• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Văn học dân gian- vốn tri thức văn hóa độc đáo của người Giáy ở Gia Hội, Văn Chấn
Ngày xuất bản: 11/04/2020 12:03:29 CH

Quang Anh 

Người Giáy ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn nói riêng và hầu hết các tộc người Giáy ở Việt Nam nói chung đều không có chữ viết riêng, nên không để lại cho hậu thế nền văn học bằng văn bản thành văn như các dân tộc khác. Song bằng sự đam mê sáng tạo của đồng bào Giáy, các thế hệ từ xa xưa đã tạo ra một nền văn học dân gian truyền miệng khá phong phú và độc đáo.

Trong hệ thống văn học dân gian của người Giáy, truyện kể dân gian và dân ca là phong phú hơn cả. Người Giáy vốn là tộc người có truyền thống yêu văn nghệ. Họ coi những điệu hát dân ca như là một tri thức văn hóa ứng xử trong cuộc sống thường nhật của dân tộc mình. Người Giáy quan niệm, người biết càng nhiều lời hát, biết sử dụng lời hát phù hợp với từng hoàn cảnh, có khả năng ứng tác tức thời là người uyên thâm, đáng được trân trọng trong cộng đồng. Bởi vậy trước đây, những đứa trẻ chỉ vừa lên 5, lên 6 đã được ông bà, bố mẹ dạy cho những bài dân ca đơn giản như bài hát chăn trâu. Khi trẻ đủ lớn (13, 15 tuổi) sẽ tự ý thức tập trung học hát để không thua kém các bạn. Các bài dân ca của đồng bào Giáy không có lời hát sáng tác nguyên thể mà được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ thơ (Người Giáy sáng tác thơ nhiều nhưng không để ngâm hay đọc mà để đặt lời cho các bài hát), từ những câu tục ngữ, thành ngữ, câu đố, nhưng phần lớn là do họ tự thêm thắt, ứng tác khi hát. Chính vì thế mà đồng bào có một kho tàng dân ca vô cùng phong phú và họ có thể hát trong bất cứ hoàn cảnh, thời điểm nào, ở trong nhà hay ngoài đường, trên nương hay đi chợ, gặp gỡ  hay chào tạm biệt nhau, hát trong các cuộc vui của cộng đồng hay khi hai người tâm sự, thậm chí khi chỉ có một mình.... Những cuộc hát vui kéo dài thường diễn ra trong nhà và lời bài hát thường theo những khuôn mẫu nhất định, ít bị biến tấu. Còn khi hát ngoài đường, trên nương hay hát khi chào tạm biệt thì người hát thường biến tấu, ứng tác cho phù hợp với tâm trạng của mình. Trước kia, trong những cuộc vui lớn của cộng đồng, đồng bào Giáy thường tổ chức hát thâu đêm, ít thì 2- 3 đêm, nhiều thì 5, 6 đêm liên tục. Bởi sự phong phú về nội dung nên dân ca Giáy cũng tự phân chia ra thành nhiều chủ đề, thể loại khác nhau như hát ca ngợi thiên nhiên; hát ca ngợi lao động; hát đấu tranh với những lễ nghi phong kiến, bất bình trong xã hội; hát về tình yêu lứa đôi; hát bên mâm rượu (vươn ná láu); hát trao dâu (vươn rỏng pắu); hát mừng đầy tháng (vươn rỏng đa); hát tiễn bạn (vươn rỏng răn); hát ống (vươn booc); hát ban đêm (vươn chang hằm). Ở mỗi thể loại đó lại có những bài hát cụ thể và cách thể hiện của người hát khác nhau, khi nỉ non than vãn, lúc lại vui tươi lên bổng xuống trầm...

Dân tộc Giáy biểu diễn nhạc cụ truyền thồng-  Ảnh:internet

 

Trong những bài hát ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, đồng bào Giáy coi thiên nhiên là bạn tri kỷ, gắn bó suốt cuộc đời con người từ khi sinh ra đến lúc mất đi. Họ thường mượn hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên để nói lên tâm tư tình cảm của mình, là cái cớ để người ta tìm đến nhau. Trong dân ca Giáy, những bài hát về tình yêu lứa đôi là phong phú, đa dạng hơn cả. Những bài hát về tình yêu luôn sôi nổi nhưng rất kín đáo, tế nhị, đồng thời luôn đề cao sự tự do tìm hiểu, trân trọng tôn vinh sự chân thành, thủy chung và đặc biệt không đặt cao giá trị vật chất. Người ta luôn mượn những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp như trăng, hoa lá, cỏ cây để dò hỏi, ví von: “Trăng ló mới sáng mới/ Trăng ló mới sáng trắng/ Chiếu cây đào ngoài cổng/ Chiếu cửa vàng hoa đẹp/ Chiếu cửa sổ anh nằm/ Chiếu chăn đỏ anh đắp/ Chiếu gối thắm hoa tươi/ Chiếu mặt chàng sáng trong/ Chiếu góc sàn hoa đẹp/ Chiếu ven làng sáng lóa/ Chiếu cành quả vươn cao/ Chiếu tấm chăn hoa vẽ/ Em như gà sa vào chum gạo/ Hoẵng rừng sa lá dong...” (Vươn đươn- Hát trăng). Nếu như hát bên mâm rượu, hát trao dâu, hát mừng đầy tháng là các thể loại hát trong nhà thì hát ống lại là thể loại hát ngoài trời thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Giáy. Đây là tập hợp những bài hát tâm tình của các đôi nam nữ yêu nhau. Vào những đêm trăng của tháng Chạp, tháng Giêng, khi mùa màng đã thu hoạch xong là lúc những cặp đôi trẻ hẹn nhau ra nơi cánh đồng thoáng rộng hay ở những sườn đồi thơ mộng để hát ống, giãi bày, tâm sự với người mình yêu thương bằng những lời hát tha thiết, chứa chan tình cảm. Họ không ngồi hát đối diện, gần nhau mà hát cho nhau nghe qua hai ống tre được kết nối bằng một sợi chỉ. Dạng hát phổ biến, có lời hát phong phú nhất trong dân ca Giáy là hát ban đêm. Ở thể loại này, các bài hát cố định, có trình tự, nội dung rõ ràng. Cuộc hát bắt đầu từ hát xin vào bản, hát chào, hát hỏi thăm sức khỏe, gia cảnh, hát mời nước, mời rượu, xin phép bản chủ, gia chủ rồi mới chính thức vào cuộc hát. Trong cuộc hát, người ta hát những bài ca ngợi việc xây nhà dựng cửa của bản chủ, ca ngợi bản làng giàu có, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, ca ngợi đối phương... đến khi gà gáy sang canh thì hát gà gáy, trời sáng thì hát trời sáng và kết thúc cuộc hát thì bịn rịn hát chia tay. Đây chính là cuộc hát để thi tài, đọ sức công khai và gay cấn giữa các dòng họ, các đội nam nữ hay giữa các bản với nhau.

Trong kho tàng văn học dân gian của người Giáy, những câu chuyện kể có tính chất truyền thuyết, cổ tích và tục ngữ, câu đố là những loại hình phổ biến nhất. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, sự biến đổi về dân cư, sự giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc khiến cho nội dung các câu chuyện có phần na ná giống với các dân tộc khác. Văn học truyền miệng của người Giáy ở Gia Hội có rất nhiều thể loại truyện như: truyện kể làm cho người nghe cười; làm cho người nghe khóc; có truyện lại làm người ta rùng mình sợ hãi; có truyện giải thích những hiện tượng tự nhiên siêu phàm như: Páu loọc toó (Ông khổng lồ) gánh đất lấp biển; truyện nói về quan hệ xã hội: Lục trá (giống như truyện Tấm Cám của người Kinh); truyện nói về tình yêu lứa đôi: Pịt trai- Phù sí, Chàng Tsam Péc và nàng ẻn Tái; truyện nói về trí thông minh của con người: E Toi (thằng Cuội)... Tục ngữ (xắn pí) được người Giáy dùng như những quy tắc trong xã hội, làm rõ những khía cạnh phức tạp trong cuộc sống và để truyền cho nhau những kinh nghiệm trong cuộc sống mà con người từng trải qua. Họ cho rằng đó là những chân lý, mẫu mực ở đời nên dùng tục ngữ để răn dạy, nhắc nhở nhau: Cơm ở ruộng/ cá ở sông; Mười bãi nương/ Không bằng một góc ruộng; Đi sớm sợ sương/ Đi trưa sợ nắng/ Củ nâu cũng chẳng được...

Sự đa dạng, phong phú về cả nội dung lẫn thể loại của nền văn học dân gian đã cho thấy vị thế của văn học trong đời sống văn hóa của dân tộc, đồng thời phần nào phản ánh những quan điểm thẩm mỹ và khát vọng trong quá trình sinh tồn của người Giáy ở Gia Hội. Đặc biệt, dân ca là loại hình văn hóa dân gian mà trong cuộc sống của tộc người, tất cả các phong tục tập quán đều sử dụng đến. Tiếc rằng, dưới tác động của kinh tế thị trường và sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác trong vùng nên giờ đây các điệu dân ca nói riêng và văn học dân gian nói chung của đồng bào Giáy đã dần bị mai một. Cả xã Gia Hội hiện chỉ còn 1, 2 cụ còn thuộc những bài dân ca, tục ngữ được truyền miệng lại từ các thế hệ trước. Bởi thế rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cùng nhân dân sưu tầm, khôi phục để lưu giữ lại những tri thức văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào, góp phần làm phong phú kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

 

                                                                                      Q.A

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter