Ký của THẾ QUYNH
Trò chuyện cùng chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Quang Trung, nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Văn Yên mới được điều chuyển về địa phương cho biết: Đông An là xã vùng I nằm ở phía Tây Bắc của huyện Văn Yên, cách trung tâm huyện 16 km. Tổng diện tích tự nhiên 4.029,4 ha, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 1.804,4 ha (có 136,54 ha lúa nước), đất lâm nghiệp 1.643,06 ha, đất nuôi trồng thủy sản 2,65 ha; đất phi nông nghiệp 395,29 ha; đất chưa sử dụng 149,46 ha. Trên địa bàn xã hiện có 1.632 hộ dân với 5.930 nhân khẩu gồm 3 dân tộc cùng chung sống là Kinh, Dao, Tày phân bố ở 08 thôn, trong đó có 01 thôn đặc biệt khó khăn. Năm 2019, Đông An được Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới và phấn đấu đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, hằng năm Đảng uỷ đều ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo; UBND xã xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã Nông thôn mới. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách và cách thức tiến hành xây dựng Nông thôn mới sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, để người dân hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, của huyện về xây dựng Nông thôn mới nâng cao; với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, huy động nội lực là chính, tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước” như: làm đường giao thông, xây dựng trường học; nhà văn hóa thôn; thắp sáng đường quê, dịch rào hiến đất… Sau 5 năm triển khai, tổng kinh phí đã thực hiện trong giai đoạn 2020- 2024 là 81.138.000.000 đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương và của tỉnh, huyện là: 38.134.860 nghìn đồng, chiếm 47%; Vốn tín dụng:14.604.840 nghìn đồng, chiếm 18%; Vốn huy động từ các doanh nghiệp: 486.828 nghìn đồng, chiếm 6%; Nhân dân đóng góp: 27.911.474 nghìn đồng, bằng 29%. Tổng số tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 là 19/19 tiêu chí, đạt 100%. Xã đã xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng thôn Nông thôn mới kiểu mẫu tại 5 thôn: Chèm, An Khang, Toàn An, Đức An và thôn Khe Cạn; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tiếp tục được đầu tư đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội; đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ngày một nâng cao; hệ thống chính trị hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Cùng với làm tốt công tác quy hoạch, để giúp nông dân phát huy thế mạnh của địa phương về đất đai trong phát triển kinh tế, xã đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Trạm Khuyến nông huyện và các tổ chức đoàn thể trong xã mở được 50 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân. Qua đó đã nâng cao trình độ của người dân trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tăng thu nhập. Cũng để giúp nông dân tăng lợi ích, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; góp phần mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng được mùa, mất giá, Đông An đã vận động người dân tham gia liên kết theo chuỗi giá trị bằng việc thành lập các hợp tác xã và sản xuất qui mô trang trại. Trên địa bàn xã hiện có 06 hợp tác xã, trong đó có Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp & dược liệu Yên Bái hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. Hợp tác xã hiện có 08 thành viên tham gia, dịch vụ cơ bản, thiết yếu là trồng cây dược liệu và sản xuất dược liệu. Từ năm 2021 đến nay, Hợp tác xã đã thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đạt trên 30% tổng sản lượng sản phẩm và sản phẩm chủ lực là Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Cà gai leo. Sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, có tem truy xuất nguồn gốc đảm bảo các yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin. Còn về trang trại, toàn xã có 04 trang trại gồm 03 trang trại chăn nuôi quy mô lớn: trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH phát triển Nhật Minh Tân chi nhánh Yên Bái, trại chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần thương mại Đông An và 01 trang trại chăn nuôi lợn quy mô vừa của Công ty RTD Bắc Giang. Đặc biệt là trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer- Chi nhánh Yên Bái. Đây là dự án trang trại nuôi lợn khép kín công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả công nghệ tưới Israel do Công ty Cổ phần phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tích hợp ANIFER thực hiện tại thôn An Khang, có diện tích 31,58ha với số vốn đầu tư gần 136 tỷ đồng. Quy mô công suất 50.000 lợn thịt, 2.400 lợn nái, 5.000 tấn phân hữu cơ và 600 tấn bưởi da xanh/năm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đến với Đông An lần này, tôi háo hức muốn thăm Di tích Lịch sử Đồn Dóm. Đồn này người Pháp xây dựng cùng Đồn Đại Bục, Đại Phác nhằm tạo hành lang án ngữ phía Tây, tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc. Cuối năm 1948, ta mở Chiến dịch Sông Thao tiêu diệt hoàn toàn hệ thống cứ điểm làm cho quân Pháp hoang mang tột độ, tháo chạy khỏi một loạt các đồn bốt bên hữu ngạn ở địa phương. Từ đây, một vùng rộng lớn của thượng huyện Trấn Yên rộng 300 km2 với 3.000 dân được giải phóng; hệ thống chính quyền địch tan rã. Chính quyền cách mạng được củng cố ngày càng vững chắc và nhiệm vụ chính trị của địa phương đã chuyển sang giai đoạn mới lấy xây dựng hậu phương, huy động sức người sức của cho kháng chiến. Trải qua thời gian, Đồn Dóm bây giờ không còn nhưng núi Dóm vẫn uy nghi đứng đó chứng kiến sư thay da đổi thịt của làng quê Đức An, Đập Dóm, thôn Chèm. Ghé thăm Đập Dóm- thôn đặc biệt khó khăn của xã Đông An. Trong tổng số 182 hộ dân thì có 128 hộ thuộc dân tộc Dao (chiếm 70%), sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp truyền thống và chăn nuôi nhỏ lẻ, đất đai phần lớn là đất đồi núi. Những năm trước đây, các tuyến đường xóm trong thôn đi lại lầy lội, các tệ nạn xã hội như cờ bạc diễn ra phức tạp khiến cho đời sống nhân dân càng trở nên khó khăn, an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đóng góp từ mỗi hộ dân, những con đường trục thôn xóm nay đã được bê tông hóa không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng mà còn là nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt, người dân trong thôn đã đóng góp tiền của để xây dựng hội trường thôn khang trang, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc. Có được kết quả này phải nhờ vai trò lãnh đạo của chi bộ và người đứng đầu Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Nguyễn Thị Mến. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thôn, lãnh đạo thôn đã triển khai chương trình, chính sách cụ thể như khuyến khích các hộ gia đình chuyển đổi mô hình kinh tế, chăn nuôi và sản xuất nông lâm sản theo hướng bền vững. Nhiều lớp học nghề được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng lao động cho bà con, giúp họ tiếp cận được với những kiến thức mới trong sản xuất, từ đó tự lực vươn lên thoát nghèo. Đời sống nâng cao, nhiều hộ gia đình trong thôn đã xây dựng nhà ở kiên cố tạo điều kiện để an tâm sinh sống và phát triển kinh tế. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm đáng kể, chi bộ Đập Dóm cũng ra Nghị quyết phấn đấu giảm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,5% vào năm 2024. Còn ở thôn Chèm, đây vốn là dải đất nằm bên sông Hồng. Tuyến đường Quy Mông- Đông An chạy xuyên qua thôn, hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng đẹp như biệt thự phố tọa lạc giữa vườn cây ăn trái hay ẩn mình bên cánh rừng xanh mướt. Trưởng thôn Nguyễn Văn Thọ cho biết: Ngày trước, thôn Chèm vốn là đất rừng rậm rạp, nằm nép mình dưới chân núi Dóm. Đây cũng từng là một thôn nghèo nhất của xã Đông An, giao thông đi lại hết sức khó khăn bởi suối Dóm và sông Hồng chia cắt làm cho thôn Chèm biệt lập như một ốc đảo. Cư dân thôn Chèm chủ yếu là người từ dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện về nhiều mặt của Đảng ủy, Chính quyền địa phương, người dân thôn Chèm đã chăm chỉ lao động, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế. Họ đã biết đưa những loại cây con có năng suất cao vào sản xuất và chăn nuôi. Các loại cây trồng chủ lực là quế, keo, bồ đề, cây ăn quả và xen canh ngô, lúa. Những năm gần đây, dân thôn Chèm còn xác định cho mình một hướng đi mới là phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi trâu trở thành hàng hoá. Với phương châm “tấc đất, tấc vàng”, những nông dân thôn Chèm đã tận dụng diện tích đất vườn xung quanh nhà, đất đồi, đất bãi trồng ngô kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ voi; đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi trâu. Bây giờ, thôn Chèm đứng đầu xã Đông An về đầu đàn gia súc. Toàn thôn hiện có trên 170 con trâu, 40% số hộ trong thôn có từ 3 con trâu trở lên. Điều đáng nói là trâu của thôn Chèm luôn giành giải cao trong các hội chọi trâu trong và ngoài tỉnh nên xuất bán rất được giá. Không ỷ lại, trông chờ vào các chính sách của Nhà nước, người dân thôn Chèm luôn tìm tòi, sáng tạo và khát vọng vươn lên để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Một trong những người tiên phong trong công cuộc “bắt đất nhả ra vàng” là anh Vũ Văn Nghị. Năm 1980, anh Nghị cùng gia đình rời miền quê Hà Đông lên xã Đông An xây dựng vùng kinh tế mới. Dù đã xoay sở đủ nghề nhưng vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo. Con đường làm kinh tế của anh Nghị bắt đầu từ khi Đảng và Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng tới hộ gia đình. Năm 1990 anh Nghị nhận 16 ha đồi hoang để trồng rừng. Những năm đầu anh trồng bồ đề, keo và mỡ. Nhờ học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và thông qua các lớp tập huấn của cán bộ khuyến nông, được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên toàn bộ diện tích vườn rừng của gia đình phát triển xanh tốt. Sau 7 năm, lứa keo, bồ đề trồng đầu tiên có đường kính gốc từ 70- 80 cm, cao từ 6- 8 mét, đã cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Nghị chia diện tích đồi rừng thành 5 lô để trồng xen canh, gối đầu: lô thì tiếp tục chăm sóc cây đã khép tán; những diện tích đã khai thác được chuyển sang trồng quế xen sắn cao sản, vừa hạn chế cỏ dại vừa có thêm nguồn thu nhập để đầu tư chăm sóc cây trồng khác. Cùng với đó, gia đình còn thâm canh 7 sào lúa nước; chăn nuôi gia súc gia cầm, có thời điểm đàn trâu của gia đình lên tới hàng chục con; rồi mua máy làm dịch vụ xay sát. Từ hộ nghèo, nhờ cần cù chịu khó, sáng tạo trong cách nghĩ cách làm, giờ đây gia đình anh Nghị có cơ ngơi trị giá tiền tỷ với trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. Cũng ở thôn Chèm, gia đình ông Nguyễn Văn Quý và bà Nguyễn Thị Hòa lại điển hình cho mô hình nhà sạch vườn đẹp. Với khu vườn trên ngàn m2, ông bà tập trung trồng bưởi da xanh. Hợp thổ nhưỡng, lại được chăm sóc đầy đủ nên quả sai trĩu trịt, vỏ căng mọng. Ngắm ngôi nhà hai tầng khang trang, bề thế giữa không gian xanh khách thăm không khỏi nức lòng. Từ vườn và các nguồn thu khác, tổng thu nhập bình quân của gia đình cũng đạt trăm triệu đồng/năm. Bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi; phát huy hiệu quả từ các mô hình sản xuất thành công đã góp phần thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi” ở thôn Chèm. Đến nay, người dân trong thôn đã thực sự đổi đời, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm; nhiều hộ gia đình có mức thu nhập từ 300- 400 triệu đồng/năm. Toàn thôn có 104 hộ thì 70% là hộ khá giàu và đến hết năm 2024 đã không còn hộ nghèo.
Đưa đoàn đi khảo sát một vài mô hình sản xuất công nghệp và tiểu thủ công nghiệp, Bí thư Đỗ Quang Trung khẳng định cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển đổi tích cực: Nông- Lâm nghiệp chiếm 38,34%, Dịch vụ- Thương mại chiếm 29,33%, Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp chiếm 32,33%. Đã qua cái thời loay hoay tìm hướng đi cho vùng đất này: nào là qui hoạch trồng dứa, trồng sắn cao sản với hình thành công nghiệp chế biến; rồi cây cao su. Lợi thế về giao thông có tuyến đường tỉnh lộ Yên Bái- Khe Sang, Quy Mông- Đông An đi qua; lại có các tuyến đường huyện Đông An- Xuân Tầm, Đông An- Phong Dụ Hạ; rồi cao tốc Nội Bài- Lào Cai với việc mở nút giao IC15 thuận lợi cho giao thương hàng hoá và đi lại của nhân dân. Chính vì vậy, Đông An sớm được qui hoạch trong Khu công nghiệp Bắc Văn Yên. Trên địa bàn xã bây giờ đã hình thành 02 khu công nghiệp với diện tích 384 ha, trong đó Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn tại thôn Toàn An với diện tích là 105 ha đã đi vào hoạt động. Và con số 58 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại xã thật sự ấn tượng. Những ngành nghề ở đây thật phong phú và đa dạng: chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao; chế biến gỗ rừng trồng; chế biến quế xuất khẩu và chưng cất tinh dầu quế; sản xuất vật liệu xây dựng cùng kinh doanh vận tải… Hoạt động của các công ty, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn duy trì ổn định nhịp độ sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hàng năm ước đạt 97 tỷ đồng. Chuyến thăm thôn Chèm, chúng tôi tranh thủ qua xưởng chế biến gỗ của vợ chồng chị Phạm Thị Loan và anh Trần Xuân Hảo. Nguyên liệu đầu vào là gỗ rừng trồng thu mua tại địa bàn, sản phẩm đầu ra là ván bóc xuất khẩu. Mỗi ngày xưởng gỗ của anh chị sơ chế khoảng 10 m3 gỗ và cho ra từ 5- 6 m3 gỗ thành phẩm, những sản phẩm sơ chế được khách hàng tiêu thụ ngay. Hằng năm, gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng từ công việc này. Bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập ổn định từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Ở Đông An còn có nhiều mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Mô hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế của Công ty TNHH một thành viên Hưng Phát HT, địa chỉ thôn Khe Cạn là một ví dụ. Ông chủ Công ty tuổi đời còn trẻ, quê tận xã An Bình đến đây mở xưởng chế biến quế thanh, quế miếng đóng gói xuất sang Trung Quốc, Trung Đông và Ấn Độ. Và để bảo đảm sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bền vững cho nông dân, Công ty đã ký kết hợp đồng liên kết với nhóm hộ do ông Hoàng Văn Thiện ở thôn Đập Dóm làm đại diện. Lần này đến Đông An, tôi còn gặp anh Ngô Thành Đông ở thôn Đức An, người được tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi” năm 2019. Trong khuôn viên rộng, ngôi nhà 3 tầng nổi bật với kiến trúc đẹp vừa là nơi ở đồng thời là trụ sở Công ty TNHH Đông Yến (tên ghép của vợ chồng anh). Cạnh đó là khu sản xuất với hệ thống nhà xưởng chế biến tinh dầu quế và khu tập kết vật liệu. Cuối năm nên nhịp điệu sản xuất tất bật hơn: những chuyến xe chở lá quế ùn ùn vào kho bãi; mấy lò chưng cất công nghiệp tỏa hơi nóng hầm hập, thơm lừng; xe cẩu nhỏ cái bốc nguyên liệu vào nồi chưng, cái dồn đống lá phế liệu đã qua chiết xuất tinh dầu vào lò đốt. Dù đã cuối giờ chiều nhưng các công nhân vẫn miệt mài làm việc cho ra thành phẩm là những mẻ tinh dầu sóng sánh vàng. Anh Đông tâm sự: "Xưởng chế biến tinh dầu quế của gia đình hoạt động liên tục 3 ca trong ngày với công suất khoảng 20.000 tấn lá quế một năm. Thời điểm này khách hàng chưa nhiều song giá giao vẫn ổn định 450 ngàn đồng/lít”. Được biết, ngoài cơ sở chế biến tinh dầu quế ông chủ doanh nghiệp còn là chủ sở hữu của trang trại đồi rừng diện tích 300 ha tại thôn Đập Dóm. Cùng với trồng quế, bưởi, sắn anh cũng đưa vào trồng thử nghiệm cây mắc ca. Cái con người đầu nghĩ, tay làm dường như luôn nuôi khát vọng tìm ra hướng đi mới, không chỉ mong đổi đời mình mà còn cho cả cộng đồng quê hương.
Từ sản xuất nông lâm nghiệp và sản xuất công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đã góp phần tăng thu nhập của cư dân nông thôn. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 64,01 triệu đồng/người/năm. Đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, con đường phía trước là tiếp tục xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Đông An đang bứt tốc vươn lên trong “kỉ nguyên vươn mình của dân tộc”.
T.Q
Tin khác