Truyện ngắn của Nguyễn Hiền Lương
Con Vện bỗng sủa vang đầu chái nhà. Ngân lắng tai nghe. Không có tiếng gọi hay gõ cửa, cũng không có tiếng bước chân, chỉ có gió thổi từ Trống Tống Khua về ù ù như xay ngô. Lạ nhỉ? Đã gần 10 giờ rồi. Vào mùa mây mù thế này, từ 6 giờ tối đã chả ai dám vượt Khau Phạ. Hay là trâu, bò nhà nào thả rông vào phá vườn? Thôi, kệ, rét thế này, ra ngoài đông máu mất. Ngân lấy chăn chùm kín đầu. Nhưng con Vện càng sủa gắt, như thể đang lồng lộn quanh con mồi. Không nhắm mắt nổi. Ngân tung chăn vùng dậy, khoác thêm áo, mở cửa lia đèn pin soi khắp sân. Có người? Đúng rồi. Một người nằm phủ phục ở đầu hè. Ngân lại gần rọi đèn. Đàn ông. Cả khuôn mặt ông ta bị bầm dập, đầy bùn, máu, chẳng nhận ra được là già hay trẻ. Bộ quần áo lính cũng loang lổ những vệt bùn thấm máu. Một chân co lên bụng, một chân thẳng đừ. Ngân vội chạy tới đập cửa phòng thằng Khua. Chắc đang say giấc, mãi nó mới tỉnh, vừa mở cửa, vừa làu bàu:
- Gì thế cô? Rét quá!
- Ra giúp cô. Có người bị thương nặng- Ngân vẫn chưa hết run.
Nghe có người bị thương, thằng Khua vội chạy ra, quên cả xỏ dép. Cái Pàng từ trên sàn cũng tỉnh giấc chạy xuống. Thằng Khua đang định cúi xuống lật người đàn ông bị thương dậy, Ngân vội bảo:
- Khoan! Để cô lấy khẩu trang. Mấy cô cháu mình phải đeo khẩu trang vào đã. Nhỡ ông ấy đi từ vùng dịch tới thì sao. Cháu không nghe đài nói về dịch Covid 19 à, tiếp xúc gần dễ lây lắm.
- Cô cẩn thận quá. Covid nào lên được Khau Phạ, mà có đến nó cũng bị chết rét rồi. - Thằng Khua vừa đón cái khẩu trang, vừa nói.
Ngân chỉnh lại cái khẩu trang trên mặt thằng Khua, bảo:
- Đeo đúng cách vào, không đùa được đâu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Từ nước ngoài nó còn vào được Việt Nam được thì khó gì mà không lên Khau Phạ.
Đeo khẩu trang xong, ba cô cháu hì hục khênh người đàn ông mềm nhũn vào nhà. Ánh điện sáng khiến anh ta nheo nheo mắt, định nhỏm dậy nhưng không nổi, chỉ khẽ ngóc được cái đầu, rồi giơ tay chỉ về phía chân đèo. Ngân nghĩ, hay còn người bị thương dưới đó, vội giục thằng Khua:
- Cháu chịu khó chạy xuống xem còn ai nữa không.
Còn lại Ngân và Pàng, hai cô cháu lấy nước ấm lau những vết xây sát cho anh ta.
Vừa xong thì Khua cũng về đến nhà, nó vừa thở, vừa bảo:
- Không có ai nữa cô ạ, chỉ có cái xe máy đâm vào vách vúi bị vỡ đầu, cháu cố dắt về đây này. Có cả cái ba lô nữa.
Ngân bảo:
- Cháu xem trong ba lô có bộ quần áo nào không lấy thay cho ông ấy. Cô xuống bản mời bố Tủa lên đắp thuốc cho vết thương chóng lành.
Thằng Khua cầm cái ba lô, dốc ngược, một cái võng bạt, một chiếc màn cá nhân, rồi hai bộ quần áo bộ đội cũ sổ xuống giường. Nó chọn bộ lành hơn thay cho người bị nạn. Ông Tủa cũng đã lên, vừa tới nơi đã hỏi thằng Khua:
- Ông ấy bị tai nạn chỗ nào?
- Vẫn chỗ bãi lở ông ạ. May đấy, lao vào vách núi chứ vào hòn đá lở thì vỡ đầu rồi.
Ông Tủa chép miệng:
- Bao nhiêu người đâm xe vào đấy rồi. Tao đã bảo chỗ ấy có ma mà. Phải phá nó đi mới hết người bị nạn.
Đúng như lời ông Tủa nói, từ khi mở nhà nghỉ tới giờ, đã bao lần Ngân phải đón những người khách bất đắc dĩ thế này rồi. Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng chạp cho đến hết tháng ba âm, suốt ngày đêm Khau Phạ mịt mù mây phủ. Có năm còn đóng kín băng tuyết, trơn như đổ mỡ. Trên lá cây những giọt nước cũng đông cứng lại trông như những hạt pha lê. Đẹp thì đẹp thật, nhưng lại là thần chết với cánh lái xe. Đi trên đường mà như đi trong mây, nhìn trước, ngoái sau, bên phải, bên trái chỉ thấy một màu trắng xóa. Xe đi ngược chiều có khi suýt đâm vào nhau mới biết. Tay lái nào liều mạng đổ đèo cũng phải lấy giấy bóng vàng dán lên một nửa đèn xe làm ánh đèn bớt sáng trắng mới thấy mờ mờ dấu đường. Nếu không có giấy bóng vàng thì chỉ còn cách lấy đất ven đường trát lên. Người không quen đường càng dễ bị nạn. Gẫy chân, gẫy tay, gẫy xương sườn, bầm dập mặt mũi... đủ kiểu bị thương. Nhà nghỉ Trong Mây thành ra cái trạm cấp cứu. Có người tự bò đến, có người được bạn đồng hành, người đi đường hay bà con trong bản phát hiện ra đưa đến. Để cứu giúp được mọi người, Ngân phải sắm một tủ thuốc sơ cấp cứu, học cả các thao tác cấp cứu cơ bản. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của bố Tủa. Bài thuốc cầm máu, giải cảm và bó gẫy xương của bố đã cứu nhiều người thoát chết. Lại được thằng Khua, cái Pàng trợ thủ, không nề hà việc cứu người bao giờ. Bị nhẹ, thì Ngân đưa vào nhà, nghỉ vài tiếng, khỏe thì đi tiếp; bị nặng, Ngân gọi điện cho xe cấp cứu của bệnh viện huyện hay cho gia đình. Cứ nghĩ chồng mình cũng do tai nạn mà chết, Ngân càng cảm thông với những người bị nạn, không tiếc công, tiếc của làm phúc. Tiếng lành đồn xa, giờ ai qua Khau Phạ bị tai nạn là đều tìm đến Nhà nghỉ Trong Mây. Chính cái chỗ người đàn ông bị nạn vừa rồi, chồng Ngân đã chết ở đó hơn 20 năm trước. Lần ấy, chồng Ngân cùng phường săn Mường Lò đi săn lợn rừng, vừa đến Khau Phạ thì trời đổ mưa. Cả phường săn trú dưới tán cây ngõa mật bên đường. Mưa mỗi lúc một lớn, trút như nước đổ ống. Bỗng một tiếng nổ lớn như tiếng bom trên đầu, đất dưới chân chao đảo, rung lắc, rồi rào rào từng tảng đá lớn kéo theo cây cối từ trên cao tuồn tuột trôi xuống. Gốc cây ngõa phường săn ngồi trú mưa phút chốc thành một bãi đất đá ngổn ngang, có hòn đá to bằng nửa gian nhà. Cả phường săn chỉ có hai người chạy thoát...
Việc ấy xảy ra, khi Ngân mới tròn hai mươi tuổi, thằng Sâng thì chưa đầy tuổi. Cả bản Chao Thượng trắng khăn tang kéo nhau lên Khau Phạ đào bới trong vô vọng. Nhìn bãi đất đá vùi xác chồng, Ngân như điên dại. Thằng Sâng thì ngằn ngặt khóc. Thầy mo đặt mâm cúng ngay trên hòn đá lở, khấn gọi linh hồn người chết về làm ma nhà. Cái nhà mồ tập thể được dựng lên ngay trên bãi lở. Mỗi nhà đặt vào đó một bộ chiếu, chăn, đệm, gối và một bó củi để người chết nhóm lửa cho linh hồn bớt cô quạnh. Bãi đất có tên là bãi lở từ đấy. Công nhân giao thông phải mất gần tháng trời mới san gạt được thành đường, chỉ còn hòn đá lớn, sức người không đẩy nổi, vẫn nằm chềnh ềnh ở ngay đầu khúc cua.
Mặc dù đã lấy nắm đất từ bãi lở về làm lễ cho linh hồn chồng nhập vào bàn thờ tổ tiên nhưng tháng nào Ngân cũng lên bãi lở một lần thắp hương. Khi thì mùng một, khi thì ngày rằm. Một mình trên Khau Phạ, nước mắt Ngân cứ ròng ròng đổ xuống hòn đá lở. Một năm. Hai năm rồi ba năm. Hết tang, Ngân vẫn đều đặn lên bãi lở thắp hương. Mẹ chồng thương con dâu không cầm lòng được, nắm tay Ngân bảo:
- Con còn trẻ, hết tang chồng rồi, để mẹ gỡ tằng cẩu ra búi lại về bên phải...
Không đợi mẹ chồng nói hết, Ngân đã rân rấn nước mắt, thưa:
- Con chưa quên nhà con, thằng Sâng cũng còn bé, con chưa gỡ tằng cẩu...
Trả lời mẹ chồng mà ngực Ngân như có từng lớp sóng cuộn lên. Còn trong đầu thì hiển hiện hình ảnh của buổi sáng trước khi về nhà chồng. Mẹ cầm tay dắt Ngân ra ngoài sàn. Trên sàn đã bày mâm lễ tằng cẩu. Mẹ bảo:
- Hai bát gạo, hai quả trứng, hai bông hoa này là để cho vợ chồng con luôn có đôi. Còn hai bát nước này, một bát đựng ba hòn sỏi lấy ở ba bến, một bát đựng ba búi cỏ mần trầu lấy ở ba vườn là mong cho gia đình con luôn có ba thế hệ cùng chung sống, cứng cỏi như sỏi, không tan vỡ trước mọi khó khăn, luôn sinh sôi nảy nở như cỏ mần trầu. Xa búi tóc, trâm cài, váy áo, dây thắt lưng, vòng tay, xà tích, tất cả đều mới để con được may mắn khi về nhà chồng...
Ngân chắp tay, cúi lạy mẹ, rồi ngồi ngay ngắn trước mâm lễ nghe như nuốt từng lời khấn của thầy mo:
- Hai bên gia đình, một bên có con trai, một bên có con gái, hai đứa đã phải lòng nhau. Hôm nay, ngày lành, tháng tốt, bên nhà trai mang lễ dâng lên tổ tiên, xin được làm lễ tẳng cẩu cho con dâu, để hai con thành vợ chồng. Chúc cho hai con mãi ở chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung đệm, đắp chung chăn, sống với nhau như đôi đũa, đôi chim cu quấn quýt từ ngày còn son cho đến lúc đầu bạc, răng long; xấu không được chê, già không được bỏ, ốm đau không được từ...
Thầy mo cúng xong, mẹ duỗi tóc Ngân ra, nhúng lược vào bát nước cỏ mần trầu, vừa chải tóc cho Ngân vừa hát: Chải tóc con gái xuống cho mượt, chải tóc con gái xuống cho đẹp, chải tóc con gái xuống để con gái đi lấy chồng. Từ giờ phút này, con lấy chồng rồi, mẹ sẽ không còn được chải tóc cho con gái yêu của mẹ nữa. Chúc con mạnh khỏe, nghe lời bố mẹ chồng, nghe chồng cùng làm ăn, sinh con đẻ cái với nhau khỏe mạnh con nhé!
Chải xong, mẹ trao mái tóc Ngân cho bà thông gia. Mẹ chồng Ngân cũng lấy lược nhúng vào bát nước cỏ mần trầu nhẹ nhàng chải tóc Ngân từ sau gáy ngược lên đỉnh đầu, cũng vừa chải vừa hát: Mẹ chải tóc ngược cho con để tằng cẩu. Từ hôm nay, con là dâu con bên nhà mẹ, đừng chê trách gì con nhé. Từ nay trở đi vợ chồng con phải sống hạnh phúc với nhau, sinh con trai con gái khỏe mạnh con nhé. Hát xong, mẹ chồng cuốn tóc Ngân vào đôi tóc giả, búi giữa đỉnh đầu, chụp xa, cài trâm vào chính giữa búi tóc. Bà cô đứng cạnh, đưa cho Ngân cọn vải đỏ, cầm tay Ngân đặt vào tay chồng. Chồng dắt Ngân vào nhà chào mọi người...
Thế là Ngân đã bước sang một cuộc sống khác. Cuộc sống làm vợ của người phụ nữ Thái gắn chặt với cái tằng cẩu trên đầu chẳng khác nào con trâu gắn với cái ách. Mẹ truyền cho con gái, con gái lại truyền cho con gái. Đời này qua đời khác. Người con gái Thái, lấy chồng tằng cẩu giữa đỉnh đầu. Chồng chết gỡ tóc búi về bên phải. Lấy chồng mới lại gỡ tóc búi về bên trái. Sung sướng, hạnh phúc ở đó, đau xót, bất hạnh, tủi nhục cũng ở đó. Nhà nào, con gái được tằng cẩu trên đỉnh đầu từ túc tóc còn xanh đến khi đầu bạc, mang theo nó về mường Trời được coi là nhà có phúc. Con gái mà không được tằng cẩu bị coi là đồ gái hư, bố mẹ đi đâu không dám ngẩng mặt, song cũng vô phúc nếu phải gỡ tằng cẩu trên đỉnh đầu, búi lại.
Thế mà thấm thoắt, thằng Sâng đã 15 tuổi, chuẩn bị thi vào cấp III. Giỗ chồng, Ngân lại lên bãi lở thắp hương, cầu xin chồng phù hộ cho con đỗ đạt. Đã 6 giờ chiều, mây mù phủ kín đỉnh đèo, mưa mỗi lúc thêm dầy hạt, ông Tủa vội lùa đàn dê về chuồng. Đi ngang qua bãi lở, thấy có người nằm gục mặt xuống hòn đá, ông hớt hải chạy đến. Vẫn là cô gái lên cúng chồng. Người vẫn còn ấm, nhưng lay gọi thế nào cũng không tỉnh. Ông Tủa liền bỏ đàn dê, cõng cô gái về nhà mình dưới bản Lìm Mông. Bắt mạch, biết cô bị lạnh nhập tâm, ông Tủa bảo vợ đốt đống lửa to cho ấm rồi hớt hải đi lấy lá thuốc giải cảm, giã lấy nước đút cho cô gái, bã thì đắp lên trán. Nửa đêm cô gái mới hé được mắt. Trưa hôm sau, ông Tủa cho thằng Khua lấy ngựa, đưa Ngân về tận nhà. Nghĩ tới ơn cứu mạng, Ngân xin được nhận ông bà Tủa làm bố mẹ nuôi. Tháng nào lên thắp hương cho chồng cũng rẽ xuống bản thăm bố mẹ nuôi.
Thằng Sâng học xong Trường Sư phạm tỉnh, được phân công lên dạy học trên Mù Cang Chải. Từ đấy mỗi lần lên Khau Phạ, Ngân lại thêm việc đến trường thăm con. Một bữa, đang thắp hương cho chồng, Ngân thấy đoàn khách du lịch đứng trên đường nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang bản Lìm như những nấc thang vàng, xuýt xoa, trầm trồ, rồi bảo: Tiếc thật, giá mà ở đây có cái nhà nghỉ thì hay biết mấy. Chụp ảnh cảnh đèo và ruộng bậc thang vào lúc mặt trời lên và hoàng hôn đổ xuống mới thật tuyệt. - Rồi họ hùa nhau dựng lều bạt nghỉ qua đêm, để sáng mai chụp ảnh sớm. Nhìn cảnh đoàn khách du lịch dựng lều bạt, Ngân chợt nảy trong đầu ý nghĩ: Sao không làm một cái nhà nghỉ ở đây nhỉ? Vừa đón khách du lịch, vừa được gần chồng, gần bố mẹ nuôi, lại tiện lên thăm con... Nghĩ vậy, Ngân xuống bản bàn với bố mẹ nuôi. Ông Tủa bảo ngay:
- Có bãi đất gần đỉnh đèo, bố trồng thông đấy. Nếu con làm nhà, bố cho. Ở đấy nhìn xuống thấy cả Lìm Mông, Lìm Thái, rõ lắm. Bố cho cả thằng Khua, cái Pàng lên làm cùng con. Ở lại, sáng mai cùng bố lên Khau Phạ cúng xin Trời.
Hôm sau, ông Tủa bắt con gà trống tơ lông đỏ, cùng Ngân lên Khau Phạ. Đến chỗ được coi là nơi linh thiêng nhất, tay giơ cao con gà, ông lầm rầm khấn: Con gái nuôi của con là Ngân, dưới Mường Lò, nó muốn lên đây làm cái nhà nghỉ đón khách du lịch. Nay con có con gà trống, xin cúng Trời. Xin Trời nhận, phù hộ cho con nuôi con làm nhà được may mắn, có nhiều khách đến nghỉ...
Khấn xong, ông Tủa thả con gà, rồi ngước nhìn lên đỉnh núi hồi hộp đợi. Đám mây mù bỗng tan dần, hiện ra đỉnh núi giống như cái sừng hươu. Kinh nghiệm bao lần lên Khau Phạ khấn Trời, đỉnh núi hiện ra thế kia là lời khấn đã thấu đến Trời. Ông Tủa vội giục Ngân cùng vái ba vái, rồi hai bố con vui vẻ xuống bản.
Nguyện vọng của Ngân cũng được cả xã và huyện cùng đồng ý. Ngân bán hết cơ ngơi dưới Nghĩa Lộ lên làm một cái nhà sàn gỗ. Tầng một có 6 phòng đôi và gian bếp. Trên sàn làm một phòng ngủ cộng đồng được gần ba chục người và phòng ăn. Ngân đặt tên là Nhà nghỉ Trong Mây. Từ ngày có Nhà nghỉ Trong Mây, Khau Phạ nhộn nhịp hẳn lên. Khách đến khám phá danh thắng ruộng bậc thang, trải nghiệm Khau Phạ ngày càng đông. Nếu khách muốn trải nghiệm sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông, Thái thì Ngân cho thằng Khua, cái Pàng dẫn xuống Lìm Mông, Lìm Thái. Mùa nước đổ và mùa lúa chín, càng đông khách. Nhất là khi tổ chức bay dù lượn, không đủ phòng cho khách thuê. Ngày thường cũng có những đoàn khách đi phượt. Dân phượt thích thú được chinh phục một trong tứ đại đèo nổi tiếng Việt Nam bằng xe máy. Từ khách Tây đến khách ta, từ ngoài Bắc đến trong Nam, từ du lịch khám phá, trải nghiệm, đến sinh thái, nghỉ dưỡng, ai cũng thích được nghỉ ở Nhà nghỉ Trong Mây. Nhiều nơi khác cũng có mây, nhưng cảnh mây ùa vào bàn tiệc, mây lùa vào phòng ngủ, giơ tay ra là vơ được mây, thì chỉ Nhà nghỉ Trong Mây mới có. Nhiều người cũng có tình cảm với Ngân, thậm chí mê mẩn vẻ đẹp của người thiếu phụ Thái. Dáng người Ngân thon, cao; chiếc áo cỏm trắng, cổ tròn, bó thân, gấu áo chỉ chấm ngang cạp váy, hàng khuy bạc hình con bướm khẽ rung theo nhịp thở. Váy ống đen nền nã, bó hông, dài chạm gót, thắt lưng dây màu nõn chuối, hai đầu nối thêm hai mẩu vải đỏ, lộ rõ cái eo con tò vò. Chùm xà tích bạc đeo trễ hông, đong đưa theo nhịp bước. Ngày lạnh, Ngân quàng thêm chiếc khăn piêu thêu hình con cá, nhỏ nhỏ, xinh xinh, hai đầu khăn đính bốn cút piêu hình bông hoa đỏ thắm. Nhiều người gọi Ngân là người đàn bà trong mây. Có đại gia còn xin góp vốn với Ngân nâng cấp nhà nghỉ. Bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, bố mẹ nuôi, rồi bác bá, anh chị em, bạn bè, cả con trai, đều nhiều lần giục Ngân búi lại tóc nhưng Ngân chỉ cảm ơn rồi cười bảo: "Quen rồi, giờ chỉ tằng cẩu với Khau Phạ thôi". Nói vậy, chứ Ngân làm sao quên được mình là đàn bà, vẫn muốn mặc đẹp, soi gương tự ngắm mình. Nhiều đêm những cặp khách là vợ chồng yêu nhau quá làm Ngân mất ngủ, người vừa nóng ran ran, lại vừa buồn buồn như có cả trăm ngàn con sâu đang bò trên da thịt. Ngân nén lòng, ghì chặt cái gối bông cũng không đỡ, phải mở cửa ra ngoài trời đi lang thang trong mây đến sáng. Nhưng không hiểu sao cứ nghĩ đến chuyện lấy chồng là Ngân lại thương thằng Sâng, lại thấy có điều gì không phải với người chồng đã khuất. Ngân đã sống bao năm tháng trong sự giằng xé ấy, lấy công việc để khỏa lấp nỗi trống vắng, lấy sự làm phúc, giúp người cho vợi bớt nỗi buồn, những lúc chông chênh, Ngân lại nghĩ về con...
Đêm nay cũng vậy, tuy để người đàn ông bị nạn nghỉ với thằng Khua, nhưng thỉnh thoảng Ngân lại sang chỏm xem anh ta đã tỉnh chưa. Phải đến tận sáng hôm sau anh ta mới tỉnh, ngơ ngác nhìn xung quanh. Biết sự việc, anh run run cảm ơn, rồi kể, mình là Hòa, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Vì việc phòng chống dịch Covid, ở quê không có việc làm. Nhớ tới anh bạn cùng đơn vị hồi ở mặt trận Mường Khương, nhà trên Mù Cang Chải vậy là đi, vừa là thăm bạn, vừa kiếm việc làm. Lần đầu qua Khau Phạ, không nghĩ là đèo lại dài, cao đến như thế, càng lên càng thấy mây mù bịt mắt, trời lại tối, chả thấy đường, cứ đi liều. Đã bò rì rì rồi mà vẫn bị đâm vào vách núi. Cũng chả biết bị ngất bao lâu, khi tỉnh, ngó xung quanh thấy phía trên có ánh đèn, cố bò đi...
Ngân hỏi, có số điện thoại của bạn không để gọi điện báo, Hòa lắc đầu, không có số, cũng lâu không gặp, chỉ biết tên là Chô, nhà ở bản Kim Nọi. Ngân liền điện cho con trai nhờ nó tìm giúp. Hai hôm sau mới tìm được. Chô, bạn Hòa, phóng xe máy xuống ngay, cảm ơn Ngân và xin đón Hòa về nhà mình dưỡng thương. Ngân bảo:
- Anh Hòa đang đau, chưa ngồi xe máy được đâu. Cứ để anh ấy ở lại đây, hôm nào đỡ em hỏi nhờ xe ô tô lên.
Chô ngập ngừng bảo:
- Hòa là đồng đội, anh em sống chết có nhau. Chả mấy khi đồng đội lên tận trên này thăm, lại bị thế này, thật là áy náy. Em đã nói vậy, thì trăm sự nhờ em. Hàng ngày anh sẽ xuống phục vụ bạn. Sau này chi phí thế nào anh sẽ lo chu tất.
Ngân mỉm cười bảo:
- Anh khỏi lo. Đang kỳ cách ly cũng không nên đi lại nhiều. Ở đây đã có thằng Khua, cái Pàng, vả lại dạo này nhà nghỉ cũng không đón khách du lịch.
Tuy Ngân đã dặn vậy, nhưng rỗi lúc nào là Chô lại đeo khẩu trang, đội mũ xe có kính chắn xuống Khau Phạ chăm bạn. Hai người rì rầm trò chuyện như có việc gì hệ trọng lắm. Ngân hỏi, Chô ấp úng bảo: Vợ Hòa bị bệnh mất trước tết, ở quê không có việc, Hòa phải gửi con gái mới 12 tuổi cho ông bà nội, xuống Hà Nội làm bốc vác ở chợ Long Biên. Vì dịch Covid, chợ đóng cửa, Hòa cũng không còn việc làm. Chô cũng nói, đợi Hòa lành vết thương sẽ kiếm việc gì đấy ở trên này cho bạn làm.
Lên nhà Chô được ít ngày, một hôm cả Hòa và Chô lại xuống Khau Phạ. Chô bảo thằng Khua dẫn Hòa xuống cảm ơn bố Tủa. Ở nhà nghỉ chỉ còn Ngân, Chô ngập ngừng hỏi Ngân, nhà nghỉ có việc gì Hòa làm được không, trên bản không kiếm được việc cho Hòa. Anh ấy đang định về quê...
Đăm chiêu một lúc rồi Ngân bảo:
- Thực tình em rất ngại có đàn ông trong nhà. Mấy cô cháu với nhau quen rồi. Nhưng hoàn cảnh anh Hòa cũng khó thật, lại đang khi dịch bệnh. Thế này vậy, em có cái trại nuôi gà vịt, phục vụ khách du lịch, giờ nuôi thêm lợn rừng lai. Mình cháu Khua làm cũng mệt. Để anh Hòa xuống giúp em cũng được. Trước mắt, em trả lương cho anh ấy 4 triệu một tháng kèm nuôi cơm ...
Chô mừng rỡ đến mức nắm chặt cả hai tay Ngân, xúc động nói: Thế thì tốt quá. Tốt quá. Giúp Hòa, giúp cả cho anh. Song... song...- Có vẻ có điều gì khó nói, hồi lâu Chô mới ngập ngừng bảo- Anh cũng nhờ em. Tính Hòa khí khái, thấy gia đình anh cũng hoàn cảnh, đã định về ngay. Nhờ em làm sao giữ Hòa lại trên này giúp anh.
Khi Hòa và thằng Khua trở về nhà nghỉ, Chô hồ hởi nói ngay:
- Sắp đến mùa lúa chín, sẽ đông khách du lịch, em Ngân đang định mở rộng cái trại chăn nuôi, chủ động nguồn thực phẩm sạch phục vụ khách, nhờ mình tìm người giúp. Ông ở đây giúp Ngân được không? Có gì khó, cứ a lô cho tôi. Nửa tiếng sau, có mặt liền.
Hòa sững người nghe Chô nói, hồi lâu mới bồi hồi bảo:
- Vậy ư? Cảm ơn Ngân, cảm ơn ông bạn nhiều lắm. Đang lúc khó khăn, một miếng khi đói bằng mấy gói khi no. Thực tình tôi không biết nói thế nào để tỏ hết lòng mình, chỉ biết hứa là sẽ làm thật tốt.
Hôm sau, Hòa xuống Khau Phạ ngay. Anh vừa khéo tay, vừa chăm chỉ, không nề hà việc gì, ứng xử khiêm nhường nhưng cũng thẳng thắn, đàng hoàng, làm cho Ngân càng thêm quý trọng, nể phục. Một bữa xuống thăm trại, tình cờ nghe được Hòa đang điện thoại nói chuyện với con gái, Ngân sững người khi nghe Hòa bảo con: Cố gắng con nhé. Nghe lời ông bà. Bố vẫn an toàn, khỏe mạnh, đừng lo cho bố, bố có việc làm rồi con ạ, sẽ dành dụm để chuộc lại nhà. Con... con cũng đừng oán trách mẹ con nhé...
Ngân lẳng lặng quay về, đến lúc ăn cơm chiều, mới bảo Hòa:
- Từ hôm ở đây anh Hòa chưa về thăm con gái. Sang tuần anh tranh thủ về quê đi.
Hòa đặt bát đũa xuống mâm, rồi mới nói:
- Thực tình tôi nhớ và lo cho cháu quá, nhưng thấy vừa mới nhận việc đã xin về không tiện. Cô Ngân đã nói thế thì tuần sau cho tôi nghỉ 3 ngày nhé....
Không đợi Hòa nói hết, Ngân bảo ngay:
- Mai anh về luôn đi. Mà đang nghỉ học phòng dịch anh cho con bé lên chơi.
Hòa về quê đúng 3 ngày thì ngược, cho cả cái Bình lên. Con bé xinh xắn, chăm ngoan, suốt ngày quanh quẩn ở trại lợn phụ giúp cho bố. Nó cũng rất quý Ngân, hai cô cháu trò chuyện ríu rít, nhưng mắt nó không giấu được nỗi buồn. Nhìn thương lắm. Ngân đun nước bồ kết gội đầu cho nó, dẫn nó xuống bản chơi. Tỉ tê trò chuyện với bé, Ngân mới biết, thì ra vợ Hòa không phải đã mất như lời Chô nói mà bỏ bố con Hòa theo người đàn ông khác. Khi Chô xuống thăm bố con Hòa, Ngân gạn hỏi, Chô mới nói thật. Hòa lấy vợ muộn, vợ ít hơn Hòa 10 tuổi. Cách đây 5 năm, vợ Hòa đòi đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Chiều vợ, Hòa thế chấp nhà, vay tiền ngân hàng lo cho vợ đi. Trước tết vừa rồi, Hòa bất ngờ nhận được tờ đơn xin ly hôn của vợ, kèm theo lá thư. Vợ Hòa nói đã chót có con với ông chủ Hàn Quốc. Ông ấy giàu lắm, chỉ đợi giấy ly hôn với Hòa gửi sang là sẽ cưới cô ấy làm vợ. Cô ấy cũng bảo, phần tài sản cô ấy được chia khi li hôn, Hòa lấy để trả tiền lo liệu cho cô ấy đi xuất khẩu. Còn việc nuôi con, nếu Hòa khó khăn quá thì để cô ấy về đón sang Hàn Quốc. Phẫn uất với sự phản bội và lạnh người trước những toan tính của vợ, biết có cố cứu vãn cũng không được, Hòa ký giấy ly hôn, bán nhà trả nợ...
Nghe Chô kể, Ngân càng thương con bé, mẹ đã bỏ lại phải xa bố. Cô bảo Hòa, hết kỳ nghỉ, đón con bé lên Khau Phạ cho học trên này để bố con được gần nhau. Trường Cao Phạ cũng chỉ cách nhà hơn 2 cây số.
Từ ngày danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, khách du lịch đến Mù Cang Chải ngày càng đông. Họ đặt tour đến những điểm có ruộng bậc thang đẹp như núi Rồng- Zê Xu Phình, Hấu Đề, Mâm Xôi- La Pán Tẩn, Thào Chua Chải- Chế Cu Nha, Sáng Nhù, Màng Mủ- Mồ Dề, Háng Blaha, Háng Gàng- Lao Chải... Để phục vụ khách, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, sửa lại toàn hệ thống đường sá tỉnh lộ, liên xã, liên bản. Đèo Khau Phạ cũng được cắt cua, mở rộng. Trước khi công trường cho nổ mìn phá hòn đá bãi lở, Ngân làm mâm cơm lên thắp hương xin chồng và những người chết vì vụ lở núi hồi ấy phù hộ cho việc mở đường được suôn sẻ.
Nắng đã tắt từ lâu, sương buông đầy Khau Phạ, vẫn không thấy Ngân về. Hòa dẫn con gái lên xem có xảy ra việc gì không. Đến nơi thấy Ngân ngồi im phăng phắc như đá bên mâm cơm cúng. Hòa ra hiệu cho con gái. Cái Bình đến bên Ngân khẽ nói:
- Tối rồi, về nhà thôi cô ơi!
Giật mình quay lại thấy bố con Hòa, Ngân ôm chặt cái Bình, nói trong nước mắt:
- Lên học trên này con nhé!
Cái Bình vùi đầu vào ngực Ngân, khẽ vâng, rồi nức nở gọi: Mẹ ơi!
Hòa đứng lặng nhìn hai cô cháu, tự nhiên nước mắt cứ trào ra.
N.H.L
Tin khác