24 bông Cúc trắng

Truyện ngắn của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

Sau khóa học lái xe cấp tốc 45 ngày tại Trường lái quân khu, tháng 5 năm 1968, 30 tay lái có kết quả học tập xuất sắc, trong đó Trung được phân công về Sư đoàn 471, Binh đoàn Trường Sơn. Chỉ huy Sư đoàn cử cán bộ và lái xe ra tận trường lái đón chiến sĩ mới. Đoàn chiến sĩ mới được biên chế thành 1 trung đội, gồm 3 tiểu đội. Tiểu đội trưởng là những tay lái đã dày dạn kinh nghiệm lái xe trên đường Trường Sơn. Ngay buổi gặp mặt đầu tiên, Trưởng đoàn nhận quân Phạm Tiến đã quán triệt với các chiến sĩ mới về đường Trường Sơn và nhiệm vụ của chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Đồng chí nói: Toàn tuyến đường Trường Sơn gồm 5 hệ thống trục dọc và 21 hệ thống trục ngang, tổng chiều dài gần 20.000km, trải dài qua 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh nước bạn Lào và 4 tỉnh của Campuchia. Đường Trường Sơn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Kẻ thù đã tuyên bố: “Nếu cắt đứt được đường Trường Sơn thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam sẽ chấm dứt sớm hơn”. Vì vậy chúng đã biến cả tuyến đường thành tuyến lửa. Không lái xe ở đâu lại gian khổ, nguy hiểm bằng lái xe ở Trường Sơn. Sư đoàn 471 là 1 trong trong 2 sư đoàn ôtô vận tải trên tuyến đường Trường Sơn, được giao đảm trách Nam Lào, Tây Quảng Nam- Đà Nẵng và Kon Tum. Hệ thống đường thuộc địa bàn của sư đoàn là 2.133km, gồm các trục dọc 128; 22; 24; 17 và trục ngang B46. Các trục dọc kết nối với Binh trạm 34 ở phía Bắc và Binh trạm 37 ở phía Nam, có nhiều trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá rất ác liệt như ngầm Bạc, ngầm Sêkamán, đèo Bôphiên. Trục ngang, từ Chàvằn thuộc tỉnh Tàvenoọc, nước bạn Lào theo hướng đông về Trung Trung bộ nối với Quốc lộ 14 ở Đruđốc có chiều dài 141km cũng bị địch đánh phá ác liệt ở nhiều đoạn như đèo km 70, km 98, đầu mối Lân Tôn … Về quân số, Sư đoàn ta có 6 Binh trạm, 4 Trung đoàn công binh, cao xạ, bộ binh; 9 tiểu đoàn trực thuộc gồm thông tin, kho hàng, sửa chữa xe pháo, vận chuyển đường sông, quân y và giao liên. Với tinh thần “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc, xe không thể dừng”, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng công binh, cao xạ, xe máy, bộ binh, lái xe của Sư đoàn luôn kiên cường bám trụ, đảm bảo giao thông thông suốt, đánh hàng trăm trận trên không, trên bộ, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Các chiến sĩ lái xe luôn vững tay lái, chớp thời cơ chạy lấn sáng, lấn chiều đưa hàng tới đích an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…

Học chính trị, quán triệt nhiệm vụ xong, cả Trung đội lên Lạng Sơn nhận xe. Toàn xe Giải phóng của Trung Quốc mới toanh, còn thơm mùi sơn và bóng láng. Lần đầu tiên, được một mình một xe, lại là xe mới, ai cũng thích thú, rộn ràng như mặc bộ quần áo mới đón Tết. Sau 2 ngày chạy thử xe và bảo dưỡng dầu mỡ, toàn Trung đội được lệnh đánh xe đi nhận hàng chở vào chiến trường. Chuyến hàng đầu tiên chở toàn gạo. Mỗi xe đóng đủ 4 tấn gạo, xếp đầy ặc xe, trên phủ ni nông, tiếp theo là bạt, chằng dây chắc chắn, rồi cắm lá ngụy trang phủ kín xe. Tất cả đã sẵn sàng, đợi lệnh là xuất phát.

Sáng sau, đúng 5 giờ, toàn đơn vị tập hợp, nghe Đoàn trưởng Tiến phổ biến mệnh lệnh hành quân: Hướng hành quân phía Nam, tốc độ 45km/h, cự ly giãn cách giữa các xe 20m, giãn cách giữa các tiểu đội 30m. Đoàn xe đi theo Quốc lộ 1, rồi rẽ sang hướng Hòa Bình. Đến Thanh Hóa đã ngửi thấy “mùi” chiến tranh. Chốc chốc lại có máy bay Mỹ rèn rẹt trên đầu, rồi bom nổ rung đường. Đạn pháo phòng không của ta từ các trận địa trên mặt đất bắn lên như hoa cải. Nên từ Thanh Hóa trở đi, xe phải đi ban đêm. Lúc dừng xe trong bìa rừng đợi trời tối, Tiểu đội trưởng Đức quán triệt với chiến sĩ trong tiểu đội: Đêm nay, các xe phải tắt hết đèn pha, chỉ đi bằng ánh sáng “đèn rùa”. Đi bằng “đèn rùa”, ban đầu bỡ ngỡ nhưng trước lạ sau quen thôi. Mà anh em có biết lai lịch chiếc “đèn thần” này không? Chắc là không, tôi kể cho nghe nhé. Trước đây, các xe chạy tuyến Trường Sơn đều chưa được trang bị đèn ngụy trang ánh sáng, nên máy bay Mỹ dễ phát hiện, gây cho ta rất nhiều tổn thất cả xe và người. Anh em lái xe Trường Sơn đã có sáng kiến, cho một bóng đèn nhỏ vào ống bơ sữa bò, còn bôi quanh bóng đèn một lớp mỏng dầu mỡ xe, bóng đèn bắt bụi, làm giảm bớt ánh sáng, bảo đảm an toàn cho đội hình xe vận chuyển vào ban đêm. Nhưng loại “đèn gầm” này chỉ phát huy tốt trên đường bằng, khi leo dốc, đèn lại hắt sáng lên trời, khi lội suối, đèn bị nước làm hỏng. Để đáp ứng yêu cầu vận tải vào chiến trường, giảm hy sinh cho lái xe, cấp trên giao cho Cục Quản lý xe máy, chỉ đạo một nhóm kỹ sư nghiên cứu thiết kế, chế tạo một loại đèn đặc dụng. Nhóm kỹ sư đã khảo sát tất cả các loại đèn xe quân sự, kể cả đèn hồng ngoại dùng trên xe tăng. Trải qua hàng trăm lần thử nghiệm, đã chế tạo 10 mẫu đèn rồi đưa lên Trường lái xe Quân đội, lắp lên 10 xe ô tô chạy thử nghiệm. Xe chạy thành đoàn, xe nọ cách xe kia 20m, qua nhiều đoạn dốc cao, dài. Cùng lúc, một máy bay quân sự chở cán bộ và nhóm kỹ sư chế tạo đèn bay hai giờ liền để quan sát. Kết quả là máy bay không phát hiện được ánh sáng từ 10 chiếc xe có lắp đèn đặc dụng. Sau thử nghiệm thành công, đèn được đưa vào kiểm chứng tại chiến trường. Sau một tuần chạy kiểm chứng, vượt qua nhiều trọng điểm có đủ loại máy bay Mỹ sục sạo, đánh phá mà vẫn không bị chúng phát hiện ra. Mờ sáng mồng 5 Tết Đinh Mùi- 1967, đoàn xe chạy kiểm chứng đèn vào đến Bộ tư lệnh Trường Sơn, mang niềm vui đến cho cả chiến trường. Các kỹ sư khẩn trương ra Hà Nội báo cáo kết quả, xin cấp trên cho phép sản xuất đèn. Tháng 10 năm 1967, hàng trăm nghìn chiếc đèn đã được sản xuất để sử dụng cho tất cả các đơn vị vận tải trên đường Trường Sơn. Cục Quản lý xe cũng cho lắp đèn đặc dụng vào các xe ngay tại kho xe Lạng Sơn. Từ đó, chiếc đèn đặc dụng đã được gọi bằng nhiều tên: “đèn rùa”, “đèn ngụy trang ánh sáng”, “đèn cứu sinh”, “đèn thần”. Ban đêm, các “đèn rùa” tạo nên những dòng ánh sáng kỳ ảo, dập dềnh, cần mẫn, len lỏi khắp nẻo đường chiến trường…

Sau 2 đêm đi bằng “đèn rùa”, đoàn xe đã qua bên kia đèo Đá Đẽo. Đoàn trưởng Tiến lệnh các chiến sĩ kiểm tra lại xe. Đứng giữa đội hình xe, ông dõng dạc quán triệt: Nơi ta dừng đây thuộc địa bàn xã Thượng Lộc, chỉ cách giao điểm giữa Quốc lộ 15 và Tỉnh lộ 2 Hà Tĩnh, gọi là Ngã ba Đồng Lộc hơn 1km đường chim bay. Tóm tắt thế này để các đồng chí hình dung ra Ngã ba Đồng Lộc. Toàn bộ ngã ba nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi trọc, chỉ có một đường độc đạo, mặt đường giống như một cái lòng máng, bom địch thả xuống bên nào thì đất đá cũng lǎn hết xuống đường gây ách tắc giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc, nên ngã ba được ví như cái như cái cổ họng. Vì thế máy bay Mỹ đánh phá Ngã ba Đồng Lộc suốt ngày đêm, hòng cắt đứt huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam của ta. Trọng điểm ngã ba dài chừng 2km, đặc biệt từ Cầu Tối tới Trường Thành khoảng 300m, là mục tiêu hủy diệt của máy bay Mỹ nên còn gọi là “Tọa độ chết”. Ở “Tọa độ chết” luôn có 1 tiểu đội nữ thanh niên xung phong vừa làm nhiệm cảnh giới, đếm bom, phá bom, sửa đường, vừa giúp các lái xe qua trọng điểm. Các o thanh niên xung phong ở ngã ba đều rất nhanh nhẹn, dũng cảm và nhiều kinh nghiệm. Khi qua Đồng Lộc, các đồng chí phải hết sức bình tĩnh, lái xe theo chỉ dẫn của các o. Nếu thấy có xe bị cháy không hốt hoảng, run tay lái, không được dừng xe, sẽ có lực lượng thanh niên xung phong xử lý. Các đồng chí rõ chưa?

Cánh lính mới nghe như nuốt từng lời của đoàn trưởng rồi đồng loạt hô “rõ”. Đúng 19h30, đoàn xe được lệnh xuất phát. Vừa chớm khu vực ngã ba, đường đã chi chít hố bom đủ kích cỡ, lổn nhổn đá to, đá nhỏ, đụn đất như một bãi chiến trường, không còn nhận được đâu là đường. Chiếc “đèn rùa” nhỏ bằng quả táo, đặt dưới gầm xe, hắt ra thứ ánh sáng “đom đóm”, chiếu sáng chỉ chừng độ hơn 1 mét, Trung vừa phải căng mắt nhìn đường, vừa phải tập trung đầu óc cao độ để xử lý tay lái. Xe hết vòng phải lại lượn trái như làm xiếc để tránh hố bom. Chỉ cần sơ ý, mất chính xác một chút là xe có thể cắm đầu xuống hố bom ngay. Lúc ấy thì còn cách bỏ xe. Mới đi một đoạn, mồ hôi tay Trung đã rịn đầy vô lăng, lưng áo cũng ướt đầm mồ hôi. Vừa đánh tay lái để xe thoát khỏi một hố bom, bỗng thình lình có tiếng nổ chói tai, Trung giật bắn mình, chiếc xe chao đảo, bị nhấc lên khỏi mặt đất, rồi rơi tự do xuống. Cùng lúc ấy “đèn rùa” cũng đột ngột tắt lịm. Tối om. Hoàn toàn mất phương hướng, Trung phanh gấp xe. Đang hoang mang, rối trí, chưa biết xử lý thế nào, thì có một bóng người từ bên đường lao ra, nhảy phắt lên bậc lên xuống xe, tay đập mạnh vào cửa kính. Trung vội hạ kính cửa. Một o thanh niên xung phong, đầu đội mũ sắt, tay cầm chiếc xẻng, nhìn vào buồng lái nói to:

- Eng cứ bĩnh tĩnh. Tắt rồi bật lại “đèn rùa” thử xem. Hắn ném vu vơ thôi, nỏ làm chi được miềng đâu eng!

Lần đầu nghe giọng Hà Tĩnh, lại nói rất nhanh, thêm tiếng bom đạn ùng oàng, Trung nghe không thật rõ tiếng o, song lúc này có người trên xe chỉ dẫn thì khác nào có cứu tinh. Trung vội làm theo lời o, tắt “đèn rùa” rồi bật lại. May quá, như có phép màu, đèn lại sáng. Trung liền cho xe chạy tiếp nhưng tay run quá, làm xe cứ loạng choạng như người say rượu. O thanh niên xung phong vẫn đứng trên bậc cửa xe, giọng Hà Tĩnh lại líu díu lên bổng xuống trầm:

- Cứ bình tình nghe eng, đừng run tay! Cho xe chạy theo sự hướng dẫn của em hí.

Trung khẽ gật đầu, rồi căng tai nghe o thanh niên xung phong chỉ dẫn mà điều khiển xe:

- Kẹo phải đi eng!

- Thế… thế…!

- Thôi. Đi thẳng eng!

- Rồi.  Kẹo trái, kẹo trái nhanh!

- Giữ cho chắc vô lăng nghe eng!

- Lại kẹo phải, kẹo phải đi. Rứa…!

- Cho xe chạy chậm lại eng! Phía trước có rất nhiều hố bom!

- Rứa… rứa. Được rồi. Cứ thế!

- Kìa ga lên… ga lên đi eng!

- Thôi! Không ga nữa!

- Tốt rồi. Sắp qua được trọng điểm rồi eng!

Đột nhiên o thét lên:

- Dừng… dừng xe đi eng!

Trung vội đạp phanh, chiếc xe khựng lại. Một hố bom to, sâu hoắm ngay giữa đường cách mũi xe chỉ một mét. Phía trước, xung quanh, những ánh chớp vẫn lóe lên xanh lét. Rồi một tràng bom dài, nổ dồn dập như muốn hất tung chiếc xe khỏi mặt đường. Những quầng lửa bùng lên, chùm cả xe. Đất, đá, bùn, cây lá, bay rào rào, ràn rạt. O thanh niên xung phong một tay vẫn bám chặt thành cửa xe, một tay đang vuốt bùn đất trên mặt, bảo:

- Cứ bình tĩnh giữa chắc vô lăng eng! Đừng run tay!

- Eng kìa! Kẹo trái nhanh tránh hố bom!

Qua được hố bom, nhưng đất, đá vẫn bay tới tấp, đập cả vào kính xe, Trung vội ngoái ra cửa, bảo:

- O vào trong ca bin ngồi đi! Đứng ngoài nguy hiểm lắm…

- Nỏ được mô eng. Em phải đứng ngoài ni mới quan sát được để chỉ đường cho eng được chứ. Eng cứ yên tâm, bình tĩnh lái xe, nỏ phải lo cho em. Bọn em quen thế này rồi.

Không nhìn rõ nhưng Trung có cảm giác là o thanh niên xung phong vừa nói vừa mỉm cười. Thấy phía trước có xe đang bốc cháy. Trung liếc mắt ra nhìn o thanh niên xung phong. O vội bảo:

- Eng cứ cho xe miềng chạy đi. Việc ứng cứu các xe bị cháy đã có thanh niên xung phong bọn em lo. Eng mà dừng xe lại bây giờ là ăn bom ngay!

Bỗng Trung thấy o thanh niên xung phong níu thành xe nhảy lên thùng. Trung vội dừng xe, thò đầu qua cửa xe ngó lên. Thì ra xe bị tàn lửa bắn vào làm cháy bạt phủ trên xe. O thanh niên đang dùng chiếc xẻng đập dập lửa, lửa vẫn bén nhanh, o liền cởi phăng chiếc áo ngoài ra dập lửa. Trung định nhảy lên thùng thì đã nghe tiếng o thanh niên xung át cả tiếng bom:

- Eng cứ lái xe vượt qua trọng điểm đi, trên này em xử lý được. Mới bén lửa thôi. Dừng lại bây giờ là làm mồi cho máy bay địch đấy.

Trung đành cho xe chạy tiếp, được một đoạn khá xa, tiếng bom đã ngớt, o thanh niên xung phong mới vỗ vỗ vào thành ca bin bảo:

- An toàn rồi eng! Dừng xe cho em xuống đi eng!

Trung cho xe dừng lại, o thanh niên xung phong nhảy xuống đường, Trung cũng mở cửa xe nhảy xuống, chưa biết nói sao thì o đã bảo:

- Eng đi may mắn nhé. Eng mới ở ngoài tê vô, lần đầu qua Đồng Lộc phải không?

Trung gật đầu. Lúc này anh mới phát hiện trên cánh tay trái của o thanh niên xung phong, một cái băng to xù, vội hỏi:

- O bị thương  à? Nặng lắm không?

O thanh niên xung phong khẽ nói:

- Nhẹ thôi eng, chỉ sượt da. Em đã lấy khăn băng lại rồi. Anh khỏi lo.

Trung cầm cánh tay o, thấy máu chảy thấm ướt đẫm chiếc khăn, vội nói:

- Máu ra thấm hết khăn rồi. Mà sao o lại băng bằng khăn? Trên xe có bông băng, để anh lấy băng lại cho o.

- Nỏ cần băng lại đâu eng. Băng khăn được rồi. Tụi em đứa nào cũng có cái khăn thêu tên tuổi mình và cái xẻng là vật bất ly thân. Bị thương thì lấy khăn làm băng. Nếu chết thì vẫn tìm được nhau. Còn cái xẻng, lúc nào cũng là vật bất ly thân; chết mà không có cái xẻng bên mình là không được coi là liệt sỹ đó eng.

Nghe o thanh niên xung phong nói, không biết là thật hay đùa nhưng Trung cảm thấy người mình nổi gai ốc. Có mắt thấy, tai nghe, mới hiểu hết sự khốc liệt của trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc và tinh thần sẵn sàng hy sinh, coi thường cái chết của các o thanh niên xung phong ở đây đến mức nào. Trung vội nhảy lên ca bin, cầm cuộn bông băng và cuốn sổ tay xuống, nói khẩn khoản:

- Bông băng này về nhà o băng lại vết thương o nhé. Còn cuốn sổ, anh tặng o làm kỷ niệm lần đầu qua Đồng Lộc, gặp được o. Cảm ơn o nhiều lắm. Anh là lính mới mà, lần đầu lái xe qua Đồng Lộc. Run quá! Nếu đêm nay không có o, không biết anh sẽ xoay sở thế nào. Cảm ơn! Cảm ơn o nhiều lắm.

O thanh niên xung phong lúc này mới cười thành tiếng, rồi bảo:

- Cuốn sổ thì em xin. Em cảm ơn eng. Còn bông băng, eng mang theo đi. Eng còn đi xa vào trong nớ, cần hơn em mà. Eng mới qua lần đầu nên chưa quen đó thôi. Sau quen, cũng nỏ có chi đâu eng. Ở đây ngày nào chả như ni. Nhiệm vụ tụi em là phải giúp các eng lái xe qua trọng điểm an toàn mà. Mỗi chuyến hàng vào được đến chiến trường quý lắm đó eng. Chúc eng đi may mắn nhé. Không phải cảm ơn em đâu. Eng nhớ…

O thanh niên xung phong chưa nói hết, Trung vội nắm tay o, giọng run run, bổi hổi:

- O ơi! O tên gì, quê đâu cho anh biết. Để sau này anh còn tìm em…

O thanh niên xung phong khúc khích cười:

- Eng cứ gọi em là o thanh niên xung phong Đồng Lộc. Tên chung của chúng em đấy. Thôi eng đi an toàn. Em phải quay lại lấp hố bom đây. Hẹn gặp lại eng.

Đã bước đi rồi, o thanh niên xung phong bỗng quay lại, cầm chặt hai tay Trung, bất ngờ rướn người hôn “chụt” vào má Trung rồi chạy nhanh về phía trọng điểm. Trung vội thét với theo:

- Anh tên Trung… Trung… quê Yên Bái… O nhớ nhé. Thể nào anh cũng tìm gặp o!

O thanh niên xung phong cũng thét to đáp lại:

- Còn tên em là một loài hoa, anh cố đoán nhé. Quê em ở Phố Ngàn. Nhớ là quê Phố Ngàn….tên em là một loài hoa… eng… nhé! Em… sẽ đợi eng… về…

Trung nhìn theo bóng o thanh niên xung phong, tiếng o “Quê em ở Phố Ngàn… Tên em là một loài hoa eng nhé”, cứ âm vang mãi trong đầu Trung. Khi bóng o thanh niên xung phong mất hẳn trong màn đêm, Trung mới thẫn thờ lên xe. Đi chừng hơn 5 km thì gặp xe đoàn trưởng dừng lại để kiểm tra các xe và dồn đội hình.

Lần ấy, cả đoàn có 3 xe bị bén lửa, cứu được 2 xe, 1 lái xe hy sinh, 2 bị thương. Lần đầu tiên trong đời, Trung tận mắt thấy máu đổ và cái chết của đồng đội. Không ở đâu, khoảng cách giữa sự sống và cái chết lại gần nhau đến như vậy. Đêm nay, nếu không có o thanh niên xung phong có khi Trung cũng “bị” rồi. May quá, lần đầu qua trọng điểm đã có “cứu tinh”.

Đến Binh trạm 33, trả hàng xong, các chiến sĩ mới được bổ sung về các đơn vị xe của của Binh trạm. Các xe đều làm nhiệm vụ chở hàng từ kho của binh trạm, xuyên dọc Tây Trường Sơn vào tập kết ở Ngã ba Đông Dương. Suốt mấy năm, Trung và đồng đội dọc, ngang trên các tuyến đường Trường Sơn, qua nhiều trọng điểm ác liệt chẳng kém gì Đồng Lộc như cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, ngầm Bạc, ngầm Sêkamán, đèo Bôphiên… Con “chiến mã” của Trung mang thương tích khắp mình. Năm 69, nhà thơ Phạm Tiến Duật đi cùng tiểu đội xe Trung, vượt ngầm Sêkamán, đèo Bôphiên… đã cảm hứng viết bài thơ “Tiểu đội xe không kính”: Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi… /Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”… Tuy đầy thương tích nhưng xe của Trung chưa lần nào bị chết máy dọc đường, hay bị lật. Trung cũng đã là một tay lái dày dạn kinh nghiệm, can trường vào loại bậc nhất của Binh trạm mà chưa một lần bị thương. Phải chăng cả Trung và xe đã gặp được vía may của o thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc ngay buổi đầu ra trận? Hình ảnh o thanh niên xung phong quê Phố Ngàn, tên là một loài hoa, luôn chập chờn, ẩn hiện trong đầu Trung. Có đêm, đang lái xe trên đường, cơn buồn ngủ ập đến, mắt díu lại, bỗng hình ảnh o lại đột nhiên hiện về làm Trung hết cơn buồn ngủ. Có lần lái xe vượt trọng điểm, bom đạn mù mịt bỗng nhiên Trung lại thấy o khi thì chạy trước đầu xe, khi thì đứng ở bậc lên xuống giơ tay chỉ dẫn cho anh lái xe. Có lúc, Trung thấy rõ mồn một, o ngồi ngay trong cabin xe, nhưng anh vừa quờ tay sang thì o lại biến đâu mất. Nhớ o, những lúc nghỉ, Trung lại lấy mảnh xác máy bay Mỹ, tỉ mẩn làm cái lược, có khắc dòng chữ “Yêu mến tặng em”, đợi dịp qua Đồng Lộc sẽ tặng cho o thanh niên xung phong. Biết đâu cuộc gặp tình cờ với o đêm đó lại chẳng là một mối lương duyên? Mong ngóng, chờ đợi, mãi đến đầu năm 1973, Trung mới có dịp ra Bắc. Đến Đồng Lộc, Trung vội đi tìm o thanh niên xung phong ngay. Thông tin duy nhất để Trung hỏi thăm là o từng trực chiến ở Ngã ba Đồng Lộc vào dịp tháng 5 năm 1968. Quê o ở Phố Ngàn, còn tên o là một loài hoa. Thông tin chỉ mơ hồ vậy, nhưng không phải hỏi thăm nhiều, ai cũng khẳng định 100%, o thanh nhiên xung phong Trung tìm thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh. Mà chắc chắn là o Cúc rồi. Các o tiểu đội 4 đều quê ở Can Lộc, Đức Thọ, chỉ có o Cúc là quê Ngàn Phố, Hương Sơn. Phố Ngàn là nói ngược của Ngàn Phố đó, o Cúc là người tinh nghịch, chắc là o ấy đùa đấy; còn Cúc thì đúng là tên một loài hoa rồi. “Nhưng… nhưng”, nhiều người chỉ nói được chữ “nhưng” rồi lặng im. Mãi sau, có một bác già cầm tay Trung, nghẹn ngào  bảo:

- Các o ấy hy sinh hết cả rồi, chú ạ! Cùng hy sinh trong 1 trận bom…

Bao nhiêu ngày mong đợi gặp lại o thanh niên xung phong đã dẫn đường cho Trung lái xe qua trọng điểm, nay bất ngờ nghe tin dữ, khiến Trung bàng hoàng, không thể tin đó lại là sự thật. Tim Trung bỗng nhói buốt như đang bị một mũi kim đâm thấu, còn đất dưới chân như đang bị sụt xuống. Hồi lâu, Trung mới trấn tĩnh nhờ bác già đưa ra nơi chôn cất các o. Bác già đưa Trung ra đồi Bãi Dịa. Nhìn 10 ngôi mộ xếp thành hàng, Trung không cầm nổi nước mắt. Nước mắt càng giàn dụa khi đọc từng hàng chữ trên các tấm bia: Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng, 24 tuổi; Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó, 24 tuổi; Nguyễn Thị Nhỏ, 24 tuổi; Dương Thị Xuân, 21 tuổi, Võ Thị Hợi, 20 tuổi, Nguyễn Thị Xuân, 20 tuổi; Hà Thị Xanh, 19 tuổi; Trần Thị Hường, 19 tuổi; Trần Thị Rạng, 18 tuổi; Võ Thị Hà, 17 tuổi. Ôi, toàn những cái tên lần đầu Trung biết mà sao thấy gần gũi, thân thương và vò xé lòng Trung đến thế. Trung châm hương, thắp lên mộ o Tần trước. Khi đến bên mộ o Cúc, bó hương trên tay Trung tự nhiên bốc cháy thành ngọn lửa. Ôi, o Cúc hiện về thật rồi. Trung run run rút trong túi áo ngực ra chiếc lược làm từ ngày ở chiến trường khẽ đặt lên mộ o, đăm đắm nhìn vào hàng chữ trên bia mộ, mặc cho nước mắt tuôn rơi. Bác già nhìn Trung hồi lâu, rồi khẽ thở dài hỏi:

- Vậy chú là gì với o Cúc?

Bên ngôi mộ o Cúc, Trung đã kể lại câu chuyện lần đầu lái xe qua trọng điểm cho bác già nghe. Nghe xong, bác bồi hồi bảo Trung:

- Chú với o Cúc chỉ có thế mà chú không quên o là có tình nghĩa lắm. Ở đời này, nhiều khi cái tình dẫu ngắn ngủi nhưng cái nghĩa vẫn dài. O Cúc thế cũng là được an ủi phần nào. Mà các o ấy thiêng lắm chú ạ. Nhiều đêm tôi vẫn thấy các o về. Khi thì í ới gọi nhau ra trọng điểm, khi thì cùng hát rồi đùa nghịch nhau. Đã gần 2 năm rồi nhưng tôi không thể nào quên được cái ngày hôm ấy chú ạ. Đó là ngày 24 tháng 7 năm 68! Hôm ấy máy bay Mỹ đánh bom suốt từ sáng tới trưa. Chúng vừa dừng, các o Tiểu đội 4 đã gọi nhau ra đường san lấp hố bom ngay để thông đường cho xe qua. Làm thông cả trưa, cơm không kịp ăn. Ba lần, san lấp sắp xong thì nó lại đánh bom. Đất, đá trên đồi đổ xuống vùi lấp cả người lẫn đường nhưng các o lại rũ đất đứng dậy ngay để tiếp tục làm việc. Đến khoảng 4 rưỡi chiều, công việc sắp xong thì một tốp máy bay địch thình lình từ hướng Bắc bay vào. Các o chỉ kịp nằm rạp xuống mặt đường để tránh máy bay phát hiện. Nhưng chúng chỉ bay qua. Vừa dứt tiếng máy bay các o lại chồm dậy san lấp ngay. Bất ngờ tốp máy bay địch quay lại, thả một loạt bom. Đấy là trận bom thứ 15 trong ngày, trúng giữa đội hình của các o đang làm việc. Vừa dứt tiếng bom, tôi và mọi người chạy đến thì chỉ còn một hố bom sâu hoắm, mấy chiếc xẻng, cuốc vǎng ra; không thấy một ai, cũng không tiếng kêu, rên nào. Im lặng đến rợn người. Mọi người vội lao vào đào bới. Nhưng chỉ moi ra được những thi thể thâm tím, đầu tóc đầy đất cát, khuôn mặt đều bị biến dạng, có o còn bị lồi cả hai mắt ra, có o thì máu mũi chảy ướt đầm mặt, có o gãy sụn hết xương sống. Không còn nhận ra ai với ai. Nhờ vào cái khăn thêu tên tuổi các o buộc ở tóc mới nhận ra được từng o. Ngày hè nắng rát, nước sinh hoạt còn không đủ dùng nên khi khâm liệm các o, chỉ lau khuôn mặt, đầu tóc, quần áo vẫn lấm đầy bùn, đất. Nhưng đau xót nhất là đào bới suốt đêm vẫn không thấy xác o Cúc. Nhìn 10 chiếc quan tài xếp thành một hàng dài, riêng chiếc quan tài dành cho o Cúc vẫn mở nắp trống trơn, anh Yến Thanh, cán bộ kỹ thuật giao thông, cũng tham gia đào bới tìm xác các o, viết tại chỗ bài thơ gọi hồn o Cúc: Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/ Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh/ Chỉ thiếu mình em/ Chín bỏ làm mười răng được/… Cúc ơi! Em ở đâu?/ Đất nâu lạnh lắm/ Da em xanh/ Áo em thì mỏng…/ Ở đâu hỡi Cúc/ Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khan cổ cả rồi/ Cúc ơi! Mãi ba ngày sau, do trời nắng gắt, thi thể o Cúc bị bốc mùi, chúng tôi mới phát hiện ra nơi o Cúc bị vùi lấp trên đồi Trọ Voi, cách hố bom chừng 20m, trong tư thế ngồi, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị tứa máu, chắc o đã cố bới đất để tìm đường ra. Cả tiểu đội, chỉ còn o Thao, hôm ấy được cử đi biểu diễn văn nghệ đón đoàn pháo binh từ Bắc vào là sống…

Sau 75, Trung ra quân, về Yên Bái, nhưng vào dịp tháng 7 hàng năm, anh lại vào thắp hương cho các o và đặt lên mộ o Cúc 24 bông Cúc trắng. Khi mộ các o còn ở Bãi Dịa, đến khi chuyển về nghĩa trang Can Lộc rồi sau lại chuyển về đồi Trọ Voi nơi 10 o hy sinh, năm nào Trung cũng vào. Nếu chưa đi, Trung thấy lòng dạ bồn chồn không yên.

Vĩ thanh!

Câu chuyện trên, tôi được anh Trung, chiến sĩ lái xe Trường Sơn kể lại, trước khi tôi cùng Đoàn Cựu chiến binh chuẩn bị về thăm lại chiến trường xưa. Kể xong anh bảo: Tôi bị K phổi giai đoạn cuối, không đi nổi vào Đồng Lộc nữa rồi. Nhờ chú qua đó thắp hương cho các o và đặt lên mộ o Cúc 24 bông Cúc trắng giúp tôi. Cũng nhờ chú nói với o Cúc, có lẽ từ nay tôi không vào với o được nữa. Hẹn gặp o ở thế giới bên kia vậy.

Tôi đã làm đúng như lời anh Trung dặn. Khi về đến Yên Bái thì anh Trung đã mất. Tôi viết truyện ngắn này, với ước nguyện nó sẽ thay cho những nén hương và 24 bông Cúc trắng, hàng năm anh Trung vẫn vào Đồng Lộc đặt lên mộ o Cúc.

 

                                                                                N.H.L

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter