• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
“Mỏ vàng” trên đỉnh Suối Giàng
Ngày xuất bản: 20/03/2020 2:32:20 SA

Ký của Minh Ngọc

Lên Suối Giàng những ngày đầu xuân, mưa giăng bụi trắng. Con đường quanh co trên chục ki lô mét từ trung tâm huyện Văn Chấn đưa chúng tôi đến với Suối Giàng, mảnh đất cao trên 1371 mét so với mặt nước biển, nơi sinh sống của những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, những ngôi làng vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông cùng những bãi đá vân mây tuyệt đẹp. Giữa khí hậu khắc nghiệt nhưng với đặc điểm sinh trưởng khỏe, cho năng suất và khả năng chống chịu tốt, các sản phẩm sản xuất từ chè Shan Suối Giàng có chất lượng rất cao với hương thơm, vị đượm, giàu dinh dưỡng đã trở thành cây công nghiệp chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các hộ sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết tại xã Suối Giàng.

“Mỏ vàng” trên đỉnh Suối Giàng

Anh Sổng A Nủ- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Suối Giàng cho biết: Qua nhiều năm sản xuất, diện tích chè được trồng mới và mở rộng, đến nay đạt 457,5 ha trong đó có 423 ha chè kinh doanh, 34,5 ha chè kiến thiết cơ bản; trong đó 193 ha chè cổ thụ tập trung tại 4 thôn Pang Cáng, Bản Mới, Giàng A và Giàng B tại 31 hộ trong xã. Sản lượng hàng năm chè búp tươi biến động từ từ 550- 600 tấn/năm theo lứa hái và tiêu chuẩn thu mua. Tại Suối Giàng hiện có 2 nhà máy chế biến chè, 01 cơ sở chế biến của Hợp tác xã Suối Giàng và 14 cơ sở sản xuất của các hộ gia đình với năng lực chế biến khoảng 20 tấn chè búp tươi/ngày, sản phẩm chè chế biến 100% là chè xanh.

Giá thu mua chè búp tươi tại xã Suối Giàng đạt bình quân 20.000đ/1kg. Với sản lượng 550- 600 tấn chè búp tươi/năm đã đem lại trên 10 tỷ đồng mỗi năm, nguồn thu chủ yếu cho các hộ nông nghiệp trên địa bàn xã. Riêng chè Shan Suối Giàng giá bán dao động từ 250.000- 500.000đ/kg, cao nhất là 2.000.000đ/kg. Hiện nhãn hiệu chè Suối Giàng đã được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Thiện và Hợp tác xã chè Suối Giàng quản lý và sử dụng, các sản phẩm đều được dán logo nhãn hiệu và bảo hộ sản phẩm trên thị trường. Qua khảo sát cho thấy, nguyên liệu chè nơi đây đã đáp ứng đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ được sự đa dạng của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước hiện nay.

Anh Giàng A Đằng- Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng chia sẻ: “Đối với người dân xã Suối Giàng, chè mang lại 60% thu nhập. So với trồng lúa và các loại cây hoa màu khác cây chè có nguồn thu lớn hơn hẳn. Nếu 1 ha ngô thu được 5 triệu, 1 ha lúa cho thu nhập chừng 9 triệu thì 1 ha chè mang lại thu nhập tầm 30 triệu. Hơn nữa trồng chè không mất nhiều công lao động, một năm chỉ phát, làm cỏ 2 lần, cũng không cần phân bón. Có những thời điểm người đi mua chè nhiều hơn người bán chè, từ sáng sớm đã có người đến đặt cọc, cùng hái để mua được nhiều. Trên địa bàn xã, một số hộ tự sản xuất chế biến đã từng bước nâng cao thu nhập, từ khó khăn nay đã có nhà cửa khang trang nhờ trồng chè. Ngoài ra cây chè còn là cây di sản, thu hút khách du lịch. Nhờ cây chè mà hạ tầng được đầu tư, bà con có đường đẹp để đi…”.

Tiến sĩ Thào Suân Sùng- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trong chuyến công tác khảo sát thực hiện đề án diệt mối trên cây chè tại xã Suối Giàng đã khẳng định: “Thật may mắn cho người dân Suối Giàng vì nơi đây có vùng chè. Bà con đang sống trên mảnh đất vàng. Mà đây không phải vàng. Vì vàng khai thác mãi cũng hết, còn chè thì cứ khai thác mãi. Mai sau, đời con, đời cháu chúng ta khai thác nữa cũng không hết…”.

Chống trọi với những nguy cơ

Theo chân anh Vàng A Xềnh, cán bộ địa chính kinh tế xã tôi đi thăm khu chè cổ Suối Giàng. Trời thoắt mưa, thoắt tạnh. Cả một “kho báu” hiện ra trước mắt chúng tôi. Một màu xanh ngút ngàn chạy tít tắp. Những gốc cây mốc thếch, đường kính từ 2- 2,5 m, cành xòe rộng tán hàng trăm năm tuổi lóng lánh dưới nắng xuân. Những hình ảnh mà từ trước tôi chỉ được nhìn qua tranh ảnh nay hiện ra mồn một. Những búp lá to dày khỏe khoắn xanh mướt trên những thân cây cổ thụ vươn mình chắt lọc hương vị trời đất vùng cao. Càng đi lên đồi chè, chúng tôi càng ngỡ ngàng không giấu nổi những lời xuýt xoa, trầm trồ. Nhưng bất ngờ tôi bắt gặp vài thân cây khô héo, vài cây đã mục ruỗng, chết khô. Phút chốc tôi có cảm giác như chính những cây quý của mình bị chết. Nhìn vẻ tiếc nuối của tôi, Anh Xềnh cho biết: “Đó là do hậu quả của mối xông đấy chị ạ. Trong tổng số trên 400ha chè Shan tuyết đang trong thời kỳ kinh doanh thì có nhiều diện tích chè ở các thôn Bản Mới, Pang Cáng, Giàng B… đang bị mối phá hoại. Mối không chỉ gây hại cho những cây chè cổ thụ hàng trăm năm, mà còn phá hoại trên những gốc chè có tuổi 30- 50 năm khiến cây sinh trưởng kém, năng suất giảm sút thậm chí làm chết cây. Trong vòng 3 năm từ 2016 đến 2018 chết hơn chục cây chè tổ tuổi từ 170- 274 năm tuổi”. “Chính quyền xã đã làm gì để hạn chế tình trạng này hả anh?”- Tôi bật hỏi. “Mối đã trở thành vấn đề được các tổ chức cá nhân, chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan quan tâm. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã phối kết hợp cùng các phòng ban chuyên môn của huyện, các cơ quan hữu quan liên quan đã tiến hành thử nghiệm một số phương pháp kỹ thuật tác động để giảm bớt những thiệt hại do mối gây ra. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có những đánh giá tổng thể, những biện pháp kỹ thuật chỉ mang tính nghiên cứu chưa thể áp dụng rộng rãi trong nhân dân. Trên những vùng chè Shan tuyết hiện nay, người dân và chính quyền địa phương đang rất băn khoăn chưa rõ hướng đi trong việc phòng trừ mối. Đồng thời việc thả rông gia súc đã dẵm nát, làm đổ gãy cây chè trồng dặm, trồng mới, làm tổn thương cây chè, tạo môi trường thuận lợi cho mối gây hại cây chè. Hiện nay, việc nghiên cứu cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ mối mới chỉ dừng lại qua sử dụng một số chế phẩm sinh học chủ yếu là tự phát của người dân”.

Chỉ về phía những cây chè còi cọc, anh Xềnh nói thêm: “Đặc biệt từ năm 2016 trở lại đây, trên địa bàn xã xuất hiện một số hộ dân thu hái chè tôm để bán cho các hộ tư thương. Việc này mặc dù đã được chính quyền, cán bộ chuyên môn tuyên truyền khuyến cáo không được thu hái để đảm bảo cho cho cây chè sinh trưởng và phát triển, tuy nhiên với giá thu mua hấp dẫn, người dân đã bất chấp để thu hái chè búp tôm. Bên cạnh những những gia đình vì hám lợi trước mắt mà thu hái như vậy cũng có không ít những trường hợp hái trộm của nhau, dù biết việc thu hái đó sẽ làm tổn thương cây chè nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng thu hái lứa kế tiếp, vì vậy chính quyền địa phương đã chỉ đạo người dân chỉ được thu hái tôm chè khi đốn tỉa chứ không được hái trực tiếp trên cây chè”.

Lấy tay bẻ một mẩu cây đã chết cứng vì mối xông, anh tiếp: “Để nâng cao chất lượng và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng, trong giai đoạn tới việc xử lý triệt để mối gây hại, áp dụng các quy trình kỹ thuật thâm canh, thu hái chè là cần thiết, đồng thời việc mở rộng diện tích chè trên những diện tích đất được quy hoạch, áp dụng các tiêu chuẩn vào trong sản xuất, kinh doanh chè để hình thành được các vùng chè an toàn và bền vững”.

Rõ ràng, từ thực tiễn trên, để bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp trong chăm sóc, sản xuất, kinh doanh, các biện pháp kỹ thuật trồng tác động đến cây chè, để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, hình thành được các vùng sản xuất chè an toàn và chè hữu cơ để nâng cao giá trị trong sản xuất, kinh doanh và phát huy giá trị nhãn hiệu chè Suối Giàng. Việc xây dựng đề án bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng sẽ góp phần tạo ra một vùng chè ổn định, bền vững gắn với các cơ sở chế biến, kinh doanh chè, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn xã, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên trên thực tế, tuy cây chè mang lại thu nhập cho người dân nhưng người dân lại ít quan tâm chăm sóc cây chè, mặc cho phát triển tự nhiên, để cây chè chết dần chết mòn, giảm diện tích, dân mất một nguồn thu lớn. Đánh giá hiện trạng vùng chè, Tiến sĩ Thào Suân Sùng- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã rất ân cần chỉ ra: “Bao năm qua mình chỉ bóc lột nó thôi, không cho nó ăn, không cho nó uống, không chữa bệnh cho nó. Giờ mình phải cho nó ăn, cho nó uống, tìm bác sĩ chữa bệnh cho nó thôi. Đất khô phải xới, phải tưới, phải bón phân hữu cơ, phải diệt mối cho nó…”

Đề án được xây dựng

Sau khi trực tiếp đi kiểm tra các vùng chè bị chết, Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Đằng cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ nhận thấy một số diện tích chè hiện sinh trưởng, phát triển kém. Nguyên nhân chủ yếu là do cây chè hiện đang bị mối gây hại, gia súc thả rông, nạn hái chè tôm và người dân chưa có biện pháp đầu tư chăm sóc hợp lý, các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ không tập trung, dẫn đến việc trà trộn các loại chè vào chế biến, làm giảm chất lượng chè, khiến vùng chè Shan tuyết Suối Giàng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có. Các đồng chí trong Ban Thường vụ đã ngồi lại bàn cùng Ban Chấp hành và thống nhất đưa ra quyết định phải xây dựng đề án “Bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng”. Năm 2018, Hội đồng nhân dân xã đã thông qua đề án bằng cách lồng vào nghị quyết phát triển kinh tế của địa phương.

Bảo vệ và phát triển cây chè Shan tuyết đặc sản theo hướng an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ; nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu chè Suối Giàng; giúp các hộ, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh chè làm giàu từ cây chè; gắn việc bảo vệ và phát triển vùng chè với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng; phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch và các tiêu chí trong đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương là mục tiêu chính của đề án. Đề án chỉ rõ, phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích giống chè Shan được trồng mới đạt 100ha, đặc biệt đầu tư phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng từ nguồn gien quý của giống chè cổ thụ Suối Giàng. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 500 tấn, giá trị sản xuất đem lại đạt trên 10 tỷ đồng. Theo đó phải dùng mọi biện pháp nhằm bảo vệ nhãn hiệu, quảng bá và quản lý thương hiệu chè Suối Giàng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bí thư Giàng A Đằng cho biết, đề án có 3 nội dung chính: Quy hoạch bảo vệ vùng chè Shan tuyết Suối Giàng trước nguy cơ mối gây hại và thu hái chè tôm để cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái; phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng theo hướng an toàn và bền vững và Quy hoạch các cơ sở chế biến chè trên địa bàn xã. Cụ thể bảo vệ vùng chè Shan tuyết với quy mô diện tích 423 ha tập trung tại các thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cáng, Bản Mới, Kang Kỷ, Suối Lóp, Tập Lăng I, Tập Lăng II. Số hộ tham gia dự kiến 560 hộ. Trong đó vùng chè Shan cổ thụ Suối Giàng là 193 ha tập trung chủ yếu tại các thôn Giàng A, Giàng B, Pang Cáng, Bản Mới. Cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, vận động nhân dân chăm sóc diện tích chè hiện có trước các tác động của các tác nhân gây hại như mối, gia súc, con người… Trồng mới diện tích trong vùng quy hoạch với diện tích 65,5 ha tại 8 thôn bản trên địa bàn xã; duy trì và phát triển các nhóm hộ sản xuất chè búp tươi an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ đã được cấp chứng nhận; quảng bá, giới thiệu và phát triển nhãn hiệu chè Suối Giàng. Đồng thời, đầu tư mở rộng, nâng cấp dây truyền công nghệ chế biến chè của các cơ sở chế biến hiện có để nâng công suất và chất lượng sản phẩm; di dời những cơ sở chế biến chè, đảm bảo theo quy hoạch để phát triển cảnh quan xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch; tăng cường công tác quản lý cấp huyện, cấp xã, thôn bản về công tác sản xuất chế biến chè, đặc biệt là các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình.

Tuy nhiên cái khó nhất chính là Đề án đã được xây dựng, Ban chỉ đạo đã được thành lập, các nội dung của đề án đã được thông qua nhưng vấn đề kinh phí thì bỏ ngỏ. Lãnh đạo Đảng ủy- UBND xã Suối Giàng đã nêu cao quyết tâm không để cho cây chè chết nhưng không có tiền thì lấy gì để mua lưới rào bảo vệ, mời chuyên gia hỗ trợ diệt mối, rồi nhân giống mở rộng diện tích cây chè. Những phương án đặt ra hết sức cụ thể nhưng không hề dễ thực hiện.

Trong cái khó ló cái khôn

Đang lúc khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí, thì đề án phát triển vùng chè hữu cơ do tỉnh Valdemar của Pháp kết hợp với tỉnh Yên Bái được triển khai trên địa bàn xã. Ban chỉ đạo ngay lập tức đã nảy ra phương án giải quyết. Theo chương trình, mỗi hộ sẽ được đầu tư 2,5 triệu đồng để trồng và chăm sóc chè. Sau khi bàn kỹ, lãnh đạo xã đã vận động bà con chỉ nhận 1 triệu còn để lại 1,5 triệu cùng Hợp tác xã mua lưới, rào quản lý. Các cán bộ được phân công phụ trách đã không quản vất vả, đo từng đoạn, từng mét một, tính toán phương án rào sao cho hợp lý nhất. Ban đầu bà con băn khoăn, có hộ chấp hành, hộ không chấp hành gây không ít khó khăn trong công tác chỉ đạo. Ban chỉ đạo đã huy động tất cả các đoàn thể vào cuộc để vận động bà con thực hiện, thậm chí đánh vào quyền lợi kinh tế nếu không chấp hành như không được hưởng lợi sau quản lý bảo vệ hoặc đưa ra khỏi xã viên Hợp tác xã chè hữu cơ. Đồng thời ban chỉ đạo còn tận dụng phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng. Hộ nào không chấp hành, cán bộ sẽ rà soát xem hộ đó thuộc dòng họ nào rồi đề nghị trưởng dòng họ đi thuyết phục. Sau quá trình đi thuyết phục, triển khai dần, mưa dầm thấm lâu, 400 hộ gia đình có diện tích chè đã sẵn sàng đóng góp tổng số tiền 600 triệu. Xã mua lưới, bà con tìm cọc, giao thôn chỉ đạo rào đồng bộ theo vùng. Trong quá trình rào, lãnh đạo xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân chăn dắt trâu bò, không thả rông vào diện tích trồng chè mới hoặc vào các khu hoa màu, sản phẩm khác của người dân. Sau một tháng, việc rào bảo vệ vùng chè đã xong nhưng vấn đề đặt ra là rào vùng chè lại thì thức ăn gia súc giải quyết ra sao. Bởi theo tập quán, người Mông không chăn mà chỉ thả do đó ban chỉ đạo lại phải tuyên truyền người dân nếu muốn tiếp tục chăn nuôi phải trồng cỏ, hoặc bán bớt chỉ để lại đủ số trâu bò phục vụ sản xuất, nếu không chúng vào vườn chè cọ làm xây xát khiến mối xông hoặc chân giẫm đất chặt khiến rễ không hút được chất làm chè chết.

Ban chỉ đạo đề án hoàn toàn yên tâm khi vấn đề trồng bổ xung cây chè cũng được triển khai thuận lợi và vấn đề xử lý mối đã có hướng giải quyết. Tiến sĩ Thào Suân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam kết nối với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã tiến hành thử nghiệm diệt mối trên diện tích 100m2, bước đầu có hiệu quả. Anh Vàng A Xềnh, cán bộ địa chính kinh tế xã cho biết: “Cách thức diệt mối thực ra rất đơn giản. Mình sẽ cuốc xung quanh gốc chè sâu từ 20- 30 cm, nếu phát hiện thấy tổ mối thì bơm dung dịch và xả nước vào tổ mối khiến mối chết ngạt. Phương pháp này sẽ khiến 80% mối không lên”. “Sau 1 năm nếu hiệu quả, Hội Nông dân Việt Nam sẽ trực tiếp giúp Hội nông dân tỉnh, huyện và xã triển khai đề án diệt mối rộng rãi trên địa bàn”.

Hướng đi bền vững

Đề án “Bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng” được xem là hướng đi bền vững nhằm Bảo vệ vùng chè Shan tuyết Suối Giàng hiện có để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu; công tác quản lý, tuyên truyền và giải pháp về kỹ thuật.

Để phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng, ban chỉ đạo đặt ra những chỉ tiêu hết sức cụ thể. Trồng mới 100ha chè Shan hạt với mật độ 3000 cây/ha tại các thôn Giàng A (25ha), Giàng B (25ha), Pang Cáng (30ha), Bản Mới (20ha). Nhân giống bằng hạt từ các cây đầu dòng đã được lựa chọn từ đề tài khoa học bình tuyển, chọn lọc và bảo tồn vườn giống chè Shan tuyết đầu dòng tại xã Suối Giàng do Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện.

Riêng việc quy hoạch các cơ sở chế biến chè và tiêu thụ sản phẩm, Ban Thường vụ nhất trí chỉ đạo duy trì sản lượng chế biến hiện nay, xây dựng phương án nâng cấp, đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến và tiến hành di dời nhà máy chè Đức Thiện ở khu vực trung tâm xã Suối Giàng ra khỏi nơi dân cư tập trung về thôn Giàng B với diện tích quy hoạch là 0,5 ha trên đất trồng cây lâm nghiệp để đảm bảo cảnh quan và an toàn trong sản xuất, vốn do công ty đầu tư. Quy hoạch 0,48 ha đất trồng cây công nghiệp tại trung tâm xã Suối Giàng để xây dựng trụ sở Hợp tác xã Suối Giàng với mục đích là nơi giao dịch và trưng bày sản phẩm. Sản phẩm chè của Hợp tác xã hiện nay đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt trong thời gian qua đã mở thêm một nhà máy chè rộng 300 m2 được dự án QSEAP đầu tư, với dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất chế biến chè thành phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ tăng lên 5 tấn chè búp tươi/ ngày…

Nhâm nhi vị chè Shan độc đáo với hương thơm thanh khiết, vừa thanh tao vừa dân dã, chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực, chung tay vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp từ tỉnh đến địa phương cùng sự hỗ trợ giúp đỡ của Hội Nông dân Việt Nam, các cơ quan chuyên môn, chắc chắn đề án sẽ thành công. Sau 5 năm triển khai thực hiện (2018- 2023), đề án “Bảo vệ và phát triển chè Shan tuyết Suối Giàng” sẽ góp phần hình thành vùng chè an toàn và bền vững, gắn với phát triển du lịch, xây dựng và bảo vệ thương hiệu chè Shan Suối Giàng, tăng khối lượng sản phẩm có chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Cây chè Shan tuyết đã, đang và sẽ mãi là “mỏ vàng” của người dân Suối Giàng, là giống cây quý đưa đời sống bà con ngày một nâng cao. Và chắc hẳn, trong thời gian không xa, đỉnh Suối Giàng giữa bồng bềnh mây phủ sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương…

M.N

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter