NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI.

Ghi chép của BÙI THỊ KIM CÚC

 

Nhà tôi ngay mặt đường quốc lộ 32. Người ta hay nói “Nhà mặt phố, bố bụng to” ấy là muốn chỉ những người làm quan to giàu có và cái nhà mặt phố là một tiêu chuẩn của đẳng cấp. Nhưng xung quanh tôi, hai dãy phố san sát nhà xây, cái hai tầng, cái 3 tầng bám vào hai mặt phố hẳn hoi nhưng không có ông chủ nhà nào bụng to cả. Vì họ toàn là dân lao động. Người là giáo viên về hưu, người là công nhân, người buôn bán, người là thợ điện, thợ xây…

Nói tới nhà mặt phố thì ở thị trấn Yên Bình cụm dân cư số 3, hai năm nay sáp nhập mang tên là cụm dân cư số 2, hay gọi là tổ dân phố số 2 cũng là cụm dân cư đầu tiên có gắn biển số nhà. Chứ ở phố hẳn hoi ai lại mang tiếng: “Nhà không số, phố không tên?” Bây giờ thì có số nhà, số ngõ tên đường hẳn hoi: Tổ 2, đường Đại Đồng, thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Có thế mới không làm khổ mấy cháu shiper chứ. 

Ví như muốn hỏi thăm đến nhà chị Nguyễn Thị Lý, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận hiện nay của tổ 2 thì chỉ một cái liếc mắt, thấy ngay: Số nhà 1191, đường Đại Đồng. Đến tận nhà, gặp tận người thì sẽ thấy ngay một phụ nữ có khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu, miệng cười tươi, đôi mắt sáng, nước da trắng, dáng người bồ cu chân nhện xương nhỏ, đố bạn đoán đúng tuổi của chị đấy. 65 tuổi rồi nhé, nhưng trông trẻ lắm lắm ý.

Nhà mặt phố kể cũng sướng. Dắt cái xe ra khỏi cửa, ghếch cái mông vào yên xe là vù đi. Người qua kẻ lại tấp nập vui đáo để. Thích nhất là nghe tiếng bán hàng dạo. Hàng ngày, chỉ trừ lúc đêm, từng chiếc xe máy thồ đủ các loại rau, củ, quả chất ngất, ghé vào vỉa hè bán bán mua mua tiện lắm. Chả phải đi chợ. Đi chợ ấy là muốn đổi vị, đổi món, muốn cải thiện bữa ăn lạ miệng hoặc muốn có bữa cơm sang tiếp khách. Còn lại các bà các chị cứ một tay bế cháu một tay mua hàng rồi xách tuột vào nhà trong chớp mắt. Thích thế chứ. Mà đời sống bây giờ hạnh phúc thật. Cơ chế thị trường đã làm đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội là có thật. Mùa nào thức nấy, rau xanh, quả ngọt cứ chất ngất, kìn kìn chở từ vùng quả về thành phố, đi qua thị trấn Yên Bình. Hàng bán dạo cũng đủ loại, chở bằng xe máy với hàng tạ quả chất vào 2 đến 3 cái sọt to. Xoài, chuối, lê, vải ở đâu mà túa ra nhiều thế. Ấy vậy mà họ vẫn bán hết. Không bán được ai còn dám đi? Mà toàn loại ngon, bổ, rẻ. Tại sao nhiều người nước ngoài họ thích sống ở Việt Nam bởi vì nó quá rẻ. Lại bình yên nữa chứ. Đời sống sống kinh tế ngày một phát triển. Chính trị ổn định. Nhân dân no ấm. Hạnh phúc nào bằng thế?

Sau khi sáp nhập, tổ 2 của tôi có tổng diện tích đất đai là 32,5 ha. Diện tích canh tác 30,7 ha. Nhìn vào con số này mới thấy, số hộ mặt đường quốc lộ như nhà tôi ít thôi, còn lại đa phần là hộ nông nghiệp hoặc bán nông nghiệp. Như vậy chỉ có 2,2 ha thổ cư nhà ở, còn lại là đất đẻ ra tiền. Những nhà ngoài mặt đường quốc lộ thì hái ra tiền chính trong căn nhà của họ. Vì các cụ đã có câu “Phi thương bất phú” mà. Các cửa hàng được mở ra. Như nhà ông Tiến tôn, ông Bảy Viền kinh doanh hàng tôn, sắt xây dựng có tiếng ở ngã ba km 9. Hàng lấy tận gốc, bán tận ngọn, mỗi năm thu về hàng tỉ đồng.

Ấy là chưa kể đến các hộ kinh doanh đá quý Lục Yên. Một dãy phố đá quý được trưng bày. Ngày xưa thì khỏi phải nói, họ phất lên nhanh lắm. Nhưng mấy năm Covid- 19 việc kinh doanh có chững lại chút ít, nhưng với tiềm lực kinh tế của họ thì cũng không hề hấn gì. Tuy giàu có nhưng lối sống của họ rất thân thiện. Một số người liên tục quyên góp cho tổ dân phố để xây dựng cơ sở vật chất hay phong trào văn hóa, thể thao.

Thực ra, nếu so với thành phố hoặc các tỉnh miền xuôi thì Yên Bình, Yên Bái còn nghèo lắm. Nhưng điều đáng nói là những người sống quanh tôi họ đã biết vươn lên trong nghèo khó. Nhà ai cũng cố gắng để xây dựng kinh tế cho gia đình mình. Bởi vậy, bây giờ nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp đã đánh dấu mốc cho sự phát triển kinh tế của nơi đây nói riêng và đời sống của nhân dân nói chung. Hôm nay ăn cái gì để ngon miệng là câu hỏi thường ngày của các bà nội trợ.

Cộng đồng nhỏ là gia đình. Chủ gia đình là người quyết định hạnh phúc cho gia đình ấy. Cụm dân cư thì cán bộ tổ nhân dân như bí thư chi bộ, tổ trưởng nhân dân là rường cột để đem lại sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

 Ông Lều Vũ Sửu đã không thể rút chân khỏi “ võ đài” trong suốt 24 năm 8 tháng làm Bí thư Chi bộ hoặc Tổ trưởng tổ nhân dân vì ông làm tốt quá. Rời quân ngũ năm 1994, đến năm 1995 ông tham gia công tác địa phương đến năm 2020, ông mới được “tha” vì tuổi cao sức yếu và nhường chỗ cho chị Nguyễn Thị Lý.

Chị Nguyễn Thị Lý, trước đó đã tham gia làm Trưởng Ban công tác mặt trận của tổ dân phố. Chị đã được chi bộ sáng suốt lựa chọn, bầu làm bí thư chi bộ, kiêm công tác mặt trận.

Thời gian đầu khi chị nhận vai trò lãnh đạo mới, chị cũng phải chịu những thị phi nọ kia. Nhưng với bản lĩnh của một người lãnh đạo, chị đã nhủ lòng mình: Niềm tin với nhân dân là bằng việc làm cụ thể. Vì nhân dân không nghe lãnh đạo nói mà chỉ nhìn việc lãnh đạo làm.

 Việc làm cụ thể cần mẫn hàng ngày của chị, nụ cười nhỏ nhẹ cùng với thái độ sống hòa nhã, vui vẻ, thân thiện của chị đã khiến cho mọi người có cái nhìn đúng đắn về chị. Nhà chị gần nhà văn hóa của tổ. Có hôm tôi thấy chị lên quét dọn, lau chùi nhà văn hóa như vệ sinh chính ngôi nhà của mình. Không hiểu vì sao nhân dân ngày một tin tưởng chị như vậy. Chị cười:

- Cái này em cũng không rõ. Chỉ có điều trước nhiệm vụ, lúc nào em cũng trăn trở, tìm mọi cách để làm tốt công tác của mình thôi.

- Làm được điều đó không hề dễ?

- Cũng có khó khăn đấy chị ạ. Chị tính, cả tổ có 237 hộ, 894 nhân khẩu. 10 gia đình thương binh, 2 gia đình liệt sỹ. Độ tuổi lao động có 180 hộ. Có 6 hộ giàu. 10 hộ khá, 220 hộ trung bình, chiếm 93 % và 1 hộ nghèo. Người giàu ít quá chị ạ. Nhưng người nghèo và số hộ nghèo chỉ còn 1 nhà thôi.

- Làm thế nào mà chị đem lại đời sống cho nhân dân tổ mình ngày một khấm khá lên?

Chị trầm ngâm suy nghĩ rồi chậm rãi:

- Thì đêm nào cũng phải trăn trở suy nghĩ tới từng gia đình, nắm bắt chính xác hoàn cảnh từng nhà rồi cùng với chi bộ tìm cách tháo gỡ cho họ. Giúp họ vay vốn để họ tăng gia cải thiện cuộc sống.

 Tôi ở gần nên tôi biết. Chị là cán bộ nhưng không bao giờ chị lãnh đạo theo kiểu chỉ tay 5 ngón. Bất kể công việc nào của tổ dân phố, từ việc chia sẻ khó khăn với những gia đình bị mưa bão làm tốc mái hay sạt lở đất chị cũng đội nón, đội áo mưa cùng với bà con thôn xóm đi đến tận nơi giúp đỡ. Đến việc làm đường, làm nhà văn hóa, làm đường hoa cho thôn xóm…không việc nào, không buổi nào vắng mặt chị. Có thể nói chị là một bí thư chi bộ gương mẫu và cần mẫn chăm chỉ về mọi việc.

Chị nói với tôi:

- Làm công tác này, nguyên đọc và nghiên cứu các loại công văn, chỉ thị cũng mờ mắt phết chị ạ. Rồi lại triển khai công văn, lại báo cáo hàng tháng, rồi họp hành đủ kiểu. Họp trên thị trấn, họp trên tổ để giải quyết bao nhiêu là vụ việc của nhân dân.

Chị sinh ra và lớn lên tại xã Minh Quân, nay thuộc thành phố Yên Bái, trong một gia đình nông dân nghèo khó có tới 8 người con. Chị là con cả nên từ nhỏ đã phải lo gánh vác việc nhà cho bố mẹ, góp công sức rất nhiều để nuôi các em trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị đi học Trung cấp Sư phạm Yên Bái. Năm 1978 chị ra trường. Chị nhận công tác tại Trường Trung học cơ sở xã Cảm Nhân, sau đó chị được điều chuyển về Trường Trung học cơ sở xã Đại Đồng. Điểm dừng chân cuối cùng trong sự nghiệp trồng người của chị là trường Trung học cơ sở Thị trấn Yên Bình, và kết thúc sau mấy chục năm công tác chị nghỉ hưu năm 2011. Chính cái năm nhà nước tính tiền thâm niên cho giáo viên. Việc nghỉ hưu ở thời điểm này của chị quả là thiệt thòi nhiều so với những giáo viên nghỉ hưu sau năm 2011.

Chị Lý nhận công tác vào tháng 3 năm 2020, lại chính thời gian mà đất nước ta đang căng mình chống dịch. Chị Nguyễn Thị Lý, Trưởng Ban phòng chống dịch Covid- 19 đã chỉ đạo rất sát sao, từng ngày, từng tuần, từng tháng , đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, đạt kết quả cao trong công tác phòng chống dịch covid- 19. Khi cả nước cách li xã hội thì mọi nhà cửa đóng then cài. Không ai giao tiếp với ai. Có chăng chỉ qua điện thoại. Nhà ai dù chỉ 1 người là F0 được phát hiện kịp thời và đưa đi cách li ngay lập tức, kể cả đêm khuya. Những F1 cũng tự biết mình phải làm gì để giữ an toàn cho gia đình và hàng xóm, không làm lây lan dịch bệnh. Sức mạnh của mỗi cuộc chiến tranh là ở trong nhân dân. Tai mắt nhân dân, ý chí nhân dân đã khiến cho tinh thần cảnh giác chống dịch trong những ngày dãn cách xã hội của tổ 2 vô cùng hiệu quả.

Người nữ Bí thư Chi bộ này đã tập hợp được những người có ý thức tổ chức và tinh thần xã hội cao. Một người lạ xuất hiện trong xóm, lập tức chị đến gặp, hỏi cặn kẽ mọi điều: Anh (chị) đến từ đâu? Quan hệ như thế nào với nhà trong xóm mà anh chị đến… Y như thời kháng chiến chống Mỹ, cảnh giác sợ gián điệp đột nhập vậy. Hoặc ai ở vùng dịch về không tự giác khai báo, lập tức alo ngay cho Trưởng Ban phòng chống dịch là chị Lý. Chị có mặt ngay cùng với mấy người trong tổ phòng chống dịch, đề nghị khai báo và yêu cầu cách li theo qui định.

Không kể giờ giấc nào chị cũng đi ngay và làm ngay. Bởi vậy những ngày cách li xã hội chỉ cần nhìn con phố, ngõ xóm vắng hoe là thấy tinh thần chống dịch của nhân dân ta cao như thế nào. Khi dịch bệnh đã vãn, nhưng chưa có chỉ thị ở trên chị Lý kiên quyết không cho mở cổng nhà văn hóa để đánh bóng chuyền hơi. Một số người cũng tỏ ra không đồng tình với chị vì họ thấy các tổ khác họ mở cổng nhà văn hóa đánh bóng rồi. Những người hiểu chuyện đã nói: Thì bà Lý làm như thế là đúng. Nhỡ dịch bệnh lây lan mọi người sẽ thế nào?

 Việc nhanh chóng thông báo và ra soát từng nhà, từng người để kịp thời tiêm vaccin Covid- 19 cũng là điểm đáng chú ý của lãnh đạo tổ dân phố. Vì vậy mà tỉ lệ tiêm vacxin Covid- 19 của tổ 2 đạt kết quả khá cao. Đem lại sự bình yên cho đời sống nhân dân.

Trong kì đại hội Đảng lần này, tháng 5 năm 2022 chị Nguyễn Thị Lý lại được chi bộ tín nhiệm bầu chị làm tiếp khóa nữa.

                                                  

                                                       *

 

Nếu nói đến công tác cơ sở mà không nói tới người tổ trưởng tổ dân phố là một thiếu sót. Nhà anh Ngô Tuấn Minh, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 nằm sâu trong ngõ xóm. Tôi cảm tình quý mến anh vì nhiều điểm. Dáng người thấp, mập mạp,chắc khỏe. Gương mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp chân tình, và cái đáng nói ở anh là tinh thần trách nhiệm rất cao.

Tổ dân phố phức tạp hơn một cơ quan. Thủ trưởng cơ quan có cái để “dọa” để “nắm đuôi” như lương, thưởng, công việc… Nghĩa là quyền lợi kinh tế chính trị của người lao động. Còn ở tổ nhân dân? Dân thì đủ thành phần, đủ loại người, đủ mọi sự nhận thức khác nhau. Họ không có gì để lãnh đạo tổ nắm “đuôi” cả. Thậm chí họ rất biết cách nghe ngóng xem cán bộ tổ có làm gì sai không để họp tổ dân phố còn sẵn sàng tố cáo. Có khi còn viết đơn kiện lên trên…

Công tác cơ sở đúng là việc “Thổi tù và hàng tổng” có mấy ai thích làm? Bởi họ muốn được nghỉ ngơi sau cả cuộc đời cống hiến cho Đảng. Vả lại quyền lợi thì ít mà rước cái mệt vào thân thì nhiều.

Anh Ngô Tuấn Minh chia sẻ với tôi:

- Làm công tác này phải là người biết hi sinh quyền lợi cá nhân chị ạ. Chứ cứ nói đến việc gì cũng đòi hỏi quyền lợi cá nhân thì không làm được đâu. Dân đa phần họ nghèo, vận động họ đóng góp tiền để xây dựng cơ sở vật chất cũng vất vả lắm. Muốn đời sống nhân dân được hạnh phúc thì tối thiểu là họ có con đường đi sạch sẽ không lầy lội. Trên chỉ cho xi măng, còn lại công thợ, cát sỏi… đều phải vận động nhân dân liên quan đến con đường ngõ xóm họ đi đóng góp. Ngay cả cái nhà văn hóa tổ, nào là lợp lại mái, làm lại sân, làm cái mái che sân để đủ chỗ cho mọi hoạt động cộng đồng của tổ cũng phải mất mấy năm, họp đến chục lần mới làm được.

Tôi cắt ngang lời anh:

- Trong quá trình công tác, trở ngại nhất của anh là gì?

- Cái khó nhất là dân họ có người rất cùn và cù nhầy. Họ bảo: Chúng tôi thuộc thị trấn chứ không thuộc tổ dân phố, vậy nên mọi hoạt động của tổ dân phố họ không hay biết, không quan tâm. Đấy nói đâu xa, con đường xóm chỉ làm được hai đoạn đầu, còn đoạn giữa chừng 30 mét vẫn là đường đất, có làm bê tông được đâu.

- Vì sao thế ạ?

- Thì một hộ họ không chịu lùi hàng rào vào để làm đường đúng tiêu chuẩn trên yêu cầu. Họ còn cố xây lấn ra. Bảo họ đóng góp làm đường họ không đóng. Thậm chí quỹ tổ hàng năm nhân dân đa phần người ta đóng, nhưng nhà này quyết không  đóng. Thậm chí một người nhà của anh ta đem đóng, anh ta còn đến tận nhà tổ trưởng đòi lại.

- Hi… phần tử cá biệt này thì khó anh nhỉ.

- Một đoạn đường xóm vài chục mét mà họp lên họp xuống đến 10 lượt mới giải quyết được một nửa chị ạ.

- Tôi thấy lúc nào anh cũng bận nhỉ?

- Bận chị ạ. Họp. Hòa giải đủ mọi chuyện của dân. Nào là đất cát, nào là kiện tụng, nào là chuyện khóc cười của dân, cả chuyện mẹ con cãi nhau, nhà nọ nhà kia cãi nhau, tranh chấp đủ chuyện tôi đều phải có mặt để giải quyết.

- Nhưng tôi thấy chuyện nào anh cũng giải quyết ổn thỏa. Bí quyết là gì vậy anh?

- Bí quyết gì đâu. Cái chính là mình tạo được niềm tin cho nhân dân. Nói có tình có lí dân họ mới nghe.

- Vậy năm 2022 tôi thấy tổ ta làm được nhiều việc lớn như làm mới sân nhà văn hóa với diện tích 202 m2, tu sửa nhà văn hóa của tổ hết 220 triệu đồng. Làm đường giao thông đô thị đạt tiêu chuẩn, tổng độ dài 735 mét, rộng 3,5 đến 6 mét, dày 0,18m, tổng tiền là 525,6 triệu đồng. Làm thế nào mà tổ có được số tiền lớn thế ạ?

Anh nhìn tôi, nét mặt vui tươi của một người đứng mũi chịu sào nói:

- Khó khăn chị ạ, tiền là cả một vấn đề lớn với các địa phương. Vậy nên phải nghĩ cách vận động nhân dân đóng góp thôi. Dân đa phần nghèo, vậy nên vận động họ đóng góp 1 lần rất khó, chúng tôi phải vận động họ đóng góp nhiều lần, mỗi năm 1 lần, mỗi nhà 200 ngàn. Đảng viên 300 ngàn. Năm sau lại đóng đợt nữa, ấy vậy mà cũng chỉ được 1 nửa số tiền thôi, Còn lại thì phải muối mặt đi xin của các doanh nghiệp, cá nhân khá giả… Các công trình làm lên, dân ai cũng thích và khen, nhưng giờ vẫn còn nợ 30 triệu không biết nhìn vào đâu đây? Có lẽ lại phải vận động dân đóng góp lần 3 vậy, việc này bất đắc dĩ thôi.

- Bây giờ đường vào nhà ai cũng sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang, dù mưa nắng sân nhà văn hóa lúc nào cũng vang tiếng cười của nhân dân tập luyện văn nghệ thể thao, vui chơi giải trí. Vui anh ạ.

Tôi nhìn anh cảm phục về một tấm gương “Thổi tù và hàng tổng” được nhân dân mến mộ tin tưởng. Tôi hỏi anh:

- Vậy anh có muốn được nghỉ ngơi không?

- Muốn chứ chị . Nhiều năm làm nên cũng muốn nghỉ ngơi nhưng trên họ bảo: Anh muốn nghỉ thì phải tìm được người thay thế và làm tốt như anh.

Tôi và anh đều cười vì bài toán khó này.

 

                                                      *

Những người sống quanh tôi thật đáng quý, đáng yêu biết mấy. Tuy mỗi nhà một hoàn cảnh nhưng cảm nhận chung của bất kì ai khi đến đây chính là không khí yên bình, thân thiện bao trùm lên từng ngõ xóm. Mọi người sống chan hòa, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống. Ai có gì ăn ngon cũng đem cho nhà hàng xóm cùng ăn. Cái ngọn lửa chân tình trong lối sống văn hóa truyền thống của người Việt Nam được thắp sáng làm nên hạnh phúc không của riêng ai.

Lâu lâu tôi không vào ngõ xóm. Tôi thật ngỡ ngàng vì không ngờ trong ngõ xóm thân thương, cuộc sống lại đong đầy đến thế. Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên. Nhà nhà đều cổng kín tường cao. Diện tích đất canh tác được chuyển đổi mục đích để cho đất đẻ ra tiền có thu nhập đều đều mỗi tháng. Những quả đồi xanh mướt cây trồng. Những chiếc ao nuôi trồng thủy sản đầy ắp cá. Những vườn cây ăn quả trĩu cành. Cái không gian sống trong lành, bình yên đến thế, trong sạch đến thế. Đường chung, đường riêng bắt vào từng nhà đều bê tông hóa, sạch bóng và điểm những khóm hoa hồng rung rinh trước làn gió nhẹ.

Tôi dừng chân tại nhà anh Hoàng Ngọc Đại. Đó là một ngôi nhà cấp 4 xây kiểu mới rộng rãi, thoáng mát. Tôi sung sướng hít cái không khí trong lành mát mẻ nơi đây. Ngôi nhà lí tưởng là niềm mơ ước của những ai ngoài mặt phố muốn có lúc yên tĩnh nghỉ ngơi. Ngôi nhà quay ra một không gian rộng lớn bởi mấy cái ao nuôi cá. Anh chỉ tay ra trước mặt nói:

- Hai cái ao của cháu được xây kè bằng gạch rộng 1000 m2 ạ. Ao trên cháu nuôi cá thịt, ao dưới nuôi cá giống.

Cuộc nói chuyện của tôi với anh Đại rất thú vị bởi những câu chuyện nhỏ riêng tư của người đàn ông còn rất trẻ này đã có hai đứa con rất lớn. Đứa con trai đầu sinh năm 1992 đã có vợ. Cháu học giỏi tại Đại học FPT, ra trường cháu xin việc làm tại một công ty nước ngoài, thu nhập vài chục triệu 1 tháng. Giờ thì anh nuôi em gái đang học năm thứ 6 Trường Đại học Y Thái Bình, bố mẹ trên quê không phải gửi tiền cho nữa.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Vậy cháu lấy vợ năm bao nhiêu tuổi và đi học Đại học Thủy Sản Nha Trang thời gian nào?

Đại cười hiền khô nói:

- Hồi học xong cấp 3, bố mẹ cháu bảo, nếu mày đi học đại học thì ai làm nương, làm ruộng đây, mày là con cả không lo giúp bố mẹ thì ai lo đây, khi các em mày còn bé. Thú thực, cháu rất suy nghĩ, một bên là gia đình, một bên là ước mơ của mình.

- Vậy là cháu lấy vợ sớm?

- Hi… Vâng ạ. 20 tuổi cháu cưới vợ, một cô thôn nữ 19 tuổi làng bên. Cô ấy về làm dâu và cháu đeo ba lô đến trường đại học.

Từ một học sinh dân tộc người miền núi Lục Yên, Đại đã học, đã phấn đấu để khẳng định ước mơ của mình và vị trí của mình trong từng mục tiêu cụ thể.: Xây dựng gia đình hạnh phúc thì lối sống đạo đức, chăm lo cho con ăn học trưởng thành là điều tiên quyết. Và Đại đã làm được.

Năm 1997 sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, Đại được nhận về làm việc tại Trung tâm khuyến ngư tỉnh Yên Bái. Lúc đầu công việc còn bỡ ngỡ, nhưng với lòng yêu nghề, với tinh thần phấn đấu không ngừng Đại đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc, tuyên truyền, tập huấn kĩ thuật nuôi trồng thủy sản mang sự tiến bộ nhanh chóng cho người dân nuôi cá trong tỉnh. Đến đâu Đại cũng được nhân dân quý mến, tin tưởng.

Trong suốt thời gian từ năm 1998 đến 2011, Đại luôn được lãnh đạo cấp trên tin tưởng và giao cho nhiệm vụ đi các cơ sở. Với tinh thần ham mê cống hiến của tuổi trẻ, năm 2004 Đại đã được cử đi dự: Những gương mặt thanh niên tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được Chủ tịch nước trao quà và phần thưởng.

Năm 2008, Đại được điều động làm Trại trưởng Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ. Xa nhà hàng trăm cây số, công việc quản lí điều hành một đơn vị sản xuất lấy thu bù chi. Nhưng với trí tuệ và lòng nhiệt huyết của mình, đơn vị của Đại phụ trách vẫn hoàn thành xuất sắc vượt mức trên giao nhiều năm liền. Đơn vị được tặng danh hiệu “Tập thể xuất sắc”. Bản thân Đại được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh và của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bây giờ người thanh niên sinh năm 1973 này đã 49 tuổi, nhưng trông anh rất trẻ khỏe và đầy nhiệt huyết. Anh làm kinh tế gia đình cũng giỏi. Nguyên 1000 m2 ao cá của Đại mỗi năm cũng cho thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng. Và do có kiến thức nuôi trồng thủy sản nên kinh doanh cá của gia đình anh hầu như không có rủi ro.

Nhà cửa khang trang, kinh tế vững vàng, gia đình hạnh phúc, đối xử trong ngoài của Đại rất được mọi người yêu mến.

Đạo đức cách mạng của một người Đảng viên, cùng với năng lực bản thân, lòng nhiệt huyết cống hiến sức trẻ của anh Hoàng Ngọc Đại đã làm nên cuộc sống hạnh phúc nơi tôi đang sống.

Những người sống quanh tôi, chính họ là nhân tố quan trọng để xây dựng cuộc sống của tất cả chúng ta ngày một hạnh phúc.

Những người sống quanh tôi là tất cả những gương mặt quần chúng nhân dân đã và đang ngày đêm lặng thầm xây dựng.

Một giọt nước không thể làm nên sức mạnh một đại dương.

Người cán bộ cách mạng là biết tụ họp nhiều giọt nước để làm nên đại dương. Đấy là bí quyết của hạnh phúc.

 

 

 B.T.K.C

Các tin khác:

1-5 of 29<  1  2  3  4  5  6  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter