Yên Bái- Đảng vững mạnh, Dân hạnh phúc

NGUYỄN TÂM

Ra đời và trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, trải qua 19 kỳ đại hội, thực hiện công cuộc đổi mới gần 40 năm mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn không ngừng phát triển, vững mạnh; tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của mình. 78 năm qua, dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng bộ vẫn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo, phát huy cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết đoán hơn, tự tin, vững vàng và chủ động hơn trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị đặt ra trong mỗi giai đoạn cách mạng, từ đó trưởng thành cả về tư tưởng, tổ chức và trở thành nhân tố quan trọng nhất, khơi dậy và cùng Nhân dân hoàn thành thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển quê hương theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Kì II: Hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”- Tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân

Nhớ lại những năm đầu của thời kỳ đổi mới (từ 1986-1991), khi Yên Bái còn là một phần của tỉnh Hoàng Liên Sơn, sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội gặp rất nhiều khó khăn và thách thức do phải thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả của các cuộc chiến tranh để lại. Khi đó, nhiều cơ chế cũ còn tồn tại, cơ chế mới chưa được hình thành đồng bộ; kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là “tự cung tự cấp”; nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu, trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm, tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm trên 70% cơ cấu kinh tế; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thấp kém; giao thương hàng hóa, đi lại khó khăn, đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nghèo nàn, lạc hậu. Năm 1991, tỉnh Yên Bái được tái lập trên cơ sở chia tách, cũng là lúc đường lối đổi mới của Đảng được quán triệt thực hiện nghiêm túc, triệt để và dần đi đúng hướng. Kể từ đây, công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh bắt đầu đạt được những kết quả tích cực. Nền kinh tế nhiều thành phần được khuyến khích tạo đà phát triển mạnh mẽ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông- lâm- khoáng sản. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (1991- 1995) đạt 7,5%/năm. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch quan trọng, tỷ trọng nông, lâm nghiệp đã giảm dần, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng lên theo từng giai đoạn. Vượt lên những khó khăn, thách thức, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, sau gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chung sức, đồng lòng; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xác định và thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với điều kiện phát triển trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm khơi thông các điểm nghẽn, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển; xây dựng, phát triển tỉnh Yên Bái đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện, tạo nên diện mạo mới, sức sống xã hội mới, hình ảnh mới, trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Bước vào nhiệm kỳ 2020- 2025, Yên Bái đã xác định cho mình một hướng đi mới, đặc biệt và riêng có, đó là đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, mà trong đó việc “xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân” được Đảng bộ tỉnh khoá XIX đưa vào Nghị quyết Đại hội nhằm cụ thể hóa một nội dung mới của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh. Nâng cao chỉ số hạnh phúc là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân Yên Bái về cuộc sống, về môi trường sống và tuổi thọ trung bình của chính họ. Làm sao để dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu; làm thế nào để Nhân dân hài lòng về thu nhập, điều kiện kinh tế- vật chất và đời sống xã hội- tinh thần cũng như sự hài lòng về môi trường sống đã trở thành nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần đổi mới, sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tình hình thực tiễn của địa phương, sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho Nhân dân, Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo nên dấu ấn sâu sắc trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Với quan điểm không cầu toàn, cách làm chắc chắn, thận trọng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã ban hành một bộ thể chế, chính sách đồng bộ, với nhiều Nghị quyết, đề án, chính sách thể hiện đầy đủ quan điểm, định hướng phát triển, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, các đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm mang tính tiên phong, sáng tạo và chưa từng có tiền lệ để triển khai thực hiện cho cả giai đoạn phủ kín ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong đó, đặt ra những yêu cầu cụ thể là phải phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa- xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp với vùng cao, giữa nông thôn với thành thị; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tiêu chí đầu tiên, cũng là tiêu chí quan trọng đánh giá và thể hiện được sự hạnh phúc của Nhân dân khi họ thực sự hài lòng về cuộc sống. Xác định rõ mục tiêu và những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân về các điều kiện kinh tế- vật chất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, nhất là phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong hơn 2 năm, 38 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được phê duyệt và hỗ trợ triển khai thực hiện. Các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hoá, đặc sản hữu cơ được người dân hưởng ứng, tham gia thực hiện mạnh mẽ. Chính sách hỗ trợ trồng rừng bền vững cũng đã được các địa phương tích cực triển khai thực hiện, đến nay đã phê duyệt, hỗ trợ trồng mới 2.101 ha. Từ đó tạo cơ sở, tiền đề để thực hiện các mục tiêu chuyển hoá rừng gỗ lớn; nâng cao chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ rừng và thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững trong thời gian tới, đồng thời góp phần thực hiện hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng hàng năm đạt trên 15.000 ha… Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần tích cực trong việc làm thay đổi nhận thức, phương pháp chỉ đạo thực hiện chính sách của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất của người dân, từ chỗ sản xuất tự phát theo phong trào sang sản xuất có chủ đích theo kế hoạch thị trường của đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao tính hiệu quả, bền vững cho sản xuất nông nghiệp.

Ngay từ những năm đầu đổi mới, tỉnh đã chủ trương phát triển ngành nông- lâm nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, trong đó sản xuất lương thực là quan trọng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả. Bởi vậy, cùng với việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của phát triển nông nghiệp là trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế- xã hội bền vững, tỉnh đã quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời tích cực đẩy mạnh phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển mạnh dịch vụ, thương mại; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm. Cách làm mới, sáng tạo này đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chuyên canh với quy mô lớn và với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực như: Vùng quế gần 78.000 ha, tre măng Bát độ trên 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000 ha, đàn trâu bò gần 130.000 con... Đặc biệt đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 đạt tới 5,36%, đứng thứ 4/14 tỉnh trong vùng; năm 2022 đạt 5,95%, là con số cao nhất trong vùng và cao nhất của tỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Công nghiệp Yên Bái có bước phát triển khá, trong đó tăng nhanh công nghiệp chế biến nông lâm nghiệp, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực, lợi thế, với giá trị sản xuất ước đạt 13.000 tỷ đồng; Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp- xây dựng năm 2022 đạt 14,76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, riêng khu vực công nghiệp tăng 16,66%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng; Công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển, nhiều cơ sở sản xuất nông thôn được thành lập, từ đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, nhất là người dân khu vực đồng bào dân tộc, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế như tài chính, ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục, đào tạo, từng bước hình thành và phát triển các loại thị trường tài chính, bất động sản, lao động; Yên Bái cũng quan tâm chú trọng phát triển Các loại hình kinh doanh thương mại văn minh như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn, thương mại điện tử... Năm 2022, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ tăng 6%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 23.825 tỷ đồng. Ngành du lịch được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh các giải pháp phát triển du lịch theo hướng “xanh, bản sắc, hấp dẫn”; xây dựng hình ảnh và thương hiệu “Yên Bái- Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng” với các sản phẩm du lịch đặc thù, như: Du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa các dân tộc; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng và quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp,... thu hút trên 3 triệu lượt du khách, trong đó trên 227.000 lượt khách quốc tế đến Yên Bái chỉ trong hơn 2 năm.

Quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội mà trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ hạ tầng thiết yếu cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân. Trong những năm qua, Yên Bái đã tích cực huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển kinh tế- xã hội. Với vai trò “đi trước mở đường”, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương; sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự ủng hộ, đồng hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị- xã hội; sự hưởng ứng, đóng góp, tham gia, vào cuộc của Nhân dân trong tỉnh, nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Chỉ trong chưa đầy 3 năm, 26 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 12.977 tỷ đồng đã được tỉnh quyết định đầu tư. Trong đó có 17 dự án, công trình phát triển hạ tầng giao thông (tổng mức đầu tư là 9.557 tỷ đồng). Các dự án, công trình giao thông trọng điểm, kết nối vùng, liên vùng, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh với tuyến đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai như: Cầu Giới Phiên; đường Khánh Hòa- Văn Yên thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế-  xã hội các  huyện nghèo tỉnh Yên Bái; đường nối Quốc lộ  32 với đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai (IC15);… lần lượt được xây dựng. Nổi bật hơn cả là tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển giao thông nông thôn, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân; đến nay, tổng số chiều dài đường đô thị và đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa trên địa bàn toàn tỉnh là 8.500 km, với mật độ đường đạt 1,36 km/km2.

Tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực Tây Bắc trong xây dựng nông thôn mới, Yên Bái kiên trì với chủ trương phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, vì dân và dân hưởng thụ; cùng với đó là tập trung nguồn lực, nhất là xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Nếu như năm 2015, Yên Bái chỉ có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới thì nay toàn tỉnh đã có 99 , chiếm 66% tổng số xã của tỉnh; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Trấn Yên là huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được phát huy.

Đem đến hạnh phúc, sự hài lòng cho Nhân dân về đời sống xã hội- tinh thần, những năm qua, Yên Bái luôn quan tâm đến công tác phát triển văn hóa- xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tích cực đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, sau hơn 30 năm, từ chỗ còn tới 62 xã trắng về giáo dục (năm học 1991- 1992) thì đến năm 2023, Yên Bái đã trở thành tỉnh thứ 2 trong khu vực Tây Bắc được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3 và là tỉnh thứ 18 của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục THPT cấp độ 2; 73,7% trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt trên 99%; lần đầu Yên Bái vượt mức 50% (đạt 53,2%) số học sinh dự thi đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân luôn được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96,5%; cán bộ y tế được đầu tư, thu hút, đào tạo, đảm bảo đủ nhân lực chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân (hiện tại có 11,2 bác sĩ/một vạn dân, đạt 34,6 giường bệnh/10.000 dân). Quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch. Từng bước đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các nền tảng chuyển đổi số; triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Năm 2021, tỉnh Yên Bái xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số (DTI), cải thiện 13 bậc so với năm 2020, là tỉnh có mức cải thiện thứ hạng cao nhất cả nước; dự ước năm 2022, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố. Công tác an sinh xã hội đảm bảo; giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt là các chính sách về đầu tư hạ tầng, giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chính sách dân tộc luôn được ưu tiên bố trí nguồn nhân lực để đầu tư. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hơn 2.474 hộ người có công và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội, tất cả các gia đình người có công đều có nhà ở kiên cố và được quan tâm chăm lo; trong hơn 2 năm, đã có 12.000 tỷ đồng được huy động để đầu tư hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh quốc phòng luôn được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được mở rộng. Các cơ quan hành chính nhà nước được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả; công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đáp ứng sự hài lòng của người dân và các tổ chức. Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái có 04 chỉ số thành phần được người dân, tổ chức đánh giá mức độ hài lòng nằm trong Top 05 tỉnh, thành phố cao nhất trong cả nước.

Xưa nay, “Hạnh phúc” vốn là cụm từ mang tính chất trừu tượng, khó có thể định lượng được. Song thực tế ở Yên Bái những năm gần đây đã chứng minh, dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế- xã hội, dù chỉ là một tỉnh miền núi nghèo nhưng người Yên Bái luôn thấy hài lòng về cuộc sống với các yếu tố về điều kiện vật chất, tinh thần của cá nhân và gia đình, hài lòng về  sự  phục vụ  của chính quyền địa phương, hài lòng về môi trường sống xung quanh, hài lòng về sức khỏe và tuổi thọ trung bình mà họ có được; những nhà đầu tư, kinh doanh thấy hài lòng bởi mọi sự đều hanh thông khi đến với Yên Bái, được tạo điều kiện thuận lợi cho công việc từ cơ quan công quyền, thậm chí được “trải thảm mời gọi”, ưu tiên pháp lý và ủng hộ tối đa, đến mức được coi là “công dân Yên Bái”; bạn bè, du khách đến với Yên Bái hài lòng không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không gian xanh trong lành, bình yên mà còn thấy hài lòng bởi sự giàu có tình người của người dân Yên Bái mến khách, chân thành, giản dị, thật thà. “Nâng cao chỉ số hạnh phúc” giờ đây không còn là nhiệm vụ riêng của Đảng, của chính quyền mà đã thực sự lan tỏa, thấm sâu vào đời sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội; trở thành phong trào thi đua sâu rộng khắp các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương ở Yên Bái. Cùng với những quyết sách, chiến lược, kế hoạch mà Đảng bộ, chính quyền Yên Bái đã và đang nỗ lực triển khai để đem lại hạnh phúc cho Nhân dân thì từ miền núi cao đến đồng bằng, từ nông thôn cho đến thành thị, những phong trào quen thuộc như “Lớp học hạnh phúc”, “Trường học hạnh phúc”, “Bác sĩ tận tâm- Bệnh nhân hạnh phúc”, “Phụ  nữ  tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng văn hóa công sở, nơi làm việc xanh, sạch, đẹp, hạnh phúc”… vẫn luôn diễn ra sôi nổi ở khắp mọi nơi. Người Yên Bái hôm nay không chỉ đang nỗ lực vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của chính mình, mà còn cùng nhau chung tay xây dựng đất núi Yên Bái thành một miền quê đáng sống, một “Tỉnh Yên Bái hạnh phúc” của vùng Tây Bắc- Việt Nam.

                                                                                           N.T

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter