• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Chuyển đổi số vì một Văn Yên hạnh phúc
Ngày xuất bản: 17/11/2022 3:40:07 SA

Ký của NGUYỄN TÂM

 

Từ sau Hội thi “Truyền thông nâng cao nhận thức về Ngày Chuyển đổi số quốc gia”, tôi cứ mãi ấn tượng về hình ảnh đôi vợ chồng người Dao mộc mạc, chân chất trong tiểu phẩm “Cái số về bản” của đội thi huyện Văn Yên. Với nội dung ngắn gọn, tiểu phẩm gửi đến một thông điệp rõ ràng, rằng “cái số” và những lợi ích thiết thực mà nó đem lại đã khiến cho một người đàn ông cổ hủ, gia trưởng và có phần độc đoán như A Sìn hiểu và thay đổi hoàn toàn, sẵn sàng đón nhận cái mới để cuộc sống của gia đình, của quê hương ngày càng tốt đẹp hơn. Bằng lối diễn đơn giản pha chút dí dỏm, các “diễn viên” của đội truyền thông Văn Yên đã thuyết phục được tất cả Giám khảo, đại biểu và khán giả có mặt tại hội trường hôm ấy. Ấn tượng nhưng tôi không lấy làm lạ bởi tôi biết, tiểu phẩm đó là của Văn Yên- một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác chuyển đổi số của tỉnh bấy lâu nay và việc đưa nền tảng số đến người dân cũng chính là nội dung đang được Văn Yên triển khai mạnh mẽ, quyết liệt ở tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện.

Về Văn Yên những ngày giữa tháng 10, tôi được hòa mình vào không khí tươi vui, tưng bừng của những ngày lễ hội đang diễn ra trên khắp miền đất quế. Năm nay, với chủ đề “Quế Văn Yên- Thương hiệu vươn xa”, Lễ hội quế Văn Yên lần thứ IV và mùa lễ hội của Văn Yên được bắt đầu từ đầu tháng cho đến hết ngày 15/10, với rất nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quế Văn Yên đến bạn bè trong và ngoài nước; đồng thời bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích để phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn. Giữa không gian ngập tràn thanh âm sôi động của mùa lễ hội, tôi lại bắt gặp một không khí cũng không kém phần náo nhiệt ở Ngày hội chuyển đổi số trong trường học tại Trường Tiểu học và THCS Đông Cuông. Tại đây, 60 cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn huyện và đông đảo phụ huynh, học sinh, cán bộ giáo viên của nhà trường đã được tuyên truyền nội dung kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng qua các tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ, các trò chơi; sau đó được trải nghiệm các hoạt động thực tế như thư viện số, các hoạt động dạy và học tại phòng học tiên tiến, tiết dạy học không biên giới, tham quan một số hình ảnh, tranh vẽ truyền thông chuyển đổi số của Trường. Phụ huynh học sinh được các cán bộ chuyên viên tại 4 gian hàng hướng dẫn, tư vấn cách sử dụng các ứng dụng, nền tảng số như mở tài khoản ngân hàng, cài đặt ứng dụng SISAP và cách nộp học phí trên nền tảng số SISAP, cài đặt nền tảng học tập trực tuyến… Với phụ huynh và học sinh của Trường Tiểu học và THCS Đông Cuông thì việc tiếp cận và sử dụng các nền tảng số đã không còn xa lạ, bởi từ lâu nhà trường đã trở thành đơn vị tiêu biểu trong chuyển đổi số của ngành giáo dục cũng như của toàn huyện. Từng được nghe những chia sẻ của thầy … Đức- Hiệu trưởng nhà trường nên tôi được biết, với tư duy và cách nhìn rất tiến bộ, thầy đã sớm đưa các ứng dụng công nghệ và nền tảng số vào công tác quản lý, dạy và học cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường. Bởi thế mà trong đợt cao điểm của dịch bệnh COVID-19, dù cả giáo viên và phụ huynh học sinh còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế cũng như trang thiết bị, song 100% học sinh của nhà trường đều tham gia học trực tuyến; các thầy cô trong trường hầu hết đã sử dụng tốt nền tảng quản lý trường học Vnedu, thành thạo ứng dụng các phần mềm báo giảng điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ chủ nhiệm điện tử. Ngay trong đầu năm học này, thầy Đức đã mạnh dạn phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ VNPT triển khai nền tảng tuyển sinh trực tuyến và đã tuyển 70 học sinh đầu cấp, lớp 1 và lớp 6 bằng hình thức này…  Có lẽ bởi sớm được tiếp cận và đã phần nào thấy được những lợi ích thiết thực từ công nghệ số đem lại mà ngày hội hôm ấy đã thu hút rất đông sự tham gia, góp mặt của phụ huynh học sinh. Ai cũng muốn đến để tìm hiểu kỹ hơn, được tư vấn nhiều hơn về nền tảng số, khiến cho ngày hội càng thêm đông vui, náo nhiệt.

Nói đến ngày hội chuyển đổi số, có lẽ rất nhiều người đã từng ấn tượng với những kết quả mà Văn Yên làm được trong thời gian qua, nhất là sau sự kiện thôn Khe Bành- một thôn đặc biệt khó khăn của xã Châu Quế Hạ với 100% dân số là người Dao với 65/205 hộ thuộc diện hộ nghèo, sinh kế chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ… đã hoàn thành bộ 9 tiêu chí để trở thành “Thôn chuyển đổi số” đầu tiên của huyện. Chỉ trong một tuần cao điểm thực hiện chuyển đổi số, bằng cách tập trung huy động nguồn lực từ xã hội hóa và phát huy vai trò của Tổ công nghệ cộng đồng vào việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân, Khe Bành đã có Nhà văn hóa thôn với hệ thống wifi truy cập Internet, tivi thông minh màn hình cỡ lớn, thiết bị âm thanh phục vụ nhu cầu sinh hoạt trực tiếp và trực tuyến của nhân dân; tạo lập nhóm Zalo với 85% đại diện hộ dân tham gia để trao đổi thông tin, triển khai công việc chung của thôn đến nhân dân; 100% số đảng viên của Chi bộ đã biết cài đặt, sử dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” phục vụ sinh hoạt Chi bộ; điện thoại di động 4G được phủ sóng trên địa bàn toàn thôn; 195 hộ gia đình có điện thoại thông minh, đạt tỷ lệ trên 95%; thôn có 368 người trong độ tuổi lao động được tập huấn kỹ năng số cơ bản; 77% người dân trong thôn đã cài đặt và được hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái; bình quân tổng số người được hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 70%; thôn đã có 78% người dân cài đặt và sử dụng nền tảng "Sổ sức khỏe điện tử”, 78% cài đặt và sử dụng nền tảng tư vấn khám sức khỏe khám chữa bệnh từ xa... Kết quả này đã thực sự khơi nguồn động lực cho các địa phương, đơn vị trong toàn huyện phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số. Chẳng thế mà suốt mấy tháng qua, chuyển đổi số đã trở thành phong trào sôi nổi ở khắp các thôn gần, bản xa của quê núi Văn Yên. Ngày hội chuyển đổi số lần lượt được tổ chức ở khắp các xã. Nhiều thôn, bản vùng cao dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về điều kiện, cơ sở vật chất nhưng cũng vẫn hăng hái đăng ký. Các phong trào như “Tự hào tôi là công dân số” ban đầu được thực hiện thí điểm ở một xã (Đông Cuông) cũng dần được lan tỏa rộng khắp ra toàn huyện. Rồi còn mô hình “Cơ quan chuyển đổi số”, cuộc thi “Sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số huyện Văn Yên” được ra mắt, phát động thu hút sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong huyện.

Những năm qua, Văn Yên vốn luôn được tỉnh đánh giá là địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 2016- 2020, huyện đã ban hành Đề án xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện củng cố và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng, qua đó góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động chính quyền; góp phần xây dựng chính quyền từ huyện đến cơ sở ngày càng trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trước bối cảnh chung của thế giới, của đất nước và của tỉnh, đặc biệt là viễn cảnh thuận lợi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mang lại, Văn Yên xác định đây chính là thời cơ tốt không thể trì hoãn để thực hiện chuyển đổi số. Bởi vậy mà ngay từ những tháng cuối năm 2021, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy Yên Bái về chuyển đổi số đã được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Yên ban hành, tiếp đó Đề án Chuyển đổi số huyện Văn Yên cũng được ra đời với mục tiêu lớn nhất là đến năm 2025, huyện Văn Yên đứng đầu các huyện, thị, thành phố trong tỉnh về chuyển đổi số. Là một huyện miền núi, Văn Yên cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đặc thù. Song sau hơn 1 năm triển khai, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, tích cực hưởng ứng của nhân dân; đồng thời bằng những giải pháp, cách làm mới, hiệu quả đã đem đến cho Văn Yên những thành tựu lớn hơn mong đợi. Xác định năm 2022 là năm tổng tiến công, năm đột phá về chuyển đổi số với mục tiêu đặt ra là thông qua đó để tạo bước chuyển căn bản, tạo nền tảng vững chắc và tạo đà phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ Đề án chuyển đổi số của huyện trước 2 năm so với kế hoạch đề ra (hoàn thành vào năm 2023), năm 2022, huyện Văn Yên đã đề ra 63 đầu việc cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện; đồng thời xây dựng bộ 41 chỉ tiêu chuyển đổi số của huyện, bộ 17 chỉ tiêu xã chuyển đổi số, bộ 13 chỉ tiêu xã chuyển đổi số nâng cao một cách rõ ràng, tường minh, đúng trọng tâm, trọng điểm.

Chia sẻ thêm về những quyết sách và cách làm mới của huyện trong công tác chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND huyện Lã Thị Liền cho tôi biết, ngay từ khi mới bắt tay vào xây dựng Đề án chuyển đổi số, huyện đã luôn xác định chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân chứ không phải của riêng ai, nên công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về chuyển đổi số được lấy là khâu đột phá. Để đăng tải, chia sẻ các văn bản chỉ đạo, điều hành của huyện, kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng công nghệ số, các tin bài, phóng sự về hoạt động chuyển đổi số diễn ra trên địa bàn, huyện đã mở chuyên mục chuyển đổi số trên Trang Thông tin điện tử, trên Đài truyền thanh huyện; Facebook- Trang thông tin điện tử huyện Văn Yên; các nhóm facebook, zalo của huyện, của các xã, thị trấn. Qua đó tạo ra khí thế, sức lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao nhận thức và sự tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của toàn dân, đặc biệt là nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện. Trong xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, trên cơ sở nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đã có, huyện luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống từ huyện xuống xã. 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống wifi kết nối Internet tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để phục vụ triển khai các ứng dụng công nghệ số; vận động các hộ gia đình tranh thủ chính sách trợ giá của các doanh nghiệp viễn thông để mua sắm trang bị điện thoại thông minh phục vụ cuộc sống, nhằm sớm phổ cập điện thoại thông minh cho hộ gia đình trên địa bàn huyện, nhờ đó đến nay tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh của huyện đã đạt tới 96,5%. Cùng với việc rà soát và khắc phục các vùng lõm sóng di động 3G, 4G, Văn Yên vẫn luôn duy trì 1 điểm wifi truy cập Internet miễn phí tại Công viên trung tâm, một số địa phương đã vận động nguồn xã hội hóa lắp đặt được 259 mắt camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các xã, thị trấn. Duy trì hoạt động của 665 tài khoản phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho cán bộ, công chức cấp huyện và cơ sở; cài đặt, sử dụng chữ ký số để phát hành văn bản trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho 100% cơ quan, đơn vị, địa phương; sử dụng hệ thống phòng họp thông minh không giấy tờ E-cabinet của Huyện ủy, UBND huyện với 150 tài khoản đã cấp cho cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã, đồng thời cải tiến cách truy xuất thông tin, tài liệu các cuộc họp không giấy tờ bằng cách ứng dụng quét mã Qrcode. Triển khai thí điểm ứng dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” phục vụ sinh hoạt Đảng tại 85 chi bộ với trên 1.700 đảng viên và đến nay, 100% đảng viên của các chi bộ diện thí điểm đã biết cách cài đặt, sử dụng App phục vụ sinh hoạt chi bộ. Chỉ đạo quyết liệt công tác giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4; tập trung hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Kết quả 100% thủ tục hành chính của huyện đủ điều kiện được cung ứng trực tuyến mức độ 4 và kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái ở tất cả các cấp đều đạt tỉ lệ khá cao. Trong xây dựng, phát triển kinh tế số, huyện đã tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn đưa được 73 sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực của huyện có đủ điều kiện lên sàn thương mại điện tử. Hoạt động chuyển đổi số trong các loại hình doanh nghiệp tư nhân trong thời gian qua đã có bước chuyển mạnh mẽ, đến nay hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện đều ứng dụng mạng xã hội hoặc các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt xấp xỉ 50%.

Nói đến xây dựng, phát triển xã hội số, Phó Chủ tịch UBND huyện Lã Thị Liền phấn khởi chia sẻ với tôi rằng, là huyện đầu tiên trong tỉnh chỉ đạo thành lập và tổ chức ra mắt Tổ công nghệ cộng đồng cấp xã, cấp thôn, đến nay, toàn huyện đã có 25/25 xã, thị trấn thành lập Tổ công nghệ cộng đồng cấp xã, với 321 thành viên; 172/172 thôn, tổ dân phố thành lập Tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, với 1.322 thành viên; 100% Tổ công nghệ cộng đồng cấp xã, cấp thôn đã tạo nhóm zalo để trao đổi thông tin, triển khai nhiệm vụ được giao. Tại thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng và phức tạp, hoạt động của các tổ Công nghệ cộng đồng đã đem lại hiệu quả tích cực, đóng góp không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến, rà soát, truy vết và kiểm soát tình hình dịch bệnh. Khi Văn Yên bắt tay vào cuộc cách mạng chuyển đổi số, các tổ công nghệ cộng đồng lại một lần nữa phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai một số nhiệm vụ về chuyển đổi số như: tuyên truyền phát triển công dân số theo Bộ tiêu chí công dân số huyện Văn Yên; tuyên truyền triển khai các ứng dụng phòng chống dịch COVID-19; tuyên truyền triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử... Trong các nhóm giải pháp và cách làm mới về chuyển đổi số, việc thực hiện chuyển đổi số từ cấp xã chính là một trong những cách tiếp cận cụ thể của Văn Yên khi triển khai ứng dụng hệ thống truyền thanh thông minh 4.0 giúp giảm thời gian chuyển tải thông tin; ứng dụng tự chuyển văn bản thành giọng nói, không sử dụng dây và cột ăng ten, thu âm; phát thanh mọi lúc, mọi nơi tới từng cụm loa. Hệ thống truyền thanh thông minh cho phép cấp thôn có thể tự phát bản tin riêng, phát thanh ghi âm trực tiếp, sử dụng file audio có sẵn, tiếp sóng, huỷ tin đang phát, phát tin khẩn cấp… tại cùng một thời điểm. Hiện tại, hệ thống đã được lắp đặt ở thị trấn Mậu A và các xã Đông Cuông, Đông An, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Hạ, Xuân Ái và Lang Thíp.

Cũng như ở nhiều miền quê của Yên Bái và cả nước, giờ đây, chuyển đổi số chẳng những không còn xa lạ mà đã trở thành chủ đề tâm điểm trong mọi câu chuyện, thành những việc làm cụ thể, những phong trào sôi nổi trên khắp miền đất quế Văn Yên. Từ các mô hình “Cơ quan chuyển đổi số”; “Trường học chuyển đổi số”, “Xã chuyển đổi số”, “Thôn chuyển đổi số” cho đến phong trào thi đua “Tự hào tôi là công dân số” đã len lỏi vào khắp các khối cơ quan, các ngành, các thôn, xã cho đến từng gia đình và mỗi công dân và tính đến hết tháng 6/2022, Văn Yên đã có khoảng 9000 công dân được công nhận là công dân số. Với mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn là xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, hạ tầng số đồng bộ, ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện và cơ sở; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh, bền vững, cải thiện các mối quan hệ xã hội, nhất là mối quan hệ giữa chính quyền- người dân- doanh nghiệp, góp phần nâng cao sự hài lòng của nhân dân đối với chính quyền, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân; Văn Yên đã chọn năm 2022 là “Năm đột phá về chuyển đổi số” với tinh thần tổng tiến công phấn đấu đẩy nhanh lộ trình hoàn thành cơ bản các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, các chỉ tiêu cơ bản ba trụ cột của chuyển đổi số và là huyện đứng đầu trong chín huyện, thị, thành phố của tỉnh về chuyển đổi số vào năm 2023. Với tinh thần quyết tâm cao đó, chắc chắn Văn Yên sẽ thành công. Và thành công đó sẽ đưa miền quê núi đuổi kịp, tiến cùng thời đại; tạo cơ hội để đất quế Văn Yên tận dụng, khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh để bứt phá phát triển nhanh, bền vững theo hướng Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

                                                                                          N.T

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter