• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG
Ngày xuất bản: 29/08/2022 1:56:06 SA


                                                                        Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN TÔNG

 

Ông Tuấn lững thững đi trong vô định. Trời sầm sập tối, đường phố thị xã miền núi về đêm bớt ồn ào hơn, thỉnh thoảng một chiếc ô tô hoặc xe máy vèo qua. Chú bé bán bánh mì loạch xoạch đạp chiếc xe đạp kèm theo tiếng rao phát ra từ chiếc loa rè khản đặc: Ai... bánh mì... nóng... đây...! Cơn gió heo may cuối thu lướt nhẹ, ông rùng mình. Chỉ còn vài tháng nữa là ông nghỉ hưu. Hai vợ chồng giáo viên hàng tháng cũng gần hai chục triệu đồng tiền lương và các khoản phụ cấp dạy thêm giờ, thời buổi giá cả leo thang như hiện nay chẳng dư dật gì nhưng cũng đủ cho chi tiêu gia đình, gửi tiền cho đứa út đang học đại học. Bà Liên, vợ ông sang năm cũng đến tuổi nghỉ, hai vợ chồng bàn nhau, khi nghỉ bà sẽ đến ở với thằng Hoàn, con riêng của bà, trông nom con cái, nhà cửa cho vợ chồng nó yên tâm dạy học. Còn ông có nhiệm vụ giữ nhà chờ cô út, con chung của hai người, học xong đại học xin được việc làm lúc đó tính tiếp. Nhìn vào gia cảnh vợ chồng ông, tuy là “rổ rá cạp lại”, nhưng ai cũng mừng cho ông: Gia đình đầm ấm, con cái đều học hành đến nơi, đến chốn, có công ăn việc làm ổn định... Nhưng họ có biết đâu chuyện của gia đình ông cũng có lúc gợn sóng. Vì là gia đình nhà giáo nên hai ông bà đều kín tiếng, vì thế người ngoài không thể biết được. Như buổi chiều nay...

            Ông vừa ở trường về chưa kịp dắt chiếc xe máy vào nhà thì bà Liên đã xồng xộc lôi ông vào nhà, chìa cho ông một phong thư đã bị bóc, dằn giọng:

            - Ông vẫn liên lạc với con đĩ đó hả! Nó đã làm ông thân bại, danh liệt phải lên tận miền sơn cước này kiếm cơm chưa đủ khổ hay sao mà ông còn luyến tiếc để thư từ qua lại với nó?

            Ông chưa hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao cứ ngớ ra. Bà thấy vậy lại càng tức giận:

            - Ông không nói gì tức là thừa nhận rồi nhé. Ông về ở với nó đi! Tôi không thể sống với hạng người ăn ở hai lòng như ông được nữa!

            - Bà cứ bình tĩnh nói cho tôi nghe xem có chuyện gì nào!

            - Đây, ông đọc đi sẽ biết!

            Ông cầm lấy bì thư, ngoài phong bì không ghi tên và địa chỉ người gửi, chỉ ghi tên, địa chỉ người nhận là ông. Chiều nay, bà Liên dạy xong tiết học, bà xuống văn thư của trường thấy có thư gửi ông. Tò mò, bà bóc ra đọc trước. Ông Tuấn đọc thư xong, ngồi thừ người. Thấy vậy, bà trút lên ông cơn “thường tình” của ả Hoạn Thư, khác với dáng vẻ đoan trang của nhà giáo:

            - Ông đi đi! Nếu ông không đi, tôi sẽ tìm con hồ ly tinh này cho nó một trận để nó bỏ hẳn cái thói lăng loàn, đĩ thõa của nó!

            Ông Tuấn nhìn bà Liên, nhẹ giọng:

             - Từ ngày chúng nó bỏ nhà, bỏ quê đi, tôi chưa hề biết chúng nó sống ra sao, ở đâu, nói gì đến liên lạc. Không hiểu sao nó lại biết được địa chỉ để gửi thư cho tôi. Tôi đã thề với lòng mình là từ bỏ chúng nó từ ngày ấy rồi. Bà đừng làm khổ tôi nữa có được không?

            Cuộc đời ông toàn chuyện bất hạnh ập đến. Có lúc tưởng ông không thể gượng dậy được, nhưng rồi trời vẫn cho ông sống để làm khổ ông. Ông cứ tự hỏi tại sao, tại sao? Câu trả lời thật khó, vì ông là người trong cuộc và cũng do ông đưa ông đến những tình huống éo le của cuộc đời mình. Ông bỏ cơm chiều. Nuốt làm sao được khi trong tâm thức ông là một vở kịch dài, có nhiều nút thắt, cởi được nút này lại có nút khác thắt lại. Ông lẳng lặng ra khỏi nhà, bà Liên nhìn ông không nói gì. Đến tiểu công viên, ông Tuấn ngồi xuống chiếc ghế đá phủ sương chiều lành lạnh. Ông thở dài. Bây giờ bà ấy đang làm gì nhỉ? Có còn giận ông nữa không? Giận bà ấy ông bỏ đi để cả hai người có thời gian tĩnh trí, chứ ông thương bà ấy lắm. Ông thấy mình có lỗi với vợ, vì thương yêu ông nên bà ấy chấp nhận sống với ông chuốc lấy khó khăn. Hồi ấy, anh giáo Tuấn từ vùng khác chuyển đến sống trong khu tập thể của trường, ngày ngày một mình tự thổi cơm ăn bữa đực, bữa cái, những lúc đau ốm dựa tập thể nhà trường. Cô giáo Liên, một phụ nữ xinh xắn, đôn hậu, chồng là kỹ sư xây dựng mất cách đây hơn ba năm trong vụ tai nạn lao động ở công trường, một mình nuôi con trai bảy tuổi, thương anh giáo độc thân, gắn bó hai người nên vợ, nên chồng. Lấy nhau rồi, anh giáo Tuấn không giấu giếm cô giáo Liên một điều gì cả, anh kể hết nguồn cơn của mình cho cô nghe, cô càng thương yêu anh hơn, hai người có với nhau một đứa con gái. Một gia đình yên vui, đầm ấm. Giờ thì hết cả rồi chăng? Sao số phận mình lại đầy những bất trắc thế này? Quá khứ đau buồn ông Tuấn muốn dìm vào dĩ vãng, thế mà nó lại trườn vào cuộc sống hiện tại đang yên ổn của ông…

                                                                        *

                                                                  *       *

Năm mười chín tuổi, đang là sinh viên Đại học Sư phạm, gia đình gọi về gấp. Lo bố mẹ có chuyện chẳng lành, Tuấn xin phép về quê. Về đến nhà, bố mẹ Tuấn nói rõ ý định cưới vợ cho cậu. Vốn là chàng trai ngoan hiền, cậu không thể cưỡng lại quyết định của bố mẹ nên đã đồng ý lấy Thuận- cô thôn nữ xinh tươi, hiền dịu, chăm chỉ, hơn cậu một tuổi mà nhiều chàng trai quanh vùng đánh tiếng nhưng cô không thuận ai. Khi Tuấn ở tuổi hai mươi con trai đầu lòng ra đời. Bố mẹ, họ hàng ai cũng vui mừng. Mọi sự thương yêu đều dành cho cu Nghĩa- thằng cháu đích tôn của ông bà. Nhưng sự đời không thuận theo lòng người. Khi cu Nghĩa năm tuổi, Thuận bị cơn đột quỵ không vượt qua được số mệnh. Anh giáo trường huyện buồn đau lo đám tang cho vợ xong, xin với bố mẹ đón con lên ở với mình. Ông bà lo cho cháu đến đó không có người chăm sóc nên không đồng ý. Người xưa có câu: “Họa vô đơn chí...” vận vào Tuấn không ngoa chút nào. Năm cu Nghĩa mười ba tuổi ông nội mất, mười lăm tuổi bà nội mất. Tuấn giao lại căn nhà cho vợ chồng em trai lo hương khói, dắt con lên ở khu tập thể nhà trường, vừa dạy học, vừa ‘gà trống nuôi con’ ăn học. Chẳng mấy, cu Nghĩa hồi nào đã là chàng trai mười tám tuổi, đẹp trai, dẻo miệng, ai nghe Nghĩa nói chuyện cũng thấy dễ mến, dễ gần. Thầy giáo Tuấn mới ba mươi bảy tuổi, “trai ba mươi tuổi đang xoan”, cái dáng thư sinh lại thêm tính tình điềm đạm của một thầy giáo vẫn còn hấp dẫn nhiều chị em. Sát khu tập thể nhà trường có gia đình chuyên trồng rau bán, cô con gái lớn tên là Thúy, hai mươi tuổi, tươi tắn, sáng nào cũng gánh rau ra chợ bán đi ngang qua khu tập thể nhà trường, thầy giáo Tuấn thường nhờ mua hộ các vật phẩm cần thiết. Thỉnh thoảng, buổi tối Thúy sang khu tập thể chơi, ghé qua phòng bố con thầy giáo Tuấn trò chuyện và trở thành người thân thiết của hai bố con thầy giáo. Lâu lâu không thấy Thúy sang chơi, hai bố con Tuấn đều cảm thấy trống vắng. Gia đình Thúy cũng quý mến hai bố con Tuấn, có việc gì cần đều nhờ Tuấn tư vấn, có miếng ngon đều mời bố con Tuấn. Lửa gần rơm lâu ngày, Tuấn nhận thấy mình không thể không có Thúy. Tuấn đặt vấn đề muốn cưới Thúy làm vợ. Thúy phản đối không chút do dự với lý do Tuấn hơn Thúy gần hai chục tuổi. Sự quyết liệt của bố mẹ buộc Thúy chấp nhận cuộc hôn nhân chênh lệch về tuổi tác. Gia đình Thúy cắt cho vợ chồng Tuấn một khoảnh đất, dựng một căn nhà nhỏ để hai vợ chồng Tuấn làm ngôi nhà hạnh phúc. Buổi sáng, Tuấn lên lớp dạy học, Thúy gánh rau ra chợ bán, chiều về hai người cùng nhau chăm sóc những luống rau tươi xanh, còn Nghĩa, con riêng của Tuấn, chuẩn bị về trường học đại học. Cứ tưởng cuộc sống hòa thuận lặng lẽ trôi. Nào ngờ, giông bão, sấm sét đã ập xuống căn nhà của vợ chồng Tuấn. Sau kỳ nghỉ hè, Tuấn được cử đi tập huấn dưới tỉnh. Theo chương trình, xong phần nội dung lớp sẽ đi tham quan thắng cảnh vài ngày, nhưng vì trời mưa tầm tã nên không thực hiện. Tuấn vội vã lên xe máy trở về tổ ấm của mình, nơi có người vợ trẻ đang chờ. Tuấn về đến nhà đã gần mười giờ đêm. Nhà vẫn sáng đèn, có lẽ giờ này Thúy chưa ngủ đang nhớ đến anh. Bước lên thềm, Tuấn nghe tiếng nói cười rúc rích và hơi thở hổn hển trong nhà vọng ra. Xô cửa bước vào, trước mắt Tuấn là cảnh tượng anh không dám tin: Vợ anh đang cùng thằng con trai anh mây mưa ngay trên giường hai vợ chồng anh thường ngủ. Đôi trai gái hoảng sợ quơ vội quần áo mặc. Tuấn như người chết đứng, anh lẳng lặng bước thấp, bước cao sang sân trường ngồi xuống chiếc ghế dưới tán bàng, mặc cho trời rả rích mưa. Sáng hôm sau, đám học sinh đến sớm thấy anh nằm bất động trên ghế hô hoán mọi người khiêng anh về nhà. Anh lên cơn sốt li bì. Trong cơn mê sảng anh gọi tên từng người trong gia đình, nhưng thật lạ, không lần nào anh nhắc đến tên con trai mình và Thúy. Cơn sốt lui dần, anh gọi Thúy và Nghĩa lại bên, anh thều thào giận dữ nói:

            - Các người làm tôi chết mất! Loạn luân đến thế không còn gì để nói nữa. Tôi không thể sống được khi hàng ngày nhìn thấy mặt hai người. Hai người hãy dắt nhau đi đâu thì đi. Đi thật xa. Cố gắng sống với nhau cho êm thấm!

            Thằng Nghĩa và Thúy quỳ xuống nền nhà, nước mắt lưng tròng, Nghĩa nhìn bố, van xin:

- Chúng con xin bố tha tội! Chúng con yêu nhau từ khi Thúy chưa làm vợ bố, nhưng chưa kịp nói cho bố và bố mẹ Thúy biết nên mới ra cơ sự này.  

Cơn giận dâng lên tận cổ, Tuấn giơ tay định tát Nghĩa nhưng lại hạ xuống, anh quát:

- Thôi đi! Vì thế mà anh chị làm chuyện vô luân thế à! Anh, chị không ai nói với chúng tôi một tiếng để tôi nhường lại cho anh. Trời ơi, thật nhục nhã! Bố cướp người yêu của con nên con trả thù bố bằng cách ngủ với vợ bố. Vô phúc đến thế là cùng! Có gia đình nào như thế này không, hả trời!?

Tuấn nấc lên như nghẹt thở, Nghĩa vội đỡ lấy bố, Tuấn gạt ra:

- Sáng sớm mai, anh chị xéo ngay khỏi đất này! Cút đi!

Ngày hôm sau, không ai nhìn thấy Thúy và Nghĩa đâu nữa, hai người bỏ đi ngay trong đêm ấy. Hai kẻ tội đồ đi rồi, Tuấn dằn vặt không nguôi. Anh tự trách tại sao mình lại vô tâm đến thế, không chú ý đến tâm sinh lý của con trai. Nó đã bước sang tuổi mười chín rồi, trong mắt anh coi nó vẫn còn là một đứa trẻ sớm mồ côi mẹ. Có phải anh cho rằng con anh chưa đến độ tuổi để yêu đương?  Có phải anh muốn có Thúy nên không chú ý đến cử chỉ của con qua những lần Nghĩa và Thúy gặp nhau trước đó? Có phải đây là kiếp luân hồi, trước kia anh lấy vợ hơn tuổi mình nay con trai anh lại yêu cô gái hơn tuổi nó? Hôm anh cưới Thúy, Nghĩa đi khắp các mâm chúc rượu, miệng gào lên: Xin mời ! Hãy vui hết mình cho nó quên sự đời đi! Nó say, anh cõng vào phòng ngủ, nước mắt nó tứa ra, miệng lảm nhảm: Tình yêu là cái quái gì cơ chứ, chỉ làm khổ con người mà thôi! Anh nghĩ, nó mừng hạnh phúc của bố nên quá chén. Còn Thúy, sau nghi lễ cưới, cô dâu không dự tiệc chạy vào buồng nức nở ướt đầm cả chiếc gối đôi tinh khôi thơm ngát, anh cứ tưởng Thúy thẹn thùng, vui với hạnh phúc nên xúc động. Tuấn tự hỏi mình có ích kỷ quá không? Vì say sưa với cái riêng của mình mà không để ý đến những biểu hiện khác thường của con trai? Anh có ngờ đâu sự chủ quan tự tin về những điều tốt đẹp đã mê hoặc anh và suy nghĩ thiển cận đã dẫn đến sự phỉ báng tột cùng. Bi kịch ô nhục của gia đình nhiều lúc lóe lên trong anh ý định không muốn sống nữa. Anh nhìn lên xà nhà. Chỉ cần một đoạn dây và chiếc ghế đẩu là kết thúc mọi lỗi lầm và đau khổ. Nhưng anh chưa chết được. Ông trời bắt anh tiếp tục sống khi chưa trải qua hết các kiếp nạn cuộc đời. Qua khỏi cơn hồng thủy, Tuấn không muốn ra vào căn nhà tuột cùng của bẩn thỉu, và nhục nhã này nữa, anh xin chuyển lên đây dạy học để không ai còn  rỉ rả chuyện về bố con anh.

                                                            *

                                                      *     *

Ông Tuấn uể oải lê bước về nhà. Thấy ông vào nhà, bà Liên hắng giọng ý muốn báo cho ông biết bà vẫn chưa ngủ. Ông ngả người trên đi văng gỗ, bà hỏi ông:

- Ông đã ăn gì chưa? Để tôi hâm nóng bát canh cho ông?

Ông dỗi:

- Tôi không đói, bà cứ ngủ đi!

Ông nhắm nghiền mắt, hình ảnh cái đêm tồi tệ cách đây hơn hai mươi năm lại hiện về. Ông khóc. Từ khi trưởng thành đến lúc sắp bước sang tuổi sáu mươi đã bao lần ông rơi nước mắt? Thương người thân mất mà khóc đã đành, đằng này vì đau đớn đến tột cùng mà khóc, có lễ trên đời này chỉ có ông cam phận gánh chịu. Hồi đó, ông khóc vì uất giận khiến ông ốm liệt giường, bây giờ ông khóc vì tủi cho thân già của mình vẫn bị sự đời éo le dai dẳng đeo bám. Ông không dám nấc thành tiếng sợ bà Liên nghe thấy. Người ta nói nước mắt đàn ông thường chảy vào trong, nhưng ở ông, trái tim không còn chỗ chứa nên nó phải trào ra ngoài. Những giọt nước mắt của tuổi già có lẽ mặn hơn lúc trẻ. Nó chảy xuống khóe miệng, thấm vào đầu lưỡi vừa chát, vừa chua. Ông giật mình khi bà Liên cất tiếng sau lưng:  

- Tôi biết ông đang vật vã tinh thần. Buổi chiều, tôi tức quá có nóng, nói ông mấy câu không phải, ông bỏ quá cho!

Bà ấy dậy từ lúc nào mà ông không biết. Ông lau vội nước mắt, ngồi thẳng dậy, ngước nhìn bà Liên. Ông nắm lấy tay bà:

- Tôi biết ơn bà! Bà đã cho tôi rất nhiều thứ, tôi chẳng có ao ước gì hơn là vợ chồng mình yên ổn sống những ngày cuối đời bên nhau với con, với cháu. Cái thư ấy là của vợ thằng Nghĩa. Bà đọc thư đã biết. Thằng Nghĩa đã chết vì tai nạn giao thông khi đang chạy xe ôm. Vợ con nó dạt lên ở gần đây, đang khốn khó. Mai bà cho tôi đến tìm vợ con nó xem sự thể thế nào.

- Nhưng ông phải xác định rõ con người ấy hiện tại là thế nào với ông. Vợ cũ, hay con dâu!?

- Tôi xin bà đừng nhắc lại những từ ấy nữa, tôi đau lắm rồi. Vết thương lòng bao nhiêu năm đang seo miệng giờ lại tấy lên! Đau lắm, bà ơi!  

            Ngang chiều hôm sau, ông Tuấn thất thểu đi bộ tìm đến dãy nhà cấp bốn dành cho những người ít tiền thuê, ông nhìn vào một căn phòng cửa mở, thấy một người phụ nữ tóc hoa râm búi cao đang quét nhà, một cô gái đang nằm quay mặt vào trong trên chiếc giường góc phòng. Người phụ nữ ngẩng mặt nhìn, ông giật mình lùi lại, vội quay đầu đi như chạy về nhà. Đúng là con người ấy rồi, cuộc sống trôi nổi làm cho tàn tạ đến thế sao? Quả báo! Bây giờ mình phải tính sao đây khi đối mặt với chính con người đã làm ông phải ly hương hơn hai mươi năm không dám vác mặt về quê một lần nào. Giỗ bố, mẹ, giỗ Thuận ông nhờ em trai ông lo giúp, ông chắp tay vái vọng về. Gặp người ấy ông xưng hô thế nào đây? Danh chính ngôn thuận là vợ ông có cưới hỏi, đăng ký kết hôn đàng hoàng, nhưng chỉ chung sống với ông chưa đầy một năm. Con dâu ư? Sao thế được! Đành rằng nó ăn ở với thằng con trai đồi bại của mình từ ngày đó đến khi nó chết. Còn đứa con gái là con ai? Con mình hay con thằng trời đánh? Dẫu sao nó cũng là giọt huyết thống nhà mình, nhưng gọi nó là gì đây? Con hay cháu? Mẹ con nó đã lặn lội tìm ông mong được cưu mang, ông lại lỡ chối bỏ hay sao? Ông có còn là con người không khi thấy người khác kêu cứu mà không ra tay giúp. Ông đã từng dạy bao thế hệ học trò “thương người như thể thương thân”, vậy mà cơ sự này ông lại bỏ chạy để an phận hay sao? Nó là con ai chăng nữa thì cũng phải cho nó có chỗ dựa dù đó chỉ là tinh thần. Ông đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” chấp nhận mẹ nó là con dâu mình, còn nó là cháu nội của mình có trớ trêu không nhỉ? Với bà Liên, người đã đem lại cho ông niềm tin hạnh phúc bao năm nay có đồng tình với ông không? Ông thầm mong với tấm lòng nhân hậu bà sẽ cho ông câu trả lời thỏa đáng. Cứ thế này có lẽ ông phát điên lên mất! Đang miên man suy tính, ông nghe tiếng bà Liên từ ngoài cửa:

-  Ông lại nghĩ ngợi để khóc đấy à?

Ông uể oải trả lời:

- Tôi có khóc đâu! Bà ngồi xuống đây tôi kể cho bà nghe chuyện chiều nay tôi nhìn thấy mẹ con nó và ý định của tôi để bà quyết định giúp!

Nghe ông kể lại, bà Liên chép miệng:

- Cũng là con người sao bất hạnh và oái oăm thế chứ! Bỏ thì thương, vương thì khổ. Ông gặp mẹ con nó nói rõ ngọn ngành, cho nó một thân phận rành mạch dứt khoát. Nhà mình có ít tiền gửi tiết kiệm định giữ lại để lo việc cho con út, ông rút về tìm chỗ ở tàm tạm cho mẹ con nó, tôi sẽ nói với thằng cả xin cho mẹ con nó làm công việc phù hợp ở công ty xây dựng của bạn nó để mẹ con nó có công ăn việc làm nuôi nhau.

Nghe bà Liên nói thế, ông mừng xót xa! Bà ấy thật độ lượng! Ông nhìn bà Liên như nhìn một vị cứu tinh đã giúp ông thoát khỏi thế lưỡng nan bất đắc dĩ. Ông áp tay bà Liên vào ngực mình, nơi trái tim ông đang thổn thức, nước mắt ông lại lăn rơi trên gò má xám bệch. Ông tựa vào vai bà nức nở như đứa trẻ, đôi vai gầy rung lên. Bà Liên ngồi yên để ông khóc. Bà biết mấy chục năm qua ông đều khóc thầm. Lần này, như được giải thoát khỏi con bờ ngăn cản, nước mắt ông tràn ra đầm đìa cả vai áo khiến bà thấy ấm lòng. Phải chăng nước mắt đàn ông là như thế!

Ngoài kia, trong ánh chiều còn sót lại, vầng sáng cuối thu dìu dịu xuống dần. Trước cửa, những chiếc lá vàng trên cây phượng vĩ như đốm nắng khẽ khàng rơi. Cây đang vào mùa thay lá!

   

                                                                                     N.V.T.

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter