Xuân ở Mường Lai

Đến Mường Lai hôm nay, đi giữa những cánh đồng ngô xanh mướt, câu Khắp dìu dặt, tha thiết theo gió thổi mây bay vẳng lại ở phía hồ Từ Hiếu...

            "...Khửn lườn lan chầm phạc/Ngoặc nả lan chầm chiêng/ Chiêng nạy là mừa tỏn chiêng đai/ Chiêng đai là mừa rặp chiêng quá/ Khảm pi nạy chắng cạ là chiêng/ Bioóc tào phông nhí nhặm/ Bioóc mặn phông dí dạy cón chiêng/ Sjao đếch tọt còn khảu au mùa/ Báo kèng hua tức sáng...."  (Lên nhà cháu mừng giát/ Ngẩng mặt cháu mừng giêng/ Giêng này là về đón giêng khác/ Giêng khác lại về rước giêng này/Giêng năm nay mới thật là giêng/ Hoa đào nở bung biêng/ Hoa mận nở trước giêng trăng trắng/ Gái trẻ tung còn trúng lấy mùa/ Trai nghiêng đầu đánh sảng...."

            Người đang lâng lâng như có men say, theo con đường bê tông như dải lụa mềm uốn lượn trước những đồi cây, ao cá, trước cửa những căn nhà sàn lợp lá cọ, lợp ngói. Ơ nhỉ! Tiếng Khắp lại ngân lên trầm bổng, da diết hát về mùa xuân:

             "Ết lạp khảm ngài chiêng/ Chiêng pi nạy là chiêng văn ví/ Thiên hạ khóp mọi tý kin chiêng/ Nả đán lài đáo bioóc phặc phiền/ Nàng tiên lồng tức cờ đán dạ/ Sjao ón lỉn nưa đon tức yến/ Cần cải pây chúc tết lườn lườn/ Thảu ké nẳng giường sung tắc lảu/ Tứn chạu mươi dí dạu lằm đin/ Đét ón khửn pù sung méng roọng...." (Một chạp bước sang giêng/ Giêng năm nay là giêng văn ví/ Thiên hạ khắp mọi chỗ đón xuân/ Lưng núi nở phặc phiền/ Nàng tiên xuống đánh cờ đỉnh núi/ Gái trẻ xuống tung còn đánh yến/ Người lớn đi chúc tết các nhà/ Người già ngồi giường cao rót rượu/ Trời đất sớm mỏng mảnh sương giăng/ Nắng nhẹ ong lừng vang lưng núi)

            Theo chân cán bộ ủy ban nhân dân xã dẫn đường đến hồ Loong Đeng rồi qua hồ Tạng An cũng vậy. Tiếng hát Cọi lại vang lên ngân dài, luyến láy, trầm bổng, tha thiết của cả giọng nam lẫn nữ quyện vào nhau như vặn chạc thừng, mà giọng nghe quen quá, hình như của nam Xuân Trường và nghệ nhân ưu tú Mai Thị Hồng Chắn:

..." Chiêng pi nạy nhồn nhộn mùa xuân/ Chiêng pi nạy mạy mác phông ban/ Pù phia cụng đảy mùa thuổn thảy/ Chiêng pi nạy pết cáy pìa lai/ Chiêng pi nạy mò vài pìa lẳm/ Chiêng pi nạy khảu nặm đảy mùa/ Bươn tốc bươn tè quá/ Mự tốc mự tè thâng/ Lặp lặp khảm mùa xuân pi mấư..." (Giêng năm nay nhồn nhộn mùa xuân/ Giêng năm nay núi rừng thay lá/ Khắp núi rừng thảy cả được mùa/ Gà vịt cùng nhau đua sinh nở/ Trâu bò cũng lũ lũ tăng đàn/ Giêng năm nay thóc lúa được mùa/ Tháng liền tháng trôi đi/ Ngày qua ngày lại đến/ Dập dìu sang mùa xuân năm mới...)

             Điều gì khiến cho Mường Lai vui náo nức thế nhỉ. Thôi sẽ hỏi sau. Được Chủ tịch xã Mường Lai Triệu Văn Thuộc tiếp tại phòng làm việc của trụ sở xã khang khang bề thế. Được hỏi, anh vui vẻ cho biết xã Mường Lai hiện có 1.878 hộ với 8.136 khẩu thì có 97%  dân số là dân tộc Tày, còn lại là dân tộc khác. Xã từ 22 thôn sau khi sáp nhập hiện còn 12 thôn. Đảng bộ có hơn 340 đảng viên sinh hoạt ở 16 chi bộ. Mường Lai là một xã rộng về diện tich, đông về dân số so với các xã của huyện Lục Yên. Nhìn cánh đồng ngô xanh mượt kéo dài tận chân núi, tôi hỏi chủ tịch xã, anh cho biết: tổng diện tích ngô trồng vụ đông là 95 ha, trong đó ngô trồng trên đất hai vụ lúa là 80 ha, còn lại là trồng trên đất soi bãi, rau đậu vụ đông các loại là 25 ha. Nhìn những cánh rừng xanh ngút ngàn, chủ tịch xã Triệu Văn Thuộc cho biết: xã năm nay trồng mới được 145 ha, sẽ phấn đấu đạt 100% kế hoạch là 150 ha. Theo con đường bê tông uốn lượn qua các thôn xóm bản làng, tôi biết Mường Lai đã có cố gắng làm hết sức mình để đạt chuẩn nông thôn mới ngay tháng 11 năm 2023 vừa qua. Đón đạt chuẩn nông thôn mới cùng dịp ngày hội đoàn kết toàn dân, Mường Lai tưng bừng cờ hoa, lòng dân phấn khởi như chưa bao giờ từng có, đó là được đón đồng chí Đỗ Đức Duy- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đến chung vui, động viên, khích lệ và giao nhiệm vụ cho đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Lai. Mường Lai hiện có hơn 8 ngàn khẩu cùng 11 dân tộc anh em. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Lai đã chung sức, đồng lòng làm được, làm tốt các nhiệm vụ, công tác, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xứng đáng niềm tin tường của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ban ngành chức năng của tỉnh Yên Bái, của huyện Lục Yên và thỏa lòng khát khao mong đợi phấn đấu hết mình của nhân đân các dân tộc xã Mường Lai. Đồng chí Triệu Văn Thuộc, Chủ tịch xã dốc bầu tâm sự.

            Tôi biết Mường Lai có bề dày về truyền thống đấu tranh cách mạng, cụ Hoàng Triều Cống- Đội trưởng Đội Du kích Cổ Văn những năm chống Pháp giờ đã ngoài chín mươi tuổi. Con trai của cụ Hoàng Triều Cống là nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn là pho sách sống trong việc lưu giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày của xã Mường Lai, hai năm qua ông đã truyền dạy hai lớp hát đân ca Tày hát Khắp hát Cọi cho các thế hệ trong xã. Nghệ nhân ưu tú Mai Thị Hồng Chắn sinh ra, lớn lên ở đất Mường Lai, chiếc nôi đậm chất văn hóa Tày đã nuôi dưỡng cho nghệ nhân lớn dậy và trưởng thành. Nguyên Bí thư Huyện ủy Lục Yên Hoàng Vui luôn đau đáu, tâm huyết với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện nói chung và dân tộc Tày nói riêng ở nơi quê ông là đất Mường Lai.

            Đến Mường Lai hôm nay thấy những căn nhà sàn cổ kính, chủ yếu được  làm từ gỗ rừng, gỗ trong vườn nhà, giát trải sàn bằng cây diễn đã lên bóng. Các ông, các bà, các chị, các anh, các cháu nói với nhau bằng ngôn ngữ Tày, mặc những trang phục của dân tộc Tày, đội nón lá Tày. Cánh đồng gần 400 ha cấy hai vụ lúa, vụ mùa vẫn cấy trồng lúa nếp để làm nên những hạt cốm thơm déo khi mùa thu đến vừa rộn vang tiếng chầy khua luống mời Nàng trăng xuống trần cùng vui "Kéng loỏng" (giã cốm) múa hát khi trăng lên. Long trọng phần lễ, đông vui phần hội, vừa có sản phầm cốm đưa ra thị trường, vừa có được thương hiệu cốm của đất Mường Lai. Trong đám cưới vẫn duy trì hát "Quan làng" từ việc vào ngõ nhà gái tới hát xin dâu, lễ tổ... rồi đến nhà gái lại hát giao dâu, dặn dâu, ý nghĩa nhân văn giáo dục con cháu được thể hiện trong các bài hát đó mà Lục Yên nói chung và Mường Lai nói riêng nay vẫn còn giữ được.

            Mở đầu cho năm mới 2023 vừa qua, Mường Lai long trọng tổ chức lễ hội "Xo may" thu hút khách thập phương đến cùng chung vui với lễ hội. Đó là nét văn hóa tâm linh tốt đẹp diễn ra vào các ngày 14 và 15 tháng Giêng hàng năm, kết hợp với cầu đình Nà Ngàm. Lễ hội diễn ra nhiều trò chơi truyền thống bổ ích và lý thú. Nhưng lễ hội năm nay lớn hơn, đông vui hơn và có ý nghĩa hơn vì được Ban Giám đốc Công an tỉnh kết hợp tổ chức ngày hội gắn liền với nội dung thực hiện toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

            Tôi trân trọng được nâng trên tay cuốn lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Lai.

Tương truyền vào năm 1285 quân Nguyên Mông từ Khai Viễn- Vân Nam Trung Quốc tiến đánh nước ta theo hai đường sông Chảy và sông Hồng. Dân binh châu Lục Yên đã theo hai thủ lĩnh người Tày là Hoàng Liên và Ma Nha ở Nghĩa Đô phối hợp với quân triều đình do tướng Trần Nhật Duật chỉ huy đánh cho giặc nhiều trận tơi tả, không còn mảnh giáp, buộc bọn chúng phải rút chạy khỏi địa bàn châu Thu Vật, châu Lục Yên rồi cút về nước. Năm đó, đánh thắng giặc trở về, tướng Hoàng Liên cùng người ngựa rầm rập tiến bước trong buổi hoàng hôn, đến một vùng đất rộng bỗng con ngựa chiến của ông hý vang và quỳ xuống phủ phục ngẩng mặt lên đỉnh núi Hoàng Trùng. Thấy điều lạ ông cho quân dựng trại. Ngày hôm sau ông cùng quân sĩ khai phá đất đai làm ruộng, làm vườn, đắp đập dẫn nước về đồng, giúp dân cùng làm, cùng vui cuộc sống thái bình. Đời sau nơi con ngựa ông Hoàng Liên quỳ phục được đặt tên là Mã Bái, sau này khai phá vùng đất đó thành ruộng nước được gọi chệch đi Nà Bái. Khu đất rộng chuyên để luyện quân sĩ, đua ngựa sau này cũng khai khẩn thành ruộng được đặt tên là Nà Mạ (Thôn Nà Bái ở Từ Hiếu còn Thôn Nà Mạ ở Cổ Văn). Tháng 7 năm 1945 châu Lục Yên được giải phóng, cấp xã được thành lập, xã Cổ Văn thành xã Xuân Trường, xã Từ Hiếu đổi thành xã Quốc Tuấn. Sau đó sáp nhập Xuân Trường và Quốc Tuấn thành xã Lê Lợi. Đến ngày 3/4/1965, Bộ nội vụ quyết định đổi xã Lê Lợi thành xã Mường Lai.

Xã Mường Lai là một bồn địa đẹp được thiên nhiên tạo hóa thành lại có truyền thống đánh giặc nổi tiếng với Đội Du kích Cổ Văn. Đỉnh Hoàng Trùng vẫn còn đó cao 574,8 m so với mực nước biển, bốn mùa mây trắng quấn quýt như dải lụa trắng mềm vắt trên nóc nhà của đất Mường Lai. Mường Lai có tới ba hồ nước vừa nuôi thả cá vừa để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, đó là hồ Loong Đeng, Tạng An và hồ Từ Hiếu. Riêng hồ Từ Hiếu rộng tới 45 ha, chỗ nước sâu nhất của hồ tới 20 mét, là hồ điều tiết nước cho cánh đồng của xã và xã bạn Vĩnh Lạc. Phụ trách hồ và dãy nhà nổi là anh Nông Công Minh, mỗi khi có khách du lịch hoặc các đội văn nghệ lên đây múa hát giao lưu, trải nghiệm với cảnh sắc thiên nhiên, môi trường sinh thái nơi đây, cùng thưởng thức cá nướng, gà nướng với xôi nếp ngon đặc sản của địa phương..

Xưa có câu: “ Cốc khắp dú mường nọi, cốc cọi dú Mường Lai” (Gốc Khắp ở mường nọi, gốc Cọi ở Mường Lai). Vậy là hai gốc Khắp và gốc Cọi đều ở Mường Lai cả. Tôi đến gặp gốc cọi Mường Lai trong một ngày cuối đông nhè nhẹ nắng. Đi giữa màu xanh ngút ngàn của cây rừng, của bãi ngô. Đêm xuống dìu dịu, trăng cũng dìu dịu rọi sáng khắp cánh đồng, khắp các ngõ ngách vườn tược dưới mái nhà sàn. Bất chợt tiếng sáo léo lắt như sợi lạt mềm buộc chặt lấy hồn tôi. Vục ngồi dậy. Ờ tiếng sáo nghe vút lên như ngoài ngõ vào nhà anh Hoàng Quang Nhạn là nghệ nhân ưu tú, nguyên cán bộ văn hóa xã, mà dỏng tai nghe lại xa tít tận đâu đâu như ở ngoài chỗ trụ sở ủy ban xã. Anh Nhạn kể: Những năm 67, 68 của thế kỷ trước khi cả nước tổng động viên cho chiến trường đánh Mỹ, ở Mường Lai thanh niên trai tráng lên đường tòng quân cả. Mà anh biết không, cây sáo, ở đây gọi là Bjẳm. Bjẳm thổi đệm cho hát khắp hát cọi. Bjẳm vang lên khi mỗi lứa trai tòng quân. Cây bjẳm đó trao lại cho người mình yêu ở hậu phương chắc tay cày tay súng. Những lúc trực chiến hay những đêm trăng nhớ da diết đến người yêu ngoài mặt trận, các cô đã đưa sáo lên môi thổi. Các cô đã cùng nhau thổi bjẳm, tiếng bjẳm cất lên hoà tấu thành bài ca của tiếng lòng hoà cùng tiếng súng của người yêu ngoài mặt trận. Bjẳm là tiếng hát của lòng nhớ thương thuỷ chung son sắt. Thế là xã thành lập đội nữ thổi bjẳm để những đêm liên hoan trong mỗi dịp hội hè mừng vui chiến thắng ngoài mặt trận. Có lúc tiếng bjẳm cũng nức nở thay cho tiếng lòng khi biết tin có trai làng đã hy sinh ở chiến trường.

Lần theo cuốn sổ vàng: Truyền thống cách mạng của đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Lai trong số hàng mấy trăm thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc trong các cuộc kháng chiến, thì có 76 liệt sĩ, 32 thương bệnh binh, 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 8 cán bộ tiền khởi nghĩa. Đó là một đóng góp vô cùng lớn lao của nhân dân Mường Lai cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12/1986 ở thủ đô Hà Nội, đội sáo gồm tám cô gái cùng hoà tấu bjẳm bài: “Gửi người trai bản”. Tiết mục phục vụ đại hội được đánh giá cao là vinh dự lớn cho cả Yên Bái nói chung và Mường Lai nói riêng.

Chị Nông Thị Kiệm đã bước sang tuổi ngoài 60, chị đã nên bà nội bà ngoại, giờ các chị đã đào tạo cho thế hệ trẻ duy trì đội thổi bjẳm của xã. Ngày trước cùng cả bảy bạn gái khác là Luật, Huấn, Nhương, Dùng, Khoan, Tài, Văn, mỗi chị Luật sinh năn 1955 còn mấy chị em đều sinh năm 57 đến 1959 cả. Lúc đó phần lớn chị em đã có người yêu đang ở các chiến trường. Chị em vào đội tuyển thổi bjằm của xã đi biễu diễn ở quân khu rồi hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc. Sau đó tiết mục được lưu lại tại Hà Nội để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc tại Ba Đình. Đội tập trung vào khai thác và biểu diễn dân ca của dân tộc Tày trong xã như hát ví, hát khắp cọi, vẫn duy trì đội bjẳm (sáo) vì là món “Đặc sản” của Mường Lai mà.

Phải chăng dấu chân của nhà thơ, của một vị Thứ trưởng Bộ Văn hoá Nông Quốc Chấn thời ấy đã in trên đất Mường Lai, ông đã thao thức trăn trở và tâm hồn đã xao xuyến khi nghe tiếng bjẳm của Mường Lai mà chính các cô gái người Tày làm nên điều kỳ diệu đó.

Bài thơ Tày viết năm 1968 của cố nhà thơ Nông Quốc Chấn, bài: Hênh bjẳm Mường Lai (Tiếng sáo Mường Lai). Bài thơ này ông sáng tác tặng Đảng bộ và nhân dân xã Mường Lai. Xin tạm dịch bài thơ đó ra tiếng phổ thông:

" Trăng rằm nay sáng tỏ

 Sáo Mường Lai vọng cả đêm dài

Gió đưa về giọng trầm tiếng bổng

Rừng sâu chim muông im cất giọng

Cối nước chầy đứng lặng ngẩn ngơ

Bếp lửa người vừa cho thêm củi

Tiếng sáo gọi bản dưới mường trên

 Người già vục dậy dỏng tai nghe

Trẻ quay nghiêng dừng nghe nín khóc

Sáo này chọn rừng già mấy dóng

Khoét nốt tròn ngọt giọng ngân xa

Gió nói hộ lời ca người thổi

Sáo ơi! Tiếng vọng của tim người

Những con vía trong mình thức hết

Sáo gọi người già trẻ đi đâu

Sáo vọng về lòng ta thương thiết quá."

Chủ tịch xã Triệu Văn Thuộc cho biết về kế hoạch đón xuân mới năm 2024: Trước hết về sản xuất nông nghiệp làm tốt sản xuất vụ xuân theo đúng kế hoạch và khung thời vụ, đạt năng suất kế hoạch đề ra. Đối với chăn nuôi và thủy sản vừa đảm bảo tăng đàn vừa thực hiện tốt kế hoạch phòng chống dịch bệnh xảy ra. Thủy lợi chủ động nạo vét kênh mương đảm bảo tưới tiêu đáp ứng thời vụ sản xuất theo kế hoạch đã định. Đối với trồng rừng, vụ xuân là thời vụ tốt nhất cho trồng rừng cần hoàn thành sớm chỉ tiêu đặt ra để trồng mới trên diện tích rừng đã khai thác. Hoàn thành kế hoạch đề ra cho quý đầu của năm 2024. Giải quyết tốt chính sách cho người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, chính sách đối với hộ nghèo. Đường làng, ngõ xóm được về sinh sạch sẽ. Các câu lạc bộ văn nghệ chuẩn bị nội dung luyện tập để có nhiều tiết mục đặc sắc cho lễ hội đầu năm. Có kế kế hoạch đảm bảo anh ninh trật tự trên địa bàn, triển khai tốt kế hoạch phòng thủ, hoàn thành kế hoạch vào quân được giao. Phát triển tốt và có hiệu quả du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, ẩm thực truyền thống để phục vụ cho du khách đến đến với địa phương trong những dịp lễ hội trong năm. Nói thì ngắn gọn vậy thôi, tôi biết khi bắt tay vào làm thì bao nhiêu là công việc phải triển khai đồng bộ, có sự đồng thuận của toàn Đảng toàn dân thì sẽ có kết quả cao.

Xuân năm nay, Mường Lai lại tiến hành lễ hội "Xo May" và cầu đình Nà Ngàm, mở đầu cho sự may mắn, mùa màng tốt tươi, người người mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt. Du khách lại đến chung vui cùng lễ hội, được thưởng thức bánh chưng gù nổi tiếng, được nghe những làn điệu Khắp, Cọi nổi tiếng của đất Mường Lai. Chợ Mường Lai lại nhộn nhịp với bao sản vật vào xuân. Từ Nà Bái, Thôm Bưa, Nà Chùa, Bản Cạu lại rộn rã bước chân, lòng người phơi phới. Hồ Loong Đeng, Tạng An, Từ Hiếu ăm ắp nước, cây xanh phủ bóng, tưới cho mùa màng tươi tốt quanh năm. Đỉnh núi Hoàng Trùng lại có mây trắng bay về quấn quýt làm nên vẻ đẹp xuân riêng có của đất Mường Lai.

                                                                                                                                                H.T.L

 

 

 

 

 

 

.

 

                                         

                               

                               

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter