Ký của VÕ BÁ CƯỜNG
“Có tiền chợ Ngọc, chợ Ngà/ Hết tiền lơ lửng Thác Bà, Thác Ông”. Hai câu thơ ấy nằm lòng khi tôi ngồi du thuyền với hướng dẫn viên du lịch trên hồ Thác Bà.
Người đâu xa? Nhà cô ở chân cầu Âu Lâu (Âu Lâu bóng chữ chân cầu). Trên du thuyền dạo quanh hồ cô đọc tôi nghe những câu thơ đẹp về tình yêu của các dân tộc quê mình: “Đã yêu nhau, nước đựng trong sàn không lọt”; “Đã yêu nhau, chẻ cây chuối làm đuốc cũng cháy”. Hay “Quả ớt dẫu cay cũng ăn cả vỏ/ Quả chuối dẫu ngọt vẫn bỏ vỏ đi”.
Tôi nhìn mặt hồ như một cô gái kiêu sa choàng chiếc khăn đẹp như áo lụa Hà Đông. Tôi kêu lên: “Yêu hồ như tình yêu người em gái”. Vậy là tôi đã yêu hồ, muốn cùng du khách đi “chợ Ngọc, chợ Ngà” để khám phá tình yêu và cái đẹp của hồ. Cô khẽ nói: “Anh hãy ngắm nhìn mặt nước hồ xanh, sương sa buổi sớm mùa xuân. Mây bay trùng trình mặt nước, không muốn về núi, càng không dứt tình với người Thác Bà”.
Hồ được quy hoạch từ năm 1962, đến ngày 05/10/1971 mới khánh thành. Với con mắt thấu thị của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước ta từ ngày ấy muốn nơi đây trở thành hồ nước vùng Tây Bắc như vịnh Hạ Long trên cạn. Với diện tích khoảng 53.000 ha, có 1.400 hòn đảo lớn nhỏ, mỗi hòn đảo đều mang theo bao chuyện huyền thoại từ ngàn xưa sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn vùng trung du miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa truyền thống và hệ sinh thái lòng hồ. Anh thấy không? Rồi đây các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu sẽ hội tụ như cánh chim rừng chiều Tây Bắc.
Hồ Thác Bà chẳng những có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, vùng đất đảm bảo an ninh năng lượng cấp nước thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Với dung lượng 3,7 tỷ m3 nước cùng với sự giàu có sinh thái lòng hồ, người ta nghĩ đến việc xây dựng nhà máy thủy điện, khởi công đầu năm 1964 với tổ hợp ba máy. Con hồ dài 80km, chỗ rộng nhất 15km. Có nhà máy phát điện, chế tạo được vũ khí cung cấp cho chiến trường miền Nam. Người xưa kể lại, ngày ấy bóng dáng người công binh, người công nhân chế tạo máy móc vũ khí nhập nhòa trong sương khói giữa lòng hồ.
Việc chế tạo vũ khí là mệnh lệnh của dân tộc giao cho vùng hồ, tiếng gọi của đất nước chứ của riêng ai? Những người thợ tài hoa, những công nhân lành nghề tự hào được đứng bên những cỗ máy và tiếng rèn đập trong bàn tay họ.
Nhà máy vừa dầm chân ấm chỗ (1968- 1971), giặc Mỹ đem bom đến ném xuống hồ thủy điện. Một thách thức lớn đối với những kỹ sư ngành điện. Quê hương “Ngôi sao đỏ giữa sương dầy/ Vẫn trông mỗi bước mỗi ngày ta đi”.
Các dân tộc lòng hồ và những người công nhân thủy điện hô to khẩu hiệu “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Sau những trận ném bom cam go, tổ máy 1 đã bị hỏng. Các kỹ sư máy của ta dự tính phải sửa chữa sáu tháng. Mỗi buổi sáng người thợ, kỹ sư thức dậy họ truyền tai nhau câu: “Nửa mình còn trong lửa nước sôi”. Tinh thần đó ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của người thợ. Họ cặm cụi làm việc, rút ngắn thời gian sửa chữa, ba tháng sau máy móc vận hành được. Điện có, vũ khí đạn dược lại xuất xưởng lặng lẽ chở theo lòng hồ gửi ra tiền tuyến. Dân lòng hồ vui như người vừa đi chợ Ngọc, chợ Ngà về.
Hai tay cô nhẹ thả xuống hồ nước xanh nõn. Tôi nhìn đôi bàn tay đẹp như đôi ngọc quý soi bóng. Bỗng cô nói:
- Dưới lòng hồ, chỗ du thuyền đang bơi trước đây hơn mấy trăm năm có chợ Ký Mã (thuộc xã Thịnh Hưng), người đi chợ Ngọc, chợ Ngà đều phải đem ngựa vào chợ gửi. Muốn vào được chợ đều phải nộp cho quan coi chợ một lạng bạc. Vào đấy mong được xem đôi ngà voi, bán mãi không được vì ngọc đẹp, giá cao. Sau có một thương gia từ đâu đến trả giá đắt mua mất sản vật quý lòng hồ. Giá giờ có phép lạ, du khách cùng nhau lặn xuống lòng hồ tìm lại di tích xa xưa của dân cố thổ. Chúng ta cùng bơi đến đồi cam Đăng Thọ hưởng lấy vị ngọt thơm mát, cắt cành cọ làng Đông Lý rồi vào ăn cơm làng Mạ với cá đào kiều. Niêu cơm Bạch Hà, thịt gà “Linh” môn. Được trải qua một đêm nghỉ với gái làng cây thị.
Tôi thầm nghĩ: “Gái làng cây thị hẳn đẹp. Giá trị của gái làng có thể sinh ra được những người con thông tuệ giúp ích cho nước như gái làng Cổ Am xưa?”.
Dưới mấy chục mét nước sâu lòng hồ đã chôn vùi bao kỷ niệm vui buồn của các dân tộc Tây Bắc.
Chuyện cô kể, trước mắt tôi như được bày ra mâm cỗ, món nào cũng quý, cũng ngon đầy “khát vọng” của con người.
Chuyện xưa, các cụ hay nhắc tới tiền, là nhắc tới cuộc sống. Ai cũng mê tiền nhưng có lúc cũng chán tiền, ghét tiền, giữ thế để mình được thanh bạch, muốn rong ruổi tiêu du vào mấy chùa chiền như chùa Trấu, chùa Bắp, chùa Vật Lấm, chùa Đông Lý. Tên chùa như tên vật cổ, như tên người lòng hồ dân im lặng, yêu thương. Lời dân cố thổ thật như đếm. Cái vui, cái buồn cũng nói ra tuồn tuột đâu vòng vo như nước lượn. Các cụ bảo nhau: “Có tiền buôn sông Cả/ Hết tiền đi ngả sông Thao/ Không có đồng nào thì về sông Chảy”. Nơi con sông Chảy dễ làm, dễ ăn, tay trắng về đấy cũng sống. Dân cố thổ lòng hồ thường dựa vào các dòng sông đi lại buôn bán. Ai cũng nhớ tới con sông chảy qua đời mình, lượng nước bốn mùa các sông đổ vào lòng hồ. Nước dâng cao, những làng mạc, dân cư chợ búa dìm xuống.
Ôi con sông Chảy dễ làm, dễ ăn. Lúc cơ hàn hai bàn tay trắng đều được sản vật sông Chảy nuôi dân.
Hướng dẫn viên hai tay vục nước vả lên mặt cho mát, dịu dàng nói với mọi người:
- Ước gì tất cả những người trong du thuyền trở thành nàng tiên cá lặn xuống hồ để đi tìm chùa Trấu, chùa Bắp, chùa Vật Lấm, chùa Đông Lý. Bốn chùa này trước thuộc huyện Yên Bình- Tuyên Quang sau chuyển về đây.
Nàng thốt lên: “Ôi! Con sông Chảy dòng sông thi phú yêu thương dồn sức sống và sản vật cho lòng hồ khác gì con sông Vàm Cỏ Đông- Nam Bộ”.
Dòng sông Chảy, hai ven sông cũng thưa hồng rậm lục, lặng chảy vào nỗi ưu tư. Dòng sông thả mình qua xã Đại Minh. Đất ấy có bưởi Đại Minh, tép bưởi to màu vàng nhạt, ăn vừa giòn, vừa thanh, vừa ngọt. Du khách từ xa tới thế nào cũng qua Đại Minh mang hương bưởi vào lòng hồ.
Lòng hồ Thác Bà như pho sử thiêng của dân tộc Tây Bắc. Họ đã xây dựng nhà cửa, bếp núc, giếng thơi theo truyền thống của dân tộc họ. Đến món ăn, áo mặc, cách đi đứng, tiếng gọi tình yêu của dân tộc dù có khác nhau nhưng đều toát lên tình yêu của người Việt.
Tôi hỏi hướng dẫn viên: Không biết dưới lòng hồ còn vùi lấp những câu hát “chọc sàn” của dân tộc Thái hay tiếng gậy đập vách đến nhà người yêu của người Mông. Nàng cười và đọc luôn hai câu của người Thái:
“Nghe con chó nó cắn
Biết là anh đến rồi”
Lúc ấy mắt tôi đăm đắm nhìn vào những đàn dê, thấp thoáng bóng con ngựa chạy trên những hòn núi lòng hồ. Thi thoảng bắt gặp cành ban trắng như cánh tay nàng Ban thả xuống. Mùi thơm của cỏ cây, của hoa quế, hoa ban, hoa sữa, hoa sấu, hoa gạo, thôi thì muôn hồng nghìn tía được trưng diện, mỗi cây mỗi hoa, cảnh tình mỗi vẻ.
Cô dẫn tôi vào mê lộ văn chương cổ xưa của đồng bào dân tộc lòng hồ. Tôi cảm giác mình như cánh lá rụng chơi vơi giữa gió ngàn thác réo.
Đôi mắt cô ngơ ngác như mắt nai rừng nhìn tôi và các du khách, nhỏ nhẹ đọc:
“Đồn rằng Khả Lĩnh vui thay
Bên Đông có giếng, bên Tây có hồ
Giữa làng có miếu thờ vua
Sông sâu nước chảy gió đưa một dòng
Đầu làng có giếng mỏ cò
Cây đa ông Thuấn, bến đò Đông Dương”
Em nói thêm với anh rằng xã Đại Minh ở đấy có tích của hồ, của giếng, của miếu thờ vị Vua nào và cây đa ông Thuấn. Gốc đa có bến đò ra sao? Nhà văn tự tìm hiểu lấy.
Xã Đại Minh đã có bưởi thơm, lại có miếu, có giếng Mò Cò. Giếng đó mùa nào nước cũng trong veo tràn qua mặt giếng. Ai qua cũng muốn dừng chân múc nước rửa mặt như rửa đi cái bụi trần thời thế. Giếng ghép những thân gỗ tròn vuông bốn mặt. Gỗ không bao giờ mục. Lạ! Là ở đó; cứ đến ngày 7/1 cả xã Đại Minh dân chúng quần áo tươm tất tế Thành Hoàng làng ở đình Khả Lĩnh.
Tất cả những di tích cổ vật giờ chìm sâu. Viết tới đây tôi nghĩ ngay tới các nhà sử học sau này cần có cuộc khai quật khảo cổ lòng hồ như mấy chục năm trước đây tôi có vinh dự cùng Giáo sư Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đỗ Văn Ninh và Giáo sư Lân Cường (con nhà giáo Nguyễn Lân) cùng bà Đặng Thu Hà (phu nhân Đại Tướng Võ Nguyên Giáp) đã có cuộc khai quật thương cảng Vân Đồn xưa là thương cảng đầu tiên của nước ta tạo dựng đường buôn với thế giới. Sau thương cảng chuyển về Hưng Yên rồi bước vào Kinh Kỳ.
Với cảm giác ấy, tôi cũng muốn có cuộc khai quật khảo cổ lòng hồ, chắc chắn chúng ta sẽ biết nhiều điều ta muốn biết.
Chúng tôi nghỉ lại ăn trưa trên núi Cao Biền, trung tâm của hồ.
Mùa xuân là tháng ăn chơi, các cụ ngày xưa nói vậy. Tôi cũng bị nhiễm vào thú vui ấy như mảng mây trên mặt hồ được thể trùng trình, dềnh dàng làm một cây cầu màu cánh vạc vắt sang hạ.
Cá lòng hồ sạch ngon. Bát nước cá trong nổi lăn tăn bóng nước, vị thanh mát rất hợp cho những du khách trong khắp miền Tổ quốc về đây. Họ nắm tay với bầu bạn quốc tế, với không khí sạch, xanh và tính chân thật của người Yên Bái. Khó mà đi được!
Từ hồ lên, người đầu tiên đón chúng tôi là anh Chu Đình Ngữ. Mắt bồ câu gợi niềm khao khát nắm tay từng người, anh nói:
- Yên Bái như con thuyền trên sóng hồ Thác Bà đẹp đến mê hồn. Qua nay các anh chị có vào nghỉ ở hang Thủy Tiên không? Thuyết xưa kể rằng, ngày xa ấy đã mấy trăm năm rồi có con gà bạc từ trời bay xuống. Lẽ ra phải về trời, nhưng xuống được trần gian, mê cảnh thú dùng dằng ở lại, gặp được người con gái. Sau lộ mặt trốn vào hang ở. Gần đấy có chàng trai cày mãi ở ngọn núi cũng không về trời thành núi Chàng Rể. Truyền thuyết vẫn là truyền thuyết, chẳng hiểu đúng sai thế nào? Người dân Thác Bà còn có chuyện kể, những người dân cày muốn vượt qua được hồ Thác Bà phải đan được chín cái sọt mới đi được hồ. Chín cái sọt hình thù ra sao, dùng để làm gì? Nó là một câu hỏi chưa ai giải được.
Hồ Thác Bà đúng là một thắng cảnh huyền bí, đầy tính dân gian. Nó đi vào lòng người dân Việt như hòn Trống Mái (Hạ Long), như nàng Vọng Phu (Lạng Sơn), như truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh trong những trận giao chiến thắng thua. Ai có gà chín cựa, ngựa chín hồng mao sẽ thắng cuộc….
Chu Đình Ngữ cười hiền với cái nhìn trong trẻo nói với khách:
- Người Yên Bái đã tìm được đường đi dưới bàn chân mình. Họ tạo vùng này thành hòn ngọc xanh với thế mạnh của du lịch và sản vật Tây Bắc.
Khách đến Thác Bà đâu dừng lại ở đấy, họ sẽ đi “Ngòi Thia, sông Đáy”. Ngòi Thia đã đi vào lịch sử của dân tộc anh hùng như dòng sông Mang trên bến Vân Đồn; Dòng sông Như Nguyệt chôn vùi kẻ thù.
Vâng! Chiều ấy tôi đã về Ngòi Thia. Dọc đường nước chảy reo réo, đến một khúc lặng như mặt gương người chèo đò dừng lại, tay chỉ xuống mặt hồ nói:
- Chính chỗ này đây, vài chục năm trước người dân cố thổ đã nhìn thấy bóng con thuồng luồng từ lòng thác vọt lên như một ánh chớp, trắng tựa cây chuối lột vỏ, mắt đỏ, đuôi dài. Chuyện thực hay hư? Thăm thẳm bóng nước, bóng người gợi bao chuyện cổ tích xa xưa “thuồng luồng giai giải” bà tôi đã kể.
Tôi nhìn lại Chu Đình Ngữ, gương mặt nhân dân Tây Bắc, hiển hiện từ giọng nói, nụ cười. Tôi reo thầm trong bụng; Chân thật quá! Hồn hậu quá! Như mái nhà sàn trên vách núi người Thái vương khói hoàng hôn khiến tôi nhớ nhà.
Năm 2024, Thác Bà đã đi qua giông bão. Cán bộ và nhân dân Tây Bắc sống trong lũ quét, đi trong mưa đổ. Họ hứng chịu cơn bão số 3, tên gọi Yagi (07/9/2024). Thành phố Yên Bái trở thành tâm điểm của lụt lội, bị ngăn cách giao thông, đi lại mắc kẹt giữa dòng chảy. Nhà đổ, người chết, trâu bò mất trôi nổi. Điện mất… Nhưng mấy ai đã nghĩ đến mình. Tất cả đều nghĩ tới đập thủy điện hồ Thác Bà.
Cái đẹp của người Việt là ở đó. Lúc gặp hoạn nạn thường nghĩ đến cái chung, cái đại cục của cả nước. Vì hồ Thác Bà nằm trong cái đại cục của cư dân vùng châu thổ sông Hồng.
Buổi chiều ngày… sóng Thác Bà cuồng nộ. Cây Thác Bà vặn réo. Người đi trên mặt đập thủy điện nếu gặp gió mạnh cũng dễ bay xuống mặt hồ.
Chu Đình Ngữ kể tiếp:
- Thế mà anh Trần Huy Tuấn lúc đó là người đứng đầu tỉnh, người gánh trách nhiệm ở thời điểm quan trọng nhất cũng chính là lúc được thử thách đối mặt với nhiều việc phức tạp. Anh Tuấn vẫn đứng trên mặt đập chỉ huy và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. Với tinh thần thép, trái tim bốc lửa vì dân, anh đâu nghĩ đến đói, đến rét chỉ nghĩ tới vận mệnh của đập thủy điện liệu có chịu nổi, mọi bất cập có thể xảy ra.
Anh lặng lẽ xem biểu đồ quy trình điều tiết nước. Đã là giờ này, nước lên bao nhiêu? Tránh sao cho vỡ đập ảnh hưởng tới mười một ngàn dân, với ba ngàn hộ. Nếu để xảy ra, với độ dốc cao, nước mạnh tạo lũ lớn, tài sản, nhà cửa sẽ trôi nổi hết. Thác Bà hôm đó như quả bom nổ chậm.
Tuấn vốn là người chịu học và đọc. Anh tốt nghiệp đại học Thủy Lợi. Anh hiểu về quy trình của lũ. Nếu phải phá đập, xảy ra hậu quả lớn. Nhiều lý do đặt ra lúc cam go, bất đắc dĩ áp dụng phương án xấu. Trong đầu anh Tuấn đã nghĩ đến đưa hai máy lên, đưa dầm lên rồi cho công binh Quân Khu 2 đặt mìn nổ.
Thử thách và căng thẳng. Thân thể anh rệu rã, mệt mỏi nhưng tinh thần lại vượt lên. Người anh quay cuồng trong lũ bão nhưng quyết không quỳ gối trước khó khăn.
Chiều tối, tự nhiên nước lững, từ thượng nguồn ít dồn về. Nước hồ như lững lại. Những nếp nhăn trên mặt đồng chí đứng đầu tỉnh như được dãn ra với nụ cười thầm lặng và khiêm tốn.
Một tiếng hát của ai đó “Hà Nội một thời đạn bom, một thời hòa bình (của Hoàng Hiệp). Giờ Thác Bà không lo tiếng bom nổ, hòa bình đã lập lại.
Chu Đình Ngữ ngồi xuống, lặng lẽ giây phút mà rằng: Tổ chức và nhân dân Yên Bái, sông suối, ngòi lạch và cây trồng đã chọn anh Tuấn gánh vác nhiệm vụ lớn.
Anh xứng đáng là một Bí thư Tỉnh ủy trẻ của đồng bào dân tộc Tây Bắc. Anh đang dẫn dắt đồng bào anh đi trên thế mạnh sản vật sẵn có. Điểm nhấn là du lịch Thác Bà, một thắng cảnh màu hi vọng. Du khách đến Yên Bái được ăn cơm nắm bản Tủ, ngủ bản Bon, ngắm nhìn gái Thái mặc sở cỏm, xem mùa nước đổ, ngắm dù lượn trên Nậm Có.
V. B.C