Tưởng nhớ Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng- Nhà Văn hoá lớn, hình tượng mẫu mực về văn hoá của dân tộc

NGUYỄN TÂM

 

“Người theo cánh hạc về trời

Để cho hậu thế đời đời nhớ thương…!”

Câu hát chèo ngân lên da diết trên màn hình điện thoại của người nào đó khiến cho không gian cả khu sân rộng của Nhà văn hoá tổ dân phố Phúc Thọ, phường Nguyễn Phúc trở nên trầm lặng. Sau những phút giây bàng hoàng bởi tin dữ về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, suốt mấy ngày qua, khoảng sân này đã vắng hẳn không khí hoạt náo, rôm rả của những buổi tập văn nghệ hay tiếng cười nói, nô đùa của đám trẻ, mà thay vào đó là những tiếng thở dài, những giọt nước mắt khẽ rơi cùng sự tiếc thương của cư dân nơi đây khi quây quần cùng nhau chia sẻ, trao đổi và xem những hình ảnh, thông tin, những vần thơ, câu hát về Bác- Người lãnh đạo vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn hoá lỗi lạc; một vị tổng tư lệnh của lòng dân, một vĩ nhân được Nhân dân tôn kính gọi là “Bậc hiền nhân”, người sĩ phu Bắc Hà đã dẫn dắt Đảng ta, dân tộc ta vượt qua giai đoạn mới đầy biến động và thách thức; người chiến sĩ cộng sản kiên trung dành trọn cả 80 năm cuộc đời, gần 60 năm tuổi Đảng và hơn 20 năm tuổi trẻ để tận tụy cống hiến và hy sinh hết mình cho Đảng, cho Dân, làm việc phụng sự cho Tổ quốc đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Cảm xúc mất mát, hụt hẫng, tiếc thương của cư dân cùng không khí trầm buồn nơi góc phố nhỏ ấy chính là tâm trạng, cảm xúc và không khí chung đang diễn ra trên toàn tỉnh và khắp mọi miền Tổ quốc trong những ngày qua. Chỉ ít phút sau khi tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần chính thức được công bố, lòng người còn chưa khỏi bàng hoàng, thảng thốt thì đất trời như đã kịp hoà cùng nhịp đập với trăm triệu con tim nước Việt bằng những cơn mưa xối xả, ròng rã suốt nhiều ngày. Không lâu sau, các trang báo điện tử, nhiều tài khoản, fanpage của địa phương, đơn vị, cá nhân đổi hình nền đen trắng báo tin buồn, còn trên các nền tảng mạng xã hội là sự xuất hiện ngập tràn những hình ảnh, những vần thơ, bài viết, thậm chí là những bản nhạc mới sáng tác về Tổng Bí thư đã được cộng đồng chia sẻ. Cùng với những hình ảnh, video ghi lại hình ảnh sống động và những câu nói bất hủ của Tổng Bí thư lúc sinh thời là những bài thơ, vần thơ, câu hát mộc mạc được viết từ những người có khi cả đời chưa từng làm thơ, viết nhạc; những bức tranh phác hoạ chân dung bậc hiền nhân được vẽ lên bằng tất cả tấm lòng thành kính, sự trân trọng đặc biệt dành cho Tổng Bí thư của những người hoạ sĩ chuyên và không chuyên trên mọi miền Tổ quốc. Có người họa sĩ dành 3 ngày 3 đêm, quên ăn, quên ngủ để hoàn thành bức tranh Tổng Bí thư cùng 9 đoá sen trắng, thể hiện niềm tin rằng hình ảnh của Ông sẽ mãi bất tử, sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Một giáo viên dạy bộ môn Mỹ thuật ở Hà Tĩnh bằng tất cả lòng biết ơn, sự kính trọng đã mượn phấn bảng thay lời đưa tiễn, vẽ một bức chân dung Tổng Bí thư cùng những đoá cúc vàng biểu thị sự vĩnh cửu, trường tồn. Có người nghệ sĩ lại miệt mài khắc tượng của Tổng Bí thư với nhiều góc độ, dáng vẻ, lưu lại những hình ảnh ấn tượng của Ông lúc sinh thời. Các nhà văn, nhà báo thì dùng tất cả kiến thức, hiểu biết và những xúc cảm đặc biệt để kịp viết những bài văn, bài báo tâm huyết về Ông. Còn các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ lại gửi gắm tất cả niềm tiếc thương, yêu kính vào những nốt nhạc, điệu chèo, câu ví dạt dào cảm xúc để hát về Ông… Không chỉ có trên không gian mạng mà bất cứ nơi nào cũng có thể thấy được hình ảnh người dân bày tỏ niềm tiếc thương đối với Tổng Bí thư. Đâu đó trên phố người ta bắt gặp hình ảnh một anh shiper, xe ôm công nghệ cắm cờ rủ đeo băng tang trên đầu xe, những bạn thanh niên mặc trên người sắc áo cờ đỏ sao vàng, kính cẩn hành lễ để treo lên tấm cờ rủ đeo băng tang trước nhà, hay hình ảnh đội tuyển bóng đá đeo băng tang vào sân thi đấu…

 55 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại rời xa nhân thế và 11 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, văn hóa con người Việt Nam một lần nữa lại mãnh liệt dâng trào trên đất Việt. Gần 60 năm công tác với biết bao cống hiến hi sinh, công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, Tổng Bí thư đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Song có lẽ, phần thưởng đáng quý nhất, niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà Người nhận được chính là có được niềm tin, tình yêu thương kính trọng vô bờ của Nhân dân Việt Nam. Sau 5 ngày gấp rút chuẩn bị, Lễ viếng Tổng Bí thư được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia- số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà của Tổng Bí thư- xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội). Theo thông cáo, Lễ viếng Tổng Bí thư chính thức bắt đầu lúc 7 giờ sáng 25/7 và người dân sẽ được sắp xếp vào viếng từ 18 giờ đến 22 giờ cùng ngày. Thế nhưng, từ sáng sớm, dòng người từ khắp mọi miền đất nước đã đổ về Hà Nội, Sài Gòn và quê nhà Lại Đà để được vào viếng Tổng Bí thư. Mặc cho mưa giông bất chợt, mặc cho cái nắng chói chang, dù không thân tình, ruột thịt nhưng những cụ cao niên chân đi đã không còn vững, những cựu chiến binh chân tay không còn đủ đầy, phải di chuyển khó khăn bằng nạng gỗ và cả những nam thanh, nữ tú, các cháu thiếu niên đã có mặt để chờ đợi tại các điểm từ rất sớm. Trong 2 ngày diễn ra Lễ Quốc tang, bên ngoài Nhà tang lễ Quốc gia, những đôi mắt đỏ hoe, những hàng mi đẫm lệ, những tiếng nấc nghẹn ngào của dòng người chờ vào viếng Tổng Bí thư ngày càng thêm nối dài. Dù Ban Tổ chức phải thay đổi kế hoạch, kéo dài giờ viếng đến 24 giờ, thay vì 22 giờ như dự định ban đầu thì rất nhiều người vẫn không đến lượt vào viếng. Bởi vậy, Hà Nội đã có một đêm không ngủ. Từ 2 giờ sáng ngày 26, người dân đã xếp hàng chật kín những con phố để tiếp tục chờ đợi đến lượt vào viếng và chờ đến giờ làm Lễ truy điệu, chờ để được vẫy tay tiễn biệt lần cuối khi linh xa đưa Tổng Bí thư di quan đến Nghĩa trang Mai Dịch- Nơi diễn ra Lễ an táng và là nơi an nghỉ cuối cùng của Người.

Lễ Quốc tang đã qua đi nhưng không khí và cảm xúc đau thương, tưởng nhớ Tổng Bí thư ở khắp các vùng miền Tổ quốc, trên các mặt báo và trên không gian mạng xã hội vẫn chưa hề giảm bớt. Cùng những vần thơ, câu hát bày tỏ niềm tiếc thương, tình cảm, tấm lòng dành cho vị lãnh đạo đứng đầu đất nước là vô vàn những thông tin, hình ảnh đẹp gây xúc động lòng người, thể hiện tình cảm sâu sắc của Nhân dân dành cho Ông. Đó là hình ảnh những dòng người không kể ngày, đêm, đội nắng, dầm mưa nối dài vô tận trên những con phố chờ đợi để được thắp một nén nhang hay chỉ để được nhìn di quan của Tổng Bí thư trước khi Ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Dưới cơn mưa tầm tã, dưới ánh nắng chói chang, họ giơ cao tay che ô cho nhau, che cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ; họ quạt cho nhau bớt nóng, sẵn sàng đem hết quạt điện, nước uống, bánh mì, quạt giấy trong nhà để chia sẻ với đồng bào… Rồi cả những hình ảnh từ người già, trẻ nhỏ đến những thanh niên, ngay cả những chiến sĩ công an vốn mạnh mẽ, cứng rắn cũng không kìm nén nổi cảm xúc mà bật khóc nức nở khi đoàn linh xa của Tổng Bí thư đi qua. Đặc biệt là những thông tin, hình ảnh về người vợ tào khang của Tổng Bí thư, bà Ngô Thị Mận- người phụ nữ bình dị, mộc mạc, chân phương mà kiên cường. Cả cuộc đời, bà là hậu phương vững chắc, là người xây, vun đắp và giữ gìn cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một tổ ấm gia đình, một nếp nhà hạnh phúc. Trong nếp nhà ấy, người con trai Nguyễn Trọng Trường khiêm nhường, lễ phép bên cạnh mẹ và không rời bà nửa bước trong suốt hai ngày diễn ra tang lễ. Trong Lễ truy điệu, lời phát biểu đại diện gia đình đáp từ và cảm tạ ngắn gọn, xúc tích và chân thành của anh khiến cả triệu trái tim không khỏi nghẹn ngào: “Thay mặt Mẹ cháu, chị cháu và gia đình, xin kính thưa các bác, các chú, các cô…”, “Bố chúng cháu không còn nữa mang đến nỗi đau sâu sắc đối với gia đình, nhất là Mẹ cháu. Từ khi bố chúng cháu lâm bệnh đến tận những phút giây cuối cùng và trong suốt quá trình tổ chức tang lễ, gia đình luôn nhận được rất nhiều tình cảm động viên, chia sẻ chân thành, giúp đỡ tận tình của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị Trung ương, địa phương, các ông bà, các bác, các cô chú, anh chị em, tình cảm của Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Mẹ cháu và toàn thể gia đình xin bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc, chân thành nhất.”. Người con gái lớn cùng con dâu, con rể, cháu, chắt của Tổng Bí thư cùng một dáng vẻ dung dị, khiêm tốn, lặng lẽ cung kính, thuần thục theo lề lối gia phong phía sau bà, sau mẹ. Trong số họ, có rất nhiều người cho đến lúc này mới được mọi người biết đến là gia quyến thân thuộc của vị lãnh đạo đứng đầu đất nước. Khổng tử có câu: “Sức mạnh của một quốc gia bắt đầu từ nếp nhà”. Một nếp nhà truyền thống với những người con, người cháu khiêm cung, mộc mạc, dung dị được tạo dựng, vun đắp nên từ một “bà Mận”- người được coi là hình tượng mẫu mực của người phụ nữ Việt Nam và Ông- vị Tổng Bí thư một đời sống thanh bạch, trong sáng, giản dị, cống hiến hết mình cho dân, cho nước. Những phẩm chất cao đẹp ấy là kết quả của cả một đời Ông học tập, kế thừa từ người thầy vĩ đại của mình- Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là một trong những học trò xuất sắc nhất của Bác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lý luận kiệt xuất mà còn là nhà văn hoá lớn, văn hoá từ tư duy đến hành động; từ đạo đức đến tác phong, lề lối làm việc; từ nếp nhà đến đại thể Quốc gia. Là người đặt cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hóa mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị Lãnh tụ thiên tài của Dân tộc và nhân dân Việt Nam đã đặt nền móng đầu tiên cho nền văn hoá, văn học nghệ thuật mới. Người là sự kết tinh cao đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa của thời đại. Đặc biệt kế thừa và tiếp nối quan điểm về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành nhiều tâm huyết và có nhiều cống hiến đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Thấm nhuần từ tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, trọn một đời sống “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, bản thân Tổng Bí thư đã trở thành một hình tượng mẫu mực về văn hoá. Luôn đi theo đường lối, quan điểm mà Bác Hồ và Đảng ta đã xác định từ rất lâu: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là hồn cốt dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất”; coi đây là nguồn cảm hứng, là trọng tâm để toàn xã hội quyết tâm thực hiện công cuộc chấn hưng, phát triển văn hoá nước nhà. Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa còn là dân tộc còn”, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” và nhấn mạnh trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã tiến hành đổi mới đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Riêng về lĩnh vực văn hoá, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Trong đó chủ yếu tập trung vào mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều mà Tổng Bí thư luôn tin tưởng, mong mỏi và hướng đến chính là “Với một Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tự nhận bản thân là “một người yêu chuộng văn nghệ chứ không phải là một nhà văn nghệ”, nhưng những am hiểu của Người về văn nghệ và vai trò của văn nghệ thật sâu sắc. Noi gương người thầy vĩ đại của mình, cùng với văn hoá, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn đặc biệt quan tâm đến văn nghệ, đồng thời, với những am hiểu sâu sắc và tình yêu dành cho văn hoá, văn học nghệ thuật, Ông là người truyền cho văn hoá, văn học nghệ thuật một ngọn lửa đam mê mãnh liệt, thổi một luồng gió mới đưa văn hoá, văn học nghệ thuật phát triển lên một tầm cao mới. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tổng Bí thư đã khẳng định, trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Ghi nhận những đóng góp của văn học nghệ thuật, của các thế hệ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong tiến trình đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, Tổng Bí thư thư đã khẳng định, với lực lượng hơn bốn vạn người, bao gồm năm thế hệ thuộc các dân tộc anh em, vùng miền trong cả nước; hoạt động trong 9 chuyên ngành văn học, nghệ thuật; văn nghệ sĩ có một đội ngũ hùng hậu, gắn bó máu thịt với Tổ quốc, với nhân dân, đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, khao khát vươn lên để cống hiến có hiệu quả. Đó cũng là đội quân nòng cốt để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới…

Tổng Bí thư cho rằng, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của anh chị em đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới- yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Sự phát triển, trưởng thành đầy ấn tượng của văn nghệ sĩ đã góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, đưa văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng nòng cốt sáng tạo các giá trị văn hóa, là đội ngũ văn nghệ sĩ- chiến sĩ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với tất cả niềm mong đợi và tin tưởng vào sự trưởng thành, lớn mạnh của văn học nghệ thuật nước nhà để đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Tổng Bí thư mong muốn người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, trên thương trường và mặt trận an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, văn minh, thanh lịch, chan chứa tình người. Để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng mới của Nhân dân, văn nghệ sĩ cần nhận thức và thể hiện thật rõ rằng: “văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; phải hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng, của Đất nước và Nhân dân ta. Đất nước đã mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú. Song, dù Ông ra đi nhưng tên tuổi, sự nghiệp, những công lao và cống hiến, tài năng và đức độ của Ông sẽ còn sáng mãi trong lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, trong sự tri ân của cán bộ, đảng viên, nhân dân và trong tình cảm của bạn bè quốc tế. Trong lời điếu tiễn biệt tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hứa trước anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Nhà lãnh đạo kết tinh phẩm giá, nhân cách của Đảng, hiện thân của hòa bình, thống nhất và tiến bộ rằng: “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện một lòng thực hiện ước nguyện của Đồng chí, khắc cốt ghi tâm lời căn dặn “Nếu là người, hãy là người Cộng sản”, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước, trong đó có Đồng chí đã lựa chọn; đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng một thế giới tiến bộ, văn minh và đạo đức. Di sản của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà Đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh”.

Sau một tuần khóc thương cho sự mất mát khi mất đi một người con đặc biệt ưu tú của dân tộc, ngày linh xa đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, bầu trời trên dải đất hình chữ S chan hòa ánh nắng như mỉm cười đón Ông về miền mây trắng. Năm xưa, nhà thơ Tố Hữu đã khóc tiễn biệt Bác Hồ bằng một “điếu văn bi hùng” bằng thơ, trong đó có câu:

“Bác đã lên đường, theo tổ tiên

Mác- Lê-nin, thế giới Người hiền

Ánh hào quang đỏ thêm sông núi

Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!”

Xin mượn vần thơ ấy để thành kính tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vị lãnh đạo vĩ đại; người chiến sĩ cách mạng kiên trung; nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn hóa lỗi lạc của Nhân dân Việt Nam. Cũng xin mượn một vần thơ trong hàng nghìn bài thơ của đồng bào viết về Tổng Bí thư trong những ngày qua, mong Ông yên tâm, an nhiên, thanh thản nhẹ bước về thế giới của những Người hiền:

“Đất nước mình rồi sẽ bừng sáng thôi

Bác nghỉ ngơi đi, đừng muộn phiền chi nữa

Hãy cứ yên lòng, trao truyền lại ngọn lửa

Phụng sự, hi sinh, cống hiến trọn vẹn rồi!”

 

                                                                                      N.T

Các tin khác:

1-5 of 336<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter