• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Chuột trong thành ngữ và tục ngữ
Ngày xuất bản: 03/02/2020 3:06:43 SA

Hoàng Việt Quân

Chuột là loài vật đông đảo, phổ biến, có mặt ở khắp nơi trên đất nước ta. Bên cạnh những tác hại của chuột đối với ruộng đồng và cuộc sống con người, đồng bào còn nhận thấy chuột vừa tinh ranh, láu lỉnh, gian xảo, vừa vui nhộn, ngộ nghĩnh, độc đáo và giàu ý nghĩa biểu tượng, do đó chuột được lấy làm hình ảnh so sánh, ẩn dụ sinh động, thâm thúy trong nhiều câu thành ngữ, tục ngữ để chế giễu, phê phán các thói tật của con người .

Khen hay chê ai đó, sự việc nào đó, đồng bào thường lấy chuột ra so sánh, ví von: Khôn như chuột, Ranh như chuột, Nhanh như chuột, Bé (nhỏ) như chuột, Xấu như chuột, Bẩn như chuột, Trốn (lủi) như chuột, Len lét như chuột ngày, Lù dù như chuột chù phải khói, Mặt như mặt chuột, Mắt như chuột kẹp, Nhăn như chuột kẹp, Thì thụt như chuột ngày, Khói như hun chuột, Ướt như chuột lột, Gian nhà tối như cái hang chuột (Mông). Những câu trên hầu như ẩn chủ ngữ, chỉ có từ “như” ở đầu câu hay trong câu, nhưng người ta vẫn hiểu ngầm phép so sánh giữa người, sự việc với con chuột. Có những câu không dùng từ “như” song vẫn ẩn phép so sánh giữa người, sự việc với chuột: Đầu voi đuôi chuột, Đầu dơi mặt chuột, Mắt dơi mày chuột, Nửa dơi nửa chuột, Dở dơi dở chuột, Nói dơi nói chuột, Làm dơi làm chuột, Giả mèo giả chuột, Hình thon con chuột, Gan chuột nhắt, Nhà ổ chuột.

Nói về người may mắn gặp được nơi sung sướng, đầy đủ một cách tình cờ, ngẫu nhiên thường có câu: Chuột sa chĩnh gạo, Chuột sa lọ mỡ, Chuột chui bồ thóc (Tày), Chuột chuội bồ thóc (Tày)…; thậm chí còn giễu cợt người tạo điều kiện cho chuột ăn thóc lúa: Bắc đường cho chuột lên kho, Bắc thang cho chuột vào vựa thóc (Tày). Có câu phê phán việc làm giúp cho kẻ xấu: Bày đường cho chuột chạy .

Chuột được ví với những kẻ không biết gì lại tỏ ra mình thành thạo: Chuột nếm dấm, Chuột chù nếm (nhấm, uống) giấm. Đạc là một loại chuông, mõ nhỏ đeo ở cổ các con vật nuôi, song đi vào câu tục ngữ “Chuột chù đeo đạc” thì lại trở nên hài hước, nực cười, có ý nghĩa chê kẻ xấu xa lại tỏ ra tốt đẹp, hãnh diện, oai phong, cũng như câu “Chuột chù lại có xạ hương” giễu cợt kẻ hèn kém mà lại kiêu căng, tự phụ, làm bộ khoe mẽ. 

Người xấu thường hay che giấu bản chất xấu xa của mình bằng cái mã tốt đẹp, hào nhoáng bên ngoài nên đồng bào có câu “Chuột đội vỏ trứng”. Kẻ hèn nhát vốn mang gan chuột nhắt lại hay tỏ ra mình có sức mạnh nên có câu “Gan chuột khoác lốt hổ”. Nhưng dù khôn ngoan che đậy đến đâu vẫn lộ ra với các câu nhận xét: Chuột chạy hở đuôi; Khôn mọc đuôi, sợ cụp đuôi, lòi đuôi chuột. Hoặc đến lúc xảy ra sự cố mới phơi bày, lộ tẩy sự thật, người ta thấy rõ chân tướng của mình: Cháy nhà ra mặt chuột, Cháy nhà trơ mặt chuột, Lửa cháy mới nhìn thấy chuột (Tày).

Chê kẻ có ít khả năng mà tham vọng lớn, có câu “Da chuột căng làm trống”. Chê người đua đòi, bắt chước không phải lối, trở nên lố bịch, kệch cỡm, có câu “Voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng”. Chê người làm ăn giả dối có câu “Treo chuột lang, bán cầy chó”. Chê người xấu xa cùng một duộc có câu “Rắn chuột một ổ”.

Chuột ở trong hang, sinh con ra đã sớm biết đào hang. Sách cổ người Dao đã mượn chuyện này để răn dạy con người: “Loài chuột đẻ con biết đào hang”. Có lẽ đây là một nhận xét hiếm hoi khen ngợi loài chuột trong thành ngữ, tục ngữ ở nước ta.

Chuột là giống vật ở gần người, làm hại người thường xuyên nên con người rất ghét, thường tìm cách đuổi đánh, bắt giết. Nhưng chuột tinh ranh đâu dễ đánh bắt. Ngay cả khi “Bắt chuột thấy đuôi” cũng khó mà tóm được. Việc rình bắt, đánh giết chuột khá vất vả, cần chăm chỉ và kiên nhẫn: Rình như mèo rình chuột, Vờn như mèo vờn chuột. Bà con khuyên khi đánh bắt chuột nên cẩn thận, kẻo không sẽ tự gây tổn thất cho mình: Ném chuột vỡ chum, Ném chuột sợ vỡ đồ, Ném chuột còn ghê cũi, Đánh chuột coi chừng đổ vỡ.

Người ta đánh bắt, giết chuột bằng nhiều cách: dùng gậy đuổi đánh, dùng gạch đá ném, dùng mồi nhử chuột, hun khói vào hang chuột, làm nhiều loại bẫy chuột, dùng bả giết chuột, nuôi động vật để bắt chuột. Đội quân diệt chuột trong tự nhiên khá phong phú, thường có các loài mèo, rắn, chồn, diều hâu, cú, chim lợn... Bắt chuột nhiều nhất phải kể đến loài rắn và mèo. Nhưng hầu hết các loài vật trên cũng gây hại cho người, khó nuôi, chỉ có loài mèo được con người ưa chuộng chọn nuôi trong nhà để bắt chuột với câu nói: “Nuôi chó giữ nhà, nuôi mèo diệt chuột”. Bởi vậy mới có nhiều câu tục ngữ nói về vai trò của mèo bắt chuột như sau: Chuột khôn có mèo hay, Mèo vờn chuột; Mèo bắt được chuột còn vờn (Tày); Chân ngay bắt cò, chân co bắt chuột; Mèo mẹ bắt chuột cống, mèo con bắt chuột con; Mèo lớn bắt chuột lớn, mèo bé bắt chuột bé; Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ; Mèo nhỏ bắt chuột nhắt; Voi đóng ngõ hạng, mèo nhỏ bắt chuột con.

Bởi có nhiều cách bắt chuột của người, của mèo mới có cảnh:Chuột chạy đường cùng sa bẫy, Chuột sa cũi mèo, Chuột chạy cùng sào. Thời bao cấp, người ta còn mượn chuyện “Chuột chạy cùng sào” để nói về ngành sư phạm: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Bà con còn mượn chuyện mèo bắt chuột để chế giễu những việc làm nghịch lý của con người. Việc “Mèo mẹ bắt chuột con” là chuyện thường tình đối với các loài mèo, nhưng lại là lời giễu cợt với người có khả năng lớn lại làm những việc nhỏ nhoi, thu được kết quả nhỏ nhoi, không đáng làm. Ngược lại, chuyện “Mèo con bắt chuột cống”, “Mèo nhỏ bắt chuột to” là việc làm vượt quá khả năng, có thể thành công hay thất bại. Câu này còn chỉ việc làm của con người với hai nghĩa: Khen người nhỏ mà làm được việc lớn, hoặc giễu người không lượng sức mình mà làm việc vượt quá khả năng thì sẽ thất bại. Lại có các câu: Mèo khóc chuột, Mèo già khóc chuột, Mèo già thua chuột nhắt... nói về sự bất lực của mèo trước con chuột tinh khôn, ranh ma, nhất là mèo đã già yếu mất sự tinh khôn, nhanh nhậy, giỏi giang vốn có của mình. Câu “Mèo đuổi gặp chuột chết” nói về việc làm vô nghĩa, tốn công tốn sức mà không đem lại kết quả cao. Với câu tục ngữ “Sắc nanh chuột dễ cắn cổ mèo” ta lại thấy: nhờ phương tiện “sắc nanh” và mưu mẹo “cắn cổ mèo” đúng chỗ hiểm thì kẻ yếu vẫn có khả năng chống chọi, chiến thắng được kẻ thù nguy hiểm.

Tuy nhiên, chuột cũng có những dại dột của mình. Chẳng hạn việc “Chuột gặm chân mèo” là việc làm liều lĩnh, dại dột, dễ lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, nguy hại. Hoặc việc “Chuột cắn dây mèo” rõ là việc làm ơn, cứu giúp mèo, nhưng không nghĩ đến hậu họa sẽ xảy ra cho mình. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho con người không nên quá tốt với kẻ thù truyền kiếp của mình.

Mèo là mối nguy hiểm lớn của chuột nên người ta có câu: Giết một con mèo cứu vạn chuột, Mèo vắng nhà chuột ca hát (Tày), Mèo ra cửa chuột xướng ca (Tày- Nùng).

Có một số sự việc, tên loài cây mang chữ “chuột” được đưa vào thành ngữ, tục ngữ như “Chân bị chuột rút” (Tày), “Mướp đắng giả dưa chuột, mạt cưa giả cám, hai bên một phường” cũng có ý nghĩa hiện thực hoặc phê phán thói xấu của con người.

Từ những thành ngữ, tục ngữ trên, ta thấy: Chuột là loại vật có hại cho người, nhân dân tuy ít ca tụng chuột, nhưng lại lấy chuột ra để sáng tạo nên những câu thành ngữ, tục ngữ hay để so sánh, ví von, đặc biệt dùng chuột sáng tạo nên những hình ảnh ẩn dụ để chế giễu những thói hư tật xấu của con người, giúp con người tỉnh ngộ, hoàn thiện chính mình. Đó là ý nghĩa nhân văn của các thành ngữ, tục ngữ về loài chuột vẫn sống ngàn năm nay, giúp con người sáng tỏ. 

 H.V.Q

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter