Ký của NGUYỄN PHƯƠNG THÙY
Trong tiết thu tháng 11 tôi trở lại Làng Nhì, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu. Những cô giáo mầm non đã qua thời xuân sắc nhưng nụ cười vẫn luôn rạng rỡ, một mình một xe chèo lái chuyên nghiệp qua những khúc cua tay áo, hay những đoạn đường gập ghềnh đang thi công dở. Mặc dù con đường bê tông huyền thoại vươn thẳng lên đỉnh núi đã giúp các thầy cô giáo về Làng Nhì gieo chữ không còn cảnh phải trèo đèo lội suối cuốc bộ đường rừng, hai tay bám cây chân trèo đá về nơi rừng xanh núi đỏ gieo chữ nhưng trong những ngày mưa đầu thu vẫn như thách đố những tay lái đường rừng. Vậy mà suốt chặng đường đi cô giáo Nguyễn Thị Thanh ở điểm trường Đề Chơ xã Làng Nhì vẫn ríu rít chỉ cho tôi những cảnh đẹp hùng vĩ của miền đất này đang làm say lòng du khách.
Đây những rừng hoa xuyến chi nở trắng muốt, chạy dài miên man, bung ra hương sắc của vùng cao giản dị, trong sáng mà mê đắm lòng người, đây những triền đồi ngập màu tím đỏ của hoa mào gà đơn và hàng trăm các loại hoa rừng đang đua nhau khoe sắc. Trong tiết thu, chúng tỏa hương thơm dịu dàng xóa tan những bon chen đời thường nơi phố thị. Và bất giác tạo nên những hạnh phúc giản dị mà cao cả, đó là tình người, tình cô trò và sự hy sinh của những cô giáo mầm non đã dùng hết những năm tháng tuổi trẻ để gắn bó với mảnh đất này. Các cô cũng như những bông hoa rừng giản dị thanh khiết khiến bất cứ ai tiếp xúc cũng ngưỡng mộ luyến tiếc và bứt rứt trong lòng.
Qua những cung đường ngoằn ngoèo chúng tôi dừng lại ở điểm trường mầm non Đề Chơ, mái trường nhỏ giản dị giữa chòm dân cư quây quần ấm áp. Hơn 7 giờ sáng nhưng sương núi vẫn dày đặc bao phủ bản làng, những em bé 3- 5 tuổi ríu rít nô đùa ở sân dừng lại như bầy chim non chào cô giáo. Cô Thanh nhanh nhẹn đưa đám trò nhỏ đi rửa lại mặt buộc lại mớ tóc rối bù của đám trẻ.
Đám trò líu ríu chào tôi rồi túm tụm xung quanh cô giáo líu lo kể chuyện đúng như bầy chim rừng gặp mẹ. Cô Thanh cười bảo rằng cứ sau 2 ngày nghỉ hàng tuần lên với trò là y như rằng cái mặt chúng đã thay đổi. Ở nhà bố mẹ đi làm sớm nên không mấy để tâm đến mặt mũi quần áo đám trẻ. Cuộc sống đồng bào Làng Nhì khó khăn, cả thôn Đề Chơ 44 hộ thì cả 44 hộ nghèo nên đồng bào còn vất vả mưu sinh chưa có điều kiện chăm lo chu đáo cho đám trẻ. Cũng may các con còn có chế độ học tập nên bữa trưa được cải thiện về dinh dưỡng cô cũng vui lòng.
Những đứa trẻ như Hờ Thị Duyên, Hờ Thị Linh mới 5 tuổi nhưng kháu khỉnh thông minh. Các em lanh lẹ giúp cô giáo kê những chiếc ghế bé xinh vào trong lớp học. Tôi khen tên các con hay và đẹp quá thì bé Linh cười khúc khích “Mẹ con đặt tên giống cô giáo.” Cô Thanh nở nụ cười ấm áp kể tôi nghe ở các bản làng người Mông của xã Làng Nhì có rất nhiều những gia đình lấy tên cô giáo mầm non đã từng cắm bản ở đó đặt tên cho con và vì vậy các bé hiện nay mang tên các cô giáo rất nhiều. Đây cũng là niềm hạnh phúc của các thế hệ thầy cô cắm bản
Tôi thấy sống mũi mình cay cay khi nhìn ngôi trường nhỏ giữa rừng xanh núi đỏ đơn sơ đến nao lòng, nhưng cũng ấm lòng bởi nghĩa tình của đồng bào bản xứ với các cô giáo. Có lẽ trong khó khăn, thiếu thốn họ càng trân quý hình ảnh những cô giáo bé nhỏ nhưng nghị lực phi thường, một mình vật lộn với khó khăn thiếu thốn để thắp sáng ngọn lửa niềm tin cho trẻ em nghèo.
Căn phòng nhỏ của cô Thanh được ghép bằng ván gỗ mộc mạc che nắng che mưa. Bữa trưa cô cũng bê một tô cơm ăn cùng với trò rồi cho các cháu đi ngủ. Chẳng xa hoa với chăn đệm và giường chiếu đắt tiền mà những thiên thần nhỏ no bụng vẫn ngủ ngon giấc. Khi nghe tôi kể tôi đã từng chứng kiến Làng Nhì thời điểm không đường, không điện và ngày ấy tôi đi bộ hơn tiếng theo đoàn xuất phát từ Phình Hồ mới đến được Đề Chơ xong việc tôi chào thầy cô trở về mà bật khóc nức nở như đứa trẻ bị ăn đòn, cô Thanh cười mà đôi mắt ngấn lệ.
Cô Thanh kể ngày nhận quyết định lên Làng Nhì cách đây 10 năm cô khóc ướt không biết bao nhiêu cái gối. Ngày đó mặc dù đã thông đường nhưng các cô mỗi lần đến được điểm trường thì đất cũng bám kín từ đầu đến chân, tay chân xương khớp rã rời bởi phải vật lộn vài tiếng đồng hồ mới đến được thôn bản. Cô Thanh sợ đường đến mức cuối tuần không dám về và những lúc ấy 2 ngày nghỉ thứ 7 chủ nhật trở thành nỗi ám ảnh, vì ngày dài vô tận, xứ núi Làng Nhì thì mịt mù sương khói. Nhìn cảnh ảm đạm, tiếng Mông thì chưa biết, cô như người bị cả thế giới bỏ rơi giữa đại ngàn xanh thẳm, cô đơn và lạc lõng. Nhưng rất may ngày ấy các điểm trường tiểu học lẻ chưa về hết bán trú nên cô có những đồng nghiệp đã đến đây trước dậy tiếng Mông. Rồi trong khó khăn động viên nhau cùng cố gắng, bởi không phải ai cũng chọn việc nhẹ nhàng và cô cũng nuôi hy vọng sau 1, 2 năm sẽ được trở về những nơi gần hơn, có môi trường tốt hơn
Nhưng rồi duyên phận với vùng cao, 10 năm trôi qua cô Thanh cùng những người chị em của mình đã trở thành con của núi rừng Làng Nhì. Bởi chia tay Đề Chơ rồi luân phiên đến 5 thôn bản khác của Làng Nhì thì nơi nào cũng khó khăn thiếu thốn như thế và đồng bào thì luôn nhìn các cô như một vị cứu tinh cho tương lai con em của họ. Nhà có cho các cô quả trứng gà, người hàng ngày trên nương về cho cô mớ rau cải nương xanh ngon hay quả su su mới hái, rồi họ nghẹn ngào dặn các cô nghỉ tết, nghỉ hè xong nhớ về với thôn bản khiến các cô không nỡ rời đi. Cứ thế để rồi biết bao cô giáo mầm non đến với thôn bản vẫn dành cả tuổi trẻ, thanh xuân để nâng bước chân học trò đến trường. Và tất cả đều để lại gia đình mình phía sau để hoàn thành sự nghiệp trồng người.
Nói đến cuộc sống riêng cô Thanh nghẹn giọng, kể: “Nhà 2 con nhỏ nhưng những ngày được mẹ đưa đến trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chồng làm công việc bên ngoài nên phải thuê một người giúp việc chăm sóc con những ngày còn bé và đưa đón con đi học. Những lần con ốm sốt nghe chồng gọi điện thì ngoài khóc tôi cũng không biết làm gì. Vậy rồi mọi chuyện cũng qua. Giờ đã quá quen với cuộc sống này rồi cũng chỉ mong đường nhanh xong để chị em ở Nghĩa Lộ có thể sáng đi tối về, đi 1 tiếng 2 tiếng cũng được miễn là được về nhà ăn cơm tối và ôm con ngủ.” Ước mơ của các thầy cô giáo vùng cao chỉ giản đơn như thế. Bất chợt tôi thấy xót xa khi hàng ngày xem mạng xã hội, ở đâu đó cán bộ công chức kêu than tăng lương và muôn loại chế độ khác, còn ở chốn rừng xanh núi đỏ này dường như mọi bon chen vật chất, ước mơ xa hoa đều tan biến, mọi giấc mơ của thầy cô giáo vùng cao đều rất giống nhau có một cung đường đẹp để sau giờ lên lớp có thể về bên gia đình.
Lớp học mầm non ở Đề Chơ có 17 cháu từ 3 tuổi- 5 tuổi, để đảm bảo dạy các con theo đúng chương trình học thì cô Thanh cũng như con thoi quanh quẩn từ sáng đến tối muộn. Sẽ chẳng có giáo án chuẩn nào cho 1 lớp học 3 độ tuổi mà buộc giáo viên đứng lớp phải có sáng tạo từ thực tiễn để giúp các con biết đọc biết viế,t biết nói tiếng Việt. Vì vậy các cô giáo mầm non vẽ tranh, ảnh, làm đồ dùng học tập từ những vật dụng thân thiết với các em để các em thích thú và đam mê khám phá, như vậy mỗi tiết học là một niềm vui nho nhỏ, cô Thanh tâm sự: “Có trò nhỏ, bận rộn liên tục mình cũng thấy ngày tháng trôi nhanh hơn, chứ ngồi không lại không biết làm gì cho hết đêm dài. Mấy đứa nhỏ quanh trường tối nào cũng xuống líu lo với cô, mình cũng thấy ấm áp.”
Xung quanh điểm trường Đề Chơ đã có nhiều hơn những ngôi nhà khang trang kiên cố, thôn Đề Chơ có những chàng trai tốt nghiệp Đại học trở về làm giàu ngay tại quê hương với những mô hình sáng tạo và hiệu quả và đây chính là động lực để các thầy cô giáo vùng cao hy sinh cho nghề, và Hờ A Thào là một người như vậy. Thào chia sẻ: “Mình có được như ngày hôm nay là nhờ được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, đặc biệt quan trọng nhất chính là tình cảm, sự nuôi dậy của các thầy cô giáo từ lúc mình học mầm non đến lúc hết trung học cơ sở ở Làng Nhì. Chính những đêm các thầy cô thức trắng trông mình ốm, rồi nhường cho mình miếng thịt kho đậu, hay cứ đầu tuần lên lại cho cái kẹo, cái bánh khiến mình rất cảm động. Bố mẹ trước đây có lần bảo nghỉ học ở nhà thu hoạch mùa vụ nhưng nghĩ đến thầy cô lại phải vất vả về bản tìm mình mình không nỡ nghỉ, mình thật sự rất yêu quý các thầy cô giáo.”
Nói đến thầy cô giáo, Hờ A Thào có hàng trăm câu chuyện cảm động, từ những ngày bé ăn chung với thầy cô đến lúc đi học được thầy cõng qua con đường trơn trượt và với anh cuộc sống của đồng bào thay đổi chính nhờ sự hy sinh cả tuổi trẻ của những thầy cô cắm bản. Thào nói “Không có thầy cô chúng tôi và thế hệ trẻ sau này không thể trưởng thành, vì vậy tôi luôn vận động bà con phải cho con đi học đầy đủ.”
Buổi chiều ở Đề Chơ ánh mặt trời chao nghiêng trên đỉnh núi. Ánh nắng chiếu xuống muôn vàn thảm hoa rừng tạo ra khung cảnh yên bình nên thơ. Chẳng ồn ào tiếng xe cộ chỉ có hàng trăm đàn chim rừng chao lượn trên không gian rộng lớn và dưới lớp học, tiếng cô trò ríu rít gọi tên nhau, tôi véo von ca khúc em là cô giáo vùng cao dành tặng cho cô Thanh như tất cả chân tình của dân bản:
Bản làng yêu ơi em rời phố thị
Vượt núi băng rừng cõng cái chữ lên non
Dẫu nắng mưa hay mùa đông giá lạnh
Cùng các em thơ vượt núi đến trường...
Tôi chia tay cô Thanh trong nắng thu rực rỡ, và tôi tin Làng Nhì sẽ có nhiều hơn những chủ nhân có trí có đức như Hờ A Thào, bởi nơi đây vẫn có những cô giáo vùng cao sẵn sàng hy sinh cả thanh xuân cho tương lai con trẻ.
N.P.T