• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Cánh cung đỏ (Trích Tiểu thuyết của Nhà văn Hà Lâm Kỳ)
Ngày xuất bản: 27/08/2020 2:11:59 SA

 LTS: Tiểu thuyết Cánh cung đỏ của Nhà văn Hà Lâm Kỳ viết về đề tài cách mạng và kháng chiến trong giai đoạn 10 năm (1942 - 1952) được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản Quý IV/2018, và Nhà xuất bản Quân đội xuất bản Quý II/2019 đã đoạt giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnhYên Bái năm 2019 và giải A- Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Nhân Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái trân trọng giới thiệu với bạn đọc đoạn trích tiểu thuyết Cánh cung đỏ.

 

Cánh cung đỏ

Trích Tiểu thuyết của Nhà văn Hà Lâm Kỳ

 

Chánh hội Nang Sa Đặng Bá Lâu đi đi lại lại trên nền sân đất nhà mình mà lòng dạ bồn chồn, ông đang đợi khách đến ở trọ. Khách là ai thế? Mấy lần trước Đào Đình Bảng đến dặn người này như thế này, người khác như thế kia. Khách nào thì ông Chánh hội vẫn cứ nhiệt tình, nhưng tính ông không tò mò, không dò hỏi trước nên có lần lỡ trách thằng cháu Đào Đình Bảng “ Lãnh đạo Trung ương mà mày không nói rõ làm như bạn đến chơi nhà”. Khi biết chuyện, ông Lê Thanh Nghị vỗ vai bảo: “ Đi làm cách mạng, vượt ngục thực dân, được đích thân Chánh hội lo ăn ngủ thế này là sướng như tiên rồi ông bạn ơi!”. Rồi nhà ông đón Trần Quốc Hoàn, đón nhiều anh em tù chính trị từ Sơn La về, từ Nghĩa Lộ ra, ở một hai hôm rồi về xuôi. Cánh hương hội, chức lý biết cả, thậm chí cai đội, dõng binh có lúc cũng lượn qua lượn lại thăm dò. Nhưng với Chánh hội Đặng Bá Lâu, cứ ăn ở tốt với tất cả mọi người, cứ làm việc thiện, không ai nỡ nào...

Kia rồi, Bảng đã đưa khách tới.

- Ôi, anh Ngô Minh Loan. Cứ tưởng người lạ- Đặng Bá Lâu vồn vã rồi ôm chầm lấy Ngô Minh Loan.

- Anh khỏe không? Mới có gần năm xa anh, xa sư Thiện Linh Thông, lạ sao được? Mà dạo đó chưa phải “nằm vùng”, còn lần này thì hẳn rồi.

Ngô Minh Loan vừa nói vừa lắc lư hai vai Chánh hội làng Nang Sa cười hiền lành làm cho Đào Đình Bảng, Đào Xuân Phái cũng bất ngờ gặp giây phút xúc động. Nhận chén nước chè từ tay bạn làng, Ngô Minh Loan nói tiếp.

- Lên đây nửa tháng rồi ông ạ, nhưng “tổ chức” chưa cho gặp nhau. Cười. Nhiệm vụ của tôi là tiếp tục công việc mà anh Nguyễn Duy Thân đang tiến hành theo sự chỉ đạo của Trung ương. Có điều thời cơ cách mạng đang đến, cần gấp gáp hơn, mạnh mẽ hơn. Một phần nhờ ở ông bạn Chánh hội nhé.

- Chả cứ gì riêng tôi, mà cả làng cả tổng đang chờ anh, ủng hộ anh Thân và anh, phát triển Việt Minh.

- Không chỉ tổ chức Việt Minh, Hội ấy tốt rồi, ta làm tốt nữa. Mà việc quan trọng anh Lâu ạ, là phải thành lập được tổ chức Đảng cơ sở, phải thành lập được Đội võ trang, phải xây dựng được khu căn cứ cách mạng, và phải phát triển được quần chúng ở thị trấn Yên Bái, ở tổng Giới Phiên, tổng Lương Ca, tổng Đại Lịch rồi vào Mường Lò Nghĩa Lộ tự đứng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến. Thời gian thì không được chậm anh ạ.

Đào Xuân Phái xen vào:

- Cậu ạ. Anh Ngô Minh Loan sẽ ở lại nhà mình mấy ngày, việc hội họp có thể sẽ diễn ra ở đây. Chú Trần Quang Bình đã giao nhiệm vụ cho chúng cháu lo liệu phần việc này.

- Anh Loan yên tâm, anh cứ lo việc, còn ăn nghỉ, bà nhà tôi là người chu đáo. Các cháu nữa, cậu sẽ gặp ông Chánh tổng, Lý trưởng bàn với họ.

Tối đó, Đặng Bá Lâu kể về lần đưa Nguyễn Đức Quỳ đến làm gia sư cho gia đình Chánh tổng Trần Đình Khánh, ba ông đàm đạo chuyện yêu nước cả buổi. Qua ông Chánh hội Nang Sa, Ngô Minh Loan hiểu thêm về tư tưởng của các hào lý tổng Động Lâm, tổng Giới Phiên và Lương Ca trong bối cảnh Nhật đảo chính Pháp. Riêng Lương Ca, Ngô Minh Loan sẽ trực tiếp đến gặp Chánh tổng Trần Đình Khánh.

Đường rừng Vân Hội, sau trận mưa đẫm nước mà không trơn, các cụ bảo “mưa rào, đường sạch” đúng thế.

Trần Đình Trọng nhận được thư của Đào Đình Bảng vội vàng cuốc bộ ra Hạ Bằng La, tại đây, hai cậu học trò trường Động Lâm ngày nào gặp nhau, hoan hỉ.

Bảng:

- Lâu lâu rồi, không gặp. Ông bà Chánh tổng có khỏe không? Cho ông Chánh hội Lâu hỏi thăm ông bà nhé.

- Được rồi, sẽ chuyển lời của ông Chánh hội đến anh Khánh- Trọng đáp.

Bảng:

- Có việc thế này Trọng ạ. Xứ ủy và Tổng bộ cử anh Ngô Minh Loan lên thay anh Nguyễn Duy Thân. Anh Loan thì chưa đến Lương Ca, tôi và anh Đào Xuân Phái được anh Loan cử gặp Trọng, bàn với Trọng, chuẩn bị ngay tinh thần cho ông Chánh Khánh, ngày kia, anh Loan sẽ vào gặp ông.

Trọng:

- Tôi có nghe tin anh Thân đã đi nhận nhiệm vụ nơi khác, người về thay thì tôi chưa biết mặt. Sau lần anh em mình cùng bị đuổi khỏi trường Động Lâm, tôi có nghe Đào Văn Súy kể về Ngô Minh Loan, anh ấy được cả sư chùa Linh Thông Nguyễn Văn Chính nuôi giấu những ngày đi thực tế ở Hiền Lương.

Bảng:

- Đúng đấy, lần đó mình theo cậu Đặng Bá Lâu vào chùa thuyết phục sư Thiện, lúc đầu thầy băn khoăn, sau đó thầy xem như khách quý. Từ đó Linh Thông trở thành cơ sở bí mật của Việt Minh. Ngày kia tôi đưa anh Ngô Minh Loan vào gặp Chánh tổng, ông là anh trai của Trọng, anh và Đinh Hàm thuyết phục ông trước để anh Loan làm việc dễ dàng.

Trọng:

- Việc đó thì được Bảng ạ. Có điều Chánh tổng phải làm những gì, anh nói trước với anh Ngô Minh Loan.

- Được rồi. Cứ thế Trọng nhé. Anh về Vần đi.

Người đưa vào làng Vần, Ngô Minh Loan cử Đào Xuân Phái. Phái là người trực tiếp giúp việc cho Nguyễn Duy Thân, các ông Chánh tổng, Lý trưởng đều biết và có phần vị nể. Phái đưa Ngô Minh Loan đến nhà Đinh Văn Hàm, Trần Đình Trọng đón ở đó.

Đào Xuân Phái ngoảnh sang Ngô Minh Loan.

- Đây là Trọng, em trai ông Chánh Khánh người cùng học với Bảng và Súy ở Động Lâm. Còn đây là Đinh Văn Hàm dạy sơ học, người Vân Hội, cháu rể ông Chánh.

Ngô Minh Loan bắt tay theo thông lệ gặp gỡ lần đầu.

Đào Xuân Phái nói tiếp.

- Anh Ngô Minh Loan bí danh là Quang Minh cán bộ Xứ ủy về nhận nhiệm vụ thay anh Duy Thân. Anh Bảng cũng đã nói với anh Trọng rồi.

Ngô Minh Loan vui vẻ.

- Tôi có hoàn thành nhiệm vụ lớn hay không, một phần nhờ ở các anh đấy.

Đinh Văn Hàm chắp hai nắm tay hài hước kiểu nhà giáo.

- Ấy ấy, chúng tôi chỉ biết hết sức cố gắng thôi ạ.

Bốn người đàn ông vượt qua đèo Giang, con đường rừng nối từ làng Vân Hội với làng Vần. Cũng chính con đường này ghi dấu những bước chân đầu tiên của lớp cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ trước cánh cung Hiền Lương- làng Vần- Đại Lịch, vào Nghĩa Lộ.

Trần Đình Trọng đi sát bên Ngô Minh Loan:

- Đường xuyên sơn này, người làng tôi từng được đưa đón ông Hoàng Quốc Việt rồi đấy anh ạ.

- Mình có biết chuyện đó, nhưng mà ai đưa? Anh Hoàng Quốc Việt có gặp ông Chánh không?- Ngô Minh Loan vừa bước vừa hỏi.

- Hôm ấy có anh Nguyễn Duy Thân đi cùng, chú Việt chỉ đi xuống dân, chưa tiếp xúc với hào lý, còn người đưa đường là chú Hoàng. Bây giờ Hoàng ra Yên Bái làm công nhân Nhà Đèn.

- Thế à. Trọng duy trì liên lạc với Hoàng nhé, rồi cho mình biết.

Đinh Văn Hàm cũng bước lên đi sát vào Ngô Minh Loan.

- Ta lên đỉnh dốc, dốc lắm. Đèo Giang núi Nả có tiếng cả vùng, anh Quang Minh chú ý kẻo trượt chân.

- Yên tâm, tôi chưa đi miền núi nhiều nhưng hai lần lê xích trong tù, quen rồi!

Nghe cụm từ lê xích trong tù, chua xót, mà ai cũng bật cười.

Đinh Văn Hàm:

- Tôi cũng đã học trường Động Lâm, nhưng rồi bỏ, sang Phú Thọ học trường Sơ học, lấy bằng Yếu lược, về quê dạy học. Lần được gặp anh Nguyễn Duy Thân, anh Thân bảo hoạt động, tự chọn cho mình bí danh, rồi anh đặt tên cho tôi là Văn, rút chữ “Văn” khỏi Đinh Văn Hàm, còn là Đinh Hàm, thuận miệng thành quen nên cứ “Đinh Hàm”. Gọi thế nào cũng được thôi mà!

Quang Minh cười:

- Anh đúng là ông đồ làng. Hay!

- Hôm đó- Đinh Văn Hàm kể tiếp- anh Thân cũng đặt tên cho Trọng là Phong, còn trẻ phải “xung phong”, phải như “gió cuốn”! Rồi đặt cho Lợi là Trần, lấy họ làm tên bí danh. Còn “cụ” giáo Quỳ, Nguyễn Đức Quỳ ấy, là Đức. Không biết bây giờ thầy Nguyễn Đức Quỳ ở đâu? Đinh Văn Hàm hỏi một cách lơ đãng- Thầy Quỳ hay chữ, thương học trò, hay nói về cách mạng, được ông cụ Khánh rất quý.

Đào Xuân Phái bước sau Ngô Minh Loan lên tiếng:

- Anh Thân kể cái bí danh “Thân Mập” của anh cũng là do giáo Quỳ đặt ra ngày cả hai anh cùng nằm Căng Nghĩa Lộ đấy. Nghe nói, anh Thân gợi ý cho giáo Quỳ lên dạy học ở Cổ Phúc.

Chuyện đường thật nhanh. Làng Vần hiện ra theo tán cây cổ thụ. Nhà Chánh tổng Lương Ca kia rồi, ngôi nhà sàn năm gian lợp cọ, nằm dưới chân sườn núi Nả, nhìn ra cánh đồng ruộng bậc thang xanh rì vụ lúa xuân hè.

Chánh tổng bước xuống chân cầu thang đón khách.

Đào Xuân Phái nhanh nhẹn có lời rồi quay sang Ngô Minh Loan:

- Xin chào ông Chánh tổng Lương Ca. Đây là anh Ngô Minh Loan mà Trọng đã nói với ông hôm qua.

Trần Đình Khánh:

- Vâng, chào các ông. Nghe nói về anh Loan rồi. Mời các ông lên nhà.

Ngô Minh Loan giữ ý nhường bước chân cho gia chủ. Chánh tổng cũng nghi lễ đón khách, cúi mình đưa tay, mời Quang Minh, mời Xuân Phái bước lên bậc rồi mới đến mình.

Đào Xuân Phái ghé tai Trần Đình Trọng hỏi nhỏ:

- Khách ngồi chỗ nào thì hợp lý?

Trọng hiểu ngay ý của Phái, tránh chuyện phạm tục người Tày nên giải thích:

- Tục người Tày ở đây, khách quý được xếp ngang hàng với người già và trưởng tộc. Mùa đông được mời ngồi trước bếp lửa, mùa hè ngồi sát song cửa sổ mặt tiền nhà sàn, chỉ tránh quay lưng vào bàn thờ thôi.

Phái chưa kịp định hình thì giáo Hàm đã mời Ngô Minh Loan ngồi vào tấm chiếu cói đỏ hồng trải trên gian khách. Bà vợ ông Chánh từ trong buồng bước ra khép tay chào khách theo tục người Tày Tạp. Ngô Minh Loan thoáng lúng túng:

- Vâng, chào chị.

Sau lời chào, bà Trần Đình Khánh lui vào gian trong. Những chén nước chè ướp hương hoa sen mới pha thơm ngát vừa được Trần Đình Trọng rót nhẹ, đặt vào tay người cán bộ Tổng bộ Việt Minh xa lạ. Như muốn phá tan khoảng cách xã giao, Ngô Minh Loan nhìn thẳng vào chủ nhà mỉm cười, khéo léo gợi chuyện:

- Tôi về làng Vần lần đầu tiên này, may mắn được anh Trọng anh Hàm đưa đường. Đến đây lại được mời li trà hương hoa sen đồng trũng, thấy khỏe lại ông Chánh tổng ạ.

Trần Đình Khánh có kiến thức Hán Việt và cả Pháp Việt nên bộc bạch theo kiểu dân tộc.

- Cái tinh thần nó khỏe thì cái con người nó sẽ khỏe ông cán bộ ạ.

- Vâng vâng. Đúng như thế ông ạ.

Ngô Minh Loan thấy ông Chánh tổng Lương Ca cử chỉ hiền lành, chân thật, mà tâm thế chững chạc, pha chút uy thế. Ông lại có cách nghĩ vừa thực tế vừa đặc trưng. Thoáng nghĩ, Ngô Minh Loan nâng chén nước trà trên tay, mỉm cười thân mật:

- Anh em ta cần tinh thần khỏe, rồi thân thể khỏe, để được nhìn thấy Cụ Hồ, để được tiếp tục phụng sự nước nhà, ông Chánh tổng có nghĩ như tôi không?

- Phải rồi! Ông Chánh tổng khẽ gật đầu như cảm thấy vị khách đường xa hợp khẩu vị với mình- Nước nhà mình nhờ có Cụ Hồ mà đường đi sáng sủa, làm cho Pháp- Nhật bắn nhau, dân ta hả dạ...

Ngô Minh Loan:

- Nhật - Pháp bắn nhau, dân ta hả dạ... chỉ là biểu hiện bên ngoài, chưa phải bản chất sự việc đâu ông ạ. Bản chất là Việt Minh phải giành được chính quyền từ tay Nhật - Pháp, trao lại cho nhân dân- Quang Minh sợ chạm lòng của vị Chánh tổng nên nhẹ nhàng tiếp lời- mà “nhân dân” ở đây, là tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt miền xuôi miền ngược, dân tộc đa số hay thiểu số, lương hay giáo, không phân biệt chức sắc, đảng phái...

Nhác thấy Trần Đình Khánh khẽ gật đầu, tỏ ý đồng tình, Ngô Minh Loan úp bàn tay lên đầu gối ông Chánh tổng người Tày lần đầu được tiếp kiến, cười hiền lành:

- Tôi nghĩ Cụ Hồ sẽ biết đến ông, Tổng bộ Việt Minh luôn ở bên ông, cách mạng và nhân dân rất cần có ông, ông Chánh tổng ạ.

Đến lúc này thì vị Chánh tổng có tiếng uy nghiêm của cả tổng Lương Ca dường như bị quy phục bởi những lời tâm tình thân thiện của Ngô Minh Loan. Nhớ hôm chuyển giao nhiệm vụ, Nguyễn Duy Thân dặn, Chánh tổng Đại Lịch, Chánh tổng Lương Ca đều là người dân tộc của vùng đất dân tộc, nếu thu phục được hai vị đó thì xem như cổng đường cánh cung phía Tây đã được mở.

Trần Đình Khánh đứng dậy, bộ quần áo the như gấm nhung, ông Chánh chỉ mặc lúc có khách quý, quấn theo thân hình to cao, phong độ tĩnh tại của vị trưởng lão. Cánh tủ gỗ bật mở. Một bình rượu được bê ra.

- Rượu nếp này, ngâm cao hổ cốt, hạ thổ một năm rồi, anh em mình “kết tồng” (tục kết nghĩa của người Tày) từ đây.

Đúng là rượu nếp ngâm cao hổ cốt mà ngày làm công nhân ở Hải Phòng, Quang Minh đã được một người bạn cho nếm khai vị.

- Nào, mời ông!- Chánh tổng nâng chén.

- Vâng vâng, xin anh!

Hai chén sứ vẽ hình rồng, đầy đặn, sóng sánh, đặt gọn giữa lòng bàn tay của hai người đàn ông tuổi trung niên, tuổi lên lão, như mời mọc, lại như nhường lời, nhẹ nhàng, thân hữu. Chén rượu cạn trong cái nắm tay huynh đệ như không còn khoảng cách khác biệt nào.

Nắng buổi sáng tháng năm đã thu dần bóng ngọn núi Nả in trên cánh đồng lúa trước nhà. Ngô Minh Loan ngỏ ý ra về. Vị Chánh tổng điềm đạm:

- Người anh em ăn miếng cơm bạn tồng, rồi mới về được.

Đào Xuân Phái, người hiểu hơn về vùng đất, con người và phong tục tập quán nơi đây, tỏ ra vui vẻ nói với Quang Minh:

- Đúng đấy anh Loan ạ, ta mới gặp bác Chánh, còn bà Chánh, còn các cháu ta chưa được trò chuyện.

Trần Đình Trọng, Đinh Văn Hàm cũng từ gian nhà trong bước ra.

Trọng:

- Xong cả rồi đây anh Minh ơi. Chị dâu Thêu của tôi làm cơm nhanh lắm, ngon lắm. Cơm mời khách quý mà.

Ngô Minh Loan, Đào Xuân Phái ngơ ngác trước sự nhanh gọn, thịnh tình của gia đình Chánh tổng. Trần Đình Khánh đưa hai tay làm động tác:

- Nào mời các chủ rửa tay.

Chậu nước men sứ sóng sánh mà cô con gái út vừa đặt dưới sàn nhà, làn hơi nước nóng mỏng mờ. Quang Minh dè dặt. Ông Chánh tổng chủ nhà:

- Ấy, anh Loan rửa tay trước.

Như không cần đợi sự nhắc nhở nào thêm, Quang Minh nhẹ nhàng làm theo chỉ dẫn, rồi cầm chiếc khăn bông mới tinh vừa được cô con gái đặt trên chiếc đĩa đan bằng mây, đặt bên chậu nước, lau nhẹ.

Bữa cơm sang trọng: Thịt gà rang, cá suối kho, hoa chuối nộm với lạc và rau dớn, bát cà muối xổi. Cô út lại đưa đến một đĩa xôi thơm phức.

Quang Minh để ý không thấy bà Thêu, liền mạnh dạn:

- Anh Lợi mời “Chị Khánh” ra cùng ngồi mâm.

Ông Chánh chủ nhà:

- Không, không, khách là khách, gia đình là gia đình. Chị và các cháu ngồi gian trong, cũng những món ăn như thế. Nào, chú Lợi, rót rượu.

...

H.L.K

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter