• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Chị Nữ
Ngày xuất bản: 20/09/2021 2:43:50 SA

Truyện ngắn của Nguyễn Hiền Lương

Chị là con gái út cụ trùm Thiện, hơn tôi 5 tuổi nhưng chỉ học trước 3 lớp. Hết lớp 7, chị bảo: Các anh chị lớn xây dựng gia đình, ra ở riêng, ruộng nương, vườn tược, bố mẹ già làm không xuể, trường cấp III lại xa nên nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ. Song tôi biết, lí do chính là chị yêu anh Lý, nghỉ học để lập gia đình với anh Lý.

Chị Nữ đẹp lắm. Tôi chưa thấy ai đẹp bằng chị. Đẹp từ mắt môi, má miệng, tóc tai đến thân hình. Vào tuổi đậy thì, ngực nở, mông lẳn như gái 18, mắt long lanh, nhìn ai là hút hết hồn người ấy. Anh Lý, cũng vạm vỡ, gân guốc, mặt vuông chữ điền lại có tài thổi sáo. Nghe anh thổi bài "Bên ven bờ Hiền Lương" thì thôi rồi. Hồn vía cứ lâng lâng, chao liệng theo tiếng sáo. Bố anh Lý cũng là cụ trùm. Cụ trùm Thiện thông gia với cụ trùm Sinh thì "Môn đăng hộ đối" nhất rồi. Cả xóm, ai cũng bảo vậy. Còn cánh thanh niên chẳng anh nào dám ho he, tơ tưởng tới chị Nữ, vì địch sao nổi anh Lý.

Xóm tôi có hơn hai chục nóc nhà, toàn dân Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên chạy đói 45, phiêu dạt tứ chiếng rồi neo lại bãi sông Chảy này vỡ đất trồng màu, trồng lúa, lập thành xóm. Tuy không họ hàng nhưng đùm bọc, nương tựa nhau như người một nhà.

Khúc sông ở đây đang chảy thẳng thì gặp cái ghềnh đá nhô ra tới một phần ba dòng chảy, nước bị cản lại, quẩn thành cái vật lớn, hút mọi thứ trôi nổi trên sông vào bờ. Phần lớn là gỗ nứa, thi thoảng có cái xác người chết trôi. Gỗ, nứa vớt lên, tốt thì xẻ ván, xấu làm củi; xác người chết trôi cũng vớt, bó chiếu đem chôn ngay ở mom đất gốc Sui đầu vật. Chẳng biết người chết theo đạo nào, các bà, các chị đều đọc một bài kinh cầu nguyện xin Chúa lòng lành đón rước linh hồn người xấu số lên Thiên đàng. Người hay phát hiện ra xác chết trôi là chú Đản, kéo vó bè ở cửa ngòi. Cứ thấy có bầy quạ đen lượn quanh vật, kêu váng trời là chú biết có xác chết. Vội bơi mảng ra kéo xác vào bờ, rồi về gọi mọi người ra đào huyệt chôn. Chị Nữ là người hăng hái với việc chôn người chết trôi. Đàn bà, con gái mà chẳng sợ gì sất, cứ phăm phăm làm mọi việc, từ đào huyệt, đến bó xác, khiến mấy anh con trai có sợ, ngại cũng không dám khoanh tay, đứng nhìn. Có lần, gặp cái xác đôi, một nam, một nữ còn trẻ, chân, tay hai người buộc díu vào nhau bằng khăn mùi xoa. Mọi người đoán vì lý do nào đấy mà đôi thanh niên này cùng tự tử. Lúc đào huyệt, chị Nữ bảo đào to, chôn hai người chung một huyệt. Chị còn về bảo cụ trùm Thiện ra làm phép rửa tội và rảy nước Thánh trước khi chôn.

Từ ngày chôn người chết trôi ở bãi đất đầu vật, cái vật tự nhiên trở nên thiêng. Ai đi qua cũng dừng lại chắp tay vái một cái. Ngày rằm, mùng một, thuyền chài, lái bè mang xôi, chân giò lợn vào thắp hương. Xóm có anh Khờ, nói lắp, quen mui cứ ngày rằm, mùng một lại ra vật, lấy xôi, chân giò lợn về ăn. Ai hỏi thì bảo: "Ra vật... vật... giò... vật giò".  Từ đó, cái vật mang tên Vật Giò. Xóm mới lập chưa có tên, cũng lấy luôn Vật Giò làm tên xóm. Đất lành chim đậu, xóm Vật Giò đã lên tới bốn chục hộ. Cụ trùm Thiện được mọi người, bất kể lương, giáo, đều coi là người đứng đầu xóm, làm cái gì cũng nhất nhất theo ý cụ.

Thời chiến, trai tráng đến tuổi đều nhập ngũ, ra trận. Nhà nào có con trai lớn cũng lo chuyện cưới vợ cho con, ngộ nhỡ sa sảy thì còn có người nối dõi. Vừa ăn Tết xong, cụ trùm Sinh sắm cơi trầu chạm ngõ, đánh tiếng với cụ trùm Thiện cuối năm sẽ xin cưới chị Nữ cho anh Lý. Đùng một cái, tháng 3, anh Lý có lệnh nhập ngũ, rồi đi tuốt một mạch vào Nam. Ở nhà, chị Nữ được bầu vào Xã Đoàn, phụ trách Đội Thiếu nhi xóm Vật Giò. Trong số trẻ con ở xóm, chị Nữ quý tôi nhất, chọn tôi làm phân đội trưởng. Tôi sợ ma, tối lên sân kho hợp tác tập nghi thức Đội, qua bãi chôn người chết trôi, phải nín thở, bám chặt vào gấu áo chị Nữ. Chị Nữ thì ngược lại. Có lần, chị bảo tôi đợi ngoài đường xem chị vào bãi tha ma. Tôi không dám đứng một mình lại bám gấu áo, theo chị. Từ ngày anh Lý đi bộ đội, chị Lý quý tôi hơn. Hình như tình cảm với anh Lý chị dành hết cho tôi. Làm cái gì cũng "Lâm ơi! Lâm ơi!". Chị còn dạy tôi tập bơi. Chị bảo, trai sông Chảy không biết bơi là hèn, xem chị đây này. Rồi loáng một cái, chị đã bơi ra đến giữa sông, lặn ngụp một hồi mới bơi vào. Tôi tập mãi mà chưa tự mình bơi được, hễ chị Nữ thả tay là tôi chìm. Có lần chị vừa thả tay, tôi đã chới với, sặc nước, chị tức quá bóp mạnh một cái vào chim tôi đau điếng. Thấy tôi, mặt tái xanh, lóp ngóp lên bờ, chị bảo:

- Giờ còn một cách, em phải cho chuồn chuồn cắn rốn.   

Tôi hỏi:

- Tại sao chuồn chuồn cắn rốn lại biết bơi?

Chị Nữ bảo:

- Chả biết, nhưng có câu đời xưa truyền lại: "Chuồn chuồn cắn rốn, bốn ngày biết bơi", em có chịu không?

 Tôi gật đầu. Chị Nữ liền lên bãi ngô bắt chuồn chuồn. Lát sau, chị cầm về con chuồn ngô to gần bằng ngón tay, hăm hở bảo tôi nằm ngửa ra. Tôi nằm phơi rốn, nhắm tịt mắt, bỗng giật mình đánh thót, cái rốn lồi đau nhói như bị dứt thịt. Theo phản xạ, tôi vùng vẫy nhưng không cựa nổi mình vì hai chân chị Nữ đã đè ngang bụng, đành nghiến răng chịu trận. Sau đận đó, không biết do chuồn chuồn cắn hay do sợ quá mà tôi biết bơi, thậm chí còn dám bơi thi với chị Nữ.

Xóm Vật Giò là đất bãi bồi, không đào được giếng. Tất cả, từ lấy nước ăn uống, đến rửa ráy, tắm giặt đều ra sông. Chả nhà nào có nhà tắm. Tắm xong, có người mặc quần áo ướt về nhà thay, có người núp vào rặng sậy hay bụi chuối thay, có người, ngó quanh thấy không có ai liền tụt quần thay ngay trên mảng. Chị Nữ hay rủ tôi tắm cùng. Tắm xong chị bảo tôi lặn nước. Tôi hỏi, lặn làm gì? Chị bảo, lặn lấy cho chị khúc củi chìm. Tôi lặn chưa được một phút đã hết hơi, liền trồi lên. Chị Nữ đang tồng ngồng trên mảng, cuống quýt giục tôi lặn xuống. Thì ra, chị bảo tôi lặn để thay quần áo. Lần này, lặn chưa hết hơi tôi đã trồi lên. Chị Nữ vẫn chưa mặc xong áo, vội quay người, tôi chỉ nhìn thấy mảng lưng trần trắng hồng của chị. Sau đận ấy, nghĩ thể nào cũng bị ăn mắng nhưng không thấy chị nói gì, vẫn rủ tôi tắm cùng. Mùa hè, trời oi nồng, sinh hoạt đội về, chị Nữ lại rủ tôi xuống sông tắm. Ban đêm, nên hai chị em cởi hết quần áo vất trên mảng xuống tắm "tiên". Chị một bên mảng, em một bên mảng, quậy nước tưng bừng. Ban đầu còn thi thoảng, sau đêm nào chị cũng rủ tôi xuống tắm. Tôi hỏi: Chị thích tắm lắm à? Chị bảo, không tắm không ngủ được, rồi hỏi trống không: Có thích không? Tôi bảo: Thích. Chị lại hỏi: Có nhìn thấy gì không? Tôi bảo: Chỉ thấy mờ mờ. Chị bẹo má tôi, nhưng không nói gì.

Chuẩn bị cắm trại hè, phải tập nghi thức Đội, học cắm trại, cả cách đọc kí hiệu morse. Tôi nhanh trí, không chỉ biết giải mã kí hiệu mà còn biết cả cách mã hóa nội dung thông tin bằng kí hiệu morse nên chị Nữ giao hướng dẫn cho các bạn trong phân đội. Thỉnh thoảng tôi và chị Nữ còn nói chuyện với nhau bằng morse. Có lần tôi khen chị đẹp, cứ lo bị mắng, nào ngờ chị còn hỏi đẹp ở chỗ nào. Một tối tập nghi thức Đội, thấy chị Nữ khác hẳn mọi ngày, mặt buồn rười rượi, chẳng nói chẳng rằng. Chị giao tôi hướng dẫn các bạn, rồi ra ngồi riêng một góc trông rất ủ rũ. Lúc về, qua Vật Giò, chị bảo cùng chị vào bãi chôn người chết trôi. Đến bên cái mả đôi, chị ngồi thụp xuống lầm rầm điều gì rất lâu, tôi nghe không rõ. Trên đường về nhà chị bảo: Chị hay mơ thấy cô gái chết đôi lắm. Đêm qua cô ấy về, bảo chị sắp có hạn to. Sau đó lại mơ thấy chiếc khăn mùi soa chị thêu tặng anh Lý ướt đầm máu, nên vào mộ khấn cô ấy phù hộ, che chở cho anh Lý.

Chiến sự miền Nam ngày càng ác liệt. Xã tôi đã 3 người hy sinh, lãnh đạo xã mang giấy báo tử đến tận nhà, rồi tổ chức lễ truy điệu. Cũng làm quan tài phủ cờ, cũng đọc điếu văn, cũng phát biểu bày tỏ sự căm thù kẻ địch và thề chiến đấu trả thù... Vào một chiều, thấy đoàn người có cả Bí thư, Chủ tịch xã vào xóm. Tôi nghĩ, chắc có chuyện rồi. Xóm tôi có 5 bộ đội đang chiến đấu trong Nam, không biết ai đây? Hồi hộp ngóng theo đoàn người, bỗng thấy họ dừng lại trước ngõ nhà cụ trùm Sinh chỉ trỏ. Anh Lý hy sinh rồi. Tôi đang định chạy sang báo chị Nữ thì đoàn cán bộ xã lại đi thẳng, rồi rẽ vào nhà bà Ninh. Hôm sau, Lễ truy điệu anh Thái tổ chức ngay tại nhà bà Ninh. Cả xóm nghỉ làm đồng, nhà nào cũng như có tang, chẳng ai dám cười đùa, hát hò, trêu chọc nhau. Chị Thê, vợ anh Thái nằm liệt trong buồng, úp mặt khóc ướt đầm cả cái gối đôi, ai gọi cũng không thưa. Tới khi chị Tân, Chủ tịch phụ nữ xã tới, chị Thê mới gắng gượng ngồi dậy. Tôi ở gian ngoài, nghe rõ cuộc trao đổi giữa 2 người:

- Chị biết em đau nhưng phải nén lại em ạ. Em là phụ nữ "Ba đảm đang" cơ mà, phát biểu thề hiện lòng căm thù kẻ địch, quyết trả thù để khích lệ tinh thần mọi người.

- Vâng, em sẽ dậy nhưng không nói được đâu.

- Em phải nói! Phải tỏ rõ tinh thần của một cán bộ phụ nữ. Đang là thời điểm xét kết nạp Đảng em đấy. Lại sắp có đợt tuyển quân, không để sự hy sinh của anh Thái làm nhụt chí khí của thanh niên trong xã...

Cuối cùng, Chủ tịch Tân cũng thuyết phục được chị Thê. Không ngờ chị Thê càng nói càng hùng hồn. Sau anh Thái, đến anh Đồng, rồi anh Nam. Anh Lý vẫn không có tin tức gì. Mỗi lần thấy có đoàn cán bộ xã vào xóm, cụ trùm Sinh lại phấp phỏng lo. Hết cấp II, tôi về Phủ Bình học cấp III, phải ở trọ, cuối tuần mới đi xe ngựa về nhà lấy gạo ăn cả tuần. Chị Nữ hẹn, các tối thứ bảy nếu không thấy chị sang nhà thì ra bến sông. Tôi đã thành thanh niên nhưng trước chị Nữ, vẫn thấy mình bé nhỏ, răm rắp vâng lời và thích được làm nũng chị.

Năm 1967, chiến sự miền Nam càng ác liệt hơn, miền Bắc dốc sức chi viện cho tiền tuyến lớn với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Yên Bái, ngoài các đợt tuyển quân theo chỉ tiêu hàng năm, còn thành lập các Tiểu đoàn mang phiên hiệu Yên Ninh- tên ghép giữa Yên Bái với tỉnh kết nghĩa Ninh Thuận. Học sinh các trường cấp III cũng phải đầu quân. Vừa bước sang kì II, lớp 10, tôi cũng có lệnh nhập ngũ. Nhận bằng tốt nghiệp đặc cách xong, tôi về nhà nghỉ 1 tuần, đợi ngày lên đường. Đêm cuối cùng, lúc tiễn khách ra cổng, thấy chị Nữ đang đứng ở đó. Tôi mời chị vào nhà, chị không nói, không rằng, kéo tôi một mạch ra bến sông, rồi cứ để nguyên cả quần áo kéo tôi lội ào xuống nước. Giữa làn nước sông Chảy, chị ôm chặt tôi, ghì đầu tôi vào ngực chị. Nước sông mát rượi, sóng nước vỗ bờ ì oạp, người hai chị em tôi cũng rung lên từng đợt sóng. Hồi lâu, chị thì thào: "Ngày xưa chị... chị... chưa cho... anh Lý. Thương anh Lý quá. Giờ lại thương em. Thương quá". Cứ vậy, hai chị em giữa dòng nước cho đến khi có tiếng gà gáy mới giật mình dìu nhau lên bờ. Về đến cổng nhà, chị Nữ tháo chiếc khăn mùi xoa đang cột trên búi tóc, dúi vào tay tôi, giọng đứt quãng: "Tặng... Lâm... đấy, ngày trước... chị... cũng tặng... anh Lý .... chiếc khăn... Vào trong đó... cố tìm anh Lý... nhé". Rồi chị buông tôi, lảo đảo bước đi. Tôi nhìn hút theo bóng chị liêu xiêu như sắp đổ, cho đến khi mất hẳn trong màn đêm rồi mới vào nhà thay quần áo, chuẩn bị ra sân kho tập trung.

Ngày 7 tháng 5 năm 1968, Tiểu đoàn tôi lên đường vào Nam. Toàn hành quân bộ. Hết miền Trung thì quặt sang Lào; hết Trung Lào rẽ sang Tây Nguyên; rồi lại vòng sang Campuchia mới rẽ sang Đông Nam Bộ. Giữa tháng 10 mới đến điểm tập kết cuối cùng trên đất Long An. Tiểu đoàn được bổ sung cho 6 đơn vị thuộc Phân khu Bắc Sài Gòn - Gia Định. Đại đội tôi được phân về Tiểu đoàn 267. Trận đầu tiên, đánh tập kích tiểu đoàn dù địch ở bãi Tràm Trà Cao, thuộc xã Phước Chỉ, huyện Đức Huệ, Long An. Lính Yên Bái, toàn dân miền núi, không quen địa hình đồng bằng, sông nước, kênh rạch nên hy sinh nhiều. Phương Văn Lương, người Ngọc Chấn, Yên Bình, bị thương phải quay lại tuyến sau. Lúc qua đồng Chó ngáp, máy bay địch phát hiện, sà xuống định bắt sống. Lương dùng súng AK bắn cháy máy bay địch rồi hy sinh. Lúc đơn vị rút quân, đến rừng tràm thì gặp trận pháo chụp của địch như mưa đá. Chẳng có chỗ nào để ẩn nấp, mọi người chạy toán loạn. Tôi đang chạy bỗng thấy nhói ở đùi rồi đổ gục. Lấy tay rờ đùi thấy cả xương. Mảnh pháo xẻ đùi rồi. Tôi vội cởi áo buộc chặt vết thương rồi cố lết đi. Chẳng thấy bóng đồng đội nào, hú gọi không có tiếng đáp lại. Lạc rồi. Cố lết. Nhưng càng lết càng thấy toàn tràm là tràm. Nguy rồi. Nghĩ được vậy rồi ngất đi. Tỉnh dậy, quờ tay thấy vách hầm, sờ vào vết thương thấy đã được băng bó. Sau mới được biết, gần sáng du kích Long An đi tìm kiếm tử sĩ, phát hiện ra tôi còn sống, mang về gửi một gia đình cơ sở. Vết thương lành, tôi được biên chế về Tỉnh đội Long An, chiến đấu chờ tới ngày toàn thắng.

Hồi ở gia đình bác Tư Kiên dưỡng thương, bác kể có chôn một bộ đội giải phóng ngay trong vườn nhà. "Chú ấy bị mảnh pháo đâm xuyên ngực, cố lết đến vườn nhà tôi thì hy sinh. Trong người chú ấy không có giấy tờ, đồ vật gì, ngoài chiếc khăn mùi xoa đẫm máu". Nghe bác Tư kể, tôi giật mình nghĩ ngay tới anh Lý, vội hỏi: "Bác có giữ lại chiếc khăn ấy không". Bác bảo: "Có", rồi về nhà mở rương, lấy chiếc khăn đem đến hầm cho tôi. Tôi mở khăn, lạnh người, thấy trên khăn có vệt máu loang lổ đè lên dòng chữ :"Lý- Nữ" thêu bằng chỉ hồng, bên trên là hình đôi chim bồ câu đang chụm mỏ. Đúng là anh Lý rồi. Tôi kể mọi chuyện với bác Tư và xin bác chiếc khăn. Đêm ấy, bác Tư dẫn tôi ra thăm mộ anh Lý. Bác bảo, không dám đắp thành nấm, chỉ trồng cây vú sữa bên cạnh để đánh dấu. Tay tôi vừa chạm vào cây vú sữa, bỗng một vệt sáng từ trên bầu trời đầy sao lao vun vút xuống chỗ tôi đứng, làm tôi như bị hoa mắt. Trời không có gió mà tán lá cây vú sữa cũng rì rào. Hồn anh Lý về chăng? Tôi vội khấn thầm, xin anh phù hộ cho tôi sống đến ngày hòa bình, về báo cho chị Nữ và gia đình biết đã tìm được anh, hứa sẽ đón anh về xóm Vật Giò.

Sau chiến thắng, vì yêu cầu công tác đặc biệt, năm 79 tôi mới ra Bắc. Được biết xóm Vật Giò đã nằm dưới đáy hồ Thác Bà, dân xóm chuyển hết lên Việt Tiến, Bảo Yên, xuống tàu, tôi ra bến xe, đưa giấy ưu tiên mua vé ngược Bảo Yên. Về nhà, tôi hỏi ngay mẹ về chị Nữ. Mẹ tôi bảo:

- Lấy chồng rồi.

Tôi hỏi:

- Lấy ai? Ở đâu hả mẹ?

Mẹ tôi bĩu môi:

- Theo không thằng lái bè.

Tôi giật mình:

- Sao lại thế hả mẹ?

- Thì chửa hoang với thằng lái bè, bị ông bà trùm cấm cửa, trốn theo nó, biệt tăm. Ông bà trùm mất cũng không thấy về.

- Còn ông bà trùm Sinh thì sao?

- Cũng mất cả rồi.

Quả thật, không thể tin những điều mẹ tôi kể lại là sự thật. Chiều tôi lên nhà anh Công, anh trai cả anh Lý. Ban thờ anh Lý không có di ảnh, chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công. Giấy báo tử ghi anh hy sinh tại mặt trận phía Nam. Tôi đưa anh Công xem chiếc khăn mùi soa và kể về phần mộ của anh Lý, bảo nếu anh đón anh Lý về, tôi sẽ đưa đi. Anh Công buồn bã bảo:

- Cũng thương chú ấy lắm nhưng lúc này chưa đi nổi. Phải mất tiền triệu mà vài trăm tôi cũng không có. Nhà dột nát cũng chưa có tiền sửa. Đợi lúc khấm khá hơn chú ạ. Rõ khổ, lúc đi thì cờ dong trống mở...

Trên đường về nhà lòng tôi trĩu buồn. Bao người thân quen đã mất, xóm thôn xưa không còn, bạn bè phiêu dạt tứ chiếng. Nhưng nỗi buồn lẫn xót xa sâu thẳm nhất trong tôi là số phận người chị tôi hằng yêu quý. Nếu không có chiến tranh, nếu anh Lý không hy sinh thì chị Nữ đâu đến nỗi tha hương làm lẽ mọn. Giờ biết tìm chị ở đâu?

Hôm sau, tôi về cảng Hương Lý, thuê một chiếc thuyền máy chở lên xóm Vật Giờ cũ. Tôi bảo ông lái thuyền:

- Bác cứ cho thuyền men theo dãy núi trông như cái vòi con Voi kia kìa. Xóm Vật Giò ở quãng giữa cái vòi voi, cách chân núi chừng 2 cây số.

Ông lái thuyền bảo:

- Chú yên tâm, tôi dân Làng Nồi cũ, đối diện với Vật Giò nên thông thuộc địa hình.

- Vậy bác có biết cây Sui đầu Vật Giò không?

- Sao không biết. Chỗ chôn người chết trôi chứ gì?- Rồi bác chép miệng- Mồ vô chủ, lúc nước dâng, chẳng ai nghĩ đến việc di chuyển, giờ dưới đáy hồ cả. Mà thôi, coi như táng dưới đáy hồ, vừa mát lại yên tĩnh.

Nhìn mặt hồ mênh mông, lăn tăn sóng, tôi đang nhớ lại bao nhiêu kỉ niệm, bỗng giật mình khi ông lái thuyền bảo: "Đến vật rồi chú". Tôi liền lấy bó hoa huệ mang theo, ngắt từng bông thả xuống nước, rồi lầm rầm khấn. Vừa dứt lời khấn, cả một vùng nước mấy chục mét vuông đang yên ả bỗng dậy sóng. Con thuyền cũng bỗng chết máy, nghiêng lệch về một bên rồi xoay tròn, nước mấp mé cạp nhưng không tràn vào lòng thuyền. Ông lái giật dây mấy lần nhưng máy thuyền vẫn không nổ.

- Lạ nhỉ! Máy đang chạy êm ro. Qua đây bao lần, chưa lần nào thế này.

Ông lái lấy chèo cố đánh thuyền ra khỏi vùng sóng nhưng thuyền  chỉ chòng chành xoay tròn. Bỗng ông bảo: "Hay chú khấn các vong đi". Tôi làm theo ông lái, vừa dứt lời khấn thì sóng tan, con thuyền thôi nghiêng lệch, xoay tròn. Ông lái giật dây, máy thuyền nổ ngay. Vẻ mặt thất kinh, ông bảo: "Có khi các vong muốn lên thuyền chú ạ".

Tôi nhìn xuống mặt nước, loang loáng những ngôi nhà mái gianh, những bãi ngô khoai, những bến sông, những gương mặt thân thiết, những ngôi mộ vô chủ, tất cả cứ chập chờn ẩn hiện trong sóng nước. Đêm ấy, về nhà, tôi mơ một giấc mơ rất lạ. Tôi ở trong một lâu đài nguy nga tráng lệ. Chờ mãi không thấy ai, tôi cất tiếng:

- Xin hỏi, đây là đâu ạ?

Có tiếng vọng lại:

- Đây là Thủy cung.

Rồi hai người, một nam, một nữ trông giống như hoàng tử, công chúa trong truyện cổ tích, bước ra bảo:

- Chúng ta vì yêu nhau mà phải cùng chết, được dân xóm chôn chung một huyệt. Vua Thủy tề thương tình nhận làm con, cho thành bất tử. Cảm ơn nhà ngươi sáng nay đã thả hoa xuống cho các cô hồn. Giờ nhà ngươi muốn chúng ta giúp gì không?

Tôi vội nói:

- Dạ! Tôi muốn tìm chị Nữ.

- Vậy nhà người đi hết sông này, đến ngã ba sông có cây gạo, sẽ gặp người muốn tìm. Lần sau đến hồ, nhà người hãy thả một cái thuyền Bát Nhã và Hoa đăng cho các cô hồn qua được bể khổ, thoát khỏi luân hồi về miền cực lạc. Dưới đáy hồ còn nhiều cô hồn lắm.

Tôi vừa định thưa vâng, thì thoắt cái, hoàng tử, công chúa cùng lâu đài biến mất cả. Choàng dậy, tôi thấy lạnh mà lại đầm đìa mồ hôi như toát dương. Hôm sau, tôi nói với mẹ có việc phải đi vài hôm. Xuống Thác Bà, tôi thuê xe ôm đi dọc triền sông Chảy. Qua Hán Đà, Đại Minh, đến Chí Đám, người xe ôm bảo đã tới ngã ba sông. Tôi nhìn xung quanh, đúng là có cây gạo cổ thụ. Dưới gốc cây gạo có quán nước nhỏ. Tôi rẽ vào hỏi thăm. Bà lão chủ quán bảo:

- Ở đây không có ai là Nữ, còn lái bè thì có ông Quyền Thác, nhà trước mặt kia kìa.

Tôi hỏi bà lão:

- Cụ có biết bà ông bà Quyền từ đâu tới không ạ?

- Ông Quyền hình như là người Lâm Thao, từ ngày lấy bà hai mới về đây. Tay sào có tiếng, nhất là lái bè qua thác, nên gọi là Quyền Thác. Trước đi mạn sông Chảy, từ ngày đắp đập ngăn sông làm hồ, lại chuyển sang mạn sông Lô, quanh năm sông nước, thi thoảng mới đoảng về nhà vài hôm. Cô vợ chẳng mấy khi ra khỏi nhà, đến cái tên cúng cơm cũng chẳng ai biết, toàn gọi là bà Quyền. Hình như là người mạn ngược, lúc theo ông Quyền về đây bụng chửa vượt mặt.

Nghe bà lão kể đến đấy, tôi vội trả tiền nước, bảo người xe ôm ngồi chờ. Thấy cánh cổng khép hờ, tôi khẽ mở bước vào đầy hồi hộp. Nếu đúng chị Nữ, gặp tôi, chắc mừng lắm. Thấy một người đàn bà xùm xụp nón, đang hí húi làm cỏ vườn, tôi cất tiếng:

- Bác gì ơi!

Người đàn bà vẫn hí húi lảu cỏ.

- Bà gì ơi, cho tôi hỏi thăm ạ.

Người đàn bà vẫn không động tĩnh gì.

- Chị Nữ ơi!

Người đàn bà bỗng giật mình, ngẩng lên. Chị Nữ. Đúng chị Nữ rồi. Khuôn mặt vẫn xưa, chỉ đậm người hơn. Thấy chị vẫn ngơ ngơ nhìn, tôi rối rít:

- Chị không nhận ra em sao? Em là Lâm. Lâm Vật Giò đây mà. Em mới từ Nam về, đi tìm chị ngay...

Người đàn bà vẫn thần mặt, nhìn tôi trân trân. Tôi cố vớt vát:

- Chị không mời em vào nhà à?

Lúc này, chị Nữ mới buông cuốc, mời tôi vào nhà. Tôi cố vồn vã gợi lại chuyện cũ nhằm khiến chị mủi lòng, bỗng chị cắt ngang lời tôi:

- Đúng, tôi là người ông tìm nhưng không còn là Nữ nữa. Chị Nữ ngày xưa của ông đã chết lâu rồi. Chết từ cái ngày có thai, bị bố mẹ đuổi khỏi nhà, bị xóm làng khinh bỉ, muốn chết cũng không được. Giờ tôi là bà Quyền, chỉ là Quyền thôi. Xin ông đừng nhắc lại chuyện cũ. Mong ông cũng đừng kể với ai về gặp tôi hôm nay. Ông Quyền nhà tôi ghen lắm, biết có cuộc gặp này, khổ tôi, cũng không hay cho cả ông.

Biết có nài nỉ lúc này cũng không làm cho cuộc gặp tốt hơn, tôi liền lấy chiếc khăn mùi xoa ra hỏi:

- Xin hỏi chị câu cuối cùng thôi, chiếc khăn này có phải của chị không?

Tôi vừa mở chiếc khăn, chị Nữ bỗng vồ lấy, hai tay nâng chiếc khăn ấp vào ngực, giọng run run:

- Đúng, nó... nó là của tôi, nhưng... nhưng.... sao... ông... Lâm... Lâm lại có...

- Một người dân Long An tìm thấy chiếc khăn trong thi hài người lính giải phóng hy sinh. Ông ta đã chôn người lính và giữ lại chiếc khăn này...

- Vậy là anh Lý...

- Vâng, anh Lý đã hi sinh, phần mộ anh Lý trong vườn của người dân Long An. Em đã tới...

Chị Nữ đưa chiếc khăn khỏi ngực, nhìn trân trân. Tôi giật mình, thấy vệt máu của anh Lý thấm trên khăn, lâu ngày ngả màu xám ngoét đã hồng tươi như mới. Mặc cho nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt, chị Nữ nghẹn ngào:

- Ngày trước tôi hay mơ thấy anh Lý lắm, đêm nào cũng mơ. Có đêm mơ thấy anh Lý máu ướt đầm người nằm ngay bên cạnh. Tôi sợ, không ngủ nổi, ra sông ngồi. Biết là điềm gở nhưng không dám kể với ai. Rồi cứ mơ thấy anh Lý, tôi lại ra sông như người mất hồn. Một đêm, tôi lội nước bị cuốn vào vật cũng không biết. Bè ông Quyền đêm ấy cũng bị cuốn vào vật, nghe tiếng quẫy đạp, ông ấy bơi ra kéo tôi lên bè. Tôi ở trên bè cả đêm với ông Quyền cứ ngỡ là đang ở với anh Lý. Nhưng cũng từ đấy không mơ thấy anh Lý nữa. Tôi có thai với ông Quyền mà không biết. Bị bố mẹ đuổi, chẳng còn chỗ nào đi, đêm ấy tôi ra bãi chôn người chết trôi ngồi, rồi lao xuống vật định tự tử cho xong mọi chuyện. Nhưng người cứ nổi như có một bàn tay nào nâng lên. Thoảng có tiếng: "Em còn nặng nợ đời lắm, chưa thoát kiếp người như chị được đâu". Sáng hôm sau bè ông Quyền qua, lên thắp hương, thấy tôi nằm ngất gục vào cái mả đôi...

- Chị có hạnh phúc không?

- Cũng chả thiếu gì nhưng chỉ là cái máy đẻ cho ông Quyền. Phận đàn bà như hạt mưa sa, còn được làm mẹ là phúc rồi.

Rồi chị nhìn tôi bảo, thương anh Lý lắm, nhưng không thể vào Nam đón anh Lý về, trăm sự nhờ tôi. Chị cũng hỏi thăm về bố mẹ, anh em và mọi người xóm cũ. Tôi muốn nói, muốn kể với chị bao điều, mà sao không nói nổi. Nhìn chị, lòng cứ nghẹn lại. Lúc chia tay, chị đứng trong cổng nhìn tôi, rồi khép cổng. Khi ra quán nước, bà lão hỏi có đúng người cần tìm không? Tôi nói không, mà không dám nhìn thẳng vào bà.

Trên đường từ Sài Gòn về, tôi hăm hở, háo hức mong gặp lại sông xưa, bến cũ, bao người thân thương, yêu quý, trong đó có chị Nữ là thế mà sao gặp rồi, lại chỉ thấy buồn, thấy hụt hẫng. Câu nói của chị Nữ lúc chia tay: "Phận đàn bà như hạt mưa sa" cứ ám ảnh, day dứt trong tôi.

 

                                                N.H. L

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter