• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Giọt cà phê
Ngày xuất bản: 02/06/2023 3:12:41 SA

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ THANH

         

Hương cà phê thơm ngậy, quyến rũ. Hoài rất thích ngửi mùi cà phê nhưng cứ hễ uống vào là mất ngủ. Đêm nay cô rẽ vào quán "Nắng Caffe" không bởi vì cái tên khá gợi và càng không phải thèm món thức uống quý tộc này. Hoài chọn một chỗ ngồi tít trong góc nơi có chiếc chòi lợp lá cọ, mốt của những nhà hàng thời hiện đại. Phố núi vốn trầm lặng nay đã ồn ã hẳn lên nhờ phát triển du lịch cộng đồng và phát huy bản sắc vùng miền. Chỗ này bóng điện chỉ lờ mờ nhưng đủ nghe tiếng suối róc rách qua khe đá xen lẫn tiếng dế vỗ cánh tấu lên những bản nhạc cho cỏ cây. Thỉnh thoảng một cơn gió mát từ dòng suối thổi lên khiến người ta cảm thấy bình yên.

Cô xoài người, đặt chiếc cằm lẹm lên bàn đếm từng giọt cà phê tí tách. Từng giọt đen kịt chưa kịp tròn đã dứt đuôi rớt xuống.

Ước gì mình là giọt cà phê đen! Hoài nhìn xa xăm vào bóng đêm và lại ước. Ước gì được làm bóng đêm!

Con người ta thường hay có những điều ước. Có khi chỉ là một thứ ước chẳng đâu vào đâu giống như người bạn trai có lần rủ cô vào quán cà phê. Nghe xung quanh người ta bàn luận về chuyện thưởng thức cà phê. Cà phê đen, cà phê nâu, cà phê nóng, cà phê đá, cà phê sữa, bạc xỉu, rồi là cà phê chồn… Bỗng dưng ba giờ sáng nghe tiếng tin nhắn tinh tinh. Mở ra xem và đọc "Anh ước được làm con chồn!". "Ước lạ thế?". "À! Được làm con chồn anh sẽ ăn quả cà phê, rồi cho em tha hồ thưởng thức Cà phê chồn!". Ối trời ơi! Vậy là gã ví tình yêu với cô chẳng khác nào cái thứ cặn bã bị thải ra trong bãi ị của một con chồn. Suy diễn vậy. Thế thì cắt đứt chứ còn gì nữa. Coi như xong! Mặc cho gã năn nỉ giải thích và xin lỗi rằng là muốn dành cho cô cái thức uống ngon nhất mà thôi. Hạt cà phê do con chồn ị ra chỉ dành cho người sành chơi mà thôi...

Sáng nay, dắt tay thằng nhỏ bước xuống bậc thềm tòa án nó vùng vằng nói "Chị ơi! Ước gì ngay bây giờ em biến hóa thành Tôn Ngộ Không trong Tây du ký!". "Để làm gì?". "Để làm gì mà chị còn hỏi à? Để biến mọi người trong nhà mình ý, mẹ thành Đường Tăng, bố thành Sa Tăng, chị thành Chư Bát Giới, em là Tôn Hành giả để lúc nào cũng ở bên nhau, bảo vệ cho nhau".

Hoài uể oải thu người dậy. Nhấc chiếc phin cà phê lên, nhấm một ngụm đặc sánh. Đắng.

Một đám thanh niên choai choai kéo đến. Dưới ánh đèn mờ vẫn nhận ra những mái tóc nhuộm vàng, nhuộm đỏ màu hoa hiên, những cánh tay xăm trổ nhằng nhịt. Mỗi thằng gọi một món đồ khác nhau, sành điệu. Một trong số đó rút ra điếu thuốc lá màu nâu to tướng. Xì gà! Hoài lần đầu tiên biết đó là điếu xì gà khi nghe một đứa thốt lên. Chúng châm lửa rồi chuyền nhau mỗi đứa rít một hơi, khen ngon!

- Mẹ kiếp! Đến bao giờ mỗi thằng mình mới được sở hữu riêng một điếu? Nhục! Một thằng thở than.

- Câm cái miệng đi! Được Đại ca chiêu đãi là phúc tổ bảy mươi đời rồi còn mơ gì! Thằng ngồi bên huých khuỷu tay vào mạng sườn thằng vừa nói.

 Hoài nghe để ngoài tai. Ba cái chuyện đó chẳng liên quan gì đến mình cả. Nhấm một ngụm nữa. Vị đắng làm cô rùng mình. Hai cái ly nhỏ đựng đường và sữa trước mặt không khiến cô quan tâm.

 Bàn bên có tiếng điện thoại reo. Người cầm máy không thể nói nhỏ hơn trong mớ âm thanh hỗn độn của tiếng nhạc, tiếng chuyện hàn huyên, tiếng khúc khích cười của mấy thiếu nữ rủ nhau đi cà phê nhưng trước mặt mỗi ả lại là cốc sinh tố trái cây, sữa chua đánh đá.

- A lô!... Mày nói to tý xem nào!

Nghe một lát, hắn gật gật đầu rồi nói qua điện thoại:

- Ô kê!... Anh sẽ thưởng!

Đút điện thoại vào túi, hắn giơ tay lên miệng "Suỵt!" rồi ra hiệu kéo mấy cái đầu chụm lại. Giờ thì Hoài bị thu hút từ tiếng "Suỵt!" bí ẩn ấy và từ ánh mắt láo lơ nhìn trước nhìn sau ấy. Cô căng tai lên cố thu những âm thanh bí ẩn ấy vào bộ nhớ.

- Thằng Chẩm vừa chôm được một mẻ của nhà mụ Di.

Nói xong, hắn rút tiền trong ví đặt phạch xuống bàn rồi gọi lễ tân:

- Ê! Thanh toán đây nhá! Đang vội!

 Cả bọn rút nhanh. Để lại cho Hoài những suy đoán. Mụ Di… Đúng là cô Di xóm núi. Khu này có mỗi chú Di, gọi cô Di là gọi theo chồng. Nhà còn có hai mẹ con. Chồng cô chết năm ngoái do ung thư phổi. Năm nay cô Di lại phát hiện có u gan, thằng cu Dĩnh mới học lớp ba thôi đã mồ côi bố. Cả xóm ai cũng thương hoàn cảnh nhà nó. Dạo này mọi người đang giúp cô tích cóp để đi chữa bệnh ở tuyến trên. Thằng Chẩm! Cái tên thằng Chẩm cũng chẳng ai còn xa lạ ở đất này, nó ra tù vào tội như cơm bữa. Trộm cắp vặt là nghề của nó. Khổ! Nếu đúng là chúng khoắng của nhà cô Di thì thật quá đáng. Chó cắn áo rách! Hoài lại nhấm tiếp ngụm đắng. Lại rùng mình. Hoài lắc cằm một cái tự trấn an. Cô thực sự muốn biến thành bóng đêm! Bóng đêm là nơi kẻ ác dấu mình. Thằng Chẩm đã có lần đứng nấp trong bóng tối quan sát thấy ông Lâm sang hàng xóm chỉ cài cửa không khóa, nó lẻn vào bê trộm ti vi. Là bóng đêm cô sẽ biết tuốt được mọi chuyện. Ngoài sáng không nhìn thấu bóng đêm, nhưng trong bóng đêm thì nhìn rõ mọi thứ ngoài ánh sáng. Hồi học cấp hai nghe thầy giảng như vậy. Hình hài bóng đêm không thể miêu tả nhưng ngồi bên ly cà phê đen cô cứ liên tưởng về một màu đen, lúc mờ ảo như sắp tan vỡ, lúc đậm đặc như có thể cắt ra thành từng mảng, cũng có thể bẻ gẫy từng miếng.

Bà nội bị mù từ bao giờ không rõ. Hoài ra đời thì bà đã mù rồi. Lúc còn nhỏ xíu bập bẹ nói Hoài thường thắc mắc sao lúc nào bà nội cũng nhắm mắt mà không chịu nằm ngủ. Lớn lên biết được lý do bà bị mù một phần do cây cối va đập vào mắt, một phần do khóc chồng, khóc con nhiều quá. Ông nội và hai người con của ông bà bị chết vào một đêm mưa gió kinh hoàng. Bầu trời đen kịt. Nước lũ đổ từ trên rừng xuống làm sói cả một vệt suối kéo trôi một ngôi làng, trong đó có nhà của nội. Bà nội cùng với bố và cô Lai dạt vào hủm Nụ được mọi người cứu mới thoát chết. Từ đó bà nội dồn tất cả tình yêu thương vào bố và cô Lai. Bao nhiêu công to việc lớn đều do một tay bà lo liệu mặc dù đôi mắt không được như người ta. Cô Lai lấy chồng xa thỉnh thoảng mới về thăm nhà, còn bà nội thì càng về già mắt càng kém. Bà bảo toàn thấy một màu đen, đã vậy tai bà lại nghễnh ngãng. Có lần thoáng nghe thấy bố mẹ Hoài to tiếng, bà hỏi "Chúng bay lại cãi nhau hả?". Bố quát lên "Không cãi nhau! Văn nghệ tí thôi!". Bà khẽ gật đầu "Ừ! Văn nghệ cho vui!". Hoài nghĩ, cứ nghễnh ngãng, cứ đêm đen như bà nội lại hóa hay! Chả phải nghĩ ngợi gì! Mà trong sâu thẳm bà nội nghĩ gì chỉ có bà mới biết.

Hoài cố gạt đi những suy nghĩ vẩn vơ. Cô gọi người phụ bàn rót thêm nước sôi vào phin cà phê. Lí do là không thể uống đặc. Ngoài trời tiếng dế kêu rả rích. Những con thiêu thân quáng quàng lao vào từng vòm sáng ở mỗi bóng đèn treo lơ lửng. Mùa gặt. Lũ châu chấu, dế mèn từ đồng cũng theo nhau nhao nhao bay về quanh các bóng đèn cao áp bên đường. Bọn trẻ con rủ nhau đi bắt được hàng cân chứ không ít. Món cào cào, châu chấu, dế mèn, bọ xít bỗng trở thành món đặc sản trong những nhà hàng từ bao giờ! Hoài nhếch mép tự cười một mình. Thỉnh thoảng cô được nghe bố mẹ kể về những ngày xưa cùng trẻ con trong làng đi bắt cào cào, rồi lấy nước tuôn vào tổ dế, bắt được vài con là chạy về cời than nướng, xúm xít xé chia nhau từng tí một. Rồi bảo là ăn thơm lắm, ngậy lắm! Hoài cãi "Ngậy gì! Hôm cái Minh con nhà ông chủ tịch xã chiêu đãi tiệc sinh nhật gọi món "Tôm bay". Tưởng gì, hóa ra cào cào rang, ăn khét lẹt!". Bố cười "Ừ thì bây giờ họ toàn chiên bằng dầu chẳng khét!".

Khách vào quán mỗi lúc một đông hơn. Có hai người đến bàn của Hoài. Hẳn là hai vợ chồng vì nhìn chạc tuổi bố mẹ cô. Người đàn ông lịch thiệp xin lỗi rồi kéo ghế cho người phụ nữ ngồi trước, mình ngồi sau. Người phụ nữ hỏi:

- Bố Nga uống gì để em gọi?

 Đích thị là hai vợ chồng đi thư giãn đây. Người đàn ông chưa trả lời mà khẽ búng ngón tay xuống bàn nhắc:

- Cà phê tràn ly rồi cháu!  

- Dạ! Cháu xin lỗi!

Hoài chợt ngượng với câu trả lời bập chập của mình. Một tay nhấc chiếc phin, một tay cầm cốc đưa lên miệng uống ừng ực. Biết là sẽ bị cười nhạo đấy nhưng hình ảnh trước mắt khiến cô tự dưng rồ lên như thế.

Mẹ đi giúp đám cưới con một người bạn ở xã trên, kế hoạch đi những hai ngày một đêm. Nhà bà bạn làm cỗ chiều ăn nháp, sáng hôm sau mới vào cỗ chính. Con gái nhà người ta mới mười bảy tuổi đã lấy chồng. Nghe đâu lớp nó tổ chức đi pic nic, đốt lửa trại. Chơi đêm tý táu tý mẻ thế nào mà để lại hậu quả. Giờ phải bỏ học để cưới vì bầu bí đến sáu, bẩy tháng rồi. Nửa đêm mẹ vẫn xăm xắn về nhà vì quên mang quần áo thay. Đêm tối, trời đen quánh nhưng con đường này mẹ thuộc đến từng ổ gà. Vượt qua một con dốc, đến triền dốc thứ hai mẹ nghe thất thanh phía bờ lau. "Ối anh ơi!... Rắn!... Rắn!...". Tiếng quật bùm bụp xuống đất. Tiếng run rẩy của người đàn bà. Tiếng kêu "Ái trùi ui!.." của người đàn ông. Trong đêm tối mẹ không nhìn thấy ai nhưng linh cảm và phản xạ tự nhiên bắt mẹ lao tới chỗ có tiếng kêu. Hoài nhận được cuộc điện thoại gấp của mẹ "Bố gặp tai nạn con ơi!". Nửa đêm phóng xe tới trạm xá, Hoài thấy mẹ đang quýnh lên gọi xe cấp cứu của bệnh viện huyện đưa bố lên tuyến trên. Hậu quả là bố bị tháo khớp bàn chân trái nếu không sẽ hỏng cả chân và có thể nguy cho cả tính mạng. Mẹ không nói không rằng. Bố cũng không dám kêu đau. Một màn đêm vô hình đang giăng kín tâm hồn mẹ. Hoài lặng lẽ đưa cơm hai bữa lên bệnh viện huyện. Cô dậy thật sớm nấu nướng rồi ấn tất vào cặp lồng cho hai người ăn cả ngày. Cô phóng xe thật nhanh tránh ánh mắt của bất cứ ai. Bệnh viện, cái nơi đến của rất nhiều loại bệnh nhân. Dù thoắt đến, thoắt về trong mấy ngày nhưng cũng đủ nghe khối chuyện. Nào thì là anh em chém nhau vì tranh giành đất, nào thì là có người tự tử do nợ nần chồng chất. Ấy là bà vợ nọ bị lôi kéo vào chơi đa cấp, lúc đầu họ cho ăn dày được lên cấp Trưởng, Phó phòng kinh doanh gì đó. Tiền vào tài khoản cứ ầm ầm, thế là dấn lên vay ngân hàng chơi lớn để hưởng lợi tức lớn. Đồng bọn chúng gạ vay lãi ngày để chơi. Rốt cuộc là tài khoản ảo. Chủ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chơi cái bài đăng tin bị công an bắt vào tù. Nhưng ôi thôi nó cao chạy xa bay, cắt hết liên lạc chứ có ai bắt! Thế là hết! Thế là tìm đến cái chết! Được bác sĩ cứu còn oán trách sao không để cho tôi chết! Hoài chưa rõ khái niệm về cái chết ngoài sự tưởng tượng chết là chìm vào bóng đen dưới âm phủ, không còn biết gì về sự sống trên đời này. Ừ, vậy sao không để cho người đàn bà kia chìm vào bóng đen? Có người hỏi bà "Thế có biết ông bà chủ doanh nghiệp không?". Trả lời mếu máo "Nào có biết! Chỉ biết là họ ở Hà Nội lên mở chi nhánh trên này". Hoài thở dài rồi bỏ về, không chào một ai. Cô muốn để họ lặng chìm trong tăm tối vô vọng còn hơn là phải ngẩng lên trả lời cô dù chỉ một tiếng "Ừ"! Đến cổng viện gặp một tốp xúm vào khênh hai người đầu băng bó từ trên chiếc ô tô con xuống băng ca. Xôn xao cái chuyện đánh nhau trong vụ đấu thầu đất. Một bà già khóc lăn, khóc lộn kể lể, kêu than "Bán mảnh vườn cho thằng con ra đấu thầu mua mấy chục mét vuông ngoài phố để làm ăn!... Nó bảo giá sàn ba trăm rưởi… Ra, họ đấu lên những bẩy, tám trăm triệu… Ối giời ơi!... Không đấu được mà còn bị đánh ra nông nỗi này…". Hoài ngơ ngác nhìn theo. Ông bảo vệ kéo cô né vào trong. Ông lắc đầu nói ra chiều hiểu chuyện lắm "Người dân nghe quảng cáo đấu thầu thì mua hồ sơ và đặt cọc. Kẻ có máu mặt thì dùng cả một dàn đệ tử làm hồ sơ đấu thầu. Chúng "đi đêm" với nhau cả rồi. Ai lơ mơ nhúng vào là chúng đánh liền!". Hoài lại mơ hồ về cụm từ "đi đêm" nhưng tìm hiểu mà làm gì. Cô trả vé cho bảo vệ rồi vội vàng lấy xe phóng về nhà.

Quán đêm xao xác kẻ vào, người ra, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi lớp người và hầu như ai cũng có bạn tâm giao. Chỉ có Hoài một mình với hỗn độn những hình ảnh xuyên qua giọt cà phê đen sánh. Cô nghĩ đến hai đứa em. Thằng lớn đã đủ khôn, chỉ thương thằng em trai bé bỏng. Nó giống bố mỗi cái miệng và cái mũi to, còn người mảnh dẻ giống mẹ, da trắng giống mẹ, đôi mắt ướt với hàng mi cong giống mẹ. Lúc bế nó ra khỏi phòng đẻ, cô nữ hộ sinh giơ cho cả nhà xem chiếc vòng tránh thai và nói vui "Đặt tên là thằng Vòng nhá!". Mặc dù khai sinh là Tiến Dũng nhưng cả nhà đều gọi tên Vòng. Có những lần bố bế nó đi chơi về khuya lắm. Nó phụng phịu "Con ứ đi với bố nữa đâu! Lần nào cũng gửi con chơi nhà bác Hoàng rồi mãi mới về đón con…". Thế là chiến tranh lạnh xảy ra. Đuối lý, bố gằn lên "Thằng Vòng chắc gì là con tôi! Cô cứ liệu đấy!". Mẹ chỉ khóc thầm trong đêm. Giọt nước tràn ly. Mẹ bảo thôi để bố mày được tự do. Mẹ con mình thừa sức lo toan cuộc sống.

Hoài say cà phê. Nôn nao. Nước miếng ứ đầy lên cổ. Đầu óc quay cuồng. Những ánh điện nhòe đi rồi tắt lịm. Choàng ngồi dậy trên chiếc ghế sô pha. Quán vắng tanh, chỉ còn mấy đôi nam nữ thanh niên đang rúc rích cười. Anh chủ quán ân cần hỏi:

- Em thấy trong người thế nào? Chắc không quen uống cà phê đen.

- Dạ, chắc là vậy! Em nôn à? Phiền cho quán nhà anh quá!

- Không sao! Thỉnh thoảng anh vẫn gặp trường hợp như thế mà. Say rượu mới sợ chứ say món này không đáng lo. Em tự về được chứ?

- Dạ vâng!

Trăng muộn đã lên. Hoài nhìn rõ từng cuộn mây đen mờ lởn vởn trên nền trời đêm. Tiếng dế ran dày hơn như cùng tấu lên một bản nhạc. Hoài không cảm nhận được những khúc nhạc buồn hay vui. Dắt xe ra khỏi khoảng không gian mờ ảo của quán đêm, Hoài nhìn xa xăm về phía khu đô thị mới lung linh ánh điện đủ sắc màu. Khu ấy trước đây là một cánh đồng lúa mênh mông mỗi lần qua cô thường đi chầm chậm để hít hà hương lúa nồng nàn. Bởi ý nghĩ thực tại chỉ ước làm bóng đêm nên cái lung linh của khu đô thị mới nơi phố núi chẳng làm cô rung động. Nổ máy, bật đèn xe, vít ga chạy trên con đường có hàng đèn cao áp nối dài. Những con bọ xoan xanh, châu chấu, thiêu thân quáng quàng lao vào bóng điện. Thỉnh thoảng chúng tạt vào mặt Hoài ran rát.

 

N.T.T

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter