• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Anh ấy không thể chết
Ngày xuất bản: 26/10/2021 1:20:05 CH

Truyện ngắn của Phan Long Định

Trưa hè oi ả. Hai anh em thằng Thành trải chiếu xuống nền nhà nằm ngủ. Cái quạt trần quay hết cỡ hầu như chẳng xua luồng khí nóng đi được bao nhiêu. Bất chợt có tiếng xe máy dừng ngay trước ngõ. Thằng Phong ngồi dậy nhìn ra rồi nói với Thành:

- Có anh bộ đội, hình như đang tìm nhà ai đó anh Thành ạ.

Thành liền ngồi dậy nhìn theo tay Phong chỉ. Ngoài ngõ là anh bộ đội và một phụ nữ đang ngó quanh, trên xe máy còn một em nhỏ. Thành giục Phong:

- Mày chạy ra xem anh ấy hỏi gì vậy?

Phong chạy vụt ra ngõ. Chỉ một loáng nó lại chạy vào nói:

- Anh chị ấy hỏi nhà mình đấy!

 Thành vội đứng dậy, lấy chân gạt cái chiếu vào xó nhà. Vừa bước ra hiên thì anh bộ đội đã dắt xe vào đến sân. Thành đang ngỡ ngàng thì anh bộ đội tươi cười:

- Chào chú em! Ôi Thành và Phong lớn tướng cả rồi! Bố mẹ có nhà không?

- Dạ! Bố mẹ em đang nghỉ trưa ạ!

Trả lời anh bộ đội nhưng Thành chẳng nhận ra anh là ai. Thành chạy vội vào gọi bố, ông Trung đi ra lên tiếng:

- Anh là…

- Dạ! Chào bác Trung! Cháu là Hùng đây ạ!

- Hùng… Hùng nào nhỉ?

- Dạ! Hùng ngày xưa…

Ông Trung đã nhớ ra, chợt ông nói như reo lên:

- Hùng! A… anh Hùng! Trời đất ơi thế sao bảo…

Xóm Đình ngày ấy di chuyển sâu vào chân núi, nhường phần đất bằng phẳng khai hoang ruộng. Đón dân mới chuyển từ vùng lòng hồ Thác Bà về lập quê mới. Nhà Thành chuyển vào chân núi thiếu thốn đủ mọi thứ. Cùng năm ấy, giặc Mỹ dùng không quân điên cuồng đánh phá ra miền Bắc. Công trình nhà máy thủy điện Thác Bà đang xây dựng là trọng điểm đánh phá ác liệt của lũ giặc trời. Dân quân trong xã hừng hực khí thế huấn luyện đánh trả máy bay địch. Đỉnh núi Thờ cao nhất xã được dân quân đào hầm hào trú ẩn, lập trận địa phòng không. Từ đằng xa nhìn lên thấy nhiều khẩu mười hai ly bảy chĩa nòng lên trời thật ngạo nghễ. Huyện đội cử anh Hùng xuống xã để huấn luyện cho dân quân chiến đấu. Chiều hôm đó Thành cùng chị Hải vừa đi thả trâu về thì thấy ông Xuân Xã đội trưởng đến nhà. Theo sau ông Xuân là một anh bộ đội to cao, sơ vin gọn ghẽ. Ông Xuân giới thiệu anh bộ đội với ông Trung:

- Đây là anh Hùng cán sự trên Huyện đội. Anh Hùng được cử về xã để huấn luyện trung đội dân quân trực chiến bắn máy bay địch. Vì cô Vân là Xã đội phó kiêm Trung đội trưởng dân quân cơ động, nên chúng em bố trí cho anh Hùng ở trọ nhà anh chị cho tiện công tác. Ý anh chị thế nào ạ?

- Dạ vâng! Cháu chào bác Trung- Hùng đưa hai tay bắt tay ông Trung.

Sau một chút đắn đo ông Trung trả lời:

- Được! Nhưng có điều nhà hơi chật chội và các cháu còn nhỏ liệu có phiền lắm không?

Hùng nhìn ngôi nhà sàn cột lõi, mặt sàn được trải bằng những tấm giát từ thân cây mai vàng óng. Vui vẻ nói:

- Không sao đâu ạ, có các em càng vui.

Nói rồi anh đưa cho Thành túi kẹo. Thành nhìn bố không thấy có biểu hiện gì là ngăn cản liền đưa hai tay đón túi kẹo. Thành cõng thằng Phong đang bò lồm cồm gần đó chạy xuống bãi. Ông Xuân tiếp tục nói:

- Về sinh hoạt ăn uống thì anh Hùng góp gạo với anh chị ăn chung. Em bảo các cháu bên nhà mang thêm rau sang cho anh chị.

- Thôi khỏi cần chú Xuân ạ. Một mình anh Hùng chỉ thêm bát thêm đũa thôi. Cốt nhất ăn uống chắc dạ là được.

Vậy là anh Hùng ở nhà Thành từ ngày đó. Dạo ấy đúng vào dịp Thành và chị Hải được nghỉ hè. Hằng ngày chị Vân và anh Hùng đi lên núi Thờ trực chiến. Chị Hải và bố mẹ đi làm hợp tác. Hai anh em Thành chơi với nhau, gần trưa Thành ru em ngủ và làm việc nhà. Thành ngại nhất là việc gánh nước. Nhân lúc thằng Phong ngủ, Thành xỏ hai cái ống bương vào hai đầu đòn gánh. Cái giếng làng cách nhà Thành gần nửa cây số. Thành gánh rát cả vai cũng chỉ được hơn nửa chum nước. Từ ngày có anh Hùng về ở chung thì Thành đỡ hẳn việc gánh nước. Mỗi chuyến anh Hùng gánh hẳn mười ống mà vẫn đi băng băng, chẳng mấy chốc đã đầy cái chum lớn. Ngoài ra tất cả các việc như quét nhà, nấu cơm, chăn lợn, làm vườn… hễ cứ rảnh rỗi là Hùng xắn tay vào làm. Có lần chị em Thành bị mẹ mắng vì hay dựa dẫm vào anh Hùng. Nhưng hầu như anh Hùng không hề để tâm đến chuyện đó. Nhiều hôm anh Hùng còn đi đỡ ông bà Trung làm đồng. Thấy vậy các cụ già xuýt xoa cười hề hề, các chị thanh niên đứng ở đằng xa nhìn trộm anh. Nhiều người trêu: “Ôi! Ông bà Trung có chàng rể tương lai là bộ đội, vừa đẹp trai vừa khỏe khoắn”. Anh Hùng mặt đỏ bừng nhìn chị Vân tủm tỉm cười.

Cũng từ ngày đó Thành dậy sớm hẳn. Thành kéo mấy thằng bạn theo anh Hùng ra tận bờ suối tập thể dục. Chúng được anh dạy nhiều thế võ và tập rất say sưa. Anh Hùng đẽo một cây dao găm bằng gỗ và chặt một cây chuối rừng to giả làm tên địch. Anh đặt cây chuối trên bờ cát và dạy bọn thằng Thành cách đâm dao vào tên địch. Chúng thi nhau bò trên cát và vùng dậy đâm mạnh mũi dao vào cây chuối. Đến lúc anh Hùng giục về mà chúng vẫn ngẩn ngơ tiếc.  

Một buổi sáng, anh Hùng nghỉ ở nhà. Anh lấy tấm bản đồ to trải ra giữa nhà, với quyển sổ tay anh hí hoáy ghi chép. Chị em Thành mài dao chuẩn bị đi lấy củi. Chị Hải bảo Thành đừng cho anh Hùng biết, kẻo anh lại đi theo. Hai chị em Thành đi nhanh vào đến chân núi, ngoảnh lại thấy anh Hùng lững thững phía sau, chị Hải lúng túng:

- Anh cứ ở nhà làm việc đi, bọn em làm được mà.

- Có việc gì đâu, anh đi lấy củi cùng bọn em cho vui ấy mà.

Thành đổi cho anh Hùng con dao của mình và nói:

- Anh lấy dao em sắc hơn mà chặt!

Anh Hùng chặt một lúc được đống củi to. Anh bó thành hai bó gánh về. Hai chị em Thành mỗi người một vác nặng mà chỉ bằng một nửa gánh của anh.

Sau hơn ba tháng huấn luyện cho trung đội dân quân của xã, anh Hùng trở về Huyện đội. Anh Hùng nói đã học lái xe và sắp tới nhận xe ô tô chở quân vào miền Nam chiến đấu. Mẹ và các chị bùi ngùi, chị Vân quay đi quệt nước mắt. Ông Trung dặn dò anh:

- Vào chỗ ác liệt cháu phải hết sức cẩn thận nhé, mong cháu giữ gìn sức khỏe, gặp nhiều may mắn bình yên!

 Nghe vậy anh tươi cười nói:

- Vâng! Hai bác với các em cứ yên tâm. Khi nào đất nước thống nhất cháu sẽ trở về ạ!.

Chợt sực nhớ ra Thành chạy vào góc học tập lấy tập giấy trắng đưa cho anh và nói:

- Biếu anh tập giấy để viết thư về cho chúng em nhé!

- Anh có giấy viết thư rồi, em để mà học tập!

- Em được thưởng nhiều lắm, anh cứ cầm đi.

Bố mẹ Thành cũng nói mãi anh mới chịu nhận.

*

Anh Hùng nhanh nhẹn gạt chân chống cái xe Dream Thái xuống sân, nói với ông bà Trung:

- Dạ! Đây là Thu vợ cháu và đây là con trai chúng cháu ạ- rồi quay lại phía Thu- Còn đây là bác Trung và gia đình mà anh đã kể với em nhiều lần.

- Dạ! Cháu chào hai bác và các em- Rồi chị đẩy vào lưng thằng bé- Con chào ông bà và hai chú đi nào.

- Dạ! Cháu chào ông bà và các chú- Thằng bé khoanh tay lễ phép chào.

- Ừ, thôi! Vào trong nhà đi cho mát ngoài này nắng lắm- Bà Trung nói và dắt tay thằng bé vào nhà.

Sau một thoáng hồi tưởng, Thành lúc đó mới nhớ ra anh Hùng. Cậu nhìn trên ve áo Hùng với đôi quân hàm đại tá đầy ngưỡng mộ.  

Bữa cơm tối được dọn ra với ngồn ngộn thức ăn. Ngoài gia đình ông Trung với vợ con của Hùng ra còn có thêm ông Xuân nguyên Xã đội trưởng đã nghỉ hưu. Khi mọi người yên vị và cạn chén. Sau cái khà khoái chí, ông Xuân lên tiếng một cách bỗ bã xen lẫn hài hước:

- Nào bây giờ thằng Hùng kể lại đầu đuôi xem mày đã hy sinh rồi mà tại sao lại không chết?

- Vâng! Chuyện là thế này…

Hùng vừa nói đến đây thì ngoài sân có tiếng người đi xe đạp lạch cạch đến. Mọi người cùng dừng lại, Thành vội chạy ra nói như reo lên:

- A! Anh Bảo chị Vân! Có vợ chồng anh Hùng đến nhà mình chơi, anh chị nhanh  vào ăn cơm nào!

- Ừ! Anh chị vừa nghe tin bên này có khách, nhiều việc quá, giờ mới sang được.

Bảo vừa nói với Thành vừa lững thững vào nhà. Hai vợ chồng Bảo nheo nheo mắt vì bị lóa ánh điện. Hùng đứng dậy nhìn chằm chằm vào Bảo và bất chợt thốt lên:

- Ơ, a… anh Bảo, thủ trưởng Bảo…

Bảo cũng vừa nhận ra Hùng. Hai người ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào không nói nên lời. Ông Xuân thấy vậy lên tiếng:

- Ơ! Hóa ra hai thằng quen nhau. Vậy mà hơn chục năm qua thằng Bảo chẳng kể gì về chuyện thằng Hùng nhỉ?

Khi mọi người ngồi cả vào mâm, ông Trung lên tiếng:

- Ra mấy cái anh Huyện đội này hồ đồ nhỉ, người ta còn sống sờ sờ ra lại bảo là đã hy sinh.

- Vâng! Mấy ông ấy làm cho mọi người ai cũng buồn và thương tiếc thằng Hùng- ông Xuân tiếp lời ông Trung.

- Dạ vâng! Chuyện dài lắm ạ, nhưng trước hết cháu xin được giới thiệu lúc cháu vào đơn vị lái xe thì anh Bảo đây là Đại đội phó của cháu đấy ạ.

- Ra vậy- Ông Xuân thốt lên.

- Vâng! Chúng cháu ở cùng đơn vị hơn một năm đấy ạ!- Bảo lên tiếng xác nhận và giục Hùng- Nào bây giờ cậu Hùng kể lại đầu đuôi cho cả nhà nghe đi.

- Vâng! Hồi ấy là năm 1971 anh nhỉ?- Hùng nhìn Bảo bồi hồi-  Chúng cháu lái xe chở bộ đội, vũ khí, lương thực vượt Trường Sơn ra chiến trường. Con đường thì lầy lội, trên trời máy bay địch gầm rú ngày đêm, hố bom chi chít nhằng nhịt. Bọn cháu lái xe vượt trọng điểm chủ yếu về ban đêm. Hồi ấy đầu năm 1972 do yêu cầu của chiến trường, nên có lần chúng cháu phải vượt trọng điểm cả ban ngày. Tại các điểm cao gần trọng điểm có các đơn vị phòng không bảo vệ. Lần đó tốp năm xe của anh Bảo chở đạn đi đầu, còn cháu đi sau cùng tốp chở lương thực. Thấy tốp của anh Bảo vượt trọng điểm an toàn, chúng cháu cho xe từ từ bò lên. Khi sắp qua hết trọng điểm thì máy bay địch ào tới trút bom. Xe cháu bị hất tung lên và lộn nhào xuống vực, cháu văng ra ngoài ngất lịm đi. Không biết xe cháu bị lộn bao nhiêu vòng và cháu nằm dưới vực bao nhiêu lâu nữa. Bỗng cháu nghe trong mơ hồ, lao xao tiếng của các cô gái thanh niên xung phong giọng Quảng Bình: “Một hy sinh, một bị thương nặng. Cõng anh bộ đội bị thương đi nhanh đến trạm phẫu cấp cứu may ra… Tổ cha lũ giặc cướp”. “Cả một xe gạo tung tóe ra thế này… báo đại đội cử thêm người xuống lấy gạo khỏi phí”. Thế là cháu được một cô gái cõng đưa về trạm phẫu gần đó.

- Khi chúng tớ về đến binh trạm giao hàng, điểm lại thấy thiếu xe cậu. Lúc quay trở ra cũng không thấy xe cậu hỏng hóc dọc đường. Đơn vị đã làm lễ truy điệu hai cậu ngay sau đó- Bảo khẳng định thêm.

- Ra là huyện đội báo tin cậu hy sinh là có cơ sở đấy nhỉ- Ông Xuân cũng thêm vào- Rồi thế nào nữa hả Hùng?

- Dạ! Cháu nằm điều trị tại quân y viện Đoàn 559, đã có lúc cháu tưởng không thể qua khỏi nữa. May mà đến tháng thứ tư cháu mới nhúc nhắc được. Cháu ra viện và xin trở lại đơn vị cũ lái xe, nhưng các anh nói đơn vị đã chuyển vào tuyến trong sâu hơn. Thế là cháu về đơn vị mới. Mỗi lần lái xe gặp đơn vị khác ngược chiều hoặc nghỉ tại binh trạm cháu vẫn dò hỏi đơn vị cũ, dò tìm anh Bảo nhưng bặt vô âm tín. Các bác tưởng tượng lúc đó trên các cung đường Trường Sơn nườm nượp xe, nườm nượp người vào ra. Nên không thể nào mà tìm được đơn vị cũ.

- Vậy là cậu chỉ bị thương nặng chứ không phải là hy sinh?- Ông Xuân hỏi một cách ngờ nghệch.

- Ơ hay! Cái chú này rõ là… hy sinh rồi thì còn ngồi đây kể chuyện cho chú nghe được à?- Ông Trung vặc lại ông Xuân và khẳng định- Người như thằng Hùng không thể chết dễ dàng như thế được!

- Đúng rồi, sau lần đó cả đơn vị chuyển vào tuyến trong sâu hơn. Nhưng nhiều lần bọn tớ vẫn đi qua cung đường ngày trước. Mỗi lần đi qua trọng điểm xe cậu bị trúng bom, chúng tớ lại bồi hồi…-  Bảo nghẹn ngào- mà cũng do điều kiện chiến trường nên chúng mình ít có dịp hàn huyên. Mình không ngờ trước khi vào Trường Sơn cậu đã từng công tác ở xã nhà.

- Còn em lại nghĩ các anh không hề quen biết nhau- Lúc này Vân mới lên tiếng.

- Thì thế mới là sự lạ- Ông Xuân lại oang oang- Nào thằng Hùng kể tiếp đi.

- Dạ vâng! Đến cuối năm 1975 cháu mới được về phép. Đến năm 1978 cháu và  Thu cưới nhau vừa tròn một tuần thì được cử sang Liên Xô học tập. Năm năm sau cháu ra trường, cấp trên điều động cháu về làm giảng viên Học viện Tăng- Thiết giáp. Cháu xin lỗi, vì quá nhiều công việc nên đến nay vợ chồng cháu mới về thăm các ông các bà và gia đình được.

- Giảng viên Học viện Tăng- Thiết giáp? Thành ơi! Thế là mày may rồi- Ông Trung chợt nói như reo lên.

Trong lúc Hùng đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì Thành tiếp lời bố:

- Vâng, đi nghĩa vụ quân sự được hai năm thì vừa rồi em thi vào đại học. Em đỗ vào Học viện Tăng- Thiết giáp đấy anh ạ! Em lấy giấy báo nhập học cho anh xem nhé.

Cầm tờ giấy báo nhập học trên tay, Hùng vui vẻ nói:

- Đúng rồi! Đây là chữ ký của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Minh, Hiệu trưởng học viện, mà anh Minh là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đấy, trong kháng chiến chống Mỹ anh là lính lái xe tăng tham gia chiến đấu lập được nhiều chiến công xuất sắc- rồi cầm tay Thành khẽ nói- Ôi! vậy là anh em mình lại được ở cùng nhau rồi. 

Cả nhà cùng vui vẻ phấn khởi. Ông Xuân nâng cao chén rượu ngang mặt tuyên bố:

- Nào bây giờ chúng ta cùng nâng chén chúc mừng thằng Hùng đã không chết, thằng Hùng đã trở về! Chúc thầy trò thằng Hùng, thằng Thành hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Cả nhà cùng hào hứng cụng chén vào nhau.

Đêm ấy Thành nằm mơ thấy mình đang ngồi chật trội trong chiếc xe tăng, tiếng máy nổ êm êm cùng mùi xăng thơm ngai ngái. Chiếc xe lướt ngang qua gần cánh đồng lúa đang lên xanh mơn mởn. Phía sau xe của Thành là một đàn cò trắng đang dập dìu chao liệng.

 

       P.L.Đ                                                                                       

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter