• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Top 10 tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất thập kỉ
Ngày xuất bản: 03/02/2020 2:46:14 SA

Literary Hub, một chuyên trang văn học văn hóa có trụ sở tại New York, Mĩ đã có cuộc bình chọn Top 10 tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất thập kỉ dành cho các tác phẩm đầu tay được xuất bản bằng tiếng Anh từ năm 2010 đến năm 2019.

​1. The tiger’s wife (tạm dịch: Vợ hổ, 2011) của Téa Obreht

Cuốn tiểu thuyết The Tiger’s wife xuất bản năm 2011 của tiểu thuyết gia người Mĩ gốc Serbia lấy bối cảnh ở xứ Balkan hẻo lánh, về mối quan hệ của một bác sĩ trẻ với ông của cô và những câu chuyện mà ông kể cô nghe về một “người đàn ông bất tử”, dù ở hiện tại hay quá khứ đều không hề già đi và câu chuyện về người bạn thời thơ ấu của người ông trong những năm ở làng quê cũ…

Tác phẩm này đã giành giải thưởng Orange cho tiểu thuyết Anh năm 2011 và lọt vào chung kết giải thưởng sách quốc gia Hoa Kỳ cùng năm đó.

2. We the animals (Chúng ta - những loài vật 2011) của Justin Torres

Tiểu thuyết bán tự truyện của nhà văn người Mĩ được viết dựa trên cuộc sống của chính tác giả tại New York. Với ngôi kể là nhân vật không xưng tên, tác phẩm đã kể về cuộc đời nhà văn từ khi còn là một cậu bé đến trưởng thành. Những mâu thuẫn trong gia đình: vấn đề bạo hành, ngược đãi, vấn đề đồng tính… được miêu tả khéo léo, sinh động.

Cuốn sách nhận được nhiều lời khen, đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, nhiều đề cử giải thưởng và giành Giải thưởng sách tuyển chọn Indies.

3. We need new names (tạm dịch: Chúng ta cần những cái tên mới, 2013) của Noviolet Bulawayo

Cuốn sách kể về cuộc đời nhân vật Darling, từ lúc cô bé 10 tuổi dành thời gian với các bạn nhỏ ở khu Zimbabwe, mơ mộng về cuộc sống giàu có như cư dân ở Budapest… cho tới khi, Darling chuyển ra nước ngoài sống cùng người dì tại Detroit, Michigan. Tại đây, cô phải học cách thích nghi với một nền văn hóa mới, và phát hiện những đấu tranh và căng thẳng của người nhập cư châu Phi đến Mĩ.

Tờ The New York Times đánh giá: “Bulawayo rõ ràng là một nhà văn tài năng…” và tác phẩm We need new names “nên được đọc bởi bất kỳ ai quan tâm đến những tiếng nói mới nổi trong văn học thế giới, người quan sát góc khuất ẩn sâu của con người.” (World Literary Today)…

4. The sympathizer (tạm dịch: Sự cảm thông, 2015) của Viet Thanh Nguyen

Cuốn tiểu thuyết giành được nhiều giải thưởng văn học lớn nhỏ, đặc biệt là Pulitzer 2016, kể về một điệp viên cộng sản từ Việt Nam chuyển sang Los Angeles. Vốn là con lai có cha người Pháp, mẹ người Việt và luôn bị bạn bè khinh bỉ thời đi học, lớn lên anh đi du học Mĩ rồi trở về làm việc cho chế độ Việt Nam cộng hòa nhưng thực tế là cảm tình viên đảng cộng sản…

5. What belongs to you (tạm dịch: Điều gì thuộc về bạn, 2016) của Garth Greenwell

Đây là cuốn sách đầy táo bạo của nhà văn người Mĩ Greenwell về câu chuyện tình yêu đồng giới của một giáo viên người Mĩ. Anh ta bị hấp dẫn bởi một gã trai bao và bị giam cầm trong mối quan hệ mạo hiểm, khi dịu dàng, khi bạo lực và không thể thoát khỏi ham muốn của mình… Nhà phê bình Charles Charles của The Washington Post đánh giá: What belongs to you “thì thầm như một câu thần chú của dục vọng… Trong những câu văn đầy chất thơ của Greenwell, sự không sợ hãi về mặt cảm xúc được kết hợp với sự nhạy cảm phi thường với sự run rẩy của sự hối tiếc”.

6. Here comes the sun (tạm dịch: Nơi hướng tới mặt trời, 2016) của Nicole Dennis-Benn

Tiểu thuyết gia người Jamaica đã viết câu chuyện về một gia đình người Jamaica với quyết tâm thoát nghèo. Độc giả được trải nghiệm văn hóa Jamaica thông qua lăng kính chính trị - xã hội và kinh tế. Nicole Dennis- Benn đã đan xen một câu chuyện phức tạp và mang tính giải trí, một câu chuyện phơi bày những khó khăn chính trị, văn hóa xã hội và kinh tế của một hệ thống bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân và áp bức; một câu chuyện về du khách du lịch Jamaica không được xem…

Tiểu thuyết giành được nhiều giải thưởng văn học, best seller theo bình chọn của Thời báo New York. “Cuốn sách này ghi lại một cách sinh động các động lực mạnh mẽ của các mối quan hệ gia đình và lãng mạn, sâu sắc.” (Theo The New Yorker).

7. Lincoln in the bardo (tạm dịch: Lincoln ở the bardo, 2017) của Geogre Saunders

Cuốn tiểu thuyết giả tưởng lịch sử, viết về giai đoạn trong và sau khi con của Abraham Lincoln chết đi, tập trung vào nỗi đau mất cha. Cuốn tiểu thuyết diễn ra trong một buổi tối, đặt trong không gian giữa cuộc sống và sự tái sinh sau khi chết. Lincoln in the bardo đã nhận được nhiều khen ngợi đặc biệt, giành giải Man Booker 2017.

8. Conversations with friends của Sally Rooney (tạm dịch: Trò chuyện với những người bạn, 2017)

Cuốn tiểu thuyết viết về tình bạn, tình yêu và mối quan hệ xoay quanh bốn nhân vật chính là Frances (người kể chuyện) cùng bạn thân của cô với một cặp vợ chồng là nhà báo và diễn viên. Các mối quan hệ chằng chịt nhau, có lúc là tình bạn thắm thiết, có lúc lại chênh vênh lưng chừng, cả việc ngoại tình của người chồng, có những người bạn có thể trò chuyện để hiểu nhau hơn nhưng rốt cuộc hầu hết họ lại không chấp nhận đối thoại…

Như những tác phẩm khác trong top 10 này, cuốn tiểu thuyết đã nhận được nhiều đánh giá tích cực, xuất bản ra các thứ tiếng khác nhau và nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín.

9. There There của Tommy Orange (tạm dịch: Không nhà, 2018)

Nhà văn Mĩ bản địa, thuộc bộ lạc Cheyenne ở California đã kể về những bế tắc, chơi vơi, vật lộn của người Mĩ bản địa/người thổ dân da đỏ trong đời sống đô thị hiện đại… 12 mảnh đời của 12 nhân vật khác nhau, đều có mối liên kết, ràng buộc nhất định và đều mang theo ám ảnh lịch sử tổ tiên từ hàng trăm năm trước. Một câu chuyện lịch sử của người Mĩ bản địa, về những biến chuyển thăng trầm của văn hóa, truyền thống, phong tục được tiếp nối và ghi lại trong lịch sử cho đến cuộc sống hiện tại.

Cuốn tiểu thuyết được nhận xét là “áng sử thi của người Mĩ bản địa trong thời đại mới…” và được đề cử giải Pulitzer 2019. There there đã được xuất bản tại Việt Nam với nhan đề “Không nhà”.

10. Severance của Ling Ma (2018)

Nhà văn người Mĩ gốc Hoa đã viết nên một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “khám phá các chủ đề của nỗi nhớ, văn hóa công sở hiện đại, sự đơn điệu và các mối quan hệ thân mật.” Đó là câu chuyện diễn ra tại Hoa Kỳ vào những năm 2010, trước và trong đại dịch Shen Fever, một bệnh nhiễm nấm giả tưởng có nguồn gốc từ Thâm Quyến, Trung Quốc. Một số người miễn dịch không thể giải thích được và cố gắng sống sót trong ngày tận thế. Những người bị nhiễm Shen Fever lặp lại các thói quen cũ một cách bắt buộc, không có ý thức và cho đến khi chết…

 

LÝ UYÊN dịch tổng hợp

Theo nguồn: Văn nghệ Quân đội

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter