• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Phát huy vai trò của văn hóa, văn nghệ trong xây dựng con người Việt Nam
Ngày xuất bản: 30/12/2020 3:34:56 SA

Nam Hà 

Kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng viết: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người được chú trọng”. Vấn đề phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa từ lâu đã được quan tâm. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và nhất là gần đây Banh Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết xác định mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân- thiện- mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Tuy vậy Dự thảo Báo cáo chính trị cũng chỉ ra “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người”. Theo đó, hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng có xu hướng “thương mại hóa” đáp ứng nhu cầu giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục, còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, nhân văn.

Từ nhận thức trên, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2021- 2030) xác định “Nâng cao vai trò của văn hoá, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”. Và định hướng về xây dựng cùng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được nêu ra trong Dự thảo là: “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ… Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia tổ chức hội, khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả”. Nhìn vào thực tế thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và các chính sách đầu tư của Nhà nước, văn nghệ đã có đóng góp tích cực cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam. Các Hội Văn học Nghệ thuật từ trung ương đến địa phương có nhiều hoạt động thiết thực để khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm nghệ thuật chất lượng phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Song hoạt động này ở từng nơi, từng lúc đạt hiệu quả khác nhau lại liên quan đến cách nhìn nhận, phương pháp chỉ đạo của cấp ủy Đảng và tự thân vận động của chính cơ quan Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật. Ngay như Yên Bái, tuy là tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển so với nhiều địa phương trong cả nước nhưng hoạt động văn học, nghệ thuật khá hiệu quả; đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng đông, nhiều người là hội viên của hội chuyên ngành trung ương, trình độ chuyên môn được nâng lên và đã có nhiều tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi, các kỳ liên hoan cho các loại hình nghệ thuật trong nước cùng quốc tế. Văn học nghệ thuật cũng đã thường xuyên quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bái, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy trên phương diện quản lý, lãnh đạo, Đảng và Nhà nước cần phải chủ động tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi để cho mọi năng lực, năng khiếu, tư chất và sở trường của mỗi cá nhân có cơ hội phát huy; chủ động tạo ra những yếu tố kích thích sự tìm tòi, sáng tạo; chấp nhận những ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề trên nguyên tắc vì lợi ích và sự phát triển ổn định của đất nước với động cơ trung thực.

Ở lĩnh vực lãnh đạo, quản lý văn hóa- văn nghệ, Dự thảo Báo cáo chính trị cũng chỉ rõ "Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”. Trước đây từng có hiện tượng cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo văn hóa, văn nghệ nhưng lại ít hiểu biết về lĩnh vực mình phụ trách nên áp đặt chủ quan định kiến cá nhân khi đánh giá hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật; nhất là thẩm định tác phẩm nên gây ra sự bất đồng, thiếu niềm tin trong văn nghệ sĩ. Quá trình đổi mới, điều này đã ít xảy ra. Nhưng vấn đề học tập, bồi dưỡng kiến thức lý luận về văn hóa và quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật phải đặt ra thường xuyên; nhất là cần có “mắt xanh” đánh giá đúng vai trò của lĩnh vực này trong đời sống xã hội mới có sự chỉ đạo và đầu tư thích đáng; mới có thể tạo động lực phát triển, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm tốt phục vụ cho việc phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam.

Đất nước bước vào thời kỳ mới thì văn hóa, văn nghệ càng phải đóng vai trò nguồn lực phát triển, sức mạnh nội sinh. Phấn đấu có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị cao góp phần xây dựng con người Việt Nam chính là nhiệm vụ, là yêu cầu đối với mỗi văn nghệ sĩ thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Đảng.

N.H

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter