• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Năng khiếu, tài năng mỹ thuật Việt- Nhìn lại đối thoại
Ngày xuất bản: 09/04/2020 5:17:04 SA

 GS: Lê Quốc Bảo

 Năng khiếu- tài năng mỹ thuật là hiền tài, là nguyên khí quốc gia về lĩnh vực mỹ thuật, mà mỹ thuật là lĩnh vực làm đẹp cho đời, đẹp là yêu cầu sống của mỗi người và toàn xã hội.

Có điều năng khiếu tài năng mỹ thuật Việt chưa bao giờ được đặt đúng tầm, đúng chỗ, đúng lúc trong đời sống xã hội, cụ thể hơn trong đời sống mỹ thuật. Chưa có một tầm nhìn chiến lược về hiền tài mỹ thuật, chúng ta mới dừng lại ở văn bản của nghị quyết của Đại hội Đảng. Còn thiếu đường lối chính sách, kế hoạch lộ trình cụ thể nhằm kịp thời phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu mỹ thuật, nhận diện tiếp sức và tôn vinh tài năng mỹ thuật. Ngay trong cái gọi là xây dựng tầm nhìn mỹ thuật theo lộ trình 2020- 2030- 2050 thì nội dung cơ bản của nó là nhận diện tiếp sức, tôn vinh hiền tài mỹ thuật chưa được đặt trọng tâm trong giáo dục mỹ thuật, đời sống mỹ thuật và dân trí mỹ thuật. Nó vẫn chưa đi từ gốc mà thường từ ngọn, đi từ bề nổi của phong trào mỹ thuật, dễ làm, dễ thấy. Có điều, ai cũng biết trong sáng tạo nghệ thuật luôn tuân thủ một quy luật muôn đời “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Hình như chúng ta cứ mải chạy theo phong trào.

Tác phẩm: Đợi- Chất liệu: Lythography- Kích thước: 40cm x 60cm- Tác giả: Nguyễn Đình Thi

Nghệ thuật luôn như một quan niệm. Mỗi một dân tộc và thời đại, thậm chí mỗi một cá nhân nghệ sĩ đều có một quan niệm và cách tiếp cận hiện thực và xử lý nghệ thuật riêng mới khẳng định được chỗ đứng trong đời sống mỹ thuật. Năng khiếu- tài năng mỹ thuật Việt không thể đứng ngoài quy luật đó của nghệ thuật. Chúng ta chỉ có thể phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu. Nhận diện tiếp sức và tôn vinh tài năng mỹ thuật. Không thể dạy sáng tạo nghệ thuật được. Bất cứ trường đại học nghệ thuật nào, dù lớn đến đâu cũng không thể dạy sáng tạo nghệ thuật. Đó cũng là kinh nghiệm mà chúng ta đã rút ra như ở trường viết văn Nguyễn Du thời gian trước đây.

Phải khẳng định ngay: Không thể dạy một sự sáng tạo nào hết mà chỉ có thể tác động thức dậy tiềm năng sáng tạo mà thôi.

Hoạt động tạo hình chỉ có tính sáng tạo, khi sự thụ cảm phát triển thẩm mỹ cao và không ngừng tự bồi dưỡng tình cảm thẩm mỹ, dầy công rèn luyện kỹ năng, hình thức chất liệu nghệ thuật. Một vấn đề quá tầm của một cá nhân. Song không thể không nhìn lại đối thoại thẳng thắn và cởi mở, sớm xây dựng được một mô hình chăm sóc năng khiếu và tôn vinh tài năng. Thiết chế mỹ thuật, thông tin mỹ thuật, thẩm định mỹ thuật, để sớm có được tác giả, tác phẩm mỹ thuật đại diện cho mỹ thuật Việt Nam của Thế kỷ 21.

Năng khiếu tài năng mỹ thuật luôn là một quan hệ biện chứng song sinh. Tài năng mỹ thuật nào cũng bắt nguồn từ năng khiếu. Tất nhiên không phải năng khiếu nào cũng thành danh họa, có biết bao thiếu nhi Việt Nam đã nhận được giải thưởng chính thức của các triển lãm mỹ thuật thiếu nhi trong và ngoài nước. Con số lên tới hàng trăm, song đã mấy em đã trở thành họa sĩ, mà họa sĩ tên tuổi lại càng hiếm. Từ năng khiếu đến tài năng mỹ thuật có một khoảng cách lớn? Sự sàng lọc nghiêm ngặt của lịch sử và thời đại, của trường đời mới xác định và tôn vinh được tài năng. Chẳng phải gần một thế kỷ 20 giới mỹ thuật Việt Nam mới nhận diện và tôn vinh được 2 tứ kiệt.

Chí, Vân, Lân, Cẩn: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn.

 Sáng, Nghiêm, Liên, Phái: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái.

Quả thật chỉ có ai hội đủ phẩm chất tinh hoa vốn có, những nhân tố nội lực chủ quan, những nhân tố lịch sử xã hội văn hóa thẩm mỹ khách quan hun đúc sàng lọc nhận diện và tôn vinh mới là hiền tài nguyên khí quốc gia về lĩnh vực mỹ thuật.

Khi bàn về phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhận diện và tôn vinh tài năng mỹ thuật nên chia thành hai cấp độ, tất nhiên nó là một thể thống nhất luôn như một quá trình liên tục và phát triển. Có như vậy sẽ tránh được những ngộ nhận. Đồng thời sẽ tìm được những hình thức, mô hình thích hợp tác động đến năng khiếu và phát hiện nhận diện được tài năng mỹ thuật. Tất nhiên tài năng mỹ thuật cũng có nhiều cấp độ: dân tộc, khu vực và thế giới.

Năng khiếu tài năng ở bất kỳ một lĩnh vực nào luôn bộc lộ ra bằng những hành động cụ thể. Một ứng xử đẹp, một bức tranh, một pho tượng, một áng văn, một bài thơ, một công trình nghiên cứu… nó chẳng phải là một cái gì trừu tượng. Còn sự thấy và sự hiểu về nó tùy thuộc vào năng lực thẩm định của mỗi người, của toàn xã hội và thời đại.

Ở cấp độ năng khiếu mỹ thuật

Năng khiếu cho dù là năng khiếu bẩm sinh, nhưng tố chất trời phú cho sẽ thui chột, sẽ vô nghĩa nếu như không dày công khổ luyện. Đơn giản như cha mẹ ta sinh ra ta một thân hình cân đối, một khuôn mặt khả ái mà không thường xuyên luyện tập khó mà thành một người đẹp và khó có được một ứng xử dẹp, huống chi là năng khiếu mỹ thuật không dễ trở thành tài năng mỹ thuật. Khâu đầu tiên là phát hiện- phát hiện trúng và bồi dưỡng kịp thời. Không thể không nói tới vai trò của người thầy, “không thầy đố mày làm lên”. Đó là những nhân tố chủ quan và khách quan tác động và chuyển hóa lẫn nhau. Ở cấp độ năng khiếu.

Chúng ta đã có những mô hình- hình thức đào tạo mỹ thuật và những mô hình- hình thức vận động sáng tác triển lãm mỹ thuật truyền thống và có hiệu quả. Không thể không nhìn lại đối thoại.

1. Mô hình các câu lạc bộ thiếu nhi vẽ và nặn ở các cung văn hóa Thiếu nhi, nhà văn hóa trên khắp mọi miền của tổ quốc thuộc ngành văn hóa quản lý theo phương châm học mà chơi, chơi mà học không kém phần hấp dẫn tuổi hoa. Tôi biết có một thời các danh họa Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung và nhiều họa sĩ tên tuổi khác đã đến với các lớp vẽ ở cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Điều đó như nhắc chúng ta tầm quan trọng về nhận thức dạy vẽ cho tuổi hoa.

2. Mô hình dạy mỹ thuật trong hệ thống Bộ giáo dục. Từ các lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đã hiện diện ở nhiều vùng sâu vùng xa. Thầy cô giáo dạy mỹ thuật đa phần đã tốt nghiệp cử nhân sư phạm mỹ thuật. Song vẫn còn nhiều bất cập về mục tiêu đào tạo, về nội dung chương trình, nhất là phương pháp dạy mỹ thuật cho tuổi hoa sao cho phù hợp với tâm sinh lý của nhiều vùng miền.

3. Mô hình dạy mỹ thuật trong hệ thống Bộ Văn hóa từ trung cấp, cao đẳng đến đại học mỹ thuật không ngừng mở rộng về quy mô hình thức đào tạo… Đội ngũ giảng viên đã được nâng cấp học hàm, học vị. Song hình như chất lượng đào tạo đại học mỹ thuật chưa tương xứng và cập nhật với nhu cầu thời đại. Đã đến lúc nếu không muốn nói là quá muộn, sớm xác định lại mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, nhất là phương pháp giảng dạy phải biết biến quá trình đào tạo trở thành quá trình tự đào tạo cho cả thầy và trò. Cho đến hôm nay chúng ta chưa biên soạn được một bộ giáo trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Được coi như một sợi chỉ đỏ trong các giáo trình chuyên ngành mỹ thuật. Các giáo trình chuyên khoa còn thiếu phần lịch sử và lý luận, thiên về kỹ thuật chất liệu.

Ngay phần chất liệu còn sơ sài, chưa cập nhật được những thông tin kiến thức của thời đại. Một vấn đề bức xúc của đào tạo mỹ thuật cần làm ngay.

4. Mô hình các cuộc vận động sáng tác triển lãm mỹ thuật có quy mô toàn quốc ngày một mở rộng về nội dung hình thức vận động triển lãm mỹ thuật.

Khởi động một thời gian dài, bước đầu chỉ có mô hình triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm một lần thì nay đã có nhiều mô hình, hình thức vận động sáng tác triển lãm như: Triển lãm điêu khắc toàn quốc định kỳ 10 năm 1 lần, triển lãm các loại hình mỹ thuật ứng dụng toàn quốc, triển lãm mỹ thuật trẻ toàn quốc. Các triển lãm chuyên về thể loại, chất liệu quy mô toàn quốc: sơn mài, sơn dầu, lụa, triển lãm tranh cổ động tất cả đều do Cục Mỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Văn hóa tổ chức. Còn triển lãm mỹ thuật toàn quốc về lực lượng vũ trang chiến tranh cách mạng do Bộ Quốc phòng tổ chức. Cũng phải kể đến triển lãm mỹ thuật khu vực, giải thưởng hàng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam… Chưa bao giờ các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc có cơ hội sáng tác, công bố tác phẩm của mình nhiều như hiện nay. Có điều phải nhìn nhận 4 cuộc vận động trên trong một quan hệ biện chứng tác động và chuyển hóa lẫn nhau về đào tạo và sáng tạo mỹ thuật tạo nên một môi trường mỹ thuật lý tưởng có tính toàn quốc để phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhận diện tiếp sức tôn vinh tài năng. Có một sự thật sau các cuộc vận động sáng tác triển lãm, hầu như địa phương nào cũng có được tác giả tiêu biểu, có nhiều tác giả đã nhận được giải thưởng chính thức các triển lãm mỹ thuật có quy mô toàn quốc, thậm chí có không ít tác giả nhận được giải mà vẫn chưa tự vượt được chính mình để vươn tới tầm cao. Năm 1997, trên báo Lao động đã mở một mục Trao đổi Hội họa Việt Nam đang suy thoái được nhiều thế hệ tác giả nhiệt tình hưởng ứng… Tôi có đóng góp bài viết trong đó nói  tới: thực trạng mỹ thuật của ta “mới có nền” chưa có “điểm” càng chưa có “đỉnh”, mới phát hiện được tác giả tác phẩm chưa tập hợp được và xây dựng được đội ngũ tác giả tác phẩm và đầu tư chiều sâu. Cho đến 2013 này vẫn còn bỏ ngỏ về việc xây dựng đội ngũ tác giả mỹ thuật viết tiếp trang sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Ở cấp độ tài năng

Lịch sử mỹ thuật nói chung, một nền mỹ thuật rực rỡ, một danh họa đi vào lịch sử thường gắn liền với một thể chế xã hội, một thiết chế mỹ thuật, một mạnh thường quân mỹ thuật.

Nhìn lại, ta chưa có một thiết chế mỹ thuật cả trước mắt lẫn lâu dài. Trong thời đại chúng ta mạnh thường quân mỹ thuật đủ tầm đủ sức chính là đảng và đất nước, các cơ quan quản lý của nhà nước và nghệ thuật sớm xây dựng một kế hoạch, một lộ trình cho sự nghiệp phát hiện nhận diện tiếp sức, tôn vinh tài năng mỹ thuật.

Ở cấp độ tài năng mỹ thuật luôn đòi hỏi cao một mô hình có tầm chiến lược tác động trực tiếp đến sáng tác, thẩm định, hưởng thụ mỹ thuật của toàn xã hội.

Thông tin mỹ thuật, thẩm định mỹ thuật, thiết chế mỹ thuật luôn là một quan hệ biện chứng sinh ba tác động và chuyển hóa lẫn nhau vừa có tính thời sự kịp thời, vừa có tính chiến lược lâu dài có tác động định hướng đến sáng tác mỹ thuật thẩm định mỹ thuật, buồn thay cả ba lĩnh vực trên còn nhiều bất cập trong đời sống mỹ thuật hôm nay

1. Thông tin nghệ thuật

Trong bất kỳ một lĩnh vực nào của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, mà thiếu thông tin thì rất khó hoạch định được đường lối, chủ trương chính sách, kế hoạch lộ trình dẫn ta đến đích. Thông tin nghệ thuật phải được coi như việc nạp nhiên liệu cho quá trình sáng tác.

Thời mở cửa hội nhập, mặt tích cực là thông tin đa chiều, đa hướng song thật giả đẹp xấu khôn lường không phải ai cũng đủ bản lĩnh và sáng suốt để lựa chọn. Thông tin mỹ thuật và thẩm định mỹ thuật là một quan hệ biện chứng song sinh. Một khi thông tin được đưa ra tức đã được coi như một thái độ thẩm định.

2. Thẩm định mỹ thuật

Thẩm định mỹ thuật là năng lực đánh giá chủ quan nhằm biết mình biết người chiếm lĩnh cho được cái đẹp của nghệ thuật. Đúng hơn, đầy đủ hơn là thẩm định giá trị nghệ thuật của tác phẩm hay một công trình nghệ thuật cụ thể. Hơn ai hết tài năng mỹ thuật mới hội đủ tư chất vượt trội để tự thẩm định mình.

Thẩm định mỹ thuật có nhiều cấp độ khác nhau. Công chúng yêu mỹ thuật, các nhà quản lý, các nhà báo, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà sưu tập và nhà phê bình mỹ thuật, mỗi một cấp độ đều có một giá trị tự thân nhất định của nó, không nên hoặc không thể phủ nhận, chí ít cũng tạo ra được “dư luận nghệ thuật đa chiều” biết để tự điều chỉnh mình.

Nói đến thẩm định nghệ thuật không thể không nói đến việc thẩm định của “hội đồng mỹ thuật quốc gia”. Điều đáng nói hơn cho đến nay chúng ta chưa có một hội đồng mỹ thuật cấp quốc gia đúng tầm vốn có của nó trong đời sống mỹ thuật. Các hội đồng nghệ thuật được thành lập để duyệt các công trình mỹ thuật có tính toàn quốc, thực chất chỉ là một “hội đồng tư vấn” không hơn không kém cho một ông chủ tịch hội đồng thường là một nhà lãnh đạo cao nhất của địa phương hay là một chủ đầu tư của công trình. Tiếng nói quyết định của hội đồng nghệ thuật không thuộc về các nhà chuyên môn, phải sớm thành lập hội đồng nghệ thuật quốc gia, tìm cho được những người vừa có tài vừa có tâm, dám chịu trách nhiệm trước đảng, nhà nước và nhân dân. Thẩm định mỹ thuật phải trên cơ sở thông tin đa chiều và không thể tách khỏi thể chế mỹ thuật. Nói rộng ra là một thể chế xã hội thời đại cụ thể.

3. Thiết chế mỹ thuật

Lịch sử nghệ thuật cho thấy một nền mỹ thuật rực rỡ, một danh họa đều gắn với một thể chế xã hội, một mạnh thường quân mỹ thuật.

Thiết chế mỹ thuật là một mô hình cụ thể của thiết chế xã hội, lịch sử và thời đại. Nói đến tài năng mỹ thuật không thể không nói đến thiết chế mỹ thuật, mạnh thường quân mỹ thuật. Ở thời đại chúng ta, đảng và nhà nước mới có nhiều điều kiện cũng như tư cách chính thống một mạnh thường quân, đủ tầm, nhận diện, tiếp sức và tôn vinh tài năng mỹ thuật. Thiết chế mỹ thuật thể hiện sinh động cụ thể trong thông tin mỹ thuật, trong thẩm định mỹ thuật, thông qua các tác phẩm và công trình mỹ thuật “hiện” chứ không “ảo”.

Phải đặt thông tin mỹ thuật, thẩm định mỹ thuật, thiết chế mỹ thuật trong một thể chế xã hội lịch sử. Chúng là một quan hệ biện chứng sinh ba tác động và chuyển hóa lẫn nhau. Phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, sớm có kế hoạch lộ trình cụ thể cho từng lĩnh vực mới mong làm tốt sứ mệnh lịch sử cao cả: phát hiện bồi dưỡng năng khiếu nhận diện tiếp sức và tôn vinh tài năng mỹ thuật. Đây là một vấn đề rất lớn, vượt tầm của một cá nhân mong được đối thoại rộng rãi, cùng nhau xây dựng một nền mỹ thuật Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và thời đại, sớm phát hiện nhiều tài năng mỹ thuật đại diện cho dân tộc và thời đại.

 

                                                                                                      L.Q.B

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter