Kết tinh, hội tụ trí tuệ, niềm tin và chiến thắng

Hà Thị Ngọc Loan 

Đảng bộ tỉnh Yên Bái thành lập ngày 30/6/1945, tính đến nay đã trải qua 18 lần Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là những mốc son đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của của Đảng bộ tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ I được tổ chức từ ngày 10-15/1/1949 tại gò cọ Làng Chiềng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên. Căn cứ vào tình hình thực tiễn Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền và các tổ chức quần chúng trong vùng địch, xây dựng các đội du kích tập trung, phát triển chiến tranh du kích ở khắp nơi; phát động mạnh mẽ phong trào thi đua ái quốc; chăm lo phát triển Đảng, đào tạo cán bộ trong vùng hậu địch, cán bộ người dân tộc.

Đại hội đầu tiên của Đảng bộ đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Những chủ trương,nhiệm vụ đúng đắn của Đại hội có tác dụng thúc đẩy cuộc kháng chiến ở tỉnh Yên Bái đi đến những thắng lợi mới.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ II được tổ chức tháng 4/1951. Đại hội đã nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chỉ thị của Trung ương Đảng về sửa chữa những sai lầm trong công tác nông thôn. Với những chủ trương, đường lối, quyết sách.

Đường lối, chủ trương, quyết sách của Đại hội đã đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân tỉnh Yên Bái đến thắng lợi hoàn toàn. Cùng với toàn miền Bắc, quân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội và vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và làm việc (9/1958).

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ III, tổ chức từ ngày 30/1- 4/2/1959. Đại hội đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đồng thời ra sức phát triển văn hoá- xã hội, đề cao công tác giáo dục vận động đối với vùng cao, chú trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng tổ chức Đảng ở nông thôn.

 Đại hội đánh dấu sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng của Đảng bộ với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ IV, tổ chức từ ngày 20- 30/1/1961. Đại hội đã cụ thể hoá kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất vào tình hình thực hiện của tỉnh và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường xây dựng hợp tác xã nông nghiệp về mọi mặt, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện và vững chắc, nhất là sản xuất lương thực. Coi trọng phát triển công nghiệp và thủ công nghiệp để cung cấp tư liệu sản xuất, vật phẩm tiêu dùng, vật liệu xây dựng. Tích cực mở mang giao thông vận tải, tăng cường thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã. Nâng cao trình độ văn hoá, trình độ giác ngộ Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, đẩy mạnh công tác phổ biến khoa học kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân lành nghề. Trên cơ sở sản xuất phát triển, cải thiện một bước đời sống của nhân dân lao động mọi người đều được ăn no, mặc ấm và có việc làm. Mở mang sự nghiệp phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị. Đề cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết trấn áp mọi âm mưu và hành động phá hoại của bọn phản cách mạng, tăng cường củng cố hoạt động của chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Ra sức xây dựng Đảng, làm cho Đảng ngày càng mạnh để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới.

Nghị quyết của Đại hội là sự cụ thể hoá kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất vào tình hình thực hiện của địa phương.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần V, tổ chức ngày 16- 28/8/1963. Đại hội ra Nghị quyết về phát triển kinh tế, nhất là phát triển nông lâm nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp và thủ công nghiệp; tăng cường khả năng quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị; củng cố mọi mặt hoạt động của các đoàn thể quần chúng; đề cao công tác cán bộ và công tác xây dựng Đảng.

Tháng 12/1962, tỉnh Nghĩa Lộ và Đảng bộ tỉnh Nghĩa Lộ được thành lập.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghĩa Lộ lần I, tổ chức từ ngày 27/10- 1/11/1963. Đại hội đã xác định nhiệm vụ chính trị là: đẩy mạnh công tác bảo vệ trị an, củng cố quốc phòng, phát triển củng cố cơ sở về mọi mặt làm cho Nghĩa Lộ dần dần trở thành tỉnh giàu có và vững chắc trong Khu Tây Bắc, đời sống nhân dân các dân tộc được ấm no và có dự trữ. Trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật của nhân dân được nâng lên góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm của Nhà nước đề ra.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghĩa Lộ lần II, tổ chức từ ngày 15- 27/1/1970. Đại hội đã ra Nghị quyết về đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển văn hoá; tăng cường nhiệm vụ chiến đấu giữ gìn trật tự an ninh, củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, chi viện cho tiền tuyến; tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể quần chúng.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần VI, tổ chức từ ngày 20- 30/1/1970. Đại hội ra Nghị quyết về đẩy mạnh mọi hoạt động văn hoá- xã hội góp phần tổ chức tốt đời sống nhân dân; tăng cường công tác quân sự địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với tuyền tuyến, sẵn sàng chiến đấu khi có chiến tranh; củng cố và chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đoàn thể vững mạnh về tư tưởng, tổ chức, nâng cao trình độ lãnh đạo mọi mặt, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Ngày 31/1/1976: Thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn và Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh, 3 Đảng bộ Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ I (vòng 2) tổ chức trong tháng 4/1977. Đại hội đề ra nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ là: Đẩy mạnh ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật là then chốt; ra sức củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Tích cực xây dựng và củng cố vùng cao biên giới về mọi mặt, hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư trong toàn tỉnh, đẩy mạnh phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, gắn chặt công, nông, lâm nghiệp thành một cơ cấu kinh tế địa phương thúc đẩy nhau phát triển. Ra sức phát triển sự nghiệp văn hoá- xã hội, nhất là vùng cao, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ; tăng cường củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng của nhân dân, nhất là cấp cơ sở. Tích cực xây dựng, củng cố quốc phòng, đẩy mạnh công tác quân sự địa phương, giữ gìn tốt an ninh trật tự. Tích cực xây dựng Đảng, xây dựng và kiện toàn bộ máy cấp huyện, củng cố cơ sở. Từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ II, tổ chức từ ngày 22- 24/9/1980. Đại hội xác định chủ đề: Phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, khai thác và sử dụng tốt mọi điều kiện và khả năng sẵn có của địa phương, động viên và tập trung mọi lực lượng của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ra sức đẩy mạnh sản xuất, gắn chặt với xây dựng và củng cố vững chắc quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; gắn kinh tế với quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, giữ vững an ninh, trật tự địa phương, bảo đảm tốt đời sống nhân dân, tích cực xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng trong sạch vững mạnh, chỉ ra những chủ trương biện pháp lớn trên các mặt kinh tế, văn hoá- xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần III (vòng 2) tổ chức từ ngày 26- 28/1/1983. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong 3 năm 1983- 1985 là: Tập trung cao độ mọi tiềm năng, sức lực để đẩy mạnh sản xuất, trọng tâm cấp bách hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và rất coi trọng đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu; tăng cường củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ chế độ quản lý hành chính bao cấp; coi trọng và đẩy mạnh củng cố quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu, đánh thắng chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch; tăng cường sức chiến đấu của Đảng.

Phương hướng, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần III (vòng 2) đã có những chủ trương đổi mới phù hợp với đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng đề ra sau này.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần IV, tổ chức từ ngày 10- 13/10/1986. Đại hội xác định nông- lâm nghiệp là mặt trận hàng đầu, trọng tâm là sản xuất lương thực- thực phẩm, đồng thời phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Khai thác tối đa khả năng công nghiệp, thủ công nghiệp, mở mang giao thông vận tải, làm chủ phân phối lưu thông và thị trường, hoàn thiện quan hệ sản xuất, thực hiện chính sách công bằng xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh trên tinh thần tự lực, tự cường để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ kinh tế, quốc phòng và tạo thêm những tiền đề vật chất cho những chặng đường tiếp theo trên cơ sở lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo.

Nghị quyết Đại hội IV của Đảng bộ tỉnh đã thể hiện được tinh thần của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 8/1986 và tư tưởng chỉ đạo trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội VI vận dụng vào tình hình thức tế của từng địa phương. Đây là Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới trên mọi lĩnh vực.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lầnV(vòng 1), tổ chức từ ngày 22-24/4/1991. Đại hội thảo luận báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội VII của Đảng. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ V (vòng 2) không được tổ chức vì diễn ra sự kiện chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn (tháng 10/1991).

Ngày 1/10/1991: Tỉnh Hoàng Liên Sơn chia thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Tái lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ I (sau đổi là XIII), tổ chức từ ngày 15- 17/1/1992. Đại hội xác định nhiệm vụ tổng quátgiữ vững ổn định chính trị, ổn định và phát triển kinh tế- xã hội; ổn định từng bước cải thiện đời sống nhân dân, đẩy lùi tiêu cực và bảo đảm công bằng xã hội trong đó xác định mục tiêu cụ thể: Khai thác các thế mạnh nông- lâm- công nghiệp, chế biến, dịch vụ và xuất khẩu. Đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm tại chỗ, coi trọng cả lúa và màu nhất là ngô. Phát huy toàn diện thế mạnh chăn nuôi, đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng đi lên sản xuất hàng hoá. Từng bước phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; đưa tổng sản lượng lương thực đạt 160.000 tấn (1995), thực hiện định canh định cư, giảm nhanh bệnh bướu cổ và trẻ em suy dinh dưỡng, hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 2,23%.

Đây là Đại hội mở đầu đánh dấu sự phát triển của Đảng bộ kể từ khi tái lập tỉnh Yên Bái.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIV, tổ chức từ ngày 2-4/5/1996. Đại hội xác định mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 1996-2000 là: Khai thác mọi tiềm năng thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ khai thác nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đạt tốc độ tăng trưởng cao; kết hợp hài hoà giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu tiến bộ xã hội; bảo vệ sự bền vững của môi trường sinh thái, giữ vững sự ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Tăng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-  xã hội theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XV, tổ chức từ ngày 1- 3/2/2001,  Đại hội đã đề ra mục tiêu cho giai đoạn 2001-2005 là:Phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao và ổn định. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành vững chắc các vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tập trung. Áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao khối lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh; trong phát triển sản xuất, chú trọng vào hàng hóa xuất khẩu. Phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kinh tế- xã hội. Cải thiện rõ nét đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ  XVI, tổ chức từ ngày 26-28/12/2005. Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát là: “Phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế của tỉnh phát triển toàn diện, có tốc độ tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại được áp dụng rộng rãi trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ sở vật chất kỹ thuật tiếp tục được đầu tư, đáp ứng từng bước cho hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; phát triển kinh tế gắn với tăng cường vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị xã hội. Phấn đấu đến năm 2010 đưa Yên Bái ra khỏi tỉnh nghèo, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, tạo nền tảng phát triển vững chắc cho giai đoạn 2010- 2020

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, tổ chức từ ngày 21-23/10/2010.Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ; phát huy truyền thống đoàn kết, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế với  tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, văn hóa- xã hội phát triển, tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường, củng cố, xây dựng quốc phòng- an ninh vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2015, tạo nền tảng để đến năm 2020 trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ  XVIII, tổ chức từ ngày 29- 2/10/2015. Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2016- 2020 là: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới toàn diện; phát huy truyền thống đoàn kết, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững; tăng cường, mở rộng các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương; đẩy mạnh phát triển văn hoá- xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là nông dân; tăng cường xây dựng, củng cố quốc phòng- an ninh vững mạnh, xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

75 năm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, trải qua 18 kỳ Đại hội trong bối cảnh lịch sử khác nhau. Song với bản lĩnh của một Đảng bộ dày dạn kinh nghiệm, thông qua các kỳ Đại hội đã hội tụ trí tuệ, niềm tin, khát vọng và chiến thắng. Ý Đảng, lòng dân được kết tinh trong các chủ trương, nghị quyết đã soi đường, chỉ lối đưa phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiếp tục vững bước trên con đường mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập.

 

  H.T. N. L

Các tin khác:

21-25 of 283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter