KHÁT VỌNG SÙNG ĐÔ

Bút ký của NGUYỄN THỊ THANH

 

Nhiều lần tôi nghe nói về Sùng Đô, một xã vùng cao xa tít chín tầng mây của huyện Văn Chấn, quê hương người anh hùng lao động Giàng A Thào trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và từng được nghe giới thiệu phóng sự "Lên Sùng Đô" của nhà văn Tô Hoài, nơi ông đã cùng ăn, cùng ở, cùng vận động bà con từ những năm 1965 trở về trước. Lại mới đây, nhà văn Võ Bá Cường từ Thành phố Thái Bình gọi điện lên bảo "chờ tiêm xong mũi phòng chống COVID- 19 nữa, nếu tình hình dịch bệnh yên yên thì "tớ" sẽ lên Yên Bái và nhất định trở lại Sùng Đô lần nữa, "cậu" đi cùng nhé!". Nhà văn xưng hô và trò chuyện một cách thân mật như vậy. Thì ra năm 2020 ông đã đi theo cảm xúc của Tô Hoài để đến với Giàng Pằng- đỉnh trời- nơi Sùng Đô còn nhiều trăn trở… Nhưng không thể đợi thời gian, vì thời gian luôn trôi biết bao giờ trở lại. Mỗi một ngày trôi qua thì nỗi khát khao được lên với núi trong tôi càng đầy lên khiến bước chân không thể cưỡng lại dòng cảm nghĩ. Và tôi đã quyết định trèo đèo, ngược dốc lên với Sùng Đô.

Được biết huyện Văn Chấn đang triển khai thực hiện dự án mở rộng, cải tạo và nâng cấp tuyến đường lên 3 xã vùng cao Sơn Lương, Nậm Mười, Sùng Đô. Vì vậy từ địa bàn xã Sơn Lương trở lên các gói thầu đã và đang thi công với máy móc bạt núi mở cua, xúc đất đá, san ủi mặt bằng. Sau những trận mưa mùa hạ con đường lên núi càng trở nên gập ghềnh, ngổn ngang, trơn trượt… Sang thu, bầu trời xanh trong gợn từng làn mây trắng, những vạt lau bên đường vút cao đang chuẩn bị cho một mùa trổ bông, một vài sườn đồi thoai thoải trồng cây cao su vào kỳ cạo mủ, mỗi thân cây đeo bên mình một chiếc ống được che bọc bằng túi ni- lon trắng, nhìn kỳ kỳ không giống với những thảm rừng cao su bạt ngàn từng hàng, từng hàng chạy song song mà tôi được chiêm ngưỡng ở vùng núi Tây Nguyên. Xa xa là ngút ngàn núi cao, những cánh rừng tái sinh ngời xanh màu mỡ dưới nắng vàng… Đi cùng tôi là một cựu giáo chức nhiều năm gắn bó với vùng cao, anh sôi nổi kể về những năm tháng gian nan của các thầy cô giáo. Từ đường quốc lộ đến trung tâm xã Sùng Đô, xửa xưa trụ sở xã đóng tận đỉnh Giàng Pằng phải đi bộ gần hết một ngày, sau này trụ sở chuyển xuống thôn Nà Nọi cách đường to khoảng 13 km thôi mà phải mất 4 đến 5 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ nên đường giao thông được sửa sang, các ngầm suối đều có cầu cứng, có thêm nhiều đoạn đường bê tông nhưng cứ sau mỗi mùa lũ là mọi thứ lại bị quét sạch. Đặc biệt là trận lũ lịch sử năm 2018 gây sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt. Hầu như năm nào vùng cao cũng phải hứng chịu hậu quả của mưa lũ. Rồi hình ảnh các thầy cô lên cắm bản được ngồi gọn lỏn trong chiếc gầu của máy xúc để cẩu từ bên này suối sang bên kia suối, hoặc cẩu qua một cung đường bị sạt lở chưa giải phóng xong. Đó mới chỉ là một phần trong sự hy sinh thầm lặng của những người đi gieo con chữ nơi rẻo cao. Thế mới càng thấu hiểu cuộc sống khó khăn của đồng bào đã sống cùng núi hàng trăm năm, đời này qua đời khác vừa mưu sinh, vừa giữ đất, giữ mường. Đường lên xã chỉ có dốc cao nối tiếp dốc cao khúc khuỷu, một bên vách núi một bên vực sâu, xe rê từng đoạn. Một bản nhỏ nhấp nhô hiện ra. Anh cựu giáo chức háo hức nói, thôn Ngã Hai của Sùng Đô đấy! Trông thấy trước mắt vậy thôi, nói như đồng bào ở đây là khoảng hai quăng dao nhưng đến được đó cũng còn mệt! Hơn 55 năm trước, khi Sùng Đô mới có khoảng hai, ba mươi nóc nhà trên đỉnh trời, nhà văn Tô Hoài ví "Nhà cửa như cái lá khô dán vào vách núi", nay bản hạ sơn xuống vùng đất thấp, nhà cửa đông đúc hơn, những mái gianh, mái gỗ thông được thay áo mới nhìn xa như những chùm hoa nâu đỏ, trắng xám của mái tôn, mái pro xi măng trên nền xanh cây lá…

Chúng tôi đã đến trụ sở xã, bây giờ chuyển ra ngoài thôn Ngã Ba, một thôn mới thành lập, sát với thôn Nà Nọi và cách thôn Ngã Hai một quả đồi bên kia thung lũng. Trụ sở mới xây rất khang trang, rộng rãi, phòng hội trường, phòng làm việc của các đồng chí cán bộ xã được bố trí riêng biệt, hệ thống máy vi tính, máy phô tô cũng được trang bị đủ đáp ứng cho công tác quản lý, điều hành và làm việc của cán bộ. Đó là sự quan tâm thiết thực của tỉnh, của huyện đối với vùng cao. Đồng chí Cứ A Sùng, Bí thư Đảng ủy là người nhanh nhẹn, hoạt bát, anh trưởng thành từ một cán bộ đoàn xã đã từng được Trung ương Đoàn thanh niên tặng Huy chương vì thế hệ trẻ, được về Hà Nội dự hội nghị và như anh kể, mình được Thủ tướng Võ Văn Kiệt bắt tay nữa, vui cái bụng lắm! Qua trao đổi, qua thăm một số gia đình, tiếp cận với những cán bộ xã, điều tôi cảm nhận ở Sùng Đô không chỉ còn qua văn chương, qua lời kể nữa, mà những gì tôi tận mắt thấy, tận tai nghe, tận hưởng từng giây phút giữa đại ngàn đã khiến tôi thực sự cảm mến và khâm phục! Trước khi lên đây, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn cho biết Sùng Đô là điểm sáng về công tác phát triển đảng trong đồng bào dân tộc Mông của huyện. Cho nên tôi hỏi ngay vào chuyên đề đáng quan tâm này. Đồng chí Bí thư đảng ủy thuộc lịch sử Đảng bộ đến từng chi tiết nhỏ. Và cứ thế, từng trang, từng bước phát triển về số lượng đảng viên được hồi tưởng mà từng nhân vật như được tái hiện.

Sau giải phóng Nghĩa Lộ 18 tháng 10 năm 1952, đến tháng 1 năm 1953 Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập xã Sùng Đô gồm 4 thôn Làng Mảnh, Giàng Pằng, Nà Nọi, Ngã Hai, theo đó Ủy ban hành chính xã được thành lập nhưng chưa có chi bộ vì chưa có đảng viên. Sau này cấp trên đã cử đồng chí Hoàng Minh Khai là đảng viên thuộc tỉnh ủy quản lý về nằm vùng để lãnh đạo và giác ngộ lý tưởng đảng. Những thanh niên tiến bộ người Mông đầu tiên được đứng trong hàng ngũ của Đảng Lao động là Giàng A Khai, Vàng A Sở, Vàng Trừ Súa, Giàng A Thào. Đến ngày 03 tháng 2 năm 1960, Chi bộ đảng của xã được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Khai làm Bí thư. Đến năm 1963, Giàng A Thào được giao nhiệm vụ Bí thư chi bộ. Người đảng viên ấy đã thực sự là cánh chim đầu đàn, dám nghĩ, dám làm theo lời của đảng, muốn cho bà con cùng đi theo đảng thì mình phải đi trước. A Thào xuống vùng thấp học cách trồng lúa nước cho năng suất cao, về nói dân chưa tin thì A Thào gọi một tốp người Thái từ Bản Dõng lên hướng dẫn và cùng người Mông khai phá ruộng nước, chính A Thào là người tiên phong phát bờ, san đất làm ruộng bậc thang để dẫn nước về cấy lúa, rồi A Thào đi sang xã bạn, tỉnh bạn học cách trồng sắn, lấy giống sắn về hướng dẫn bà con phát nương cỏ gianh, cho đúc lưỡi cày chìa vôi cày lật đất trồng được nhiều nương sắn. Chi bộ tiếp tục bồi dưỡng kết nạp thêm một số đảng viên để cùng tiên phong, đi đầu trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Bác Hồ biết được chuyện này thì mừng lắm, vào một ngày năm 1966 Giàng A Thào được cán bộ dắt đến con ngựa với chiếc yên da nói là quà của Bác Hồ tặng, Bác dặn A Thào dùng ngựa này đi vận động người Mèo định canh định cư, tích cực làm nương, cấy lúa nước. Từ đó những cán bộ, đảng viên của

vùng núi này đã không ngừng thi đua làm theo lời bác dạy. Ngày 01 tháng 1 năm 1967, Cụ Hồ Chí Minh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước" cho Giàng A Thào. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, vì số dân ít nên số đảng viên vẫn chỉ duy trì ở tổ chức chi bộ, đến năm 2003 mới đủ điều kiện thành lập Đảng bộ xã và mỗi thôn có một chi bộ, nhà trường một chi bộ. Xác định công tác phát triển đảng để xây dựng chi, đảng bộ vững mạnh, làm hạt nhân thúc đẩy phong trào của địa phương nên những năm gần đây đảng ủy rất quan tâm bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. Nhiệm kỳ vừa qua đảng bộ đã kết nạp được 35 đảng viên trẻ. Qua 6 tháng đầu năm nay đã kết nạp 7 đồng chí và còn 2 quần chúng ưu tú đã học lớp cảm tình đảng. Với một xã vùng đặc biệt khó khăn, đất rộng, người thưa như Sùng Đô thì những con số đó thật đáng khích lệ, đúng như đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy khẳng định đây là "Điểm sáng" để nhân rộng điển hình. Đến nay đảng bộ có 147 đảng viên, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020- 2025 phấn đấu phát triển từ 35 đảng viên trở lên, riêng năm 2021 sẽ kết nạp 9 đảng viên mới. Đảng bộ cũng mạnh dạn và tin tưởng giao trọng trách cho những đảng viên trẻ trên cương vị Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn bản; trưởng, phó các chi hội đoàn thể ở cơ sở. Tại Đảng ủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã mới 33 tuổi mà đã giữ trọng trách hai nhiệm kỳ, nay vừa tái cử nhiệm kỳ thứ ba. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng là đảng viên trẻ, năng động, vì vậy phong trào của Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ luôn sôi nổi, có nhiều hoạt động thiết thực như phong trào làm đường giao thông liên thôn bản, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đẩy mạnh và có hiệu quả, cuộc sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc hơn những năm xưa rất nhiều.

Nói đến cụm từ "ấm no, hạnh phúc", Bí thư Cứ A Sùng quay sang hỏi tôi "Hình như có thời kỳ đồng chí làm công tác tuyên giáo phải không nhỉ?". Tôi khẽ cười rồi khích lệ anh vào chuyện, ấy là chuyện triển khai Chỉ thị số 05- CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuyên đề năm 2021 là "Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". A Sùng vô tư nói, đi nghe triển khai Chỉ thị về mình không nói được như cán bộ tuyên giáo đâu, mình chỉ nói sâu vào thực tế tự lực, tự cường là đừng có phụ thuộc vào người khác, phải tự mình phấn đấu, tự mình biết làm ăn để có cuộc sống đầy đủ, nhất là đảng viên, cán bộ của thôn, của xã phải tự biết học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng để nhân dân làm theo, biết phát huy sức mạnh và vai trò của nhân dân… Muốn phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì mỗi thôn, mỗi nhà, mỗi người phải thi đua phát triển kinh tế theo ý đảng, lòng dân, phải từ nội lực của mình là chính. Xã mình nghèo, khả năng tự lực hạn chế thì cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, từ hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng sáng tạo tinh thần Chỉ thị vào thực tiễn để có hiệu quả. Trong lúc triển khai Chỉ thị, Nghị quyết thì cấp ủy thường nêu những việc làm cụ thể để làm rõ lý luận. Thực tế đảng viên nào, gia đình nào biết tự lực vươn lên thì đời sống vật chất và tinh thần khá hơn, gia đình hạnh phúc hơn. Ngược lại, nhiều nhà còn có tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ, không chịu khó lao động thì cứ nghèo khó mãi… Bí thư Sùng còn nhắc lại một ý trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020- 2025 về "chỉ số hạnh phúc" để liên hệ thực tế. Tôi ngồi nghe dù chỉ là ý kiến trao đổi nhưng thầm cảm phục người cán bộ của đảng ở nơi vùng sâu, vùng xa đã đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống một cách thấu đáo, không máy móc, giáo điều. Giá như bây giờ, kể cả chính tôi nếu được hỏi Nghị quyết này, Chỉ thị kia có bao nhiêu phần, gồm mấy nội dung, mấy giải pháp thì thật khó trả lời trọn vẹn. Nhưng nói như Cứ A Sùng rõ ràng ai cũng hiểu, cũng nhớ về chủ trương, đường lối của đảng. Mà đúng như vậy, Sùng Đô là một xã đặc biệt khó khăn, địa hình dốc núi hiểm trở; toàn xã có 464 hộ với 2.434 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm tới trên 30%. Song nơi đây luôn có những nhân tố điển hình, là hạt nhân cùng đảng bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của đảng, giúp giảm nhanh hộ nghèo. Đó là gương làm kinh tế giỏi như đảng viên Giàng A Vư thôn Nà Nọi, gia đình đã phát triển đàn trâu, bò có lúc lên hơn 20 con, tích cực trồng rừng, trồng quế có thu nhập cao. Mấy năm nay mua được ô tô, máy xúc để làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, san ủi đất, khai phá ruộng nương, làm đường nông thôn… Gia đình ông Cứ A Lăng ở thôn Ngã Hai nổi lên với mô hình trồng quế từ việc tiếp thu kinh nghiệm truyền thống, vừa qua thu hoạch một phần diện tích đã có thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Từ cây quế mà gia đình ông đã làm được nhà to, mua ô tô chở hàng hóa dịch vụ. Còn tấm gương của đồng chí Vàng A Su, người tích cực khai hoang trồng lúa nước mà luôn có ý thức giúp các hộ khó khăn, cho vay thóc gạo hoặc vay vốn không lấy lãi. Hội phụ nữ cũng nhiều điển hình như đảng viên Lý Thị Sai, vừa công tác giỏi, vừa sản xuất giỏi. Vợ chồng trẻ mà phấn đấu làm được nhà mới, có lúc phát triển đàn trâu bò tới 15 con, khai phá được nhiều ruộng nước, trồng nhiều quế, thực hiện tốt Kế hoạch hóa gia đình. Chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010, khi đó chị mới 22 tuổi. Cũng đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế cho thu nhập bình quân từ 70 triệu đến 200 triệu đồng/năm như gia đình chị Mùa Thị Mỵ ở thôn Giàng Pằng với mô hình trồng quế, chị Cứ Thị Zai phát triển nghề truyền thống dệt lanh thổ cẩm, chị Thào Thị Zở trồng quế, làm ruộng nương có năng suất cao. Hay như thanh niên Giàng A Chú ở Giàng Pằng đã thành lập được tổ hợp tác thu mua và chế biến chè Shan tuyết; cùng thôn có Vàng A Lồng đã trồng nhiều thảo quả cho thu nhập cao, đầu ra hàng hóa ổn định. Qua các thôn bản, tiếng khen về những thanh niên, đảng viên trẻ hăng hái đi đầu trong các phong trào như Hờ A Chờ, Hờ A Sớ thôn Làng Mảnh, Vàng A Lầu thôn Ngã Hai, Vàng A Súa thôn Ngã Ba… Những tên đất, tên người là minh chứng cho kết quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của đảng ở địa phương. Kết quả của công tác xây dựng đảng ở Sùng Đô đã cơ bản chuyển đổi được nếp nghĩ, cách làm, phong cách dân vận và hoạt động sâu sát với nhân dân của cán bộ, đảng viên. Đối với người dân đã hình thành thói quen tốt như đào hố xử lý rác thải sinh hoạt, làm chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà đảm bảo vệ sinh môi trường; chuyển đổi tập quán canh tác từ sản xuất độc canh một vụ sang thâm canh tăng vụ; biết phát huy lợi thế về rừng để khai thác nguồn thu.

Bên cạnh những cố gắng vươn lên để mong có ngày mai cuộc sống nhân dân tươi sáng hơn, Đảng bộ vẫn còn những đau đáu suy tư vì còn nhiều hộ nghèo, 2 thôn Làng Mảnh và Giàng Pằng chưa có điện nên thật khó thực hiện ước mơ. Câu thơ từ thuở học trò nói về tương lai đất nước vẫn còn vẳng lại "Núi rừng có điện thay sao/ Nông thôn có máy làm trâu thay người". Bao năm qua nông thôn nơi nơi từ vùng thấp đến vùng cao đã có máy để giải phóng sức người, miền núi hầu khắp đã có điện thắp sáng và điện khí hóa về nông thôn. Chỉ còn số ít nữa thôi do các điều kiện khách quan đem lại mà nhu cầu đang vượt quá khả năng của địa phương, nhưng như câu chuyện về khát vọng phát triển quê hương tiến tới phồn vinh, hạnh phúc thì đã đến lúc địa phương cần tận dụng tốt việc tranh thủ ngoại lực. Ví như Sùng Đô đã mời gọi phát triển du lịch từ một doanh nghiệp tư nhân lên khám phá vùng chè cổ thụ Giàng Pằng, qua đó giới thiệu cho nhiều du khách. Năm 2019, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã cấp Bằng công nhận quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm, nhiều cây tới trên 400 năm là "Cây di sản Việt Nam". Trong khi hiện nay có trên 70 ha chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn Làng Mảnh và Giàng Pằng ở độ cao hơn 1.600 mét so với mặt nước biển. Đây là nguồn thu nhập chính của bà con. Hy vọng để đầu tư phát triển trong hệ thống tour du lịch Mường Lò- Văn Chấn- Mù Cang Chải thì doanh nghiệp cùng các cấp, các ngành sẽ không ngần ngại đầu tư cho Giàng Pằng, Làng Mảnh cả đường, điện để nhân dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch. Đó cũng là nền tảng để phát triển kinh tế bền vững.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng Sùng Đô luôn khát vọng hướng tới tương lai! Chỉ ít thời gian nữa thôi, con đường trải bê tông rộng rãi hơn sẽ vươn qua Sơn Lương tới Nậm Mười, Sùng Đô, dẫn bước chân du khách đến khám phá miền đại ngàn giàu tiềm năng du lịch này và tôi tin, Đảng bộ với sức trẻ đầy nhiệt huyết sẽ còn làm nên những kỳ tích mới cho quê hương yêu dấu này.

 

                                                                                                 N. T. T

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 29<  1  2  3  4  5  6  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter