• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Một số kiêng kị độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Khơ Mú Yên Bái
Ngày xuất bản: 14/05/2020 3:46:04 CH

Nguyễn Mạnh Hùng 

 Người Khơ Mú là một trong số các dân tộc bản địa, cư trú lâu đời tại Yên Bái, với dân số trên 1500 người, tập trung chủ yếu tại 2 xã Nghĩa Sơn thuộc huyện Văn Chấn và Túc Đán, thuộc huyện Trạm Tấu. Người Khơ Mú từnglà những cư dân làm chủ vùng đất Mường Lò, với đời sống văn hóa rất đặc sắc, phong phú mà lại mang những giá trị đặc sắc riêng có. Đến nay, người Khơ Mú nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ được khá nhiều giá trị truyền thống, trong đó văn hóa ẩm thực là một nét đặc sắc làm nên giá trị văn hóa của người Khơ Mú ở vùng Mường Lò ngày nay.

Người Khơ Mú ở Yên Bái biết làm nhiều món ăn, thức uống, đồ hút rất độc đáo mà các nơi khác không có, với những công thức, cách thức chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ. Bên cạnh đó, hệ thống các tín ngưỡng, nghi lễ liên quan tới văn hóa ẩm thực, mà trong đó nhiều món ăn mang tính biểu tượng văn hóa đã làm phong phú đời sống văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây.

Là một dân tộc giàu bản sắc văn hóa, nên trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Khơ Mú có nhiều điều kiêng kị để điều chỉnh hành vi của con người sao cho tốt đẹp. Điều kiêng kị đầu tiên chính là không gian tiếp khách, không gian ăn uống của đồng bào không được đặt tại nơi thờ ma nhà. Ngôi nhà truyền thống của người Khơ Mú thường có 5 gian, hai gian thờ ma nhà ở phía trong cùng được coi là nơi tôn nghiêm nhất của ngôi nhà, nơi thờ cúng tổ tiên của gia đình và dòng họ nên kiêng không ai được bước vào ngoài những người trong gia đình. Do đó, tại không gian thờ này người dân kiêng tiếp khách, tiếp cơm người lạ để đảm bảo không gian thanh sạch cho nơi thờ tổ tiên. Nơi thờ này là nơi duy nhất được bày mâm cơm tiễn biệt, bữa cơm vội vàng cho người chết khi trong nhà có đám tang. Người dân quan niệm rằng, nếu tiếp khách trong 2 gian thờ đó là ăn cơm với người chết nên không bao giờ người dân tiếp khách tại 2 gian thờ đó.

Điều kiêng kị quan trọng thứ 2 trong văn hóa ẩm thực của người Khơ Mú là dù tiếp khách hay bữa ăn cơm thường cũng luôn luôn phải nhớ tới tổ tiên, những người đã khuất. Mỗi khi tiếp khách, trong mâm cơm phía cửa sổ bao giờ đồng bào cũng đặt đôi chén rượu vía, chính là chén rượu mời tổ tiên, các ma nhà và các ma thờ khác trong gia đình. Mỗi khi ăn cơm, có khách, trước khi ăn, uống rượu, mỗi người đều phải rót vào hai chén đó tượng trưng cho việc tưởng nhớ tới tổ tiên; vị trí đặt chén rượu là sát mép mâm cơm gần phía cửa sổ, và là nơi được quan niệm là cao quý nhất, vì thế đồng bào kiêng bước qua khu vực đó khi ăn cơm. Muốn di chuyển từ bên này qua bên kia đều phải đi vòng xuống phía dưới mà không được phép bước qua khu vực có chén vía mời tổ tiên. Một điều kiêng kị quan trọng trong văn hóa ẩm thực của người Khơ Mú nữa đó là vị trí ngồi ăn trong mâm cơm cũng được quy định khá chặt chẽ, bất kể người dân nào cũng phải tuân thủ như luật bất thành văn. Cùng với quan niệm cửa sổ là nơi cao quý nhất, nơi mời tổ tiên thì những vị trí ngồi gần cửa sổ cũng là những vị trí được đồng bào xem là cao nhất, thường được trân trọng dành cho những người cao tuổi nhất hoặc là những vị khách quý nhất trong mâm cơm, chủ nhà sẽ ngồi phía đối diện hoặc ngồi phía dưới để tiếp khách (nếu có nhiều khách quý). Khi vào mâm cơm của người Khơ Mú ở Yên Bái, từ vị trí chỗ ngồi ta nhận biết ngay được vai trò và vị trí quan trọng lần lượt của những người trong mâm cơm để dễ ứng xử cho đúng quy tắc theo tập quán của đồng bào.Trong sinh hoạt văn hóa ẩm thực ngày thường, vị trí chỗ ngồi theo giới tính cũng được quy định chặt chẽ. Đối với những người trong gia đình, nữ giới ngồi từ vị trí thứ 2 trở đi, không được ngồi sát cửa sổ.

Việc kiêng kị quan trọng thứ 3 trong sinh hoạt văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây chính là vị trí, vai trò của các bếp lửa trên ngôi nhà truyền thống của người Khơ Mú. Ngôi nhà truyền thống phải có 3 bếp lửa, một bếp chính được bố trí ở gian ngoài cùng để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, đây được xem là bếp “tạp” nên không có nhiều kiêng kị  mà chỉ kiêng không được xôi cơm nếp tại bếp này. Bếp thứ 2 được bố trí đặt tại gian trong cùng, bếp này chỉ chuyên dùng để xôi (đồ) các loại thức ăn (bao gồm xôi cơm, rau, măng…). Bếp này kiêng nấu các loại thức ăn khác ngoài xôi (đồ), trên bếp bao giờ cũng có một chiếc ninh đồng và chiếc chõ xôi bằng gỗ. Còn một bếp thứ 3 đặc biệt quan trọng được đặt ở góc nhà giữa gian thứ 2 và gian thứ nhất, đặt giữa hai bếp đã kể trên. Đây chính là bếp thờ cúng ma nhà của người Khơ Mú (tổ tiên, ông bà, cha mẹ đều được thờ tại gian bếp này). Bếp thờ này được người dân cúng ông bà, tổ tiên mỗi khi có dịp quan trọng và nghi thức cúng rượu cần “bút cờ đoongr” truyền thống cũng được thực hiện duy nhất tại gian bếp này; bếp này luôn luôn phải đỏ lửa (nuôi lửa) để thể hiện sự quan tâm thờ cúng của con cái đối với ông bà, tổ tiên đã qua đời.

Ngoài những kiêng kị cơ bản trong sinh hoạt văn hóa ẩm thực đã giới thiệu ở trên, đồng bào Khơ Mú nơi đây còn đặc biệt kiêng ăn thịt vịt, thịt chó trong dịp tết, theo quan niệm dân gian, ăn những thực phẩm đó sẽ mang lại những điều xui xẻo trong năm mới. Ngoài ra trong tháng 7 âm lịch, họ cũng kiêng ăn thịt chó và giết mổ chó. Điều kiêng kị này ảnh hưởng theo quan niệm của người Thái đen Mường Lò: “Vườn chiềng bố lẩy khả pết/ Vường chết bố lẩy khả ma” (Nghĩa là trong tháng bảy nghiêm cấm mổ chó, giết chó)

Ngoài ra còn một số kiêng kị khác như người ốm kiêng cho ăn các món ăn lạnh; người mới sinh kiêng ăn thịt trâu và các loại thức ăn tạp…

Văn hóa ẩm thực truyền thống của người Khơ Mú ở Yên Bái có rất nhiều nét đặc trưng và độc đáo, bên cạnh đó, đồng bào cũng có sự tiếp nhận và giao lưu mạnh mẽ với văn hóa ẩm thực với các cư dân khác trong vùng, nhất là người Thái đen. Mặc dù vậy, người Khơ Mú vẫn gìn giữ, bảo tồn được giá trị riêng, làm nên bản sắc văn hóa ẩm thực riêng có của mình, đặc biệt là các phong tục tập quán, những kiêng kị hay các món ăn mang tính biểu tượng văn hóa, góp phần quan trọng trong việc làm giàu kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Khơ Mú ở Yên Bái.

                                                                                 N.M.H

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter