• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Hạnh phúc cuối cung đường
Ngày xuất bản: 22/09/2020 2:31:59 SA

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Yến

Mây đen giăng kín, gió nổi lên mỗi lúc một lớn. Cát, bụi lẫn lá khô cuốn lên không trung mù mịt. Nụ thu vội mấy chiếc áo chưa kịp khô vào trong lán. Mưa lộp bộp vài hạt rồi tuôn xối xả. Nụ tranh thủ vo gạo, bóc ít sắn, nhìn ra màn mưa trắng xóa chỉ thầm mong trời mau tạnh. Ít tuổi nhất nên từ ngày nhập ngũ Nụ luôn được các anh chị trong đội xem như em út. Hàng ngày làm nhiệm vụ cấp dưỡng cho gần năm chục con người của đội đường sắt, lại trong điều kiện chiến tranh, Nụ không lúc nào rảnh rang mà vu vơ nghĩ ngợi. Thư từ về nhà cũng chẳng có thời gian ngồi viết. Tuổi xuân đang phơi phới nhưng trong hoàn cảnh này, Nụ như quên mất những nhu cầu của tuổi trẻ. Chăn, màn, quần áo nhuốm một màu cỏ úa, gương lược chẳng mấy khi dùng.

 Từ tờ mờ sáng, Nụ và các chị đã lục đục dậy chuẩn bị đãi ngô ngâm từ đêm hôm trước rồi đem bung. Mấy chị em lấy lửa bếp làm ánh đèn, chuẩn bị thúng, gánh. Nhập nhoạng mặt người cũng là lúc các lán nữ rậm rịch tiếng chân gánh nước, gánh cơm, gánh bát ra ngoài đường để phục vụ ăn sáng cho các anh em. Mấy chị em kĩu kịt gồng gánh dọc tuyến đường độc đạo, huyết mạch duy nhất nối liền thủ đô Hà Nội với tỉnh Lào Cai. Mồ hôi ai cũng rịn dọc theo thái dương. Chiếc đòn gánh trĩu xuống trên những đôi vai gầy mảnh mai đung đưa theo từng nhịp chân. Công việc dường như quá sức với những cô gái trẻ nhưng Nụ cũng như mấy chị em trong đội luôn gồng mình cố gắng, miễn sao để các anh được no bụng, có sức để bảo vệ những tuyến đường.

Mấy ngày liền, Mỹ điên cuồng ném bom nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch, làm tê liệt đường giao thông, chặn nguồn chi viện từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ miền xuôi lên miền ngược. Dọc cung đường trắng một màu đất đá, hai bên cầu vung vãi những đôi dép người dân sợ hãi vứt lại khi bỏ chạy. Nhiều anh em đi tuần đường bị bom đánh trúng, có người kịp nấp chỉ bị thương, có người hi sinh nhưng mãi sau mới tìm thấy xác. Khi tìm thấy, xác các anh đã rữa hết, dạt vào ven bờ sông, đồng đội nhận ra nhờ khẩu súng trường K44 đeo bên người. Nụ cùng mọi người phải đi sơ tán, đào bếp Hoàng Cầm nấu để đảm bảo bí mật, có cơm cho anh em ăn đúng giờ. Gạo nấu độn khoai, lúc lại độn ngô, độn sắn. Còn rau ngày nào cũng được chị em cải thiện bằng những củ măng rừng hay những bó rau dại tươi ngon. Nước da hồng hào con gái đã dần thay bằng màu vàng mai mái. Tóc Nụ bắt đầu xơ cứng, rụng trơ mái. Công việc bộn bề, hiểm nguy rình rập, mấy chị em nhìn người nào cũng rộc rạc, nhưng hễ ngồi với nhau lại chuyện trò, cười nói ríu rít. Tiếng chị Thắm khàn khàn: “Sau này hòa bình, nhất định tao sẽ đi một chuyến tàu Bắc- Nam cho biết. Anh Tường bảo, vào Nam đi tàu là sướng nhất. Cứ thử tưởng tượng xem, khi tàu chạy trên núi, sương mờ sẽ len vào sát cửa sổ. Qua dốc cua, ngoái lại phía sau sẽ nhìn thấy đuôi tàu vặn mình cong cong chui ra từ hầm. Ôi chao, đất nước mình tuyệt đẹp và kỳ vĩ dưới vòng lăn của những con tàu”…

Như chẳng bận tâm đến ánh mắt mơ màng của Thắm, chị Hoa tếu táo hất cằm về phía Nụ:

- Cứ cho nó lơ lửng đi. Mà này, tình hình đang thiếu nhân lực, hay cố kiếm lấy một đứa nhỉ?

Nụ thẽ thọt:

- Em chẳng dám. Chót lỡ với ai bây giờ chỉ có nước bị kỷ luật. Mình mà khai ra thì người ấy bị trục xuất khỏi ngành, nếu không khai thì chính mình bị buộc thôi việc.

Chị Hoa cười, đuôi mắt tít lại:

- Nhát thế. Sợ kỷ luật nên không dám “yêu” à?

- Cũng không hẳn chị ạ…

- thế sao giờ vẫn một mình?

Nụ không đáp. Chị Thắm nhìn thẳng vào mắt Nụ:

- Nói thật đi, chả lẽ mày không có khao khát tình cảm?

Nụ nhìn chị Thắm, cố giấu câu trả lời nhưng không tránh được cái nhìn dáo diết của chị, chợt mắt Nụ nhoè nước. Đưa bàn tay gầy gò, nổi chằng chịt gân lên quệt ngang mắt, giọng Nụ nghẹn lại:

- Đã nguyện làm người của đất đá, cầu đường, sống chết lúc nào ai mà dám chắc hả chị?… Cứ cho là mình lấy chồng sinh con đoàng hoàng nhưng… không may mình nằm xuống… lại khổ cho đứa trẻ và bố nó…

Không gian như lắng xuống. Mấy chị em bất giác cùng nhìn về phía xa, ánh mắt hoang hoải, buồn da diết.

***

Chiều nay xong việc, Nụ vội chạy ra phía đường mòn. Hôm nay là ngày Thanh trở về. Dù Nụ chưa chính thức nhận lời nhưng mỗi lời nói, mỗi việc làm, Thanh đều hướng đến Nụ. Thanh cao dong dỏng, da ngăm rắn rỏi, trông vẻ lạnh lùng nhưng thực chất tình cảm, luôn biết quan tâm đến người khác. Ngày nào đi làm về Thanh cũng ghé qua chỗ Nụ kiếm cớ hỏi dăm ba câu. Hôm nào không gặp, Nụ lại bồn chồn đứng ngồi không yên. Mấy hôm trước, Thanh cùng mọi người đi bộ từ Lâm Giang qua Mậu A, sang sông An Thịnh, rồi từ đó lại xuống điểm tập trung lấy gạo, đến tận chiều hôm sau mới gánh bộ về Lâm Giang, leo dốc thêm hai cây số nữa để về nơi sơ tán. Phần gạo gánh theo không chỉ là hai mốt cân theo tiêu chuẩn mỗi người mà còn gánh thêm tiêu chuẩn một người nữa, cộng thêm hai cân gạo cho cháu bé, thành ra mỗi người phải gánh trên bốn mươi cân với quãng đường cả đi cả về hơn sáu mươi cây số. Trời nhập nhoạng mà chưa thấy ai, Nụ vòng ra, vòng vào ngóng đợi. Có tiếng ồn ào, chị Thắm từ đâu chạy về, mặt trắng bệch:

- Các anh ấy bị trúng bom rồi. Anh Mãi nấp ở bụi chuối bị mảnh đạn văng vào thương ở chân. Anh Tường nhảy vào hầm nhưng không kịp…- Giọng chị thều thào- Anh Tường hi sinh rồi Nụ ạ.

Chị Thắm khóc không thành tiếng nhưng nước mắt rơi lã chã. Trong giây lát Nụ không biết nên làm thế nào. Người yêu, người chồng sắp cưới của chị đã vĩnh viễn không trở về. Giờ đây có lời lẽ nào có thể xoa dịu nỗi đau của chị. Nụ thương chị Thắm vô cùng, người chị nhanh nhẹn, vui vẻ, nhân hậu, lúc nào cũng yêu thương Nụ như em gái ruột. Nụ lấy tay khẽ vuốt mái tóc chị, ngồi im mặc chị gục vào vai Nụ khóc. Lúc ấy, Nụ như hóa đá.

Ngay đêm đó, địch đánh bom vào giữa lòng đường, Thanh cùng các anh em khác vội đi kiểm tra. Sợ bị phát hiện, mọi người không dám dùng đèn pin, chỉ dò dẫm trong bóng tối. Bất chấp hiểm nguy Nhái lao người xuống hố bom. Tìm, tìm mãi không thấy, Nhái lại bò lên. Thanh xung phong xuống tìm lần nữa. Mặc kệ sự sống, cái chết, Thanh chỉ nghĩ bom nổ chậm còn găm dưới đất, phải tìm cho ra, nếu không anh em mình sẽ thiệt mạng. Bỗng một tiếng nổ lớn vang lên, cả đội văng mỗi người một hướng. Khi Nụ chạy ra đến nơi thì anh Nhái, anh Văn đã được chuyển đi cấp cứu, còn Thanh người đã mềm oặt, đầu bê bết máu. Thanh đi mà không kịp nhìn Nụ lấy một lần.

Chỉ kịp chạm tay vào mặt Thanh, Nụ ngất xỉu. Chị Hoa, chị Thắm dìu Nụ về. Suốt quãng đường về, không ai nói một lời, chỉ những tiếng nấc chốc chốc lại buột ra từ phía lồng ngực của hai người con gái đã từng trải qua những nỗi đau thời chiến.

***

Cánh cửa tình yêu như khép lại trước mắt Nụ. Từ hôm ấy, Nụ ít cười, ít nói. Với Nụ lúc này chỉ mong sao bảo toàn được những cung đường. Nụ quyết định sẽ một mình cho đến khi đất nước hoà bình, không còn bom đạn và chết chóc. Nụ cất giữ tuổi xuân theo những cung đường, chôn vùi những khát khao chính đáng của tuổi trẻ cùng những bom rơi, đạn nổ, những con đường bị bằm nát, những cây cầu bị đánh sập… Nụ dần quen với mưa bom, bão đạn, dần quen với cái chết. Nụ không còn sợ hãi mỗi khi đồng đội ngã xuống mà lòng chỉ thêm sắt lại. Sau mỗi lần mất mát, Nụ cùng đồng đội càng trở nên kiên cường. Giặc càng phá mạnh, ta càng khôi phục nhanh.

Thời gian vùn vụt trôi. Chiến tranh kết thúc, Nụ được công ty ưu tiên nhận về làm tạp vụ khi đã ngoài ba mươi, cái tuổi chưa hẳn già nhưng cũng không còn đủ trẻ để dễ tin hay đưa ra một quyết định. Những người con trai cùng lứa với Nụ đã có vợ con, chỉ những người lỡ dở hoặc vì cớ này, cớ khác đến đặt vấn đề đi lại. Nụ lo sợ nhiều điều nên không muốn mở lòng với bất kỳ ai. Một mình đằng đẵng, những khi buồn vui, trái gió trở trời, Nụ đều tự mình xoay xở.

Một chiều, sau khi khóa cửa phòng giám đốc, Nụ thu dọn đồ đạc ra về. Đi qua phòng Kỹ thuật, Nụ chợt nhớ chưa mang chè khô xuống cho mọi người. Nụ vội vào kho lấy túi chè quay lại. Công ty về hết chỉ còn anh Dậu đang cắm cúi bên bàn làm việc. Đang lúi húi đổ chè vào hộp, chợt nghe anh Dậu gọi tên Nụ rồi gục xuống bàn. Nụ vội vàng pha trà gừng cho anh uống rồi nhờ người đưa anh về. Anh hơn Nụ 9 tuổi, tính hiền khô, vợ mất sớm chưa kịp sinh cho anh một đứa con. Nhà anh vắng vẻ tuềnh toàng, lại chẳng có người thân ở gần nên những ngày anh Dậu ốm, Nụ thường xuyên qua thăm, chăm sóc cho anh. Khi anh ngỏ lời muốn đến với Nụ, có người ủng hộ, có người khuyên cản, sợ Nụ khổ nhưng không hiểu sao Nụ cứ thấy thương anh. Mỗi lần ở bên anh những buồn đau trong Nụ như được xoa dịu. Nụ theo về ở cùng anh vào một chiều đông hanh hao nắng, khi những chiếc lá bàng đỏ rực cuối cùng đã trút khỏi cành. Cái rét ngọt khiến Nụ muốn được gần anh, cùng anh vun đắp tổ ấm. Cuộc sống trôi trong êm đềm. Song buồn nỗi dù chữa chạy hết nơi này đến nơi khác nhưng ông trời không cho vợ chồng Nụ được toại nguyện. Dù khao khát đêm ngày nhưng Nụ vẫn không được hưởng hạnh phúc thiêng liêng của người đàn bà là được làm mẹ. Bao năm, căn nhà vẫn chỉ có hai vợ chồng. Tóc anh Dậu ngày một trắng. Người Nụ mỗi ngày khô lại. Nhiều lúc nhìn bọn trẻ nô đùa trong khu tập thể, Nụ lại thở dài, trách ông trời không thương chị.

 

Mấy hôm nay anh Dậu về quê giỗ ông cậu, tiện sửa sang lại nhà thờ dòng họ. Anh bảo chiều nay xong việc sẽ bắt xe về luôn. Không hiểu sao chị Nụ cứ nóng ruột. Mọi hôm ăn trưa xong chị lên giường chợp mắt một lát, nhưng hôm nay không sao ngủ nổi. Chị bấm gọi nhưng không thấy anh nhấc máy. Ngoài trời mưa tầm tã. Dưới gốc chuối, đôi gà ướt lướt thướt đứng co ro. Con gà trống cổ cườm cố đứng áp vào con mái mơ cho đỡ lạnh. Thấy con mái mơ liêu xiêu như sắp ngã, nó từ từ xoè cánh ra che chở. Nhìn chúng, chị thấy động lòng. Chị với chiếc nón định chạy ù ra lùa chúng vào chuồng thì chợt có tiếng sấm nổ lớn cùng tia sét lóe sáng như xé rách bầu trời. Chị giật mình vội đóng chặt cửa. Đúng lúc chuông điện thoại réo vang. Là anh Dậu gọi. Chị chưa kịp hỏi lúc nào anh về thì tiếng bác cả dồn dập: “Thằng Dậu bị cảm, nằm ngoài khu nhà thờ, mọi người đến nơi thì nó đã đái ra quần, không biết gì nữa rồi cháu ạ. Cháu thu xếp về ngay…”. Phút chốc chị thấy mắt hoa lên, đầu óc choáng váng. Chị không khóc nổi thành tiếng. Sao cuộc đời lại nỡ lấy đi của chị tất cả, những hy vọng cuối cùng, những yêu thương cuối cùng, niềm hạnh phúc cuối cùng... Còn anh, anh hiền lành, cả đời chỉ đối tốt với mọi người mà sao lại phải chịu chết tức tưởi. Những câu hỏi của chị bị nuốt chửng trong làn mưa trắng xóa.

 Lúc đặt quan tài anh Dậu xuống huyệt, chị lịm đi không biết gì. Mấy ngày liền chị ngất lên ngất xuống. Cứ mỗi lần tỉnh giấc, nỗi đau lại ập đến. Những lúc ấy chị chỉ có duy nhất ý nghĩ làm thế nào để nỗi đau này biến mất. Chị cứ nghĩ mình chính là nguyên nhân mang lại bất hạnh cho những người đàn ông thực lòng yêu thương chị. Phải chăng mọi người nói đúng, gò má cao thì sẽ sát chồng, sẽ cả đời vất vả. Chị không tin, chị không muốn tin. Nhưng Thanh của chị, anh Dậu của chị đều đã bỏ chị mà đi. Giá như chị cứ ngủ mãi, không bao giờ tỉnh lại để chị không phải sống trong những tháng ngày đau khổ. Cuộc sống với chị bây giờ dường như vô nghĩa. Quãng thời gian tới không phải là sống mà chỉ còn là tồn tại. Chị nghĩ thế. Thức trắng nhiều đêm, chị nộp đơn xin thôi việc, bán căn nhà nhỏ nằm giữa khu tập thể đường sắt, nơi từng cất giữ bao kỷ niệm hạnh phúc và buồn tủi cho một người quen để về quê mua gian nhà nhỏ. Dù sao, ở quê vẫn còn anh em họ hàng, mồ mả tổ tiên. Chị còn điểm mà níu kéo, mà nương tựa. Hôm chia tay, anh chị em công ty thương chị nhiều nhưng không biết làm thế nào, chỉ xót xa, dặn dò chị khi nào buồn thì quay lại, mọi người luôn chờ đón. Chị bước lên xe mà đầu vẫn ngoảnh lại cố nhìn những gương mặt thân thuộc thêm một lần nữa. Cho đến khi chiếc xe khách đã khuất bóng, chỉ còn lại đám khói bụi trong không khí, mọi người mới cùng nhau trở về.

***

Thêm một mùa bàng trút lá. Nhìn cây bàng trơ trọi chỉ còn những cành khô đen sừng sững giữa trời đông, chị không khỏi chạnh lòng. Chị nhớ những ngày ở khu tập thể. Chợt có tiếng lao xao ngoài cổng. Hai mẹ con chị Thắm vừa vào đến sân. Mai giờ đã chững chạc trong bộ đồng phục nhân viên đường sắt, còn chị Thắm vẫn nhanh nhẹn tuy người có đẫy ra đôi chút. Chị Nụ mừng quýnh. Lâu lắm căn nhà nhỏ mới lại ấm tiếng người. Tiếng chị Thắm vẫn khàn khàn:

- Có việc này mày phải quyết ngay. Nếu mày đồng ý thì ngay hôm nay thu xếp về công ty với tao.

Chị Nụ đang ngơ ngác chưa hiểu việc gì thì Mai đã tiếp lời:

- Đêm qua lúc sang toa hành lý kiểm tra, cháu nghe có tiếng ọ ọe. Ban đầu cháu cứ nghĩ có ai đó mang theo vật nuôi nhưng ngay sau đó tiếng trẻ con khóc váng lên. Cháu không tin vào mắt mình nữa.- Ánh mắt Mai sáng lên, hai má ửng hồng- Cô biết không, là một bé trai bụ bẫm chỉ vài ngày tuổi bị bỏ rơi. Cháu chạy vội đi gọi mọi người. Nhìn thằng bé non nớt khóc gào trong chiếc áo cánh nâu, vá chằng vá đụp ai cũng phải động lòng cô ạ. Lúc ấy trong đầu cháu nghĩ ngay đến cô.

Chị Nụ lặng người trong giây lát. Từ ngày anh Dậu còn sống cũng đã có lần chị nghĩ đến việc nhận một đứa con nuôi cho bớt cô quạnh, cũng là chỗ dựa lúc tuổi già nhưng số phận vẫn không chiều theo ý chị. Lần này niềm mong đợi đến với chị quá bất ngờ khiến chị phân vân. Ngần này tuổi đầu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, liệu chị có chăm lo tốt được cho thằng bé không. Chị sợ nó phải chịu thiệt thòi khi ở với chị. Nhưng có lẽ, mọi sự ông trời đã sắp đặt. Hai giọt nước mắt từ từ lăn ra từ khóe mắt chị.

Sớm hôm sau, chị Nụ cùng chị Thắm đã có mặt ở công ty. Chị lên gặp lãnh đạo, trình bày nguyện vọng được nhận đứa trẻ làm con nuôi. Sau cuộc hội ý nhanh, ban lãnh đạo quyết định đồng ý. Nhìn ánh mắt rạng rỡ và hạnh phúc của chị khi bồng đứa trẻ trên tay, ai cũng vừa thương, vừa mừng cho chị. Lâu lắm mới thấy chị Nụ cười. Nụ cười mãn nguyện khiến chị trẻ ra hàng chục tuổi. Mọi người trong khu tập thể biết chị đến đã có mặt đông đủ ở công ty. Người cho cân đường, người cho hộp sữa, người lại dúi cho chị túi tã lót. Chị nghẹn ngào không sao nói nổi lời cảm ơn. Chị cười với mọi người mà hai mắt cứ ầng ậc nước. Chị nhìn ra sân, tất cả đã đổi khác, chỉ cây bàng già xù xì cằn cỗi có từ ngày chị chuyển về công ty vẫn ở nguyên đó. Từ những đầu cành khẳng khiu đang bắt đầu nhú ra những chồi non đỏ chót. Chị biết, chẳng mấy chốc, cây bàng già nua kia sẽ xum xuê những tán lá mướt xanh, trong âm ỉ từng thớ gỗ, dòng nhựa sống sẽ lại cuồn cuộn chảy về …

 

N.N.Y

 

 

 

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter