• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Năm tháng và tình yêu
Ngày xuất bản: 27/08/2020 2:48:57 SA

Truyện ngắn của Thúy Hợp

Trường Trung cấp Lâm nghiệp vừa mãn khóa, từ miền xuôi lần đầu tiên tôi được phân về lâm  trường, xa nhà, xa quê. Ngày còn trong trường tuy có xa nhà nhưng thi thoảng vẫn về vào ngày lễ tết, lần này về hẳn lâm trường, thật là xa lạ với tôi. Ngày đầu tiên vào nhập học, tôi chỉ biết học, mỗi lần đi thực nghiệm, cũng là đồi nhưng thấp mà vui lắm. Các bạn cùng trường cười nói nô đùa nhau, trưa không muốn xuống, vậy mà hôm nay tôi và các bạn phải chia tay nhau mỗi người về một nơi. Tôi được phân về lâm trường xa nhà đến hơn hai trăm cây số, ở mấy ngày ngoài lâm trường bộ rồi phân vào đơn vị sản xuất. Ngày đầu về đội sản xuất, tôi bâng khuâng, nhìn mây núi đan xen, sương giăng mờ mịt. Tôi đi vòng quanh đội một lượt, những mái nhà lợp bằng cỏ tranh, dãy nhà dài gần nhà bếp ăn tập thể thì lợp bằng cây nứa. Tôi đứng nhìn lên mái nhà không hiểu thế nào mà họ đưa được cây nứa lên từng hàng từng lối. Lạ mắt, lại có tính tò mò, tôi cố kiễng chân lên sờ tay vào mái tranh bằng nứa. Thật phục các anh các chị công nhân lâm trường, họ trồng rừng cũng giỏi mà làm nhà cũng chẳng kém gì thợ chuyên nghiệp. Tôi cố kiễng chân lên hòn đá, tay còn chới với thì bỗng hòn đá chệch ra làm tôi ngã xoài, cũng vừa lúc ấy có tổ sản xuất đi làm về. Các anh chị thấy tôi lạ, ai cũng hỏi em ở đâu mới đến. Tôi chào các anh chị rồi ngập ngừng nói:    

- Em vừa ra trường được sở phân về lâm trường, rồi lâm trường phân về đội này làm công nhân cùng với các anh chị ạ.

Vừa nói tôi vừa xoa bàn tay bị ngã còn đau rát. Các chị hỏi tôi quê đâu. Không để các chị chờ lâu biết đâu tôi lại gặp được đồng hương của mình thì vui quá. “Dạ em ở Hà Tây ạ”. Ngay lúc ấy tổ nam giới vừa đi làm về qua nghe thấy tôi nói quê Hà Tây, người đàn ông nhỏ bé có nước da trắng ngần như con gái nói thật to:  

- Ối giời ôi, Hà Tây đây rồi! Sáng nay bọn anh nói đùa thằng Tám là thằng cô độc, vì cả đơn vị có đủ mọi tỉnh riêng chỉ có thằng Tám là người thị xã Sơn Tây em ạ. Em về nghỉ ngơi rồi lên dãy nhà cao trên cùng nhận đồng hương- Nói rồi anh lại ngập ngừng tự giới thiệu:

- Anh là Doanh. Tổ anh mới khai sinh cho anh cái tên Doanh còi. Khi nào dỗi anh em mình nói chuyện sau nhé. 

Nói rồi Doanh vai vác dao, tay xách giầy bảo hộ chạy một mạch về phòng. Vừa chạy Doanh vừa gọi “Tám ơi ra nhận đồng hương”. Mấy chị công nhân mời tôi đến nhà chơi cho đỡ buồn nhưng tôi chào các anh, các chị rồi về phòng mình. Ngước nhìn lên dãy nhà tập thể của tổ 1 toàn nam giới thấy có một thanh niên mặc chiếc áo phông mùa hè, người dong dỏng cao đang nhìn tôi. Tự nhiên hai má tôi nóng ran, lòng tôi xôn xao như ai đã nhắc đến tôi. Bất ngờ tôi quay lại, người đàn ông đó vẫn nhìn tôi như thế, tự nhiên tôi thấy thèn thẹn, tôi chạy ùa vào nhà rồi lại rón rén ra cửa phòng nhìn lên dãy nhà cao. Anh vẫn đứng đó nhìn theo tôi. Có lẽ anh ấy cùng quê thật sao? Tôi nghĩ lan man rồi giờ ăn cơm đã đến. Tiếng kẻng vang lên một hồi, mấy phút sau các anh, các chị cùng khu tập thể cầm bát rủ nhau xuống nhà bếp ăn cơm. Bác Lư phòng bên thấy tôi mới về, bác bảo tôi “Đi ăn cơm cháu”. Tôi ngập ngừng. Bác Lư lại giục tôi “Đi ăn cơm cùng với bác”. Tôi hơi đỏ mặt nhưng tôi khẽ “Vâng”. Xuống nhà ăn bác bảo tôi vào nhà bếp lấy 2 suất cơm. Bác bảo: “Không được xấu hổ. Đến tập thể mà xấu hổ bụng đói không lao động được mà còn ốm đau ra”. Rồi bác hỏi quê tôi, tôi cũng kể cho bác Lư nghe về quê hương và gia đình. Nghe chuyện bố tôi là thương binh 2/4 bị cụt một tay, mảnh đạn còn ở trên đầu chưa lấy ra hết, mỗi khi trái nắng trở trời bố tôi lại hô xung phong, rồi tiến lên anh em ơi, bác Lư tự dưng rời đôi đũa trên tay, bác quay ra hỏi tôi: “Sao bố đi bộ đội về yếu như thế mà cháu không ở nhà phụ mẹ, giúp bố lúc ốm đau?”. Tôi ấp úng: Nếu cháu có ở nhà thì cũng không thể ở mãi được, sau đi xây dựng gia đình, biết đâu lấy chồng xa thì cũng vẫn phải xa bố mẹ bác ạ. Rồi tôi nói tiếp cho bác Lư nghe: Bố cháu cứ muốn cháu học cái nghề gì đó. Cháu thích rừng, thế là cháu học luôn nghành lâm nghiệp bác ạ. Bác Lư nhìn tôi cười bảo:

- Lâm nghiệp cũng được, nếu yêu rừng thì cũng chẳng sao, nhưng cháu vào lâm trường đúng lúc giảm biên chế cán bộ, kỹ sư đang thừa người thì chuyển đi nơi khác, là người trực tiếp lao động liệu cháu có làm được không?   

Tôi chưa kịp trả lời thì bác Lư lại nói tiếp:

- Như bác đây vừa ở chiến trường đánh hết trận này đến trận khác chín năm ròng rã ngoài mặt trận, giải phóng miền Nam song bác về quê rồi lại vào lâm trường làm luôn, ở lâm trường tuy vất nhưng nó có cái vui riêng cháu ạ.

Bác Lư kể cho tôi nghe những ngày còn ở chiến trường. Kể đến đồng đội, nét mặt bác vui như có những người bạn cùng chiến đấu đang ở đâu đây quanh bác. Có lúc nét mặt bác trầm xuống khi nhắc đến đồng đội đã hy sinh ngay lòng thành phố, khi chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mà đồng đội của bác nằm lại ở cầu Sài Gòn. Tranh giành nhau từ tấc đất rồi quân ta cũng tiến vào Dinh Độc lập, vào được thành phố rồi vẫn còn người ngã xuống. Bác Lư gạt nước mắt nói: Cái giá của nền độc lập tự do nó to lớn biết nhường nào, bao nhiêu xương máu của đồng bào và chiến sĩ cả nước, trường kỳ sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Bác chỉ vào tôi nói: Đúng làm nghề gì cũng được miễn là làm ra của cải cho nhà nước, cái tuổi như cháu ngày còn chiến tranh, các chị thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn, vất vả lắm, mà chẳng thấy chị, thấy cô nào buồn cả, mặt xanh xao vì thiếu chất mà bao nhiêu đá gập ghềnh cũng phải chuyển xuống khe suối hết để xe chở hàng chở quân vào tiền tuyến. Vừa ăn cơm bác vừa kể cho tôi nghe, bác nghẹn lòng vì những người đồng đội của bác đã mãi với tuổi hai mươi ngoài mặt trận. Tôi hiểu trong sâu thẳm, đồng đội bác luôn bên bác, còn tôi lòng rưng rưng. Người lính từ chiến trường ra ai cũng vậy, có lẽ bố tôi cũng thế, cũng một thời lửa đạn, vì thế bố bảo tôi: “Thời bình này quá sung sướng làm nghề gì chả được. Có việc làm, là có cơm ăn áo mặc”. Trách nào bố không cho tôi lựa chọn. Tôi không trách bố mà tôi càng thương bố hơn.  Bố tôi cũng là người lính như bác Lư, dù bố có bị thương, nhưng về được đến nhà là quý lắm rồi. Cả phòng ăn đã xong bữa, riêng tôi và bác Lư mải nói chuyện, cơm đã nguội hết. Lúc đứng lên ra chậu rửa bát, bác Lư ghé vào tai tôi bảo:

 - Phòng bác có gạo, nếu tối đói lên phòng bác lấy gạo nấu mà ăn kẻo đói.

Tôi cám ơn bác rồi về phòng mình. Suốt đêm đó tôi không sao chợp mắt được, nỗi nhớ nhà da diết. Ngày còn học trong trường gần nhà, chủ nhật tuần nào cũng được về, có tuần vào mùa gặt hay đang vụ cấy tôi lại xin trường nán lại vài ngày giúp mẹ rồi lại lên trường, giờ thì xa vời vợi mấy trăm cây số thế này bao giờ đủ một năm mới được về phép. Dòng suối bên phòng tôi lúc réo rắt, lúc lại ào ào chảy từ các khe núi xuống. Xa xa tiếng nai rừng kêu lạc mẹ nghe cứ não lòng. Trằn trọc mãi rồi tôi cũng thiếp đi lúc nào không biết. Sáng tinh mơ tôi còn đang ngủ, dưới nhà ăn đã sáng đèn, các anh chị khu tập thể đã đi ăn cơm rồi còn đi làm sớm để tránh nắng. Tôi choàng dậy ngơ ngác không biết làm gì, vội vơ lấy bàn trải đánh răng rồi chạy lên phòng đội trưởng. Tôi vừa đến cửa phòng bác Thu hỏi tôi:

- Tối qua cháu có ngủ được không? Cháu được nghỉ ngày nay, từ mai cháu đi làm với các chị tổ 3. Ăn sáng xong cháu chuyển lên phòng của tổ 3 có 2 gian nhà dành riêng cho tổ cháu- Rồi bác Thu bảo- Tiện đây bác thông báo luôn, cháu sẽ làm tổ trưởng tổ 3 thay cho cô Thanh sắp đến ngày nghỉ chế độ thai sản. Tôi vội từ chối nhưng bác Thu gạt phắt đi:

- Cháu không làm tổ trưởng thì còn ai nữa. Đáng ra ra trường cháu vào phòng kĩ thuật hoặc kĩ thuật đơn vị nhưng theo bác cháu phải đi lao động thực tế trước đi đã, vì cháu có kiến thức kĩ thuật đi làm cùng với công nhân cũng là kinh nghiệm thêm cho cháu và cháu cũng trau dồi thêm kĩ thuật vào sản xuất cho công nhân, việc làm này sẽ giúp cháu nâng cao kĩ thuật thực tiễn và lâu dài cho công việc của cháu. 

Nghe bác Thu nói tôi không thể từ chối. Tôi chào bác lên nhà bếp cầm bánh bao về ăn, rồi dọn đồ lên phòng tổ 3 theo chỉ dẫn của bác Thu đội trưởng đơn vị. Xong việc tôi đi vòng quanh đội sang bên dãy nhà bên có các cháu nhỏ đang nô đùa. Thấy tôi đến cháu nào cũng khoanh tay: “Cháu chào cô ạ”. Tôi xoa đầu các cháu “Các cháu ngoan quá. Sao hôm nay các cháu không đi học?”. Các cháu lại khoanh tay cùng nói đồng thanh:

- Trường cháu hôm qua gió to bay tung nóc. Mẹ chúng cháu phải nghỉ làm lên trường sửa mái, mai chúng cháu mới đi học được ạ- Chưa nói xong hai đứa trẻ quay ra cãi nhau.

 - Hôm qua bố tao về đi làm trường cho tao. Mày không có bố, mẹ mày mới phải đi làm trường cho mày.

Tôi quay lại can:

- Sao các cháu lại cãi nhau thế? Cháu tên gì?- Đứa trẻ khoác vào vai tôi thì thầm, nước mắt tràn lên khóe mắt, nó nói trong trong ấm ức:

- Cháu không có bố, chỉ có mẹ thôi. Còn cái Quỳnh nó có bố nhưng là bố của anh Thành.

 Tôi chưa hiểu sao bố của Quỳnh lại là bố của anh Thành. Chưa kịp nghĩ đến chuyện bố của Thành hai vợ thì cái Vân lại nói tiếp:

- Bố của anh Thành với bố của anh Cương ở quê thỉnh thoảng lên cho cả quà cháu nữa.

Tôi từ từ hiểu ra là ba đứa nhỏ cùng chung một bố song mẹ Thành ở lâm trường, mẹ Quỳnh cũng ở lâm trường, mẹ Cương thì ở dưới xuôi. Bất chợt cháu Quỳnh chỉ vào tôi và nói với các bạn:

- Cô này hôm qua mới về đội.- Tôi ngạc nhiên hỏi- Sao cháu biết- Quỳnh nhanh nhẹn trả lời: 

 - Cháu nhìn thấy cô xuống ô tô chở gạo cho đội- Tôi cười nắm tay Quỳnh- Cháu giỏi lắm, thế mà cháu nhớ cô. Nói rồi Quỳnh kể cho tôi nghe về dãy nhà mẹ con cháu đang ở là dãy nhà hoàn toàn không ai có bố cả. Nó tự hào kể vanh vách cho tôi nghe về chuyện cả dãy nhà tập thể chỉ mình nó có bố còn các bạn cùng dãy nhà không có bạn nào có bố. Tôi thấy ngạc nhiên mà không dám hỏi gì cả. Nó lại kể tiếp:

- Bố cháu là một bác sĩ của trạm y tế, cứ đến thứ bảy hay chủ nhật bố lại mang quà cho cháu và cho anh Thành ở đội trên.

Quỳnh nhìn tôi rồi chỉ ra phía hồ nước mênh mông xanh thẳm. Nó thản nhiên nói như hướng dẫn viên du lịch- Nếu lên nhà anh Thành phải đi đường hồ, đi thuyền gần hơn mà đỡ mỏi chân, cô ạ. Mẹ anh Thành là bác Thanh. Bố cháu yêu bác Thanh trước, rồi mới yêu mẹ cháu. Anh Thành hơn cháu hai tuổi. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì một bạn cùng tuổi với Quỳnh bĩu môi nói với Quỳnh:

- Cậu nói sai rồi nhá. Mẹ tớ bảo bố cậu lấy mẹ của anh Cương ở Thái Bình trước rồi bố cậu mới đi công nhân, thì anh Cương nhà cậu mới là lớn nhất, vì bố cậu ba vợ kia mà- Cái Quỳnh quay ngoắt lại, mặt nó vênh lên- Tớ quên- Rồi nó hất hàm về phía cái Na- Còn hơn cậu không có bố.

Hai đứa trẻ ngây thơ thật đáng thương. Tôi dàn hòa, rủ tất cả các cháu xuống phòng. Có túi kẹo hôm đi mẹ mua cho ăn chống say xe tôi chia đều cho các cháu. Chúng ríu rít như những con chim non tội nghiệp. Chúng ăn kẹo xong, đứa nào đứa ấy chào tôi rồi ra về. Tôi cứ nhìn theo mãi và ngẫm nghĩ. Tại sao cả một dãy nhà dài dằng dặc như thế mà không cháu nào có bố, có một vài cháu có bố thì lại mấy vợ, chúng nó cũng chẳng được hưởng trọn vẹn tình cảm của người cha. Tôi tự đặt câu hỏi. Phải chăng đội ở xa thị trấn, ít người qua lại, gặp gỡ hạn chế, mà lâm nghiệp ngoài rừng ra thì còn ở đâu được nên chị em cũng chỉ có đứa con làm chỗ dựa thôi? Tôi nghĩ miên man rồi ra đám cỏ non bên hồ nước ngồi, bóng tôi in dài dưới ánh nắng mùa thu trong veo. Trời se lạnh, thỉnh thoảng những chiếc lá vàng rơi lả tả. Đã xế chiều mà công nhân chưa tổ nào về cả, vì đặc thù trồng rừng vừa xa hiện trường sản xuất vừa làm rừng rậm rạp nên họ đi làm quá trưa, hai, ba giờ chiều mới về. Bác Thu bảo cuối năm chạy kế hoạch còn phải đi từ bốn giờ sáng mãi đến bốn giờ chiều mới  về. Bác Thu kể cho tôi nghe về công việc vất vả như thế nhưng tôi không sợ vất vả mà từ lúc tôi nghe các cháu dãy nhà tập thể nói về việc thiếu tình cảm của người cha tôi thương các cháu quá, mà có lẽ tôi thương cả cho tôi nữa, không hiểu sau này cuộc sống của tôi sẽ ra sao, tôi có ở lâm trường được lâu và làm một công nhân tốt như bản thân tôi tự hứa với mình không. Tôi cứ nghĩ miên man rồi nhìn xa ra phía trước mặt, mặt hồ trong xanh, lăn tăn đàn cá đùa nhau trên mặt nước. Tôi đứng dậy bước xuống gần thì chao ôi đập vào mắt tôi là một lùm cây to dưới ven hồ, dây leo chằng chịt, màu hoa trắng ngả vàng còn quả của nó còn xanh. Tôi thích thú đưa tay ra bứt một quả, thì ra không phải quả xanh hoàn toàn mà có nhiều quả chín nằm dưới lớp lá vàng. Theo tôi được học thì nó là cây lạc tiên, ăn quả lạc tiên có vị ngọt hơi dốt chua, thân cây và lá lạc tiên là vị thuốc an thần, nếu bị mất ngủ lấy dây và lá lạc tiên nấu nước uống. Tôi thỏa thích hái quả chín ăn rồi bỏ chiếc khăn tay ra định trẩy về cho mấy đứa trẻ ở dãy nhà trên. Đang hí húi hái thì thuyền của công nhân về bến, lại gặp anh Doanh. Anh Doanh lúc nào cũng vui như tết gọi tôi:

- Cô gái miền xuôi ơi, đã biết quả lạc tiên ăn được à? Cẩn thận kẻo ăn lạc tiên vào động dại lên rừng ở với những người công nhân lâm nghiệp như bọn anh đấy!- Tôi ngoảnh lại thấy cả tổ 1 đang dưới thuyền bước lên. Nghe bác Thu nói tổ 1 toàn nam giới, là tổ mười năm liên tục là “tổ lao động xã hội chủ nghĩa”, năm nào cũng được nhận danh hiệu tổ lao động tiên tiến, là tổ thanh niên xung kích, đơn vị có gì khó khăn là tổ 1 đương đầu gánh vác. Chạy kế hoạch cuối năm bao giờ tổ 1 cũng hoàn thành kế hoạch trước thời hạn. Tôi ngưỡng mộ các anh. Tôi quay người nhìn xuống thuyền thì các anh đã lên đến khóm lạc tiên. Bất chợt tôi sững lại và muốn gọi to tên anh, nhưng tôi cố kìm lại. Không phải là anh Tám như anh Doanh giới thiệu hôm qua mà chính là anh Tam...

***

Ngày tôi còn học cấp hai anh Tam đã học xong cấp ba, chưa kịp thi vào trường nào thì anh Tam lên đường theo lời đảng gọi đi làm nhiệm vụ giúp Lào và bảo vệ biên giới Tây Nam, sau năm năm nghĩa vụ anh về quê thì tôi đã học xong cấp 3 và đang thi đại học. Anh Tam và nhà tôi cách nhau chỉ có một hàng rào. Ngày đầu anh mới đi bộ đội về sang nhà chơi, tôi còn gọi anh Tam bằng chú. Anh Tam bảo tôi: Thôi từ nay gọi bằng anh, đừng gọi bằng chú, anh ế vợ mất. Qua nhiều lần ngượng nghịu tôi đã quen gọi anh Tam và từ đó ngày nào anh cũng sang nhà tôi chơi. Ngày tôi đi thi đại học anh Tam đưa tôi ra bến xe rồi mua vé xe. Anh ân cần dặn dò tôi như một đứa con nít. Tôi thấy mình tự tin và trái tim tôi đã có anh ở đó. Sau ngày tôi đi thi đại học về anh lại đón tôi từ bến xe, tôi và anh như đôi bạn thân. Anh không ngỏ lời yêu tôi, nhưng tôi hiểu anh đã có tôi trong tình yêu của anh. Cứ như thế chúng tôi chỉ coi nhau như  bạn bè hàng xóm. Có lần mẹ hỏi tôi: Anh Tam và con có tình cảm với nhau à. Tôi không dám nói gì hơn vì ngay lúc này tôi và anh chỉ là tình bạn, và là bạn thân thôi. Mẹ không hỏi nữa vì thấy tôi không muốn trả lời mẹ. Rồi đến ngày  tôi biết mình không đủ điểm thi vào đại học, thấy tôi buồn anh Tam đến nhà động viên tôi. Anh bảo tôi, nếu không đỗ đại học thì làm việc khác, làm công nhân, hay làm nông dân cũng được. Tôi mạnh dạn hỏi anh: Em không đỗ tốt nghiệp anh có thấy buồn cho em không? Anh bảo anh không buồn vì công việc gắn liền với số phận con người, không làm việc này thì trời đã định cho mình làm việc khác, hoặc là ở nhà làm nông dân như bố mẹ có sao đâu? Tôi nghĩ cũng đúng thôi nếu không đỗ vào đại học thì chẳng ở nhà còn làm gì nữa. Tôi thầm nghĩ, có lẽ anh đã nói đúng. Thế là từ hôm ấy tôi không buồn rầu lo nghĩ gì đến thi đại học, nếu không đỗ, thì khỏi phải thi cao đẳng hay trung cấp nữa. Tôi theo mẹ ra đồng cấy lúa trồng khoai, mấy sào lúa xanh rờn giáp mặt đang thì con gái. Tôi cùng mẹ ra bắt sâu, nhổ cỏ, hàng ngày chăm bón. Bên kia thửa ruộng nhà anh Tam cũng gần đó, anh gánh phân xanh cho mẹ, thỉnh thoảng cầm hòn đất trên tay, thấy tôi cặm cụi làm cỏ anh ném ào vào nón làm tôi giật mình. Nhìn anh thấy anh đang cười, cả hai chúng tôi cùng cười. Anh khẽ bảo tôi: Tối nay anh đến chơi nhé. Tôi nóng ran mặt, chỉ sợ mẹ tôi nghe thấy. Tôi quay ra nhìn trộm mẹ rồi lại cúi xuống nhặt cỏ. Không biết mẹ có để ý không nhưng tôi thấy mẹ chẳng nói gì, mẹ vẫn cặm cụi làm hình như mẹ không biết gì cả. Cứ thế anh và tôi âm thầm hẹn hò nhau, khi thì anh đến nhà tôi chơi, khi thì chúng tôi rủ nhau đi xem phim ngoài bãi. Anh dành cho tôi lời ngọt ngào thương mến. Có một bộ phim hoạt hình mà tôi không thể nào quên. Hai con kiến cõng nhau qua sông, xuống được sông rồi, kiến chồng lại phải dìu kiến vợ lên một chiếc lá nhờ sóng nước đưa chiếc lá và hai vợ chồng kiến sang bờ bên kia tìm nơi đẻ. Thấy tôi chăm chú xem, anh bảo:

- Sau này anh cũng lo cho em hơn cả đôi vợ chồng kiến này- Tôi xấu hổ quá lấy hai tay bưng lấy mặt. Từ lúc ấy tôi không dám nhìn lên mà hình như tôi bưng mặt cho đến lúc anh rủ tôi về. Tôi lẽo đẽo theo anh không dám nói câu gì. Anh quay người lại bảo tôi.

- Anh lớn hơn em đến mười hai tuổi, em có thấy em bị thiệt thòi không?

Tôi lắc đầu nói với anh:

- Không đâu anh ạ. Tình yêu không kể gì tuổi tác.

Anh nắm tay tôi khẽ thì thầm:

- Anh cám ơn, em đã nói lên điều mà anh lo lắng nhất. Thú thật anh chỉ sợ em chê anh già.

Cả hai chúng tôi bịt miệng cười, và từ hôm ấy tôi và anh Tam thực sự nhớ thương nhau. Gần một năm tôi và anh có những giây phút đẹp để nhớ về nhau, tưởng chừng không bao giờ rời xa nhau được nữa. Có những lúc anh có việc phải xa tôi mấy ngày mà tôi cứ tưởng đã xa nhau cả tháng. Cả hai chúng tôi đều nghĩ, không bao giờ có thể rời xa nhau được. Một năm trôi qua,  bố gọi tôi ra bàn uống nước hỏi: Con với anh Tam là thế nào? Tôi chưa kịp trả lời bố thì bố lại nói tiếp: Vì bố thấy anh Tam với con gần nhau rồi đấy, cẩn thận, không quá tin nhau rồi lại thất vọng cho nhau. Hay sang năm tới con đi thi vào cao đẳng hay trung cấp mà học để có một cái nghề. Tôi chỉ biết đáp: “Để con tính bố ạ” rồi vào buồng nằm. Cả đêm đó tôi không sao chợp mắt, không hiểu sau này tôi và anh có thể chung một thuyền, hay chỉ là bến đợi mà thôi...

Trằn trọc mãi rồi tôi cũng thiếp đi lúc nào không biết. Chuyển mùa sang đông trời se se lạnh, mẹ rón rén dậy nấu cơm sáng, mẹ biết tôi đêm qua không ngủ. Mẹ vào buồng khẽ lay tôi dậy. Tôi choàng mắt vì thấy xấu hổ, lớn rồi mà mẹ phải nấu cơm gọi mới biết lối dậy. Mẹ bảo mẹ không ngủ được nên dậy sớm hơn mọi ngày. Tôi biết mẹ nói thế để tôi đỡ áy náy, vì mẹ cũng muốn tôi  lấy được ai gần nhà. Mẹ bảo, nước nhờ mạ, mạ nhờ nước, có mẹ nào muốn con sống xa bố mẹ đâu? Biết thế nên mẹ không tham gia gì cả, cứ mặc kệ nghe ngóng xem sao. Rồi một hôm từ đồng về mẹ gọi tôi vào phòng, mẹ nói riêng cho tôi biết: Hình như nhà bà Bình hôm nay có khách từ Nam Định lên chơi. Có một cô mặc quần áo đẹp lắm, nghe đâu bà Bình nhờ người mối mai cho cậu Tam rồi. Con tránh đi, từ nay không gần cậu Tam nữa, kẻo hàng xóm láng giềng lại cười cho. Nói rồi mẹ đi thẳng vào nhà,  mẹ sợ bố tôi biết. Tôi như ngồi trên đống lửa, chẳng biết có phải thế không nhưng mấy ngày trước anh Tam xuống Nam Định ăn cưới. Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu tôi.

Hôm sau khi ánh bình minh rọi xuống không gian những tia nắng đầu ngày, ăn sáng xong, hai mẹ con tôi người liềm, người cuốc rẽ sương đi trên con đường làng quen thuộc, hương lúa, hương ngô, hương hoa đồng nội ngạt ngào thơm   ngát. Mẹ bảo tôi nhặt cỏ còn mẹ đi vòng quanh thửa ruộng ngô non, mẹ ngắm ruộng ngô mà đôi mắt mẹ dâng lên niềm hạnh phúc. Bao nhiêu công lao cuốc đất cày xới, chăm bón nương ngô nay mẹ thấy vui khi cây lúa cây ngô cứ vươn đều chờ ngày thu hoạch. Mẹ đang đi thì bà Bình gọi mẹ. Rồi mẹ và bà Bình nói chuyện gì với nhau một lát. Tôi nghe mẹ vâng liên tục rồi mẹ và bà Bình mỗi người đi một hướng. Mẹ đến làm cỏ cùng với tôi. Suốt buổi mẹ không nói chuyện như mọi ngày nữa. Mẹ đăm chiêu suy nghĩ, thỉnh thoảng mẹ lại nhìn trộm tôi, vẻ thương tôi hơn lúc nào hết. Tôi hỏi mẹ có chuyện gì, mẹ dè dặt nói: “Từ nay con và anh Tam ít gặp nhau thôi, anh ấy hơn con nhiều tuổi quá”. Tôi không thể tin là mẹ tôi thay đổi nhanh đến thế, có lẽ bà Bình mẹ anh vừa nói với mẹ về chuyện này. Tim tôi như ngừng đập, những cây cỏ trước mắt tôi nhạt nhòa chuyển sang màu nắng chói chang, tôi không thể nhìn rõ đâu là cây cỏ, đâu là cây ngô nữa. Mẹ quay lại bảo tôi:

- Thôi con ngồi nghỉ đi cho đỡ mệt rồi mai nghỉ làm ở nhà ôn bài, thích đi thoát ly thì đi mà không đi thoát ly thì ở nhà làm phụ mẹ rồi ai hỏi thì lấy người ta, nhưng không được lấy anh Tam.

Tôi không dám nói câu gì, vì tôi biết mẹ cũng buồn chẳng kém gì tôi.

 Ánh nắng mùa thu chói chang chẳng kém gì nắng hè, tuy không oi bức, nhưng cũng ngột ngạt làm cho con người bức bối, khó chịu. Tôi lấy tay lau mồ hôi. Hai mẹ con về nghỉ trưa. Cái nắng hanh hao trải dài bóng mẹ đi về. Vừa đến nhà bố gọi mẹ con tôi, bảo: Anh Tam nhà bà Bình sắp lấy vợ người Nam Định hay sao, thấy người chạy qua chạy lại từ sáng đến giờ. Câu nói của bố làm trái tim tôi tan nát, nhưng bố không biết gì về chuyện tôi và anh Tam yêu nhau. Bố nghĩ tôi và anh Tam chỉ là bạn bè, vì anh Tam hơn tôi hơn mười tuổi, mà hơn nhau mười tuổi ở nông thôn thời ấy là bất đắc dĩ, họ cho là chú cháu. Tôi không còn hy vọng gì về anh nữa. Anh Tam biết hôm nay mẹ anh đã thông báo cho mẹ tôi biết về chuyện anh Tam sắp cưới vợ. Vì nhà tôi không môn đăng hậu đối, bố mẹ tôi chỉ bằng tuổi con cả bà Bình, và tôi chỉ là tuổi cháu anh Tam. Đấy là lý do bà Bình buộc anh Tam phải lấy vợ kém mình hai tuổi. Tôi như người mất hồn. Sao cuộc đời khắc nghiệt thế với tôi. Nghe bố mẹ tôi lao vào ôn thi, không vào trường này tôi sẽ vào trường kia miễn là tôi không thuộc về nơi có anh nữa. Nước mắt chảy dài trên gò má thấm vào trang giấy như in vào tâm trí tôi lúc tôi yếu đuối nhất. Tối hôm đó anh Tam sang nhà gặp tôi. Mẹ dành cho chúng tôi một không gian để chúng tôi đủ nói cho nhau nghe về những gì đã xảy ra với anh. Anh không giải thích nhiều mà anh chỉ hứa với tôi vẻn vẹn một câu nói. Nếu anh và tôi không đến được với nhau anh không lấy ai nữa, anh bảo số phận anh thuộc về em rồi. Tôi cũng khuyên anh nên nghe bố mẹ kẻo sau này ân hận, rồi tôi gạt nước mắt lao vào học nghề nào cũng được miễn là được xa hẳn nơi này. Làm như vậy có thể là quá cay nghiệt với bố mẹ nhưng tôi biết tuy bố là thương binh nhưng cả hai bố mẹ còn trẻ, lại có cậu em và các cô các dì giúp đỡ bố mẹ lúc ốm đau. Tôi vào học lớp kỹ thuật lâm nghiệp tại Trường Kĩ thuật cầu hai Phú Thọ. Tôi xác định đến với rừng không dễ dàng với người con gái nhưng bằng quyết tâm tôi tin sẽ làm được, và hai năm học đã xong tôi đến với rừng bằng quyết tâm và tình yêu thiên nhiên. Nó sẽ làm liền vết thương trong lòng tôi.

 Người đang bước dưới thuyền lên là anh Tam của tôi ngày xưa chứ không phải anh Tám mà lâm trường vẫn gọi. Anh đã thấy tôi đang hái lạc tiên. Anh chờ cho bạn bè của tổ về đội trước rồi chúng tôi gặp nhau, anh bảo tôi:

- Ngay hôm em vào lâm trường bộ anh đã biết là em rồi, xem có nhận ra anh nữa không? Năm năm trong quân ngũ anh đã ở rừng nên quen. Sau khi em đi học lâm nghiệp là anh phải tìm đến lâm trường nào mà sau khi em ra trường em về đội ấy là sẽ gặp anh ở đó. Anh đã nói với em từ ngày em còn ở nhà kia mà. Số phận ông trời ban cho anh là chỉ có em thôi.

Tôi thật bất ngờ và niềm hạnh phúc nhân đôi. Tôi vui biết nhường nào. Phải chăng số phận đã mỉm cười với chúng tôi. Rồi anh kể cho tôi nghe về chuyện gia đình bắt anh phải lấy cô gái nhà buôn bán lớn ở Nam Định nhưng anh cương quyết từ chối. Không còn cách nào khác, anh phải lên phòng thương binh xã hội huyện xem có đợt tuyển quân đi đâu anh cũng đi, làm gì anh cũng làm. Có đợt tuyển quân lên lâm trường, anh xung phong đi hàng đầu, anh không thể lấy người anh không yêu. Tôi nói với anh:

- Thế là số phận chọn chúng mình vậy mà em cứ tưởng anh biết em học ngành lâm nghiệp thì mới vào lâm trường để gặp em. Anh cười với tôi, vẫn nụ cười hiền hậu chân chất người lính năm nào, anh bảo, lúc ấy chọn đại miễn là thoát ra khỏi gia đình sao cho hợp pháp rồi sau này tính sau, nhưng vào được lâm trường này rồi anh để yên cho em học khi em ra trường em về đâu anh cũng đến đón em về lâm trường này luôn, thế nhưng số phận đã chọn chúng mình rồi từ nay yên tâm em nhé.

Tôi và anh cùng nhau hái quả lạc tiên ăn rồi hái mang về cho những đứa trẻ. Anh Tám hỏi tôi:

 - Sao mới đến có một ngày mà em đã làm quen được hết các cháu nhỏ rồi?

Tôi nói với anh:

- Sáng nay em lang thang lên dãy nhà đó chơi thấy các cháu nô đùa vui ghê, rồi đứa thì khoe nó có bố, đứa thì lại bảo không có bố, em chẳng hiểu gì.

- Cả dãy nhà các chị ấy ở đúng là không chị nào có chồng, vì các chị là thanh niên xung phong bao năm ngoài chiến trường, người thì mở đường Trường Sơn, người thì mở các tuyến đường trên miền núi đến giáp tuyến biên giới, làm các công trình khác, đến lúc giải phóng miền Nam thì các chị thanh niên xung phong tuổi đã cao, các chị ấy vào làm ở công ty cầu đường, rồi mỗi chị có một, hai đứa con để nương tựa lúc tuổi già nhưng vì công ty cầu đường phải chuyển công trình luôn, các chị lại có các cháu nhỏ không tiện nên công ty cầu đường chuyển các chị sang lâm trường đóng quân tại chỗ để các chị yên tâm nuôi các cháu ăn học. Mỗi người một số phận, thương lắm em ạ. Những cô gái lâm trường sống xa nơi thị trấn thành phố, phải thui thủi trong rừng nên họ không có cơ hội lựa chọn ai cả, đành phải có đứa con làm chỗ dựa cho tương lai. Chính vì sự chung chạ ấy mà nhiều khi các bà vợ quay ra cấu xé lẫn nhau. Nhiều lúc nghĩ mà thương cả ông bố và mấy đứa trẻ, nó chẳng hiểu gì cứ phải nghe mẹ nó ghen vu vơ, chẳng đâu vào đâu cả. Anh và tôi vừa nói chuyện vừa trẩy được một túi quả lạc tiên mang về dãy nhà trên chia cho các cháu. Đám trẻ ríu rít  chạy ra. Tôi và anh Tám chia quà cho các cháu. Mẹ các cháu nói đùa anh Tám:

- Chú Tám bắt sóng nhanh quá đấy?- Anh Tám cười nhìn tôi nói đùa- Là ông trời đã chọn chúng em rồi! Ai cũng ngạc nhiên sao mới quen nhau mà cứ như đã thân nhau từ bao giờ. Tôi quay sang hỏi anh: Cái tên Tam của anh ngày xưa đâu rồi mà lại chuyển tên Tám? Anh bảo tên Tam chỉ để dành cho người anh yêu. Rồi anh cười dịu dàng nói với tôi: Tám cho dễ gọi em ạ. Hôm anh làm hồ sơ vào lâm trường anh khai lại tên anh là Tám cho dễ kẻo gọi tên Tam nhiều khi họ vẫn nhầm tên Tám. Cả tổ 1 của anh đều không hiểu tại sao anh và tôi quen nhau nhanh đến thế, họ không biết chúng tôi đã yêu nhau từ bao giờ. Dù đã trải qua năm tháng đầy nước mắt khóc cho tình yêu không trọn vẹn, nhưng ai ngờ tình yêu đã chọn chúng tôi, mối tình tưởng chừng chỉ còn đọng  lại những năm tháng không thể nào quên được. Vậy mà giờ đây chúng tôi lại được gần nhau. Trước mặt tôi là ngọn núi cao ngút ngàn, lau lách chằng chịt, cây cối đan xen. Là tình yêu rừng làm sao sẽ thay da đổi thịt cho rừng, thay vào những cây mỡ, cây bồ đề, cây keo, cây bạch đàn sẽ là cây gỗ có chất lượng, làm ra các sản phẩm cùng góp phần vào triệu triệu ha rừng cho cả nước. Những tháng năm buồn nay đã không còn nữa. Anh đã bên tôi cùng nhau thay áo cho rừng và tôi nhận trách nhiệm làm tổ trưởng tổ 3 theo yêu cầu của đơn vị. Lúc đầu tôi còn nhiều bỡ ngỡ, được các anh các chị trong tổ giúp đỡ tôi đã quen dần với công việc sản xuất và làm tổ trưởng lãnh đạo mười hai chị em trong tổ. Những lúc nắng mưa ngoài rừng vắt cắn, tôi sợ quá kêu ầm lên, các chị đến giúp đỡ rồi các chị lại nói đùa với tôi: Này em làm quen với vắt đi. Rồi có con vắt nó còn to lắm đấy chẳng chạy vào đâu được đâu. Tôi cùng các anh chị cùng cười vui phá tan không khí mệt mỏi giữa cánh rừng. Chiều ngả bóng, cả tổ kéo nhau xuống thuyền về bến. Chị Vy bảo cả tổ nhìn lên bến xem kìa, anh Tám ra tận bến thuyền đón nàng mơ rồi. Cả tổ ai cũng vui, vì tôi và anh Tám lại được ở bên nhau. Anh và tôi đã giúp đỡ nhau trong công việc, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi cùng nắm tay nhau trên những những đồi cây non đang mơn man vươn mình phủ kín màu xanh. Những hạt giống ươm trong bầu cây đang bồi hồi nghe những hơi thở từ lòng đất rồi vươn ra những đồi trọc đang chờ mầm non ôm lấy quả đồi. Dây leo, cây tạp đan xen sẽ phải nhường chỗ cho những mầm xanh vươn lên thành những cánh rừng bạt ngàn xanh biếc. Bác Thu đội trưởng gọi tôi và anh Tám lên phòng nói với chúng tôi:  

- Đơn vị lâu lắm chưa có đám cưới nào. Nếu hai cháu yêu nhau đã chín muồi thì báo cáo công đoàn về quê tổ chức, bác cắt phép cho. Nếu không tổ chức ở quê thì làm lễ cưới ngay tại đơn vị cho vui.

Anh Tám và tôi cùng cám ơn bác. Rồi mùa xuân năm ấy chúng tôi được bác Thu và đơn vị tổ chức đám cưới cho. Một đám cưới đơn sơ mà vui vẻ hạnh phúc, ấm áp tình yêu thương. Một năm sau, tôi đã có cháu gái đầu lòng. Các chị em trong tổ đặt tên cho con gái tôi là Mơ. Các chị bảo: Cả tổ chỉ có mình em là có hạnh phúc trọn vẹn nên các chị đặt tên cháu là Mơ để cho các chị vui chung niềm hạnh phúc. Lúc ấy tôi mới hiểu ra sao tên tôi là Anh mà thỉnh thoảng các chị cứ gọi tôi là Mơ. Bất chợt tôi thấy thương các chị công nhân lâm nghiệp biết nhường nào. Tôi càng trân trọng hạnh phúc mà mình đang có. Từ tình yêu và năm tháng khó khăn đã cho chúng tôi tìm thấy nhau trong niềm hạnh phúc vô bờ.

 

T.H

                                                     

 

 

 

 

 

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                  

 

 

 

 

                                                                                               

   

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter