác với già Dinh, già Thêm, già Cầm Ờn mới nghỉ chế độ năm ngoái, được mệnh danh là “tay ăn dầm nằm dề”. Cũng đúng thôi, bởi đó là nghề mà. Khi kể về mình, già Ờn không quên những chi tiết như: ước mơ của ông là làm giáo viên trường làng hoặc bác sĩ chữa bệnh cho bản Mường. Nhưng thi không đậu, đậu Lâm nghiệp. Ban đầu đành học lấp chỗ trống để năm sau thi lại. Thế rồi càng học, càng gắn bó, càng yêu rừng hơn. Ông quyết tâm học thật giỏi để về cống hiến cho núi rừng Tây Bắc. “Vậy là mình đã đi đúng nghiệp”- Già Ờn nhận xét. Khi ra trường ông được phân công lên Mộc Châu, rồi Vạn Yên, Bắc Yên… Những năm cuối trong nghề, ông luân chuyển về Trạm Kiểm lâm Mường Cơi quê nhà, giữa trập trùng mây núi Lũng Lô huyền thoại.

     Chẳng biết tôi có “thiên vị” với già Ờn hay không mà mỗi khi giang tay ôm từng cây gỗ lớn, không những ông đọc tên vanh vách mà còn hiểu thấu đáo về đặc tính của từng loại gỗ rừng quý hiếm. Hỏi hang cùng, ngách hẻm từ rừng Tô Hiệu đến Lũng Lô, hang Đại Tướng hoặc bãi chè cổ Bản Gia, Làng Chiếu… ông đều tỏ tường và luôn là người hăng hái dẫn đường tuần tra bảo vệ.

     Trong quá trình gắn bó với rừng, không ít lần ông rưng rưng nước mắt khi bắt gặp con gấu lợn bị bắn trọng thương. Nó cố lết về gian lều hoang bên bãi chè cổ Bản Gia, kịp cho đứa con trong bụng chào đời trước khi gấu mẹ tắt thở. Chao ôi! Đến loài gấu hoang trước khi chết cũng tìm đến với con người. Chứng kiến cảnh đau lòng ấy, ông và đồng nghiệp phải “ngậm” nước mắt và ôm gấu con về trạm thay mẹ nó nuôi lớn rồi thả về với rừng. Nỗi đau thắt ruột trước muôn loài không bằng nỗi đau khi phải chứng kiến đồng nghiệp bị rơi vách đá khi truy bắt “lâm tặc”, hoặc rắn độc đón đường cắn giữa rừng. Trong giây phút mà sống chết chỉ cách nhau gang tấc ấy, người kiểm lâm nào chẳng hoang mang dao động? Nhưng ân tình với rừng đã ăn sâu vào máu thịt từng người. Anh cán bộ Kiểm lâm dân tộc Thái năm xưa nay đã “lên chức” già làng. Nghỉ hưu, ông tình nguyện xung vào đội coi giữ Khu sinh quyển dự phòng Cẩm Cò để được tiếp tục bảo vệ từng thước rừng phòng hộ.

     Chẳng riêng gì ba vị “thần rừng”, những người dân sống xung quanh khu sinh quyển cộng đồng Cẩm Cò, vành đai “nóng” của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, cũng ngày càng có ý thức cao hơn, đoàn kết yêu thương gắn bó với nhau như anh em một nhà và cùng sẻ chia từng nỗi đau khi một con thú hay một cây rừng bị hạ. Qua thời gian, tình cảm ấy ngày càng lớn mạnh, như cánh rừng xanh thêm theo năm tháng. “Ơi, con trai, con gái Mông- Dao- Thái. Em đẹp lắm!” Lời khen của tôi chìm ngập trong chuỗi âm thanh âm âm trầm bổng lúc gần, lúc xa của vũ điệu núi rừng. Giữa lưỡi lửa xè xè và tiếng nổ tí tách, nghe như có tiếng hòa ca của muông thú. Suối chảy, gió gào và rừng đại ngàn chuyển động.

     Đất trời đang nở hoa.

              

 H.X.L

 

Các tin khác:

1-5 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter