• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943) đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (XI/1946) và sự phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày xuất bản: 24/12/2021 10:15:00 SA

 PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện

Tại Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng ngày 25/3/1943, Đảng đã ra nghị quyết riêng đầu tiên về văn hóa, văn nghệ, trong đó chủ trương “Đảng cần phải gây ra những tổ chức văn hóa cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hóa trí thức”.(1)

Trong Hội nghị nói trên, Đề cương về văn hóa Việt Nam, do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Thường vụ Trung ương Đảng thông qua, lưu hành trong hoàn cảnh bí mật.

Triển khai thực hiện các nội dung cơ bản mà Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đã nêu ra từ giữa năm 1943, Đảng khẩn trương tổ chức các cấp của Hội Văn hóa cứu quốc từ các địa phương, cơ sở tỉnh thành, miền vùng, khu vực còn được tiếp tục mở rộng cả sang những năm đầu sau cách mạng tháng 8/1945, (1946-1947).

Trước và trong Đại hội Văn hóa cứu quốc lần thứ Hai, Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam đã đóng vai trò là lực lượng tích cực vận động cho việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất sẽ họp vào tuần cuối của tháng 11/1946.

Có thể nói, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất này là một sự kiện quan trọng của đời sống văn hóa đất nước, vì được thực hiện theo chủ trương của Đảng, nhằm thành lập một tổ chức văn hóa mới là Hội Văn hóa Việt Nam dần dần thay thế cho Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, để phù hợp với tình hình mới của đất nước Việt Nam độc lập với nhà nước dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, làm chủ mọi hoạt động của đất nước.

Sáng 24/11/1946, Bác Hồ đã phát biểu tại phiên họp khai mạc của Hội nghị trong thời gian 40 phút. Bài phát biểu của Bác tuy không ban hành thành văn bản, đã được tốc ký, rồi được báo Cứu quốc (số ra ngày 25/11/1946)- cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh tường thuật khá đầy đủ, sau này được in vào các sách tập hợp ý kiến của Hồ Chí Minh bàn về công tác văn hóa, văn nghệ, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu.

Song, do tình hình Pháp gây hấn với dã tâm chiếm lại đất nước ta một lần nữa, Hội nghị phải thay đổi chương trình: chỉ họp trong 1 ngày 24/11/1946 (chứ không phải 1 tuần lễ như dự kiến ban đầu) để sau đó hơn 200 đại biểu kịp trở về địa phương triển khai các công việc cấp bách về tổ chức kháng chiến.

Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị chỉ kịp bầu ra Ủy ban Văn hóa toàn quốc, để tiếp tục công việc vận động văn hóa và chờ dịp triệu tập Hội nghị lần thứ Hai.

Đến nay, chúng ta cần nhận rõ hơn nữa tầm quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (24/11/1946) và sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai (Việt Bắc 16- 20/7/1948). Vì cả 2 hội nghị này đã thể hiện sự phát triển đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng được khởi thảo từ Đề cương về văn hóa Việt Nam, mà phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại Hội nghị lần thứ Nhất), thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh (gửi Hội nghị lần thứ Hai) cũng như qua Báo cáo của đồng chí Trường Chinh- trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng- với nhan đề Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam(2) là rất quan trọng. Một số luận điểm mới về văn hóa văn nghệ Việt Nam trong bối cảnh của công cuộc kháng chiến kiến quốc, do Đảng lãnh đạo và Chính phủ của nhân dân điều hành, được trình bày trong 2 Hội nghị này đã được phát triển sâu sắc thêm một bước so với Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Có thể nói, những ý kiến đó góp phần hoàn thiện Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân khi chính quyền đã thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai (từ 16- 20/7/1948) với sự ra đời của Hội Văn hóa Việt Nam (20/7/1948), do nhà văn Đặng Thai Mai làm Hội trưởng và tiếp đó là Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, thành viên của Hội Văn hóa Việt Nam (25/7/1948) do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng Thư ký, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng đã chứng tỏ về mặt tổ chức chúng ta đã đi đến một cách làm đúng và kịp thời đó là phải tổ chức các lực lượng văn hóa, văn nghệ của cả nước thành một tổ chức thống nhất, là thành viên của mặt trận dân tộc thống nhất. Có như thế, mới huy động được hết thảy trí tuệ, sức mạnh và đóng góp của toàn dân, toàn thể giới văn hóa, văn nghệ sĩ để nhất quán định hướng về quan điểm, hành động cho văn hóa, văn nghệ kiên định thực hiện vẫn trên 3 nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng, nhằm vào mục tiêu thiết thực lúc này là phụng sự dân tộc, phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân.

Như vậy là, tiếp sau việc công bố Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và sự thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, thì với việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất và lần thứ Hai liên tiếp trong các năm 1946, 1948 với sự thành lập Hội Văn hóa Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam trong tháng 7/1948 cùng với sự chỉ đạo qua những ý kiến của Hồ Chủ tịch, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến thêm một bước trong việc bước đầu phát triển và hoàn thiện quan điểm, đường lối về văn hóa văn nghệ cũng như tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ một cách công khai, rộng rãi, thống nhất quy về một mối đoàn kết chặt chẽ.

Dưới đây, trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin được phép tổng hợp những quan điểm cơ bản chỉ đạo sự phát triển của văn hóa, văn nghệ do Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung, hoàn thiện thực hiện trong buổi đầu của cách mạng và nền dân chủ mới được thiết lập.

1. Văn hóa, văn nghệ là một trong những mặt trận quan trọng, không thể thiếu được của sự nghiệp cách mạng, có tầm quan trọng ngang nhau cùng với chính trị và kinh tế, góp phần xây dựng xã hội mới mà độc lập, tự do, dân chủ và hạnh phúc là những quyền cơ bản nhất mà con người được hưởng.

Hồ Chí Minh sáng suốt đề cao vai trò của văn hóa trước hết về mặt khai trí, khải thị đầu óc và tư tưởng, tâm lý con người. Người nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi… Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân”(3). Luận điểm có tính chất khải thị này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng sâu sắc, nó cảnh báo về sự đánh giá thấp, coi thường vị trí của văn hóa, xem văn hóa là lĩnh vực hoàn toàn phụ thuộc vào các lĩnh vực khác, có hay không cũng chẳng sao như có người đã từng nghĩ. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa làm cho đầu óc con người được mở mang, sáng sủa, chống lại sự ngu dân làm cho đầu óc con người tăm tối đi mà bọn thực dân đế quốc thống trị đất nước ta trong nhiều năm đã duy trì. Với ý kiến trên, Bác Hồ đã thể hiện sự nhận thức sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin và diễn đạt một cách giản dị, dễ hiểu các nguyên lý đó. Sức mạnh tinh thần mà văn hóa mang lại cho con người là không kém những sức mạnh khác do vật chất mang lại.

2. Văn hóa là mục đích, cũng là động lực của sự phát triển xã hội, chủ yếu nhằm vào xây dựng con người mới cho xã hội mới phát triển cường thịnh.

Trong hoàn cảnh lịch sử mới, Đảng ta chỉ rõ, văn hóa, văn nghệ do đặc thù của tư duy về loại hình và phương tiện, ngôn ngữ biểu đạt, nó là một công cụ sắc bén, vũ khí lợi hại nhằm vào con người, vì con người.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (24/11/1946), lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mặt ưu việt của văn hóa so với các yếu tố khác của thượng tầng kiến trúc, trong việc đi sâu vào đời sống nội tâm của con người: tâm lý, tư tưởng- và từ đó chỉ đạo con người hành động trong đời sống xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng văn hóa, văn nghệ đi sâu vào việc phát huy những mặt tích cực, tốt, cao đẹp của con người lúc này. Đó là tâm nguyện cho lý tưởng tự chủ, vì độc lập và tự do của dân tộc mà nghĩ và làm. Đó là phải kiên quyết “sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ”- những thói tật xấu và tiêu cực mà con người rất dễ bị mắc phải rồi sa ngã. Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng ý thức của con người lên về mặt nghĩa vụ và quyền lợi là phải được xem xét đồng thời. Con người có nghĩa vụ lao động xây dựng và bảo vệ đất nước, vì những lợi ích chung lớn lao của dân tộc mà hi sinh lợi ích riêng nhỏ bé của mình, cũng như phải biết chủ động phát huy vai trò làm chủ ngay cả trong việc thực hiện quyền hưởng thụ một cách chính đáng những gì mình đã làm ra đóng góp vào sự phát triển và tiến bộ xã hội. Có như vậy khẩu hiệu đề cao vị trí, vai trò của con người thuộc nhân dân mới được thực hiện trọn vẹn “của dân, do dân, vì dân”(4).

Còn trong báo cáo “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai (7/1948) cũng nhấn mạnh phương diện xây dựng con người của văn hóa mới. Đồng chí Trường Chinh nói: “Văn hóa xã hội chủ nghĩa và dân chủ mới thế giới chống tha hóa con người, đồng thời dựng lại nhân cách con người, cải tạo con người, làm cho con người không còn là “chó sói đối với người” nữa. Nó đề xướng và thực hành chủ nghĩa nhân đạo chân chính”(5)

Từ những ý kiến trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và học trò xuất sắc của Người là đồng chí Trường Chinh, từ đó cho đến nay, qua các văn kiện ở các thời kỳ tiếp sau của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta tiếp tục hoàn thiện tư tưởng, xây dựng con người của văn hóa Việt Nam theo các tiêu chí hài hòa, toàn diện: kết hợp trí, đức, thể, mỹ; kế thừa tinh hoa truyền thống và ưu tú, tiên tiến của nhân loại; phát huy bản sắc dân tộc với giao lưu quốc tế rộng rãi, thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn có tính toàn nhân loại. Văn hóa góp phần thượng tôn những phẩm chất cao quý: yêu Tổ quốc, đồng bào, sống tình nghĩa chung thủy có trước có sau, yêu lao động, trọng danh dự, nhân cách trung thực “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, hòa hợp với cộng đồng xã hội, với thiên nhiên và môi trường…(6)

3. Phải luôn luôn quán triệt quan điểm quần chúng, quan điểm nhân dân trong công cuộc xây dựng nền văn hóa, văn nghệ mới.

Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong buổi đầu của những năm 40 của thế kỷ trước, căn cứ vào thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam yêu cầu phải xây dựng được những “tác phẩm xứng đáng”, có chất lượng tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng đòi hỏi của quần chúng, phản ánh được những tâm tư, khát vọng, ước muốn của quần chúng, thấy được sự hiện diện những hình ảnh của họ trong những tác phẩm thuộc các loại hình văn hóa, nghệ thuật, trong đời sống hàng ngày bình thường của họ cũng như trong lao động, chiến đấu và xây dựng đất nước mà họ tham gia.

Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Đó là một nền văn hóa mang tính đặc thù dân tộc cao, “thật có tinh thần thuần túy Việt Nam”, “lột cho hết tinh thần dân tộc”, trong đó biết thừa hưởng di sản với những “kinh nghiệm tốt của văn hóa Việt Nam xưa và văn hóa nay”, đồng thời biết “học lấy cái hay, cái tốt của thế giới, của Tây phương hay Đông phương”(7)

Đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai họp 2 năm sau, trong thư gửi Đại hội (Việt Bắc, 15/7/1948), Người yêu cầu: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho đời sau”, đồng thời “nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết”(8).

Điều nhấn mạnh nói trên có nghĩa là: Tác phẩm văn học nghệ thuật giờ đây không còn là một lĩnh vực riêng tư của người sáng tác, một cái tháp ngà để nghệ sĩ tự thể hiện mình với những khát vọng cá nhân không thể chia sẻ cùng ai, chỉ xem đó là nơi bộc lộ những nỗi niềm riêng tư không liên quan gì đến những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, những vấn đề đang được quần chúng đông đảo quan tâm vì sự thiết thực đến đời sống hàng ngày hàng giờ của họ.

Nền văn hóa mới phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, xây dựng những con người mới sống có lý tưởng vì độc lập, tự do, vì nước quên mình xả thân cho những điều thiêng liêng cao cả và tích cực tham gia vào công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, xa hoa, lãng phí. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sớm nhận ra tác hại to lớn của tham nhũng và tiêu cực đối với sự phát triển của đất nước, nên Người ngay trong buổi đầu của nền dân chủ cộng hòa non trẻ đã nhắc nhở văn hóa phải góp phần tích cực của mình trong việc ngăn chặn các nguy cơ lớn nói trên đối với kiến thiết xã hội mới.

Và tiếp tục phát triển tư tưởng về đảm bảo dân quyền trong văn hóa, giúp nhân dân được hưởng những phúc lợi do văn hóa mang lại mà trong định nghĩa về văn hóa năm 1943 Người đã chỉ rõ, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất, một lần nữa Người lại nhắc nhở những điều quan trọng thể hiện tầm nhìn khải thị, tư tưởng lấy lợi ích nhân dân làm lợi ích cao nhất để phục vụ. Người nói: “Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng”(9).

Cho đến nay, những tư tưởng nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt sâu sắc tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và những phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng cần đảm bảo dân quyền trong hưởng thụ các phúc lợi xã hội mà nhân dân đã bỏ bao công sức đóng góp không nề hà, rằng không chỉ chống tham nhũng về kinh tế là đủ, mà còn phải chống tiêu cực về tư tưởng, đạo đức và lối sống nữa.

Kết luận

Từ khi công cuộc Đổi mới được mở ra (12/1986), đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng đã có sự nhìn lại, tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc về những thành tựu đã đạt được về cơ bản cùng những thiếu sót vẫn còn tồn tại, từ đó, qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, đường lối đó càng ngày được quan tâm, bổ sung và phát triển, thu hút được trí tuệ tập thể của tổ chức Đảng các cấp, của đông đảo nhân dân trong đó có những nhà văn hóa, văn nghệ sĩ tâm huyết và am tường chuyên môn, nghề nghiệp, đặc thù của sáng tạo và thưởng thức văn hóa văn nghệ.

Năm nay, chúng ta trân trọng kỷ niệm 75 năm ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (24/11/1946), trong đó Hồ Chủ tịch đến dự phát biểu khai mạc chỉ đạo với những quan điểm khải thị về văn hóa (“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân”, “văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”, phải “đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam… ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng”)(10).

Ngày 24/11/2021, Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo về “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đồng chí đã nhấn mạnh và khẳng định “Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"”.

(…) “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hoá trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hoá công chức, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hoá là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá.”

Và đồng chí kết luận: “Như vậy, nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế.” (11)

Có thể nói, trong khoảng 5 năm đầu từ 1943 đến 1948, đường lối văn hóa- văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiến tạo được những nền tảng căn cốt nhất, những định hướng chính xác và đúng đắn, để những giai đoạn tiếp sau đó, đường lối ấy không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đóng góp quý báu vào sự phong phú của mỹ học và lý luận văn nghệ Mácxít- Lêninnít trên thế giới, từ thực tiễn của đời sống đặc biệt của xã hội Việt Nam trong bối cảnh quốc tế phức tạp, hơn 70 năm qua.

Hà Nội, tháng 11 năm 2021

N.N.T

___________________

(1)Văn kiện Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.397.

(2) Năm 1974, Nxb. Sự thật, Hà Nội khi tái bản tác phẩm này đã được đồng chí Trường Chinh cho sửa lại tên gọi của bản Báo cáo là Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Theo nhà văn Hà Xuân Trường, bản báo cáo này trước khi trình bày tại Hội nghị, đã được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương góp ý, thông qua.

(3) Hồ Chí Minh -Về công tác văn hóa, văn nghệ, Nxb. Sự thật, H., 1971, tr.72.

(4) Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, tr.72.

(5) Trường Chinh -Về văn hóa và nghệ thuật, Nxb. Văn học, 1986, tập I, tr.11. Chữ in nghiêng do đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh.

(6)Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (1998); Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (2008); Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành TW 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

(7)Hồ Chí Minh -Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb. Sự thật, H., 1971, tr.71 - 72.

(8)Hồ Chí Minh - sách đã dẫn, tr.17 - 18.

(9) Hồ Chí Minh - sách đã dẫn, tr.72.

(10) Hồ Chí Minh - sách đã dẫn, tr.72.

(11) Nguyễn Phú Trọng – Bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, họp ngày 24/11/2021, Báo Nhân Dân ngày 25/11/2021

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter