• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Đời sống văn nghệ sĩ Hà Nội "Thời xa vắng"
Ngày xuất bản: 28/02/2022 2:33:34 SA

Mối sầu như tóc bạc

Cứ cắt lại dài ra

Đấy là hai câu trong một bài thơ bốn câu của ông Phan Khôi. Bài thơ được ông viết vào năm 1952, khi ông 65 tuổi, với tâm trạng của một người đang có cảm giác mình đã bị “thừa” trước thời cuộc. Bảy năm sau đó ông Phan Khôi ra đi, để lại một ký ức rất buồn trong lòng nhiều văn nghệ sĩ khi ấy, nhất là đối với những người vốn phục cái tài lý sự của ông – “lý sự như Phan Khôi”

Không biết có phải vì nhiều người cũng hay nghĩ giống như ông Phan Khôi, mà cứ mỗi độ trước khi xuân về, họ cũng hay thường dành chút ít thời gian “cắt tóc” để đón mùa xuân!?

Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi đã tự tìm ra cho mình một câu trả lời có vẻ thỏa đáng cho câu hỏi: Vì sao những bài báo xuân xưa và… nay thường tự nhiên có một vẻ buồn buồn?

 Và “buồn” ấy đến từ “chủ quan” của người viết hay đến từ “khách quan” của người đọc, hay đến từ cả hai? Người ta vốn thường nói: Phàm cái gì buồn thì mới có thể thực sự hay. E rằng đúng. Mùa thu tại vì sao thường được con người cho là mùa đẹp nhất? Vấn đề của chúng ta ở đây có lẽ là sự chia sẻ cảm xúc, giữa chúng ta với nhau, hoặc giữa chúng ta với thiên nhiên đất trời, hoặc cả hai. Mà nếu được như thế thì buồn sẽ có thể đi vào một dạng thức mang tính tổng hợp trừ, nghĩa là màu càng đậm thì hiệu quả lại càng sáng, như sự biểu thị tích cực làm cho con người muốn sống, thích sống và vui sống.

Một hình ảnh trong phim “Thời xa vắng” (Le Temps révolu) Nhân vật Sài (bên trái) do Ngô Thế Quân đóng Phỏng theo tiểu thuyết của Lê Lựu.

Kịch bản và đạo diễn: Hồ Quang Minh

* * *

… Cạch, cạch, cạch. Một đầu chiều hè Hà Nội nắng chói chang năm 1983, tôi đang chập chờn ngủ trong nhà thì bỗng nghe thấy tiếng ai gõ nhè nhẹ lên chấn song cửa sổ. Biết tôi có nhà, người gọi gạt tấm ri-đô hé ra một góc. A ha, hóa ra: Anh Lê Lựu!!!

Anh Lê Lựu đung đưa ngón tay cái trỏ ra phía ngoài đường, rủ rỉ bảo tôi “đi ăn phở với bọn anh đi.” 

Thế là ba anh em, anh Lựu, anh Sỹ (chủ nhiệm nhà văn hóa Sư đoàn 390 bộ binh, đơn vị tôi khi đó) và tôi cùng sang quán phở “Sơ Mít” ở ngay bên kia đường, mỗi người “quét” một bát bò tái, “thế mới chánh”, kèm thêm vài ba cái quẩy. Quán phở này bán cả ngày, về độ ngon thì thua quán phở “Tư Lùn” ở cùng dãy phố chỉ bán buổi sáng, nhưng ăn vẫn được lắm, hơn phở bây giờ. Theo người Tây nhận xét: Hà Nội – “nơi ăn là ăn… nhưng khác lạ”, ở đây người ta có thể vừa đứng vừa ăn các món đồ nước! Ngày ấy lúc nào tôi chả ăn được, hay nói cách khác, lúc nào chả đói. Lính 80 mà.

Anh Lê Lựu hồi mới đi bộ đội vốn là lính Trung đoàn 48 thuộc đơn vị chúng tôi. Một lần nhà văn Nguyễn Thị Như Trang đến thăm đơn vị, được biết cậu lính Lê Lựu hay tí toáy viết, liền động viên anh, và rồi một thời gian sau anh đã trở thành một nhà văn thực thụ, sớm được biết đến qua kịch bản bộ phim “Người về đồng cói” (1973).

Anh Lê Lựu khá thân với ông Nguyễn Huy Hiệu, thủ trưởng của đơn vị chúng tôi. Khi ấy ông Hiệu là đại tá sư đoàn trưởng, chưa đến 40 tuổi, một người rất mê văn nghệ và công tác thiết kế cảnh quan, bảo vệ môi trường (sau ông Hiệu lên đến thượng tướng thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Từ mối quen biết rộng rãi của anh Lê Lựu, ông Hiệu giao cho chúng tôi mời cả ông Nguyễn Đình Nghi, anh Lưu Quang Vũ tham gia giúp đơn vị dựng kịch. Anh Vũ thì chỉnh sửa kịch bản do bộ đội ở đơn vị tự viết, ông Nghi thì làm đạo diễn, có hôm chúng tôi còn kéo cả tốp kịch từ Thanh Hóa ra tận Trạm 66 trên phố Phan Đình Phùng để ông Nghi trực tiếp thị phạm. Nhờ ông Nghi và anh Vũ, chúng tôi có một vở rất thành công, “Câu chuyện ở trạm gác”, do thượng úy tuyên huấn Trung đoàn 54 Lê Ngọc Đỉnh viết, khi diễn chính thức được bộ đội cùng nhân dân địa phương nhiệt liệt vỗ tay, tán thưởng. Anh Lê Ngọc Đỉnh lính 75, người Thanh Hóa, ngày mới chuyển về có ở cùng lán với tôi tại Ban tuyên huấn Sư đoàn trong một thời gian ngắn, làm tuyên huấn rất giỏi, thỉnh thoảng còn lẳng lặng đi bắt ốc về luộc rồi rủ chúng tôi cùng phè phỡn. Hôm anh bị kẻ gian bên ngoài bơi qua suối vét sạch cả chăn màn, anh khóc tu tu. Sau anh đi học thêm, lên đến đại tá, công tác ở Tổng cục Chính trị…

Ngày ấy, vì chuyện kịch cọt, tôi rất hay có việc phải đến nhà anh Lưu Quang Vũ ở 96 phố Huế. Anh và chị Xuân Quỳnh ở tầng trên cùng khu tập thể, lại ở cuối cùng dãy hành lang, trong căn phòng nhỏ xíu vốn là của ông Lưu Quang Thuận bố anh, diện tích đâu chỉ ít thước vuông, có gác xép, nóng kinh khủng. Lần nào đến tôi cũng phải đứng ngoài cửa chờ anh Vũ một lát, đợi anh leo từ gác xép xuống. Anh nhiệt tình với chúng tôi lắm, làm gì cũng nhanh, lại vui. Năm 1988, hình như cũng vào mùa hè, tôi đang làm việc ở cơ quan thì hay tin anh chị cùng cả cháu Thơ vừa mất, thương ghê lắm, chẳng thiết làm việc nữa. Nhớ mãi lần anh chị và cháu vào đơn vị tôi chơi, ba người còn vào thăm chỗ ở của tôi trên nhà truyền thống của đơn vị nằm trên đỉnh một quả đồi cao lồng lộng gió, mái tóc dài của anh cứ bay bay. Ngoài văn học, viết thơ, viết kịch, anh Lưu Quang Vũ rất yêu hội họa. Nghe nói có một thời gian anh “thất thểu” sống bằng nghề vẽ quảng cáo…

… Sau khi tôi ra quân, tháng 6 năm 1984, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm anh Lê Lựu ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh sống một mình trong một căn phòng nhỏ nằm khuất phía sau tòa soạn. Có hôm tôi thấy anh đang ngồi soạn tiền, tem phiếu, miệng lẩm nhẩm, chốc chốc còn chấm đầu ngón tay lên miệng cho ướt để đếm cho dễ. Anh bảo: “Ngại nhất trên đời là đi xếp hàng mua dầu hỏa”. Ồ! Vậy mà đã hơn 30 năm rồi tôi chưa được gặp lại anh.

BÙI XUÂN PHÁI – Trong hầm lò. 1956. Tranh khắc gỗ do tác giả tự khắc lấy

Hình như anh Lê Lựu ra cuốn “Thời xa vắng” vào khoảng 1985-1986. Và thực có lỗi với anh, tôi có đọc nhưng chưa đọc hết. Ngay cả khi cuốn sách của anh được chuyển sang thành phim đã rất lâu, mãi đến gần đây tôi mới có dịp xem trên YouTube. Nhiều người có vẻ có lý khi cho rằng cuốn tiểu thuyết ấy thực chất là một cuốn anh tự truyện, nhất là đối với những ai hiểu anh, biết về cuộc đời anh. Ngoài “Thời xa vắng”, anh Lê Lựu còn có “Sóng ở đáy sông” cũng đã được dựng thành phim truyền hình dài tập, hay ơi là hay. 

“Thời xa vắng” là một cái tên hết sức giản dị nhưng đầy âm vọng gây xao xuyến, một cái tên không phải nhà văn Việt Nam nào cũng có thể nghĩ ra được. So với chữ “thời bao cấp”, chữ “thời xa vắng” dường như rộng rãi hơn, gợi hơn, thiên về tinh thần hơn, và gần gũi hơn với từng cá nhân, từng số phận con người. Theo chủ quan của tôi, đạo diễn Hồ Quang Minh đã rất tài tình khi chọn cậu Quân đóng vai Sài trong bộ phim “Le Temps révolu” (dịch phỏng theo chữ “Thời xa vắng”). Ồ! Cái thằng cu Quân này, tôi biết nó từ khi nó còn bé tẹo, sinh khoảng cuối những năm 70. Một thằng bé “dị thường”. Mỗi khi nó tắm, mẹ nó – bà Tường Vân – cứ la như người mổ bò, còn nó thì cứ khủng khỉnh lắc lắc cái đầu, lệt rệt cái chân hàng phút mới đi hết cái sân nhỏ để đến được cửa buồng tắm. Bà Tường Vân làm cùng cơ quan với mẹ tôi, thằng cu Quân là con độc nhất, thời buổi khó khăn bận bịu bà luôn phải tranh thủ làm thêm việc nhà ở cơ quan, trong giờ hành chính, trong đó thường xuyên hơn cả có lẽ là việc tắm cho ông con quý tử. Em rể bà là nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Khắc Hoan, mất sớm, có cô con gái Vi Cầm thỉnh thoảng thấy đóng phim. Hì hì, cũng có thể gọi là một gia đình có truyền thống về nghệ thuật quá đi chứ.

“Cô Tường Vân ngày trẻ kiêu kỳ”, mẹ tôi kể, “cô mơ toàn những anh chàng cỡ An-đờ-rây trong tiểu thuyết của Tôn-xi-tôi. Rốt cuộc không biết thế nào, lại vớ phải ông thầy giáo dạy môn địa lý. Rồi cũng không ở được với nhau”. Không ngờ về sau thằng cu Quân cũng học mỹ thuật công nghiệp, học xong có một dạo làm thiết kế ở Nhà xuất bản Thế giới, rồi sau đó hình như làm nghề gì đó liên quan đến “tâm linh”, giờ không biết đã có vợ con gì chưa. Tiếng của nhân vật Sài trong phim chính là tiếng ở ngoài đời của thằng cu Quân, không có cái tiếng “gin” của nó có lẽ cũng khó ra được tính cách vô cùng cá biệt của nhân vật ấy. Tóm lại, cả Quân và “Sài” đều có thể làm gợi nhớ một chút gì đến “Forrest Gump”.

 Mới đây, tôi có đọc cuốn “Hiện thực của họa sĩ” do Mark Rothko viết. Trong đó, khi bàn đến tranh vẽ của trẻ con, Rothko đã đặt ra một khái niệm cực kỳ hay mà ta có thể coi như một thứ chìa khóa để hiểu về chúng, đặc biệt trong trường hợp chúng là những đứa trẻ “dị thường”, cũng như để hiểu về các họa sĩ như Basquiat hay Trần Trung Tín…

Khái niệm ấy, trong nguyên bản tiếng Anh, được Rothko viết bằng tiếng Latinh, đó là: “Summa cum altima” (mà ta có thể tạm hiểu là: tối thượng tới tận cùng bản thể). Và tôi tin rằng, cái khí chất dị thường của thằng cu Quân (Ngô Thế Quân) có lẽ là từ cái đó mà ra.

Vậy, “thời xa vắng” của đời sống văn nghệ Hà Nội mà tôi muốn kể trong bài viết này là khoảng thời gian nào? Giống như khoảng thời gian trong câu chuyện của anh Lê Lựu, “thời xa vắng” này có thể đã bắt đầu từ trước ngày Hiệp định Genève được ký kết, một chút.

NGUYỄN SÁNG – Hình nghiên cứu cho tranh “Giờ học tập”. 1959-1960. Chì than. Sưu tập Đặng Hùng Long, TP. Hồ Chí Minh

1. NHỮNG NĂM TỪ 1954 ĐẾN 1960

Trước và sau chiến thắng Điện Biên Phủ khoảng một hai tháng, có hai chuyến đi rất đáng ghi. Chuyến đi thứ nhất là chuyến đi xuôi xuống của Nguyễn Tuân. Trong suốt kháng chiến ông Nguyễn hầu như chỉ hoạt động ở trên Việt Bắc, trong khi gia đình ông lại ở dưới Khu 4. Rồi chẳng hiểu sao, ông Nguyễn bỗng cảm thấy “nóng ruột” bèn quyết tâm làm một chuyến vào tận Thanh Hóa để đón vợ con ông lên. Không rõ ông đi bằng gì, đi bộ, đi xe đạp hay đi bằng phương tiện nào, chỉ biết đi giữa chừng thì ông nghe tin ta đã chiến thắng. He he. Thực “vô duyên” thay cho chuyến đi ấy của ông Nguyễn!

Chuyến đi thứ hai là chuyến đi ngược lên của Tô Ngọc Vân. Sau khi Khóa Kháng chiến kết thúc, ông Vân cùng Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ đi lên “phục vụ” chiến dịch Điện Biên Phủ. (Về chữ “phục vụ” này, Nguyễn Gia Trí có lần đã nói đùa rằng: Vì chính quyền ngày ấy thiếu máy ảnh nên phải huy động các họa sĩ). Theo bố tôi (ông Quang Phòng) kể lại, ông Vân đi lên Điện Biên Phủ là có mục tiêu chính trị rõ ràng: 1, phấn đấu trở thành đảng viên, vì chưa phải đảng viên ông Vân có vẻ như phải chịu nhiều “ấm ức”; 2, nếu hoàn thành được điều 1, tức là vào đảng, ông Vân sẽ có cơ được thỏa lòng mong ước là đi thăm, trao đổi học thuật và nghiên cứu hội họa ở các nước mà ông chưa bao giờ có dịp được đi, trừ Campuchia. Khoảng 1950-1951, Tô Ngọc Vân đã từng thay mặt các họa sĩ Việt Nam viết thư ngỏ lời thăm hỏi và cảm ơn Picasso và Matisse vì sự ủng hộ của hai đại bậc thầy đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp.

 Hỡi ôi! Trên đường đi, vì muốn tránh một trọng điểm oanh tạc của máy bay Pháp, ba ông đã chọn một con đường khác tưởng như “an toàn” hơn, mà không thể ngờ rằng đấy mới chính là con đường tử dẫn đến cái chết của ông Vân, ngày 17 tháng 6 năm ấy, mà rồi cũng vẫn chỉ là chết do bom địch. Sau khi ông Vân chết ít lâu, bà Vân dường như vẫn không tin vào cái sự thật có vẻ “phi lý” ấy. Giả đò như ông vẫn còn sống, bà đến nhờ một ông thầy có tiếng để thử nghe ông thầy ấy “keng” như thế nào. Ai dè ông thầy trừng mắt nhìn bà, hư hử phán: “Người-này-còn-đâu-nữa-mà-xem. Bốn-chín-là-hết-mệnh”. Chính xác!!! Âu cũng là một niềm an ủi, dẫu là siêu nhiên.

Ấy lại nói về bà Vân. Hòa bình xong, bà vất vả lắm, nhà thì đông con, đi làm thì xa, phải đi từ tờ mờ sáng… Mà nào đã hết, ngày ông Vân còn đang làm giám đốc ở Trường Mỹ thuật Kháng chiến trên Việt Bắc, có đận thiếu tiền nuôi trường, bà nghe ông, phải lăn lê lặn lội về tận Hà Nội để vay vàng giúp ông. Lẽ đương nhiên, ông Vân chết rồi thì bà Vân sớm muộn vẫn phải lo trả nợ cho người ta. Người ta đến đòi, bà chưa có, giằng co thế nào bà bị người ta xô ngã gãy cả hàm răng. Đấy, làm việc nghĩa lại bỗng dưng ôm nợ vào cho mình, có ai biết ai hiểu cho mình không?

 Cũng vào quãng đó, một hôm bố tôi đi ngoài đường thì chợt thấy một người đàn ông lạ đi xe đạp hơ hớ buộc ở đằng sau bức tranh sơn dầu “Thiếu nữ bên hoa sen” của Tô Ngọc Vân. Thế là bố tôi rượt theo đến tận nhà anh ta, đâu như ở phố Sinh Từ, “đánh dấu”. Mấy hôm sau, bố tôi đến gặp bà Vân, khuyên bà nên đi chuộc bức tranh ấy về. Nghĩ bà Vân mừng lắm, nào ngờ bà đốp luôn cho một câu: “Ối giời đất ơi anh Quang Phòng ơi, mẹ con tôi bây giờ ăn còn chẳng đủ huống hồ tranh với chả pháo”.

Mãi về sau này, anh Tô Ngọc Thành mới cho tôi biết: Người đèo bức tranh ngày xưa ấy là một nhân viên hành chính ở Trường Mỹ thuật, thấy bức tranh đẹp thì cứ tiện tay vô tư mang về nhà mình thôi. Anh ta đặt giá bán 200 đồng, hình như cũng chỉ xấp xỉ bốn, năm tháng lương phổ thông khi ấy – nếu có ai mua. Nay bức tranh “Thiếu nữ bên hoa sen” của Tô Ngọc Vân thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, việc mua bán trao đổi thế nào tôi không được biết.

* * *

Ngày tiếp quản Thủ đô, các văn nghệ sĩ từ khắp các vùng kháng chiến trở về phấn khởi lắm. Nguyễn Sáng mang theo về bức tranh “Giặc đốt làng tôi”, Dương Bích Liên thì mang theo “Mùa gặt”, cả chiến đấu lẫn sản xuất đều có đủ. Trên đường hành quân ở Tây Bắc, Nguyễn Sáng đã tức cảnh làm một bài thơ với nhan đề “Hoa đào vẫn nở”, mở đầu bằng bốn câu, xin chép đúng theo nguyên văn: “Nước chảy suôi/ Người tiến ngược/ Chân rộn bước/ Sương rơi lạnh”. Hay! Lạc quan, khí thế làm sao. Nguyễn Đình Thi thì “đứng khóc” bên Hồ Gươm (trong bài thơ “Nhớ Hà Nội”). Dương Hướng Minh thì muộn hơn vài ba tháng. Sau gần 10 năm chiến đấu ở Sài Gòn-Chợ Lớn, người hùng Dương Hướng Minh “cởi trần” cùng đơn vị tinh nhuệ đặc biệt trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông chuyển quân tập kết ra Bắc trên chuyến tàu cuối cùng của Ba Lan.

Thực ra, những bức ảnh, những thước phim quen thuộc mà chúng ta vốn hay được xem chưa thể hiện được hết quang cảnh của Hà Nội trong ngày tiếp quản. Trên YouTube có giới thiệu một số phim tài liệu do British Pathé quay rất khách quan, đẹp và sinh động. Sáng sớm hôm ấy (10 tháng 10 năm 1954) đường phố Tây ở khu trung tâm Hà Nội vắng tanh, hầu như không một bóng người. Ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô, khi làm thủ tục chuyển giao với quân đội Pháp, bộ đội ta có người vẫn còn đeo nguyên cả ruột tượng gạo căng đẫy, trong khi lính Pháp có người mặc quần soóc, cẳng chân hở dài ngoẵng. Hà Nội khi ấy biển tên phố cũng lắm thông tin, chẳng hạn như “Đại lộ Hai Bà Trưng – Phố 198 – Khu XIX”, “Phố Lê Phụng Hiểu – Phố 191 – Khu XV”…

Chân dung ông Trần Duy do Trần Tuy vẽ năm 1995

 

Chân dung ông Phan Tại do Trần Tuy vẽ năm 1997

* * *

 

Mai Văn Hiến và Lê Thanh Đức khi ấy đều là bộ đội, cả hai ông cùng đeo quân hàm sĩ quan, hình như là đại úy, và cùng sống tập trung trong doanh trại đóng ngay sát thành Cửa Bắc (tức Trạm 66 mà tôi đã nói đến ở phần trên). Theo lời kể của ông Lê Thanh Đức: “Tớ và Mai Văn Hiến tích cực vẽ lắm. Tranh Gặp nhau của Mai Văn Hiến và tranh Hà Nội đêm giải phóng của tớ đều được vẽ ngay tại đấy”.

Chỉ chưa đầy một năm sau, tháng 8 năm 1955, Lê Thanh Đức, Trần Lưu Hậu, Ngô Mạnh Lân cùng được cử sang học ở Liên Xô, người học thiết kế điện ảnh, người học thiết kế sân khấu, người học vẽ phim hoạt hình.

Học cùng Khóa Kháng chiến với Trần Lưu Hậu, Ngô Mạnh Lân: Mai Long ở lại thêm mấy năm trên Khu tự trị Tây Bắc; Đào Đức, Ngọc Linh về Xưởng phim truyện Việt Nam, bắt đầu tham gia thiết kế mỹ thuật cho những bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng như “Biển động”, “Chung một dòng sông”; Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Đông Lương dạy ở Trường Mỹ nghệ (Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ngày nay); Ngô Minh Cầu thì dạy ở Trường Yết Kiêu, vân vân.

Ngày ông Mai Văn Hiến chép lại bức “Gặp nhau” mà hiện bản chép ấy đang được trưng bày chính thức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi có chê ông “chép chẳng ra làm sao”. Thế là ông Hiến nổi cáu gắt tôi: “Bố cu phải thông cảm cho tôi. Màu tôi mua ở phố Sinh Từ, màu để quét vôi, làm sao tôi chép được như màu của Pháp ngày xưa”. Rồi ông hạ giọng, thủ thỉ: “Này anh bạn trẻ, nhớ giùm tôi tên của bức tranh là Gặp nhau, không phải là Gặp gỡ nhé. Gặp nhau tức là trước khi gặp đã quen, đã thân với nhau rồi. Gặp gỡ thì lại khác đấy. Nhiều người hay viết nhầm, không phải anh”.

Còn về bức của Lê Thanh Đức, “Hà Nội đêm giải phóng” (hay còn gọi nôm na là “Phố Hàng Thiếc”), một hôm, quãng trước năm 2000 một chút, gặp tôi, bố tôi bực bội nói: “Ông Lê Thanh Đức bây giờ lạ lắm, ông ấy phủ nhận cái tranh Phố Hàng Thiếc. Ông ấy bảo có tờ báo Tây nó khen bức tranh, đại để như khen hiện thực xã hội chủ nghĩa, ông ấy đếch thèm”. Rồi ngẫm nghĩ một lát, bố tôi bảo: “Việt thử hỏi ông Lê Theng Đức xem, nếu không có bức ý, ông ấy có cái gì?” Vì biết tính ông Lê Thanh Đức, nghe bố tôi bảo vậy tôi cứ ậm ừ cho qua, chứ tôi đã chắc là tôi không bao giờ hỏi. Phủ nhận ai chứ tự phủ nhận chính mình thì có gì đâu mà phải tranh luận nữa?

 

* * *

Nhân đang nhắc lại về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tôi muốn lưu ý bạn đọc: Chúng ta dường như chưa nghiên cứu đủ, nếu không muốn nói rất thiếu, về giai đoạn đầu khi chủ nghĩa này có tên gọi ở nước ta. Và có lẽ phải đến tận cuối những năm 1980, các nghệ sĩ ở nước ta mới ít nhiều có điều kiện để tỏ rõ thái độ “phản ứng” với nó.

Anh Đào Châu Hải có nói với tôi, tết Canh Tý 2020, anh có đến thăm ông Trần Lưu Hậu, tức là chỉ trước khi ông Hậu ra đi ít tháng. Qua cuộc trò chuyện, chắc cũng ngắn thôi, ông Hậu vẫn thoáng biểu lộ mối ưu tư của ông trước vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa, và dường như ông vẫn băn khoăn về tác động có thể của nó đến các nghệ sĩ trẻ. Ở đây cũng cần nhắc lại, Trần Lưu Hậu là một trong các họa sĩ đã trực tiếp trải nghiệm hiện thực xã hội chủ nghĩa cả ở Việt Nam và Liên Xô, ông đã học ở Moskva, Thủ đô của Liên Xô, đến bảy năm, từ 1955 đến 1962.

Những năm 1960, ông Hoàng Quy (nick-name là “Rùa Vàng”) cũng đã từng theo học ở Moskva, ông kể: Tại Triển lãm Mỹ thuật các nước xã hội chủ nghĩa tổ chức ở Liên Xô, rồi sau đó lưu động sang các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (1958-1959), bạn bè quốc tế đặc biệt thích tranh sơn mài Việt Nam, nhất là bức sơn mài “Bình minh trên nông trang” của Nguyễn Đức Nùng. Có một số người bạn Nga đã hỏi ông Hoàng Quy: “Ở đất nước các bạn đã có Nguyễn Đức Nùng, các bạn còn sang đây để làm gì nữa?” Hay thật.

 

Trọng Kiệm (người bên phải) và Ngô Mạnh Lân đi vẽ ở Sơn Tây những năm 1960

Về mặt lịch sử, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được giới thiệu tại Hội nghị Văn hóa ở Việt Bắc năm 1948 (tháng 7), tức là chỉ 14 năm sau thời điểm nó chính thức ra đời ở Liên Xô vào năm 1934 (và đã kết thúc ở Liên Xô khoảng 1988). Tuy nhiên, cũng vào năm 1948, khoảng cuối năm, ở Thanh Hóa (Liên khu 4), ông Đặng Thai Mai lại có vẻ như đã đề xuất “nội bộ” một quan điểm khác dựa trên tình hình cụ thể ở nước ta. Ông cho rằng việc áp dụng hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta khi ấy là “chưa thể”, và trước mắt chỉ nên sáng tác theo “phương pháp lãng mạn cách mạng”. Nhưng xem ra ý kiến ấy của ông Đặng Thai Mai không được ủng hộ.

Nếu tư duy theo lối của Hegel, bây giờ chúng ta có thể nói rằng: Cái khó, thậm chí là cái “bi kịch” của thời kỳ đó không phải nằm trong mâu thuẫn giữa đúng và sai, mà nằm ngay ở trong mâu thuẫn giữa cả hai thứ đều có vẻ đúng.

Kể từ 1955, tại Hà Nội, giới trí thức, giới văn nghệ sĩ họp rất nhiều, hội nghị, tọa đàm cũng rất nhiều, có hội nghị họp tới 18 ngày (Hội nghị văn nghệ tháng 8-1956). Tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1955, người ta đã hạ xuống những bức tranh tĩnh vật; hai tranh sơn mài “Khi trăng lên” và “Niềm vui” của Nguyễn Sáng lúc đầu được khen sau lại “bị chê”. Về bức sơn mài “Nhớ một chiều Tây Bắc” (giải nhất) của Phan Kế An, ta nên đi sâu vào một chút. Đây, có thể nói, là một bức tranh rất trúng cả về chủ đề lẫn chủ thể mà ngày ấy đang được quan tâm, chú ý. Ngay cái tên của nó cũng đánh trúng vào tâm lý mang tính “thời sự” của rất nhiều người xem vừa mới trải qua cuộc kháng chiến, nào “nhớ”, nào “chiều”, nào “Tây Bắc”…

Không phải ai ai cũng đều giác ngộ rằng tên tranh là rất quan trọng. Nhiều tranh rất hay mà vướng cái tên dở, cầu kỳ kiểu cách hoặc vô duyên vô vị, là điều đáng tiếc không bao giờ sửa chữa được nữa. Chữ vẽ cùng với chữ văn một vần – là họa sĩ có lẽ cần nhớ.

Ông Phan Kế An kể với tôi: “Bức Chiều Tây Bắc tao làm đến bảy lớp vàng, sau Hồng Hải chép lại cho bảo tàng chẳng biết bao nhiêu lớp nhưng mà giống hệt”. Hóa ra ngày ấy cũng đâu có nghèo lắm, so với những năm 1970-1980 vẫn còn “khấm” hơn nhiều. Mà kể cũng lạ, bao giờ tôi nhắc ông Phan Kế An gửi ảnh tranh để in sách, ông cũng đều gửi duy nhất ảnh bức tranh ấy, hoặc gửi kèm theo vài ảnh tranh khác nhưng dứt khoát vẫn phải có nó. Đây chắc hẳn là một chiến lược “PR” của ông, không giống như một số họa sĩ nào đó, không được in tranh mới thì buồn, hậm hực, giận dỗi, mà cứ chiều theo ý họ thì biết đâu người xem chẳng nhớ được gì về họ cả.

… Cuộc sống những năm đầu sau hòa bình quả thực ít nhiều phấn chấn. Ông Tô Hoài kể, ông đã mua ngôi nhà mặt tiền ở phố Đoàn Nhữ Hài, nơi gia đình ông vẫn sống cho tới bây giờ, bằng tiền nhuận bút bộ sách viết về Tây Bắc. Hoặc ngay như gia đình tôi, sau khi mẹ tôi sinh chị tôi năm 1956, bố tôi còn đưa cả gia đình và dì tôi lên nghỉ ở làng Mông Phụ, làng Đông Sàng (Sơn Tây), hàng ngày thì ông đi vẽ. Đây cũng là quê của ông Phan Kế An, có ông cụ Bào xưa làm lý trưởng, một người thân quen của hầu hết các cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương trong thời kỳ trường sơ tán tại đây những năm 1943-1945. Năm 1993, bố tôi, vợ chồng ông Lê Thanh Đức và tôi có về thăm lại làng Mông Phụ, làng Đông Sàng; cụ Bào vẫn khỏe, còn chống gậy ra cổng chùa Mía chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Có thể nói, những năm tháng thật sự êm đềm ngay sau hòa bình ấy, ít nhất là đối với gia đình tôi, hầu như không bao giờ có lại nữa 

***

… Kể từ năm 1957, sau “Nhân văn”, có thêm rất nhiều câu chuyện đáng ghi, song ở đây tôi chỉ chọn ra một vài chuyện trong số rất nhiều chuyện mà tôi được nghe trực tiếp từ những người trong cuộc.

Nào, trước hết tôi muốn kể về ông Phan Tại, người học cùng khóa với Diệp Minh Châu và Nguyễn Sáng ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông Phan Tại đã từng đi kháng chiến, một quãng thôi, rồi ông về Hà Nội làm đạo diễn sân khấu, tham gia làm cả phim. Khi ấy sân khấu là một món hấp dẫn, vì thế ông cũng kiếm được. Vợ ông là bà Cẩm Vân, diễn viên, một người đẹp nổi tiếng, đẹp kiểu tân thời. “Chàng và Nàng” đóng cổ phần ở Hotel Coq d’Or trên phố Tràng Tiền, hàng ngày ăn cơm tiệm ở đó. Nhà ông Phan Tại thì ở phố Trần Quốc Toản, ngay mặt đường, luôn luôn sẵn cà-phê, thuốc lá loại ngon, chỉ “đáng tiếc” lại ở rất gần nơi tòa soạn báo “Nhân văn” đặt trụ sở, và thêm nữa, lại ở trong cùng một số nhà với bà Thụy An. Tiện quá, mấy ông ở tòa báo hễ rảnh lại nhớ sang chơi nhà ông Phan Tại, uống cà-phê, hút thuốc lá, hút bằng tẩu và chiêm ngưỡng… bà Cẩm Vân. Tất cả những cái đó ai ngờ rằng lại là “tiền đề” sẽ khiến ông Phan Tại phải đi tù? Tù 6 năm! Vẫn may là ông còn được ra tòa, chứ ông họa sĩ Phạm Khanh em rể ông thì chỉ biết đi là đi, 8 năm, mà cho đến khi về vẫn không biết mình đi vì cái gì!?

Ông Phan Tại ra tòa cùng với bà hàng xóm Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang. Về ông Đang và bà Thụy An tôi không dám nói, chỉ được biết ông Phan Tại chắc chắn không tham gia “Nhân văn”. Ở tù ra ông vô cùng khổ cực, ba bốn giờ sáng, đông cũng như hè, ông đạp chiếc xe cà tàng ra cột đồng hồ ở đường Trần Nhật Duật, khóa móc xe vào hàng xích bao quanh cột, rồi xuống vác cát thuê ở bãi sông Hồng. Về già, cũng chưa bao giờ có chữ an sinh ở ông. Bù lại, ông được Trời cho tuổi thọ, sống khỏe mạnh đến 87 tuổi, lại còn cho thêm cái bản tính “phớt”, vô chấp vô cầu, có tiền biết tiêu tiền, không tiền biết nhịn, hữu sự được thua thành vô sự…

 

LƯU VĂN SÌN – Thiếu nữ vùng cao. 1956. Màu nước. Sưu tập tư nhân

Năm 1995-1996, một buổi tối, cỡ phải hơn 10 giờ, gió đông heo hút, bất chợt tôi nhìn thấy ông Phan Tại đạp chiếc xe đạp “độ” bé tí xíu phóng vun vút trên phố Ngô Quyền, lại có ông Trần Dần đang ngồi co ro bấu ở đằng sau, trông cực kỳ ngộ. Cũng quãng thời gian ấy, tôi có đến thăm nhà ông Trần Dần ở phố Vũ Lợi để xin tư liệu về Trần Trọng Vũ (anh Vũ lúc ấy đang ở Pháp). Hình như ông đang mệt, nằm trong màn, ho sù sụ. Bà Trần Dần vừa ngồi nói chuyện với tôi vừa phải nhấp nhổm chăm ông.

Ông Trần Dần vẽ rất hay, theo phong cách tượng trưng, trên khổ giấy nhỏ. Theo ông Mai Long, ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, ông Trần Dần đã vẽ lập thể. Khi làm thơ ông cũng rất có ý thức về tổ chức tạo hình cho câu, chữ. Tài năng của ông quả là đa dạng và rất lạ, lạ từ rất sớm.

Chung quanh một đề tài “gì đó” liên quan tới ông Trần Dần, Nguyễn Sáng đã có xung đột với một vài người ở báo “Nhân văn”, vì Nguyễn Sáng cho rằng họ đã “gạt” ông, đưa thông tin thất thiệt để nhờ ông vẽ minh họa. Ông Trần Duy hay khen thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, chê “Người người lớp lớp” của Trần Dần, e cũng có phần nào từ cái vụ ấy.

Ông Trần Duy thì không bị “đi”, mặc dù ông vừa làm thư ký tòa soạn báo “Nhân văn” vừa là một tay bút viết truyện “cổ trang” đăng trong các tập “Giai phẩm”. Tất nhiên, đối với ông Duy, chữ “đói” không cần phải miêu tả. Ông có thể chỉ đỡ hơn một số người khác phần vì được nhờ vào chiếc máy khâu do ông Song Hào thu xếp để gia đình ông có phương tiện nhận đồ may gia công kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống, “không thì cũng bỏ mẹ”, ông Trần Duy nói. Cách đây chừng ba năm, tôi có gặp cậu Thao, con út ông Trần Duy, từ Canada về Hà Nội thăm mẹ. Những người con của ông Trần Duy khổ vì ông thì hẳn rồi, nhưng khổ như thế nào, đặc biệt về mặt tinh thần, thì phải qua chính họ mới biết. Vì có nhiều nỗi trong lòng, ông và các con ông không mấy khi nói chuyện ôn hòa được với nhau, lôi thôi là ông cho “a-lê-cút”. Phải chăng vì cám cảnh, cậu Thao đã thành “boat people”, bị bắt hai lần, lần thứ ba mới thoát.

Khi còn sống, chính ông Trần Duy cũng đã thừa nhận với tôi về cái sự “chuyên chế” đó của ông và qua những lần ông tâm sự, tôi cũng cảm nhận được, từ sâu trong cõi lòng ông rất thương con và cảm thông nỗi khổ của các con ông.

Từ những năm 1980 cho đến lúc ra đi vào năm 2014, ông Trần Duy một mình sống tách ra khỏi gia đình, sống bằng vẽ tranh; và cho dù ông phải chuyển chỗ ở đến chục lần, và cũng không phải người nặng về duy tâm, ông vẫn luôn luôn chu đáo mang theo bàn thờ tổ tiên, hẳn có phần để ông luôn luôn được cầu mong sự phù hộ độ trì của tổ tiên dành cho các con, các cháu…

Biết tôi thân với ông Trần Duy, một hôm bà Thanh Ngọc kể: “Ngày xưa ông Trần Duy rủ tao làm triển lãm chung. Nhưng sau đấy chẳng nghe ông đả động gì cả…” Rồi bà kể tiếp: “Buồn cười lắm, độ ấy có thằng bé ở gần nhà lấy trộm đồ của ông Trần Duy đem bán, ông ấy biết, ông kín đáo bảo nó đưa ông đến chỗ nó bán để ông tự chuộc về, xóa tội cho. Nó ngoan ngoãn dẫn ông đi. Nào ngờ, bất thình lình thằng bé thấy anh công an, nó vùng chạy ra vồ lấy, chĩa thẳng tay vào ông Trần Duy, hét toáng lên: Cứu! Cứu! Chú công an ơi, cái lão ‘Nhân văn’ kia lão ý bắt nạt cháu.” Hì hì, đáng tiếc là bà Thanh Ngọc hình như chỉ biết đến đấy chứ không biết kết cục của câu chuyện. Thực khổ thân cho ông Trần Duy. “Về mặt ngôn luận, so với các đài truyền hình hay tờ Tuổi trẻ ở ta bây giờ, tờ Nhân văn ngày xưa chẳng thấm tháp gì mấy. Nhưng ngày ấy…” – ông Trần Duy đã phát biểu như vậy tại lễ ra mắt cuốn sách “Suy nghĩ về nghệ thuật” của ông do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức năm 2008.

Riêng về bố tôi, thú thực cho đến giờ tôi vẫn chưa biết bố tôi “dính dáng” đến “Nhân văn” như thế nào, chỉ biết hệ lụy đến từ cái tưởng như vô hình vô niệm ấy là có thực. Theo bố tôi thì ông bị oan, mà oan, theo như một số người nói, vì bố tôi có liên kết gì đó với ông Sỹ Ngọc (khi ấy cả hai ông đang cùng dạy ở Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, lại còn từng là anh em kết nghĩa của nhau). Có thể vì bản tính hơi “cố chấp”, không biết “mắt nhắm mắt mở” mà bố tôi dường như không bao giờ vượt ra được nỗi ám ảnh về quá khứ ấy.

Chuyện này suy cho cùng cũng ít nhiều là do mẹ tôi, vì cũng trong quãng thời gian đó ông Huy Cận có động viên bố tôi đi học thêm về lý luận nghệ thuật ở Liên Xô, nhưng mẹ tôi thì lại động viên bố tôi từ chối, không đi, chỉ với một lý do duy nhất “anh đi, em và con ở nhà mùa đông buồn lắm”. Ôi mẹ ơi!

Năm 1958, một buổi chiều lạnh, mẹ tôi phải đi tiễn bố tôi ra vườn hoa Cửa Nam. Ở đó có đỗ sẵn một chiếc xe tải và một số nghệ sĩ, toàn có tên tuổi, đang đứng chờ. Rồi chiếc xe chở họ chạy tuốt đến một vùng quê xa xôi ở tận Thái Bình.

Đoàn văn nghệ sĩ ấy do ông Hoàng Trung Thông dẫn đi, tất cả đều phải “ba cùng” với nông dân, gánh phân, gánh đủ thứ, 70-80 cân một gánh, có người đau vai quá phải xé cả áo để lót đòn gánh. Rồi nghe nói ở đâu người ta phát minh ra phương pháp làm mát thóc giống trong quá trình ngâm giúp tăng sản lượng, họ lại cắt cử nhau ngồi quạt cho thóc, có khi quạt suốt đêm, vân vân. Rất hay là trong chuyến đi đó, bố tôi lại ghi được một số ký họa… Có một truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ, cũng gần gần đây thôi, khoảng hơn 30 năm, đã viết lại chuyến đi ấy.

QUANG PHÒNG – Xe ta cứ đi. Khoảng 1965-1966. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Đoàn có ông Sỹ Ngọc hình như “nặng hơn”, đi ra mỏ than Quảng Ninh, “ba cùng” với công nhân.

… Nguyễn Tư Nghiêm có một độ giả điếc, ai hỏi gì, bảo gì, huấn thị gì ông cũng đều giả ngây, rồi đáp lại như quát: “Hể?! Nỏi to lên, khổng nghe thấy gì cả” (giọng xứ Nghệ). Có thể ông Nghiêm đọc nhiều sách Tây nên ông đã học được miếng võ này của Degas.

Đầu năm 1993, lần đầu tiên tôi được gặp ông Văn Cao tại nhà ông ở phố Yết Kiêu. Ông bảo: “Ông Quang Phòng hiền nhỉ. Bao giờ gặp tôi ông cũng nói chuyện cười vui”. Về tôi kể lại cho bố tôi, bố tôi lắc đầu: “Văn Cao nói như thế vì ông ấy biết rất nhiều người lánh mặt ông”.

Tầm này năm ngoái, đọc tạp chí “Cửa biển” của Hội Văn Nghệ Hải Phòng – chỗ anh Đặng Tiến, tôi tình cờ tìm được một thông tin rất thú vị. Khoảng 1941-1942, từ Hải Phòng lên Hà Nội, Văn Cao có trú tại nhà ông Lưu Văn Sìn một thời gian. Đây cũng chính là khoảng thời gian Văn Cao theo học dự thính (auditeur libre) tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 

Bố tôi hay kể đi kể lại chuyện ông Huy Phương, tác giả cuốn “Xi măng”, trong thời gian lớp học chỉnh huấn tư tưởng chuyển từ Thái Hà sang tận Đông Anh, mặc dù có xe đạp nhưng sáng nào ông ấy cũng dậy từ lúc trời còn tối, guồng bộ đâu như gần 20 cây số sang lớp học, đến chiều sẩm lại guồng từ đấy về. “Tay ấy mới là tay đáng nể”, bố tôi cũng thường hay trầm trồ kết thúc câu chuyện về ông Huy Phương bằng đúng một câu như thế.

Năm 1960, ông Nguyễn Huy Tưởng mất, vợ ông có vẻ hoang mang. Bà đến gặp bố tôi, hỏi: “Anh có việc gì giới thiệu cho tôi làm thêm với”. Kể cũng tội. Nghe nói, ông Nguyễn Huy Tưởng cũng “đỡ” cho một số văn nghệ sĩ, ông rất hay lưu ý chính quyền về tài năng hội họa của Nguyễn Sáng.

Trần Văn Cẩn kể, một hôm ông đang trên đường về nhà ông ở phố Nguyễn Thượng Hiền, khi đi qua phố Nguyễn Du, đoạn gần ngôi biệt thự của cụ Nam Sơn, thì tình cờ gặp cụ. Cụ Nam Sơn có hỏi: “Chú Cẩn có việc gì cho thầy làm với?” Hì hì, ngày ấy hình như mọi người hay cùng hỏi một câu na ná nhau như vậy. Lúc ấy cụ Nam Sơn đã trên dưới 70 tuổi, chắc cụ chỉ hỏi cho vui, cho có chuyện với người học trò cũ của mình, chứ làm sao có việc gì để dành cho cụ được. Cụ Nam Sơn có vẽ tranh “đề tài”. Năm 1987, ông Trần Văn Cẩn và ông Hữu Ngọc làm cuốn sách “Vietnamese Contemporary Painters”, trong sách có giới thiệu cả cụ Nam Sơn, mà đấy hình như cũng là lần đầu tiên cụ “chính thức vào sách cách mạng”. Năm ấy tinh thần đã cởi mở hơn, nhưng bây giờ vẫn muốn đặt câu hỏi: Nếu cụ Nam Sơn không có tranh “đề tài” để chọn, liệu ông Trần Văn Cẩn hay ông Hữu Ngọc có giới thiệu cụ hay không? Đương nhiên không nên đòi hỏi nhiều quá, ở đây chỉ xin ghi chú rằng, trong cuốn sách này, vắng mặt ông Nguyễn Gia Trí!

Tôi không nhớ chính xác thời gian ông Nguyên Hồng dọn lên Nhã Nam, Yên Thế, vừa tự trồng lúa vừa viết sách, là khi nào. Chỉ tạm có hai thông tin rất đáng ghi về ông Nguyên Hồng. Ông hay đi chiếc xe đạp trẻ con, thấy bạn ở ngoài đường ông thường níu lại, nhấn đúng một câu: “Thế nào cũng được, nhưng không được hèn”… Lúc Nguyên Hồng mất, trong nhà ông chỉ còn mấy bơ gạo.

Có thể bạn đọc sẽ đặt câu hỏi, tại sao tôi viết về mỹ thuật mà lại viết cả về các nhà văn. Ồ! Thế giới của các văn nghệ sĩ ngày xưa hầu như không có ranh giới nào, nhất là sau khi họ đã cùng nhau trải qua gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày mới trở về Hà Nội, tất cả đều chung một mái nhà lớn là Hội Văn Nghệ Việt Nam. Chỉ đơn cử như trong ngày bố mẹ tôi cưới nhau, ngoài các họa sĩ, còn có rất đông các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên sân khấu đến tụ tập chia vui. Riêng ông Nguyễn Tuân còn “đứng tên” làm chủ hôn. Rồi cứ thế cả đoàn người linh đình kéo nhau từ phố Hai Bà Trưng sang dự tiệc mít-tinh ở phố Hàng Bài, rồi lại từ phố Hàng Bài trở về phố Hai Bà Trưng. Có lẽ bởi vậy, mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm về ngày cưới của bố mẹ tôi, dù đã sau biết bao nhiêu năm trời, mẹ tôi vẫn luôn luôn tuyên dương bố tôi: “Oách!”

A! Không nên quên chuyện của ông Văn Giáo, một trong những người bạn rất thân của bố tôi. Ông Văn Giáo hơn bố tôi đến 7-8 tuổi, nhưng lại cưới vợ sau bố tôi 5 năm. Khi cưới vợ (năm 1960), ông Giáo đã 44, ngày ấy bị coi là quá quá muộn. Tuy nhiên, điều ấy chưa hẳn là đáng lạ. Lạ là ở chỗ, khi ông Giáo lấy vợ thì bà vợ ông Nguyễn Đỗ Cung bỗng dưng lại đến “xin cảm ơn” vợ ông Giáo. Tại sao thế nhỉ?

Là thế này, bộ đôi Giáo-Cung thân thiết với nhau như thế nào thì nhiều người biết. Hai ông đã cùng nhau hoạt động ở Liên khu 5, và cùng là “hội viên của câu lạc bộ những người đàn ông tính nóng như lửa”. Ngày ông Văn Giáo chưa lấy vợ, ở một mình, mỗi khi ông Nguyễn Đỗ Cung có “trục trặc” với gia đình, ông Cung đều đến tá túc ở nhà ông Giáo, và lẽ tất nhiên, ai chả vậy, bà Cung khó có thể hài lòng, thậm chí còn ấm ức vì cái thủ pháp quen thuộc có phần “tiêu cực” ấy của ông Cung. Bởi vậy, có lẽ không chỉ đối với vợ ông Văn Giáo, mà với bất kể một ai khác nếu có, cứ hễ chặn được lối vào “an toàn khu” của ông Nguyễn Đỗ Cung, thì bà Cung chắc hẳn đều sẽ cảm thấy cần phải cảm ơn người ấy.

Ông bà Văn Giáo có hai cậu con trai, cả hai đều cao lớn như ông Giáo, toàn cỡ thước tám thước chín, cậu cả tên Nam, cậu sau tên Đức. Bây giờ cậu Đức thì sống ở Việt Nam, cậu Nam thì sống ở Đức.

Xưa ông Văn Giáo và Nguyễn Tư Nghiêm ở sát nhà nhau, ông Nghiêm có vẻ “ngán” hai cái thằng cu này của ông Văn Giáo lắm. Ông Nghiêm hay bảo tôi: “Mừn ở đây củng phải cẩn thận, lở mơ chủng nó thụi cho”. Hi hi.

NGUYỄN SÁNG – Trời rét (hình nghiên cứu cho tranh sơn mài) Khoảng đầu những năm 1980. Than. Sưu tập Đặng Hùng Long, TP. Hồ Chí Minh

 

 

2. NHỮNG NĂM TỪ 1960 ĐẾN 1975

Mở đầu thời kỳ này, có lẽ cần nhắc đến một số họa sĩ- “nhân tố mới”- như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Đông Lương…

Ngay từ 1956, “hoàng tử” của Khóa Kháng chiến Lưu Công Nhân đã về Kiến An, rồi 1959-1964 đi từ Bắc đến Vĩnh Linh, rồi 1970 lại lập xưởng họa ở Thác Bà (Yên Bình, Yên Bái), “thong dong vẽ cảnh và người”.

Năm 1958, trên đường từ Hà Nội ra Hồng-Quảng, Lưu Yên còn gặp Lưu Công Nhân ở Hải Phòng, đang mải mê đạp xe trên những con đường mù khói bụi. Là một tài năng mà theo Tô Ngọc Vân “phải đốt đuốc mới tìm thấy”, nhưng về sau “giới chính thống” có vẻ không dành mấy ưu ái cho Lưu Công Nhân. Lưu Công Nhân quá “lãng tử”, lại “tự đại”. Một hôm bà Phụng vợ ông đang đi làm bất chợt có việc cần về nhà, vừa vào cửa thì bị ông trùm chăn kín đầu kéo quay tròn tít như chong chóng một hồi lâu. Khi ông buông cái chăn ra, bà hỏi “sao vậy”, ông hôn bà bảo “tự nhiên hôm nay thấy vui”. Thực ra khi vắng mặt bà, ông rủ cô người mẫu đến vẽ khỏa thân, và đó là cách để ông “giải cứu” cho cô mẫu. Trong cuốn “Vietnamese Contemporary Painters” (cuốn sách tôi đã nhắc ở phần trên), cho dù sự thật có vắng mặt một số họa sĩ quan trọng, song có lẽ không nên thiếu Lưu Công Nhân.

Trọng Kiệm, cũng gần như Nguyễn Sáng, thì cho ra đời một loạt tranh bố cục sử thi về đề tài kháng chiến chống Pháp, từ “Ghé thăm nhà”, “Xâu kim” đến “Đứa con ra đời”, “Đã đọc được công văn” hay “Quán dọc đường”… Ông hay vẽ tranh khổ lớn, mà có thể vì thế, lại được cả tiếng “được cái vẽ to”! Suốt đời Trọng Kiệm nghèo, nhưng theo ông Mai Long, Trọng Kiệm vẫn như “thượng đế” trong trái tim của bà Mẫn vợ ông. Năm 1987, ông có triển lãm cá nhân đầu tiên tại 16 Ngô Quyền. Ngày cuối cùng trước khi bế mạc, tôi có đến xem và ngồi nói chuyện với ông. Ông có vẻ buồn, ngồi một mình uống rượu “xếch”, hút thuốc lá Sông Cầu – rồi ông chỉ khẽ lắc đầu khi tôi hỏi thăm triển lãm có bán được bức nào hay không. Ngay lúc ấy, nhiều người đã cho rằng, tranh Trọng Kiệm đẹp nhưng không bán được vì ông đề giá quá cao (?) Gần đây tôi lại được nghe một ý kiến khác: tranh Trọng Kiệm ngày ấy không bán được vì tại cuộc triển lãm ông có bày một bức tranh vẽ cảnh “xé cờ Mỹ”, trong khi khách mua tranh chủ yếu lại là khách tư bản, mà vào ngày ấy họ vẫn chưa cảm thông và mở lòng đối với một số vấn đề nhạy cảm mang tính chính trị, và một khi đã không rồi thì không tất, kể cả với các tranh phong cảnh hay thiếu nữ (?)

… Sau hòa bình, một số người cũng đã bàn về sự hạn chế của phương thức duy trì hoạt động nghệ thuật bằng lương trả cho các nghệ sĩ. Và một trong những họa sĩ đầu tiên xin ra biên chế để chuyên tâm vào sáng tác có thể là ông Trần Đông Lương (xin ra năm 1966). Tôi chưa bao giờ được gặp ông Trần Đông Lương, mà chỉ sau khi ông đã mất, tôi mới có dịp được gặp bà Thoa vợ ông.

Ồ! Đúng là muốn “dũng cảm” như ông Trần Đông Lương, khó có thể thiếu một người vợ như bà Trần Đông Lương. Chỉ qua việc bà gìn giữ và sắp xếp các tư liệu về ông đã đủ nói lên tình cảm và tinh thần trách nhiệm tuyệt vời của một người vợ nghệ sĩ. Năm 1986, ông Lương không may bị liệt nửa người, tay phải hoàn toàn không cầm được bút, thì đến năm 1989, ông đã có thể trở lại với hội họa bằng tay trái với bức tranh vẽ bằng tay trái đầu tiên nhan đề “Niềm vui”.

Dĩ nhiên, trên thực tế có không ít người vợ họa sĩ tốt, rất tốt, nhưng một người vợ dám chấp nhận cho chồng mình ra khỏi biên chế, đặc biệt ở vào một thời điểm chiến tranh đang diễn ra ác liệt trên cả nước như vậy, riêng tôi chỉ thấy có bà Trần Đông Lương.

Tôi mang máng nhớ có đọc ở đâu đó chuyện người hùng Ostrovsky, tác giả cuốn “Thép đã tôi thế đấy”, có lúc cũng phải “gian lận” thứ gì đó từa tựa như tem phiếu của ta thời bao cấp- để sống qua một thời điểm nào đó cực kỳ khó khăn. Hờ, cuộc đời này, có những khoảnh khắc “sểnh” ra là có thể “bay” luôn!

Nhắc đến bà Trọng Kiệm, bà Trần Đông Lương, tôi cũng muốn nhắc ngay ở đây đến bà vợ ông Lưu Văn Sìn, bà Phạm Thị Tuyết. Ông bà Lưu Văn Sìn có một người con, anh Lưu Tất Đạt, là liệt sĩ. Bất kể việc gì trong nhà, như từ xưa, bà Sìn hầu như đảm đương hết. Ngày xưa bà đi buôn, dọc ngang qua đò Trung Hà, chắc ngược lên các vùng từ trung du Phú Thọ đến miền núi cao. Sau bà cũng đi làm một công việc gì đó có “tổ chức”. Ông Sìn thì, trừ mấy năm dạy ở Trường Yết Kiêu, ông chỉ biết có vẽ, hay nói cách khác, về căn bản ông là họa sĩ tự do. Có một thời gian nữa, ông làm chân “phụ động” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, do ông Nguyễn Đỗ Cung giám đốc, bạn cũ của ông, giới thiệu… Khổ thêm nỗi cho bà Sìn, từ ngày ông bà mất đi người con trai, ông Sìn đâm ra suy nghĩ nhiều, rồi thành ra hơi “lẩn thẩn”, hay lẩm nhẩm, thất thần. Nhiều hôm ông đã dắt xe đi làm rồi, mang theo cả cặp lồng cơm, nhưng chỉ một lát sau bà Sìn lại thấy ông lật đật quay về, thở dài, bảo “tôi không đi nữa đâu”. Một hôm, ông kể với bà một chuyện gì đó trong có câu “mấy thằng… đểu thực”. Và rồi ông không bao giờ đi làm nữa.

Ông Lưu Văn Sìn vẽ cực đẹp, còn được gọi là “Sìn cu-lơ”, “một họa sĩ không thể để bị lãng quên”-như Lưu Công Nhân đã từng viết. Có lần, ông Sìn vẽ mấy quả hồng, hồng thối ra rồi mà ông vẫn chưa vẽ xong.

Chân dung Lê Thanh Đức do Trần Tuy vẽ năm 1997

Tóm lại, nick-name tổng hợp của ông Lưu Văn Sìn, rất đúng với con người và cuộc đời của ông: “Lâu Văn Sìn”.

Ông Sìn mất năm 1983. Đằng sau bức ảnh chụp ông gầy gò, hốc hác đang nằm bên cạnh bức chân dung Hoàng Cầm do ông vẽ năm 1956, tôi thấy có ghi dòng chữ, có lẽ của bà Sìn: “Ông Lưu Văn Sìn những ngày trước khi rời bỏ cuộc đời khổ đau”. Với bà Sìn, ông Sìn là nhất, bất kể ai nói hoặc lỡ nói điều gì không phải về ông, cho dù có thể chỉ là nói đùa, đều tuyệt đối không được, ăn “choảng” với bà ngay, không oong-đơ gì sất. Có thể vào năm 1956 hoặc 1957, vì hay tin ông Sìn đi vẽ ở Tây Bắc, mải vẽ thế nào quên cả về ăn tết, ông Nguyễn Tiến Chung có nói đùa: “Vẽ vời gì, không biết chừng ở lại trên đó để hút thuốc phiện” – mà kể từ đấy gia đình ông Lưu Văn Sìn đã từ mặt ông Nguyễn Tiến Chung, sau một cú “choảng” ông Chung của bà Sìn. Bản thân tôi cũng suýt nữa bị bà Sìn “choảng” khi tôi lỡ miệng hỏi bà về mối quan hệ “quốc dân đảng” giữa ông Sìn và ông Gia Trí ngày xưa, may bà kịp tha cho, bà bảo “nếu anh cứ nói chuyện kiểu đó tôi sẽ không tiếp chuyện anh nữa”. Bà Sìn đã được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Theo cách hiểu của tôi, danh hiệu ấy bao gồm cả công lao của bà Sìn đối với ông Sìn, khó có thể khác. Bà cũng đã mất cách đây ít năm.

… Từ 1962, sau vài năm dạy ở Trường Yết Kiêu, thuộc loại “có vết”, có lúc còn phải “đi nhổ cỏ trong sân trường” (theo lời ông Đinh Trọng Khang), ông Quang Phòng bố tôi đã bị “tống” sang Nhà xuất bản Mỹ thuật- Âm nhạc ở phố Lò Đúc, túm tụm với mấy người bạn cũ như Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Tý (là hai trong nhóm năm người “phải đi thực tế’ ở Điện Biên năm 1958 cùng với Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao). Tại đây, nhờ có một xưởng họa kha khá, Huỳnh Văn Gấm đã vẽ được một số bức tranh sơn mài nổi tiếng của ông như “Em Liên” (vẽ con gái bà Hương cán bộ Nhà xuất bản) hay “Trái tim và Nòng súng”…

Năm 1965, bố tôi đi vẽ ở chiến trường Khu 4 cũ, chủ yếu là ở Nghệ An. Trước khi đi bố tôi bị chảy máu dạ dày, song ông vẫn dứt khoát lên đường. Ông đi đâu như khoảng ba tháng, tối nào cũng viết nhật ký ghi lại những giờ phút đứng vẽ giữa đất trời mịt mù khói lửa, tiếng nổ vang rền, “sức ép dữ dội từ các khẩu pháo trung cao đang nhả đạn truyền qua không khí thổi vào quần áo bay phần phật”, và trở về Hà Nội đúng ngày bà nội tôi mất.

Hội Mỹ thuật tổ chức triển lãm bộ tranh “Nghệ An” cho bố tôi tại số 10 Hàng Đào, “mise” rất trang trọng, cẩn thận; bày được mấy hôm thì ông Quang Thọ đi vẽ ở Cồn Cỏ về, ông Thọ hô “bỏ hết, bỏ hết, nhanh, để Cồn Cỏ vào”. Kể cũng ngộ! Hay là ông Quang Thọ cho rằng chiến trường ở Cồn Cỏ, ở Quảng Bình ác liệt hơn, quan trọng hơn so với chiến trường Nghệ An?!

Năm ấy ông Quang Thọ 36 tuổi, thực là một họa sĩ trẻ có nhiều hoài bão, tài năng, hăng hái; ông lại là quân nhân, từng chiến đấu ở Trung đoàn 52 “Tây tiến”. Năm 1995, một buổi sáng sương lạnh, tôi đến thăm nhà ông ở Khu tập thể Quân đội Nam Đồng, cũng vừa để dẫn người đến chụp ảnh tranh cho ông. Vì hơi bận, tôi cũng không thể ngồi trò chuyện lâu với ông được. Ông cứ níu tôi ở lại thêm, cố uống hết cùng ông ấm trà ngon nóng hổi. Lúc này ông Quang Thọ đã 66 tuổi, tóc râu gần như đã bạc trắng, ông bảo: “Các cậu còn trẻ, lúc nào cũng vội. Nói thành thật nhé, làm nghệ thuật là không vội được đâu. Lúc nào cũng vội thì không nên làm nghệ thuật”.

… Trước khi đi Nam (cũng vào 1965), ông Thế Vinh đến gặp bố tôi để hỏi kinh nghiệm vẽ thực tế chiến trường như thế nào. Các họa sĩ ngày xưa rất cầu thị, rất hay trao đổi với nhau, thích thật. Cuộc sống thời chiến ở ta ngày ấy thực ra được tổ chức rất tốt, giờ nghĩ lại thấy rất lãng mạn, thương đất nước và nhân dân mình. Bố tôi đi chiến trường Nghệ An như thế mà mẹ tôi vẫn có thể gửi được tiền vào cho bố tôi tiêu, không biết gửi qua bưu điện hay bằng cách nào. Nhiều hôm ở trong đó bố tôi còn ung dung ngồi uống bia lạnh, rất xênh. Một số văn nghệ sĩ bạn của bố tôi cũng người vào người ra gặp nhau suốt. Ông Lê Huy Hòa còn san sẻ cho bố tôi đâu như một chút màu nước và chì than, lại còn rủ bố tôi vào nhà ông ở trong đó xem cậu em Lê Huy Quang vẽ.

Một hôm vào giữa trưa, sau khi bố tôi đã trở về Hà Nội chưa lâu, có ba người đàn ông khỏe mạnh, vạm vỡ, trông rất phong trần, đi chiếc xe bình bịch ba bánh dính đầy bùn đất đỏ quạch, đến thăm và trao cho bố tôi tờ giấy khen của Tỉnh ủy Nghệ An (hay Huyện ủy huyện Thanh Chương gì đó) vì sự đóng góp cho cuộc chiến đấu của quân và dân Nghệ An chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, kèm theo giấy khen còn có một chiếc đồng hồ đeo tay do quân và dân Nghệ An gửi tặng làm kỷ niệm. Ba người đàn ông xứ Nghệ ấy có vẻ vội vã khẩn trương lắm, họ đi rồi mà bố tôi vẫn tần ngần đứng ở ngoài ngõ nhìn theo. Đang chiến tranh mà!

Năm 1966, dựa trên một phác thảo xây dựng từ các ký họa của bố tôi vẽ ở chiến trường Nghệ An, bố tôi và ông Mai Văn Hiến đã thể hiện bằng sơn mài thành một tác phẩm làm quà tặng của nhân dân Việt Nam gửi đến Chủ tịch Cu-Ba Fidel Castro. Bố tôi và ông Hiến phải làm gấp, chủ yếu vẽ về đêm; nhà tôi chật hai ông còn phải ủ tranh trong sân bếp, trên nóc chuồng gà; có đêm ông Hiến buồn ngủ quá nằm ngủ còng queo dưới đất, tôi thấy cái lưng của ông beo béo. Cái ánh sáng đèn 200 oát sáng quắc ngày xưa, mỗi khi bố tôi làm việc đêm, tôi không bao giờ quên được.

… Khoảng 1994-1995, tôi đưa đứa cháu đến nhà ông Doãn Tuân ở phố Thợ Nhuộm để nhờ vợ ông, bà Quả, chữa mắt bị lên chắp bằng mẹo gia truyền. Ông Doãn Tuân họa sĩ vốn là cán bộ lãnh đạo ở cơ quan bố tôi ngày xưa. Ông bảo tôi: “Tao biết bố mày không hài lòng với tao, vì cho rằng tao ‘đẩy’ ông ấy vào Khu 4 là đưa ông ấy vào chỗ chết. Ừ cứ cho là như thế đi, giờ luận lại cũng chẳng ra được gì. Nhưng thử hỏi không có chuyến đi ấy, liệu bố mày có tranh về kháng chiến hay không?” Hi hi.

Điều ông Doãn Tuân nói với tôi không hẳn không có cơ sở, và chứng tỏ ông cũng rất hiểu bố tôi, bởi như bố tôi đã viết trong lý lịch tự thuật: “Năm 1951, khi tôi đang công tác ở Ty Văn hóa Yên Bái, trong một trận bom Pháp, toàn bộ tranh tôi vẽ từ Toàn quốc Kháng chiến đã bị phá hủy, tài sản cá nhân duy nhất của tôi chỉ còn đúng bộ quần áo đang mặc trên người”. Đây cũng chính là một trong những câu chuyện của bố tôi làm tôi cảm động nhất.

Về sau, khoảng đầu những năm 1970, đề phòng những bất trắc có thể gây tổn thất, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã thuê đóng và phát cho mỗi hội viên một hộp tôn kẽm khá to, kiên cố để bảo quản tranh mà cho đến nay một số họa sĩ vẫn đang tiếp tục sử dụng.

… Năm 1967, bố tôi cùng ông Huỳnh Văn Thuận đi Bắc Kinh, đi xuyên qua tết Đinh Mùi để in ba tập ký họa “Miền Nam Việt Nam: Đất nước- Con người”. Tết ấy, gia đình tôi ở lại nơi sơ tán, trong ngôi chùa thôn Yên Nội, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm. Tất cả mọi người cùng sơ tán đã về hết cả. Trước cắt tiết gà bao giờ cũng là việc của bố tôi chứ mẹ tôi không dám, bởi ông đi vắng nên thằng tôi 8 tuổi phải thay ông cắt; tôi cắt thế nào mà tiết con gà phun ra thành tia lấm đầy chiếc áo lụa mẹ tôi vừa mới may cho để diện tết, phải bỏ đi, tiếc quá!

Bố tôi và ông Thuận đi hết chừng hai tháng, về cả hai ông đều tăng cân, bố tôi lên 12-13 cân, cổ trắng hồng tròn nẫy. Đúng là “ma đói gặp cỗ”.

… Đến năm 1973 thì gia đình tôi gặp chuyện. Năm ấy, chị tôi thi đại học, đạt điểm khá cao, đủ chuẩn, vậy mà không hiểu sao sát đến ngày trường nhập học chị tôi vẫn chưa có giấy gọi. Mẹ tôi nhờ người hỏi mới bất ngờ được biết, trong hồ sơ dự thi của chị tôi, tự nhiên có ai ghi: bố tham gia Nhân văn Giai phẩm, từng vẽ khỏa thân, bị tù- đại khái là như thế. Mà vào ngày ấy, lý lịch bố mà đầy “mạng nhện” như thế thì con làm sao đi học đại học được.

Tôi đang học lớp 7, bỗng cứ thấy bố mẹ tôi đi tối đi ngày, có hôm về rất khuya, còn thấy cả ông Bảo Định Giang (hình như là Bí thư Đảng đoàn Hội liên hiệp văn học nghệ thuật), ông Chế Lan Viên dùng ô-tô con đưa đón. Cuối cùng rồi cũng ổn, chị tôi được đi học.

Hì hì, chị tôi thì được đi học, còn tôi thì phải “trả nợ”. Khoảng năm sau, ông Bảo Định Giang có thằng con tên Sơn, nghịch như quỷ sứ, chẳng chịu học hành gì, ông bèn gửi tôi phụ đạo. Thằng Sơn kém tôi chỉ một, hai tuổi. Hóa ra tôi cũng có tí khả năng “sư phạm”, bảo ban nó ngoan hơn, học khá hơn; rồi nghe đâu sau giải phóng gia đình ông Bảo Định Giang trở về miền Nam, thằng Sơn lớn lên cũng thành cán bộ an ninh.

Ông Chế Lan Viên những năm ấy đã ngoài 50, hình như có con còn nhỏ. Một thời gian ông Chế Lan Viên viết chuyên mục tâm sự về nghề văn, lấy bút danh “Chàng Văn”; cùng lúc có cô “Thanh Tâm” viết chuyên mục tâm sự về phụ nữ, gia đình; bố tôi có nói đùa với ông: “Chàng Văn sao không lấy cô Thanh Tâm mà lại lấy bà Vũ Thị Thường”.

Những năm 1980, mỗi lần ra Hà Nội họp, buổi trưa ông Chế Lan Viên thỉnh thoảng vẫn ghé qua ăn cơm với bố mẹ tôi. Trong sân nhà tôi có một cái giếng có từ thời Tây, ông rất thích rửa mặt bằng nước giếng, ông bảo: “Mát, giá có cây hoa giấy che nắng nữa nhỉ”. Mãi đến năm ngoái, khi người ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên, tôi mới được biết ông đã mất chỉ sau đó một vài năm.

Nhân đây tôi muốn kể thêm một chút: Xưa mẹ tôi làm công tác nghiệp vụ ở Quốc doanh Phát hành Sách, hay nói cụ thể hơn, là nghiên cứu kế hoạch đặt và phân phối sách. Nhà tôi nhiều sách lắm, hầu như tác giả nào ra sách cũng đều ký tặng bố mẹ tôi một cuốn. Ngày ông Chu Văn ra cuốn “Bão biển”, bố tôi mê lắm, nhất là nhân vật “chủ tịch Thất”; cứ ăn cơm trưa xong là ông ghiền, chẳng chịu ngủ nghê gì cả. Có lần, gặp ông Huy Cận, bố tôi hỏi ông: “Lạnh lắm trời ơi lạnh lắm không” (một câu trong bài Huy Cận khóc Xuân Diệu) làm ông Huy Cận bật cười đắc chí, hỏi lại: “Toa cũng đọc thơ moa à?”

Thực đáng tiếc cái tủ sách ngày xưa của nhà tôi nay đã thất tán gần hết, mà cũng phần nào do có một số người sưu tập sách bạn tôi, họ thích cuốn nào có bút tích, chữ ký của tác giả thì họ xin.

Dương Bích Liên, Trần Duy hay đọc sách triết học, văn học bằng tiếng Pháp. Ông Huy Toàn kể, vì biết ông say mê thiết kế đồ chơi cho trẻ em, có lần Dương Bích Liên còn tặng ông một cuốn sách nói về kỹ thuật chế tạo máy bay. Lê Thanh Đức thì đọc tất, đọc cả tạp chí “Khoa học và Đời sống” bằng nguyên bản tiếng Nga. Riêng Nguyễn Tư Nghiêm, từ đầu những năm 1990, hầu như bỏ đọc sách Tây, chỉ đọc sách triết học phương Đông, y văn y lý, chẳng hạn như sách của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…

Thời Nguyễn Tư Nghiêm vẫn còn “một mình”, một hôm tôi đến thăm ông thì thấy ông đang ngồi đọc sách ở cái bàn nhỏ dùng để uống nước, cuốn sách giới thiệu về hội họa Việt Nam và được in bằng tiếng Anh. Tưởng ông chỉ giỏi tiếng Pháp, tôi liều hỏi ông: “Cụ đọc được tiếng Anh ạ?” Ông cười, khẽ gật đầu, lấy tay chỉ vào một bức tranh in trong sách, hỏi: “Đây có phải tranh của Nguyễn Gia Trí thật không?” Ngày ấy ở nước ta hầu như chưa có tranh giả, tôi xem, rồi thưa với ông: “Của cụ Trí đấy ạ, cụ Trí về sau hay vẽ trừu tượng như thế”. Thế là ông lắc đầu, bảo: “Nó chẳng có gì cả, tôi xem không chịu nổi, sao ông ấy lại chán đời thế!” Phải công nhận cái nhìn về nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm bao giờ cũng rất nhất quán, hàng chục năm sau, mỗi khi bàn về tranh trừu tượng thời kỳ cuối của Nguyễn Gia Trí, ông vẫn dùng gần như đúng một câu như vậy.

Nguyễn Tư Nghiêm thực ra không thuộc mẫu nghệ sĩ bàng quan, lãnh đạm như một số nhà phê bình thường viết. Ngược lại, thế giới quan-nhân sinh quan của ông rất năng động, càng về già ông càng hưởng ứng mục tiêu “hòa đồng”. Ngoài mối quan tâm thường xuyên đến nghệ thuật, ở ngoài đời có gì cần biết ông cũng đều biết, cho dù chỉ là gián tiếp theo cách riêng của ông. Ông hay nói: “Bây giờ có một quan điểm: Thế giới này người ta đều phải sống cả!” Nghe thật thỏa sướng.

… Cuối tháng 3 năm 1975, bố tôi lại cùng ông Trịnh Phòng đi Hungary để in cuốn “Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam”, và về đến Hà Nội chỉ trước ngày 30 tháng 4 một chút. Đây là cuốn sách được biên soạn khá công phu, lớn nhất của Việt Nam cho đến thời điểm đó, nhằm tổng kết tròn 30 năm nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam (1945-1975).

Sách do Trần Văn Cẩn trình bày và thiết kế bìa, in khổ lớn và chỉ in một mặt giấy. Riêng việc tuyển chọn tác phẩm đã đủ mệt, vừa phải đạt chất lượng vừa phải đủ về mặt thành phần (ở ta bao giờ chẳng thế), rồi anh nào thì chọn một tác phẩm, anh nào hai, anh nào ba; mà chưa hết, lại còn phải chọn xem tác phẩm nào thì in màu, tác phẩm nào thì in đen trắng (vì thời ấy, kể cả với Tây, in màu hay in đen trắng là cả một vấn đề về kỹ thuật và kinh phí, người ta giúp mình đấy nhưng cũng phải có giới hạn). Bố tôi kể, ông Huỳnh Văn Thuận, khi ấy là Bí thư Đảng đoàn Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên chủ chốt của ban biên tập, cứ ngồi gật gù, lúc thì ông nhắc “bức này in màu chớ”, lúc thì “bức kia in màu làm chi”, lúc thì ông chỉ đạo “đối với những người có vị trí càng cần phải cân nhắc, không người ta lại cho rằng mình thiên vị, không công bằng, thiếu chí công vô tư”, vân vân. Vẫn còn may ngày ấy hình như ông Huỳnh Văn Thuận chưa để râu, chứ ông vừa bàn vừa vuốt râu, còn ông Trần Văn Cẩn thì lại hay cả nể, thì chẳng biết bao giờ việc mới xong.

Cuốn sách được in với số lượng lớn, đâu như bốn hay năm ngàn bản, giờ đã thành của hiếm, rất nhiều người ao ước mà không có để mua.

3. NHỮNG NĂM 1975-1986

Thời kỳ này không cách đây xa lắm nên tôi cũng muốn nhanh về đích. Vả tôi cũng đã viết vượt quá khuôn khổ thông thường của một bài báo.

Năm 1975, tôi vẫn nhớ, dường như chắc chắn, Đài Truyền hình Việt Nam chiếu bộ phim “Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân” do Liên Xô sản xuất, 12 tập, bắt đầu chiếu từ trước ngày 30 tháng 4 và sau ngày 30 tháng 4 mới chiếu hết. Ngày ấy nhà tôi chưa có ti-vi, cứ hôm nào có phim thì ông Phạm Văn Đôn ở trên gác lại gọi bố con tôi lên xem. Ông Đôn, bà Nguyễn Thị Kim, bố tôi và tôi đều mê xem phim, tôi được bầu là mê nhất. Ngày xưa, các rạp thường chiếu phim tài liệu trước khi chiếu phim truyện, dịp tết thì toàn chiếu thần thoại. Hồi tôi khoảng 10 tuổi, có lần tôi một mình đi xem phim “chiêu đãi” ở một hội trường giống như nhà ăn tập thể, người ta chiếu muộn quá, tôi nằm đợi ở trên bàn rồi ngủ thiếp đi, hết phim khi người xem ra về ồn ào mới sực tỉnh dậy, ngơ ngác chẳng biết mình đang ở đâu.

Ôi, cái tiếng tích tắc, tích tắc, tích tắc của chiếc đồng hồ trong bộ phim “Mười bảy khoảnh khắc” ấy sao cứ như đang đồng nhịp với chiếc đồng hồ lịch sử ở nước ta vào thời điểm đó …

Năm 1976, tháng 3, tôi và ông An Chương đi tiễn bố tôi sang Sân bay Gia Lâm để bố tôi đi nhờ máy bay vận tải, hình như là C130, vào Sài Gòn, mang theo khá nhiều tranh của các họa sĩ miền Bắc để trưng bày cho nhân dân miền Nam xem. Triển lãm ở Sài Gòn xong còn lưu động lên tận Đà Lạt.

Ngày ấy tại các phòng triển lãm, người xem ghi cảm tưởng trên những tờ giấy rời in thành mẫu từa tựa như “phiếu thăm dò dư luận” chứ không ghi vào quyển sổ như bây giờ. Họ lại rất “hồn nhiên”, thích gì thì khen, không thích thì chê, chẳng khách sáo gì. Hì hì, vì vậy, đôi khi ban tổ chức đành phải “giấu” đi những tờ ghi cảm tưởng có vẻ “bất lợi” cho cái chung hoặc có tác động tâm lý không tốt đến các tác giả nghệ sĩ. Hơi khác với bây giờ, các nghệ sĩ chỉ được người xem khen, thậm chí “bốc” lên tưng bừng.

Tôi không còn nhớ mấy năm đầu ở thời kỳ này tại các phòng triển lãm có còn bán vé vào xem nữa hay không, nhưng trước thì có, cứ đâu như khoảng 5 xu đến 1 hào 1 vé, bao giờ cũng bằng giá bơm xe đạp, tương đương khoảng 5-10 ngàn đồng bây giờ.

Giờ mới vỡ ra các cụ ngày xưa “khuấy” giỏi thật, hầu như năm nào cũng có phòng tranh tết ở nhà triển lãm phố Hàng Bài, có năm còn treo hai cái đèn lồng lớn đỏ chót dưới mái hiên trước cửa, buổi tối sáng lung linh, khiến ông Bổng “sưu tập” (Bổng “Hàng Buồm”)- một người sành chơi- khoái trá, mặt sướng cứ như mếu, rên rỉ: “Úi giùi ui!”

… Ông Nguyễn Tiến Chung trong thời gian phải nằm điều trị ở Việt-Xô, hình như ông bị bệnh hen, thỉnh thoảng lại trốn viện, tót về nhà cô cháu Hồng Hải ở phố Huế, chỉ đạo cô cháu thể hiện bức tranh sơn mài “Nguyễn Du đi câu”. Ông đặt nhiều kỳ vọng vào bản thể hiện thứ hai, thứ ba này lắm, vì mấy lần trước có thể ông chưa thật ưng ý. Ông bảo với cô Hồng Hải: “Phải làm sao cho ra được cái ánh sáng và không khí tinh khiết của lúc 5 giờ sáng.” Rồi mỗi khi quay trở vào bệnh viện, ông đều ngoái lại, giơ một bàn tay xòe năm ngón, nhắc: “Nhớ! 5 giờ sáng”…

Ông Nguyễn Tiến Chung theo đạo Phật, hình như ông hay nói câu: “một giờ thiền bằng bảy ngày tập thể dục”. Ngày tôi ở nơi sơ tán, thỉnh thoảng trên đường đón tôi về, bố con tôi lại rẽ vào làng Tây Hồ để thăm ông Nguyễn Tiến Chung. Nhà ông ở ven hồ Tây, gió từ hồ thổi vào mát rười rượi … Trước 1975, ở hội trường 51 Trần Hưng Đạo, vào sáng chủ nhật, đôi khi có tổ chức chiếu phim dương bản (slide) các tác phẩm hội họa nổi tiếng trên thế giới. Một lần đi xem về, ông Nguyễn Tiến Chung tạt vào nhà tôi chơi, ông cứ vừa vẩy tay như người chèo thuyền vừa than: “Vứt, vứt hết, vứt mau, xem Tây người ta vẽ kia kìa, da thịt ra da thịt, chứ mình bậc thầy bậc bà gì, vẽ trông cứ như gỗ”. Đáng yêu thế cơ chứ! Giá bây giờ có ai lấy câu này của ông Chung làm đề tài nghiên cứu nhỉ?

Ông Nguyễn Tiến Chung mất năm 1976.

Ồ lạ, không hiểu căn cứ vào đâu mà từ lâu người ta cứ ghi ông Phan Thông mất năm 1976? Thậm chí đã có người viết: Nếu Phan Thông không mất vào năm 1976, ông có thể còn vẽ thêm nhiều tranh lụa đẹp!

Nào, ông Phan Thông mất vào năm nào? Xin thưa: Ông Phan Thông còn thọ hơn thế đến 11 năm, ông mất năm 1987- một chín tám bảy (đây là thông tin do chính con trai ông Phan Thông cung cấp vào năm 1993 và kể từ đó đã được sử dụng trong nhiều cuốn sách). Ông Phan Thông không chỉ nổi tiếng về vẽ, ông còn nổi tiếng vì có ông em hay ông anh là bác sĩ nha khoa nổi tiếng tên là Phan Long. Bởi vậy, có một số họa sĩ răng chẳng ra làm sao thường phải nhờ ông Phan Thông giới thiệu gặp ông Phan Long. Ông Phan Long hay dặn: Muốn giồng răng thật (không khéo còn hơn răng giả “implant” bây giờ) thì phải chịu khó “trực chiến” ở Hà Nội, không được đi đâu cả, đợi ông xin được răng của… thì ông gọi đến giồng cho, vì thứ răng này không thể để lâu được.

Lại nói chuyện “bệnh viện”. Một hôm ông Trần Văn Cẩn ghé vào chơi với bố tôi. Ngồi một lát, chờ bố tôi sang ông hàng xóm mượn hộ ông cái điếu cày, hút xong, ông mới vào chuyện. Ông bảo: “Ông Cung vừa ‘quậy’ trong bệnh viện”. Bố tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Ông Cung sao lại quậy?” Ông Cẩn mới kể: Ông Nguyễn Đỗ Cung ốm nằm ở Việt-Xô. Hôm qua hay hôm kia ông ấy mệt quá, không tự ăn được, cô nhân viên bệnh viện phải giúp ông ấy ăn. Đúng lúc cô ấy “ra lệnh” cho ông Cung “há mồm ra”, ông Cung tức thì nổi cơn tam bành hất bát cháo đổ tung tóe, rồi cứ thế ông vừa tung hê gối chăn màn vừa la “tôi đi làm cách mạng để bây giờ các chị đối xử với tôi như thế này hả? hả? hả?” Phản ứng của ông Cung mạnh tới mức ban giám đốc bệnh viện lo cuống cuồng phải kéo đến tận giường bệnh để xin lỗi ông. “Sao lúc ấy tự nhiên ông Cung lại khỏe thế?”- ông Cẩn ra chiều hỏi. “Hay đấy mới là cách người ta chữa bệnh cho ông Cung?”- bố tôi trả lời.

Ông Nguyễn Đỗ Cung sống thanh bạch theo phong cách nhà nho. Thời gian ông làm giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật, đi làm bao giờ ông cũng đem theo đồ ăn trưa, khiến các cán bộ trẻ ở cùng cơ quan hầu như không bao giờ mời được ông cùng “thù tạc, chè chén”, mà có thể vì thế ông lại bị thành kiến “xa rời” quần chúng anh em, “làm khó” cho họ.

Cứ chiều chiều, hết giờ làm việc, ông Cung lại thư thái đạp chiếc xe đạp Phượng Hoàng nữ màu xanh rêu đi thăm các bạn nghệ sĩ, gặp ai có gì hay hay, ông lại bảo: “Để bảo tàng giữ cho”. Giữa ông Cung và Nguyễn Tư Nghiêm có “xung đột”, nhưng về sau biết Nguyễn Tư Nghiêm hay xé tranh, ông Cung đã trân trọng đề nghị: “Anh đừng xé tranh nữa, bức nào anh định xé thì anh đưa tôi” … Trong các di sản văn hóa của thời bao cấp, có thể nói, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do Nguyễn Đỗ Cung sáng lập và xây dựng là một trong số ít các công trình quan trọng và có giá trị bậc nhất.

Ông Nguyễn Đỗ Cung mất năm 1977.

* * *

 

Năm 1977 cũng là năm Nguyễn Sáng cưới vợ, cô Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1955. Bố cô Thủy, ông Nguyễn Tuynh, sinh năm 1923, cùng tuổi với Nguyễn Sáng, nhà ở phố Lò Đúc, làm thợ điện ở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Nhà cô Thủy ở gần nhà một người làm nghề đạp xích-lô, ông ấy hay ghếch chiếc xích-lô của ông sang phía nhà cô Thủy; chỉ có thế thôi mà có người viết thành bố cô Thủy vợ Nguyễn Sáng “đạp xích-lô” và Nguyễn Sáng là con rể của “ông đạp xích-lô”. Đạp hay không đạp xích-lô đều không sao cả, chỉ đáng trách giữa thanh thiên bạch nhật và giữa Hà Nội Thủ đô mà người ta “làm sử” như thế đấy.

Nguyễn Sáng và cô Thủy yêu thương nhau lắm. Ngày cưới chú rể Nguyễn Sáng mặc com-lê ôm hoa vào bệnh viện trao cho cô dâu. Cô Thủy bị bệnh thiếu ka-li trong máu. Cưới Nguyễn Sáng được hai năm thì cô Thủy mất, và trên thực tế, hai người chỉ được sống chung với nhau đúng 11 tháng, tại một căn nhà cấp 4 lợp tôn ở Gò Nổi, Cầu Bông (đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi cô Thủy mất, Nguyễn Sáng trở lại Hà Nội, về lại căn phòng cũ 13 thước vuông của ông ở phố Nguyễn Thái Học. Có hôm, Nguyễn Sáng uống rượu ở quán, say quá, người ta phải báo cho anh Hưng, em vợ ông, đến đón. Anh Hưng kiến nghị với anh rể: “Anh muốn uống rượu thì để em mua rượu về nhà cho anh. Anh đừng uống ngoài quán như thế này nữa.” Không ngờ Nguyễn Sáng trả lời: “Em giết anh thì em cứ giết, còn rượu uống ở nhà thì anh không uống”.

Nguyễn Sáng nói đúng! Uống rượu ngoài quán dường như là phương thức để Nguyễn Sáng trực tiếp thấy và trải nghiệm cuộc sống, khác với Nguyễn Tư Nghiêm “trước uống ở quán sau chỉ uống ở nhà”. Có thể ít nhiều vì thế nghệ thuật của hai ông vốn đã khác nhau càng về sau càng khác. Nguyễn Sáng vẽ bằng “chất men bên trong” và cả chất men kích thích từ bên ngoài, thiếu một trong hai cái ấy thì không thành được Nguyễn Sáng.

Cũng vào năm 1977, ông Hoàng Công Luận, sau 19 năm làm việc ở mỏ than Quảng Ninh, về nhận công tác mới ở Hà Nội. Ông gầy cao lêu nghêu, nghèo không bịt đâu cho hết. Ông hay phẫn uất bảo: “Nguyễn Sáng lương 90 đồng, muốn vẽ thì vẽ, không vẽ thì uống, cớ sao người ta cứ ca Nguyễn Sáng khổ?” Câu thắc mắc này của ông Luận có phần đúng. Không như Nguyễn Sáng hoạt động ở tổ sáng tác Hội Mỹ thuật mà về căn bản là được tự do, đa số các họa sĩ ngày ấy đều phải đi làm ở cơ quan suốt cả ngày, lại phải lo nuôi gia đình, phấn đấu lắm lương cũng chỉ đến 70, 80 đồng là vênh rồi… Song, phần không hẳn đúng: Nguyễn Sáng sống một thân một mình, ngoại trừ hai năm sống cùng vợ, Nguyễn Sáng cũng phải tiêu tiền chứ, mà lo cho cuộc sống một mình thì bao giờ chẳng tốn hơn, chưa kể cái tính “bạt mạng” thường hay có ở một nghệ sĩ cỡ như Nguyễn Sáng!? Hừm, bác Hoàng Công Luận ơi, bác chẳng thông cảm gì cả, nghệ sĩ mà không được “bôi” thêm khổ thì “chúng em” đây cũng khó thêu nên truyền thuyết, phải không hả bác?

* * *

Cuối 1979, một buổi trưa bố tôi đưa một người bạn về nhà tôi ăn cơm, gọi tên ông là “Kỳ Ngung”. Theo bố tôi kể: ông Kỳ Ngung xưa là tài tử nổi tiếng đẹp, hào hoa, đặc biệt khi ông mặc bộ ka-ki lính tráng kiểu Mỹ màu cỏ úa… Có lẽ đến nay ông Kỳ Ngung đã hoàn toàn bị lãng quên, nên tôi muốn nhắc lại mấy dòng về ông.

Tôi không rõ vì sao dạo ấy ông Kỳ Ngung khổ sở, còn phải đem cả tẩu hút thuốc gạ bán cho ông Phạm Viết Song?

Thế rồi, khoảng 1981-1982, trong một lần từ đơn vị về Hà Nội công tác, tình cờ tôi gặp ông Kỳ Ngung tại một quán nước chè ở gần nhà tôi, quán bà Tuôi, và không thể ngờ được, trông ông tiều tụy, rách rưới. Nghe người xung quanh nói ông hay qua đây, hình như là dân “cầu bơ”!!! Tôi mời ông chỉ có chén nước mà ông cứ cảm ơn mãi. Rồi lạ ghê, sau đó khoảng 5-7 năm nữa, một hôm, lại một hôm, bố tôi phấn khởi báo tin: “Ông Kỳ Ngung sang Bỉ rồi, giờ chắc đang thắt cà-vạt đỏ, áo ca-rô, chễm chệ ngồi ngậm tẩu, uống uýt-ki, bắt chân chữ ngũ. Tay ấy không được thế mới là sự lạ”.

He he, chịu, không thể cắt nghĩa được số phận của con người.

… Ông Quang Phòng bố tôi quảng giao lắm, ở đâu, bất kỳ lĩnh vực văn nghệ nào ông dường như cũng đều có những người bạn thân thiết, cả “hồng” cả “xám”, giàu-nghèo, có lẽ chỉ trừ ngành múa. Nhà tôi chẳng dư dả gì nhưng bố tôi rất hay mời bạn về nhà ăn cơm, lúc nào mẹ tôi tỏ vẻ dửng dưng thì ông bảo “cứ yên tâm, hết bao nhiêu để tôi trả riêng”. Quê gốc bố tôi ở Thái Bình, ông cũng hay khuyến cáo mẹ tôi: “Phụ nữ Thái Bình bây giờ không biết thế nào, chứ ngày xưa họ mà đãi khách, mâm cơm cứ phải cao tú hụ, ăn bò lê bò càng, khách ăn không hết có khi họ còn khóc”. Gặp ai “đơn thân” ông cũng thường hứa làm mai, mà có đôi lần ông đã trở thành ông mai vui tính mát tay thực sự. Kể cũng tội nghiệp cho ông, hay thích làm cho bạn mình vui, vô tư, chứ không bao giờ dám nhờ ai cái gì cho bản thân. Năm 2005, tại đám tang ông Phạm Viết Song, bố tôi đã trách anh Bằng Việt: “Sao cho đến tận bây giờ các cậu vẫn chưa làm gì để ghi công lao của ông ấy đối với phong trào mỹ thuật Thủ đô?”

Sau khi ông Phạm Viết Song mất, cứ hễ đến ngày mùng 2 tết dương lịch bố tôi lại ngậm ngùi nhắc đến ông, vì đó là ngày sinh nhật ông Song và cũng là ngày ông Song lấy làm ngày “truyền thống” thết đãi bạn bè, bao giờ cũng rất thịnh tình và thịnh soạn.

Năm trước khi bố tôi mất, tôi có hỏi ông “có tiếc gì không”, ông trả lời “chẳng tiếc gì, nếu có thì chỉ tiếc chẳng còn cơ quan nào làm ma cho”. Lúc ấy, Nhà xuất bản Văn hóa, tiền thân là Nhà xuất bản Mỹ thuật-Âm nhạc, nơi bố tôi đã làm việc suốt 25 năm cho đến khi nghỉ hưu, hình như đã giải thể.

Đến lúc bố tôi ra đi thật rồi, chị em tôi bực mình quá, vì mẹ tôi đã “tự tiện” gọi cho một người học trò cũ của bố tôi, lúc đó đang làm “quan to”, nhờ ông ấy đọc điếu văn; ông ấy rất thương thầy và muốn nhận đọc, chỉ hiềm nỗi, ông ấy bảo “về mặt thủ tục, cần có giấy đề nghị của gia đình”. Hì hì, thật là…

Anh Đặng Thái Hoàng có kể tôi nghe: Năm cụ Đặng Thai Mai mất (1984), hình như có “ai đó” thấy báo chí “tuyên truyền, ca ngợi nhiều quá về cụ”, bèn lên tiếng rằng “đủ rồi đấy!”

 

Anh Hoàng còn tâm sự: “Đám tang văn minh nhất là đám tang chỉ có mặt vài người, và diễn ra trong im lặng”. Đây chắc hẳn không chỉ là điều anh đã đọc được trong sách vở, mà còn được anh chiêm nghiệm qua thực tế.

Những con người “cũ” dường như ít nhiều đều “lạ lùng”. Ông Trần Duy kể: “Tôi có ông bạn quen, sắp chết đến nơi rồi, thở không ra, vẫn còn cố hỏi, chuyện khen thưởng làm đến đâu rồi.”

* * *

Thị trường. Năm 1981, đúng tết Tân Dậu, ông Ngọc Linh mở triển lãm “Tất cả cho mùa xuân” ở 16 Ngô Quyền. Triển lãm của ông mời được đầy đủ: ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Nguyên Giáp, đến xem. Ông Trường Chinh chăm chú xem từng bức, cứ đến bức nào vẽ phụ nữ, phụ nữ “nuy”, ông đều nhíu mày, hỏi: “Cái gì thế này?”- làm ông Ngọc Linh cứ giật mình thon thót, phải trả lời bằng những nụ cười trừ tươi như hoa.

Chà chà, tại triển lãm lúc ấy ông Ngọc Linh bày chủ yếu là tranh bột màu, nhưng có bức ông đề giá lên tới hàng ngàn đồng (lúc ấy tôi đã đi bộ đội, chỉ nhớ năm 1979 học bổng đại học có 18 đồng, một bát phở giữa trung tâm Hà Nội khoảng 5 hào hay 1 đồng gì đó, ai gọi cộng thêm 1-2 hào thì cứ phải kín đáo nhìn xem những người chung quanh họ có đàm tiếu gì không).

Ấy mà tranh của ông Ngọc Linh lại bán được. Ông có một ông khách người Bỉ, nghe đâu như là đại diện lâm thời của Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, có “trụ sở” đặt tạm ở Khách sạn Métropole-Thống Nhất, tên là ông Petit. Ông Petit rất thích tranh Ngọc Linh, ông ấy lại lắm tiền; về sau hình như ông Petit lên đến chức đại sứ Bỉ ở Trung Quốc, và vẫn giữ mối liên lạc với ông Ngọc Linh.

Ông Mai Long thì triển lãm cá nhân tranh lụa ba lần ở Moskva (1980, 1988, 1990), một lần ở Paris (1990). Tại Moskva, tranh của ông được người ta mua tất. Ông còn được mời biểu diễn trực tiếp môn vẽ tranh lụa cho người ta xem. Tiền bán tranh ông dùng mua đất xây nhà to tướng ở giữa làng Ngọc Hà, đi xe Honda, tóc ria để dài đen lanh lánh. Chẳng bù cho ông Trần Lưu Hậu, bạn chí cốt của ông, ngày ấy vẫn còn “teo”, “đi qua cửa nhà đã ngửi thấy mùi nghèo”, như về sau ông Hậu kể.

Sông có khúc người có lúc, ông Trần Lưu Hậu đúng là có hậu, lại còn “lưu hậu”. Từ cuối những năm 1980, ông bỏ hẳn vẽ lụa, chỉ chuyên hẳn vào bột màu, sơn dầu, sơn nước. Nghệ thuật của ông ngày càng sung mãn, cuộc sống của ông ngày càng sung túc, hiếm ai bằng.

Quãng 1985-1986, một bà đầm, không biết đầm tư bản hay đầm xã hội chủ nghĩa, hớt hơ hớt hải khắp nơi hỏi thăm một ông họa sĩ tên là Lê Cửu. Ông họa sĩ bà đầm cần tìm không được nổi tiếng cho lắm nên bà đầm đâm ra vất vả, mãi sau mới gặp được ông. Ông Lê Cửu công tác ở Công ty Mỹ thuật Hà Nội có trụ sở đóng trên phố Tràng Tiền. Ông hay vẽ tranh phố bằng màu nước, rất có điệu, cứ nâu nâu vàng vàng xam xám… Ấy ông Lê Cửu, ngày làm việc thì ông đi làm, ngày chủ nhật nghỉ làm thì ông đạp xe đi vẽ, “hậu cần” chỉ có và thường xuyên chỉ có một gói xôi do vợ ông chuẩn bị cho, đi từ sáng cho đến chiều cũng chỉ có thế, còn thế nào thì mặc ông, miễn là có tranh mang về “nộp”. Tranh của ông bán được, nhiều là đằng khác. Lần gần đây nhất tôi nhìn thấy ông Lê Cửu là thấy trong ảnh, thì ra ông học cùng khóa hội họa tại chức Yết Kiêu với Trần Khánh Chương, Nguyễn Đức Thọ, giờ ông cũng phải gần 80.

 

* * *

Học thuật. Đầu những năm 1990, ông Lê Thanh Đức thường bảo tôi: Ngày ông học ở Liên Xô (1955-1960) ông sướng lắm. Ăn uống thì thoải mái, ăn theo nhu cầu; cắm bàn là, vì là điện 220, đèn treo trên trần vẫn sáng choang; bảo tàng, sách vở thì vô biên… Và ông kết luận: “Theo tớ, nếu không có nghệ thuật Xô-viết, nghệ thuật Nga Xô-viết thì thế giới cũng gay. Phải gọi đó là thành trì của chủ nghĩa nhân bản.”

Ông Lê Thanh Đức rất yêu Van Gogh, năm 1985, ông đã từng ra sách viết về Van Gogh, một họa sĩ nhân văn chủ nghĩa sống trong thế giới tư bản.

Tóm lại, dù tư bản hay xã hội chủ nghĩa, với ông Lê Thanh Đức, vấn đề nhân bản vẫn là vấn đề cốt lõi của nghệ thuật. Okay!

Thế rồi, cũng vào những năm ấy, ở tư cách của nhà phổ biến “văn hóa thị giác” gần như là đầu tiên ở nước ta, ông Lê Thanh Đức lại tiếp tục ra cuốn “Nghệ thuật mô-đéc và hậu mô-đéc”. Quả nhiên, Lê Thanh Đức là một người làm việc không biết mệt mỏi, “ăn giả làm thật”, xông xáo vào nhiều lĩnh vực. Ông biết tới ba ngoại ngữ Anh-Pháp-Nga, dịch ngược dịch xuôi đều được. Ngoài hội họa, đồ họa, ông còn nghiên cứu sâu về nhiếp ảnh, design. Vốn là một họa sĩ thiết kế trang trí điện ảnh lão luyện, Lê Thanh Đức đã được đạo diễn nổi tiếng người Pháp Schoendoerffer mời làm một trong hai nhà thiết kế chính cho bộ phim “Điện Biên Phủ” (1992).

Ông Lê Thanh Đức là anh vợ ông Trần Duy, hay nói cách khác, ông Trần Duy là em rể ông Lê Thanh Đức. Lê Thanh Đức thì sôi nổi, Trần Duy thì trầm tư. Trong những người bạn vong niên đã khuất của tôi, ông Trần Duy và ông Lê Thanh Đức là hai người tôi có nhiều kỷ niệm nhất, thương nhớ nhất.

Chỉ có duy nhất một điều mà đến nay tôi vẫn thắc mắc ở ông Lê Thanh Đức: Tại sao khi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa bị “bổ”, “bổ” ngay ở Việt Nam (khoảng 1984-1985), hình như không thấy ông lên tiếng gì?!

Hoặc ngay từ năm 1980, khi triển lãm cá nhân lần đầu tiên của Trần Văn Cẩn- người được coi là nhân vật lãnh đạo phong trào nghệ thuật tạo hình hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam- bị một nhà phê bình chê, bóng gió công khai rằng Trần Văn Cẩn “thất bại, không biết cách vẽ”, hình như cũng không nghe thấy ông Lê Thanh Đức nói gì?! Về sau ông còn bảo tôi: “Hội họa Trần Văn Cẩn như cơn gió thoảng”.

Nếu ông Lê Thanh Đức nói câu “nghệ thuật Xô-viết là thành trì” như tôi vừa kể ở trên trước khi xảy ra những sự kiện này, thì tôi đã chẳng có lý do gì để thắc mắc về ông cả. Lê Thanh Đức, rốt cuộc, là một người biện chứng(?)

Đúng, ông Trần Văn Cẩn đã có lần bực tức nói: “Tôi đếu phải họa sĩ hiện thực” – song ông vẫn là một nghệ sĩ đích thực theo chủ nghĩa nhân văn. Bất giác tôi nghĩ: cuốn “Vietnamese Contemporary Painters”- có lẽ chính là cuốn sách ông Trần Văn Cẩn biên soạn để khẳng định lần cuối cùng quan điểm của riêng ông về chủ nghĩa nhân văn ấy. Thời của Trần Văn Cẩn, cũng như của nhiều nghệ sĩ thế hệ ông, dường như đã qua, cái còn là những giá trị nghệ thuật đích thực…

* * *

1964- Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, chiến tranh phá hoại lần thứ nhất nổ ra, 1972- B52 ném bom Hà Nội, rồi đổi tiền lần thứ nhất, rồi lại đổi tiền lần thứ hai, vân vân. “Thời xa vắng” ấy dường như đã dần khép lại. Hòa bình xen lẫn chiến tranh bất chợt, yên bình xen lẫn biết bao xáo trộn- ở lớp tuổi chúng tôi, “được” mà cũng “phải” chứng kiến rất nhiều, nghe thấy nhiều- để khi về chiều cũng có nhiều cái để nhớ, để nghĩ, và để màng màng nhận ra ý nghĩa tối hậu của cuộc sống là gì.

“Xuân đến xuân đi xuân lại lại”. Nhưng không bao giờ “lặp lại”. Đấy phải chăng là sự quyến rũ bao giờ cũng bí ẩn của vạn vật, nhất là của mùa xuân!?

Chào Xuân Mới Nhâm Dần 2022!

The two most powerful warriors are patience and time.

Hai chiến binh dũng mãnh nhất

là sự kiên nhẫn và thời gian.

 

                                                                                                                                                                                                                                                   (Leo Tolstoy)

 

 

 

Ecopark, ngày 22 tháng 12 năm 2021

            Quang Việt

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter