Mở đường vào Nghĩa Lộ phục vụ chiến dịch Tây Bắc

Lý Quang Diệu (Ghi theo lời kể của ông ngoại)

Ông ngoại năm nay bước vào tuổi 89 vẫn khỏe mạnh, minh mẫn nhưng mắt ông ngoại bị mờ. Hằng ngày ông rất thích nghe đài, năm nay các cháu được nghỉ học nhiều kể từ sau tết để tránh dịch COVID -19, được nghe ông kể nhiều chuyện thời trẻ đi học, lớn lên ông đi dân công hỏa tuyến, rồi đi cải cách ruộng đất… Thích nhất là được ông kể về việc mở đường vào Nghĩa Lộ. Quê nội cháu ở Văn Chấn, nên ông bảo lấy giấy bút ghi hồi ký cho ông thời “Mở đường vào Nghĩa Lộ” để mỗi dịp đi trên con đường này về nội, cháu sẽ lại nghĩ đến những kỷ niệm nhỏ của ông.

...Năm 1952, chúng tôi chỉ ngót 30 anh em cán bộ sơ cấp công chính của các tỉnh trong liên khu, đang học bổ túc nghiệp vụ tại Sở Công chính Liên khu Việt Bắc ở Thái Nguyên.

Theo chương trình, đáng lẽ còn phải học thêm hơn một tháng nữa mới kết thúc. Nhưng một buổi sáng thầy Hiệu trưởng Hiểu với mét mặt xúc động và nghiêm trang nói với chúng tôi: “Theo lệnh Sở, lớp học ta phải kết thúc càng sớm càng tốt, nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu của chương trình. Các chú sẽ được Bộ trưng tập đi phục vụ chiến dịch; chiến dịch này đặc biệt quan trọng, bí mật lắm”.

Chúng tôi là người của hơn mười tỉnh tập hợp về đây, mỗi người ít nhất cũng đã công tác trong ngành từ ba năm trở lên. Độ bảy, tám người đã có năm bảy năm tuổi ngành.

“Đi chiến dịch” hay “đi phục vụ chiến dịch”? Chúng tôi đã quen câu phổ biến quan trọng và thiêng liêng này từ lâu rồi. Hầu hết chúng tôi đã đi làm cầu đường để phục vụ các chiến dịch Biên Giới Cao- Bắc- Lạng (1950) phía Đông Bắc: Chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng phố Giàng, Nghĩa Đô, Phố Lu- Lào Cai, biên giới phía Tây Bắc; chiến dịch Lý Thường Kiệt đánh vào Tây Bắc 1951 và cả các chiến dịch nhỏ đánh vào Đại Bục, Đại Phác… (Yên Bái) năm 1949.

Lớp học bế mạc sớm hơn chương trình 15 ngày. Liền sau đó đồng chí Giám đốc Sở phổ biến lệnh trưng tập của Bộ. Tất cả lớp, không một ai được trở về cơ quan, mà đi nhận nhiệm vụ của Bộ luân. Địa điểm tập kết là tại Ty Công chính, thị xã Tuyên Quang.

Vượt qua các trọng điểm địch thường xuyên oanh tạc, chúng tôi đến trụ sở Ty Công chính ở Tuyên Quang an toàn, được cơ quan đón tiếp theo nghi thức của một đoàn cán bộ của Bộ tới. Đồng chí Tự, Trưởng ty nói chuyện thân mật với chúng tôi, và chúng tôi biết sẽ được Bộ cho đi học tập ba ngày về nhiệm vụ mới và động viên chúng tôi phục vụ tốt chiến dịch quan trọng sắp tới.

Hôm sau hội nghị bắt đầu. Chúng tôi được nghe Thứ trưởng Lê Dung nói chuyện, động viên đi phục vụ chiến dịch Thu Đông năm 1952. Thứ trưởng cho biết: Chiến dịch này sẽ giải phóng thêm một phần lớn đất đai, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến của ta, làm đà tiến mạnh sang tổng phản công; phải hết sức bí mật để giáng đòn bất ngờ, sấm sét vào quân địch.

Đồng chí Lê Khắc. Đại tá quân đội thay mặt Tổng cục cung cấp của Bộ Quốc phòng (bây giờ là Tổng Cục hậu cần) động viên chúng tôi sẽ cộng tác cùng với bộ đội công binh, dân công mở đường vào mặt trận. Từ giờ phút này chúng tôi được biên chế vào một tổ chức mới là: Ban sửa đường X, trực thuộc Tổng cục cung cấp của quân đội. Còn sửa đường nào thì vẫn phải bí mật…

Chúng tôi được học tập ngay. Trong nội dung học tập, đồng chí Duệ cho biết: chiến dịch này rất quyết liệt, chiến trường lần này rộng lớn. Lần đầu tiên ta mở đường để ô tô tiếp tế cho mặt trận.

Ôi chúng tôi sung sướng quá! Mọi chiến dịch từ năm 1949 đến giờ, nói là đi mở đường phục vụ chiến dịch, chúng tôi chỉ làm đường cho bộ đội và dân công khiêng vác, gánh bằng vai là chính, đường chỉ rộng một hai mét là cùng chứ đâu được mở đường cho ô tô đi. Sự kiện thật là mới.

Một vấn đề mới và xúc động hơn nữa, khi chúng tôi học tập và liên hệ: mở đường ô tô thì không thể bí mật được mãi với địch, nhất là khi ô tô đã chạy trên đường ra, vào mặt trận. Cuộc đánh phá của địch sẽ quyết liệt, ngày địch phá, đêm ta sửa, rồi địch lại phá, ta lại phải sửa để đảm bảo giao thông. Chúng ta có sợ địch đánh phá không? Sợ chết không? Sợ sẽ thành thương binh không?

Mặt  trận nơi đâu, vẫn còn phải giữ bí mật. Chúng tôi chỉ được biết chặng đường đi từng ngày. Ngày đầu chúng tôi chỉ được biết phải vượt bến đò Hiên, rồi lại đi tiếp.

Riêng tôi, sau khi học xong, được trưng tập ngay đi chiến dịch, tôi phấn khởi quá. Trong niềm tự hào lẫn lo lắng của người ra trận, tôi bỗng nhớ bố mẹ và các em tôi. Tôi cứ thầm ân hận: mình không phải là bộ đội, nay ra mặt trận mà gia đình không ai biết. Đó cũng là tâm tư của anh em tôi. Mấy ngày ở hội nghị Tuyên Quang, chúng tôi cứ đoán già, đoán non hướng của chiến dịch. Có thể là Hà Giang hay Yên Bái. Chỉ một trong hai hướng đó thôi, vì không lẽ từ Thái Nguyên lên đây lại quay xuôi về đồng bằng? Và cứ nhìn các cán bộ chỉ huy đa số ở Liên khu Việt Bắc có thể khẳng định là hướng Tây Bắc rồi. Biên giới Đông Bắc đã hết địch từ năm 1950, chỉ còn một hướng duy nhất này. Tôi thầm ao ước chiến dịch sẽ là quê hương mình. Khi nghe phải vượt bến đò Hiên tôi như mở cờ trong bụng, đoán chắc là lại vào Nghĩa Lộ rồi. Khoảng này năm ngoái tôi đã tham gia phục vụ chiến dịch Lý Thường Kiệt. Nhưng chiến dịch này chưa dứt điểm. Nay mở đường cho ô tô vào mặt trận, không còn con đường nào khác là con đường từ Âu Lâu vào Nghĩa Lộ. Trên đường hành quân có lẽ tôi là người phấn khởi nhất: đường ra mặt trận lại chính là đi về quê hương mình!

Kỷ luật hành quân là tuyệt đối bí mật. Ngày ăn xong, mọi người phải ngủ lấy sức để đêm lại đi. Khoảng giữa trưa, lợi dụng lúc mọi người nghỉ yên ắng, tôi lẻn ra khỏi rừng, bất chấp máy bay địch, vừa đi vừa chạy một mạch khoảng hơn hai tiếng đồng hồ về đến nhà, gặp bố mẹ tôi. Tôi cho bố mẹ tôi biết, đêm nay tôi sẽ qua đây để vượt bến Âu Lâu sang sông để vào mặt trận. Tôi dặn bố mẹ tôi làm cho tôi một ống muối vừng để ăn với cơm và phải bí mật chuyện tôi lẻn về này. Lộ ra, tôi sẽ bị kỷ luật chiến trường. Chuyện trò với bố mẹ và các em chỉ độ 30 phút, tôi lại chạy trở về. Về đến lán, anh em cũng vừa dậy để chuẩn bị ăn chiều. Không một ai biết tôi vừa vô tổ chức chạy bộ về nhà cả!

Khoảng 10 giờ đêm, lúc đoàn quân qua nhà tôi, bố mẹ tôi đã chực sẵn ven đường, tôi khẽ lách khỏi hàng quân, không nói, không rằng cầm lấy ống muối vừng từ tay mẹ tôi, rồi lại nhập vào hàng quân. Trong đêm tối, dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn hoa kỳ nhỏ, ngoái nhìn lại tôi thấy mẹ tôi khóc nức nở, nhưng không thành tiếng to. Có lẽ, tình cảm của các bà mẹ tiễn con ra mặt trận đều như thế cả.

Hôm sau tôi bỏ muối vừng ra cho anh em cùng ăn, tôi mới thú thật cho vài anh em biết chuyện vô tổ chức của tôi hôm qua. Mấy anh bạn tôi cho đó là niềm hạnh phúc duy nhất của tôi. Có ai được hưởng cảnh bố mẹ thầm tiễn con ra mặt trận đâu?

Cuộc vượt sông đêm đó khá vất vả. Chúng tôi đến bến lúc 11 giờ đêm mà đến 3 giờ sáng mới đến lượt xuống đò. Đò lớn, đò nhỏ khá nhiều nhưng bộ đội, dân công lại như rừng người ào đến, đợt này đợt khác, suốt từ tối đến sáng, còn bao nhiêu lại ẩn nấp, đến tối sang tiếp.

Từ Âu Lâu trở vào, đường ô tô đã bỏ từ lúc bắt đầu cuộc trường kỳ kháng chiến. Năm sáu năm thôi, mà lau sậy, cỏ cây, dây leo mọc kín mặt đường, cao vút trên đầu người. Đoàn người hành quân mấy ngày nay đã tạo thành một lối nhỏ, đủ khiêng vác, gánh, gồng vào mặt trận, không phải người địa phương thì khó mà nhận biết đây là đường ô tô cũ, Chúng tôi vào đóng quân trong khu rừng nứa cách Âu Lâu khoảng 8 km, nghỉ ngơi chờ lệnh mới.

Hôm sau tất cả chúng tôi được vào hội nghị ở một khu rừng cách Âu Lâu 12km. Hội nghị thật quan trọng khác thường. Có đông cán bộ là bộ đội tham dự. Chúng tôi đều biết, đồng chí Nguyễn Huệ- Giám đốc Sở Công chính liên khu Việt Bắc làm Trưởng ban, đồng chí Lê Khắc đại tá Quân đội làm phó ban sửa đường, anh Duệ đại diện Liên khu ủy liên khu Việt Bắc làm Phó ban. Và rất đông cán bộ các đơn vị quân đội và dân công cấp đại đội trở lên.

Vào hội nghị, anh Duệ trân trọng phổ biến đơn vị ta bây giờ có tên chính thức là: Ban sửa đường 13, trực thuộc Tổng cục cung cấp của Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ là: mở đường cho ô tô vào Nghĩa Lộ. Sau đó tiến sâu vào giải phóng toàn bộ Tây Bắc.

Anh em chúng tôi được biên chế vào các đại đội dân công, các trung đội công binh, được giao từng đoạn đường, từng cái cầu, bến phà, mà đơn vị sẽ phải đảm nhiệm.

Nhiệm vụ mở đường cho ô tô đi qua chỉ được phép làm trong ba đêm. Không xong là kỷ luật chiến trường! Xong phần nhiệm vụ, chúng tôi vinh dự được đón đồng chí Trần Đăng Ninh- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp đến thăm và nói chuyện. Đồng chí nói rõ mục đích, ý nghĩa quan trọng của chiến dịch này, niềm vinh dự và tự hào của mỗi con người tham gia chiến dịch. Sau này mỗi khi nhắc lại việc tham gia giải phóng Nghĩa Lộ ta có quyền tự hào là đã góp phần sức lực… Đồng chí dặn chúng tôi làm đường, làm cầu xong phải bảo vệ cho kỳ được, làm xong mà không bảo vệ được thì nó ảnh hưởng ngay đến sinh mệnh của hàng vạn bộ đội, dân công phía trong đang chờ tiếp tế đạn, lương để tiêu diệt quân thù. Làm xong phải ngụy trang tốt bảo vệ cho cầu đường, đảm bảo giao thông tuyệt đối. Địch phá ta làm ngay. Địch lại phá, ta lại làm ngay! Quyết không để tắc giao thông một đêm nào.

Sau đó, chúng tôi được nghe thư Hồ Chủ tịch gửi toàn thể cán bộ, dân công tham dự mặt trận Tây Bắc. Trong thư Bác có những đoạn:

 “…Chiến dịch này rất quan trọng. Các cô, các chú cũng là chiến sĩ, cũng có công như các chiến sĩ, phải cùng anh em bộ đội giành cho được thắng lợi lớn…”

“… Tất cả các cô, các chú phải:

- Qyuết tâm làm tròn nhiệm vụ.

- Bền bỉ, dẻo dai, vượt mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn.

- Đảm bảo việc cung cấp đầy đủ cho bộ đội.

- Cùng bộ đội giành toàn thắng cho chiến dịch.

Bác chờ thành tích của các cô, chú để khen thưởng các nhóm và cá nhân cố gắng nhất, hăng hái nhất”.

Qua hội nghị chúng tôi mới thấy hết tầm quan trọng của chiến dịch này. Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo, Bác Hồ theo dõi sát sao. Công việc đầu tiên của chúng tôi chỉ có ba đêm, không được phép không hoàn thành nhiệm vụ.

5 giờ chiều ngày 14/10/1952, chúng tôi và hàng nghìn anh chị em dân công, bộ đội đã sẵn sàng ở các cửa rừng, từ Âu Lâu vào đến km 20, khối người đông là thế mà trật tự lạ thường, khi tiếng súng đầu tiên của pháo binh ta thi nhau gầm lên trút đạn như mưa xuống đồn Ca Vịnh cách chúng tôi chỉ độ dăm ki lô mét đường chim bay, các đơn vị nhất tề lao ra vị trí của mình. Đuốc, đóm sáng trưng; tiếng cuốc xẻng, đất đá ào ào, bên cạnh tiếng súng ùng oàng to nhỏ đang tiêu diệt địch ở bên Ca Vịnh làm không khí lao động càng rộn rã, thôi thúc, khẩn trương. Không ai biết mệt, chẳng ai nghĩ đến giải lao! 4 giờ sáng được lệnh thu quân. Anh em dân công vào rừng hết. Thấy công việc đã xong được một nửa, niềm vui sướng đến với anh em chỉ huy đơn vị chúng tôi. Chúng tôi bàn nhau sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong hai đêm. Đêm thứ ba, củng cố sửa sang đường, cầu đẹp đẽ, chắc chắn cho ô tô lăn bánh thật an toàn.

Đêm thứ ba, chúng tôi đang sửa lại nền đường, củng cố thêm mặt cầu, thì sướng ơi là sướng, ô tô ta chưa vào mà tù binh đồn Ca Vịnh đã lốc thốc đi ra. Nhìn những thằng lính Pháp đi chân đất khập khiễng, quần áo lem luốc, sao mà thảm hại.

Đêm thứ tư, khoảng 7 giờ tối, con đường từ Âu Lâu vào đến mặt trận, chẳng khác gì ngày hội. Các đơn vị bộ đội, công binh ra vị trí của mình để đón đoàn ô tô đầu tiên của ta sau năm sáu năm nhớ nhung, mơ ước.

Từ bến phà đoàn xe ta che bạt, đầy ắp đạn dược, lương thực, theo nhau đoàn này đoàn khác lăn bánh vào mặt trận.

Sáng hôm sau cuộc chiến đấu mới đã đến với chúng tôi, 9 giờ sáng, máy bay dịch, tốp này đến tốp khác ầm ầm kéo đến giội bom suốt từ Âu Lâu vào tới mặt trận. Trọng điểm đánh phá là bến phà Âu Lâu, là km 7, là dốc Voi vượt km 13. Dù các loại bom: bom to, bom nhỏ, bom nổ ngay, bom nổ chậm. Địch phá ta lại sửa, hôm sau địch lại phá, ta lại sửa. Chúng tôi đã thực hiện được đúng chỉ thị của đồng chí Trần Đăng Ninh là: không để tắc giao thông một đêm nào.

Đơn vị chúng tôi đã có một vài anh chị em hy sinh, một số ít bị thương, tệ hại nhất là bom nổ chậm, đã gây cho anh em làm đường chúng tôi bao khó khăn, tổn thất khi làm nhiệm vụ- chúng tôi đã xác định điều đó ngay từ lúc vào chiến dịch. Sự hy sinh đó là điều không thể tránh khỏi trong một cuộc chiến đấu quyết liệt. Trong đau thương, tiễn biệt đồng đội chúng tôi càng thêm căm thù giặc và càng quyết tâm bảo đảm giao thông tuyệt đối.

Tin chiến thắng từ trong vọng ra: sau chiến thắng mở màn ta giải phóng Ca Vịnh, Đồng Bồ, Thượng Bằng La, Ba Khe, Gốc Báng; các vị trí Sài Lương, Gia Hội, Cửa Nhì, Bản Mo, Nghĩa Lộ lần lượt bị đại quân ta tiêu diệt trong tháng 10/1952.

Phân khu Nghĩa Lộ được hoàn toàn giải phóng, bộ đội ta lại tiếp tục tiến lên phòng tuyến sông Đà để giải phóng Tây Bắc. Nhiệm vụ mở đường vào Nghĩa Lộ, chúng tôi đã hoàn thành.

Ngày sơ kết chiến dịch, chúng tôi được gặp thêm các đồng chí ở Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Yên Bái sang tham dự liên hoan chiến thắng. Nỗi vui mừng được nhân lên, khi chúng tôi lại được giao nhiệm vụ, tiếp tục đảm bảo giao thông tuyệt đối để phục vụ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng toàn diện Điện Biên Phủ-Tây Bắc. Địch đánh phá càng tăng, càng hiểm độc, chúng tôi cũng lại càng có kinh nghiệm. Nhờ có bộ đội công binh xử lý bom nổ chậm, chúng tôi đỡ tổn thất hơn và đã hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn.

Ngày nay, mỗi khi đi trên đường từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ, các bạn trẻ có biết rằng: đoạn đường không dài lắm này, Thu Đông năm 1952 đã có hàng ngàn, hàng vạn bộ đội, dân công bám sát địch, đánh đồn, mở đường, để mở đầu việc giải phóng Tây Bắc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược. Và trong suốt quá trình giải phóng Tây Bắc, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước như các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Phan Mỹ… đã đi sát ngành giao thông để lãnh đạo lực lượng giao thông hoàn thành nhiệm vụ.

Tự hào về ông ngoại, cũng có chút công lao nhỏ bé đóng góp vào đoạn đường có một lịch sử đẹp đẽ, đã để lại cho những người làm công tác giao thông nơi đây một truyền thống tự hào. Truyền thống đó đã, đang và sẽ được tiếp tục phát huy mạnh mẽ trên khắp các nẻo đường của quê hương, đất nước chúng ta, sẽ làm cho các tuyến đường mỗi ngày thêm tốt, thêm đẹp để phục vụ thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp.

 

                                                                                                         L.Q.D 

Các tin khác:

11-15 of 283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter