• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tôi và Nhà văn Hoàng Thế Sinh và bến Sông Hồng
Ngày xuất bản: 20/09/2021 1:59:12 SA

Đoàn Hữu Nam

Có lẽ tôi có duyên nợ với nhà văn Hoàng Thế Sinh từ hơn bốn mươi năm trước.

Ngày ấy tôi đang làm một “phu lục lộ” của một đội công trình từ Hưng Khánh được điều động ra làm đường tại thị xã Yên Bái. Thị xã miền rừng này sau năm 1975 tiêu điều, hoang tàn, xơ xác, song với chúng tôi, những kẻ cả năm trời mở đường chui vào rừng sâu núi thẳm được ra nơi gọi là phố phường, có điện, nhà ga, bến xe là ghê lắm rồi. Hơn thế nữa, do không có mặt bằng dựng lán trại, khối lượng công việc được giao lại không nhiều nên Công ty Cầu đường đã thuê hẳn cả khu nhà trọ quốc doanh của thị xã cho chúng tôi ở. Đám công nhân chúng tôi hả hê vui sướng lắm, đang quanh năm ở lán nứa, ngủ sạp nứa, ăn, tắm nước suối, ngã nước điểm mặt không thiếu đứa nào tự nhiên được ở nhà xây, phòng ốc vào đóng ra khóa, giường chiếu chăn màn, nước máy, điện đóm đầy đủ thì còn gì bằng nữa. Tôi còn hơn thế, tuy là “phu lục lộ” ngày nọ sang ngày kia cắm mặt vào mặt đường lầm bụi song cái máu mơ mộng đã chảy trong máu từ trong bụng mẹ nên có mệt nhọc, cực khổ thế nào tôi cũng cố lách ra được khoảng trống để nguôi ngoai đủi đen số phận, để phiêu diêu cùng “mây gió trăng hoa tuyết núi sông”. Nhà trọ của chúng tôi lại ở gần sông Hồng lộng gió, nơi trời mây non nước có thể làm cho mộng mơ thỏa sức vẫy vùng.

Trong những ngày tháng thanh xuân ấy vuột ra khỏi sự cực nhọc lúc nào là tôi lại băng qua đường qua phố, ào ra bờ sông Hồng đỏ lựng phù sa.

 Lúc thả mình trong dòng chảy cho dòng nước mát lạnh thấm khắp châu thân, cho sức lực mười tám đôi mươi bùng lên khao khát.

Lúc thoải mái giang chân giang tay trong vụng nước ngắm nhìn trời cao tít tắp, bên bờ ngàn lau lả lướt, trên bãi hoa cải vồng lên màu nắng, nón trắng nhấp nhô, ai đó cất lên tiếng hò khoan khiến dịu ngọt dâng dâng như ân huệ trời ban riêng cho kẻ lạc loài.

Lúc ngồi lặng trước dòng nước mênh mông, dưới đó là những bè nứa, bè gỗ nối nhau neo đậu, đám trẻ nhầng nhầng lặn ngụp đến quên đói quên rét, bờ bên này hân hoan bồi lở, bờ bên kia phấp phỏng lở bồi.

Cứ thế, buổi sáng mặt sông nhập nhòa trong sương sớm, gió nhè nhẹ thổi, cây cối rì rào, rì rào, mặt trời đón một ngày bằng cách hớn hở cõng cái lược vàng chải rừng chải núi. Buổi chiều, mặt trời lặc lè lăn bánh xe vàng xuống núi, thúng trời trong tầm tay với, mặt nước lấp lánh lân tinh, gió sông bao giờ cũng quen, bao giờ cũng lạ, có ai say màu mật rót đang vụng về gom nắng vào chum.  

Cứ thế hầu như ngày nào dòng sông Hồng đỏ rực phù sa cũng đưa tôi vào thế giới thế tục mà hư ảo, gần gũi, mộc mạc mà mênh mang, tinh khiết đến vô cùng.

Ngày ấy tôi đã nghĩ nếu cứ được mơ mộng ở khúc sông thần tiên này một thời gian nữa thế nào tôi cũng sẽ thành thi sĩ, tôi có biết đâu, ngay trên đầu tôi, trong một ngôi nhà bên lối xuống sông có một người hàng ngày cũng mơ mộng như tôi, hơn thế nữa anh đã chuyển những mơ mộng ấy ra trang văn trang thơ, đó là nhà văn Hoàng Thế Sinh.

Tôi gặp nhà văn Hoàng Thế Sinh khá muộn, khi đó anh đã một cây bút khá nổi danh trên văn đàn của tỉnh, của đất nước, đã xuất bản 1 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, một tập bút ký, 1 tiểu thuyết, còn tôi mới mon men vào nghề viết.

 Ngay lần đầu gặp anh tại Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, tính cách mạnh mẽ, nói hết mình, uống hết mình, thích bông phèng, bất cần đời của anh đã làm tôi thích thú, thấy không cần phải tìm tri kỷ ở đâu nữa. Tôi thổ lộ điều này với anh, anh kéo tuột tôi về nhà mình, tôi ngỡ ngàng, hóa ra ngôi nhà của anh ở cạnh lối đi xuống bến sông Hồng mà cách đấy mười mấy năm nhẵn dấu chân tôi. Đúng là không hẹn mà gặp, tôi ồ lên, anh ồ lên, tôi bày cái ngày xưa ra giữa giời, anh phơi cái lâu nay ra giữa phố, anh kéo tôi ra bờ sông, mơ mộng: “Đấy chú xem cảnh đẹp thần tiên chưa, trước mắt anh em mình là sông Hồng đỏ lịm phù sa, chỉ qua một đêm xuân mà biến thành dòng sông mây trắng tràn ngập đôi bờ. Kia nữa, mặt trời giống chiếc đĩa lửa khổng lồ đỏ rực lừ lừ bay lên đỉnh núi, những tia nắng ban mai như tơ tằm giăng mắc trong sương mờ lan tỏa khiến cho phố núi trở nên hư ảo lạ thường. Kia nữa, bầu trời xanh thăm thẳm, mấy cụm mây trắng bồng bềnh bồng bềnh, gió khẽ thoảng, dọc bờ sông lao xao bờ tre ngà, xôn xôn phố phường, đôi chim gâu gù rung trời tơ vàng, bao mầm non dâng lên xanh tươi, trời mây sông nước, bãi bờ mộng mơ, yên bình thế này mà không thành thơ thành văn mới lạ.”, “Trời ơi anh yêu sông, hiểu sông đến thế thì đúng là sông không phụ lòng anh thật.”- Tôi ồ lên khâm phục. “Anh không chỉ yêu sông đâu, anh còn yêu thị xã này nữa, chú theo anh lên đây thì sẽ hiểu tại sao anh có văn có thơ.”, anh vừa nói vừa hăm hở kéo tôi đến chỗ đơn vị cầu đường chúng tôi trọ năm xưa, ngôi nhà năm xưa đã tu sửa thành cửa hàng bách hóa, anh xin phép chị cửa hàng trưởng rồi đưa tôi lên sân thượng tòa nhà. Trước mặt chúng tôi là thị xã Yên Bái sôi động. Sông Hồng. Núi non. Nhà cửa. Đường xá. Trường học. Công sở. Sân vận động. Nhà ga xe lửa… Tất cả làng nhàng, lô nhô, giản đơn, luộm thuộm song cái nọ tôn cái kia, cái này bổ khuyết cho cái khác, nơi này nơi kia hứa hẹn sẽ cho một thành phố bề thế, sầm uất. Anh bảo tôi “Phải ngắm kỹ, ngẫm nghĩ kỹ mới thấy thị xã này không chỉ đẹp mà còn hợp với phong thủy nữa.”, “Anh có vẻ rất hiểu về phong thủy nhỉ?”- Tôi hỏi anh, anh vừa hào phóng khoát tay một vòng vừa rổn rảng: “Cũng lõm bõm thôi, nhưng cứ trong ý tứ mà suy thì thị xã này có Thanh Long là dòng sông Hồng, có Bạch Hổ là quốc lộ bảy mươi, có Chu Tước là hồ Yên Hòa, có Huyền Vũ là đuôi núi Con Voi thì quả là mảnh đất tốt nhất, quý nhất mà cha ông ta đã chọn đấy”, thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh hứng khởi: “Theo quan niệm phong thủy thì nơi ở của con người lấy đại địa sơn hà làm chính, khí thế là mạch lớn nhất, quan hệ đến phúc họa của con người là thiết yếu nhất, nơi này hợp với đại địa núi sông, có mạch khí vượng, tụ hội được lòng người, đúng là thiên thời địa lợi, các cụ nhà mình quá tài, nhờ các cụ mà con cháu ngày một vượng đấy.”. Thật là là… có người nói mỗi nhà văn phải có một vùng đất, vùng đất ấy trở thành máu thịt, tâm hồn họ thì văn chương mới phát, mới hay được, điều đó quá đúng với Hoàng Thế Sinh, tình yêu đất, yêu người của anh là bài học, là cảm hứng sáng tạo anh truyền cho tôi, tôi làm bạn vong niên với anh từ đó.

Mới đó mà đã ngót ba chục năm, ba chục năm đam mê chữ nghĩa đã cho anh bước tiến dài trên con đường văn chương, với khối lượng xuất bản đồ sộ, gồm 1 tập Thơ, 2 tập Ký, 7 tập Truyện ngắn, 9 tập Tiểu thuyết, một loạt giải thưởng văn học từ các Hội chuyên ngành Trung ương đến địa phương cùng sự yêu mến của đông đảo độc giả trên cả nước là minh chứng cho sự sáng tạo văn học không mệt mỏi của anh với tỉnh Yên Bái, với nước nhà.

Là người đọc Hoàng Thế Sinh không sót một tập sách nào, hơn thế nữa, tôi còn có vinh dự được chuyển hai tiểu thuyết của anh ra kịch bản phim truyền hình, đó là phim Rừng thiêng 15 tập, phim Thuốc phiện và lửa 12 tập và đều được Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC sản xuất, cùng tác giả Nguyễn Văn Cự chuyển thể tiểu thuyết Ma tiền sang thành 56 tập kịch bản phim cùng tên (song chưa lọt được vào mắt xanh của nhà sản xuất). Qua đọc anh, làm việc với anh, ngoài cảm mến tài năng của anh ra tôi yêu văn, yêu thơ của anh ở sự rành mạch yêu ghét rõ ràng, ở Yên Bái quê hương thứ hai của anh hiện lên mồn một. Những cảnh đẹp, lợi thế về địa thế núi sông, đồng ruộng, thiên nhiên ưu đãi. Những con người, con vật vật vã để tồn tại, sinh sôi. Những tàn bạo của thiên nhiên khắc nghiệt, tàn bạo của con người. Những lòng tốt đến thánh thiện. Những mưu mô xảo trá đến kinh hoàng, bại hoại. Những kẻ thủ ác cản bước sự phát triển của xã hội. Những mầm cây vươn lên trong bão táp phong ba… Tất cả, lúc nhẹ lòng, lúc nhói đau, lúc hờn căm, bất lực, lúc bâng khuâng, tự hào như đang hái quả vườn nhà, tất cả cứ hiển hiện dưới ngòi bút của anh - một nhà văn đau đáu tư cách công dân.

Trong suy nghĩ về nghề văn Hoàng Thế Sinh tâm nguyện: “Tôi cảm nhận viết văn là một nghề “Giời đày”, một nghề lao động sáng tạo khắc nghiệt và thật hạnh phúc. Tác phẩm văn học phải gắn với thân phận con người, gắn với vận mệnh đất nước, nếu không chẳng có ý nghĩa gì cả.”.

Và anh đã đeo đuổi tâm nguyện này cả đời, dẫu cuộc đời của anh đã gặp không ít chông gai.

 

Đ.H.N

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter