• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Người mở lối
Ngày xuất bản: 29/08/2022 1:20:44 SA

Ký của YẾN TRANG

 

Tôi đến gặp chị Hà Thị Nhung- Bí thư, kiêm Trưởng thôn Quang Vinh, xã Hưng Thịnh vào một ngày hè tháng 6. Gặp chị tại nhà văn hóa thôn, khi chị đang tất bật với dân để cùng cán bộ của Viettell hỗ trợ người dân cài đặt phần mềm tài khoản ngân hàng số. Nhìn chị đon đả hướng dẫn từng người dân, nhấc máy gọi dân nhanh chân đến hội trường thôn nhận hỗ trợ, tôi cảm thấy ở chị một sự nhiệt thành không tính toán. Anh Nguyễn Minh Thanh- Bí thư xã Hưng Thịnh nói nhỏ với tôi “Chị người Tày, là bí thư kiêm trưởng thôn duy nhất còn duy trì được cho đến hôm nay sau khi thực hiện mô hình thí điểm Bí thư kiêm trưởng thôn của 5 thôn trong toàn xã”.

Chúng tôi trở về nhà chị trên con đường liên thôn uốn lượn qua các thửa ruộng đang đến kỳ thu hoạch. Chị hài lòng kể với tôi về những ngày đầu hình thành thói quen giữ sạch đẹp đường làng ngõ xóm. Tôi hiểu để giúp dân từ bỏ một thói quen xấu, hình thành một thói quen tốt không hề đơn giản, nó cần ở chị sự kiên trì đến nhẫn nại. Hầu như ngày nào chị cũng bỏ thời gian dạo bước trên những con đường dẫn vào từng ngõ xóm. Hễ thấy dân vứt rác ra đường là vào tận nhà nhắc nhở, hễ thấy đường vào nhóm hộ nào có rác là yêu cầu họ dọn dẹp đường làng. Nhờ giám sát chặt chẽ, thường xuyên nên không một hành động xả rác nào lọt qua mắt chị. Đầu tiên là dân sợ chị bắt được đưa ra thôn khiển trách nên cố gắng không vi phạm, sau đó dần dà thành thói quen, và cuối cùng thói quen thành văn hóa. Khi đã thành văn hóa, khi đã ăn sâu vào tiềm thức thì chính nhân dân lại là người giám sát cùng chị.

Ngồi với chị trong căn nhà mới xây khang trang, rộng rãi, bên chén nước lá cây truyền thống của người Tày, chị chầm chậm kể cho tôi nghe về những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới.

Thôn Quang Vinh này đã gắn bó với chị từ thuở chào đời. Từng ngõ ngách, từng ngọn cỏ đã trở thành thân thuộc. Thân thuộc với những con người lành như củ khoai củ sắn, tối ngày làm bạn với đồng với nương mà cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng. Chị lớn lên từ mồ hôi, công sức, từ sự tảo tần của cha của mẹ. Hiểu cái nghèo để rồi thấy sợ nỗi ám ảnh của những cơn đói, của sự hoang mang trong chính ngôi nhà thân thuộc mỗi khi giông gió tràn về. Bàn chân chị đã từng in dấu trên những con đường đất bùn nhão khi mưa về, bụi tung khi nắng gắt. Những con đường bờ ruộng chỉ lọt vừa bàn chân chị, nhẵn bóng, chỉ cần chút mưa là có thể trượt dài xuống ruộng. Người làng chị vẫn an phận với những con đường đó. Họ ít đi ra ngoài hơn, ít giao lưu hơn. Những bữa ăn qua loa với rau vườn nhà, lúa ruộng nhà, trứng trong ổ, vài con tôm, con cá bắt được dưới ruộng, trong ao. Lớn lên trong đói khổ, rồi được đi đây đi đó, hiểu thêm nhiều con người, nhiều vùng đất để thấu hơn tác hại của sự an phận trong dân bản mình. Cơ duyên để đến năm 2004 chị được dân tín nhiệm bầu làm Bí thư, rồi kiêm Trưởng thôn Quang Vinh. Trách nhiệm của người đứng đầu, nghĩa tình với dân làng bao nhiêu năm gắn bó thôi thúc chị phải tìm ra cách để vực người dân ra khỏi đói nghèo, lạc hậu. Nghĩ là thế nhưng trước mắt chị có bao thử thách. Là thôn đặc biệt khó khăn của Hưng Thịnh, rất nhiều năm số lượng hộ nghèo vẫn cứ duy trì ở mức cao mà không hề suy chuyển. Cho đến năm 2010 toàn thôn vẫn có đến 50 hộ cận nghèo, hơn 30 hộ nghèo trong tổng số 146 hộ của toàn thôn. Đồng bào ở đây 90% là người dân tộc Tày. Dù có ruộng, có nương, có lao động nhưng không có cơ hội học hỏi, mở mang nên trên mỗi thửa ruộng chỉ là những giống cây trồng truyền thống năng suất thấp, trên bát ngát những triền đồi chỉ có keo, bồ đề mọc lên, không chăm sóc, không tỉa cành, bón phân. Phải tìm mọi cách để cho dân bản thoát nghèo. Ấy là suy nghĩ sau rất nhiều đêm không ngủ. Những bước chân lại sải dài trên các ngóc ngách đường làng, tới từng hộ tuyên truyền, thuyết phục để họ đổi giống cây trồng mới, học cách chăm sóc mới. Những tưởng mang ánh sáng văn minh về mới dân làng đơn giản như thắp một ngọn đèn xóa tan u tối. Lần đầu tiên chị vấp vào sự phản kháng của dân làng. Họ lảng tránh khi chị đến nhà, tránh mặt khi chị trò chuyện, họ tìm việc để biện lý do đang bận. Nhưng quyết tâm không cho chị lùi bước, lần 1 không thành thì lần 2, lần 4, lần 5 chị sẽ đến. Chỉ trò chuyện thôi để đến khi gần gũi chị sẽ là người bạn đồng hành cùng mỗi gia đình thoát nghèo thành công. Họ thiếu nhà có chị đứng lên tập hợp nhân dân cùng các đoàn thể của thôn hỗ trợ làm nhà; thiếu vốn, chị đề nghị ngân hàng chính sách cho vay vốn; không biết trồng cây gì, chị làm mẫu cho họ tận mắt thấy để làm theo; không biết mua giống ở đâu chị tìm mối dẫn họ đi mua giống. Cây trồng của dân bị sâu bệnh chị là người biết trước dân, đến tận nhà yêu cầu họ mua thuốc chữa trị. Tai nạn, ốm đau không thể lao động chị vận động nhân dân cấy hộ, gặt hộ, giúp tiền để họ vượt qua lúc lao đao. Không ít lần chị bỏ tiền túi hỗ trợ cho hộ nghèo vài tạ xi măng để kiên cố căn nhà, bỏ tiền cho họ chữa xe để con em họ đến trường đều đặn. Thời gian và những nỗ lực, dần dà những hộ đầu tiên trong thôn đã thoát nghèo. Cái suy nghĩ nghèo để dựa dẫm vào chính sách nhà nước được chị xóa đi trong mỗi suy nghĩ của đồng bào Tày nơi đây. Lần đầu tiên ở xứ sở này có những lá đơn xin thoát nghèo vì lòng tự trọng. Còn chị được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016- 2020 với con số ấn tượng, từ 35 hộ giảm còn 4 hộ nghèo. Số tiền thưởng cho Bằng khen ấy chị nhập quỹ thôn để cùng thôn lo toan nhiều công việc khác.

Chị dừng lời, rót thêm nước mời tôi phân trần, từ đận ấy chị chợt nghĩ ra, phải tiên phong thực hiện thành công các chỉ tiêu xã giao để được khen thưởng, lấy tiền chi tiêu cho việc thôn việc xóm. “Có nghĩa là chị đã nhận được nhiều khen thưởng?” Chị cười, trí nhớ tìm về cái ngày được Ủy ban xã tặng thưởng vì đã vận động thành công người dân tham gia mua bảo hiểm y tế. Trước đó thôn chị là thôn 135, tất cả người dân đều được nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng từ khi thôn ra khỏi thôn 135, chế độ bảo hiểm y tế không được nhà nước hỗ trợ nữa. Tâm tư người dân có phần hụt hẫng, nó giống như đứa trẻ lần đầu tiên phải cai sữa mẹ. Tuyên truyền để ổn định tư tưởng cho dân đã là việc khó, lại tuyên truyền để họ ra tiền tự mua bảo hiểm y tế e chừng khó gấp trăm. Đã vậy, tiêu chí để đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện yêu cầu tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế phải đạt trên 97%. Lại những ngày đến từng nhà dân tuyên truyền, thuyết phục với những lý lẽ đơn giản nhưng hợp lý. Hiểu những khó khăn của người dân, chị nảy ra sáng kiến chia số tiền bảo hiểm y tế thành nhiều phần nhỏ, nhà khó khăn nhiều thì mua 3 tháng, nhà khó khăn ít thì mua 6 tháng, miễn sao không để ngắt quãng thời gian tham gia bảo hiểm, vì nếu ngắt quãng ưu đãi sẽ ít đi, thiệt thòi cho người tham gia. Cuối cùng chị đã thuyết phục được 98% người dân của thôn tham gia bảo hiểm y tế trong sự ngỡ ngàng của lãnh đạo xã. Phần thưởng 2 triệu đồng này chị cũng dành lại cho thôn. Chợt nhớ đến Tuyên dương của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trấn Yên cho Chi bộ thôn Quang Vinh vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Trấn Yên, tôi hỏi chị. Anh Thanh nhanh nhảu, tuyên dương ấy dành cho chi bộ thôn 3 năm liên tiếp (2018- 2021) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chi bộ thôn Quang Vinh là chi bộ hoạt động rất tốt. Chị Nhung đã làm rất tốt công tác cán bộ, xây dựng nên đội ngũ giúp việc của thôn thực sự là những cánh tay đắc lực để thôn hoạt động hiệu quả. Công tác phát triển đảng là một việc rất khó đối với vùng nông thôn khó khăn như Quang Vinh, nhưng Chi bộ luôn hoàn thành vượt kết hoạch giao. Bất kỳ một chỉ tiêu khó nào xã giao thôn đều hoàn thành xuất sắc. Phải nói rằng chị Nhung có nghệ thuật quản lý và dẫn dắt, không hiểu bằng cách gì mọi hoạt động của thôn từ họp thôn, họp Chi bộ, làm đường hay vệ sinh thôn xóm 100% người dân đều tham gia. Gia đình nào có việc không đi được vẫn chủ động nhờ người ở thôn khác đến làm thay. Đây là điều rất khác, trước kia không có tiền lệ, thậm chí ý thức tham gia còn khá kém. Vì thế xã đã chọn Chi bộ thôn Quang Minh để xây dựng mô hình Chi bộ kiểu mẫu. Vừa qua, Huyện ủy đã về kiểm tra, các tiêu chí đã hoàn thành, chỉ còn duy nhất việc sử dụng sổ tay đảng viên điện tử là đang chờ hỗ trợ cài đặt phần mềm của huyện. Chị Nhung cười, số tiền thưởng đợt đó là 3 triệu, cũng dành cho thôn hoạt động. Tất cả tiền khen thưởng, cộng với kêu gọi ủng hộ của con em xa quê, của Công ty Điện lực Trấn Yên dùng để lắp đặt mới 4,3km đường diện chiếu sáng và camera an ninh. Người dân thực sự phấn khởi và tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo thôn. Có người thắc mắc, sao các bí thư, trưởng thôn khác không như chị, lúc nào, ở đâu dân làm đường, hay làm việc thôn chị đều có mặt, không vắng một cuộc nào, lại bỏ tiền túi mua bánh kẹo, nước ngọt phục vụ bà con. Tôi cười: Chị đi tất? Chị gật đầu, đi hết, kể cả những khi người dân đổ bê tông đường vào nhà chị cũng có mặt, nhiều nhà đổ cùng một lúc chị cũng bỏ thời gian đi cho bằng hết, không sót nhà nào. Đấy cũng là công tác dân vận em ạ, quan tâm đến dân thì dân mới vì mình mà đoàn kết một lòng.

Trong lúc chị Nhung tranh thủ chạy ra hội trường thôn xem tình hình cài đặt phần mềm tài khoản ngân hàng, tôi thong dong dạo bước trên con đường liên thôn chạy đi khắp ngả. Lạ là đường bê tông đến đâu, các ngả rẽ vào từng hộ gia đình cũng được bê tông luôn đến đó. Đúng tiêu chuẩn 3 mét rộng, 18cm dày. Tôi hỏi anh Thanh, anh bảo ở đây không như dưới xuôi, có lề đường rộng đủ để 2 ô tô tránh nhau. Vì thế các hộ dân làm đường vào nhà đảm bảo rộng để lấy lối lùi xe khi gặp ô tô khác. “Dân đồng ý tự bỏ tiền làm đường vào nhà theo đúng tiêu chuẩn?” “Đồng ý tất. Đấy em xem trên cả dải đường bê tông, có cổng nhà ai là không đổ đâu. Thế mới nói, chị Nhung có tài dân vận”. Tôi cười, đưa mắt nhìn về phía tít tắp để cảm rõ hơn con đường của sự đồng thuận cao. Tiếng chị Nhung cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi “Dân tới đông lắm, chị bảo chiều nay cử 1 đồng chí ở lại thôn để tiếp tục hỗ trợ nốt những người dân còn lại.”.

Cùng chúng tôi đứng giữa con đường rộng rãi, còn vương mùi vữa, chị nhớ lại những ngày đầu đến với dân để thuyết phục dân hiến đất làm đường, cũng vẫn là sự kiên trì và những lời lẽ hợp tình hợp lý. Bao nhiêu đêm đến lại về, về lại đến, nhận bao nhiêu lời gay gắt, cả những lần bị dân xô ngã xuống ruộng. Song chị vẫn nhẫn nại, bỏ ngoài tai những lời dân nói khi nóng giận, chọn những lúc dân vui vẻ để lựa lời khuyên răn. Nào là nhà nước hỗ trợ tiền xi măng, cứ trung bình 100m đường dân được 18 triệu. Toàn thôn có 6200m, nhân lên là cả một số tiền lớn. Vả lại sắp tới toàn bộ ruộng của thôn hết hạn quyền sử dụng đất. Người ta sẽ đo lại và chắc chắn sẽ chừa ra để làm đường. Khi ấy liệu có còn chính sách hỗ trợ này không. Khi ấy, liệu chúng ta có đóng góp được tiền tỉ để mua xi măng kiên cố đường cho chính mình đi không? Hay là suốt đời mình không bao giờ làm được con đường để đi như bao thôn khác. Mãi rồi họ cũng nghe ra. Làm mấy trăm mét ban đầu thấy đội ngũ cán bộ thôn tất bật luôn tay, mọi chi phí được công khai, không những họ không được gì mà còn mất tiền mua hoa quả bánh kẹo ăn lúc giải lao những ngày toàn dân ra đường đổ bê tông. Hiểu rõ cán bộ thôn làm việc vì nhiệt huyết chứ không phải vì đồng tiền khiến họ thêm đồng thuận. Thế nên cứ mỗi một quãng đường đổ xong dân xóm đó bảo nhau nấu cơm liên hoan vui vẻ. Cứ mỗi lúc nghỉ giải lao, họ lại mang ra đường những món quà quê là tấm lòng để bồi dưỡng những nông dân lần dầu tiên làm thợ đổ bê tông. Vui như có hội. Giờ nhìn lại chị cũng thấy bất ngờ, toàn thôn có 6,2km đường, trừ 400m đường bê tông được hỗ trợ từ chương trình 135 thì chỉ còn 1800m nữa là đường bê tông được phủ kín toàn thôn. 1800m đường cuối cùng này thôn đã tập hợp đủ vật liệu tại sân nhà văn hóa thôn, từ giờ đến cuối năm nay, khi nào huyện hỗ trợ xi măng là thôn tiến hành hoàn thiện nốt. Có được kết quả như thế là công sức của mỗi người dân, là sự ủng hộ 2600m2 đất ruộng và đặc biệt là khối đoàn kết một lòng của cán bộ và nhân dân toàn thôn Quang Minh. Chị đã rất vui khi nghĩ về điều đó. Trên đà đồng thuận, chị tiếp tục vận động nhân dân tự đóng tiền, cùng nhau bỏ công sức đổ bê tông những con đường lên đồi dốc đứng, mưa xe máy không thể lên để lấy măng hay bóc quế. Thế là cả thôn xúm nhau lại tự mua xi măng, cát mang về trộn dưới đồng rồi cho lên công nông chuyển lên đỉnh đồi đổ bê tông từ trên xuống dưới. Tất thảy được 3 km. Nhỏ chừng hơn 80cm thôi, nhưng có nó xe máy bon bon leo đến tận gốc măng, những tải măng nặng trịch cứ thế mà nối đuôi nhau vèo cái là xuống đến nơi tập kết, mưa có dầm dề, có thối đất thối cát cũng trở thành đơn giản. Được hưởng những điều thuận tiện, dân càng tin cái bụng của Bí thư. Tin, họ lại chủ động đề nghị Bí thư tiếp tục đổ bê tông thêm để nối dài những dải đường bê tông vào sâu trong núi. Dự định ấy cuối năm nay sẽ tiếp tục thực hiện.

Tạm biệt chị Nhung, tạm biệt thôn Quang Vinh- Thôn mới được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu đầu năm 2022, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ Tày quyết đoán và nhiệt huyết. Người đã 4 nhiệm kỳ là đại biểu Hội đồng nhân dân xã, đã từng là Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả và giờ đang đảm nhiệm Giám đốc HTX cây dược liệu. Trong vườn nhà chị đã chuẩn bị sẵn phân gà để sẵn sàng cho dự định đem cây khôi nhung trồng trên đất Quang Vinh, để làm gương, để dần dà nhân rộng trong các xã viên HTX, giống như cái ngày đầu tiên chị mang quế về trồng ở đất này, để người dân học tập và giàu lên nhờ quế.

 

Y.T

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter