• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Mảnh đời đen trắng
Ngày xuất bản: 08/04/2020 7:44:05 SA

Truyện ngắn của Thúy Hợp

     Lúc mới sinh ra ai cũng mở to đôi mắt để cảm nhận thế giới bên ngoài, nhưng khi choàng mắt ra thì thật lạ thay chẳng mấy ai, chẳng đứa trẻ nào mà không hét lên sợ hãi. Vừa nằm trong bụng mẹ tối om, ấm áp, cái dây rốn tự đưa thức ăn vào, no bụng là cứ nằm im. Mẹ ở ngoài ăn gì thì trong bụng mẹ được ăn thứ đó. Thế là lần đầu tiên chào đời ai cũng khóc thét lên vài câu, rồi lại nhắm mắt, vẫn thèm ăn, mồm tóm tém giống như một quy luật tự nhiên. Còn nó, nghe mẹ tôi kể lại mà tôi tự nhiên rùng mình suy ngẫm. Điều tôi nhìn thấy ở nó là khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm. Chuẩn bị cất lên câu nói dù nặng hay nhẹ thì cái môi của nó cũng thâm lại, đôi lông mày nhíu dần rồi quằm chíu xuống, đôi mắt tô hô như hai con ốc nhồi vẫn bò ở ruộng lúa ngày xưa, làm tôi hình dung lại những lần mẹ nó bức xúc chửi nó. Mà hình như bà kể chuyện cho mọi người nghe về đứa con bất hiếu của bà. Bà vừa khóc vừa nói:

- Đời tao đẻ năm đứa con, số trời cho chỉ được mình mày. Ngay từ ngày đầu tiên mày chui trong bụng tao ra, cái mặt mày đã lì như cái sân bóng ấy rồi, cái mắt to tướng nhìn người ta mày không thèm khóc, tao biết mày là con quái thai. Ngay từ lúc lọt lòng kia…

Nói rồi mẹ nó ngồi bẹp xuống đất, tay cầm cái nón quạt phành phạch, đôi mắt già nua ngấn dòng nước mắt nuối tiếc. Thỉnh thoảng bà lại lấy tay túm vạt áo, lau lên đôi mắt đỏ hoe, gò má hằn lên những nếp nhăn, rồi bà Hay ném cái nón đến bịch xuống đất và bỏ đi ra đường đứng một mình.

Bà Hay ngồi thụp xuống bên con mương dài nước xanh biếc, hai tay chống lên má, nước chảy vòng quanh. Hai tay bà khoả xuống nước, dòng nước vô tư cứ thế trôi xuôi. Bà Hay vẫn ngồi đó. Ngồi bờ mương, ngồi ngoài ngõ, ngồi đâu bà cũng chỉ có một mình. Ra đường gặp ai bà cũng tránh mặt, mà gặp sát mặt thì bà Hay cúi gằm mặt xuống. Bởi bà nghĩ con dại, cái phải mang. Tuy nó không dại ngờ dại nghệch như người điên, nhưng nếu nó điên hẳn, ngồi một chỗ thì bà Hay còn đỡ khổ tâm hơn là nó còn sống. Bà cảm thấy khổ tâm đến tột cùng.

Bà Hay đứng dậy, hai tay chắp về đằng sau, lòng khòng, cắm cúi đi thẳng một mạch xuống cuối làng. Bà Hay cứ mặc kệ, dù nước mắt vẫn rơi, đôi mắt nhoà đi. Thỉnh thoảng bà lại lấy tay quyệt ngang đôi mắt. Bỗng bà đứng sững lại trước mặt ông Trai, hai tay chới với. Ông Trai chìa hai tay đỡ bà Hay. Bà lúc này như người không xương, đứng không vững, dựa vào người ông. Ông Trai ôm bà Hay rồi đưa bà ngồi xuống lề đường. Hai tay bà bưng mặt, bà khóc rưng rức. Ông Trai loay hoay chẳng biết làm gì trong hoàn cảnh trớ trêu này.

Mặt trời đã dịu dần sau cái nắng chói chang, oi bức, dòng mương lững lờ trong veo, ông Trai vẫn loay hoay không biết làm gì để vỗ về bà Hay. Ông Trai chạy đi chạy lại rồi lấy tay dứt một cành tre bên kia lề đường. Ông dứt dứt từng cánh lá ném xuống dòng mương cho đến khi cành tre trên tay chỉ trơ lại mấy tay tre không lá, rồi ông ngồi thụp xuống xốc nách bà bưng dậy. Bà Hay bấu lấy vai áo ông Trai đi về phía cuối con đường thì đến nhà ông Trai, ngôi nhà cũ một gian, một chái xép nhỏ làm cái bếp. Gian nhà trên ông Trai kê một cái giường bằng tre, treo trên gác là cái ba lô đã sờn, dưới cuối giường là mấy cái bát. Ngoài vườn lưa thưa mấy cây chuối, lá chuối khô xum xuê từ gốc đến ngọn, những buồng to nhất cũng chỉ có mấy bẹ to hơn bàn tay người lớn, đúng câu “vắng đàn ông quang nhà, vắng đàn bà quang bếp”.

Mùa đông sắp đến, gió lùa lá chuối khô chạm vào nhau xào xạc. Ông Trai hôm nay vui hơn mọi ngày, có thêm bà Hay hay đến nhà, tuy bà không được vui nhưng có người mà than thở. Bà Hay thỉnh thoảng lại đưa tay lên gạt nước mắt. Bà Hay nói câu gì ông Trai nghe không rõ lắm do nghễnh ngãng song  ông hiểu rõ bà Hay, bà không những khổ vì chồng mà còn khổ vì con. Bà vẫn thường than vãn “Tôi khổ trăm đường khổ, ông trời đổ hết cho tôi, từ khi chồng tôi chết, một đèn một bóng. Trước ông nhà tôi thường động viên tôi, cố mà nuôi chúng nó, nhà mình nghèo nhưng cả năm đứa con trai, gái của mình đẹp như tranh vẽ, chúng nó khoẻ mạnh là mừng, mẹ nó à. Thế là ông nhà tôi cứ lai lưng ra làm ở nhà, rồi làm thuê cuốc mướn, ai gọi làm gì ông ấy cũng làm, kể cả đi bốc mộ cho người ta cả đêm, đến sáng người ta mời chén rượu không dám uống nhiều, sợ uống lại ngủ đi thì không làm được, đến ngày mai không có gạo ăn. Lam lũ quanh năm suốt tháng, mong cho các con có ăn, có học bằng người, các con cứ thế lớn lên, đứa lớn, đứa bé trắng mịn, bảo nhau học hành. Đứa lớn giúp đỡ được bố mẹ quét nhà, nồi cơm, bếp cám, đứa bé trông em, dạy em học hành. Trên bảo dưới nghe, hàng xóm láng giềng ai cũng khen nhà tôi có tay nuôi con.

Rằm tháng bảy năm ấy, bà Hay cố chạy vạy làm mâm cơm cúng ngày lễ Vu Lan. Bụng bảo dạ từ Tết đến giờ các con mới được ăn miếng thịt, vừa nghĩ bà Hay vừa luôn tay làm, mùi thức ăn toả ra thơm phức. Bà Hay bưng mâm cơm đặt lên bàn thờ, bà chắp tay cúng, nén hương trầm thơm ngát, quyện lẫn mùi xôi thịt toả ra, không khí càng thêm ấm cúng. Các con của ông bà đã đi học về, mỗi đứa một việc rồi chờ bố về ăn cơm.

Hương tàn, bà Hay bưng mâm cơm xuống đặt giữa nhà, mấy đứa con tranh nhau dải chiếu, con gái út ra ngõ chờ bố, dắt tay bố vào mâm cơm. Ông gắp thức ăn cho vợ rồi cho các con. Bỗng cái Thuý kêu lên, thế là bố chia hết thịt gà cho mẹ con con rồi, bố chỉ có cái đầu gà với hai cái cánh. Còn đôi chân cái Thuý nó cũng nhận nốt.

Ông chỉ vui khi vợ con ăn ngon, ông buồn lúc vợ con chẳng được ăn no.

Nhìn vợ con vui vẻ, ông cũng vui. Ông uống vài chén rượu rồi lên giường nằm nghỉ. Ai ngờ đâu bữa cơm rằm tháng bảy năm ấy là bữa cơm cuối cùng của đời ông. Ông ngủ rồi không bao giờ tỉnh giấc nữa. Hàng xóm, láng giềng nghe thấy tiếng bà Hay than khóc, họ bảo nhau đến, người sơ cứu, người đưa ông ra viện nhưng cũng không cứu được nữa, vì ông bị cảm nặng quá. Xóm giềng lại đến giúp bà Hay làm đám tang cho ông. Tuy đám tang không to, nhưng có mặt đông đủ mọi người trong thôn, ngoài xóm, lo cho đám tang của ông trọn vẹn. Ai cũng thương ông cả đời vất vả cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Thế là ông không còn cùng bà nuôi dạy 5 người con này nữa. Một mình bà nuôi 4 đứa con trai tuổi ăn, tuổi nghịch ngợm, 1 cô con gái trứng nước cũng rất cần người mẹ để chăm sóc, giúp đỡ. Ngôi nhà vắng người đàn ông làm chủ không còn ngăn nắp như những ngày ông còn sống. Những đứa trẻ lớn lên không người dìu dắt, đứa ăn, đứa chơi, làm không có người chỉ bảo, chán nản rồi đi chơi bời đàn đúm, đánh cãi chửi nhau, nhiều lúc bà Hay lấy tay ôm đầu, bà gục xuống bàn thờ ông mà khóc nức nở, vừa khóc bà vừa gọi ông.

Năm đứa con bà, lúc thì ở nhà cả năm, lúc thì chẳng có đứa nào. Hàng xóm có lần đến thầm thì với bà:

- Em nói chị thông cảm, hình như mấy đứa con nhà chị nó vào đời cả rồi, thấy con em nó về nó nói thế.

Bà rụng rời chân tay, bà hỏi lại chị Thôn hàng xóm:

- Cô Thôn ơi! Cô thương tôi thì thương cho chót, cô nói rõ cho tôi hay. Vào đời là cái gì?

Chị Thôn ghé sát tai bà Hay nói nhỏ câu gì không ai biết, nhưng chỉ biết là từ hôm ấy bà Hay lúc nào cũng nói ra mồm:

- Thế là tôi đã mất cả 4 thằng con trai rồi.

Thương hoàn cảnh của bà, chi hội phụ nữ thôn xóm cũng đến khuyên các cháu, cả 4 thằng vật vã nằm như phỗng ở nhà, chẳng đứa nào chịu làm gì cả.

Sau vài tháng, thằng Phát, thằng Triển vào trại cai nghiện, được vài tháng thì ra trại, nhưng ngựa quen đường cũ, đâu lại vào đấy, hết lần này đến lần khác. Rồi cả 4 thằng con trai của bà Hay phải vào trại. Thằng Phát, anh cả trong nhà, lẽ ra phải gánh vác gia đình giúp mẹ, lo cho các em, lại mắc vào nghiện hút đầu tiên rồi cho cả 3 em theo mình. Thằng Triển, Thành, Công cũng bỏ bê học hành theo anh nghiện hút. Tiền không có, lúc đầu chúng nhặt nhạnh hết trong nhà, con gà, con chó, rồi vặt vãnh hàng xóm. Thằng Triển, thằng Thành phải đi làm thuê để lấy tiền tiêu xài, tuy không thể đủ tiêu cho bản thân, nhưng đỡ một phần nào. Tuy nhiên, chẳng đứa nào giúp được bà. Bà bảo nó làm được đồng tiền, mua được cái gì thì mua, đỡ phải đi ăn trộm của người ta. Còn thằng Phát và thằng Công, dạo này có tiền, nghe đâu còn nhiều tiền là đằng khác nữa kìa. Có lúc nó đưa cho bà đến vài triệu trong khi bà Hay nuôi đôi lợn cả năm cũng chưa được nhiều như thế. Hôm ấy, thằng Phát, tay móc túi, mồm bảo:

- Đây, tôi cho bà mấy triệu. Bà đong gạo ăn vài tháng.

Bà Hay chưa kịp đưa tay ra đón thì thằng Phát đã ném xoè xuống đất, bà Hay loay hoay ngồi nhặt toàn tờ năm trăm đến hai trăm nghìn đồng, mà lòng đau như cắt. Bà Hay tự hỏi không biết có phải nó làm ra hay nó đã làm chuyện mờ ám, trộm cắp hoặc buôn gian, bán lận gì mà có số tiền lớn thế này.

Vừa nhặt những đồng tiền thằng Phát ném vào mặt, bà vừa rơi nước mắt. Bà Hay nhớ lại, cái ngày chồng mới chết, con bé, bà Hay phải làm đủ nghề để nuôi các con, trừ những nghề phạm pháp, cướp giật, làm đĩ. Khi thằng Phát ốm, không có tiền mua thuốc, 4 đứa em thì khóc vì đói ở nhà. Không còn cách nào khác, bà Hay đành bế thằng Phát ngồi bệt xuống đường. Ông đi qua, bà đi lại, hỏi qua hoàn cảnh rồi mỗi người cho bà mấy đồng lẻ. Đồng tiền ném vào mặt bà như thằng Phát ném vào mặt bà hôm nay. Nuôi con 31 năm giời mới được con cho vài triệu, vậy mà… nó ném vào mặt bà. Nỗi cay đắng như sát muối vào lòng bà.

Mấy ngày sau thằng Phát bị công an bắt vì liên quan đến ma tuý, phải kết án đến 16 năm tù.

Rồi đến thằng Công út cũng phải vào trại cải tạo, còn thằng Triển, thằng Thành vẫn làm thuê, nhưng cũng chẳng giúp gì cho mẹ cả.

Bà Hay vất vưởng lần hồi bữa cơm, bữa cháo lo cho các con mà ruột đau như thắt.*

Nắng chiều mờ nhạt, lá vàng rơi xào xạc, ngọn tre non mớm nắng là thế mà cuối ngày cũng mờ nhạt dần, lá như khum lại.

Bà Hay về nhà theo con mương dài, tay còn mấy nắm mạ non, quanh vành quần bà là những con cua. Đến cái hang nào ở bờ sông là bà thò tay bắt rồi dắt vào vành quần, tối về bà Hay gỡ ở cạp quần ra là có món cua rang với mẻ. Ngày trước, lũ trẻ ăn ngon. Đèn dầu lờ mờ, chỉ có tiếng cua trong miệng của mấy đứa trẻ đang ăn ngấu nghiến giòn tan. Vậy mà hôm nay, bà lại gỡ cua trong vành quần thì chỉ có con Thuý ở nhà ăn cơm với bà. Còn 4 thằng con trai, thằng bị bắt giam do liên quan đến ma tuý, thằng thì vất vưởng. Cho đến ngày thằng Phát chết lăn ra trong tù, cũng là ngày thằng Triển, thằng Thành ốm kiệt quệ, họ hàng khẩn trương đưa vội thằng Triển, thằng Thành đi khám. Cả họ giật thót tim vì nghe bác sỹ nói cả hai thằng bị si đa. Mọi người như thắt lại, họ thương bà Hay ở hiền chẳng được gặp lành. Thời gian còn lại của 3 thằng con chẳng còn bao lâu nữa, nó lại theo thằng Triển.

Thế là cả 4 thằng con trai đã theo chồng bà về với tiên tổ để lại bà Hay và cô em gái út. Bà Hay thường nói với mọi người trong làng:

- Con Thuý nó là hạt tấm, hạt thóc của cả đời bà.

Từ ngày ấy, cái Thuý là chỗ dựa tinh thần của bà Hay, những lúc nó ốm đau bà thức thâu đêm lo cho nó, cho nó ăn học bằng người để sau này mẹ con dựa nhau.

Học hết cấp 3, thi đỗ vào trường Sư phạm. Học hết năm đầu rồi đến năm thứ hai bắt đầu chán nản vì mẹ chỉ có đủ tiền cho nó ăn và học thôi, ít có tiền cho nó tiêu vặt như các bạn cùng lớp. Lúc đầu bạn bè rủ rê, chơi bời, sau rồi bỏ hẳn cả học về xin tiền mẹ.

Biết chuyện, bà Hay như sét đánh ngang mày. Cả đời bà lo cho chồng cho con, có 5 đứa con, 4 đứa chết vì chơi bời, bà hy vọng vào đứa con gái út. Bà hết lòng vì nó để sau này bà nương tựa, thế mà giờ đây bà như người chết đứng. Đôi mắt bà Hay mờ đi theo những dòng nước mắt. Những buổi bình minh vừa nhô lên sáng quắc cả bầu trời, những tia nắng chói chang mà bà vẫn thấy tối om như mực, như một tín hiệu đen tối sắp đến với bà Hay.

Đôi mắt bà Hay mờ đi vì những lo toan, xót xa cho một cuộc đời đen trắng, chìm nổi của một người đàn bà đã quá sức chịu đựng.

Bà lại nghe tin con gái út bỏ bê học hành, đưa bạn bè đến các quán thuốc lắc. Bà Hay như ngã gục. Bà Hay giơ hai tay lên trời, bà vừa vái lạy vừa kêu trời:

- Ông trời ơi, có phải tại con đã làm gì có tội với ông trời mà ông trời chừng phạt con, mà sao ông cho con 5 đứa con rồi ông lại đòi đi hết của con. 4 đứa con trai đã hư hỏng, rời con mà đi rồi. Còn 1 đứa con gái tưởng nó ngoan ngoãn, mẹ con dựa vào nhau, bây giờ nó lại đàn đúm, con lại mất nó rồi.

Bà nghĩ, dù 4 đứa con trai của bà chẳng ra gì nhưng chúng còn có tình cảm, riêng con Thúy thì không. Cả 4 anh vì nghiện ngập mà chết, nhà chỉ còn một mẹ một con, vậy mà nó không biết thương mẹ, thương bản thân, lại còn chơi bời. Nhìn đôi môi con Thúy thâm lại, hai mắt trắng lờ đờ, bà Hay bảo:

- Trông mặt mà đặt hình rong, cứ tưởng nó thương mẹ mà thay đổi, ai ngờ nó vẫn thế.

Vẫn như cái ngày mới đón nó ra đời, đôi mắt nó trừng trừng. Nhớ lại tự nhiên bà Hay giật thót mình. Nếu nó không phải do chính bà sinh ra thì bà không nói làm gì. Có lúc bà Hay không dám nhìn thẳng vào chính mặt đứa con gái duy nhất của bà. Mỗi khi nó đòi tiền bà không có cho nó là môi nó xám xịt lại, nó nhìn bà trừng trừng rồi nheo mắt lại, nó bảo:

- Này, bà, đừng để tôi phải mở mồm lần thứ hai.

Bà Hay tối sầm mặt mũi, đôi mắt bà nhoà đi. Bà Hay lại ra bờ mương đầu làng đứng. Những lúc hẫng hụt thế này, bà Hay lại nghĩ đến ông Trai, bạn thân của chồng bà, người sẽ cùng bà sẻ chia nỗi cay đắng.

Bên ông, bà sẽ không còn cô đơn nữa…

 

 

T.H

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter