• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC- NGHỆ THUẬT YÊN BÁI 5 NĂM LẦN THỨ HAI- THÀNH CÔNG VÀ TIẾP NỐI
Ngày xuất bản: 19/05/2022 2:08:49 SA

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC- NGHỆ THUẬT YÊN BÁI 5 NĂM LẦN THỨ HAI- THÀNH CÔNG VÀ TIẾP NỐI

                                       Họa sĩ NGUYỄN ĐÌNH THI

                                         Chủ tịch hội Liên hiệp VHNT Yên Bái

 

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 5 năm là giải thưởng danh giá và cao quý dành cho lĩnh vực VHNT do UBND tỉnh Yên Bái trao tặng. Giải thưởng là sự tôn vinh các tác phẩm VHNT đặc biệt xuất sắc, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, có tác động xã hội của các văn nghệ sĩ Yên Bái; ghi nhận những cống hiến, đóng góp cả các văn nghệ sĩ Yên Bái, đồng thời động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ tiếp tục nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, vốn sống, sáng tạo không ngừng, hướng tới các tác phẩm có chất lượng cao, là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa tư tưởng; phản ánh một cách sâu sắc và toàn diện đời sống xã hội và sự phát triển chung của tỉnh Yên Bái, góp phần xây dựng nền VHNT của tỉnh và của nước nhà ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Văn học có mặt trong muôn màu của đời sống xã hội, là lãnh địa mà hầu như ai cũng có thể đặt chân vào, có thể tham gia và tự do sáng tác, bất kể tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp. Nhưng để có được những tác phẩm văn học có giá trị để đời, có sức lan tỏa và trường tồn với thời gian thì không phải ai cũng làm được. Đối với lĩnh vực sáng tác VHNT, tài năng làm nên tác phẩm, tác phẩm làm nên thành tựu, thành tựu làm nên sự phát triển của nền VHNT tỉnh nhà. Vì vậy, thành công của Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần này sẽ là nền móng tạo nên sự thành công và phát triển của VHNT Yên Bái trong những năm tới.

Ngày 17/3/2021 Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái đã ra Thông báo số 30/TB-HLHVHNT về việc gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng Văn học- nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ hai (2015- 2020). Thông báo này đã được đăng tải trên Trang Văn học nghệ thuật Yên Bái điện tử kèm theo Nghị quyết số 17/2019/NQ- HĐND ngày 21/6/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định về giải thưởng và mức thưởng đối với tập thể, cá nhân đạt giải cao trong các cuộc thi cấp quốc tế, khu vực, trong nước, cấp tỉnh và danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái và Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 04/02/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 05 năm và Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái hàng năm. Đồng thời Thông báo số 30 cũng được gửi tới toàn thể hội viên của Hội qua đường bưu điện. Theo đó, kể từ ngày 01/4/2021 đến hết ngày 03/5/2021, Văn phòng Hội sẽ tiếp nhận hồ sơ, tác phẩm tham dự giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ Hai.

Tiếp nối truyền thống và thành tựu của Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất, Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Hai đã thu hút sự quan tâm và nhận được nhiều tác phẩm dự giải của các tác giả thuộc tất cả các chuyên ngành văn học nghệ thuật. Có tổng số 194 tác phẩm của 73 tác giả, nhóm tác giả tham dự Giải. Trong đó: Văn xuôi có 13 tác phẩm của 11 tác giả; Văn nghệ dân gian có 03 tác phẩm của 03 tác giả; Thơ có 17 tác phẩm của 15 tác giả; Mỹ thuật có 24 tác phẩm của 12 tác giả; Nhiếp ảnh có 90 tác phẩm của 14 tác giả; Âm nhạc có 33 tác phẩm của 11 tác giả; Sân khấu- Nghệ thuật múa có 09 tác phẩm của 04 tác giả; Kiến trúc có 01 tác phẩm của 01 tác giả; Điện ảnh- Truyền hình có 04 tác phẩm của 02 nhóm tác giả.

Sau khi nhận báo cáo tổng hợp danh sách các tác phẩm tham sự giải từ tổ thư ký, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật ra Quyết định thành lập Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng, Tổ Thư ký phục vụ Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo Giải thưởng, Quy chế chấm điểm của Hội đồng xét giải thưởng và tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng Chung khảo xét Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Hai, trong đó có mời các văn nghệ sĩ chuyên ngành trung ương có bề dày sáng tác và kinh nghiệm chấm giải tham gia Hội đồng Chung khảo. Qua 2 vòng chấm (Sơ khảo và Chung khảo) nghiêm túc, khách quan và chính xác Hi đồng Nghệ thuật Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ Hai đã thống nhất lựa chọn 52 tác phẩm, nhóm tác phẩm của 52 tác giả, nhóm tác giả để đề nghị UBND tỉnh ra Quyết định trao giải. Trong đó có: 07 tác phẩm xếp loại A, gồm Văn xuôi 01, Thơ 01, Văn nghệ dân gian 01, Mỹ thuật 01, Nhiếp ảnh 01, Âm nhạc 01, Sân khấu- Nghệ thuật Múa 01; 13 tác phẩm xếp loại B, gồm Văn xuôi 02, Thơ 02, Văn nghệ dân gian 01, Mỹ thuật 02, Nhiếp ảnh 02, Âm nhạc 02, Sân khấu- Nghệ thuật múa 01, Điện ảnh 01; 17 tác phẩm xếp loại C, gồm Văn xuôi 03, Thơ 03, Văn nghệ dân gian 01, Mỹ thuật 03, Nhiếp ảnh 03, Âm nhạc 03, Sân khấu- Nghệ thuật múa 01 và 15 tác phẩm xếp loại Khuyến khích, gồm Văn xuôi 03, Thơ 03, Mỹ thuật 02, Nhiếp ảnh 03, Âm nhạc 02, Sân khấu- Nghệ thuật múa 01, Kiến trúc 01.

Theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật, các tác phẩm tham dự giải lần này tập trung phải ánh nhiều đề tài phong phú của cuộc sống, trong đó nổi bật là đề tài chiến tranh cách mạng với số lượng tác phẩm khá nhiều ở các thể loại. Văn xuôi có tiểu thuyết “Cánh cung đỏ” của nhà văn Hà Lâm Kỳ, tiểu thuyết “Xóm chợ” của nhà văn Nguyễn Hiền Lương, tập truyện ký “Âm vang Ngòi Vần” của tác giả Trần Cao Đàm; thơ có “Vầng trăng và người lính” của tác giả Đoàn Đức Bình; “Biển trong tim” của Nguyễn Đăng Lộc; Mỹ thuật có “Tuần tra biên giới” của họa sĩ Đặng Quyết Thắng, “Trinh sát luồn sâu” của họa sĩ Trần Quang Minh, Âm nhạc có ca khúc “C non trên Căng Nghĩa Lộ” của nhạc sĩ Kim Phụng- tác giả thơ Thu Phong. Các tác phẩm đã ca ngợi tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của lớp lớp thế hệ người Yên Bái trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc giữ gìn hòa bình cho dân tộc. Đó là niềm tự hào cho lớp người trẻ, làm hành trang tinh thần để lớp trẻ tiếp tục tự tin trên con đường xây dựng quê hương giàu mạnh.

Một mảng đề tài chiếm khá nhiều dung lượng trong số những tác phẩm đoạt giải đó là đề tài về mảnh đất và con người Yên Bái trong sự nghiệp đổi mới ngày hôm nay. Có thể kể đến tập ký “Người con xứ núi” của tác giả Nguyễn Thị Tâm, các tác phẩm Mỹ thuật “Chiều trên nương”- Sơn mài của hoạ sĩ Phạm Việt Hưng; “Phiên chợ vùng cao”- Sơn mài của họa sĩ Đào Hữu Đạt, “Chiều Nậm Khắt- Tranh in độc bản của họa sĩ Vũ Thị Bích Hạnh, “Phong cảnh vùng cao”- Tranh in Litho graphy của họa sĩ Hoàng Trung Hiếu; Âm nhạc có ca khúc “Ký họa Mù Cang Chải” của nhạc sĩ Ngọc Bái, “Huyền thoại trên núi Hoàng Liên” của nhạc sĩ Đoàn Ngọc Bình, “Yên Bái viết tiếp bản hùng ca” của nhạc sĩ Nguyễn Hà Thành và nhiều nhất phải nói đến Nhiếp ảnh với hàng loạt tác phẩm “Hội nhập” của NSNA Thanh Miền, “Hoàng hôn trên đỉnh Sáng Nhù” của NSNA Vũ Chiến, “Sóng nước Mù Cang” của NSNA Tuấn Vũ, “Vũ điệu vùng cao của Nguyễn Anh Đức, “Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà” của NSNA Hoàng Đô… Tất cả bằng đặc trưng riêng có của mỗi chuyên ngành đã phản ánh một cách sâu sắc, sinh động một mảnh đất Yên Bái với phong cảnh thiên nhiên độc đáo, văn hóa tộc người đa dạng, con người Yên Bái đã nỗ lực vượt khó vươn lên để xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Nhiều tập truyện ngắn như “Hun hút đường quê” của nhà văn Nông Quang Khiêm, “Mùa xa” của tác giả Nguyễn Ngọc Yến, “Chiều đầy nắng” của tác giả Hoàng Kim Yến, tiểu thuyết “Trầm tĩnh những nẻo đường” của tác giả Quang Bách; các tập thơ “Người đánh rơi câu hát” của tác giả Ngọc Chấn, “Những bông dành dành đất” của tác giả Hà Ngọc, “Lời yêu không để trong túi áo” của tác giả Mai Oanh… khắc họa những số phận, những mảnh đời, những tâm tư trong cuộc sống bộn bề thường nhật với bao khát khao vươn lên. Dù phải trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống nhưng ánh hào quang của nhân cách tốt đẹp vẫn luôn lấp lánh tỏa thứ ánh sáng trường tồn, góp phần lan tỏa nhân cách sống Người hơn trong mỗi người thưởng thức.

Phản ánh những thói hư tật xấu của con người với những mưu mô, toan tính bất chấp đạo lý, coi thường pháp luật để rồi phải trả giá đắt là bài học răn đe, là hồi chuông cảnh tỉnh cũng không nằm ngoài xứ mệnh của văn học nghệ thuật. Vì thế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ Hai đã lựa chọn trao giải Nhất cho tiểu thuyết “Ma tiền” của nhà văn Hoàng Thế Sinh. Điều đó càng khẳng định, Hội đồng Nghệ thuật luôn trân trọng những tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh những điều tốt đẹp nhằm nhân rộng trong xã hội và cũng luôn khích lệ những tác phẩm dám thẳng thắn chỉ ra những điều sai trái với tinh thần xây dựng nhằm răn đe và cảnh tỉnh. Bởi lẽ ở phương diện nào, cách thức và nội dung thể hiện ra sao thì văn học nghệ thuật chân chính cũng có vai trò nhất định trong việc hình thành nhân cách con người phát triển toàn diện Chân- Thiện- Mỹ, góp phần xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Như nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói “Nếu pháp luật dùng lý trí thiết lập kỷ cương để quản lý xã hội thì văn học nghệ thuật lại dùng tình cảm, trí tuệ để thiết lập các tòa án lương tâm, giúp con người hàng ngày soi chiếu, tự điều chỉnh, tự phán xét bản thân. Bằng tình thương và lẽ phải, văn học nghệ thuật có khả năng to lớn biến những quy ước xã hội thành các quy chuẩn đạo đức, thành lối sống, thành thói quen hành xử hàng ngày của mỗi cá nhân”.

Nhìn vào đội ngũ những tác giả đoạt giải lần này ta có thể khẳng định những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ lớn tuổi, những tác giả gạo cội của Yên Bái vẫn giữ được bút lực dồi dào, khẳng định được vị thế của mình trong nền văn học nghệ thuật Yên Bái như nhà văn Hoàng thế Sinh, nhà văn Hà Lâm Kỳ, nhà văn Nguyễn Hiền Lương, các tác giả Nguyễn Ngọc Chấn, Hà Ngọc Anh, Trần Cao Đàm, Nguyễn Quang Bách, Nguyễn Thế Quynh, Hoàng Việt Quân, Hoàng Tương Lai, các họa sĩ Nguyễn Đình Thi, Quách Hùng, Phạm Việt Hưng, Trần Quang Minh; các NSNA Thanh Miền, Vũ Chiến, Tuấn Nghĩa; các nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Bái, Đoàn Ngọc Bình, Nguyễn Kim Phụng… Đội ngũ sáng tác trẻ cũng đã khẳng định được bút lực, là lực lượng kế cận có triển vọng của văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Văn xuôi có nhà văn Nông Quang Khiêm, tác giả Nguyễn Ngọc Yến, Nguyễn Thị Tâm; Hoàng Kim Yến, thơ có nhà thơ Phạm Quỳnh Loan, tác giả thơ Hà Ngọc, Mai Oanh; Mỹ thuật có họa sĩ Đặng Quyết Thắng, Đào Hữu Đạt, Hoàng Trung Hiếu, Trần Trung Hiếu, Nguyễn Tuấn Vũ, Vũ Thị Bích Hạnh; Nhiếp ảnh có NSNA Hoàng Đô, NSNA Tuấn Vũ, Phạm Pa Ry, Nguyễn Anh Đức; Trần Trung Hiếu. Âm nhạc có nhạc sĩ Hà Thành, tác giả Lê Minh, Thanh Tửu, Ngọc Chấn; Múa có Hoàng Thị Thúy, Âu Thanh Thanh, Hoàng Anh Đậu…  Đó là những tín hiệu đáng mừng của văn học nghệ thuật Yên Bái.

Sự thành công của giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ Hai là điều đáng mừng song bên cạnh đó cũng có nhiều điều phải suy nghĩ. Tuy số lượng các tác giả, tác phẩm tham dự lần này nhiều hơn so với lần trước nhưng không đồng đều ở tất cả các chuyên ngành. Những chuyên ngành như Văn xuôi, Thơ, Nhiếp Ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc có nhiều tác phẩm tham dự giải thưởng nhưng một số chuyên ngành như Văn nghệ dân gian, Kiến trúc, Điện ảnh- Truyền hình số lượng tác phẩm tham dự giải thưởng lại quá ít, chất lượng tác phẩm không cao... Đó là vấn đề đặt ra để Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái có phương án khắc phục cho mùa giải sau. Các tác phẩm đoạt giải đợt này, tuy đã có nhiều thành công cả về nội dung và nghệ thuật, song cũng phải mạnh dạn nói rằng vẫn còn những hạn chế ở từng mặt, từng khía cạnh. Vẫn còn những tác phẩm chưa phản ánh hết, phản ánh hay, phản ánh đặc sắc hiện thực cuộc sống, chưa ngang tầm với sự phát triển mọi mặt của mảnh đất và con người Yên Bái. Vì vậy đòi hỏi mỗi chúng ta không được ngủ quên trên những gì đã có. Con đường sáng tạo nói chung và sáng tạo VHNT nói riêng không bao giờ là con đường bằng phẳng, vui làm, khó bỏ. Nó luôn đòi hỏi sự tâm huyết, nỗ lực phấn đấu, vươn lên, không lặp lại của các văn nghệ sĩ.

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ Hai ghi nhận sự nỗ lực của Hội đồng Nghệ thuật và cơ quan Thường trực Giải là Hội liên hiệp VHNT Yên Bái trong việc đề xuất và tổ chức thực hiện nhiều nội dung, sáng kiến, giải pháp để đảm bảo tính khách quan, chính xác, công bằng trong đánh giá tác phẩm.

Một  giai  đoạn  sáng  tác  mới đang mở ra. Có muôn vàn thời cơ thuận lợi và những thách thức mới. Phát huy truyền thống VHNT tỉnh, với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái, lãnh đạo Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, mỗi văn nghệ sĩ Yên Bái sẽ thực hiện tốt nhất nghĩa vụ công dân và vai trò người nghệ sĩ, chiến sĩ của mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng, với thiên chức đặc trưng là sáng tạo tác phẩm VHNT, để Giải thưởng VHNT 5 năm lần sau tiếp tục là mùa Giải thưởng có chất lượng.

 

N.Đ.T

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter