Tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh qua chuyến thăm và lời dạy của Bác Hồ đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái

 

G.S - TS Hoàng Chí Bảo

Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên

Hội đồng Lý luận Trung ương

1.

Sáu mươi nhăm năm về trước, Bác Hồ dẫn đầu đoàn cán bộ Đảng và Nhà nước về thăm tỉnh Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023). Chuyến thăm và làm việc của Bác Hồ tại Yên Bái tuy thời gian ngắn nhưng đầy ắp những kỷ niệm ân tình không thể nào quên đối với Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Các thế hệ cán bộ đảng viên và người dân Yên Bái sẽ lưu giữ mãi mãi trong ký ức của mình sự kiện lịch sử khi được đón Bác Hồ về thăm, được khắc ghi trong tâm khảm của mình những lời căn dặn của Bác. Đó là tài sản tinh thần vô giá sẽ mãi mãi được trân trọng, gìn giữ và phát huy. Đó còn là động lực tinh thần thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái nỗ lực đổi mới sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hành dân chủ, biến khát vọng phát triển thành hiện thực để nhân dân được thụ hưởng hạnh phúc chính trên mảnh đất Yên Bái anh hùng, giàu tiềm năng, đang có tiềm lực để phát triển nhanh và bền vững.

 

G.S- TS Hoàng Chí Bảo- Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tham luận tại Hội thảo “Yên Bái học tập và làm theo lời Bác” Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023)

 

Những lời dạy của Bác Hồ đối với nhân dân tỉnh Yên Bái thể hiện sinh động và cảm động Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách của Người, mà giờ đây mỗi chúng ta cần ra sức thấm nhuần, nỗ lực thực hiện, nuôi dưỡng “tinh thần cống hiến” để thực hiện “khát vọng phát triển” như Đảng ta đã nêu trong văn kiện Đại hội XIII. Đó là cách tốt nhất, thiết thực nhất kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Yên Bái - sự kiện tiêu biểu nhất trong năm, trong đời sống chính trị - tinh thần của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

2.

Để học tập và làm theo tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh qua chuyến thăm và lời dạy của Người đối với Đảng bộ và nhân dân Yên Bái, chúng ta cần nhận rõ bối cảnh xã hội diễn ra chuyến đi của Người về Yên Bái, bài nói của Người tại cuộc mít tinh với cán bộ đảng viên và đồng bào tỉnh nhà, đặc biệt là buổi làm việc của Người với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngay khi Người tới Yên Bái. Câu chuyện cảm động mà đồng chí Nguyễn Đức, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy kể lại khi đã là Thượng tướng trong quân đội, Ủy viên Trung ương Đảng, sau 40 năm về thăm lại Yên Bái (1958 - 1998) cho ta những thu hoạch bổ ích để thêm một lần thấm nhuần tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh. Không chỉ có vậy, những thư từ Người gửi cho cán bộ và nhân dân, kể cả các cháu thiếu nhi cho ta cảm nhận sự ân cần, chu đáo, sát sao của Người với nhân dân và cuộc sống của họ, niềm tin và mong đợi của Người về triển vọng tốt đẹp trong phát triển của Yên Bái. Những dòng hồi tưởng của các lớp cán bộ đảng viên và nhân dân - những nhân chứng lịch sử được chứng kiến sự kiện Bác Hồ về Yên Bái 65 năm trước đây cũng là những cứ liệu chân thực làm sống động tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại cuốn sách “Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sưu tầm, biên soạn rất công phu, được xuất bản năm 2018 vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm tỉnh nhà. Có thể nói đây là một cuốn sách quý, rất bổ ích không chỉ với giới nghiên cứu mà còn là tài liệu quan trọng để giáo dục, tuyên truyền tới đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng thời phát huy tác dụng tới các địa phương trong cả nước, nhất là góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc đối với thế hệ trẻ hiện nay. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái đã làm tốt công tác tư tưởng, đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền về việc học tập và làm theo tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức biên soạn cuốn sách quý này.

Ngành giáo dục và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái có thể khai thác nguồn tư liệu trong cuốn sách này, tận dụng tối đa những tư liệu, sự kiện, hình ảnh mà cuốn sách thể hiện để làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền, tạo hiệu ứng và sức lan tỏa từ trang sách tới cuộc đời, sao cho những kỷ niệm về Bác Hồ với Yên Bái và tấm lòng của đồng bào các dân tộc Yên Bái, của Đảng bộ và các thế hệ cán bộ đảng viên Yên Bái với Bác Hồ mãi mãi được lưu truyền và phát huy trong đời sống tinh thần của chúng ta. Thời gian càng lùi xa, những kỷ niệm đó càng trở nên sâu sắc, nghĩa tình giữa Đảng - Bác Hồ và nhân dân càng trở nên bền chặt, kết tinh thành giá trị, bản sắc văn hóa, thấm đẫm chất nhân văn của phát triển. Sinh thời, Bác Hồ từng hỏi cán bộ chúng ta, “Tổ quốc là gì?” Chúng ta thưa với Bác, “đó là đất nước”. Bác mỉm cười đôn hậu, đúng vậy, Tổ quốc là Đất nước. Có Đất và Nước mới thành Tổ quốc. Nhưng linh hồn của nó, làm nên sự sống của nó là con người, tình người. Bác cũng từng nói, thiên thời, địa lợi là quan trọng nhưng quan trọng và quyết định nhất là nhân hòa. Bởi vậy, suốt một đời Bác dành tất cả sự quan tâm và thương yêu cho mỗi người chúng ta. Cả một đời vì nước, vì dân, Người đã dấn thân tìm đường cứu nước, cứu dân, Người đã hy sinh, hy sinh cả cuộc sống riêng tư vì cuộc sống và hạnh phúc của toàn dân tộc, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người là làm cho nước nhà được độc lập, dân ta có tự do và đồng bào ta được hạnh phúc, ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành. Ham muốn ấy trở thành hoài bão và khát vọng suốt đời của Người. Từ dấn thân để hy sinh và cuối cùng Người dường như đã hóa thân vào Dân, vào Nước, kết tinh thành hồn thiêng sông núi và tình thương yêu của Người mãi mãi ở bên ta, trong cuộc sống, trong trái tim ta, cũng như mỗi chúng ta, ai cũng cảm nhận tự trái tim mình “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

3.

Tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét, đó là cả một kho báu mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu. Đó là một tài sản vô giá trong cuộc đời. Đó là nguồn sáng soi đường, là ngọn cờ chỉ lối cho chúng ta đi tới mục đích với hệ giá trị cốt lõi Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Giải phóng để Phát triển, là quy luật lịch sử Việt Nam hiện đại, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh truyền đi một thông điệp lịch sử của phát triển: “Thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ”. Và, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó còn là tư tưởng đổi mới thông qua cách mạng và hội nhập: “Phá cái cũ, đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Phải theo gương cách mạng Nga, phải áp dụng “Tân kinh tế chính sách của Lênin”, phải có Đảng cách mạng chân chính, giữ chủ nghĩa cho vững, ít lòng tham muốn về vật chất để làm cách mạng đến nơi, quyền vào tay dân chúng số nhiều với công nông là gốc của cách mệnh. Việt Nam mong muốn là bạn của tất cả các nước dân chủ, quyết không thù quán với một ai. Đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, để phát triển không chỉ xây dựng nền chính trị dân chủ pháp quyền, nền kinh tế phồn vinh, thịnh vượng, chú trọng một xã hội công bằng, bình đẳng mà còn phải phát triển văn hóa vì hạnh phúc của nhân dân. Nhất là, phải tiếp biến văn hóa để phát triển. Xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải tiếp thu mọi cái hay, cái tốt của các nền văn hóa khác để làm phong phú, giàu có văn hóa dân tộc mình. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, phải có sức mạnh chống được phù hoa xa xỉ, quan liêu, tham nhũng. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh có giá trị bền vững đến muôn đời. Đó cũng là thông điệp văn hóa của phát triển mà Người đưa ra vào lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang đến gần, ngày 24/11/1946.

Tư tưởng Hồ Chí Minh quy tụ sâu sa vào chữ DÂN, chữ NƯỚC, vào quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân, vào sức mạnh của Dân chủ - Dân vận và Đại đoàn kết để đồng thuận, hòa hợp, nêu cao quyết tâm, giữ vững tín tâm và thực hiện đồng tâm để kháng chiến kiến quốc thành công. Đó không chỉ là tư tưởng mà còn là đạo đức, trở thành phương phápphong cách của Người.

Đạo đức Hồ Chí Minh nổi bật là đạo đức hành động với 4 Mỹ đức của người cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, giặc nội xâm nguy hiểm nhất. Đó là đạo đức thực hành, nhất là làm gương mẫu, nêu gương cho mọi người noi theo, tận tụy, trách nhiệm, khiêm tốn, trung thực, lời nói đi đôi với việc làm, rèn luyện bản lĩnh không màng danh lợi, suốt đời ở ngoài vòng danh lợi để suốt đời tận trung, tận hiếu với Nước, với Dân, với Đảng.

Phong cách Hồ Chí Minh, một điển hình mẫu mực về văn hóa ứng xử, luôn gần gũi và chân thành, luôn giản dị và khiêm tốn, hài hòa, tự nhiên, thực hành dân chủ, kính trọng lễ phép với nhân dân, bao dung nhân ái, tinh tế và cao thượng, có sức cảm hóa muôn người, đến ngay kẻ thù cũng phải kính trọng, khâm phục.

Tất cả quy tụ vào một cái tên đẹp đẽ “Hồ Chí Minh”, là “Bác Hồ” của tất cả mọi người. Vậy nên, sự thống nhất hài hòa giữa tư tưởng với đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bao gồm cả phương pháp - một nét đặc sắc thuộc về văn hóa của Người tạo nên sức hấp dẫn và truyền cảm của Người đối với mọi người. Đó là Quốc bảo đồng thời là Pháp bảo của dân tộc ta trong thời đại mang tên Người - Thời đại Hồ Chí Minh. Đảng ta đánh giá rằng, đó là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

4.

Chuyến thăm và lời dạy của Bác Hồ tại Yên Bái, 65 năm về trước đã truyền cảm hứng thật sâu đậm đối với Đảng bộ và nhân dân Yên Bái. Cảm hứng mà Bác gieo niềm tin cho chúng ta còn mãi tới bây giờ và mai sau. Tình thươngniềm tin chúng ta nhận từ Người cho ta sức mạnh của đoàn kết, năng lực sáng tạo trong lao động và công tác, trong xây dựng đời sống mới, văn hóa mới, con người mới, quyết tâm vượt qua những cái cũ lạc hậu, lỗi thời để vươn lên bằng nỗ lực của chính mình, đạt tới tiến bộ và phát triển như Bác hằng mong - Yên Bái phải trở thành tỉnh khá nhất trong vùng miền núi phía Bắc. Đảng bộ và nhân dân Yên Bái quyết đạt tới mục tiêu đó vào những năm sắp tới - vào dịp kỷ niệm thiêng liêng, năm 2030 đánh dấu một 100 năm lịch sử quang vinh của Đảng ta.

Nhớ lại 65 năm về trước, chiều 24/9/1958, Bác đã đến Yên Bái. Từ một toa đặc biệt ở cuối đoàn tàu, Bác đã hiện ra cùng với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Bác tươi cười vậy chào tất cả mọi người đi đón Bác, gần gũi thân thương, không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ và người dân. Và ngay chiều tối hôm đó, rất khẩn trương, Bác có ngay buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là trao đổi bao điều thiết thực, cặn kẽ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, căn dặn chuẩn bị thật tốt cho buổi sáng hôm sau, 25/9/1958, Bác nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Thời điểm Bác về thăm Yên Bái là một mốc thời gian quan trọng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, chúng ta bắt tay vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành sửa sai cải cách ruộng đất, bước vào kế hoạch 3 năm xây dựng kinh tế và văn hóa để tập trung cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân mà miền núiYên Bái lúc bấy giờ đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ ân cần của Bác, của Đảng và Chính phủ. Bác đến với Yên Bái sau khi Bác đã về thăm quê, năm 1957, lúc Người đã 67 tuổi. Với Bác Hồ, đâu đâu cũng là quê hương nghĩa nặng tình sâu. Đóng góp sức người, sức của, kể cả hy sinh xương máu cho chiến thắng Điện Biên, giải phóng Tây Bắc của Yên Bái thật là to lớn, đều được Bác thấu hiểu. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nghèo nàn của đồng bào, kể cả những tàn dư hủ tục từ bao đời vẫn đè nặng lên từng bản làng và trong từng gia đình, Bác đều thấu cảm, chẳng thế mà Người đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh, với Bí thư Tỉnh ủy hồi bấy giờ - những câu hỏi xoáy sâu vào tình cảnh sống của bà con, vào những khó khăn của một tỉnh nghèo vừa mới ra khỏi chiến tranh. Từ việc Yên Bái đã có thể tự túc được lương thực chưa, hay hằng năm vẫn phải nhận viện trợ của Trung ương, tất cả cần đến bao nhiêu tấn gạo? Lại có đủ muối ăn, nhất là muối i-ốt chữa bệnh bướu cổ cho bà con không? Vận chuyển gạo, muối lên miền núi giúp đồng bào có kịp thời và thường xuyên không? Người hỏi cả dầu hỏa thắp sáng cho các hộ dân xa xôi, thuốc chữa bệnh thế nào, cả chỉ màu cho chị em thêu váy áo nữa có được quan tâm không? Đủ thấy sự quan tâm của Người cụ thể và thiết thực như thế nào? Với Người, đời sống của dân là điều hệ trọng, không có việc gì là nhỏ cả. Việc học hành của trẻ em, xóa mù chữ cho đồng bào, chữa bệnh cho người nghèo… tất cả đều được Người tìm hiểu cặn kẽ. Người đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải biết rõ, phải “nằm lòng” “những con số biết nói” đó để thường xuyên tâm niệm phải làm gì cho dân đỡ khổ, phải làm thế nào cho đời sống của dân tốt hơn, với cách mạng là phải xóa cái đói, xóa cái dốt cho dân. Nghe Bí thư báo cáo từng việc, từng con số, từng mốc thời gian, Người luôn đòi hỏi phải cụ thể không được áng chừng. Chỉ một chi tiết, thấy Bí thư cứ lật từng trang sổ tay, tìm số liệu, Bác nói: “Chú mở từ điển cho Bác xem đấy à”. Chỉ cái bờ rào bị đổ ở trụ sở giữa Ủy ban tỉnh và Trường Tài chính, Bác cũng hỏi cặn kẽ, đổ từ bao giờ mà sao không dựng lại, Bác tỏ ý không vui và dường như Người phê bình.

Có một câu hỏi Người dành cho Bí thư Tỉnh ủy, Yên Bái có còn tình trạng đánh vợ hay không? Khi trả lời Bác, chưa nắm hết được, Bác nói ngay, làm lãnh đạo, là Bí thư tỉnh phải biết rõ những cái đó. Ta nên nhớ, đây là điều Bác thường xuyên quan tâm và kiểm tra ở các địa phương. Người đặc biệt chú trọng việc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ. Trong Di chúc, Người căn dặn chị em phụ nữ phải chủ động vươn lên, thực hiện cuộc cách mạng bình quyền. Người hỏi Bí thư Tỉnh ủy, trong buổi mít tinh sáng hôm sau, có mời đại biểu tôn giáo không? Để các vị linh mục ngồi ở phía trước, gần loa phóng thanh để nghe cho rõ, để thấm tình đoàn kết lương - giáo, bởi đoàn kết mới góp sức vào sự ổn định và giàu mạnh trong cộng đồng.

Người còn căn dặn Bí thư Tỉnh ủy lên đáp từ sau khi Bác nói chuyện xong và phải chuẩn bị chu đáo, đừng có ấp a ấp úng, “hết thưa Bác lại thưa đồng bào”. Bác không chỉ cẩn thận, chu đáo mà còn hóm hỉnh nữa, dù rất thân tình. Khi Bí thư nói đến tình cảm của đồng bào “mong Người như mong mẹ về chợ”, Bác đã hồn nhiên nhắc nhở: “Bác là đàn ông, sao lại mong mẹ được?” thì thật là cảm động như trong một gia đình. Đó là hiện thân của phong cách Bác Hồ. Trong đoàn công tác lên Yên Bái, có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế. Bác yêu cầu Bộ trưởng nói cho đồng bào nghe “nạn tái hôn có hại như thế nào?”. Bộ trưởng nói như một bài giảng khoa học, đậm tính chuyên môn. Bác nhắc, “chú nói thế đồng bào hiểu thế nào được”. Bác giải thích lại cho đồng bào rõ, đơn giản và dễ hiểu. Cử chỉ lúng túng, đỏ mặt của Bí thư Tỉnh ủy và Bộ trưởng có ý nghĩa như một cảm nhận thật sự về phong cách Bác Hồ. Phong cách của người hàm chứa cả tư tưởng, bộc lộ cả đạo đức và gợi mở cả phương pháp. Điều ấy thể hiện thật rõ trong 4 điều Người nói với đồng bào, được Người ghi rõ trong từng dòng trên một mảnh giấy nhỏ, không một chút màu hành chính, quan cách mà là những chỉ dẫn, những tâm tình Người trao gửi tới mọi người. Đó là đoàn kết, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, theo đời sống mới để tiến bộ nữa, tiến bộ mãi. Người cũng nhấn mạnh tới tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu đạo đức của cán bộ đảng viên cho nhân dân noi theo, làm theo. Người luôn chỉ dẫn mọi người đoàn kết và cùng hát vang bài hát truyền thống kết đoàn, lại căn dặn Bí thư Tỉnh ủy không phải đi tiễn bác, để Bác và đoàn cán bộ ra xe khi đồng bào đang hát để tránh phải lộn xộn mà Bác không muốn. Nói với đồng bào, Bác bận việc và về rồi. Bác gửi lời chào đồng bào. Hiếm có lãnh tụ nào trên đời có được phong cách như Bác. Cái nét riêng độc đáo, bình dị, thân thương ấy chỉ riêng có ở Người, đã từ lâu là một đặc sắc văn hóa - văn hóa Hồ Chí Minh.

5.

Một trong các cháu thiếu nhi có vinh dự dâng hoa tặng Bác 65 năm về trước là em Vũ Văn Ngọc. Sau này lớn lên, theo tấm gương của người cha, vào bộ đội, tham gia chiến đấu trên các chiến trường suốt 20 năm trong đời binh nghiệp rồi lại trở về xây dựng quê hương, kỷ niệm tuổi thơ được dâng hoa tặng Bác Hồ ngày ấy đã theo suốt đời Nguyễn Văn Ngọc giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Một nhân chứng lịch sử là đồng chí Trịnh Văn Được, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn, người có vinh dự bảo vệ Bác Hồ trong suốt 6 năm ở Hà Nội. Chuyện kể của người cán bộ công an này đều tập trung vào tình cảm ân cần, thương yêu của Bác dành cho chiến sĩ. Đi nước ngoài về, Bác dành cho anh em từng điếu thuốc, chiếc kẹo. Có đơn vị biếu Bác những cây rau to và ngon, Bác không ăn mà dành cho bộ đội. Tát ao cá trong dịp Tết, Bác cho mỗi chú bộ đội hai con cá rô phi to, thương anh em như thương con cháu.

Anh em bàn nhau đi chúc tết Bác nhưng lại lấy lọ hoa của Bác, sửa lại đem lên tết Bác. Sau khi chúc các chú, các cô năm mới mạnh khỏe, tiến bộ, Bác nói: “Sao chúc tết Bác mà lại lấy hoa của Bác? Bác cười vui rồi rủ anh em sang chúc tết Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thấy Bác đến, Thủ tướng vội vàng và xúc động không chủ ý cúc áo của mình đóng sai. Bác đến bên cài lại cúc áo cho Thủ tướng, ai ai cũng vui, lại được Bác mời ăn tết cùng với Bác. Đây lại là một điều đặc sắc nữa của phong cách Hồ Chí Minh.

Một năm sau khi Bác về Yên Bái, vào mùa thu năm 1959, Bác gặp gỡ, nói chuyện với giáo viên các tỉnh đi phục vụ sự nghiệp giáo dục miền núi, “gieo chữ Bác Hồ” tới đồng bào các bản làng xa xôi. Tại buổi nói chuyện này, Bác đã giải thích về “mẫu giáo” thật đặc sắc. Ngày nay đó là ngành học Mầm non và cô giáo mầm non là các cô giáo thay mẹ để dạy các cháu. Nói chuyện với thầy giáo xung phong đi miền núi còn rất trẻ, Bác căn dặn phải chịu khó, chịu khổ, thương yêu đồng bào. Có những người con của Yên Bái theo lời Bác lên đường, có người đã công tác tới 30 năm ở miền núi, đi qua mọi trường lớp từ Mù Cang Chải, Phù Yên đến Bắc Yên, Văn Chấn. Những nhà giáo hồi đó giờ mái đầu đã bạc, dù đã nghỉ hưu nhưng suốt đời không quên lời căn dặn thấm thía của Bác Hồ, từ thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tình cảm, tấm lòng của Bác còn ở trong kỷ niệm dạt dào xúc động với các văn nghệ sĩ, với những lời dặn dò thấm thía của Người. Bản thân Bác còn là nhà báo, nhà tuyên truyền cổ động bậc thầy, nhà văn, nhà thơ với “tâm hồn lộng gió thời đại” (Phạm Văn Đồng).

Trong những bức thư Bác Hồ gửi cho đại biểu các tầng lớp nhân dân Yên Bái từ em nhỏ tới cụ già, từ vị linh mục, nhà tu hành đến chiến sĩ, dân công, bộ đội… đặc biệt tự hào và cảm động là Thư khen của Người với quân dân Yên Bái bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 và 801 của giặc Mỹ trên miền Bắc (1965). Sự kiện đó là ngày 27/11/1965. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Yên Bái có biết chăng, nửa năm trước đó, vào tháng 5/1965, sinh nhật Bác 75 tuổi, bản Di chúc thiêng liêng, Người đã viết xong trong hoàn cảnh “Tuyệt đối bí mật”, trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, thanh thản, dành thời gian buổi sáng vào lúc 9h - giờ mà Người coi là tốt đẹp nhất, gợi nhiều cảm xúc và thi hứng để tâm tình với đồng bào, đồng chí, chủ động cho lúc đi gặp Các Mác, Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác. Niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, trù tính rằng:

“Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ ta lại xây dựng gấp mười ngày nay”.

Đến nay, Bác đã đi xa 54 năm và Bản Di chúc thiêng liêng đã có lịch sử gần 60 năm. Đã 65 năm ngày Bác về Yên Bái. Dấu chân, hơi ấm của Người còn mãi nơi đây và khắp mọi nẻo đường đất nước. Trong lúc Đảng bộ và nhân dân Yên Bái kỷ niệm 65 năm Bác về thăm thì toàn Đảng, toàn dân ta còn dạt dào xúc động trước bao nhiêu sự kiện: 100 năm, lần đầu Bác đến nước Nga mong gặp Lênin, 80 năm Bác ra khỏi nhà tù ở Quảng Tây, được trả lại tự do, luyện tập sức khỏe để về với đồng chí đồng bào. Từ sự kiện này ta biết đến “Nhật ký trong tù” với 133 bài thơ chữ Hán của Người nay đã trở thành Bảo vật quốc gia. Lại nữa, 75 năm, Bác Hồ có 6 lời dạy công an và viết văn kiện “Thi đua ái quốc”…

Từ tất cả sự kiện và văn phẩm của Người, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái thừa hưởng và thụ hưởng một di sản tinh thần vô giá, đầy đủ Tâm lực và Trí lực để phát triển, nuôi dưỡng mãi mãi khát vọng và hành động đưa Yên Bái trở nên giàu có, văn minh, hiện đại, xứng đáng với tình thương và niềm tin của Bác Hồ dành cho Yên Bái anh hùng.

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter