• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Hạnh phúc ở một ngôi trường ven thành phố
Ngày xuất bản: 04/08/2022 8:46:56 SA

 

                     Hạnh phúc ở một ngôi trường ven thành phố

                                                              

 Ký của NGUYỄN VĨNH TRUYỀN

 

     Tôi may mắn đã vài lần được đến trao quà cho học sinh nghèo của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Âu Lâu. Một ngày giữa tháng năm, nhận được Giấy mời của trường mời tham dự Chương trình Tổng kết Hội thi Vẽ sơ đồ Tư duy VMINDMAP lần thứ nhất tại trường, một chương trình cực kỳ ấn tượng và có giá trị giáo dục cao, cũng là một sân chơi vô cùng bổ ích với học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở (TH và THCS). Tôi có lời hẹn với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Âu Lâu, thành phố Yên Bái về ý định viết về nhà trường hạnh phúc, nhưng cô giáo xin khất vì đang rất bận, vừa chuẩn bị cho Tổng kết năm học 2021-2022, vừa phải tổ chức Đại hội Chi bộ theo lịch, hẹn tôi một dịp khác, tôi đành phải chờ đợi.

Trong khi chờ đợi, tôi cứ nghĩ về ngày 22/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Từ năm học 2019- 2020 đến nay, “Trường học hạnh phúc” đã trở thành một từ khóa quen thuộc và quan trọng của ngành Giáo dục. Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng ngôi trường hạnh phúc cũng được ngành Giáo dục hết sức chú trọng. Mô hình Trường học hạnh phúc lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc), được triển khai thí điểm vào tháng 4/2018 ở một số trường học. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Bên cạnh truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, trường còn chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò phải luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ lỗi thời, lạc hậu.

Một ngày đầu tháng sáu, tôi trở lại Trường TH và THCS Âu Lâu. Ngôi trường của một xã vùng ven thành phố, một xã mà đa số người dân làm nông nghiệp, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Trường nằm không xa lắm trục đường chính, nhưng cũng thuận lợi vì gần trung tâm xã. Trường có hai khu riêng, một dành cho khối Tiểu học, thoáng rộng, nhiều cây xanh, với những ngôi nhà hai tầng, thật tĩnh lặng với hoa phượng đỏ rực sân trường và tiếng ve cất lên sau những vòm lá xanh. Khu dành cho khối THCS mới hơn, với các dãy nhà ba tầng, hệ thống cây mới trồng nên còn nhỏ, chưa phủ kín được sân trường. Tôi đặc biệt chú ý hệ thống các Panô áp phích treo ở nhiều vị trí của nhà trường, tất cả đều được trình bày rất đẹp, nhiều màu sắc, ấn tượng. Tất cả đều mang thông điệp về trách nhiệm của nhà trường đến với học sinh. Tôi tha thẩn đi trong không gian rộng rãi, nhiều cây xanh của nhà trường trong một buổi sáng đầu hè và cố hình dung lại những hoạt động sôi nổi, ấn tượng của nhà trường. Tôi cũng nhớ lại câu nói của một cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: “Từ ngày cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền về trường làm Hiệu trưởng, dù còn khó khăn nhưng đã cùng Ban Giám hiệu, Hội đồng giáo dục, Chi bộ Đảng làm thay đổi bộ mặt nhà trường, đặc biệt các hoạt động chuyên môn, hoạt động phong trào xây dựng Trường học thân thiện, Trường học Hạnh phúc”.

Tiếp tôi trong phòng làm việc và nghe tôi nói về mục đích của mình,  cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Huyền, cùng các cán bộ chủ chốt khá bối rối, vì rất ít khi các cô giáo tự nói về mình. Cô Hiệu trưởng pha trà, rót mời tôi rồi phân trần: Trong những năm qua, chúng em cũng gặp khá nhiều khó khăn về dịch bệnh Covid 19, nhưng toàn trường đã đồng lòng, đồng sức để tiếp tục duy trì các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I giai đoạn 2017- 2022, luôn bám sát quy định các tiêu chuẩn, với mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiêu chuẩn để chuẩn bị cho công nhận giai đoạn tiếp theo; xây dựng kế hoạch hàng năm để nâng cao chất lượng phù hợp và khả thi, xác định cụ thể đối tượng thực hiện; nguồn lực, tài chính, thời gian thực quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. 

Nói đến nhà trường, phải nói đến xã Âu Lâu, một xã nằm ở phía Tây Nam của thành phố Yên Bái. Một xã mà ba phía bao bọc bởi các xã hạ huyện Trấn Yên, thành một hình vòng cung. Xã Âu Lâu có vị trí địa lý tương đối thuận lợi. Có quốc lộ, tỉnh lộ, có đường thủy là suối Ngòi Lâu và sông Hồng chảy qua xã nên hệ thống nước phục vụ sản xuất tương đối thuận lợi. Xã có cụm Khu Công nghiệp, có điện lưới, mạng Internet, hệ thống loa truyền thanh tới tất cả 8 thôn. Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của tỉnh, các sở ban ngành của tỉnh, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của các phòng, ban chuyên môn; sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy xã, sự giám sát chặt chẽ của Thường trực Hội đồng nhân dân, sự quản lý điều hành linh hoạt của UBND xã cùng với sự vào cuộc triển khai thực hiện của các công chức chuyên môn, các thôn, sự nỗ lực cố gắng của nhân dân trong thời gian qua, đến nay qua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương đã đạt được những kết quả nhất định, đời sống của nhân dân được nâng lên, nhân dân được thụ hưởng các chính sách, nhất là các chính sách về an sinh xã hội. Dù địa bàn rộng, dân cư trên địa bàn xã sống không tập trung, nên việc huy động đóng góp của nhân dân còn khó khăn, nhưng xã đã tập trung cho giáo dục và định hướng rất đúng đắn khi đem đến niềm hạnh phúc cho học sinh là con em của mình.

- Trường TH và THCS Âu Lâu nằm ở trung tâm xã, từ khi Bộ Giáo dục có chủ trương và tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc, trường thực hiện theo kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, cũng có nhiều cố gắng nhưng chưa làm được nhiều như kỳ vọng đâu anh ạ.

Tôi liếc nhanh báo cáo của nhà trường, tính đên 19/5/2022: Tổng số có 23 lớp và 782 học sinh, gồm cấp tiểu học là 15 lớp/482 học sinh, cấp THCS  có 8 lớp và 298 học sinh. Học sinh thuộc diện chính sách: nghèo: 4, cận nghèo: 11 khuyết tật: 6. Tỷ lệ chuyên cần cả năm đạt xấp xỉ 99,6%. Nhà trường có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên gồm 37 người, đa phần có trình độ đại học. Dù có được bổ sung nhưng vẫn còn thiếu 03 giáo viên, tiểu học: 01, THCS 2 theo phân bổ của tỉnh.

Để nhà trường từng bước đi lên, ngoài việc tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp, vận dụng công nghệ thông tin để giảng dạy, trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi Hội thi giúp giáo viên trau dồi nghiệp vụ, giúp học sinh có cơ hội phát huy năng lực phẩm chất: Trong năm học 2021- 2022, đã cử giáo viên cấp tiểu học dự thi chọn Giáo viên giỏi cấp thành phố. Với cấp tiểu học: Tổ chức thi viết chữ đẹp cấp trường cho giáo viên, học sinh. Giáo viên đạt 13 giải/17 giáo viên, học sinh đạt 25 giải/66 em tham gia. Triển khai các cuộc thi tự nguyện trực tuyến: Toán Violympic, IOE (tiếng Anh), Trạng nguyên Toàn Tài, Trạng nguyên tiếng Việt trên mạng Internet,… Trong đó riêng cấp tỉnh đã đạt: 3 giải Nhất (Giải vàng), 02 giải Nhì (giải Bạc), 04 giải Ba (giải Đồng) và 14 giải Khuyến khích .

Các tổ chức trong nhà trường phối hợp thực hiện tuyên truyền, giáo dục, giảng dạy về tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, theo các chủ đề, chủ điểm. Nhà trường cho các lớp thành lập câu lạc bộ: Toán, Tiếng việt, Nghệ thuật, Trò chơi dân gian căn cứ vào nhu cầu, sở thích của học sinh, thực hiện dưới hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ đã lựa chọn. Tăng cường tổ chức các hoạt động học tập ngoài lớp học phù hợp với nội dung các môn học, hoạt động giáo dục và phù hợp với thực tiễn. Nhà trường tiếp tục duy trì mô hình Trường học gắn với sinh thái: “Trường học Xanh- sạch- đẹp- thân thiện- an toàn”. Triển khai Trường học hạnh phúc với 3 giá trị cốt lõi: An toàn, yêu thương và tôn trọng. Suy nghĩ để hướng học sinh có khả năng và điều kiện đọc sách, trường triển khai nhân rộng mô hình Thư viện thân thiện, phát triển văn hóa đọc cho học sinh 2 cấp học. Toàn trường hiện duy trì các giá sách mở, tiện lợi trong sử dụng sách báo cho học sinh, đây chính là một môi trường tiếp nhận tri thức lành mạnh và bền sâu. Để mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh là nông thôn của mình, nhà trường xây dựng môi trường học và sử dụng tiếng Anh: tổ chức hoạt động lồng ghép học tiếng Anh trong các hoạt động tập thể và ngoại khóa; tạo không gian Anh ngữ trong khuôn viên trường và các lớp  học. Trong năm học đã tổ chức được các hoạt động tập thể với chủ đề tiếng Anh.

Trong các hoạt động của mình, trường không quá phô trương về hình thức mà chú trọng vào cách thức tổ chức để đạt hiệu quả. Trong những năm qua trường đạt giải Nhì Hội thi Tuyên truyền xây dựng Trường học hạnh phúc cấp thành phố. Xây dựng khuôn viên trường lớp: Xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn. Tham gia các Hội thi do cấp trên tổ chức: Thi vẽ tranh chủ đề an toàn giao thông đạt giải Ba, thi Giai điệu tuổi hồng đạt giải Ba, thi vẽ tranh Bác Hồ trong trái tim thiếu nhi Yên Bái đạt giải Ba; Thi bóng đá nhi đồng cấp thành phố hàng năm đạt giải Khuyến khích; Thi mô hình đèn trung thu kết quả các năm học đều đạt giải. Năm học 2021- 2022 thi làm video về trường học hạnh phúc đạt giải Nhì cấp thành phố. Thi làm vi deo Hùng biện Tiếng Anh đạt giải Khuyến khích cấp thành phố.

Nhiều cuộc họp Hội đồng Giáo dục, nhiều cuộc họp Chi bộ, các đoàn thể đã bàn sâu để xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc giai đoạn 2021-2025. Bước đầu tập trung các hoạt động vào hoàn thiện 3 giá trị An toàn- yêu thương- Tôn trọng. Nhà trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh trong nhà trường về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Trường học hạnh phúc. Bám sát bộ tiêu chí của Sở Giáo dục ban hành để xây dựng môi trường dạy và học đảm bảo an toàn, luôn có sự yêu thương, chia sẻ và người học, người dạy luôn được tôn trọng. Toàn bộ kế hoạch và tiêu chí quy định về Trường học hạnh phúc được cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Hồi đồng Giáo dục thống nhất thông qua và chung tay cùng thực hiện. Cuối năm học đã tổ chức khảo sát về trường học hạnh phúc, kết quả bước đầu đạt như sau: Học sinh trực tiếp tham gia khảo sát cho ý kiến đánh giá qua cảm nhận, xấp xỉ một trăm phần trăm mức từ khá hạnh phúc trở lên. Với cha mẹ học sinh cũng tham gia đánh giá về kết quả sự tiến bộ của con trong năm học. Với giáo viên: 32 giáo viên tham gia khảo sát cho ý kiến về kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc của nhà trường; tỉ lệ khá hạnh phúc trở lên đạt rất cao.

Tôi chợt nghĩ về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX thật đặc biệt khi đã xác định: “Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đi đầu các tỉnh trong khu vực Tây Bắc. Chất lượng, hiệu quả văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, bảo đảm mọi người dân đều được chăm lo, thụ hưởng các chế độ, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập". Đặc biệt đưa tiêu chí hạnh phúc xác định một cách cụ thể: Năm 2025 chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020. 

- Nói thật lòng, ở một môi trường giáo dục mà đối tượng là các em học sinh của mình là cấp TH và THCS, chúng em trăn trở nhiều lắm, khi thực hiện sự chỉ đạo. Cũng là vấn đề mới nên các bước đi phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế mà lại đảm bảo được tiêu chí. Trường có hai cấp học, hai độ tuổi khác nhau, tiến hành các hoạt động sao cho phù hợp với tâm sinh lý của học trò, của các giáo viên chủ trì. Tuy nhiên thời gian cuối năm học do ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19 nên các Câu lạc bộ chưa duy trì thường xuyên. Trong khi đó vẫn tiếp tục triển khai mô hình trường học mới như phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dạy học Mĩ thuật theo hướng dẫn.

Muốn có kết quả tốt, Ban Giám hiệu, các Tổ chuyên môn phải xây dựng kế hoạch dạy học các môn học phù hợp với thực tiễn và tâm sinh lý học sinh. Tăng cường tổ chức các hoạt động học tập ngoài lớp học phù hợp với nội dung các môn học, hoạt động giáo dục và phù hợp với thực tiễn. môi trường giáo dục thành phố, dù là trường ở vùng còn nhiều khó khăn, trường vẫn chủ trương thực hiện xã hội hóa để tăng cường thời lượng học tiếng Anh; tiếp tục xây dựng môi trường học và sử dụng tiếng Anh; tổ chức hoạt động lồng ghép tiếng Anh trong các hoạt động tập thể và ngoại khóa; tạo không gian Anh ngữ trong khuôn viên trường, lớp học. Trong năm học đã tổ chức được các hoạt động tập thể với chủ đề tiếng Anh.

Khuyến khích giáo viên mạnh dạn áp dụng phương pháp dạy học mới vào giảng dạy. Phương pháp dạy học bằng sơ đồ tư duy, đây là phương pháp đã được áp dụng từ lâu trong giáo dục tuy nhiên đa số cán bộ quản lý và giáo viên, học sinh đều chưa biết sâu, kỹ về các quy định luật vẽ sơ đồ tư duy. Ban Giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn kết nối với các chuyên gia đào tạo, các trọng tài của Ban Tổ chức Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam đã hỗ trợ đồng hành tập huấn cho giáo viên và học sinh nhà trường nâng cao nhận thức kỹ năng vẽ sơ đồ tư duy trong dạy và học. Sau sự kiện Lễ Khởi động Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam năm 2022 vào 24/4/2022, nhà trường đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch tổ chức thành cuộc thi Sơ đồ tư duy với quy mô cấp trường mở rộng, được Ban Trọng tài, Ban Tổ chức Cuộc thi sơ đồ tư duy cấp Quốc gia về tận trường hướng dẫn tổ chức đúng quy chế. Qua 2 vòng sơ kết và bán kết đã chọn được 72 học sinh đại diện từ lớp 1 đên lớp 9, vòng chung kết đã trao 27 giải (bao gồm: Nhất, Nhì, Ba) cho các em học sinh. Qua cuộc thi đã giúp nâng cao nhận thức về vai trò của phương pháp học tập bằng sơ đồ tư duy cho các em học sinh, mạnh dạn tham gia một sân chơi trí tuệ rất lành mạnh, hỗ trợ trực tiếp cho học sinh trong quá trình học tập. Hãy khoan nói về các giải thưởng, mà ta nhìn thấy sự say mê của các em, sự sáng tạo của mỗi sản phẩm qua đó tạo nên niềm vui, quyết tâm tìm tòi những cách diễn đạt, khắc sâu bài học. Giáo viên cũng tìm thấy niềm vui trong sự thông minh của các em học sinh. Chân trời mới cứ hiện dần lên dưới nét vẽ và con chữ của các em. Đó là hạnh phúc.

Bên cạnh các hoạt động hướng tới chuyên môn kể trên, trường cũng luôn quan tâm tổ chức các hoạt động tập thể, nhân kỉ niệm các ngày lễ lớn. Tổ chức tuyên truyền ý nghĩa 8/3, trao quà nhân ngày 22/12, trao quà Tết. Phối hợp với phòng Trẻ em- Sở Lao động Thương binh, Xã hội tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh THCS với chủ đề “Phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch: “Xây dựng trường học gắn với sinh thái, trường học có nhiều hoạt động bảo vệ thiên nhiên môi trường. Xây dựng được khuôn viên trường lớp, công trình măng non xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường, an toàn. Trong thời gian học sinh phải học trực tuyến để đảm bảo phòng chống dịch Covid- 19 nhà trường đã khai thác tối đa các điều kiện để có thể tổ chức các hoạt động giáo dục trực tuyến giúp học sinh có điều kiện phát triển toàn diện.

Nhà trường xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự; vệ sinh an toàn  thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thn tai; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống các tệ nạn bạo lực nhà trường. Trường có tổ chức bếp ăn cho học sinh cấp Tiểu học, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Luôn đảm bảo an toàn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường. Ngoài ra hướng học sinh đến tình yêu thương, nhân ái, làm tốt công tác Khuyến học, Chữ thập đỏ, số tiền khuyến học khen thưởng học sinh từ nguồn quỹ khuyến học vận động qua nhà trường.          

Khi nói về xây dựng trường Hạnh phúc, cô giáo Đinh Thị Thúy- Phó Hiệu trưởng, phụ trách khối Tiểu học nói với tôi bằng giọng nhỏ nhẹ:

- Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó, hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Nhằm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, mỗi lớp học thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là một ngày vui. Tiếp đó, các học sinh đến trường được trải nghiệm giờ học hạnh phúc và giờ chơi hạnh phúc; giao lưu sau giờ ra chơi và gửi thông điệp “Những mong muốn của các em về ngôi trường hạnh phúc”.

- Đúng như vậy.- Cô Hiệu trưởng tiếp lời- theo cách dễ hiểu nhất, trường học hạnh phúc là mỗi ngày đến trường, giáo viên, học sinh đều cảm thấy là một ngày vui và thực sự ý nghĩa. Vì thế, nhiệm vụ của thầy cô giáo không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn phải làm thế nào để học sinh thấy được ngôi trường của mình trở thành một nơi thú vị.

Đó là một mục tiêu mà tất cả chúng ta đều hướng đến vì tương lai của học sinh. Vì vậy, sứ mệnh của người thầy lại càng trở lên thiêng liêng vào cao cả hơn bao giờ hết. Sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ ở kiến thức uyên thâm hay ở tài nghệ sư phạm mà quan trọng hơn cả là sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, mến trẻ, sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo”. Vậy nhận thức về trường học hạnh phúc phải chăng là nhận thức về thay đổi từ trong tư duy cho đến cách làm; bản thân mỗi nhà giáo cần phải thay đổi, từ nhận thức đến hành động, từ những điều nhỏ nhất và cần lắm sự chung tay của toàn xã hội. Đối với Hiệu trưởng, đó là sự thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành, chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích của người học lên hàng đầu, tạo động lực cho giáo viên, để mỗi thầy cô thực sự hạnh phúc và hạnh phúc đó sẽ được lan tỏa tới tất cả học sinh. Đối với giáo viên, đó là yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, lan tỏa cho học sinh niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những cử chỉ đầy tính nhân văn.

Trong một lần gặp, cô giáo trẻ Trần Thị Bích Ngọc, Tổng phụ trách đội, một cô giáo nhiệt huyết, đã tạo nên những hứng thú cho học sinh những buổi sinh hoạt tập thể của Trường TH và THCS Âu Lâu, trao đổi với tôi: “   Là một Tổng phụ trách đội nhà trường, một trong những người tham gia trực tiếp về việc xây dựng trường học hạnh phúc trong học sinh và giáo viên em cảm thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ngày càng lớn. Muốn lan toả được tinh thần trường học hạnh phúc trước tiên mình phải là người hạnh phúc, nên em luôn cố gắng điều tiết cuộc sống và công việc hài hoà để luôn giữ nụ cười trên môi. Trường học hạnh phúc là mục tiêu hướng tới của mọi trường học hiện đại, điều đó ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển nhân cách của học trò tạo động lực phấn đấu, học hỏi, tạo môi trường giáo dục hạnh phúc và đương nhiên kết quả công tác giáo dục sẽ tốt và rất tốt”.

Cuộc trò chuyện sôi nổi làm cho thời gian trôi thật nhan., Cảm ơn các thầy cô giáo Trường TH và THCS Âu Lâu, một ngôi trường gắn tên mình với dòng sông Hồng luôn đỏ nặng phù sa, bồi đắp cho đôi bờ; với bến phà Âu Lâu lịch sử trong những năm kháng chiến chống Pháp. Trường đã đi qua những chặng đường vất vả để hôm nay thu được những thành quả vô cùng đáng trân trọng. Có thể nghĩ  “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hằng ngày. Trường học hạnh phúc, trước hết là nơi học sinh cảm nhận được hạnh phúc. Các em không chỉ được tiếp thu kiến thức, mà còn vui chơi, giải trí, tự do thể hiện tư duy, năng lực cá nhân và kỹ năng sáng tạo theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi của mình. Ở đó, học sinh được chăm sóc, bảo vệ, không có bạo lực học đường, các em học sinh và thầy cô có cơ hội đến gần với nhau hơn; học sinh được thầy cô tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ mọi phương diện, không còn bị áp lực về điểm số, về thành tích học tập, về các phong trào thi đua mang tính hình thức. Một môi trường hạnh phúc sẽ là niềm cảm hứng để thầy cô và học sinh cùng hoạt động lao động sáng tạo và tỏa sáng. Rồi đây phong trào sẽ là của tất cả các trường trong thành phố và cả tỉnh. Tôi biết có rất nhiều trường từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông trong hai năm qua đã làm rất tốt để xây dựng phong trào. Từ một trường vùng ven tôi nghĩ đến sự lan tỏa, rộng khắp đến tất cả các trường học của chúng ta...

Tôi ra về và bước đi trên sân trường dưới bóng râm của tán phượng, tán bàng. Những chùm hoa đỏ tươi như chứa đựng một niềm tin, niềm vui trước thành tích một năm học đã qua trong vô vàn những thử thách về dịch bệnh, cũng hứa hẹn tiền đề cho những năm học tới với ngôi trường hạnh phúc.

                                                     

 

                                                                                                   N. V. T

 

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter