Đường tiến quân tới thành phố

Ngọc Chấn

 (Ghi theo lời kể của đại tá Vi Văn Thể                                

nguyên pháo thủ xe tăng Đại đội 9, Trung đoàn 273 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh 1975).

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, ngày 24 tháng 03 năm 1975, Đại đội 9 Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273 xe tăng của tôi đang hân hoan với niềm vui chiến thắng thì nhận được lệnh: Giao lại toàn bộ xe tăng T54B của ta cho các đơn vị trong trung đoàn để nhận nhiệm vụ mới. Khi chính thức được thông báo đi nhận xe địch để tiếp tục chiến đấu, thì ai trong chúng tôi cũng tỏ ra lo lắng vì đang quen chiến đấu trong đội hình của xe tăng Liên Xô, Trung Quốc nay chuyển sang tác chiến xe của Mỹ sản xuất thì làm sao thao tác được. Vả lại, lúc ấy khí thế giải phóng miền Nam đang dâng cao, mình phải dừng lại thì thời cơ lập công không còn. Biết được tư tưởng cán bộ, chiến sĩ của đại đội 9 đang băn khoăn lo lắng, đồng chí chủ nhiệm tăng, thiết giáp của quân đoàn đến gặp gỡ động viên. Dưới tán cây rừng Tây Nguyên trong cái nắng tháng 3 ông sôi nổi: Các đồng chí hãy an tâm, tôi hiểu tâm tư và nguyện vọng các đồng chí, tại sao cấp trên lại chọn Đại đội 9 dùng xe địch đánh địch. Vì Đại đội 9 có kinh nghiệm chiến đấu, đột kích bất ngờ, đánh thắng nhiều trận. Hiện nay ta thu được rất nhiều xe của địch, cùng với tù binh là lính xe tăng của quân đội Sài Gòn. Họ sẽ là người giúp các đồng chí nhanh chóng nắm bắt được thao tác kỹ thuật, vận hành thành thạo vũ khí trang thiết bị của địch. Khi làm chủ được phương tiện các đồng chí có sẵn sàng ra trận không? Cả đại đội hô to: Sẵn sàng! Sẵn sàng!

Trong khi máy bay địch đang quần đảo trên bầu trời thị xã Phú Bổn vừa mới được giải phóng thì toàn bộ số xe: M41, M48, M113 của địch bị ta tịch thu từ Pleiku được bộ đội ta tổ chức tập luyện. Bên dòng sông Ba êm ả trong xanh, yên tĩnh bỗng trở nên nhộn nhịp bước chân quân giải phóng hòa cùng tiếng máy nổ, tiếng đạn bắn tập của xe tăng thiết giáp. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các lái xe, pháo thủ của địch chỉ trong 7 ngày đêm lính xe tăng của ta đã sử dụng thành thạo trang thiết bị của địch. Điều làm cho lính Việt Nam Cộng hòa cũng phải ngạc nhiên, khâm phục. Chiếc xe tăng mang số hiệu 021 của đơn vị tôi sau 7 ngày huấn luyện vừa về đến căn cứ đã nhận lệnh tiếp tục hành quân chiến đấu.

Sau khí phối hợp với Sư đoàn 320, giải phóng thị xã Tuy Hòa, bắn cháy 2 tàu chiến, bắt sống một số cố vấn Mỹ, Đại đội 9 đã có cú lật cánh ngoạn mục, vượt hơn 500 km từ Tây Nguyên qua Duyên Hải đến tập kết tại đồn điền cao su Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một.

Tối ngày 28 tháng 4 năm 1975 Trung đoàn Trưởng Lê Ngọ cho gọi Đại đội Trưởng Đoàn Sinh Hưởng (Sau này là Trung tướng Tư lệnh quân khu 4) lên giao nhiệm vụ: Đại đội 9 sẽ tăng cường cho Trung đoàn 66, Sư đoàn 320 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất từ hướng Tây Bắc. Bằng mọi giá đại đội phải chiếm giữ được Cầu Bông, đây là cây cầu nằm trên đường số 1 bằng bê tông, hai bên đường là ruộng nước và sình lầy, không chiếm được cầu đại quân ta không thể kịp thời tiến công vào giải phóng thành phố. 1 giờ sáng ngày hôm sau, 29 tháng 4 năm 1975 anh Lê Ngọ và anh Trần Doãn Ký lại đến tận nơi đóng quân giao nhiệm vụ trưc tiếp: Đại đội 9 dẫn đầu đội hình bỏ qua căn cứ Đồng Dù và các mục tiêu dọc đường nhanh chóng chiếm giữ bằng được Cầu Bông. Trước lúc chia tay anh còn dặn thêm: Khi vào nội đô dọc đường thấy có người cầm khăn đỏ vẫy là người của ta chỉ đường cho xe tăng tiến vào thành phố. Ngay trong đêm đó từ đồn điền cao su Dầu Tiếng xe tôi dẫn đầu đội hình 4 xe theo đường số 7 nhằm hướng Sài Gòn xuất kích. Sau xe tôi là xe của Trương Công Đạo, xe của Nguyễn Văn Hỗ và cuối cùng là xe của Chính trị viên Huỳnh Rịch. Khi xe chạy được chừng 10 km, thấy một người từ bên đường nhô ra cầm khăn hồng vẫy, nhớ lời anh Ký, tôi nghĩ là người của mình nhưng đến gần biết là không phải. Phía sau tên lính ngụy cầm tấm dù màu hồng là một toán lính nhào ra hỏi rất to: Chúng mày ở đơn vị nào? Cho chúng tao về Sài Gòn với.

Nhầm rồi!- Đại đội Trưởng Hưởng thét to qua máy điện đàm đồng thời lệnh cho các xe nạp đạn bi bắn ngay, lúc ấy xe của Trương Công Đạo cũng kịp thời góp lửa làm cho địch chạy tán loạn.

Xe chúng tôi tiếp tục hành quân vượt qua đồn, bốt và các khu vực còn nằm trong vòng kiểm soát của địch. Cũng rất may là nhờ lấy xe của địch ra trận nên dễ nghi binh, xe tha hồ tăng tốc vượt qua đồn, bốt địch mà chúng không hề biết. Vì vậy hơn 8 giờ sáng ngày 29 tháng 4 chúng tôi đã tới Cầu Bông. Tại đây đã có một đơn vị đặc công đánh chiếm, tuy nhiên thấy lực lượng của ta ít nên địch đã phản công và chiếm lại được cầu. Lúc này quân ta không chiếm lại được thì chúng sẽ tìm cách phá cầu, cản bước tiến quân của ta. Trong lúc bọn địch phòng ngự trên cầu đang bán tín bán nghi không biết xe tăng là quân bên nào thì 4 xe chúng tôi đã đồng loạt nã pháo, khói lửa bốc lên mù mịt. Bị đánh bất ngờ địch hoảng loạn bỏ chạy tháo thân lao bừa ra hai bên ruộng lúa.

Đúng lúc đó, phía bên kia cầu một đoàn xe thiết giáp M113 của địch xuất hiện. Đây là một bộ phận của lữ đoàn thiết kỵ 4 đang cơ động về Sài Gòn. Chắc đã được toán lính phòng ngự trên cầu thông báo nên xe chúng vừa chạy, vừa bắn như vãi đạn về phía đội hình xe tăng của ta. Thấy thế, Đại đội Trưởng Đoàn Sinh Hưởng lệnh cho các xe triển khai đội hình phòng ngự. Cuộc đối đầu giữa 2 xe M48, 2 xe M41 của ta với 24 xe M113 của địch bắt đầu, tương quan lực lượng lúc này là 1 chọi 6. Với lợi thế về sức mạnh hỏa lực của pháo 90 mm, và 76 mm trên xe của ta so với đại liên M50 và một số khẩu pháo không giật 76 mm gắn trên xe địch, tôi chợt nghĩ là ta sẽ thắng, vừa lúc ấy trước mắt xe tôi một dãy M113 nối đuôi nhau tạo thành bức tường thép xối xả nhả đạn. Thấy vậy, xe tôi bắt đầu chúc nòng dội đạn vào xe đi đầu, xe Huỳnh Rịch nã pháo vào xe đi cuối. Bị đánh phủ đầu 24 chiếc M113 của địch bắt đầu rối loạn. Trong tích tắc đạn pháo xe tôi bắn cháy 4 xe địch, xe 021 của Nguyễn Văn Hỗ bắn cháy 5 chiếc, xe 035 của Huỳnh Rịch bắn cháy 2 chiếc, cả trận địa lửa khói bốc lên ngùn ngụt thiêu rụi 11 xe bọc thép M113 của địch. Trong lúc hoảng loạn 13 chiếc xe còn lại của địch liều lĩnh lao thẳng vào đội hình xe ta. Qua máy điện đàm đại đội trưởng hô to: Tất cả các xe dùng đạn bi, đạn con tiêu diệt bọn còn sống sót. Ngay lúc ấy qua cửa kính ngắm tôi chợt thấy 1 xe địch quay nòng pháo vào thẳng xe tôi, lập tức tôi ấn cò pháo nhả đạn, một bó đuốc chùm lên xe địch bốc cháy, cùng lúc tháp pháo xe thôi cũng trúng đạn, khẩu 12 ly 8 bay xuống đất. Như vậy xe 034 của tôi và xe địch cùng nã pháo vào nhau, nhưng đường đạn xe tôi chính xác hơn làm xe địch nổ tung còn đạn của xe địch trượt lên phía trên, xe tôi chỉ mất khẩu 12 ly 8.

Hoảng loạn trước sức mạnh áp đảo của hỏa lực cũng như tinh thần chiến đấu gan dạ mưu trí của quân ta, địch phải nhảy ra khỏi xe tháo chạy, chúng tôi nhanh chóng thu hồi 12 xe còn lại bàn giao cho bộ đội địa phương. Trước khi rút quân, chúng tôi đã kịp thời kiểm tra trận địa, bỗng phát hiện dưới chân cầu 2 chiến sĩ đặc công bị thương, tôi cùng đồng đội vội đưa các anh về xe để sơ cứu. Các chiến sĩ đặc công đã thổ lộ: Bọn tôi quyết giữ cầu nhưng không giữ nổi vì địch đông quân ta ít, nếu các anh không đến kịp thì cầu sẽ bị phá, chúng tôi hy sinh, đại quân ta không kịp tiến vào giải phóng thành phố.

12 giờ trưa ngày 29 tháng 4 quân ta đã hoàn toàn làm chủ khu vực Cầu Bông, xe pháo của địch tan tác chạy bổ nhào xuống đồng lúa Tân Phú Trung, trên trời mấy cái trực thăng lượn vòng quanh tìm cách cứu các sĩ quan ngụy đang bị bao vây, trong phút chốc đã bị pháo cao xạ 37 ly của ta bắn rơi.

Trời oi nồng nắng lửa, khét lẹt mùi khói bom, khói súng. Trước khi rời trận địa xe chúng tôi dừng lại một lần nữa để tưởng niệm đồng đội đã hy sinh trong chợ Tân Phú Trung, đang được các mẹ, các chị trong làng đổ ra khâm liệm.

14 giờ 30 phút, xe chúng tôi đến thị trấn Hooc Môn, sau đó là Tân Thới Nhì, đến đây chúng tôi nhận được lệnh dừng lại để củng cố lực lượng.

7 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đại đội 9 xe tăng tiếp tục đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Quang Trung, sau đó tiến quân vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường tiến quân cách cổng sân bay khoảng 200 m, qua cửa kính xe tôi thấy hàng ngàn người đổ ra đường phố, lúc ấy đã là 11 giờ 45 phút sau khi Đài phát thanh phát đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.

Đứng trên tháp pháo xe tăng, nhìn thành phố Sài Gòn rực rỡ màu cờ, màu đỏ của hoa phượng vĩ dưới một trời quân phục màu xanh. Một biển người nước mắt mừng vui khôn xiết, ngơ ngác tìm nhau, chao đảo, lơ mơ giữa khung trời vô tận.

Trong khoảnh khắc ấy, đông nghẹt những binh sĩ của quân đội Sài Gòn vội vã trút bỏ quần áo lính, chỉ mang trên mình áo lót, quần cộc ngồi la liệt khắp các vỉa hè, vườn hoa, bến cảng, với gương mặt thất thần, lo âu nhìn đoàn quân chiến thắng.

Đường phố Sài Gòn ngổn ngang xe pháo, quân trang, quân dụng mang nhãn hiệu Mỹ. Lúc ấy, tôi có cảm giác mình đang sống trong mơ, xe tăng M48 đã cùng tôi vượt qua Tây Nguyên, dọc Duyên Hải miền Trung, lên Đà Lạt, Lâm Đồng về với Dầu Tiếng, Tây Ninh, Củ Chi đất thép, để hôm nay đứng giữa Sài Gòn rạo rực niềm vui, niềm tin chiến thắng.

Đất nước đẹp như mơ, non sông liền một dải, những người lính xe tăng chúng tôi đã sống trở về quê hương trong ngày vui thống nhất.

                                                                                        

  N.C

Các tin khác:

1-5 of 283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter