• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Nhân dân huyện Trấn Yên Tham gia phục vụ chiến dịch Tây Bắc
Ngày xuất bản: 17/10/2022 8:24:53 SA

HOÀNG VIỆT QUÂN

 

Thắng lợi của chiến dịch Lý Thường Kiệt năm 1951 đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác trong vùng địch tạm chiếm, cơ sở kháng chiến ở miền Tây tỉnh Yên Bái được mở rộng. Trên địa bàn huyện Trấn Yên chỉ còn lại duy nhất một cơ sở bị địch tạm chiếm là xã Hồng Ca với đồn Ca Vịnh. Những cuộc càn quét của địch nống ra vùng tự do mới giải phóng bị ta chặn đứng, nhân dân trong huyện Trấn Yên bắt tay ngay vào việc xây dựng kinh tế- văn hóa, xã hội mau chóng đóng góp nhiều hơn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ cuối chiến dịch Hòa Bình tháng 2/1952, Bộ Chính trị đã có ý định sơ bộ mở chiến dịch Tây Bắc. Thực hiện chủ trương trên, Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp lãnh đạo công tác chuẩn bị chiến dịch, chỉ định một Ban chuẩn bị chiến trường gồm các đồng chí Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Bùi Quang Tạo, Bằng Giang để chỉ đạo việc tổ chức thực hiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tháng 4/1952, Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ thị mở chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng nhân dân, mở rộng đất đai, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế qua đầu mối Lào Cai- Vân Nam (Trung Quốc) và tạo điều kiện cho cách mạng Lào. Chiến dịch được chia làm 3 đợt. Đợt 1 tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, giải phóng vùng tả ngạn sông Đà. Đợt 2 giải phóng cao nguyên Mộc Châu, các tiểu khu Tuần Giao, Thuận Châu, thị xã Sơn La, bao vây địch ở Nà Sản. Đợt 3 tiến công cứ điểm Nà Sản và bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, từ đó mở chiến dịch Điện Biên Phủ đến toàn thắng.

Bên cạnh công tác chuẩn bị chiến dịch của bộ đội, Trung ương đã tổ chức Khu ủy Tây Bắc để lãnh đạo công tác chuẩn bị cho cơ sở quần chúng, do đồng chí Bùi Quang Tạo, Ủy viên Liên khu Việt Bắc, nguyên Bí thư Khu 10 cũ, chủ trì công việc này.

Một trong những khó khăn lớn nhất của chiến dịch Tây Bắc là chuẩn bị vật chất, vì khả năng huy động hậu cần tại chỗ hạn chế, đường vận tải tiếp tế qua núi cao rừng rậm, lắm đèo dốc, lắm suối nhiều khe, sông rộng, chiến trường lại ở xa căn cứ hậu phương. Trung ương Đảng và Tổng quân uỷ đã tăng cường cán bộ, tập trung lực lượng chốt trực quan cung cấp nhằm đảm bảo tốt cơ sở vật chất để hoạt động dài ngày liên tục trong chiến dịch. Kế hoạch cung cấp được xác định từ tháng 4/1952 và yêu cầu đến tháng 9/1952 phải hoàn thành. Từ tháng 5/1952, Tổng cục cung cấp phân công một số đồng chí trực tiếp tổ chức thực hiện, có sự hiệp đồng của các ngành, các địa phương. Tháng 7/1952 thành lập Ban Cán sự đường số 41. Đến tháng 9/1952, khi bộ đội lên đường đi chiến dịch, ta đã thành lập Tổng cục cung cấp tiền phương để phụ trách công việc chuẩn bị vật chất từ hướng Việt Bắc lên.

Với chiến dịch Tây Bắc, ta đã tổ chức đảm bảo tiếp tế hậu cần trên 2 hướng: Hướng Việt Bắc và hướng khu 3, khu 4. Riêng hướng Việt Bắc, ta tập trung đảm bảo tiếp tế hậu cần chủ yếu cho chiến dịch đợt 1, lấy Yên Bái, Phú Thọ làm căn cứ hậu phương, dựa vào nguồn nhân lực vật lực của các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Phúc Yên, lập 4 khu kho, theo khu vực tập kết của bộ đội và chuẩn bị rải trạm theo các mũi tiến quân như sau:

- Khu Mậu A đảm bảo cho tuyến chính, theo đường Khau Vác- Nậm Mười tiến vào Nghĩa Lộ, Gia Hội.

- Khu Cổ Phúc đảm bảo hướng Sài Lương.

- Khu Văn Phú theo đường Âu Lâu- Đèo Bụt vào Ba Khe, Cửa Nhì, sau khi nổ súng sẽ dùng ô tô chở vào theo đường 13.

- Khu Thu Cúc- Thạch Kiệt đảm bảo cho mũi Nha Phù- Bản Mỏ.

Đường vận chuyển chính từ các địa phương đến các khu kho trên là đường bộ dốc tả ngạn sông Hồng từ Phú Thọ đến Yên Bái và đường bộ Đoan Hùng- Hiên- Yên Bái, đường sông từ Phan Lương tới Đoan Hùng (sông Lô) và từ Phú Thọ đến Yên Bái (sông Hồng). Ta còn sửa chữa đoạn đường sắt Yên Bái- Mậu A khoảng 20km để dùng ô tô ray.

Như vậy, ta thấy Yên Bái có một vị trí, vai trò làm căn cứ hậu phương chiến dịch hết sức quan trọng, đặc biệt tập trung các mũi tiến quân ở hầu hết các địa điểm của huyện Trấn Yên. Do đó, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, Tỉnh ủy Yên Bái đã giao cho huyện Trấn Yên nhiệm vụ cùng toàn tỉnh cung cấp hậu cần cho chiến dịch. Huyện phải huy động lực lượng tối đa đáp ứng yêu cầu vượt sông cho bộ đội chủ lực và dân công từ bên tả ngạn sông Thao sang Tây Bắc với một khối lượng khổng lồ là 60.000 người. Đây là công việc hết sức khó khăn, vừa phải đảm bảo bí mật, an toàn, vừa phải tiến hành trong một thời gian ngắn nhất. Huyện Trấn Yên đã thành lập Ban chỉ huy phục vụ chiến dịch do đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến huyện làm Trưởng ban để chỉ đạo các xã huy động thuyền bè, mua sắm đóng mới gần 200 thuyền, chuẩn bị 2 phà kéo tay, mở mới 10 bến đò ngang. Điều động du kích các xã Việt Long, Hưng Khánh, Đại Đồng, Tân Hợp cùng các đại đội độc lập của tỉnh và huyện Văn Chấn đưa quân báo của bộ đội chủ lực vào vùng địch hậu an toàn. Tổ chức trinh sát nắm tình hình địch tại đồn Ca Vịnh, báo cáo về tỉnh kịp thời. Huyện huy động được 2.000 dân công, thu mua 450 tấn thóc, 200 con trâu, 186 con lợn, 30 tấn muối, 10 tấn đỗ, lạc, vừng cung cấp cho bộ đội và dân công trong chiến dịch. Cũng trong thời gian này, huyện tổ chức huy động nhiều đoàn dân công đi khôi phục tuyến đường sắt Yên- Lào Cai. Các xã vùng tự do đều có đoàn dân công, phối hợp với cấp huyện bạn làm nhiệm vụ thu hồi thanh ray, tà vẹt, đinh ốc, các phụ kiện mà trước đây trong đợt tiêu thổ kháng chiến và ta dỡ bỏ, nay đưa về để phục hồi từng đoạn đường sắt. Tại cống Từ Mẫu (xã Việt Thành) có một xưởng cơ khí chuyên sản xuất và lắp ráp các phụ kiện đường sắt. Các đoàn dân công làm việc miệt mài ngày đêm, nối liền đoạn đường sắt từ Yên Bái đến Lang Khay, Lang Thíp, Bảo Hà. Xã Đông Cuông tổ chức dân công phục hồi đường sắt tốt được Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Yên Bái khen thưởng.

Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể quần chúng của huyện Trấn Yên thường xuyên phối hợp hoạt động hiệu quả, vận động, động viên các tầng lớp nhân dân, thanh niên phụ nữ, thiếu niên, dân quân du kích tích cực tham gia phục vụ kháng chiến. Từ tháng 11/1951, Huyện đoàn Trấn Yên đã thành lập được các Chi đoàn nông thôn ở các xã bên vùng tự do, động viên được 360 người nhập ngũ, vận động được nhiều thanh niên tham gia dân công hoặc tích cực lao động sản xuất, chi viện lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Nhiều tấm gương tiêu biểu được nhắc đến như: anh Đinh Văn Quyết, 25 tuổi, đoàn viên thanh niên cứu quốc ở thôn Nga Quán, tình nguyện gánh 2 gánh hàng cho đồng đội. Trên đường vận chuyển, mặc cho bom rơi đạn nổ, anh vẫn giữ hàng cẩn thận: có những lúc chân bị đau, sưng phồng, anh vẫn tiến bước cùng đồng đội, không một lời kêu ca.

Trong công cuộc chuẩn bị chiến dịch, không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của phụ nữ, chị em đã vận động đông đảo nhân dân địa phương tích cực giúp đỡ cán bộ, các tổ quân báo và các đơn vị vào chuẩn bị chiến trường. Chị em tạo điều kiện để cán bộ xây dựng đơn vị cơ sở “Mật gian” ngay trong đồn địch, vận động được lính thường xuyên cung cấp tin trong đồn địch cho cán bộ biết. Ở vùng tự do, ngoài việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Tây Bắc, chị em còn hăng hái đi dân công phục vụ chiến dịch, động viên gia đình cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Tiêu biểu như chị Trần Thị Cảnh, 19 tuổi ở xã Việt Cường, gánh 17kg hàng của mình, chị còn gánh thêm 8kg giúp 2 đồng đội sức yếu vượt qua nhiều đèo cao, vực sâu đưa hàng ra tận mặt trận. Chị em còn hăng hái sửa chữa và bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào vùng địch tạm chiếm Văn Chấn, đường từ Mậu A qua đèo Quế, đèo Khau Vác, bến phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô phục vụ chiến dịch. Chị em là lực lượng chủ yếu trong các phong trào sản xuất, thanh toán nạn mù chữ, vận động phong trào vệ sinh phòng bệnh, xây dựng đời sống mới, phong trào ủng hộ bộ đội, động viên chồng con, anh em tòng quân lên đường đi chiến đấu và đi dân công phục vụ chiến dịch.

Phong trào thiếu niên phát triển mạnh mẽ ở các xã Cổ Phúc, Bái Dương, Văn Phú, Giới Phiên. Các em tổ chức nhiều hoạt động cổ động và phục vụ kháng chiến. Công tác Trần Quốc Toản với việc trồng chuối, nuôi gà kiểu mẫu, trồng rau lập quỹ được đẩy mạnh. Nhiều hoạt động phục vụ chiến dịch như tổ chức canh gác phòng chống máy bay, liên hoan tiễn bộ đội đi chiến đấu, nấu nước cho bộ đội, phát thanh tin chiến thắng. Tổ chức các hoạt động rước sắc lệnh thuế nông nghiệp về thôn xã, văn nghệ góp vui trong các hội nghị bình sản lượng, diễn ca kịch vui nhộn cổ động ngày hội giao lương...

 Các xã trong huyện Trấn Yên cũng có những hoạt động thiết thực phục vụ chiến dịch. Để thực hiện tốt việc huy động toàn dân theo Chỉ thị về công tác dân công của Huyện uỷ Trấn Yên (tháng 5 năm 1952), Chi bộ xã Tuy Lộc đã tập trung vào lãnh đạo và phân loại dân công, vận động thành lập các tổ đổi công, hợp công nhằm giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa việc phải huy động dân công phục vụ chiến dịch và việc đảm bảo nguồn nhân lực ở địa phương để phát triển sản xuất, thu hoạch mùa màng. Xã Tuy Lộc thành lập 2 đội dân công tham gia vận chuyển  lương thực, thực phẩm, vũ khí trong cả hai đợt của chiến dịch. Đợt 1 là 1 đại đội dân công gồm 150 người do ông Nguyễn Văn Tích (thôn Hiền Dương) và ông Bùi Nhi (thôn Bái Dương) phụ trách. Đợt 2 là một đại đội dân công gồm 135 người do các ông Tiên, ông Nhi, ông Đường, ông Hoàng Thu phụ trách. Ngoài ra, nhân dân Xuân Lan cùng tham gia làm đường từ Nam Cường ra phố huyện để bộ đội, dân công vượt sông Hồng lên Tây Bắc. Qua các phong trào, cụ Nguyễn Thị Huân (Lý Đài) được vinh dự đi dự đại hội chiến sĩ thi đua tiêu biểu của tỉnh. Nhiều người ở xã Tuy Lộc được khen thưởng, trong đó có ông Nguyễn Văn Đon vinh dự được Bộ Tổng tư lệnh tặng Huân chương hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ.

Bước vào thu đông 1952, từ ngày 20/9 đến tháng 10/1952 chiến dịch Tây Bắc bắt đầu được triển khai. Các đơn vị bộ đội chủ lực từ các địa điểm tạm dừng chân tiến vào vị trí tập kết, đại bộ phận ở bên tả ngạn sông Hồng từ Yên Bái đến Trái Hút và một Trung đoàn 98 ở vùng Thạch Kiệt (Phú Thọ) chuẩn bị vượt sông, mỗi bến đò có một Ban chỉ huy riêng. Cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Trấn Yên nói riêng đã chuẩn bị mọi phương tiện, sẵn sàng đón đưa bộ đội qua sông bí mật, an toàn. Nhờ đó, trong 2 đêm 10 và 11 tháng 10 gần 30.000 bộ đội của ba Đại đoàn bộ binh 308, 312, 316 và 1 Đại đoàn pháo binh 351 phối thuộc lần lượt vượt sông Hồng ở 4 bến: Mậu A, Âu Lâu, Nước Nóng, Lan Đình, chỉ có Trung đoàn 98 là vượt sông ở Phú Thọ. Tất cả hình thành các mũi tiến quân theo đúng kế hoạch đã định như sau:

- Đại đoàn 308 (E36) qua sông ở bến Mậu A, theo đường Đại Bục- Khau Vác tiến vào Nghĩa Lộ, đi đầu là 4 tiểu đoàn tiền vệ gọn nhẹ vào bao vây Pú Trạng, Nghĩa Lộ.

- Trung đoàn 36 vượt sông ở bến Âu Lâu, qua đèo Bụt, ca Vịnh, đèo Hồng vào chuẩn bị đánh Cửa Nhì.

- Đại đoàn 312 (E141) qua sông ở bến Nước Nóng, theo đường Thuỵ Cuông- Nậm Bằng vào Gia Hội.

- Trung đoàn 141 (D16) Vượt sông ở bến Lan Đình, qua Y Can, Khe Lóng, vào Sài Lương.

- Trung đoàn 174 (F316) Vượt bến Âu Lâu, theo đường số 13 đèo Bụt vào Ca Vịnh, Ba Khe.

- Trung đoàn 98 qua sông ở Phú Thọ để vào Phù Yên.

Các đơn vị trên đều tổ chức bộ phận gọn nhẹ đi đầu để thực hiện bao vây trước các vị trí mình phụ trách. Địch có phát hiện được một phần hoạt động của ta nên đã dùng máy bay để trinh sát, bắn phá thăm dò một vài nơi, nhưng không gây thiệt hại gì đáng kể. Mặc dù lực lượng rất lớn, phương tiện vượt sông còn ít và thô sơ, lực lượng công binh thiếu, nhưng do tổ chức kỷ luật chặt chẽ, công tác chuẩn bị của địa phương chu đáo, cẩn mật, bộ đội và dân công có nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, nên việc vượt sông nói chung an toàn. Trong 2 đêm đầu (10 và 11 tháng 10), gần 30.000 bộ đội và 2 đêm sau (12 và 13 tháng 10) gần 30.000 dân công cùng nhiều tấn vũ khí, lương thực, trâu bò đã qua sông theo đúng kế hoạch, để đến 14/10/1952 chiến dịch Tây Bắc bắt đầu.

Mở màn, bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và du kích xã Hưng Khánh tiến đánh đồn Ca Vịnh mở đường số 13 vào Nghĩa Lộ. Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 có pháo binh yểm trợ phối hợp với một đội du kích tập trung của huyện Trấn Yên và Trung đội du kích của xã Hưng Khánh, được tăng thêm du kích của các xã Việt Cường, Cường Thịnh, Y Can nhận nhiệm vụ đánh đồn. Theo đúng kế hoạch, đêm 14/10/1952, ta tấn công đồn Ca Vịnh. Pháo binh ta nổ súng trong vòng ba phút. Bộ đội và du kích vận động áp sát đồn, tấn công bằng hai mũi chính diện. Địch chống trả quyết liệt. Sau 3 tiếng đồng hồ vây hãm, quân ta dùng bộc phá tấn công, mở cửa thông, bộ đội và du kích tràn lên chiếm đồn, sau đó triển khai đánh đồn phụ. Địch dựa vào hầm hào kiên cố chống cự ác liệt. Ta vừa vây hãm vừa dùng thủ pháo tấn công buộc chúng phải mở đường máu tháo chạy, ta truy kích địch trên đường rút lui. Sau 5 tiếng đồng hồ chiến đấu, quân dân ta chiếm được toàn bộ đồn Ca Vịnh, diệt 86 tên, trong đó có 12 tên Pháp, bắt sống 32 tên, có 5 tên Pháp, thu được 2 súng cối, 1 đại liên, 10 tiểu liên và 20 súng trường, 1 máy vô tuyến điện cùng nhiều quân trang quân dụng.

Với chiến thắng đồn Ca Vịnh, cánh cửa đi vào Tây Bắc được mở toang, hàng ngàn đồng bào các dân tộc được giải phóng. Toàn bộ đất đai của huyện Trấn Yên đã nằm trong vùng tự do. Nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên hân hoan mừng thắng lợi, bắt tay vào xây dựng hậu phương vững mạnh.

Tiếp theo chiến thắng đồn Ca Vịnh là đồn Sài Lương, Thượng Bằng La, Ba Khe, quân ta tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ, Cửa Nhì. Chỉ trong vòng 9 ngày (từ 14- 23/10/1952), chiến dịch Tây Bắc đợt 1 đã hoàn thành, chúng ta đã đập vỡ khu vực phòng ngự Nghĩa Lộ, Phù Yên, giải phóng vùng tả ngạn sông Đà. Quân và dân Yên Bái cùng huyện Trấn Yên củng cố hậu phương vững chắc, tiếp tục phối hợp và tham gia phục vụ chiến dịch Tây Bắc đợt 2, đợt 3 giải phóng phần lớn đất đai Tây Bắc. Từ đó, huyện Trấn Yên cùng quân dân cả nước tiếp tục góp phần cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đem lại hòa bình cho dân tộc năm 1954.

 

                                                          H.V.Q

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter