• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Đồng bào Mông làm “kinh tế mũi nhọn”
Ngày xuất bản: 25/11/2021 12:36:08 CH

 

Ký của Minh Ngọc

Đầu thu, giữa nắng chiều vàng óng, không khí nhuốm chút se lạnh, chúng tôi lên Mù Cang Chải, chốn thiên đường của ruộng bậc thang dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn vời vợi. Đứng trên độ cao trên 1.000m so với mặt biển, cảm nhận rõ hơn sự trong lành của khí trời và sự ưu ái mà thiên nhiên ban tặng cho vùng “đất gỗ khô”. Con người giản dị, thiên nhiên hoang dã và hùng vĩ trước sự thay đổi của thời gian như những dấu ấn khó phai đối với những ai đã một lần lên với Mù Cang.

Mảnh đất nắng gió với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống đang đồng lòng, quyết tâm xây dựng địa phương trở thành huyện du lịch. Câu chuyện đặt ra rất rõ ràng rằng, huyện muốn phát triển du lịch thì tất yếu bà con dân tộc Mông phải biết làm du lịch, bởi đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90% dân số nơi đây. Từ luồng tư duy ấy tôi ngắm nhìn Mù Cang Chải với tất cả những gì mà mảnh đất này đang có và việc người Mông nơi đây đang nỗ lực thay đổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, đi theo hướng kinh tế mũi nhọn mà huyện ủy đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ 18, đó là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, bản sắc, hấp dẫn, có thương hiệu, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”.

Tiềm năng vượt trội

Với diện tích tự nhiên lớn thứ 2 trong toàn tỉnh, bao trọn 14 xã, thị trấn cùng số dân trên 66 nghìn người, huyện Mù Cang Chải từ chỗ “Ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm, đồ dùng trong gia đình còn nhiều thiếu thốn, văn hóa tinh thần lại càng thiếu thốn hơn”(1) giờ đây hầu như không còn hộ đói; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển; lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; Quốc phòng, An ninh thường xuyên được tăng cường góp phần giữ vững và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điều đó hoàn toàn đồng nghĩa với việc đồng bào Mông đã thay đổi thật nhiều từ tư duy, cách nghĩ, cách làm, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, khai hoang ruộng bậc thang, đẩy mạnh sản xuất ngô, lúa vụ đông; kiên trì và từng bước xóa đói, giảm nghèo xây dựng quê hương Mù Cang Chải ngày thêm phát triển, ấm no, hạnh phúc. Và một điều thật quan trọng chính là các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ đã xác định hướng phát triển đúng đắn, phù hợp với mảnh đất, con người Mù Cang Chải. Trong đó việc phát triển Mù Cang Chải trở thành một huyện du lịch đã, đang và sẽ là một hướng đi đúng đắn, mang đến những đổi thay ngoạn mục cho mảnh đất vùng cao.

Không khó để thấy rằng nơi đây chứa rất nhiều tiềm năng, giá trị nổi bật phù hợp để phát triển du lịch. Yên Bái nằm ở khu vực Tây Bắc, là cửa ngõ quan trọng kết nối các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Đông Bắc và vùng Trung du Bắc bộ với các tỉnh trong khu vực. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, Mù Cang Chải đang có lợi thế lớn và là điểm đến đặc biệt hấp dẫn, giành được nhiều sự quan tâm và là lựa chọn ưu tiên của nhiều đối tượng khách du lịch. Bên cạnh Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam, một trong “những điểm đến rực rỡ nhất thế giới”, chính là cảnh quan thiên nhiên gắn với địa hình núi non hùng vĩ với đèo Khau Phạ xếp thứ 2 trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam. Điểm bay dù lượn tại đèo Khau Phạ là một trong bốn điểm bay đẹp nhất Việt Nam, top 10 điểm bay dù lượn đẹp của thế giới. Cộng thêm hệ sinh thái tự nhiên phong phú với những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn có thảm thực vật, động vật phong phú và quý hiếm, khí hậu trong lành, mát mẻ với thời gian kéo dài rất thích hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Các sản vật địa phương như sơn tra, mật ong, thảo quả, rượu thóc La Pán Tẩn, chè, đỗ tương, y dĩ, lạc, lợn bản địa, gà xương đen, cá tầm, cà hồi và một số đặc sản dược liệu quý khác như Nấm Linh chi đỏ, Hà thủ ô, Thảo quả, Sa nhân, đẳng sâm, thất diệp đã từng bước vượt khỏi địa phương vươn ra thị trường trong nước và quốc tế… Và điều quan trọng nhất, thứ hấp dẫn mang tính quyết định chính là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, Thái nơi đây. Kiến trúc nhà ở, nghề thủ công truyền thống, trang phục độc đáo, ẩm thực, văn hóa nghệ thuật, các trò chơi dân gian cùng các giá trị văn hóa lịch sử đã trở thành tiềm năng, tài nguyên để khai thác phát triển du lịch. Đặc biệt các giá trị trong bản sắc văn hóa người Mông như lễ mừng cơm mới, lễ đón dâu, tết của người Mông luôn gợi sự tò mò, khám phá của du khách. Ngoài ra, trong những năm gần đây, huyện đã tổ chức nhiều lễ hội hiện đại gắn với Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Lễ hội khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang, lễ hội giã bánh giày, lễ hội khèn Mông... đã tạo được những ấn tượng hết sức tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước.

Vẫn biết, từ xa xưa người Mông nơi vùng cao Mù Cang Chải vốn quen với sản xuất nông nghiệp, ruộng bậc thang chính là kiệt tác kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo, là kết quả của sự chinh phục và hòa đồng với thiên nhiên, tạo nên nền văn minh lúa nước độc đáo. Bản tính hiền lành, chất phác của đồng bào Mông luôn gây ấn tượng thân thiện với du khách. Đặc biệt sự cần cù, chịu khó, sáng tạo, thông minh, tiếp thu tốt, nhất là khả năng học tiếng Anh nhanh do cách phát âm gió, âm đầu tương đồng nên bà con dân tộc Mông có nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động du lịch. Do đó việc bảo tồn, khôi phục và từng bước sửa đổi tư duy, phong tục lạc hậu của người Mông để văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch ngày càng cấp thiết. Vấn đề đặt ra ở đây chính là việc văn hóa trở thành thương mại hóa có nên hay không, song việc văn hóa trở thành hoạt động trải nghiệm du lịch để giới thiệu quảng bá văn hóa hẳn là một việc làm cần thiết.

Đồng bào Mông làm du lịch

Trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2016- 2020, hệ thống đường giao thông đã được huyện Mù Cang Chải hết sức quan tâm đầu tư, phát triển. Huyện đã tận dụng tốt, có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách, vận động mọi nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, phát triển hệ thống đường giao thông. Hiện nay, hầu hết đường đến thôn bản đã được bê tông hóa và đi lại được bằng các phương tiện ô tô, xe máy. Theo đó tại địa phương đã hình thành các mô hình hoạt động du lịch: công ty, doanh nghiệp, cá nhân, tập đoàn, người dân, mang lại thu nhập chính cho người dân. Hiện Mù Cang Chải có 9 tuyến du lịch nội huyện, 4 tuyến du lịch nội tỉnh, 11 tuyến du lịch liên tỉnh, 2 tuyến du lịch quốc tế với các sản phẩm du lịch chính như Du lịch lịch sử- văn hóa; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch tâm linh, lễ hội; Du lịch cộng đồng và Du lịch thể thao, khám phá, mạo hiểm.

Từ quy hoạch chung, lại được chính quyền các cấp hướng dẫn hoạt động du lịch, hiện nay người dân Mù Cang Chải nói chung và đồng bào Mông nói riêng ngày càng chuyên sâu tập trung phát triển hoạt động du lịch. Có thể nhận thấy hoạt động du lịch nơi đây ngoài sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP phục vụ du lịch, chủ yếu dựa vào di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang với hai mùa lễ hội chính vào mùa vàng và mùa đổ nước song song với Festival Dù lượn Bay trên mùa vàng” và Festival Dù lượn “Bay trên mùa nước đổ”.

Cạnh đó là hoạt động du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên chuyên nghiệp, bài bản. Lên Mù Cang Chải ta dễ dàng tìm đến những địa chỉ làm du lịch cộng đồng của đồng bào Mông đã thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước. Có thể kể đến địa chỉ Hello Mù Cang Chải tại xã La Pán Tẩn của Giàng A Dê, một thanh niên trẻ chịu khó đi tìm hiểu học hỏi mô hình làm du lịch ở nhiều nơi, khách chủ yếu là người nước ngoài. Một điều rất nhân văn ở Dê chính là sẵn sàng hỗ trợ kinh phí ăn nghỉ cho những người nước ngoài dạy tiếng Anh miễn phí cho người bản địa. Cũng tại đây, có thể dễ dàng tìm đến gia đình anh Hảng Sáy Chông ở ngay khu vực trụ sở Ủy ban xã, từ một hộ thuần nông chăn nuôi gia súc, gia cầm đến nay gia đình vừa làm nông nghiệp vừa phát triển du lịch. Dịch xuống bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, du khách có thể tìm đến Ecolodge của ông Thào A Sùng, nơi có các sản phẩm địa phương mang đến cảm giác thân thiện, hài hòa. Ở đây, ngoài được ăn nghỉ, trải nghiệm các sản phẩm văn hóa bản địa, du khách có thể trải nghiệm các tour du lịch đường bộ, đường rừng. Chạy lên Púng Luông, ta bắt gặp Thào A Kỷ tốt nghiệp Học viện Ngân hàng từng đi làm cho các điểm du lịch, nhận thấy quy hoạch phát triển du lịch của huyện đang đi đúng hướng, cộng thêm quyết tâm không thể suốt đời đi làm thuê nên đã quyết định quay trở về địa phương làm du lịch. Với ý tưởng xây 20- 30 căn hộ có nhà tắm, phòng nghỉ, bếp lò và đối tượng khách mà gia đình hướng đến phục vụ là người nước ngoài có điều kiện, Thào A Kỷ dần hoàn thiện ước mơ từ bao năm qua. Nhờ làm du lịch cộng đồng mà gia đình anh Kỷ cũng như nhiều gia đình đồng bào Mông khác đã có điều kiện cho con cái học hành, mua ô tô, tạo việc làm, giúp bà con cùng làm du lịch. Còn khá nhiều những mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào Mông nằm rải rác trên các địa bàn khác như Thị trấn Mù Cang Chải, xã La Pán Tẩn, xã Nậm Khắt, xã Cao Phạ, xã Dế Xu Phình… đã thể hiện sự đồng nhất trong tư duy nhận thức của đồng bào Mông trong hoạt động du lịch tại địa phương.

Đổi thay nhờ du lịch

Hoạt động du lịch càng phát triển, đời sống người dân nói chung và đồng bào Mông nói riêng đã từng bước đổi thay về mọi mặt, từ kinh tế, xã hội đến môi trường. Nếu ai chỉ vài ba năm trở lại đây mới có dịp quay lại Mù Cang Chải sẽ thấy những đổi thay rõ rệt. Một diện mạo mới, một sức sống mới đang từng ngày hiển hiện nơi vùng “đất gỗ khô”. Nhờ hoạt động du lịch, người Mông nơi đây được tăng nguồn thu, có thêm nhiều việc làm, được thụ hưởng sự phát triển hạ tầng, các chính sách đẩy mạnh đầu tư và giao lưu liên vùng. Phát triển du lịch đã tạo thêm các cơ hội phát triển kinh doanh dịch vụ cho bà con đối với các hoạt động lưu trú, ăn uống, mua sắm, các hoạt động trải nghiệm, chuỗi sản phẩm OCOP tại địa phương... Với tính liên ngành, hoạt động du lịch lại trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển như giao thông, xây dựng, thương mại, vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông… từ đó góp phần xây dựng, phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ có chất lượng cao và bền vững như khu thương mại, dịch vụ; khu vui chơi, giải trí; khu nghỉ dưỡng… từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân.

Hoạt động du lịch còn góp phần nâng cao các giá trị văn hóa và truyền thống của đồng bào Mông, đẩy mạnh việc bảo tồn và giao lưu các truyền thống văn hóa- lịch sử, góp phần bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, bảo vệ các di sản ở địa phương, phục dựng các giá trị văn hóa dân tộc… Du lịch chính là phương tiện giáo dục lòng yêu nước, giữ gìn và nâng cao truyền thống dân tộc. Du lịch phát triển tạo thêm việc làm, mang lại những tác động tích cực cho xã hội như tạo thêm sự gắn kết cho cộng đồng, giảm bớt lượng nhân công lao động bỏ quê hương đi nơi khác tìm việc làm, củng cố tính đồng nhất và lòng tự hào về di sản của địa phương qua việc cung cấp những sản phẩm mỹ nghệ và tiểu thủ công nghiệp cho khách du lịch. Ngoài ra, người dân địa phương có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với với du khách đến từ những nước có trình độ phát triển cao hơn, qua đó nâng cao trình độ nhận thức…  Đồng thời, hoạt động du lịch còn góp phần tăng cường sự hợp tác, giao lưu giữa đồng bào Mông với các dân tộc trong, ngoài huyện và ngoài tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị di tích, danh lam thắng cảnh; từ đó tạo mỹ quan đô thị, diện mạo nông thôn mới và từng bước xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Nhờ dự án phát triển du lịch mà người dân nói chung và đồng bào Mông nói riêng được sống trong môi trường được cải thiện thông qua các hệ thống thu gom, tập kết rác thải, xử lý nước thải tại các khu du lịch và điểm du lịch cộng đồng. Du lịch phát triển sẽ cung cấp các khả năng tài chính cho các dự án bảo tồn thiên nhiên, sử dụng nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm, ít gây ô nhiễm, hạn chế ngành công nghiệp nặng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan, môi trường và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm dịch vụ tập trung; giảm thiểu tình trạng thiên tai, dịch bệnh, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ các ngành dịch vụ còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tăng cường sự giao lưu, trao đổi hiểu biết về môi trường, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường của cộng đồng địa phương.

Với người dân Mù Cang Chải hiện nay, du lịch được xem là một ngành “kinh tế mũi nhọn”, một phương thức xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhờ hoạt động du lịch, thu nhập bình quân của người dân có những bước cải thiện rõ nét, từ trên 16 triệu/ người/ năm (2015) tăng lên gần 21 triệu/ người/ năm (2020). Đây là một dấu hiệu đáng mừng và bước đầu thể hiện tính đúng đắn trong định hướng phát triển du lịch tại địa phương.

Để du lịch trở thành ngành “kinh tế mũi nhọn”

Theo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010- 2020, định hướng đến 2025, huyện Mù Cang Chải có Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là danh thắng hết sức độc đáo của vùng núi Tây Bắc Việt Nam, thuộc cụm du lịch vùng văn hóa Mường Lò và khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái với loại hình du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa cộng đồng- di tích lịch sử. Tuy nhiên để có mô hình du lịch đồng bộ cần phải thống nhất trong cách làm, sự đồng thuận của các cấp chính quyền đến người dân.

Mặc dù có rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch nhưng các chuyên gia xây dựng đề án “Xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021- 2025” đã nhận thấy tính bền vững, vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường, chất lượng sản phẩm- dịch vụ du lịch, tính chuyên nghiệp trong xúc tiến, quảng bá du lịch, nếp sống- ý thức người dân nhất là đồng bào Mông, rồi những nguy cơ phát sinh từ mục đích thương mại liên quan đến phụ nữ, trẻ em sẽ là những rào cản đặt ra trong quá trình phát triển du lịch của địa phương.

Theo đó, bên cạnh các giải pháp về quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng bền vững; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; thực hiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư phát triển du lịch; bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và các tài nguyên du lịch khác; nâng cao nhận thức, tư duy trong phát triển du lịch; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng huyện du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước; mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng tại các vùng du lịch trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thì vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt việc tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch thông qua tổ chức các chuyến tham quan các khu du lịch thành công trong phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm; nâng cao kỹ năng, thái độ ứng xử đối với khách du lịch; giữ gìn phong tục truyền thống và văn hóa tốt đẹp; bảo vệ cảnh quan, môi trường… là những việc làm cần thiết. Cuối cùng, việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với việc xây dựng huyện du lịch là một yếu tố không thể thiếu trong việc xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy du lịch phát triển.

Để người Mông có thể tham gia hoạt động du lịch tốt hơn trong thời gian tới, đồng chí Giàng A Vừ, Phó Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, người con dân tộc Mông với tất cả sự gắn bó, thông hiểu về tư duy, thuộc tính của đồng bào mình, nhiều năm đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo của huyện, cho rằng: Việc đào tạo nhân lực làm du lịch cần mở rộng không chỉ là đào tạo bài bản qua trường lớp mà còn là thu hút các công ty, tập đoàn, nhân lực từ nơi khác đến hướng dẫn, cầm tay chỉ việc; kết hợp chặt chẽ với các công ty du lịch trong việc nấu ăn, hướng dẫn viên, chăm sóc cây cảnh... Bên cạnh việc đào tạo lực lượng trực tiếp rất cần chú trọng đến lực lượng gián tiếp làm du lịch. Cần khôi phục nghề đan lát, nghề thủ công mỹ nghệ, rèn đúc, thổ cẩm, nông nghiệp có chất lượng, có giá trị kinh tế để phục vụ các cửa hàng dịch vụ, tránh tư duy sản xuất để ăn, ai đặt mới làm… Để hoạt động du lịch trở nên bài bản và chuyên nghiệp, rất cần xây dựng, ban hành các tài liệu nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của phát triển du lịch, xuất bản cẩm nang giới thiệu du lịch, bản đồ du lịch của huyện. Cần phát huy văn hóa Mông trở thành một sản phẩm du lịch, đồng thời cần có sự định hướng tốt, có quy hoạch, quy chế rõ ràng, minh bạch hoạt động du lịch; xây dựng một số mô hình cụ thể, tiêu biểu tại địa bàn cho người dân tham quan học hỏi cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của nhà nước. Cần tuyên truyền, chia sẻ những cách làm hay, những mô hình cá nhân, tập thể tiêu biểu để tăng cường lan tỏa, nhân rộng và quan trọng phải có sự liên kết trong thực hiện sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi sản phẩm có giá trị, đảm bảo đầu ra, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.

Cũng trong chương trình làm việc với đoàn công tác chúng tôi, Đồng chí Nông Việt Yên- Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải đã thể hiện tinh thần cởi mở song cũng rất rõ ràng khi khẳng định:Để đánh thức “người đẹp ngủ trong rừng” trong truyện cổ tích cần có chàng hoàng tử, còn để đánh thức “người đẹp Mù Cang Chải” cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ban ngành, tổ chức”. Do đó đề án “Xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021- 2025” được xây dựng chi tiết, bài bản sẽ là cơ sở để Mù Cang Chải từng bước chuyển mình. Với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, tin tưởng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra, xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch- là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.

 M.N

 

(1) Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIII, nhiệm kỳ 1991- 1995.

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter