• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Chuyện xảy ra giữa mùa Covid
Ngày xuất bản: 12/05/2020 1:46:33 SA

Truyện ngắn của Nguyễn Hiền Lương

Con Vện bỗng sủa vang đầu chái nhà. Ngân lắng tai nghe. Không có tiếng gọi hay gõ cửa, cũng không có tiếng bước chân, chỉ có gió thổi từ Trống Tống Khua về ù ù như xay ngô. Lạ nhỉ? Đã gần 10 giờ rồi. Vào mùa mây mù thế này, từ 6 giờ tối đã chả ai dám vượt Khau Phạ. Hay là trâu, bò nhà nào thả rông vào phá vườn? Thôi, kệ, rét thế này, ra ngoài đông máu mất. Ngân lấy chăn chùm kín đầu. Nhưng con Vện càng sủa gắt, như thể đang lồng lộn quanh con mồi. Không nhắm mắt nổi. Ngân tung chăn vùng dậy, khoác thêm áo, mở cửa lia đèn pin soi khắp sân. Có người? Đúng rồi. Một người nằm phủ phục ở đầu hè. Ngân lại gần rọi đèn. Đàn ông. Cả khuôn mặt ông ta bị bầm dập, đầy bùn, máu, chẳng nhận ra được là già hay trẻ. Bộ quần áo lính cũng loang lổ những vệt bùn thấm máu. Một chân co lên bụng, một chân thẳng đừ. Ngân vội chạy tới đập cửa phòng thằng Khua. Chắc đang say giấc, mãi nó mới tỉnh, vừa mở cửa, vừa làu bàu:

- Gì thế cô? Rét quá!

- Ra giúp cô. Có người bị thương nặng- Ngân vẫn chưa hết run.

Nghe có người bị thương, thằng Khua vội chạy ra, quên cả xỏ dép. Cái Pàng từ trên sàn cũng tỉnh giấc chạy xuống. Thằng Khua đang định cúi xuống lật người đàn ông bị thương dậy, Ngân vội bảo:

- Khoan! Để cô lấy khẩu trang. Mấy cô cháu mình phải đeo khẩu trang vào đã. Nhỡ ông ấy đi từ vùng dịch tới thì sao. Cháu không nghe đài nói về dịch Covid 19 à, tiếp xúc gần dễ lây lắm.

- Cô cẩn thận quá. Covid nào lên được Khau Phạ, mà có đến nó cũng bị chết rét rồi. - Thằng Khua vừa đón cái khẩu trang, vừa nói.

 Ngân chỉnh lại cái khẩu trang trên mặt thằng Khua, bảo: 

- Đeo đúng cách vào, không đùa được đâu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Từ nước ngoài nó còn vào được Việt Nam được thì khó gì mà không lên Khau Phạ.

Đeo khẩu trang xong, ba cô cháu hì hục khênh người đàn ông mềm nhũn vào nhà. Ánh điện sáng khiến anh ta nheo nheo mắt, định nhỏm dậy nhưng không nổi, chỉ khẽ ngóc được cái đầu, rồi giơ tay chỉ về phía chân đèo. Ngân nghĩ, hay còn người bị thương dưới đó, vội giục thằng Khua:

- Cháu chịu khó chạy xuống xem còn ai nữa không.

Còn lại Ngân và Pàng, hai cô cháu lấy nước ấm lau những vết xây sát cho anh  ta.

Vừa xong thì Khua cũng về đến nhà, nó vừa thở, vừa bảo:

- Không có ai nữa cô ạ, chỉ có cái xe máy đâm vào vách vúi bị vỡ đầu, cháu cố dắt về đây này. Có cả cái ba lô nữa.

Ngân bảo:

- Cháu xem trong  ba lô có bộ quần áo nào không lấy thay cho ông ấy. Cô xuống bản mời bố Tủa lên đắp thuốc cho vết thương chóng lành.

Thằng Khua cầm cái ba lô, dốc ngược, một cái võng bạt, một chiếc màn cá nhân, rồi hai bộ quần áo bộ đội cũ sổ xuống giường. Nó chọn bộ lành hơn thay cho người bị nạn. Ông Tủa cũng đã lên, vừa tới nơi đã hỏi thằng Khua:

- Ông ấy bị tai nạn chỗ nào?

- Vẫn chỗ bãi lở ông ạ. May đấy, lao vào vách núi chứ vào hòn đá lở thì vỡ đầu rồi.

Ông Tủa chép miệng:

- Bao nhiêu người đâm xe vào đấy rồi. Tao đã bảo chỗ ấy có ma mà. Phải phá nó đi mới hết người bị nạn.

Đúng như lời ông Tủa nói, từ khi mở nhà nghỉ tới giờ, đã bao lần Ngân phải đón những người khách bất đắc dĩ thế này rồi. Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng chạp cho đến hết tháng ba âm, suốt ngày đêm Khau Phạ mịt mù mây phủ. Có năm còn đóng kín băng tuyết, trơn như đổ mỡ. Trên lá cây những giọt nước cũng đông cứng lại trông như những hạt pha lê. Đẹp thì đẹp thật, nhưng lại là thần chết với cánh lái xe. Đi trên đường mà như đi trong mây, nhìn trước, ngoái sau, bên phải, bên trái chỉ thấy một màu trắng xóa. Xe đi ngược chiều có khi suýt đâm vào nhau mới biết. Tay lái nào liều mạng đổ đèo cũng phải lấy giấy bóng vàng dán lên một nửa đèn xe làm ánh đèn bớt sáng trắng mới thấy mờ mờ dấu đường. Nếu không có giấy bóng vàng thì chỉ còn cách lấy đất ven đường trát lên. Người không quen đường càng dễ bị nạn. Gẫy chân, gẫy tay, gẫy xương sườn, bầm dập mặt mũi... đủ kiểu bị thương. Nhà nghỉ Trong Mây thành ra cái trạm cấp cứu. Có người tự bò đến, có người được bạn đồng hành, người đi đường hay bà con trong bản phát hiện ra đưa đến. Để cứu giúp được mọi người, Ngân phải sắm một tủ thuốc sơ cấp cứu, học cả các thao tác cấp cứu cơ bản. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của bố Tủa. Bài thuốc cầm máu, giải cảm và bó gẫy xương của bố đã cứu nhiều người thoát chết. Lại được thằng Khua, cái Pàng trợ thủ, không nề hà việc cứu người bao giờ. Bị nhẹ, thì Ngân đưa vào nhà, nghỉ vài tiếng, khỏe thì đi tiếp; bị nặng, Ngân gọi điện cho xe cấp cứu của bệnh viện huyện hay cho gia đình. Cứ nghĩ chồng mình cũng do tai nạn mà chết, Ngân càng cảm thông với những người bị nạn, không tiếc công, tiếc của làm phúc. Tiếng lành đồn xa, giờ ai qua Khau Phạ bị tai nạn là đều tìm đến Nhà nghỉ Trong Mây. Chính cái chỗ người đàn ông bị nạn vừa rồi, chồng Ngân đã chết ở đó hơn 20 năm trước. Lần ấy, chồng Ngân cùng phường săn Mường Lò đi săn lợn rừng, vừa đến Khau Phạ thì trời đổ mưa. Cả phường săn trú dưới tán cây ngõa mật bên đường. Mưa mỗi lúc một lớn, trút như nước đổ ống. Bỗng một tiếng nổ lớn như tiếng bom trên đầu, đất dưới chân chao đảo, rung lắc, rồi rào rào từng tảng đá lớn kéo theo cây cối từ trên cao tuồn tuột trôi xuống. Gốc cây ngõa phường săn ngồi trú mưa phút chốc thành một bãi đất đá ngổn ngang, có hòn đá to bằng nửa gian nhà. Cả phường săn chỉ có hai người chạy thoát...

Việc ấy xảy ra, khi Ngân mới tròn hai mươi tuổi, thằng Sâng thì chưa đầy tuổi. Cả bản Chao Thượng trắng khăn tang kéo nhau lên Khau Phạ đào bới trong vô vọng. Nhìn bãi đất đá vùi xác chồng, Ngân như điên dại. Thằng Sâng thì ngằn ngặt khóc. Thầy mo đặt mâm cúng ngay trên hòn đá lở, khấn gọi linh hồn người chết về làm ma nhà. Cái nhà mồ tập thể được dựng lên ngay trên bãi lở. Mỗi nhà đặt vào đó một bộ chiếu, chăn, đệm, gối và một bó củi để người chết nhóm lửa cho linh hồn bớt cô quạnh. Bãi đất có tên là bãi lở từ đấy. Công nhân giao thông phải mất gần tháng trời mới san gạt được thành đường, chỉ còn hòn đá lớn, sức người không đẩy nổi, vẫn nằm chềnh ềnh ở ngay đầu khúc cua.

Mặc dù đã lấy nắm đất từ bãi lở về làm lễ cho linh hồn chồng nhập vào bàn thờ tổ tiên nhưng tháng nào Ngân cũng lên bãi lở một lần thắp hương. Khi thì mùng một, khi thì ngày rằm. Một mình trên Khau Phạ, nước mắt Ngân cứ ròng ròng đổ xuống hòn đá lở. Một năm. Hai năm rồi ba năm. Hết tang, Ngân vẫn đều đặn lên bãi lở thắp hương. Mẹ chồng thương con dâu không cầm lòng được, nắm tay Ngân bảo:

- Con còn trẻ, hết tang chồng rồi, để mẹ gỡ tằng cẩu ra búi lại về bên phải...

Không đợi mẹ chồng nói hết, Ngân đã rân rấn nước mắt, thưa:

- Con chưa quên nhà con, thằng Sâng cũng còn bé, con chưa gỡ tằng cẩu...

Trả lời mẹ chồng mà ngực Ngân như có từng lớp sóng cuộn lên. Còn trong đầu thì hiển hiện hình ảnh của buổi sáng trước khi về nhà chồng. Mẹ cầm tay dắt Ngân ra ngoài sàn. Trên sàn đã bày mâm lễ tằng cẩu. Mẹ bảo:

- Hai bát gạo, hai quả trứng, hai bông hoa này là để cho vợ chồng con luôn có đôi. Còn hai bát nước này, một bát đựng ba hòn sỏi lấy ở ba bến, một bát đựng ba búi cỏ mần trầu lấy ở ba vườn là mong cho gia đình con luôn có ba thế hệ cùng chung sống, cứng cỏi như sỏi, không tan vỡ trước mọi khó khăn, luôn sinh sôi nảy nở như cỏ mần trầu. Xa búi tóc, trâm cài, váy áo, dây thắt lưng, vòng tay, xà tích, tất cả đều mới để con được may mắn khi về nhà chồng...

Ngân chắp tay, cúi lạy mẹ, rồi ngồi ngay ngắn trước mâm lễ nghe như nuốt từng lời khấn của thầy mo:

- Hai bên gia đình, một bên có con trai, một bên có con gái, hai đứa đã phải lòng nhau. Hôm nay, ngày lành, tháng tốt, bên nhà trai mang lễ dâng lên tổ tiên, xin được làm lễ tẳng cẩu cho con dâu, để hai con thành vợ chồng. Chúc cho hai con mãi ở chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung đệm, đắp chung chăn, sống với nhau như đôi đũa, đôi chim cu quấn quýt từ ngày còn son cho đến lúc đầu bạc, răng long; xấu không được chê, già không được bỏ, ốm đau không được từ...

Thầy mo cúng xong, mẹ duỗi tóc Ngân ra, nhúng lược vào bát nước cỏ mần trầu, vừa chải tóc cho Ngân vừa hát: Chải tóc con gái xuống cho mượt, chải tóc con gái xuống cho đẹp, chải tóc con gái xuống để con gái đi lấy chồng. Từ giờ phút này, con lấy chồng rồi, mẹ sẽ không còn được chải tóc cho con gái yêu của mẹ nữa. Chúc con mạnh khỏe, nghe lời bố mẹ chồng, nghe chồng cùng làm ăn, sinh con đẻ cái với nhau khỏe mạnh con nhé!

Chải xong, mẹ trao mái tóc Ngân cho bà thông gia. Mẹ chồng Ngân cũng lấy lược nhúng vào bát nước cỏ mần trầu nhẹ nhàng chải tóc Ngân từ sau gáy ngược lên đỉnh đầu, cũng vừa chải vừa hát: Mẹ chải tóc ngược cho con để tằng cẩu. Từ hôm nay, con là dâu con bên nhà mẹ, đừng chê trách gì con nhé. Từ nay trở đi vợ chồng con phải sống hạnh phúc với nhau, sinh con trai con gái khỏe mạnh con nhé. Hát xong, mẹ chồng cuốn tóc Ngân vào đôi tóc giả, búi giữa đỉnh đầu, chụp xa, cài trâm vào chính giữa búi tóc. Bà cô đứng cạnh, đưa cho Ngân cọn vải đỏ, cầm tay Ngân đặt vào tay chồng. Chồng dắt Ngân vào nhà chào mọi người...

 Thế là Ngân đã bước sang một cuộc sống khác. Cuộc sống làm vợ của người phụ nữ Thái gắn chặt với cái tằng cẩu trên đầu chẳng khác nào con trâu gắn với cái ách. Mẹ truyền cho con gái, con gái lại truyền cho con gái. Đời này qua đời khác. Người con gái Thái, lấy chồng tằng cẩu giữa đỉnh đầu. Chồng chết gỡ tóc búi về bên phải. Lấy chồng mới lại gỡ tóc búi về bên trái. Sung sướng, hạnh phúc ở đó, đau xót, bất hạnh, tủi nhục cũng ở đó. Nhà nào, con gái được tằng cẩu trên đỉnh đầu từ túc tóc còn xanh đến khi đầu bạc, mang theo nó về mường Trời được coi là nhà có phúc. Con gái mà không được tằng cẩu bị coi là đồ gái hư, bố mẹ đi đâu không dám ngẩng mặt, song cũng vô phúc nếu phải gỡ tằng cẩu trên đỉnh đầu, búi lại.

Thế mà thấm thoắt, thằng Sâng đã 15 tuổi, chuẩn bị thi vào cấp III. Giỗ chồng, Ngân lại lên bãi lở thắp hương, cầu xin chồng phù hộ cho con đỗ đạt. Đã 6 giờ chiều, mây mù phủ kín đỉnh đèo, mưa mỗi lúc thêm dầy hạt, ông Tủa vội lùa đàn dê về chuồng. Đi ngang qua bãi lở, thấy có người nằm gục mặt xuống hòn đá, ông hớt hải chạy đến. Vẫn là cô gái lên cúng chồng. Người vẫn còn ấm, nhưng lay gọi thế nào cũng không tỉnh. Ông Tủa liền bỏ đàn dê, cõng cô gái về nhà mình dưới bản Lìm Mông. Bắt mạch, biết cô bị lạnh nhập tâm, ông Tủa bảo vợ đốt đống lửa to cho ấm rồi hớt hải đi lấy lá thuốc giải cảm, giã lấy nước đút cho cô gái, bã thì đắp lên trán. Nửa đêm cô gái mới hé được mắt. Trưa hôm sau, ông Tủa cho thằng Khua lấy ngựa, đưa Ngân về tận nhà. Nghĩ tới ơn cứu mạng, Ngân xin được nhận ông bà Tủa làm bố mẹ nuôi. Tháng nào lên thắp hương cho chồng cũng rẽ xuống bản thăm bố mẹ nuôi.

Thằng Sâng học xong Trường Sư phạm tỉnh, được phân công lên dạy học trên Mù Cang