• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Khởi nghĩa Yên Bái- 90 năm nhìn lại từ lịch sử
Ngày xuất bản: 17/02/2020 7:48:43 SA

Ngọc Lan

Cách đây tròn 90 năm, tại Yên Bái đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) do Nguyễn Thái Học lãnh đạo đã gây một tiếng vang lớn không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Cuộc khởi nghĩa đã làm rung động toàn bộ hệ thống chính quyền thuộc địa của Pháp tại Đông Dương và đã tạo ra những chấn động lớn tại nước Pháp đương thời. Khởi nghĩa Yên Bái được đề cao, coi như ngọn cờ tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh của một dân tộc thuộc địa.

Được thành lập ngày 25/12/1927 tại Hà Nội, tổ chức VNQDĐ, chính đảng đại diện của giai cấp tư sản Việt Nam. Sinh ra từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp tư sản Việt Nam vừa non yếu về kinh tế vừa bạc nhược về chính trị. Những hạn chế đó khiến giai cấp tư sản Việt Nam không đủ uy tín và khả năng để tập hợp lực lượng nhân dân và dẫn đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Với bản tính tích cực và hăng hái cách mạng, xuất phát từ tinh thần yêu nước, tầng lớp tiểu tư sản thành thị đã gương cao ngọn cờ dân tộc, tập hợp lực lượng dân tộc, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Mặc dù thành phần xuất thân đa số là tiểu tư sản yêu nước, nhưng VNQDĐ lại đại diện cho quyền lợi và các quan điểm tư tưởng của giai cấp tư sản dân tộc.

 Sau khi ra đời, VNQDĐ đã nhanh chóng phát triển đảng viên và xây dựng hệ thống tổ chức ở địa bàn trung tâm là khu vực Bắc Kỳ, song đến năm 1928, bắt đầu phát triển tổ chức ở nhiều địa phương thuộc Trung Kỳ và Nam Kỳ. Bên cạnh việc xây dựng, phát triển đảng viên và hệ thống tổ chức ở các tỉnh thành, VNQDĐ còn liên lạc với các đảng phái chính trị khác ở trong nước và tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ra nước ngoài như Lào, Campuchia và Trung Quốc. Theo báo cáo của Sở Mật thám Đông Dương, đầu năm 1929 VNQDĐ đã xây dựng được 120 chi bộ với 1.500 đảng viên, trong đó có 120 binh lính người Việt trong quân đội Pháp.

Sau nhiều cố gắng tuyên truyền và vận động, xây dựng và phát triển tổ chức, tập hợp và liên kết lực lượng yêu nước ở trong và ngoài nước, VNQDĐ  đã đi tới quyết định tiến hành một trận chiến sống mái cuối cùng với thực dân Pháp trong khởi nghĩa Yên Bái để “không thành công thì thành nhân”, chấp nhận hy sinh làm cái gương “phấn đấu cho người sau nối bước”. Có thể nói, kể từ khi ra đời đến lúc này, tư tưởng chỉ đạo của VNQDĐ là tư tưởng “thành nhân” (tức là chịu chết để làm điều nhân). Để chuẩn bị khởi nghĩa, dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ, các cơ sở VNQDĐ tích cực sắm sửa vũ khí, chế tạo bom đạn. Theo điều tra của mật thám Pháp, chỉ trong vòng 3 tháng từ 11/1929 đến 1/1930, các cơ sở VNQDĐ ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh và Kiến An đã chế được hơn 700 quả bom. Sau mấy lần bàn bạc, thay đổi kế hoạch nổi dậy, cuộc khởi nghĩa do VNQDĐ lãnh đạo đã bùng phát ra tại Yên Bái vào đêm ngày 9 rạng ngày 10/2/1930 rồi sau đó lan rộng ra nhiều tỉnh thành Bắc Kỳ. Có thể coi đây là cố gắng lớn cuối cùng của những người lãnh đạo cũng như toàn bộ tổ chức VNQDĐ.

Khởi nghĩa Yên Bái đã cổ vũ, nối tiếp lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Hành động yêu nước và tấm gương hy sinh anh dũng của các nghĩa sĩ sống mãi trong lòng nhân dân. Cuộc khởi nghĩa gắn liền với tên tuổi các nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính. Những vị lãnh đạo cuộc khởi nghĩa bấy giờ đều là những tân cựu trí thức, đã không chịu cong lưng, uốn gối trước bọn ngoại xâm, cũng không chịu kiếp đời khuất phục của một người dân mất nước nên đã cương quyết  hy sinh, đề cao khí tiết, mong rửa nhục nước, báo thù cho dân tộc. Khí phách anh hùng khi Phó Đức Chính đòi nằm ngửa để nhìn lưỡi máy chém và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam vạn tuế; những giây phút cuối đời của mình Nguyễn Thái Học vẫn ung dung đọc những câu thơ đã thấm nhuần trong tư tưởng:

“Chết vì Tổ quốc, chết vinh quang

Lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”

Hình ảnh hiên ngang, bình thản, ý chí lẫm liệt của các nghĩa sĩ trước Tòa án thực dân khi ra trước đoạn đầu đài là những tấm gương sáng chói về chủ nghĩa yêu nước và lòng dũng cảm cho hậu thế noi theo.

Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Thái Học và các đồng sự của ông bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, trên tờ báo “Mặt trận đỏ” nhà thơ cộng sản Pháp Lu i a ra gông (Louis Aragon) đã viết những dòng thơ nói lên ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa:

Yên Bái,

Đây là cái từ nhắc nhở ta rằng: Không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ,

Yên Bái,

Gửi đến các bạn da vàng lời nguyền này: Để mỗi giọt cuộc sống của các bạn sẽ tràn máu của một tên Va ren (Varenne)

   Gần 90 năm đã trôi qua, nhìn lại lịch sử,  tìm hiểu về nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa để thấy những bài học kinh nghiệm tổng kết từ cuộc khởi nghĩa oanh liệt.

   Trước hết đó là bài học về công tác tuyên truyền, lý luận tư tưởng: trong thực tế, tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng không có một Cương lĩnh chính trị rõ ràng; không chú ý tới công tác tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục đảng viên và quần chúng của đảng. Theo nhà sử học Trần Huy Liệu thì tổ chức này tuy có một Ban tuyên truyền ở Trung ương và ở các chi bộ, song công tác tuyên truyền rất ít. Trung ương chỉ có một tờ báo mang tên “Hồn cách mạng” xuất bản được một số duy nhất. Các đảng viên mới được kết nạp chỉ được giải thích qua loa về chương trình và điều lệ. Họ không được đào tạo theo một chương trình cụ thể, ngoại trừ một số bài thơ cảm khái khơi dậy lòng yêu nước thương nòi hoặc những tài liệu về chủ nghĩa cộng sản sơ giải, Công xã Pari…

   Bài học về không xác định được lực lượng chủ yếu của cách mạng là đại bộ phận quần chúng nhân dân cũng là bài học xương máu đưa đến sự thất bại của cuộc khởi nghĩa. Với chủ trương bạo động, theo các lãnh tụ của VNQDĐ thì phải là binh lính và súng đạn. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Tổ chức này đã quá chú trọng vào việc xây dựng lực lượng từ trong hàng ngũ binh lính mà không chú trọng vận động quần chúng, không thấy rõ lực lượng quần chúng nhân dân mới là sức mạnh, ủng hộ, giúp đỡ, che chở... khi khởi nghĩa xảy ra. Cũng từ việc không nhận thức rõ sức mạnh của quần chúng, không tin tưởng vào quần chúng nhân dân nên không đề ra được hình thức đấu tranh đúng đắn đó là phát động quần chúng đấu tranh.

Không thực hiện đúng chương trình hành động đề ra, không tuân thủ những điều kiện cơ bản của cuộc khởi nghĩa cũng là một bài học căn cốt của khởi nghĩa Yên Bái. Mặc dù trong chương trình hành động khi mới thành lập nêu rõ ba thời kỳ cách mạng trước khi khởi nghĩa là: phôi thai, dự bị, khởi nghĩa. Nhưng trong thực tế các lãnh tụ của VNQDĐ đã nôn nóng, vội vàng, đốt cháy giai đoạn. Khi quyết định cuộc khởi nghĩa, VNQDĐ vẫn chưa vượt qua thời kỳ thứ nhất.

Không chú trọng công tác tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục đảng viên tạo ra sự mất phương hướng trong chỉ đạo chiến lược và hành động; nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn; không xác định lực lượng chủ yếu của cách mạng là quần chúng nhân nhân; không tạo được phong trào cách mạng cùng sự vùng dậy của cuộc khởi nghĩa trong tình thế bị động, ý chí không đồng, lực lượng không đủ để tạo thế và lực cho cách mạng. Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái là không thể tránh khỏi.

Khắc phục những hạn chế, yếu kém từ những bài học xương máu nêu trên, sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối, lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng nhân dân dưới ngọn cờ của mình với nền tảng lý luận cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; lãnh đạo cách mạng bằng đường lối chính trị đúng đắn, xây dựng Đảng trên cả ba mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức; chú trọng công tác tuyên truyền, huấn luyện lý luận cách mạng trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thành phong trào cách mạng của quần chúng, đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mở ra kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; mở ra một thời đại mới- thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

   90 năm nhìn lại, cuộc khởi nghĩa Yên Bái thực sự ví như mồi lửa, thúc đẩy và đốt cháy lò lửa cách mạng to lớn là một trong những trang sử vinh quang của phong trào giải phóng dân tộc. Dù không thành công song tinh thần yêu nước cũng như ý chí hiên ngang của các vị tiên liệt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái đem máu xương của mình xây đắp nền độc lập, tự do của Tổ quốc, gây dựng truyền thống anh dũng bất khuất của dân tộc Việt Nam mãi trường tồn./.

N. L

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter