• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Toàn văn phát biểu bế mạc của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 (mở rộng)
Ngày xuất bản: 05/01/2021 3:24:00 CH

 

 Sáng nay- 5/1, tiếp tục chương trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 (mở rộng), các đại biểu nghe trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các ý kiến thảo luận tại tổ; tiếp tục thảo luận tại hội trường, thông qua Nghị quyết Hội nghị và tiến hành bế mạc. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu bế mạc Hội nghị. Trang VHNT Yên Bái điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu bế mạc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu bế mạc Hội nghị.

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh,

Thưa các đồng chí đại biểu các ban Đảng Trung ương,

Thưa toàn thể các đồng chí!

Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX (mở rộng) đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện như sau:

1. Về nội dung dự thảo các nghị quyết chuyên đề

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất với nội dung tờ trình và dự thảo các nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trình tại Hội nghị. Các nghị quyết đã đưa ra các quan điểm, mục tiêu, hệ thống chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, cụ thể hóa được quan điểm, định hướng mà Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã xác định.

Nội dung các nghị quyết được xây dựng khoa học, sát thực, đồng bộ; hệ thống nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện các nghị quyết tương đối toàn diện, đảm bảo tính khả thi cao. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia thảo luận để hoàn thiện, sớm ban hành và tổ chức thực hiện. Tôi xin nêu một số vấn đề cụ thể như sau:

(1) Về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững

Với đặc thù là tỉnh miền núi, tỷ lệ dân số nông thôn chiếm gần 80%, lao động nông nghiệp chiếm gần 60% lực lượng lao động toàn tỉnh; nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò vai trò là một trong ba trụ cột quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn, như trong thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững là yêu cầu tất yếu, là nhiệm vụ quan trọng những năm tới.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ, đó là:

Các cơ chế, chính sách thời gian qua chủ yếu tập trung hỗ trợ hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng năng suất, sản lượng mà chưa chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm; mới tập trung hỗ trợ đầu vào, cho khâu sản xuất là chủ yếu, chưa chú trọng hỗ trợ đầu ra cho các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thức tổ chức sản xuất chưa có sự đổi mới mạnh mẽ, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác bước đầu hình thành nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn; tổ chức sản xuất đa số có quy mô vừa và nhỏ lẻ, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị; sản phẩm chất lượng cao, có chứng nhận an toàn chưa nhiều, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định...

Từ đó đặt ra yêu cầu thay đổi tư duy phát triển ngành nông nghiệp, chuyển từ mô hình sản xuất nông nghiệp với diện tích lớn, sản lượng cao nhưng thiếu bền vững, giá trị còn thấp, thị trường đầu ra không ổn định sang phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm theo chuỗi giá trị, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển nông nghiệp đa chức năng gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, du lịch, phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, giải quyết việc làm khu vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, OCOP của tỉnh.

Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương; đồng thời ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của địa phương theo hướng giảm hỗ trợ đầu vào, tăng hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ cho hộ và nhóm hộ, tăng hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; giảm hỗ trợ khâu sản xuất, tăng hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; giảm hỗ trợ cho từng khâu riêng biệt, tăng hỗ trợ cho các dự án theo chuỗi...

Phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và ngành nghề nông thôn; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; kết hợp với các biện pháp đổi mới tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp theo chuỗi giá trị; chú trọng phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và các hộ sản xuất.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, đồng bộ, vững chắc; trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người dân nông thôn, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nông thôn mới phải tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã trong tỉnh; có kế thừa, lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai sâu rộng ở nông thôn.

Quan tâm lồng ghép các nguồn lực tăng cường đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từng bước phát triển hạ tầng và dịch vụ, du lịch nông thôn theo hướng văn minh, môi trường cảnh quan, không gian xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn.

Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt trên 4,5%; thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác nông nghiệp tập trung tăng lên 150 triệu đồng/ha. Đến năm 2025, có 126 xã, 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

(2) Về một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng gia đình, cộng đồng, cá nhân người dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".

Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục ưu tiên các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sáng phát triển toàn diện "đức, trí, thể, mỹ", chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho người học.

Tiếp tục quan tâm giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục mũi nhọn và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học.

Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, thân thiện; xây dựng lớp học, trường học hạnh phúc. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo các đơn vị giáo dục - đào tạo công lập, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục hướng đến mục tiêu giáo dục chất lượng cao.

Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động xã hội. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên toàn diện về năng lực và đạo đức nghề nghiệp... đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số cơ bản của giáo dục Yên Bái cao hơn mức trung bình cả nước.

(3) Về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025

Nguồn nhân lực có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là trong bối cảnh sự phát triển của khoa học, công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh càng đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần đặc biệt quan tâm.

Trong những năm qua, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, đạt được những kết quả bước đầu, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, về cơ bản, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn hạn chế; trình độ, chất lượng, năng suất lao động còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia, công nhân kỹ thuật bậc cao còn thiếu so với nhu cầu; nhân lực trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 là xây dựng nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái có đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn; từng bước hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là ở các khu vực, lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn.

Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đảm bảo hài hòa về cơ cấu và cân đối về nhân lực theo ngành, lĩnh vực và theo vùng. Phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực phải gắn kết và đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ quan trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và thị trường lao động. Chú trọng thu hút, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

(4) Về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025

Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh những năm qua. Trong đó đã tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương và các công trình quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ được quan tâm đầu tư, xây dựng, ngày càng vững chắc. Công tác luyện tập, hoạt động diễn tập, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu được thực hiện tốt. Sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang tỉnh không ngừng được nâng lên.

Đã chủ động nắm chắc tình hình, thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo giữ vững an ninh chính trị; tấn công trấn áp có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Lực lượng vũ trang tỉnh luôn tích cực, chủ động, trách nhiệm trong phối hợp, huy động lực lượng tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất với những nội dung Nghị quyết về bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc phục vụ các nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

(5) Về phát triển thành phố Yên Bái

Với vị trí là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh, thành phố Yên Bái cần được tập trung xây dựng, phát triển về mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và hệ thống chính trị, xứng tầm là đô thị trung tâm, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Các nhiệm vụ, giải pháp cần dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố Yên Bái, định hướng xây dựng và phát triển thành phố Yên Bái trở thành đô thị động lực của vùng Tây Bắc theo hướng đô thị "xanh, bản sắc, hạnh phúc", cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng phát triển tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các ngành thương mại - dịch vụ hiện đại, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại gắn với quản lý đô thị thông minh; bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Mục tiêu đưa thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II trước năm 2025 và cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2030.

Thưa các đồng chí!

Đây là những nghị quyết rất quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương cần nhanh chóng quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thành chương trình, kế hoạch hành động của cấp mình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đảm bảo tính khả thi cao để triển khai thực hiện. Đồng thời, theo nhiệm vụ được phân công, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh cần nhanh chóng hoàn thiện, ban hành các đề án, chính sách ban hành trong năm 2021, xây dựng các chương trình, kế hoạch triển thực hiện các nghị quyết đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đề ra.

2. Về Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung tờ trình và dự thảo Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thống nhất giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia thảo luận để hoàn thiện, sớm ban hành và tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì hoặc phối hợp chuẩn bị các nội dung phục vụ các Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy căn cứ các nhiệm vụ và thời gian, tiến độ yêu cầu để cụ thể hóa trong kế hoạch làm việc của cơ quan, đơn vị mình bảo đảm chủ động hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Chúng ta đã bước vào những ngày đầu của năm mới 2021, năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp với rất nhiều nhiệm vụ quan trọng cần tập trung triển khai thực hiện.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, nhất là đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cùng với toàn Đảng bộ tỉnh nỗ lực phấn đấu, đổi mới tư duy, tích cực triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, không để ách tắc công việc, nhằm khích lệ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân hăng hái, tích cực triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm mới, tạo khí thế mạnh mẽ, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Với tinh thần đó, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe toàn thể các đồng chí!

Năm mới thắng lợi mới!

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter