• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tổ trưởng tự quản
Ngày xuất bản: 08/04/2020 7:49:06 SA

Truyện ngắn của Phan Định Long

 

Vợ chồng ông Nhũ chuyển lên thị trấn huyện với cậu con trai út. Phải bán ngôi nhà xoan ba gian hai chái, chồng bồn kẻ nghé từ đời ông nội để lại, ông Nhũ xót xa lắm. Ở cái tuổi suýt soát tám mươi nhưng người ông săn chắc, rắn rỏi. Việc đồng áng, vườn tược cánh thanh niên trai trẻ phải phục ông một nước. Người dân thôn Đồng Khoai luôn trầm trồ bàn tán rằng do ông hay làm phúc nên được hưởng lộc. Cái sự làm phúc ấy chính là ông tham gia tổ quản trang thôn trên bốn mươi năm có dư. Đó là mấy cụ già trong thôn ước tính, chứ thực tình cũng chẳng ai biết đích xác số năm ông tham gia. Ông Nhũ tham gia tổ quản trang là do nhà ông ở ngay cổng vào nghĩa trang thôn, ông lại hay chắp hiệu các đám khi ra đồng. Với hai mảnh tre tươi ông gõ vào nhau canh cách để chỉ huy đám “nô tỳ” khiêng chiếc quan tài đi trên con đường đất mấp mô vào nghĩa trang. Chẳng được bầu bán gì, nhưng ai cũng gọi ông là tổ trưởng quản trang. Ông làm mọi việc rất chu đáo, thành ra ai cũng quý mến.

Có tổ trưởng thì ắt phải có nhân viên. Nhân viên của ông Nhũ gồm bốn người đều cư trú trong thôn. Đó là anh Tăng thương binh nên chân đi cà nhắc tự nhận mình là “Tăng thọt” và anh Nhất một mắt lé mọi người gọi là “Nhất lé”. Hai anh vào bộ đội ở cùng nhau từ ngày đi cho đến ngày về phục viên. Một lần, hai anh lặn lội vào rừng Trường Sơn cất bốc hài cốt liệt sĩ là người bạn chí thân trong thôn. Khi tàu dừng ở ga chuẩn bị chuyển sang xe khách về nhà thì bị đội kiểm soát liên ngành bắt giữ vì nghi hai người buôn lậu. Kiểm tra toàn bộ hành lý, hai người kiên quyết không chịu mở bộ hài cốt được bọc kỹ càng trong tấm ni lông bộ đội. Đội kiểm soát liên ngành lập biên bản và quyết định mở bọc hài cốt, hai người đã khóc hu hu. Mãi khi mấy anh kiểm soát quân sự mở ra thấy hài cốt vội gói lại và báo cáo với tỉnh đội. Sau đó tỉnh đội đã cùng với sở thương binh liệt sĩ tỉnh cho xe ô tô chở các anh đưa hài cốt liệt sĩ về chôn cất tại nghĩa trang Đồng Khoai. Từ lần đó cả hai đương nhiên tham gia vào tổ quản trang thôn. Ngoài ra còn ông Chì và ông Khái gần nhà ông Nhũ, tuy mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung đều có sức khỏe, có gan, không nề hà bất cứ việc gì. Có đám quy tiên từ lâu, nhưng chỉ báo tổ quản trang trước một tiếng đồng hồ là đến giờ hạ huyệt. Thế là cả tổ tay cuốc, tay xẻng hì hục đào huyệt đảm bảo đúng quy cách, kịp thời gian. Gặp hôm trời nắng ráo còn đỡ chứ trời mưa rào thì đến là vất vả. Vừa đào vừa tát nước, bùn lấm bê bết nhìn chẳng ra người nữa. Khối lượng việc như vậy nếu không có sức khỏe chắc khó lòng mà hoàn thành được. Về cái sự gan dạ thì khỏi phải bàn. Được đám nào là những người thượng thọ về với tổ tiên thuộc diện không bệnh tật, không ốm đau, cái chết chỉ như chiếc lá vàng trên cây hết nhựa sống, rụng xuống thì nhẹ nhàng, sạch sẽ còn đỡ. Gặp phải mấy ông xơ gan cổ trướng, lao phổi, ung thư hoặc mấy cậu thanh niên bị ết lở loét hay mấy người tai nạn chết không toàn thây, thậm trí có tử thi đang trong thời kỳ phận hủy… đến người nhà còn chẳng dám lại gần. Ấy thế mà cả tổ quản trang xắn tay áo vào khâm liệm, đào huyệt, chôn cất chẳng nề hà gì. Việc chôn cất đã vậy, việc bốc mộ sang cát nếu được gia chủ đánh tiếng nhờ các ông đều giúp đỡ tận tình, chu đáo.

Trước khi nghĩa trang Đồng Khoai được thành lập. Trong thôn có người quá cố, các gia đình cứ chôn cất theo lời phán của các ông thầy cúng tung đồng xu “xin” phần đất. Cho nên các ngôi mộ nằm phân tán khắp thôn, có ngôi trên lưng chừng đồi, ngôi trong vườn nhà, thậm trí có ngôi chôn ngay trên ruộng lúa quanh năm ngập nước. Chỉ đến khi ủy ban xã ra quyết định thành lập nghĩa trang Đồng Khoai thì các ngôi mộ mới được tập trung về một chỗ. Nghĩa trang được cắm trên ngọn đồi thấp do hợp tác xã nông nghiệp quản lý để trồng chè. Diện tích chè cứ thu hẹp dần khi số mộ trong nghĩa trang tăng lên.

Về phần công cán của thành viên tổ quản trang, ban đầu chẳng có gì. Có nghĩa là tổ quản trang chủ yếu là làm phúc và hưởng ván xôi, con gà, be rượu hay hoa quả do gia chủ cúng thần linh thổ địa xong để lại. Dần dần một số người thấy các thành viên trong tổ quản trang nhiệt tình quá nên có ý gửi lại ít tiền thuốc nước. Lâu dần thành lệ mỗi đám từ A đến Z hoàn chỉnh tổ quản trang được nhận ba triệu đồng. Một số hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn tổ quản trang bảo nhau miễn giảm cho họ. Tuy nhiên có đám thuộc diện có điều kiện gửi lại nhiều hơn. Cứ như vậy tổ quản trang luôn làm tốt phần việc của mình không có điều tiếng gì.

*

Buổi sớm trong tiết trời se lạnh đầu đông, ông Nhũ pha ấm nước chè nhâm nhi cho ấm bụng trước khi ra làm vườn. Từ đằng xa chiếc xe con đi tới và đỗ xịch trước ngõ. Trong xe bước xuống là anh Toản chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cùng người đàn bà trung tuổi và một cậu thanh niên. Ba người tất tả vào ngõ, người đàn bà đon đả:

- Cháu chào cụ?

Thấy ông Nhũ nhìn mình phân vân, chị ta vội lên tiếng:

- Dạ thưa cụ, chắc cụ quên cháu rồi. Cháu là Hằng con dâu bố Sơn đây!

- À đúng rồi! Chị là vợ cậu Dương, lâu không gặp chị nên tôi quên. Thế ông cụ Sơn dạo này…

Chẳng để cho ông Nhũ hỏi hết câu, Hằng vội nói với giọng trầm xuống:

- Dạ! Thưa cụ bố cháu… vừa mất đêm qua rồi ạ.

Nghe tin quá đột ngột, ông Nhũ nhìn Hằng mãi mới nói như nói với chính mình:

- Vậy là cụ Sơn đã đi rồi. Cụ hơn tôi hai tuổi, nhưng cùng làng ngày xưa chơi thân với nhau lắm, từ ngày ông bà cụ chuyển nhà ra tỉnh nên ít gặp nhau.

- Vâng! Bố cháu năm nay tám mươi mốt. Theo nguyện vọng của cả gia đình là đưa bố cháu về an nghỉ tại quê nhà ạ.

- Ừ! Thế là phải, chẳng đâu bằng nơi chôn nhau cắt rốn cả.

- Có điều… - Hằng nhìn ông Nhũ ngần ngừ.

- Sao cơ?- ông Nhũ chân tình hỏi lại.

- Dạ vâng! Ý nguyện của anh Dương và gia đình cháu muốn được quây một khu xây dựng nghĩa trang gia đình để tiện chăm sóc. Cụ xem trường hợp này có thể linh động được không?

Nghe Hằng nói vậy, ông Nhũ nhìn Toản trầm ngâm. Lúc này Toản mới ngần ngừ lên tiếng:

- Dạ thưa cụ! Về việc này anh em chúng tôi trong đảng ủy và ủy ban đã giải thích cho chị Hằng trên xã. Tuy nhiên với trường hợp cụ Sơn thì…?

- Vấn đề đưa cụ Sơn về nghĩa trang thôn thì đơn giản, nhưng theo ý nguyện của gia đình có lẽ phải bàn thêm anh Toản với chị Hằng ạ.

Nói rồi ông Nhũ đi ra ngõ gọi với sang nhà ông Chì và ông Khái. Một lúc sau, cả tổ quản trang đã tập trung đông đủ. Sau khi nghe Hằng trình bày nguyện vọng, anh em tổ quản trang nhìn nhau, rồi nhìn Chủ tịch xã Toản đang lúng túng. Tăng mạnh dạn nói: 

- Tôi nói thế này chị cũng thông cảm cho. Trước đây do mạnh ai nấy làm, mọi nhà cứ nhận phần quây khu cho riêng dòng họ mình nên nghĩa trang rất lôm nhôm. Nhiều gia đình có khúc mắc với nhau vài phân đất rồi kiện cáo nhau phức tạp lắm. Chính quyền xã đã nhiều lần giải quyết hết sức khó khăn. Chính vì vậy trên không cho quây khu theo dòng họ nữa.

- Nhưng… chẳng lẽ các bác không linh động?- Hằng vẫn cố vớt vát.

- Không thể chị ạ. Đây có đồng chí chủ tịch xã đã phải đứng ra xử lý bao nhiêu vụ phức tạp. Đến nay mới tạm ổn. Nay phải theo phong trào chung chứ mạnh ai nấy làm thì còn đâu đất cho những người khác. Nếu mà linh động cho chị chắc nhân dân trong thôn Đồng Khoai sẽ lại có nhiều điều tiếng không hay. Rồi còn ảnh hưởng đến cả anh Dương lãnh đạo tỉnh nữa là đằng khác chị ạ - ông Nhũ điềm đạm giải thích.

Biết nguyện vọng của mình sẽ không thể được đáp ứng. Hằng nói với vẻ khó chịu:

- Được rồi! Vậy các bác phải chọn cho bố tôi nơi cao ráo, rộng rãi một chút. Quan tài bố tôi hơi to, yêu cầu phải đào rộng hơn bình thường đấy nhé!

Khi đã chọn được phần đất đào huyệt. Hằng tất tưởi cùng Toản đi xuống chân đồi. Nhìn theo chiếc xe con phóng đi, Tăng lẩm bẩm:

- Trời đất ơi! Cán bộ tỉnh nhà giàu nứt đố đổ vách thế mà đến bao thuốc lá bồi dưỡng cho mấy thằng phu đào huyệt cũng chả có.

Nghe Tăng nói vậy, ông Nhũ lườm Tăng và nói:

- Này cậu không được nói bậy bạ nhé. Nhà người ta đang đau khổ, cậu đòi hỏi thế mang tiếng cả tổ thì chết. Thôi tập trung vào làm đi.

Đúng như thời gian đã hợp đồng. Mười giờ sáng hôm sau thi hài cụ Sơn được đưa về nghĩa trang thôn Đồng Khoai an táng. Đi đầu đoàn xe tang là chiếc xe con của cảnh sát giao thông dẹp đường. Tiếng còi hú vang từ đầu xã tựa như đoàn xe hộ tống lãnh đạo cấp cao. Theo sau là xe tải chở vòng hoa, xe chở các bức trướng rồi mới đến xe chở thi hài cụ Sơn. Tiếp đến là mấy chiếc xe ca chở người nhà và vài chục chiếc xe con các loại. Tính từ chiếc xe đi đầu đến xe cuối cùng chắc có lẽ phải gần một cây số mới hết. Đội cảnh sát giao thông huyện cùng lực lượng công an các xã xung quanh có mặt rất sớm để làm nhiệm vụ giữ trật tự. Dưới sự hướng dẫn của lực lượng công an, đoàn xe đỗ ngay ngắn theo hàng lối tại bãi ruộng cạn dưới chân đồi. Quan tài cụ Sơn được chuyển xuống chiếc xe tang của thôn để kéo bộ lên nghĩa trang. Con cháu của cụ mặc đồng phục tang màu đen, đầu đội khăn trắng sụt sùi theo sau. Những người dân thôn Đồng Khoai thấy trang phục tang lạ mắt nên cứ nhìn theo mãi.

Khi tổ quản trang cùng cánh “nô tỳ” đắp xong mộ cụ Sơn, những chiếc vòng hoa đủ kích cỡ được chất xung quanh mộ tựa như một núi hoa lớn. Khói hương nghi ngút cay xè mắt. Ông Dương cầm nắm hương vái trước mộ cha và vái những người xung quanh. Cắm hương xong, Dương cầm cái loa tay đứng bệ vệ cảm ơn các cơ quan đoàn thể từ tỉnh đến xã và những người đưa tiễn cha mình. Cuối cùng anh mời tất cả mọi người về nhà hàng Hoa Mai trên thị xã ăn bữa cơm chia buồn với gia đình.          

Mọi người tản nhanh xuống chân đồi. Ông Nhũ cúi xuống cắm nén hương vĩnh biệt ông bạn già, vừa ngẩng lên phủi tay thì Hằng xuất hiện trước mặt. Hằng mắt đỏ hoe, vội kéo ông Nhũ cùng mấy anh em tổ quản trang ra một góc rồi dúi vào tay ông Nhũ tập tiền năm trăm ngàn mới cứng và nói:

- Mười lăm triệu đấy, không phải đếm đâu!

Ông Nhũ ngạc nhiên:

- Sao nhiều thế? Tổ quản trang chỉ lấy theo theo quy định của thôn thôi. Có lẽ chúng tôi chả dám nhận…

- Thôi mà, vợ chồng cháu có lòng thành mong cụ nhận giúp cho- Hằng cắt ngang lời ông Nhũ.

- Nhưng anh chị làm thế này thì trong thôn sẽ dị nghị đấy.

- Vẽ chuyện!

Hằng có vẻ hơi bực nói trống không và quay ngoắt đi. Ông Nhũ cầm nắm tiền cùng mấy anh em cứ đứng nhìn theo Hằng. Mãi sau ông Nhũ mới cùng anh em trong tổ quản trang và mấy cụ già trong thôn ra về. Vừa đi Tăng vừa lẩm bẩm:

- Gớm, cái ông Dương mời mình lên tận nhà hàng trên thị xã để ăn cơm cơ.

- Ừ. Ra đấy ăn cơm, thà mình ở nhà còn cày được mấy sào ruộng ấy chứ - Nhất  vội đế theo.

- Thôi đi các cậu, người ta đã “bồi dưỡng” hẳn cho mình từng đấy tiền cơ mà.

Nghe ông Nhũ nói vậy Tăng và Nhất im lặng lầm lũi bước đi. Xuống đến chân đồi gặp mấy cậu thanh niên đang ngồi trên xe máy để đón các cụ già. Một đứa hớn hở khoe:

- Ối trời ơi! Sớm nay chúng cháu phóng lên thị xã để đưa tang cụ Sơn. Sướng thật đấy.

- Vâng! Có cảnh sát hộ tống, ngã ba ngã tư công an đứng gác nên đoàn xe cứ thế chạy băng băng, chúng cháu cũng được ngồi trên xe ca thích lắm- một đứa khác tiếp lời bạn.

Nghe chúng khoe, ông Nhũ đang định vặc lại chúng thì một cụ già trong thôn lên tiếng:

- Ừ mà cũng đúng thật, cụ Sơn số sướng. Chết thế mới thích các ông ạ.

*

     Vợ chồng ông Nhũ có bốn người con, nhưng chỉ có Thái là trai. Các chị gái của Thái đã đi lấy chồng. Thái là út được ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp đại học nông nghiệp, Thái được nhận công tác tại huyện. Vợ chồng Thái đã mua đất, xây nhà trên thị trấn huyện. Ngôi nhà xoan rộng thênh thang chỉ có vợ chồng ông Nhũ ở. Vợ chồng Thái định đón ông bà Nhũ lên để dưỡng già. Ông Nhũ không chịu, bởi vì ông là trưởng họ phải thờ cúng tổ tiên. Ông Nhũ đã thẳng thừng với Thái rằng ông sẽ không bán ngôi nhà của ông nội để lại. Ông còn nói sau này vợ chồng ông chết thì ngôi nhà sẽ là từ đường cho cả dòng họ. Ông cho vợ chồng Thái sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay tiền xây nhà. Rồi ông giao hẳn sổ đỏ ngôi nhà ông đang ở cho Thái giữ. Bởi ông nghĩ ngôi nhà từ đường đằng nào sau này cũng sẽ do Thái quản lý.

     Một hôm vợ chồng Thái về nhà nói với ông bà Nhũ là phải bán ngôi nhà này. Ông Nhũ chuyển thái độ từ ngạc nhiên sang bực tức. Ông nói rành rọt:

     - Tao không bán và cũng không đi đâu hết.

     - Bố ơi! Bố có biết con khổ sở thế nào không? Hơn một tháng nay con bị lãnh đạo huyện phê bình đấy- Thái đau khổ.

     - Phê cái gì chứ? Mà mày bị phê bình lại về đòi bán nhà từ đường là sao?- Ông Nhũ đã không giữ được bình tĩnh khi nghe con trai nói.

     Nghe bố gắt với mình nhưng Thái vẫn điềm đạm:

     - Bố ạ! Họ nói con là trưởng phòng cấp huyện mà lại để bố mẹ già ở quê không người săn sóc. Bố vẫn phải làm việc quần quật mà nhẽ ra phải được nghỉ ngơi hưởng thụ. Họ còn nói bố làm tổ trưởng quản trang tự ý thu của thân nhân người chết một cách vô nguyên tắc với số tiền rất cao.

     Nghe con nói vậy ông Nhũ chột dạ. Rồi chợt nghĩ xưa nay tổ quản trang của ông chỉ làm phúc chứ chưa bao giờ vòi vĩnh đặt giá cho đám nào cả. Liên tưởng đến việc Hằng đưa nhiều tiền cho tổ quản trang, ông lờ mờ nhận ra có gì đó bất ổn nên hết sức hoang mang. Đang định nói gì đó cho con hiểu thì bà Nhũ từ tốn:

     - Thôi ông ạ! Con nó nói đúng đấy, ông già rồi mà việc làng ông lăn lộn như vậy nhỡ ốm đau thì khổ. Hai vợ chồng chúng được ăn học, sống biết điều. Bán ngôi nhà này đi gửi tiết kiệm lấy lãi cùng với khoản tiền lương cán bộ xã nghỉ hưu của ông thì vợ chồng mình chẳng phải ăn bám chúng đâu mà sợ. Vợ chồng nó sau này thay ông là trưởng họ. Chỉ cần chúng nó có cái tâm với dòng họ là được, chứ nhà từ đường không có cũng chẳng sao. Mình phải nghĩ đến tương lai của chúng nó nữa chứ.

     Ông Nhũ đang băng khoăn, nghe vợ nói vậy thở thượt một câu:

     - Ừ thì thôi! Mày muốn tính thế nào thì tính.

     Thế là ngôi nhà ông Nhũ được bán cho Khánh là thương binh người xã bên. Hôm ông bà Nhũ dọn đồ đi với con thì Khánh cũng ùn ùn dọn đến ở. Tổ quản trang cùng với nhiều người dân thôn Đồng Khoai đến giúp thu dọn đồ đạc. Trước khi đi, ông Nhũ nhìn khắp lượt mọi người rồi nói:

- Chào tất cả bà con nhé, chúng tôi lên đó bà con qua lại nhớ ghé vào chơi đấy.

     Thấy mọi người cùng lặng im vẻ buồn bã, ông Nhũ nói đùa một câu với mấy anh em tổ quản trang:

- Vợ chồng tôi lên với các cháu để dưỡng già, lúc nào tôi chết anh em nhớ đón về nằm cạnh ông cụ Sơn cho có bầu bạn nhé.

Lần đầu tiên ông Nhũ nói đùa nhưng không được ai tán thưởng.

*

 Thôn Đồng Khoai có Lã là em họ xa với ông Dương. Lã cũng là bộ đội phục viên, được ủy ban xã giao làm xã đội phó phụ trách công tác chính sách. Mỗi lần chi trả tiền một lần cho các gia đình chính sách, Lã thường xuyên vòi vĩnh ăn chia. Thế là ủy ban xã buộc Lã phải nghỉ công tác. Nể Lã là người nhà ông Dương nên ủy ban xã sắp xếp cho làm Trưởng thôn Đồng Khoai. Trong đợt được huyện hỗ trợ xi măng làm đường giao thông của thôn, đoạn đường có bốn cái cống qua đường lẽ ra phải làm mới thì Lã chỉ làm một cống. Trong bản quyết toán với huyện, Lã vẫn kê khai đã làm mới bốn cái cống. Nhân dân trong thôn phát hiện yêu cầu xã kiểm tra lại. Từ lần đó Lã bị xử lý kỷ luật và cho thôi làm trưởng thôn. Mặc dù vậy, nhưng Lã đi đến đâu vẫn bẻm mép rằng đó là tiền “bôi trơn” cho huyện thì mới có được con đường trong thôn đẹp như thế. Thực tình dân thôn Đồng Khoai cũng chả ai hơi đâu mà nghe, mà đối đáp lại với cái mớ “lý luận” quái gở của anh ta.

Thế rồi người ta lại thấy Lã hay lê la đi khắp thôn, hôm thì hỏi mua chục trứng gà, hôm thì mua mấy củ sắn, củ khoai. Có người hỏi sao mua nhiều những thứ đó, trong khi nhà ông không thiếu gì. Lã trả lời tỉnh bơ rằng mua gửi lên cho các cháu ông Dương trên tỉnh vì chúng thích quà quê. Hầu như nhà nào ông cũng đến, chỉ trừ nhà mấy người trong tổ quản trang. Thậm trí ông đến cả nhà ông cụ Tứ sống độc thân hỏi mua trứng gà. Ông cụ Tứ  chuyên đan rổ, rá bán chứ nào có nuôi gà vịt gì đâu.

Một hôm đích thân Lã lên xã gặp ông Toản Chủ tịch đề xuất ý kiến:

- Tôi đề nghị các anh nên kiện toàn lại tổ quản trang. Cần phải để cho nhân dân bầu thành viên trong tổ và tổ trưởng hẳn hoi. Ủy ban xã quyết định công nhận và có quy chế thu chi tiền trong tổ. Như thế mới đúng theo quy định thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới chứ.

Nghe ông Lã đề xuất, ông Toản thấy có lý. Thế rồi ông báo cáo đảng ủy và tiến hành củng cố kiện toàn lại tổ quản trang. Lần họp thôn Đồng Khoai đầu tiên là để chuẩn bị nhân sự có phó chủ tịch xã về chỉ đạo. Khi vấn đề đặt ra, cả thôn ồn ào với hai luồng ý kiến. Thứ nhất là để nguyên tổ tự quản và thứ hai cần phải củng cố lại. Đại đa số theo luồng ý kiến thứ nhất. Họ cho rằng anh em tổ quản trang đã quen việc, có trách nhiệm và không đòi hỏi bất cứ thứ gì cả. Việc các gia đình gửi tiền thuốc nước là do tự nguyện. Nhiều gia đình thuộc diện nghèo không có tiền, anh em tổ quản trang cũng vẫn nhiệt tình phục vụ với tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”. Số ít theo luồng ý kiến thứ hai cho rằng xây dựng mục tiêu xây dựng nông thôn mới thì tổ quản trang phải hoạt động có nề nếp. Tuy có sự đôi co giữa hai luồng ý kiến, nhưng cuối cùng vẫn thống nhất được bản danh sách dự kiến. Toàn thôn nhất trí để lại bốn người cũ và bổ sung thêm anh Khánh là người mua nhà của cụ Nhũ. Dưới sự chỉ đạo khéo léo của phó chủ tịch xã, thế là bản danh sách được bổ sung thêm Lã với dự kiến sẽ giữ chức tổ trưởng. Nhân dân trong thôn lại ồn ào cho rằng chức tổ trưởng phải là Tăng mới xứng đáng. Cuộc họp kết thúc với vô vàn ý kiến móc máy lẫn nhau.

Sau lần họp thứ nhất ấy. Một hôm đi chợ gặp vợ Tăng, vợ Lã đã hỏi thẳng:

- Thế ông Tăng nhà chị định chiến đấu đến cùng à?

Nghe vợ Lã hỏi mình vậy, vợ Tăng đáp:

- Vâng! Nhưng chắc chẳng trúng đâu vì nhà em chả có tiền mua trứng gà, khoai sắn, quà quê chị ạ.

Nghe vợ Tăng nói kháy chồng mình, vợ Lã bực mình nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi nhếch mép:

- Được! Xem mèo nào cắn mỉu nào nhé!

Thế là lá đơn nặc danh dưới danh nghĩa nhân dân thôn Đồng Khoai gửi lên ủy ban xã kiện tổ quản trang. Nội dung kiện là việc tổ quản trang làm việc vô nguyên tắc, tự ý thu của gia đình có người quá cố với số tiền rất cao, nhân dân trong thôn vô cùng bức xúc.

Tại cuộc họp thôn lần thứ hai, Tăng được bầu làm tổ trưởng với trên một trăm phiếu. Ngược lại Lã chỉ nhận được có bốn phiếu bầu cho mình. Lã hậm hực bỏ về khi cuộc họp thôn vẫn chưa kết thúc. Ngay ngày hôm sau, ủy ban xã đã ban hành quyết định phê chuẩn tổ quản trang, trong đó Tăng làm tổ trưởng và Nhất làm tổ phó. Nhận tờ quyết định còn tươi rói dấu son, hai người cùng đạp xe lên xã để trả lại. Lý do Tăng và Nhất trình bày đó là mình “không quen” làm cán bộ. Ông Toản chủ tịch xã sau một hồi không thuyết phục được hai người, đành cất tờ quyết định vào tủ tài liệu.

Vậy là cái chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ quản trang thôn Đồng Khoai không có người đảm nhiệm. Nhưng mỗi lần trong thôn có người quy tiên mấy anh em Tăng và Nhất cùng cánh thanh niên phục vụ tận tình như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

 

                                                                   P. L. Đ

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter