• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Đồng đội của tôi
Ngày xuất bản: 17/08/2021 7:26:27 SA

Truyện ngắn của Thúy Hợp

   Tính từ ngày tôi nhập ngũ, nhận đơn vị, rồi huấn luyện chưa đầy một tháng. Huấn luyện tốt bao nhiêu, vào chiến trường đỡ thiệt hại quân số đơn vị bấy nhiêu; ấy là lời của chú đại đội trưởng đả thông tư tưởng mỗi giờ huấn luyện nên chúng tôi đứa nào đứa ấy ra sức tập luyện. Có những lúc vừa nghỉ, chưa ráo mồ hôi, còi báo động lại vang lên một hồi. Có người vừa dưới bờ suối chưa kịp rửa xong cái mặt nghe còi báo động đã vội khoác ba lô, chạy ra thao trường huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Huấn luyện xong, quay về doanh trại ăn vội bát cơm, tranh thủ chợp mắt vài phút rồi lại họp rút kinh nghiệm. Vì thế nên lần đầu tiên xa gia đình đã gần một tháng mà tôi chưa có thời gian để nhớ về mẹ, viết thư cho bà, chứ chưa nói là viết thư cho bạn bè. Đêm nay đã xong khóa huấn luyện, cả đơn vị được nghỉ, sáng sớm mai phải hành quân cấp tốc vào miền Nam rồi. Mùa xuân dưới chân núi đá Mai Châu Hòa Bình rét tê người, lá già đã trút xuống đầy gốc, chồi non đang nhú ra từ những cành cây trơ trụi, thế mà mỗi đứa tìm cho mình một gốc cây lấy ánh trăng suông làm đèn để viết thư gửi về cho gia đình. Ánh sáng lờ mờ trên trang giấy, ai cũng viết theo linh cảm chứ có nhìn rõ dòng kẻ đâu. Dưới gốc cây, mỗi người lấy cái khăn mặt ra chùm lên đầu, che những giọt mưa nhỏ. Mưa xuân lây phây đã thấm lạnh mà chẳng ai buồn chợp mắt. Thằng Ninh chạy ra tận chỗ tôi ngồi lay lay vào vai tôi bảo: 

 - Cậu chưa nghe đại đội trưởng gọi à? Ngủ thôi mai còn phải hành quân, mà vào thẳng miền Nam luôn đấy.

Thằng Ninh lại tò mò hỏi tôi:

  - Cậu viết thư cho ai đấy, khai mau?- Tôi chưa kịp trả lời nó lại hỏi- Có cô nào để nhớ chưa đấy?

Tôi bật cười nói với thằng Ninh:

 - Thư cho mẹ tớ còn chưa biết viết thế nào cho nó xuôi, nói gì đến thư cho cô nào.

Thằng Ninh ghé sát vào tai tôi thì thầm:

 - Tớ vừa viết xong lá thư gửi cho em Thắm cậu ạ.

Vừa nói thằng Ninh vừa rút trong ngực ra một cái khăn tay trắng thêu riềm xanh. Dưới ánh trăng lờ mờ mà tôi đã thấy cái khăn rất đẹp. Ý nghĩa quá, tôi chỉ nhìn qua mà không dám cầm lâu trên tay mình kỉ vật của người khác. Tôi mừng cho bạn, đã có người để thương, để nhớ. Nó bảo với tôi:

- Bố mẹ tớ bảo cứ cưới vợ rồi đi bộ đội, để Thắm về nhà chăm sóc bố mẹ mình lúc tuổi già. Nhưng mình nghĩ, như thế thiệt thòi cho Thắm quá. Mình đi bộ đội sống chết chẳng biết thế nào. Mình bảo cô ấy lâu mà không thấy mình về thì cứ đi lấy chồng.

Nghe thằng Ninh nói thế tự dưng tôi thấy buồn buồn. Nó xem đi, xem lại cái khăn tay rồi cho vào ngực áo cộc mặc bên trong. Nó khoanh tay lên ngực nhắm mắt lại nằm gáy tít lịm rồi. Tôi ngắm thằng Ninh ngủ một lát, tự nhiên thấy thương nó. Hai đứa chúng tôi ở cùng một xóm, Ninh lớn hơn tôi một tuổi nhưng chúng tôi học cùng một lớp. Tuổi thơ của tôi và Ninh chẳng khác nhau là  mấy. Em Ninh chưa được một tuổi thì mẹ Ninh chết vì bom Mĩ lúc ấy Ninh mới  học lớp bốn đã phải nghỉ học ở nhà bế em. Nghe đâu, mẹ Ninh là hộ lí của trạm xá xã.  Năm 1968, Mĩ ném bom ở ga Gôi Nam Định, nhiều công nhân, bộ đội bị thương. Cả trạm xá đang cứu thương binh thì bị một loạt B52 ném bom xuống toa tàu hàng bốc cháy, công nhân, y bác sĩ chẳng ai về nhà được. Sau tiếng bom rơi, lửa cháy ngùn ngụt, là tiếng khóc của những đứa trẻ, đứa thì mất cha, đứa mất mẹ, đau thương tang tóc. Bố thằng Ninh là cán bộ chỉ huy làm đường sắt, tuyến đường huyết mạch cả nước tập trung chở hàng vào Nam chi viện cho tiền tuyến. Ga Gôi Nam Định quê tôi những năm ấy là cái túi bom của bọn Mĩ, vì chúng đánh hơi thấy ga Gôi là nơi tập kết đủ các loại hàng, từ xăng dầu, đạn dược, các loại yếu phẩm nên chúng ngày đêm đánh phá. Bao nhiêu công nhân, thanh niên xung phong đã nằm lại nơi này. Trong đó có mẹ thằng Ninh. Mẹ nó mất, thằng Ninh đã lớn rồi nhưng em nó còn bé quá. Mà bố nó vẫn phải ngày đêm bám mặt đường, hỏng đâu sửa đấy cho kịp giờ tàu chạy. Mẹ nó mất, bố nó chỉ kịp lo hậu sự cho mẹ nó xong lại ra chỉ đạo ngoài mặt đường cho những chuyến tàu chở hàng vào Nam sớm nhất.

Minh họa: Lê Trí Dũng

 

    Sau ngày mẹ mất, hai anh em Ninh lúc ở nhà, lúc ở với cô em của bố. Lúc rỗi, cô bế em xin bú trực, lúc nào cô đi làm thì thằng Ninh mồ hôi nhễ nhại bế em hết đầu làng đến cuối xóm tìm ai mới sinh con là bế em đến xin bú. Có lần đến nhà người ta, thằng Ninh vừa khóc vừa gọi chủ nhà. Chủ nhà chưa nghe thấy thằng Ninh gọi thì con chó trong nhà xông ra cắn thằng Ninh. Tuy bị chó giằng xé dưới gấu quần nhưng thằng Ninh vẫn ôm chặt em nó trên tay. Đến khi nhà chủ phát hiện thằng Ninh bị chó cắn, chạy ra thì con chó đã cắn tan tành cái quần của nó. Bác chủ nhà vội bế em thằng Ninh cho em nó bú. Thấy thằng Ninh nước mắt ngắn nước mắt dài, bác hỏi: “Cháu ăn cơm chưa?”. Thằng Ninh ấp úng trả lời: “Cháu chưa. À cháu ăn rồi”. Thấy thằng Ninh trả lời ấp úng bác hàng xóm bảo: “Cháu có ăn ngô luộc vào bếp lấy mà ăn. Ngô ngon lắm”. Thằng Ninh chạy tót vào nhà mở nồi ngô. Ngô vừa ngọt vừa dẻo, bắp ngô to dài nóng hổi. Đúng lúc đang đói, thằng Ninh ngồi nghiến ngấu ăn.

Từ ngày mẹ mất đến nay đã mấy tháng, nó chưa được đồng quà tấm bánh nào, cũng chẳng được bắp ngô luộc nào, đến cơm cũng phải chia nhau. Mỗi sáng mấy đứa bé nhà cô và cả thằng Ninh được ăn mỗi đứa miệng bát cơm, còn cô với chú nhịn đói ra đồng làm, đến trưa mới được ăn cơm. Với thằng Ninh, miệng bát cơm thì có đáng là bao. Đói khổ như thế mà nó vẫn béo tròn như người thừa dinh dưỡng, nếu nó mặc bộ quần áo lành vào, trông nó như con nhà đại gia chứ chẳng đùa. Cái Na bú no lăn ra ngủ rồi mà thằng Ninh vẫn ngồi trong bếp gặm ngô. Bác hàng xóm sốt ruột gọi: “Ninh ơi ra bế em về cho em ngủ này”. Thằng Ninh cuống quýt: “Vâng, để cháu ăn nốt bắp này nữa”. Bác chủ nhà bế em nó vào bếp. Thằng Ninh ném cái lõi ngô bịch xuống đất, hai tay xoa vào cái quần bị chó cắn tả tơi, chìa tay ra đón em, miệng bỏm bẻm nhai đi về nhà mình. Bác chủ nhà mở nồi ngô luộc ra. Trời ơi, thật là dở khóc, dở cười.  Bác hàng xóm mò ốc đầm người dưới mương cả ngày bắt được mấy bơ ốc bán,  mua mười bắp ngô luộc cho cả nhà ngủ dậy mỗi người một bắp, thương nó bảo nó vào ăn, tưởng nó chỉ ăn một hoặc hai bắp, ai ngờ nó ăn bằng sạch mười bắp ngô. Bác chủ nhà lấy nửa ống gạo, đốt lửa to nấu vội nồi cháo cho cả nhà. Mẹ chồng bác hàng xóm gọi con dâu nói nhỏ: “Sáng mẹ thấy mày luộc ngô sao lại còn nấu cháo?”. Bác hàng xóm khẽ nói cho mẹ chồng biết thằng Ninh đã nhai hết cả nồi ngô. Vừa nói bác hàng xóm chỉ vào đống lõi ngô thằng Ninh ăn rồi ném ra. Bà cụ nhân từ bảo con dâu: “Mang ngay đống lõi ngô giấu đi, không mấy đứa trẻ nó dậy lại đòi thì lấy đâu ra”. Bà cụ nói: “Khổ thân thằng Ninh, đang tuổi ăn tuổi lớn mà mẹ chẳng còn, em thì bé, bố lại đi công tác biền biệt ngày đêm. Cả nhà đều giấu nhưng dần dần vẫn lộ việc thằng Ninh ăn hết cả mười bắp ngô một lúc. Thế là từ đó thằng Ninh lại phải đeo thêm cái tên Ninh bắp. Bọn trẻ cùng lứa tuổi chăn trâu thì trêu đùa gọi thằng mười bắp.

Cái Na ngày một lớn. Nó khát sữa mẹ khóc ra rả ngày đêm, cơm chẳng đủ ăn, lại còn lúc bom rơi, lửa đạn này. Nhà nào cũng khó khăn, còn phải lo cho cuộc sống của nhà mình. Thế là mọi người gọi bố thằng Ninh bắp về gán ghép cho một cô trong làng đã có tuổi nhưng chưa lập gia đình. Cô ấy đồng ý về làm vợ bố nó và trông nom hai anh em Ninh. Thằng Ninh bắp tuy buồn vì mẹ không còn trên đời nhưng có mẹ dì vẫn tốt hơn nhiều so với những ngày mẹ nó mới  mất. Bố nó vẫn ở ngoài các tuyến đường sắt sửa chữa cho tàu  kịp chở hàng vào  Nam, thằng Ninh bắp ở nhà bế em giúp mẹ dì để bà đi làm hợp tác. Cái Na lớn, thằng Ninh bắp cũng theo mẹ dì ra đồng lúc thì nhổ mạ, lúc tát nước vào đồng, dần trở thành lao động chính. Mới mười năm, mười sáu mà nó to béo vạm vỡ, ăn hết hàng cân gạo vẫn chưa no trong khi chiến tranh liên miên, đói kém, phải tiết kiệm để chi viện lương thực cho chiến trường miền Nam. Nhiều lúc nó nói đùa với chúng tôi, khi mẹ dì gọi ăn cơm nó giả vờ ngủ, khi nào mẹ dì và em nó ăn xong, nó mới dám ăn, nó sợ nó lại quên mà ăn hết cơm thì mẹ và em Na lại phải nhịn ăn. Chẳng mấy khi bố nó ở gần anh em thằng Ninh bắp. Từ ngày bố nó cưới mẹ dì về hình như ông phó mặc hết cho bà mẹ dì nuôi hai anh em nó lớn khôn. Cũng may mẹ dì xem hai anh em thằng Ninh bắp như con đẻ của mình. Thằng Ninh bắp lớn lên trông thấy. Chưa đến mười bảy tuổi mà nó to béo, trông như phi công. Còn cái Na cũng lớn khôn dần. Nó xinh gái, dáng mảnh mai giống mẹ, nhanh nhẹn, nết na, xóm làng ai cũng mừng cho anh em nó, tuy mất mẹ nhưng được người mẹ kế biết thương yêu anh em thằng Ninh bắp.

Một chiều tháng hai năm 1972, thằng Ninh bắp đến nhà tôi. Nó gọi giật tôi từ ngoài ngõ: “Giai ơi, Giai ơi”. Tôi chạy ra cổng, Ninh đưa cho tôi tờ giấy báo nhập ngũ. Chỉ có năm ngày để thu xếp mà mẹ tôi lại đang đi làm ở nhà máy dệt, tận dưới thành phố Nam Định, cách nhà hai mươi cây số. Cậu tôi cũng nhập ngũ rồi, chỉ có tôi và bà ngoại ở nhà. Tôi bất ngờ cầm tờ giấy báo nhập ngũ mà quên cả mời nó vào nhà. Tôi cầm tờ giấy trên tay lơ đãng bước đi trong tâm trạng mông lung. Làm thế nào báo cho mẹ biết tin này. Nếu tôi đi bộ đội nữa, ai là người chăm sóc bà ngoại. Những câu hỏi như mối tơ vò vấn vít lấy tâm trí tôi. Vào bàn học, tôi xếp sách vở, xếp những ước mơ còn dang dở. Ước mơ của tôi là học rồi trở thành một kỹ sư xây dựng. Có lẽ không thành rồi. Tôi nhìn góc học tập của mình rồi nhìn vào đống sách. Nỗi buồn trong tôi hiện lên khóe mắt nhưng không thể cưỡng lại được. Trước mắt tôi là băng zôn, khẩu hiệu khắp nơi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Tôi chưa nói gì cho bà ngoại biết, ngồi gói lại đống sách gác lên trần nhà. Bà ngoại thấy lạ hỏi tôi: “Sao cháu đang học lại cất sách đi?”. Tôi quay lại bảo bà: “Cháu cất vợi sách chưa học đến”, rồi tiếp tục gói ghém sách vở gác lên, định ngay đêm nay sẽ đạp xe xuống nhà máy dệt tìm mẹ. Bà ngoại lại gọi tôi: “Giai ơi, hình như cháu có bạn nào mà đứng ở ngõ nhà mình từ nãy đến giờ?”. Tôi giật mình ngoảnh ra, thì chao ôi, vẫn thằng Ninh bắp. Tôi ra hiệu cho nó không cho bà ngoại biết là tôi có giấy báo nhập ngũ. Tôi mời thằng Ninh bắp vào nhà rồi xin lỗi nó vì còn nhiều việc phải thu xếp. Thằng Ninh bắp gạt toẹt nói với tôi: “Không sao, có cần làm gì tớ giúp được cậu tớ sẽ giúp”. Tôi ghé sát vào tai thằng Ninh bắp thì thầm: “Còn xuống nhà máy dệt gặp mẹ báo cho mẹ tớ biết. Cậu không làm được đâu!”. Thằng Ninh bắp lại huýt sáo ra hiệu cho tôi: “Cậu cứ ở nhà với bà đi, tớ đạp xe xuống nhà máy dệt đưa mẹ cậu về ngay đêm nay cho cậu. Nếu cậu đi đón mẹ bà ngoại cậu biết lại khóc lóc om xòm luôn”. Thằng Ninh bắp nhiệt tình quá, làm tôi bối rối. Tôi chưa kịp cảm ơn, nó đã nhảy lên cái xe đạp cũ vèo đi mất rồi. Tôi nhìn theo nó mà thấy lòng mình dâng lên niềm xúc động.

Chiều mùa xuân chỉ còn những tia nắng yếu ớt cuối ngày. Bóng thằng Ninh bắp khuất dần sau những hàng tre. Nó không về nhà xin phép mẹ dì mà nó giúp tôi xuống nhà máy dệt đón mẹ về luôn. Tôi thầm cám ơn nó, mong rằng cùng nhập ngũ đợt này tôi và nó sát cánh bên nhau đến ngày giải phóng miền Nam.   Tôi và thằng Ninh bắp cùng làng, nhưng khác xóm, hoàn cảnh tôi cũng chẳng hơn thằng Ninh bắp là mấy. Chúng tôi không thân nhau lắm. Nó học cùng với tôi đến lớp bốn, mẹ mất nó phải ở nhà trông em nên bỏ học, còn tôi đang học lớp 10, hết năm nay sẽ thi vào đại học. Tôi và mẹ cùng có một ước mơ là thi vào Đại học Xây dựng, cái nghề mà tôi ấp ủ từ ngày tôi còn nhỏ mà cũng là cái nghề của bố tôi ấp ủ không thành.

Bố và mẹ tôi yêu nhau từ ngày còn học sinh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bố tôi thi vào Đại học Xây dựng, mẹ tôi nhà neo đơn chỉ có bà ngoại nên mẹ xin vào Nhà máy Dệt Nam Định. Chiến trường miền Nam đang gọi thanh niên xung phong đi cứu nước, bố đành khép lại ước mơ cùng đoàn thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn, rồi lại chuyển sang đơn vị pháo binh. Khi đi, bố chưa biết mẹ đã mang bầu. Vào Nam chiến đấu gần một năm sau, bố mới nhận được tin mẹ tôi đã có con với bố. Mẹ bảo bố vui lắm. Bố viết thư cho mẹ dặn dò mẹ chăm sóc yêu thương tôi, chờ ngày giải phóng miền Nam bố mẹ tôi sẽ làm một đám cưới linh đình. Nhưng lá thư bố gửi đến tay mẹ thì cũng là lúc giấy báo tử của bố gửi về. Mẹ tôi đau đớn tột cùng. Ai cũng bảo với mẹ:

  - Thời chiến, đau thương mất mát là không của riêng ai, gượng dậy để nuôi con. Bố nó hy sinh nhưng vẫn để lại cho mình giọt máu.

Mẹ tôi trở thành người mẹ đơn thân từ khi mới 20 tuổi, một đèn một bóng nuôi tôi khôn lớn. Cũng may bà ngoại tôi còn khỏe, bà trông nom giúp đỡ. Bà ngoại tôi cũng chẳng khác gì hoàn cảnh của mẹ. Những người phụ nữ thời chiến đều phải hy sinh hạnh phúc của mình để chồng đi đánh giặc cứu nước.

Tôi vào nhà đong gạo nấu cơm, bà ngoại ngạc nhiên hỏi tôi: “Sao hôm nay cháu không học bài mà nấu cơm sớm thế?”. Bà ngó vào rá gạo tôi vừa đong, bà bảo: “Có ai ăn cơm hay sao mà nấu đến bốn năm người ăn thế cháu”?. Tôi cười nói nhỏ với bà ngoại: “Hôm nay nhà mình có khách bà ạ?”. Bà ngoại ngạc nhiên hỏi dồn khách ở đâu tôi chỉ cười “Tí nữa khách về bà sẽ rất mừng”. Bà ngoại nhặt rau cho tôi, nhà có mấy con gà đẻ lấy mấy quả trứng rán đĩa trứng hành lá thơm phức, đĩa rau luộc, mấy quả cà. Thằng Ninh bắp cũng vừa đón mẹ tôi từ dưới nhà máy dệt về. Mẹ tôi và bà ngoại ai cũng ngạc nhiên. Hôm nay lại có cả thằng Ninh bắp ăn cơm cùng gia đình. Cả tôi và thằng Ninh bắp, đều bí mật không ai nói gì cho bà ngoại và mẹ biết chúng tôi sắp nhập ngũ. Bà ngoại bảo mẹ tôi: “Thằng Giai hôm nay nhớ mẹ quá nhờ anh bạn xuống tận nhà máy dệt đón mẹ về nấu cơm ngon đãi mẹ”. Cả tôi và thằng Ninh bắp chẳng ai cười được. Tôi gắp thức ăn cho bà, cho mẹ, rồi gắp cho thằng Ninh bắp và bảo nó: “Hôm nay cậu ăn thật no vào đấy. Tớ nấu cơm cho cả cậu ăn no chứ không được làm khách đâu!”. Thằng Ninh bắp cũng chẳng kém, đáp lại: “Tớ biết rồi. Nhà có bốn người ăn nhưng nồi cơm cậu nấu đến sáu người ăn không hết, thế này là tớ hiểu ngay cậu đã nấu cơm cho tớ ăn rồi”. Cả hai chúng tôi nhìn nhau cười vui vẻ phá tan đi cái không khí trầm lắng, thăm dò của bà và mẹ. Dù mẹ có cười cùng với hai chúng tôi nhưng đôi mắt mẹ vẫn hằn lên nỗi niềm lo lắng. Tôi hiểu mẹ không tin chỉ đơn thuần là tôi nhớ mẹ quá mà nhờ thằng Ninh bắp đi đón mẹ về ăn cơm với chúng tôi đâu. Vì mẹ biết tôi là người biết chấp nhận những gì mình có, không đòi hỏi ưu sách bao giờ, có gì ăn đó. Từ nhỏ, tôi đã chấp nhận thiếu thốn, cảnh nông thôn thời chiến, có được bát cơm ăn đã quý lắm rồi. Mẹ biết tính tôi nên không thể giấu được mẹ cái gì cả. Sau  bữa cơm, tôi bảo thằng Ninh bắp: “Này cậu về đi. Tối rồi, để tớ rửa bát cũng được”. Thằng Ninh bắp ghé sát vào tai tôi bảo: “Cám ơn cậu, bữa cơm cậu nấu ngon quá”. Tôi đấm vào vai nó nói: “Tớ chưa cám ơn cậu thì thôi. Cậu đón mẹ về cho tớ”. Thằng Ninh bắp quay lại vê tay bảo tôi: “Thôi được tớ về. Vài ngày nữa phải hành quân bộ nếu cậu mệt quá, tớ sẽ cõng cậu chứ cậu nhỏ cân thế kia sức cậu không dai bằng tớ rồi. Nói rồi nó vào nhà chào bà ngoại và mẹ tôi rồi chạy thẳng ra ngõ trèo lên cái xe đạp cũ đạp thẳng về nhà. Tôi nhìn theo nó, một đứa bạn tốt bụng vô tư, hy vọng sau đợt nhập ngũ này chúng tôi được ở cùng đơn vị với nhau cho đến khi giải phóng miền Nam. Tôi quay vào bếp thì mẹ đã rửa xong bát đĩa cho tôi. Mẹ ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Con định giấu bà và mẹ đến khi tầu chuyển bánh vào Nam chắc?”. Tôi chưa kịp hỏi mẹ xem có phải thằng Ninh bắp nói cho mẹ biết chúng tôi sắp đi bộ đội không thì mẹ lại tiếp luôn: “Cả thằng Ninh bắp và con cùng giấu mẹ. Ninh nó lai mẹ mấy chục cây số như thế mà mẹ hỏi tại sao tìm mẹ về gấp thế, nó chỉ bảo với mẹ: Thằng Giai nhà bác nó nhớ bác quá nhờ cháu tìm bác. Tuy Ninh giấu mẹ nhưng mẹ đã đoán ra rồi. Cả nước đang kêu gọi tổng động viên, đợt này vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thanh niên như các con phải xung phong mà đi giữ nước chứ cần gì phải gọi”.

Nghe mẹ nói mà tôi cảm động đến rơi nước mắt. Tôi đang băn khoăn không biết nói thế nào cho bà ngoại và mẹ hiểu được tôi lúc này. Vì Tổ quốc thân yêu, bà ngoại và mẹ tôi đều mất đi người mình thương yêu nhất. Bà ngoại tôi chỉ còn trông chờ vào cậu và mẹ tôi là niềm an ủi, là sự bù đắp của ông ngoại dành cho bà, nhưng cậu tôi đã nhập ngũ mấy năm rồi không thư từ cũng chưa biết tin tức còn hay mất. Bà ngoại hàng đêm khóc thầm trong tĩnh lặng. Tôi biết bà tôi hàng ngày rơi lệ, nhưng chẳng biết làm gì, chỉ lặng yên cho bà tự khóc một mình để nỗi buồn vơi dần theo năm tháng. Cứ tưởng mẹ tôi sẽ đỡ khổ hơn bà. Nhưng ngoảnh lại thấy mắt mẹ âm thầm đọng nỗi buồn vương trên những nếp nhăn già trước tuổi. Bố mẹ chưa có một đám cưới đúng nghĩa vợ chồng. Mẹ tôi đã sinh ra tôi trong tình yêu chân chính. Bố ở chiến trường miền Nam cam go quyết liệt, biết tin tôi ra đời bố tôi mừng khôn xiết. Lá thư bố gửi về mừng đứa con ra đời còn dang dở, thư bố chưa kịp gửi chúc mừng mẹ đã cho bố một niềm tin, thì có tin bố hy sinh rồi. Mẹ tôi còn đâu tinh thần mà không héo mòn qua năm tháng. Tôi càng nghĩ càng thương bà, thương mẹ. Tôi chạy tới ôm mẹ vào lòng. “Cám ơn mẹ đã cho con cuộc đời này. Tuy vất vả nhưng vì đất nước chiến tranh, Đảng gọi chúng con theo bước cha, ông lên đường đi giết giặc”. Bà ngoại và mẹ tôi khóc vì tôi đã hiểu và đã biết sống vì mọi người, không chần chừ do dự cậy có ông và bố là liệt sĩ. Tôi chỉ biết mẹ tôi và bà ngoại sẽ nương tựa vào nhau, tôi yên tâm lên đường.

Chỉ còn vài ngày nữa thôi tôi lên đường, Tổ quốc cần thanh niên có. Mẹ bảo tôi: “Con phải đến thăm bà nội trước khi lên đường. Tuy bố mẹ tôi chưa cưới nhau nhưng gia đình bà nội vẫn xem mẹ như con dâu”. Bên nội còn đông  anh em nhưng tính tôi ngại nên ít về. Trước khi nhập ngũ tôi xuống nhà thắp hương cho bố và ông nội. Lúc này tôi mới biết, ông nội tôi cũng là liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Điện Biên. Chân dung ông nội và bố tôi, hai liệt sĩ là hai ngôi sao sáng. Cả ông ngoại tôi cũng đang yên nghỉ tại nghĩa trang Điện Biên Phủ hào hùng. Thế hệ nào cũng vậy, khi đất nước lâm nguy có ai bó tay chịu chết. Vì nước quên thân là lẽ đương nhiên. Tôi tự hào là con dân đất Việt. Từ thuở các vua Hùng khai sinh ra nước Nam này, lớp lớp cha ông, đến đời con cháu đã vì nghĩa lớn, giữ nước trả thù nhà, gìn giữ từng mảnh đất thiêng liêng cho Tổ quốc. Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, tôi kính cẩn nghiêng mình nguyện tiếp bước cha ông.

Bà nội dặn tôi không được bắt chước ông nội, ông ngoại và bố mày, đi mãi chẳng thèm về, phó mặc hết lo toan cho những người vợ trẻ. Tôi biết dù bà nội tôi có trách nhẹ nhưng tôi tự hào một thế hệ vàng đã thôi thúc tôi trên con đường ra phía trước. Tiền tuyến đang cần đến lòng nhiệt huyết của chúng tôi giải phóng miền Nam, hai miền đất nước, chung một bóng cờ của Đảng quang vinh. Chỉ nghĩ thế thôi lòng tôi thấy xôn xao. Hình như ông và bố tôi đang cầm lá cờ quyết thắng. Tiếng hô xung phong thôi thúc thế hệ chúng tôi.

Một lần nữa tôi ôm gọn bà nội, người vợ, người mẹ liệt sĩ trong lòng. Bà nội vuốt ve, căn dặn đủ điều, nào là lọ dầu, bôi khi gặp gió giữa đường, nào thuốc cảm, nào tí muối vừng bà gói sẵn. Nước mắt rưng rưng tôi không nói lên lời. Rời bàn tay gầy guộc của bà nội, tôi về ôm mái tóc bạc của bà ngoại. Tôi cám ơn ngoại đã nuôi tôi khôn lớn từng ngày. Cám ơn mẹ đã cho tôi cuộc đời này đã một tay thay bố, nuôi dạy tôi khôn lớn trưởng thành. Tôi dặn mẹ ở nhà cố chờ. Ngày thống nhất hai miền, tôi sẽ trở về chăm sóc mẹ. Mẹ mỉm cười lau nước mắt nhìn tôi. Mẹ và tôi hai nụ cười trước giờ tôi ra trận. 

***

Tôi cùng đồng đội đã xong khóa huấn luyện, viết thư về thăm mẹ, thăm bà nội, bà ngoại. Chỉ còn đêm nay thôi, ngày mai con sẽ đi thẳng vào Nam. Lá thư đầu tay con viết chưa trọn vẹn nhưng trong thư con đã gửi cả tình yêu thương đến mẹ, đến cả hai bà. Với tôi, chỉ thế thôi hành trang người lính, giữa rừng già, hoa cỏ với mưa bay. Gà gáy sáng, cả đơn vị ăn vội bát cơm để kịp lên đường. Thằng Ninh bắp thấy tôi chưa kịp vào doanh trại ăn cơm, nó chạy ra giật lá thư trên tay tôi đang cầm, chạy tới đồng chí quân bưu rồi nó mắng đùa tôi: 
    - Sao cậu cứ thủ thỉ như bà mặc váy nơm vậy. Đến chỗ tập thể mà còn e thẹn chậm chạp thì chỉ có đói. Thành người lính rồi tác phong nhanh nhẹn lên, ăn cơm đi. Thư của cậu tớ đưa cho quân bưu rồi, vài ngày nữa là bố mẹ tớ cả Thắm của tớ và mẹ cậu nhận được thư của chúng mình, mọi người vui lắm đây!

Cứ mặc kệ cho thằng Ninh bắp vừa ăn vừa nói, còn tôi ăn xong bát cơm thì cũng vừa lúc xếp hàng điểm danh. Xe đã đợi sẵn, cả đơn vị ai cũng răm rắp làm theo lệnh của đồng chí đại đội trưởng, lên xe hành quân. Chiếc ô tô chở khách của quân đội đã cũ qua đường rừng núi ngoằn ngoèo, rồi lại ra đến đường miền xuôi đường đồng bằng, hai bên đường là những cánh đồng lúa non xanh mướt, những hàng phi lao của các cụ bô lão trồng che bóng mát chạy dài. Cũng giống như con đường làng hàng ngày tôi cắp sách đến trường, có tiếng gió reo, tiếng ngọn phi lao vi vu theo gió nhẹ. Hương lúa, hương ngô, cánh đồng trải dài một màu xanh. Bà ngoại tôi đang cặm cụi nhặt cỏ bón phân cho khoai, cho lúa. Mồ hôi bà đầm đìa tháng năm vất vả, nuôi tôi khôn lớn. Mẹ tôi và các bác công nhân thợ dệt vẫn ngày đêm dệt ra những tấm vải, để mọi người mặc ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Nếu không có chiến tranh thì quê hương tôi như một bức tranh đẹp, mọi người xum vầy, ông nội, ông ngoại, cả bố tôi cùng nhau nhìn con cháu lớn lên từng ngày, gia đình đầm ấm. Cũng chỉ vì chiến tranh mà gia đình chia xa, rồi cha ông chúng tôi mãi mãi không về. Đến thế hệ chúng tôi tự hứa trong lòng mình, sẽ chiến đấu để trả thù cho những người đã ngã xuống, chúng tôi được học hành. Ngồi trên xe liên miên nghĩ, tôi không nhớ xe đã chạy đến đâu nữa. Thằng Ninh bắp ghé sát vào tai tôi bảo: “Giai ơi đến Thanh Hóa rồi. Vào đến Vinh mới được nghỉ”. Nó lại hỏi tôi: “Cậu đã đói chưa?”. Tôi bảo nó: “Cậu chịu đựng cho quen đi. Trong chiến đấu không có thời gian trưa, tối hay đúng bữa đâu. Có những trận đánh diễn ra hàng ngày, chẳng nhẽ mặc nó đánh mình mà nghỉ ăn cơm trưa rồi đánh tiếp à?”. Thằng Ninh bắp thấy có lí, nó đấm tôi bùm bụp rồi bảo: “Nhà cậu có hai thế hệ đi chiến đấu rồi, tớ mới đi nên không hiểu. Hơn nữa cậu học nhiều hơn tớ cậu hiểu, chứ ông nội, ông ngoại, cả bố cậu có cơ hội về dạy bí quyết cho cậu đâu. Cậu suy luận đúng, tớ xin bái phục”. Thế rồi thằng Ninh bắp gật gù, rồi gục đầu ngủ thin thít. Nhìn nó tôi thấy thương quá. Trong ba lô, bà ngoại, bà nội mỗi bà cho tôi một túi bánh quy nhỏ để đi đường, lúc nhỡ bữa chia cho mọi người cùng ăn nhưng không thể cho nó ăn được. Nó to béo ăn nhiều quen rồi vào chiến trường thời gian đâu mà nấu cơm cho nó ăn. Thôi đành cho nó quen với cuộc sống hiện tại. Nghĩ mà thương nó. Nó nằm xuống là gáy, ăn thì xuề xòa, ăn khoai sắn miễn là no bụng không kêu ca, tính tình nhanh nhẹn thoải mái, nét mặt phúc hậu. Tôi thầm nghĩ, giá tôi và thằng Ninh bắp được ở cùng nhau cho đến ngày giải phóng miền Nam thì tốt. Chỉ sợ vào chiến trường mỗi đứa một đơn vị. Thầm nghĩ thế thôi rồi tiếng xe chạy ầm ì réo rắt bên tai. Tôi dựa lưng vào thành xe ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến lúc đại đội trưởng gọi chúng tôi mới biết đường mò dậy. Đứa thì lần đầu mới được đi ô tô nên say đến mật xanh, mật vàng, còn đứa thì ngủ gà ngủ gật. Chỉ có mấy anh chỉ huy đã từng chiến đấu, nếm nhiều trận đánh rồi thì không có xe nào làm cho các anh say được. Thằng Ninh bắp nghe tiếng thủ trưởng gọi xe đến bến, nó khoác ba lô nhảy đến uỵch xuống đất, ngơ ngác tìm. Thấy tôi còn trên xe, mặt tái mét, nó nhảy lên xe khoác thêm ba lô của tôi rồi dìu tôi xuống, miệng nó nói oang oang: “Cậu say xe à”. Tôi chưa kịp nói gì thì nó xốc lách tôi xuống đường rồi đưa cho tôi bi đông nước, cũng vừa lúc, các cô, các bác trong làng mang ra đơn vị chia cho mỗi người chúng tôi một nắm cơm và một dúm muối rang cháy do phụ nữ thôn phát động phong trào “nắm cơm nghĩa tình”. Hết cơn say xe, ăn sao mà ngon như ăn tết ở quê. Người nào người ấy ăn hết phần cơm của mình rồi, các chị các mẹ lại đưa cho mỗi nguời một bát nước chè xanh nóng, thơm, ngọt dịu uống vào ấm hẳn người. Thằng Ninh bắp quay sang tôi nói nhỏ:  “May mà đi bộ đội tớ mới được uống chè xanh ngon thế này cậu ạ. Ở nhà ngày nào mẹ cũng ra ao, có cây chè xanh hái mang về nấu nước uống mà tớ chỉ ngửa cổ uống một hơi, cho hết cơn khát, chứ chẳng để ý nó ngon thế này đâu. Tôi cười bảo nó: “Thế các cụ mới có câu: bò đàn rơm mục”. Thằng Ninh bắp ngẫm nghĩ một lát rồi cười òa bảo tôi: “Cậu nói như giọng bà già ấy”, rồi nó lại phân bua “Tức là nhà đông con, của không ngon cũng hết đúng không?”. Tôi bảo nó: “Cậu hôm nay nói đúng đấy. Không những cậu nói đúng mà còn biết tỉ chữ”. Thằng Ninh bắp lại cười xòa: “Câu này là mẹ dì tớ hay nói vào những hôm không có gạo phải ăn khoai, nên mẹ lấy câu này làm động lực để hai anh em mình chén hết nồi khoai lang luộc ấy mà”. Cả hai chúng tôi đang nhìn nhau cười, ngồi dựa vào nhau nghỉ thì có mấy anh thủ trưởng đơn vị mới về nhận quân. Họ ngồi riêng một chỗ rải bản đồ ra bàn bạc. Hai thủ trưởng bắt tay nhau bàn giao quân số. Chắc thủ trưởng mới từ chiến trường ra, nên màu nắng vẫn ám vào nước da đen sạm. Thằng Ninh bắp nhìn thủ trưởng rồi bảo tôi: “Thế là mình không được ở đơn vị với thủ trưởng cũ nữa rồi”. Tôi chưa kịp trả lời thằng Ninh bắp thì còi báo động vang lên. Chúng tôi tập trung rồi chính trị viên đả thông tư tưởng bàn giao quân số cho đơn vị chiến đấu. Cả đơn vị ai cũng sẵn sàng nhận lệnh hành quân. Chúng tôi phải hành quân bộ bao nhiêu cây số tôi không biết nhưng hành quân suốt cả đêm, cho đến một bản làng người Cơ Ho thì nghỉ. Đêm nay, mỗi người lại được một nắm cơm của buôn làng giúp đỡ, lặng lẽ ăn không một tiếng nói. Chính trị viên đến từng tốp chúng tôi ngồi vừa ăn vừa đả thông tư tưởng, rồi đại đội trưởng gọi từng tiểu đội rồi từng A, mỗi người một nhiệm vụ giữ chốt. Lúc ấy tôi mới hiểu mình đã vào tới Quảng Trị. Ăn xong nắm cơm của đồng bào, tôi định bóc túi bánh quy ra chia cho anh em mỗi người một chiếc, nhưng chưa kịp giở ra thì những tia chớp của bom B52 sáng lóe rồi ầm ầm trút đạn xuống mỏm đồi trước mặt. Hết loạt bom, đại đội trưởng bảo anh em chuẩn bị chiến đấu, máy bay nó đi dọn đường cho bộ binh tiến vào. Đơn vị mau chóng dàn đội hình chiến đấu. Rất may, tôi và thằng Ninh bắp cùng một đơn vị mà còn cùng một tiểu đội. Suốt đêm chúng tôi phải chiến đấu cho đến sáng. Nửa đêm B52 lại mang bom dội pháo sáng soi rõ từng ngọn cỏ. Rất may qua một đêm chiến đấu, cả đơn vị chỉ có hai chiến sĩ bị thương. Cứ thế ròng rã cả tháng chúng tôi phải vật lộn với kẻ thù, cho đến lúc đơn vị cứ vơi dần, lại tiếp tục tiếp thêm quân của đại đội khác chi viện. Chúng tôi đã chiến đấu những ngày cực kì cam go ác liệt. Tiếng bom của chúng dội cả ngày lẫn đêm, giành giật nhau từng tấc đất, đến lúc tai tôi không còn nghe thấy gì nữa rồi lịm đi lúc nào không biết. Sau trận đánh là những đống đổ nát tan hoang, những người làm nhiệm vụ tìm thương binh, tử sĩ lôi tôi từ đống đổ nát lên. Họ tưởng tôi đã hy sinh. Thằng Ninh bắp, mặt nhọ nhem đất cát ôm tôi khóc. Nó bảo: “Tớ mong mãi, hai đứa được ở cùng đơn vị cho đến ngày giải phóng miền Nam mà cậu lại bỏ tớ lại một mình thế à?”. Bỗng anh Trung người Yên Mô Ninh Bình quát thằng Ninh bắp: “Khóc dại nào, nó đã hy sinh đâu, còn đang thở kìa”. Thằng Ninh bắp ôm đầu tôi lên khỏi mặt đất, nó lay gọi tôi rồi lấy bi đông nước đổ thấm vào mặt. Tôi từ từ mở mắt ra nhìn nó, nhọ nhem, nước mắt ngắn, nước mắt dài. Tai nó cũng còn nghe thấy tôi nói gì nữa đâu. Bom rơi suốt ngày điếc hết cả. Đơn vị hy sinh nhiều quá, còn nhìn thấy nhau lúc nào thì biết lúc ấy thôi. Rồi đơn vị đưa tôi ra bệnh viện dã chiến. Thằng Ninh bắp và một số đồng chí quá kiệt sức cũng được ra nghỉ vài ngày lấy lại sức. Tôi mệt hơn được ưu tiên, nằm phòng điều trị, thằng Ninh bắp xuống phòng an dưỡng. Đêm đến nó nằn nì y tá cho nó lên phòng nằm bên tôi. Vậy là cả đêm đó hai đứa tâm sự. Thằng Ninh bắp dặn dò tôi như thể ngày mai nó đi xa. Nó bảo: “Sau giải phóng, nếu một trong hai đứa còn sống thì phải có trách nhiệm cùng với gia đình đưa hài cốt về quê nhà”. Tôi và nó ngoắc tay đồng ý. Rồi nó kể cho tôi nghe về chuyện tình yêu của nó với Thắm. Tôi chỉ lắng nghe, vì từ nhỏ cho đến vào cấp ba, tôi chỉ biết đi học rồi sau giờ học thì giúp bà gánh mạ vào ruộng cho bà cấy, mùa gặt thì ra đồng gánh lúa cho bà, rồi lại về nấu cơm, nấu cám giúp bà, nên không quen nhiều, cũng không biết Thắm là ai? Thằng Ninh bắp dặn nếu nó phải nằm lại đất Quảng Trị thì tôi sẽ phải giúp đỡ Thắm thay nó. Tôi cố căng mắt nhìn nó qua ánh đèn của cô y tá vừa đi kiểm tra bệnh nhân, thấy mắt nó rưng rưng ngấn lệ. Tôi ôm nó và bảo: “Lần đầu tiên tớ thấy cậu bi quan thế đấy”. Sợ tôi phải suy nghĩ, nó không nói gì, ngoảnh ra ngoài giả vờ ngủ. Tôi cũng lặng im cho nó ngủ.

Từ ngày vào Quảng Trị đến nay đã một tháng ròng rã chiến đấu. Bom đạn ngày nào cũng dội xuống thành cổ đến vài chục tấn, từng viên gạch nát nhừ, bao nhiêu đồng đội đã nằm xuống, cái sống, cái chết tính từng giờ. Tôi và thằng Ninh bắp đã qua một tháng chiến đấu mà vẫn còn được nằm đây với nhau đã là phúc rồi. Nước da nó cháy sém vì thuốc súng. Hai túi bánh nhỏ bà cho gần một tháng huấn luyện tôi không ăn mà cũng không bảo thằng Ninh bắp, chỉ muốn cố đeo nó vào chiến trường những ngày nhỡ bữa. Có một hôm cả chốt chỉ còn ba người, đã thưa tiếng súng, đồng đội hy sinh nhưng chưa mang được thi thể anh em ra. Cả ngày chưa có cái gì cho vào bụng, ba lô của tôi chỉ còn cái khăn mặt, một bộ quần áo và hai túi bánh của bà cho từ ngày nhập ngũ. Cả ba chúng tôi ăn nghiến ngấu. Thằng Ninh bắp bảo: “May mà mày kiên trì giữ túi bánh cho đến ngày hôm nay. Tao không còn sức chiến đấu nữa”. Ba anh em chúng tôi ăn hết hai gói bánh, uống hết mỗi người một bi đông nước rồi đi gom tử sĩ về phía sau. Chôn cất đồng đội xong thì cũng vừa sáng. Mệt lử người, tinh thần cạn kiệt,  nhìn đồng đội cứ ngã xuống hàng ngày, lần đầu tiên tôi thấy chán nản, bi quan nhiều đến như vậy. Đồng đội vừa sáng nay còn ăn uống nói cười với nhau, sau trận đánh họ mãi mãi không về. Dòng tên khắc dài trên tấm tôn mỗi người đã chuẩn bị sẵn. Thế là hết những giấc mơ, hết một cuộc đời, tưởng bị kiệt sức từ đó, nhưng thương bạn tôi lại lao vào chiến đấu. Tôi chỉ mong sớm khỏe lại để cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu, sớm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi tôi sẽ trở về tiếp tục ước mơ còn dang dở. Nơi ấy có bà nội, bà ngoại và mẹ tôi mong ngóng từng ngày. Nhìn thằng Ninh lăn ra ngủ mà thương nó, thương cả đồng đội, từ ngày vào đến Quảng Trị đến nay chưa được ngủ tròn giấc hôm nào.  Nhưng chúng tôi không thể xa vị trí chiến đấu khi miền Nam chưa hoàn toàn giải phóng.

Sau gần một tháng ròng rã chiến đấu chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Sau  lần an dưỡng chúng tôi lại về vị trí chiến đấu. Nhưng lần cam go ác liệt này, 82 ngày đêm trước khi Mĩ rút khỏi Việt Nam và chúng rút khỏi Quảng Trị, chúng cho dội bom một ngày một đêm không lúc nào ngơi. Khi chúng rút, cả đơn vị thương vong nhiều quá. Không thấy Ninh đâu, đơn vị tôi và đồng đội đi tìm thì nó đã ngủ ngon, tay nó cầm súng trong tư thế chiến đấu. Đại đội trưởng của chúng tôi cũng không về nữa. Tôi khóc tiễn đồng đội mình và tôi trách thằng Ninh bắp. “Hẹn nhau rồi, ngày thống nhất hai miền phải cùng nhau về. Cậu bảo tớ về biết nói gì với Thắm của cậu đây?”. Nó đã ngủ. Trong giấc ngủ ngon lành, tôi đánh dấu mộ của thằng Ninh bắp và dặn nó: “Cậu hãy nằm yên đây. Nghỉ ngơi đi nhé. Chúng tớ vào giải phóng miền Nam sẽ nhanh thôi! Tớ sẽ quay lại đưa cậu về quê như hai đứa mình đã hẹn. Nhưng cậu còn nợ mình. Cậu bảo tớ yếu hơn cậu, cậu sẽ cõng tớ trên đường hành quân kia mà”. Tôi lau nước mắt rồi đặt bông hoa rừng lên mộ nó. Ngả mũ cúi chào cả anh em đồng đội, những người đã ngã xuống Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi tiếp tục tiến sang Tây Trường Sơn cùng chiến đấu với các bạn Lào chờ thời cơ đến, tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn. Cả nước hân hoan đón chào ngày giải phóng, hai miền đất nước xum vầy, trong ánh đèn lấp lánh của thành phố như ánh sao đêm. Tôi bâng khuâng với khẩu súng bên mình, gác cho thành phố mới giải phóng. Giữ cho dân ngủ, giấc ngủ ngon sau bao nhiêu năm giặc Mĩ giày xéo. Đêm yên bình của ngày đầu giải phóng, tôi thấy mình đã quá may mắn so với đồng đội mình. Họ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc bình yên, cho chúng tôi được sống, nhưng còn đó lũ bán nước “phôn rô”. Chào Sài Gòn yên bình dưới lá cờ giải phóng, đơn vị tôi lại đến biên giới Tây Nam truy quét bọn tàn quân bán nước. Mãi đến năm 79 vì ảnh hưởng sức ép những trận đánh ở thành cổ Quảng Trị, tôi được về phục viên. Vì sức khỏe và kinh tế chưa có mà đất nước lại phải chống giặc phía Bắc nên chưa có điều kiện vào chiến trường thăm đồng đội rồi đưa thằng Ninh bắp về quê như di nguyện của nó. Tôi không thể bảo vệ Thắm bởi nhận giấy báo tử Ninh xong thì Thắm cũng tình nguyện lấy một anh thương binh trong trại điều dưỡng của tỉnh. Thế là thằng Ninh bắp cũng yên lòng. Đất nước yên bình, các công trình nhà máy mọc lên san sát, công nhân hăng hái vào ca. Nông dân có đất thỏa thích làm giầu. Bà nội và bà ngoại tôi không còn nữa, mẹ tôi cũng đã nghỉ hưu vì sức yếu. Tôi đã có một gia đình nhỏ. Vợ tôi cũng là công nhân nhà máy dệt, cùng phân xưởng của mẹ tôi. Hai đứa con, một trai một gái đã biết giúp bố mẹ. Dù tôi có hạnh phúc nhưng trong tâm tôi lúc nào cũng đau đáu nghĩ đến thằng Ninh bắp, nghĩ đến những người đồng chí của mình vẫn còn nằm lại chiến trường xưa. Hơn 30 năm sau, tôi vào chiến trường tìm được hài cốt của thằng Ninh bắp cùng với đồng đội đã hy sinh đưa về nghĩa trang quê nhà. Hôm đưa hài cốt thằng Ninh bắp về nghĩa trang, khi hoàn tất, thắp nén hương nào cũng cháy bùng to. Tôi tâm sự với nó:

  - Thế là tớ đã làm đúng ước nguyện của cậu rồi nhé, đưa cậu về đến quê hương có bố mẹ của cậu. Em gái Na của cậu cũng có gia đình rồi, cậu yên nghỉ rồi phù hộ cho họ.

Nắm hương trầm lại cháy lên, ngọn lửa cháy lách tách tiếng reo mừng. Ai cũng linh cảm Ninh đang vui mừng lắm. Vái bạn ba vái, tôi chào Ninh ra về. Hàng phi lao trong nghĩa trang vi vu hát ru những người anh hùng bất khuất, vì nước quên thân. Tôi như thấy làn khói hương nghi ngút bay lên dòng chữ “Tổ quốc ghi công”. Cảnh trầm mặc giữa nghĩa trang khiến tôi thêm tự hào về những thế hệ đã hy sinh vì độc lập tự do cho toàn dân tộc.  

 

                                                                                                                                  T.H

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter