• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
“Cây sâng đỏ” của bản Dao
Ngày xuất bản: 22/09/2020 2:58:03 SA

 Ký của Hoàng Xuân Lý

 

     Đến thôn Liên Thành lần này được thung thăng sải bộ trên con đường bê tông dẫn vào khu trung tâm. Hai bên đường, vô vàn những rừng trồng nối nhau leo lên núi Tinh, núi Thiềng nào: chè, keo, quế, bồ đề bốn loại cây đặc chủng là thế mạnh của thôn. Cây chè, bồ đề và keo vốn là cây đến xin định cư sớm nhất tại đây nhưng cây quế mới là linh hồn của núi Tinh, núi Thiềng trong nhiều năm tới. Cây quế đã hãnh diện vươn lên thay thế cho rừng hoang, đồi trọc. Ngoài chức năng làm lá phổi xanh, cây quế còn có giá trị kinh tế cao. Nói gì thì nói đồng bào mình vẫn không ngừng mở thêm diện tích chè, keo, bồ đề bởi đây là loại cây ngắn ngày. Ông bà ta có câu: “Lấy ngắn, nuôi dài” mà.

     Qua nương chè cụ lão là đến bến nước cây sổ. Ngửa mặt trông sang trái, mắt chạm thác nước Khe Thiềng, bọt tung trắng xóa. Phía phải là cánh đồng “5 tấn” 7 ha, lúa đang kỳ chín rộ. Thấy các cô gái nhấp nhô cúi mình cắt lúa, vui quá nên buột miệng, tôi đùa:

     - Vơ chi mà “ham” thế mấy em? Lượm hết cả “vàng” của làng rồi!

     Một cô dong dỏng cao, đầu đội nón trắng, mặt bịt khăn thêu kín mít, chỉ trông thấy đôi mắt đen lóng lánh. Tay cầm liềm, cô gái bước lên bờ đi về phía tôi. Miệng dứt khoát:

     - Mời anh xuống đồng hái “vàng” giúp dân.

     Đối với các cô gái, có lẽ là trò thách đố hơi bị… “siêu”. Còn tôi đây là một trải nghiệm cho mỗi lần xuống bản. Được giúp dân lòng phơi phới như mở cờ, tôi lọt thỏm giữa thảm lúa vàng, tay liềm, tay quơ từng gồi, từng hạt thơm thoảng mồ hôi và thấm giọt sương chiều lung linh dưới nắng ngọc. Nhìn tôi cắt lúa thành thục, các cô gái Dao không khỏi ngạc nhiên, mắt lúng liếng nhìn nhau: “Đích thị là lão nông thực thụ”.

     Điều đáng nói, sau hơn 50 năm thành lập bản, Liên Thành vẫn là thôn đặc biệt khó khăn của một xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn cần được hỗ trợ, giúp đỡ nhiều nữa mới có thể thoát nghèo. Thế nhưng, điều bất ngờ nhất đối với tôi là cánh đồng lúa nước đang vào mùa gặt, lúa trĩu nặng hạt đến quỵ cả thân. Không thấy thanh niên nam cắt lúa, tôi hỏi:

     - Trai làng đi đâu cả mấy em?

       Cô gái dong dỏng, lưng eo khi nãy kéo khăn buột khỏi miệng, vui vẻ:

     - Trai bản nhường phần anh đấy.

     Hóa ra khu này là ruộng cao sản của Chi hội phụ nữ. Cô Xoan, cô Đào, cô Chung, cô Nghĩa… hàng chục cô tay liềm, tay hái thoăn thoắt cắt lúa thuần thục như những nông dân đồng bằng. Nâng niu gồi lúa trên tay, cô Xoan (cô gái lưng eo khi nãy) không giấu được niềm vui:

     - Chưa năm nào thôn em làm được lúa nhiều như năm nay. Đám ruộng nho nhỏ non nửa sào mà thu được những 7 bao thóc.

     Đâu chỉ có ruộng cao sản lúa mới tốt, nhiều nhà khác trong thôn cũng có một vụ lúa mùa bội thu mà cả đời họ chưa từng thấy. Đấy là nhờ dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp của Chi bộ thôn hồi tháng 9 năm 2019. Dự án tiến hành tu sửa và nâng cấp phai Ngả Hai, có tuổi đời 45 năm (do Ban định canh, định cư huyện khai sinh năm 1975). Kinh phí 100% do bà con trong thôn tự nguyện đóng góp. Người không có tiền thì bỏ công sức, quy ra tiền cũng không dưới trăm triệu bạc. Công trình đang thi công thì đùng một cái gặp đại dịch COVID-19. Thực hiện Chỉ thị 16/TTCP “thôn nào ở thôn ấy”, đồng bào vừa phòng chống dịch, vừa tu bổ nâng cấp đập Hai Ngả, “bắt dòng nước leo lên ruộng hạn”. Hệ thống kênh mương tuy mới chỉ bằng đất đá, ván mỡ ghép và ống nhựa 110, nhưng vẫn vươn mình đưa dòng nước tới các chân ruộng khô hạn cách đó hàng ngàn mét. Rồi ngập vào từng thớ đất khô ải, làm cho chúng tơi xốp ra. Lại được cán bộ Nông nghiệp xã, huyện, tỉnh về nằm vùng hướng dẫn đồng bào cách làm đất, bón lót phân xanh, phân chuồng, ủ giống gieo sạ và chăm sóc hiệu quả. Theo lời cô Xoan, Chi hội Trưởng phụ nữ thôn, thì vụ mùa này thôn mới làm thử nghiệm 7 ha. 10 ha còn lại dành cho vụ đông xuân năm tới.

     Trời chiều dịu dần, Xoan đưa khăn thấm giọt mồ hôi lăn trên má. Khuôn mặt trái xoan xinh xắn kia ửng lên:

     - Lúa trúng thế này, nếu làm hết diện tích Nhà nước quy hoạch, thôn em chẳng lo lắng gì đói nữa.

     Xoan chưa kịp nói thêm thì Đào xen vào:

     - Điều vui nhất là tụi trẻ mình đã biết cách tăng năng suất lúa nước. Những ngày nước mát tràn xuống đồng, nhìn thấy bông lúa gật gà trĩu hạt là tụi em mê mẩn, trưa chẳng biết, tối không muốn về, cứ xít xoa muốn ở lại với lúa.

     Tạm biệt các cô gái, tôi vượt ngầm lên đồng Là Han, nơi có đập nước Ngả Hai, bờ đổ bằng bê tông cốt thép hẳn hoi. Công trình do nhà nước và nhân dân cùng làm. Hồi ấy, Liên Thành chưa có đường giao thông, đồng bào mình phải gồng mình lội suối, luồn rừng “cuốc” gần hai giờ đồng hồ mới tới cầu Khe Mòn để cõng gạch, xi măng, sắt thép vào bản. Ngày khánh thành, dân làng mổ trâu, mổ lợn cúng ma rừng, ma xóm. Người già, người trẻ chẳng thiếu mặt ai, họ ngồi khoanh chân trên chiếu lá chuối rừng, lai rai mừng bữa cơm đoàn kết tại bờ đập, để tận mắt đón ngọn nước suối Thiềng và dòng Cẩm Cò tuôn bạc vào đập. Chính giữa lòng con đập này, mới hôm qua thôi còn là cái vực lớn, nơi hai ngọn nước gặp nhau. Có sự chứng giám của cây mít già cổ thụ, mà cha ông họ di cư sinh sống trồng bên suối nước hiền hòa uốn khúc. Có lẽ hai ngọn nước đã bồi đắp phù sa tạo thành cánh đồng vàng rộng hàng chục ha này. Xa xa là những cánh cò ẩn hiện sau lũy tre xanh, bao bọc lấy bản làng yên ả.

     Đi khoảng 10 phút nữa, mới đến được khu dân cư. Điều đầu tiên ập vào mắt tôi là những ngôi nhà xây mái bằng mọc sát nhau dọc con đường đá ong hình trăng khuyết vòng vo tới dốc Là Han (lá han), quay sang Pầy Chồ Kỉa (đá sạt). Tuy đoạn đường này chưa đổ bê tông, nhưng nhà sát nhà nom như phố núi. Nhà một tầng, hai tầng, có cả nhà lầu ba tầng nữa. Trên mỗi nóc sân thượng đều có chảo ăng-ten vươn lên trời. Điện và thông tin đã góp niềm vui vào cuộc sống thường ngày của đồng bào và lòng tin vào Đảng. Nhà văn hóa thôn tuy nhỏ và cũ kĩ nhưng tôi phải giật thột vì thấy một cụ ông đang ngồi ghi chép số liệu ở cái bàn đóng bằng gỗ sâng đỏ. Tôi chưa kịp lên tiếng thì ông già đã bước tới cửa và ôm ghì tôi vào lòng:

     - Ôi anh giáo! Đã 5 mùa bắp rồi còn gì? Vẫn đi “săn” đều chứ?

     Nghe giọng nói, tôi nhận ra già làng Triệu Đức Nhàn, vị cựu Bí thư Chi bộ thôn và gật lia lịa:

     - Dạ. Mới đó đã 60 tháng. Thôn mình mần chi giàu giữ ta.

     Già Nhàn cầm cây viết “tung” ba, bốn vòng tròn lớn lên không trung, như thể thâu gọn những thành quả đồng bào mình đạt được. Mở cuốn sổ dày cộp, ông khoe:

     - Mần ở đó đó chú à. Vừa đủ 65% nhà xây thôi. Số còn lại là nhà gỗ lợp tấm Prô. Thóc lúa dư dãi quá, bà con xuất cả ra thị trường đấy.

     Tuổi đời ngoài 80, tuổi Đảng thiếu ba tháng tròn 60 năm, già Nhàn vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Tóc chưa hề có sợi bạc. Thời chống Mỹ, già công tác ở Ban định canh định cư huyện, trụ sở sơ tán xuống bản Bát, sát Ngòi Thia. Có lẽ ông trời se duyên, già thương yêu và lấy cô gái Thái bản Bát công tác cùng cơ quan làm vợ. Ông bà sinh được 6 người con 4 trai, 2 gái. Khi về nghỉ chế độ, già tiếp tục tham gia công tác thôn bản, hết Trưởng thôn lại đến Bí thư Chi bộ. Hiện nay ông bà ở với người con út, nhà nối nóc với Hội trường văn hóa thôn. Khu đất Nhà văn hóa rộng hơn hai trăm mét vuông cũng do già hiến cả. Gương sáng của già được cả làng, cả xã học tập. Đồng bào ví ông là “Cây sâng đỏ” của bản.

     Theo lời già Nhàn, người Dao Minh An vốn gốc Nga Hoàng - Yên Lập - Phú Thọ. Xưa là dân du canh du cư, ở nhà thấp nửa sàn, nửa đất. Cột gỗ lũa cắm thẳng xuống lòng đất, mái lợp lá dong, vách nứa, ngủ không mắc màn. Đi nương ăn cơm nắm, bát bằng lá dong chan canh nước máng... tháng ba, ngày tám thóc gạo hết lại lên rừng đào củ mài, đổ cây đao, cây báng đẽo vỏ lấy lõi cõng về giã lấy bột phơi khô, đồ xôi làm cơm bữa hoặc lấy củ nâu, củ măng ngâm nước suối ba bốn ngày luộc làm canh, làm khoai. Có người chịu không nổi, bướu cổ mọc thành chùm. Đấy là lời già minh họa trong những năm khai rừng lập làng định cư. Đi nhiều, thấy nhiều anh cán bộ trẻ tuổi Triệu Đức Nhàn không lòng dạ nào nhìn thấy đồng bào mình chìm trong bóng đen lạc hậu, dẫn đến cuộc sống cơ cực trăm bề. Thế là những ngày nghỉ chủ nhật anh cùng vợ về quê vận động đồng bào học cách “đổi đời”. Ông tập hợp những người có uy tín như già làng, trưởng bản, đoàn thanh niên, phụ nữ làm nòng cốt cùng làm. Sau khi các ban bệ ra đời, anh phát động cuộc “chiến” chống lại nghèo nàn, lạc hậu.

     Thấy phong trào chống nghèo nàn lạc hậu ở Liên Thành phừng phừng bùng lên, Huyện ủy cử Đức Nhàn về “cắm bản”. Để tăng diện tích canh tác lúa ruộng, anh bàn với xã di rời dân, quy hoạch lại bản để sau này dân vừa có nhà, vừa có đất đồi, đất ruộng trồng cấy lại tránh được con nước lớn mùa mưa lũ. Khó thật! Bởi đồng bào chưa thông, không ai chịu rời mảnh đất tốt, thì Đức Nhàn tự rời nhà lên bìa rừng, nơi giáp danh với dốc Là Han. Mẹ anh kêu trời, bảo rằng: “Con ơi! Mày vào đó ở với beo cọp à?”. Cọp đâu chẳng thấy, vài tháng sau đã có mấy hộ rời men suối lên xin đất ở theo. Thế rồi anh vận động bà con “dừng” du canh, du cư để cùng nhau đào đất, lấp chằm mở ruộng. Lúc ấy, chuyện làm lúa nước ở đây còn xa lạ lắm. Vì thế ông “ra” cả những đồng lương ít ỏi của mình để cử cán bộ cốt cán bản đi Mường Lò học cách làm ruộng. Khi có ruộng thì con trâu thả nhông trên rừng cũng biết xuống ruộng kéo bừa, kéo cày. Những hộ đầu tiên “dấn thân” mở ruộng phải nói tới: ông Triệu Tiến Khánh, nguyên trưởng thôn là người có học ngày ấy. Ông còn tự mở lớp dạy học, ban đầu chỉ dành cho đàn con 5 đứa nhà mình, về sau nhiều hộ gửi con tới nhờ ông giúp. Lớp học chữ Bác Hồ đầu tiên của bản “nổ” cùng phong trào chống nghèo nàn lạc hậu. Đứng sau ông Khánh là già Linh Cọ, Linh Đá, Tiến Doanh, Kim Thêm, Vượng Nụ… mỗi hộ không dưới một ha ruộng nước. Năm ấy nắng nhiều, lúa nương cháy trụi, lúa ruộng “trời phú” nhà nhà căng bịch. Những hộ chưa mặn mà với ruộng, trông thấy mà thèm nhưng trong lòng rất vui bởi được người có ruộng chia “ngọc” cứu đói. Ăn bát cơm ruộng chẳng kém gì cơm nương, lại no lâu, vụ sau họ hù nhau khai phá làm theo, dần dà nhà nhà có ruộng, có thóc, vụ trước ăn gối vụ sau. Đồng cao thiếu nước đồng bào tra ngô. Lúa ruộng, ngô đồng ăn không hết chẳng ai phá rừng tra lúa, tra ngô nương nữa.

     Song song với mở ruộng lúa nước là đổi mới giống cây trồng, vật nuôi Đức Nhàn bao giờ cũng là người “cầm cờ”. Ông bày cho bà con cách trồng cây keo, cây bồ đề phủ xanh đồi trọc thì họ bảo: “Mình là người chứ có phải chim đâu mà đậu”. Giải thích đi, giải thích lại trong nhiều cuộc họp, rằng: “Gỗ rừng già cạn rồi. Mình trồng rừng vườn, loại gỗ ngắn ngày này dễ chăm sóc, thu nhập khá cao. Có nhiều tiền để mua xe máy, làm nhà xây mái bằng... Nhưng nhiều nhà vẫn chưa “thủng”. Chỉ khi 5 năm sau có kết quả, bà con mới nhúc nhắc làm theo. Dần dà, nhà nào cũng hăng hái học cách làm giàu từ vườn rừng, lại thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật “ngấm” sâu vào xương, vào máu đồng bào. Rừng hoang hóa giờ không còn nữa, chỉ thấy rừng quế, keo, mỡ, bồ đề. Hiện tại Liên Thành có trên 150 ha gỗ vườn rừng đã đến tuổi khai thác; cây sắp đến tuổi không dưới 300 ha; quế đang trưởng thành: 110 ha; chè 21 ha đang thu hoạch. Các loại cây mới trồng 1 đến 2 năm tuổi già Nhàn đang thống kê vào sổ. Thực hiện Nghị quyết 20/HĐND xã Minh An “Mỗi thôn một loại cây”, trừ diện tích chè và lúa nước ra, Liên Thành lấy: keo, quế, bồ đề là cây chủ đạo. Nhờ ba loại cây thế mạnh này mà đồng bào Dao Nga Hoàng đã thoát nghèo và đang giàu lên chính đáng.

     Từ những bước chân du cư dựng xóm Ba Nhà, giờ Liên Thành đã có 162 hộ, 503 khẩu. Từ nhà tạm “nửa sàn, nửa đất”, giờ đây 65% hộ dân có nhà xây mái bằng và công trình vệ sinh đạt chuẩn. Từ “bát lá dong, canh nước máng” giờ đồng bào đã ăn cơm bằng bát sứ Hải Dương, dùng nước giếng đào chứa trong téc INOX đặt trên mái bằng. Đi lại vi vu bằng xe ga, xe số đắt tiền. Ô tô chở gỗ vườn rừng non hai chục chiếc. Thôn có 2 đội cai thầu xây dựng, nay chuyển thành tổ đổi công; 1 máy đổ bê tông, kèm theo 9 thành viên trong đội; 1 máy múc đất, 5 máy tuốt lúa di động, 9 máy cày bừa cỡ vừa và nhỏ. Từ 1 lớp học gia đình, giờ có 2 phân hiệu: một của Trường Mầm non; và 5 lớp cấp I của Trường Tiểu học xã. Thông tin liên lạc đồng bào xài xịn, toàn điện thoại có hình ảnh đắt tiền. Từ bản “trắng” không có đảng viên, già làng Triệu Đức Nhàn đã dìu dắt nhóm lên thành một Chi bộ trong sạch vững mạnh, lên tới 17 đảng viên. Bây giờ, cuộc sống đề huề, nhà cao, cửa rộng chẳng ai muốn rời làng đi đâu xa nửa tháng.

     Với tâm huyết của già, tôi tin rằng ông sẽ còn có nhiều “cuộc vận động” khác ly kỳ hơn thế, để bản Dao quê ông không bị tụt hậu trong tiến trình đổi mới của đất nước. Và ông sẽ mãi mãi là “Cây sâng đỏ” của bản Dao.

 

                                                                   H.X.L

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter